Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2020

Nguyễn Hà Uyên - Parasite (2019) kẻ nghèo người lắm tiền đều là ký sanh trùng

Link nguồn: https://uyenhahahaaaaaaa.wordpress.com/2020/05/10/ve-parasite-2019/


Xã hội của đồng tiền – bất bình đẳng và những loài ký sinh

“Nghèo thì sẽ cứ hoàn nghèo … Còn đã giàu thì chỉ có ngày càng giàu lên.”
Cách biệt giàu nghèo, vốn là một chủ đề rất quen thuộc trong những tác phẩm của Bong Joon-ho và với mỗi tác phẩm thì đạo diễn Bong lại có một cách thể hiện mới mẻ, ấn tượng và ám ảnh. Trong ‘The Host’, Bong sử dụng câu chuyện về quần chúng nhân dân tầng lớp lao động chiến đấu với quái vật sông Hàn, trong “Snowpiercer”, bác lại sử dụng hình tượng đoàn tàu với nhiều khoang, mỗi khoang tàu là một tầng lớp trong xã hội, … Với Parasite, Bong Joon-ho cùng với vị đồng biên kịch Han Jin-won ngoài thành công trong việc xây dựng một kịch bản mang tính đột phá về mặt điện ảnh và cả về mặt nội dung. Họ đã có một câu chuyện thế kỷ với nhiều tầng ý nghĩa. Để đạt được điều này, tác giả kịch bản đã sử dụng một hệ thống ẩn dụ khéo léo và tinh tế để lột tả cách biệt đáng sợ trong xã hội hiện đại. Trong phim, hệ thống những chi tiết ẩn dụ được đan cài trong rất nhiều phân cảnh, mỗi chi tiết gợi mở một khía cạnh, một tầng ý nghĩa mới. Tuy vậy có một chi tiết theo tôi có tính biểu tượng với cách phát triển đặc biệt tinh tế mà tôi sẽ sử dụng để phân tích về sự bất bình đẳng xã hội được thể hiện trong câu chuyện này. Đó là chi tiết phiến đá cảnh.
Tảng đá được giới thiệu tới chúng ta từ những cảnh đầu tiên của phim, ngay sau khi ta được giới thiệu về gia đình họ Kim, được giới thiệu rằng họ là một gia đình nghèo. Hãy nhớ lại lần đầu tiên mà tảng đá ấy xuất hiện. Min-hyuk mang tặng gia đình Kim một tảng đá cảnh với ý nghĩa biểu tượng là sẽ mang tới cho gia chủ tiền tài địa vị. Một tảng đá cảnh. Tặng cho một gia đình ngụ dưới tầng hầm ẩm thấp. Quả là một châm biếm đáng buồn. Tảng đá ấy làm gì có ích lợi gì cho gia đình họ Kim? Thậm chí ngay lúc đó, người mẹ, bà Chung-sook còn thì thầm chán nản rằng đáng ra cậu Min có thể mang tặng đồ ăn. Đối với người giàu, tảng đá ấy là một tác phẩm nghệ thuật của thiên nhiên vĩ đại, cái đẹp của nó nằm ở những vết trầm tích, những mảng sần sùi do thiên nhiên tạo nên. Còn đối với người nghèo như gia đình nọ thì tảng đá chỉ là cục đá “chắc là quý lắm” để mà đem ra cọ rửa, là thứ vũ khí, tóm lại cũng chỉ là cục đá không hơn không kém.
Vậy nhưng tảng đá ấy xuất hiện không chỉ là một phép ẩn dụ cho sự cách biệt tầng lớp, nó còn có ý nghĩa đặc biệt khi ta gắn nó với hình ảnh của cậu Ki-woo. Hãy quay lại với phân cảnh nơi tảng đá xuất hiện. Ngay khi Ki-woo mở chiếc hòm đựng phiến đá, ảnh phim hút vào ánh nhìn của cậu tới nó và cắt thẳng đến cảnh Ki-taek cầm tảng đá. “This is so metaphorical” (“Cái này mang thật nhiều ý nghĩa ẩn dụ”) – ngay trong lời thoại, Ki-woo đã khẳng định đây là một hình ảnh ẩn dụ, một hình ảnh mang tính biểu tượng. Đạo diễn Bong Joon-ho có nói rằng: “Nó (tảng đá cảnh) gần như là một nỗi ám ảnh đối với người con trai (Ki-woo)”. Có thể thấy rõ rằng suốt cả bộ phim, Ki-woo luôn bắt chước lại Min, người đưa cậu đến thế giới mới này. Min cùng với tảng đá là nỗi ám ảnh đối với Ki-woo bởi đó là biểu tượng cho khát vọng mãnh liệt của cậu về sự giàu có, về một địa vị cao trong xã hội. Dù là sống trong nghèo khổ, Ki-woo luôn tin rằng nếu anh cố gắng đủ nhiều, chăm chỉ đủ mức, thì một ngày nào đó sự giàu có sẽ thuộc về những người như anh. 
Tảng đá ấy không chỉ xuất hiện một lần, hình ảnh này xuất hiện xuyên suốt bộ phim, tạo thành một hệ thống đi theo nhân vật của tác giả, đi theo nỗi ám ảnh của Ki-woo. Lần thứ hai tảng đá phát huy sức mạnh của mình là khi cả gia đình Kim cùng nhau ăn mừng sự kiện cả nhà Ki-woo đã . Ở đoạn này, hình ảnh người đàn ông say rượu đang làm loạn ở ngoài cửa sổ căn hầm xuất hiện trở lại. 
Khác với lần cuối chúng ta thấy cảnh tượng này, Ki-woo giờ đây mang một tâm thế mới. Cậu và gia đình đang đạt được những thành tựu đầu tiên trong hành trình chinh phục mục tiêu ban đầu mà Ki-woo mong muốn: khát vọng mãnh liệt về sự giàu có và địa vị. 
Lần tiếp theo ta thấy phiến đá, khát vọng của Ki-woo đang bị xáo trộn và trên bờ vực sụp đổ. Sau khi chạy trốn khỏi căn biệt thự của nhà Park, chạy xuống từng nấc thang để về đến căn hộ bán hầm đang ngập trong nước lũ của gia đình mình. 
Ước vọng về tiền tài trong Ki-woo đeo bám cậu không giống như một giấc mơ tươi đẹp với tiềm năng vô hạn. Ước vọng ấy như một vực thẳm hun hút, như một cơn ác mộng đeo bám lấy cậu, giống như cách mà tảng đá đeo bám Ki-woo. “Tảng đá cứ bám lấy con”, lời Ki-woo nói, khi nằm trong khu ở tập trung xập xệ cho những người bị ảnh hưởng bởi cơn lũ, ôm chặt lấy viên đá, ánh mắt mờ đục đi, nhìn vào hư vô. 
Nỗi ám ảnh ấy đau đáu đến vậy có lẽ là bởi dù có mong ước, có khát khao đến đâu, trước mắt những người như cậu, mối lo lớn nhất vẫn là cái gánh nặng mưu sinh, nỗi lo âu kiếm tiền đè nặng. Nỗi ám ảnh về đồng tiền, về cái nghèo đói đeo bám họ mỗi ngày. Họ muốn thoát khỏi nó, muốn vò nát cái nghèo mà ném cho trôi sông dạt chợ đi. Nhưng cuộc đời nghiệt ngã, ông trời có mắt như mù, có cố đến đâu thì nghèo vẫn cứ hoàn nghèo. Ki-woo có nói với cậu bạn mình rằng, “Bố mẹ mình, họ vẫn khỏe mạnh, chỉ thất nghiệp thôi”. Ông Kim có thể thuộc lòng mọi ngóc ngách nơi Seoul, bà Kim từng là vận động viên ném đá chuyên nghiệp, Ki-jeong có khả năng photoshop điêu luyện cùng với đầu óc tinh tế, nhanh nhẹn, và cả Ki-woo, một chàng trai đầy tham vọng, thông minh, có khả năng ngoại ngữ đáng ngưỡng mộ, nhưng tất cả vẫn chìm trong sự ngột ngạt nơi căn hộ ẩm thấp, gấp hộp pizza, hưởng sái thuốc diệt côn trùng, ăn bánh mì ỉu. Chỉ tại không có tiền mà Ki-jeong không thể tiếp tục đi học, mà Ki-woo đăng ký học Đại học mà năm lần bảy lượt đều trượt. Chỉ tại ngoài kia, ngay cả một công việc bảo vệ, một công việc lái xe thuê, cũng phải cạnh tranh với mấy trăm sinh viên tốt nghiệp, kiếm đâu ra việc mà làm? Đó có thể chỉ là những lời biện hộ. Mấy lời biện hộ dạng như “Kế hoạch tốt nhất là không có kế hoạch nào cả”.  Nhưng đó cũng là hiện thực. Khi người ta đã nghèo thì người ta chỉ có thể tính đến ngày hôm nay mà thôi, người ta chỉ có thể cứ thế cuốn vào guồng quay của cuộc sống mưu sinh khốc liệt.
Nói đến đấy, xin phép được trích một đoạn của bài báo “Khôn sống mống chết” của nhà báo Đức Hoàng, một người mà tôi đặc biệt ngưỡng mộ:  
“[…] trước nhiều vấn đề xã hội, đặc biệt là đói nghèo hay bất bình đẳng cơ hội, nhiều người vẫn một mực tin rằng đó hoàn toàn là lỗi của cá nhân. Nghèo nhiều khả năng là lười. Nếu không lười mà vẫn nghèo thì chắc chắn là do thiếu linh hoạt, không biết đường làm ăn. Làm chõ xôi mặn mà đem ra đầu ngõ ấy, ai đó nói, bao nhiêu người họ sống được kia kìa. Mà đã cố xoay sở rồi vẫn không ra đường làm ăn thì hẳn nhiên là do không biết tự giáo dục, trên mạng hay ngoài phố có rất nhiều kiến thức sao không chịu học.  
[…] Phải chăng là chúng tôi tuyên truyền chủ nghĩa cá nhân nhiều quá, lải nhải những luận điệu kiểu Jack Ma – “nếu 35 tuổi vẫn còn nghèo là lỗi do bạn” – nhiều quá, diễn ngôn các tấm gương làm giàu như một nỗ lực nội tại (mà quên không phân tích ngoại cảnh) nhiều quá? Hay là chúng tôi đã phân tích chính sách và vấn đề vĩ mô ít quá, để nhiều người quên rằng bất bình đẳng cơ hội thực sự vẫn là một con quái vật đang đào bới khắp các làng quê, vùng núi, xóm ngụ cư, để lại những hố ngăn không thể lấp đầy?”
Niềm tin của Ki-woo, về việc ai cũng có thể thành công nếu như họ cố gắng, không phải bỗng nhiên mà xuất hiện. Nó được tạo nên từ niềm tin vào lời hứa về một xã hội nơi người ta trọng người tài. Nó được tạo nên từ niềm tin vào một thị trường tự do, nơi ai cũng có thể tham gia, đóng góp cho nền kinh tế đang phát triển và sẽ nhận về được một phần đúng với sức lực và khả năng của mình. Đây là niềm tin vào sự bình đẳng trong xã hội con người trong khi sự thực thì cái “bình đẳng” này chỉ là một ảo ảnh. Cuộc sống của một thiếu gia con của một gia đình triệu phú sống trong biệt thự ở VinHomes, sẽ khác với cuộc sống của một đứa con trong một gia đình tầm trung sống ở khu chung cư nằm ở trung tâm Hà Nội với nguồn thu nhập chính là tiền lương của người mẹ làm văn phòng, sẽ khác với cuộc sống của một đứa trẻ con của một gia đình lao động chân tay sống ở khu nhà “ổ chuột” ven sông Hồng. Đứa trẻ con của gia đình nhà Park có những khởi đầu hoàn toàn khác so với Ki-woo và Ki-jung. Da-hae có gia sư ôn luyện để thi đại học, và chắc chắn sẽ không bao giờ phải bỏ học như Ki-jung. Da-song có người chăm sóc từng miếng cơm manh áo, và chắc chắn sẽ tiến bước được vào xã hội bất kể cản trở gì. Cái chính là, trong cuộc đua leo lên những nấc thang của tiền tài danh vọng, chúng ta chưa bao giờ chạy đua với cùng một tốc độ, cùng một điều kiện, cùng một vạch xuất phát.
Người nghèo thì một nửa đồng tiền cũng là quý. Bà tôi vẫn hay nói nửa đùa nửa thật, rằng tiền có thể không mua được hạnh phúc, nhưng không có tiền thì chẳng có gì để mà đào ra hạnh phúc. Không có tiền thì chỉ có cạp đất mà ăn. Ốm đau bệnh tật, thiên tai bão tố, đất trời lay chuyển gì cũng chỉ biết úp mặt xuống đất mà khóc. Gia đình họ Kim, bạn xem họ sống bằng gì? Cả nhà bốn con người, chui rúc trong một căn hộ “bán tầng hầm” lụp xụp ẩm thấp, gấp hộp pizza thuê cho quán ăn địa phương, bắt wifi chùa của nhà tầng trên, để mở cửa sổ nhận “thuốc diệt côn trùng miễn phí”, “để cho mấy con bọ xít chết tiệt biến hết đi”, rồi bình thản tiếp tục làm việc trong khi cả nhà ho khù khụ. Họ cũng chỉ như những con bọ ấy, bấu víu vào chút đồng lương eo hẹp để sống, chống chọi với những khó khăn để trụ lại đường chạy sinh tồn. Rồi người nghèo còn có người nghèo hơn. Gia đình Kim còn được sống trong một căn căn hộ bán tầng hầm với chút ánh sáng của thế giới bên ngoài. Còn vợ chồng bà quản gia Moon-gwang, họ sống trong một căn hầm, phía dưới một căn hầm, nơi được miêu tả là nỗi xấu hổ nhục nhã của ông chủ Park. 
Người giàu thì khác. Edgar Bronfman Sr. có nói rằng: “Biến $100 thành $110 ta cần công sức, nhưng biến $100.000 thành $110.000, đó là điều hiển nhiên”. Khi người ta giàu, rất nhiều chuyện trên đời là điều hiển nhiên. Bệnh tật, thiên tai, trời đất ngả nghiêng sụp đổ, chỉ cần giàu thì ta sẽ ổn thôi. Họ chỉ cần ngồi đó và sẽ có những người khác đến phục vụ họ. Họ có tài xế riêng, họ có người nấu ăn hộ, họ có người dạy con cho. Họ sống trong sự hiện đại, họ mua đồ từ Mỹ, từ Châu Âu với công nghệ mới nhất. Khi họ giàu, tiền như cái bàn là ủi phẳng đường đời. “Vì họ giàu nên họ mới tử tế. Nếu tôi có đống tiền này, tôi cùng sẽ tử tế thôi”
Đồng tiền quả là có sức chi phối quá lớn. 
Nó hút chặt con người ta vào riết không thể tự giải thoát. Nó chiếm hữu tâm trí con người ta, nó là thứ mà một khi đã có được, con người ta lại muốn nữa, muốn thêm, càng nhiều càng tốt, không bao giờ là đủ. 
Rốt cuộc thì tất cả cũng đều chỉ là những loài vật tham lam ký sinh vào đồng tiền, vào cuộc sống, chỉ là một bên thì bần cùng đến tha hóa, còn một bên thì tha hóa trong cái hạnh phúc giả tạo nực cười. Poster phim được thiết kế với những vạch kẻ ngang che tầm mắt của các nhân vật trong phim.. Ngoài việc những vạch kẻ phân chia thành hai màu trắng đen nhằm nhấn mạnh chủ đề phân chia giai cấp giàu nghèo trong bộ phim, có lẽ đây cũng để thể hiện rằng mọi người trong xã hội đương thời chúng ta, ai cũng như nhau cả thôi, cùng bị che mắt, cùng bị chi phối bởi sức mạnh vô hạn của đồng tiền.
Ta thấy những người nghèo khó nơi tầng đáy xã hội, nơi tận cùng tuyệt vọng, đánh lộn chém giết để được sống và hút cạn những gì có thể kiếm được. Họ như những con ký sinh trùng, ăn thịt lẫn nhau để giành suất bám riết vào vật chủ.
Ta thấy những người giàu hút cạn sức lao động của những người phía dưới họ, về cơ bản là ký sinh lên một vật chủ mang tên tầng lớp lao động. Ta thấy họ dựa dẫm vào đồng tiền, chạy theo cái tiền tài địa vị với lòng tham vô đáy và sự hống hách kiêu ngạo. Họ cũng là những con ký sinh trùng bám vào đồng tiền, vào sinh mạng của người khác.
Cuộc đời và tất cả những nấc bậc trong đời ấy ký sinh lên nhau. Chúng liên kết chặt chẽ, phụ thuộc, không thể tách rời. Và đồng tiền nằm ở đâu đó giữa các khoảng trống, đâu đó bao bọc xung quanh, đâu đó phía trên cùng và cả dưới đáy xã hội.
Bản thân thế giới thực đang trải qua một cơn khủng hoảng làm vạch trần ra những lỗ hổng trong hệ thống, trong ảo ảnh về sự công bằng. Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta có thể làm gì.
Trong Parasite cũng như hầu hết các tác phẩm của mình, Bong Joon-ho luôn đào sâu vào những vấn đề nan giải đầy mâu thuẫn đi cùng với một kết thúc đầy mâu thuẫn. Trong Okja, kết thúc phim cô bé cứu được một con thú của mình, nhưng toàn bộ hệ thống vẫn tiếp tục như cũ, không có gì thay đổi, chỉ là cô bé và con thú của cô được giải thoát khỏi hệ thống đó. Trong Snowpiercer, những người ở khoang cuối sau khi nhận ra họ không thể giải thoát bản thân bằng cách tiến lên phía đầu tàu, họ quyết định phá hủy toàn bộ hệ thống, để lại kết cục với hai người duy nhất thoát khỏi sự phá hủy, đi vào giữa vùng không gian mênh mông vô tận với tương lai mờ mịt qua làn nước mắt lẫn hơi tuyết lạnh. Và với Parasite, Bong đưa người xem vào một tương lai tươi sáng, khi Ki-woo đã thành công, mua được căn nhà, khi người bố cuối cùng ra khỏi căn hầm và ôm lấy cậu, rồi chuyển thẳng đến cú lia máy chậm rãi giống như ở đầu phim. Đoạn phim di chuyển từ cửa sổ xuống dưới cho tới khi hình ảnh Ki-woo hiện ra, nhưng bây giờ không còn là căn hộ bán hầm với ánh sáng từ bên ngoài rọi vào nữa mà tất cả đều đã bị bóng đêm che phủ. Câu hỏi đặt ra là, liệu chúng ta có lối thoát nào không?
Đó có lẽ là một câu hỏi chưa thể có lời giải đáp. 
Nhưng ta vẫn có thế có hy vọng. Ta có thể tỉnh táo mà thay đổi. Bản thân tôi vẫn luôn tin vào lòng tốt và khả năng của nó. Vì rốt cuộc thì, chúng ta sống là để cùng hướng đến một thế giới tốt đẹp và dễ chịu hơn dù chỉ là một chút ít. 
Vì 
“Chúng ta đều đang đứng trước cơ hội để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình”.
Bonus:

Nỗi buồn nghệ thuật

/một vài dòng suy nghĩ sau hai lần xem “Parasite” tại CGV/
“Parasite” đoạt giải Oscar cho đề mục Phim xuất sắc nhất năm nay, cũng như càn quét một loạt giải thưởng trong buổi lễ. Người ta nói nền điện ảnh Hàn Quốc đã bước sang một kỉ nguyên mới.    
Thực ra có lẽ phải nói rằng nền điện ảnh thế giới, cũng như giải Oscar đã có một bước tiến đặc biệt. Lần đầu tiên, một bộ phim của Hàn Quốc đoạt giải Oscar khi Bong Joon-ho và Jin Won-han lên nhận giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất, rồi lần lượt là giải Phim quốc tế xuất sắc nhất, tới giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho Bong, rồi cuối cùng là giải thưởng cao nhất, “Best Picture”. Lần đầu tiên, một bộ phim đại diện cho Hàn Quốc, cho châu Á, đạt một loại giải thưởng đề mục cao của Viện Hàn lâm. Lần đầu tiên Oscar trao giải Phim xuất sắc cho một bộ phim “nói tiếng nước ngoài”, tức phim không sử dụng tiếng Anh.    
Lần đầu tiên, một nền điện ảnh nằm ngoài Hollywood vượt qua được “bức tường” vô hình mà Viện Hàn lâm dựng lên, đạt tới được một phổ khán giả mang tầm thế giới. “Parasite” là chương mở đầu cho một nền điện ảnh nơi người ta có thể mong đợi những bộ phim từ mọi nơi, mọi nhà làm phim trên thế giới, mọi thứ tiếng, mọi phong cách làm phim.     
Mong là vậy.     
Bởi nhìn đi nhìn lại, để đạt được đến thành công này, nền điện ảnh thế giới nói chung và nền điện ảnh Hàn Quốc nói riêng đã phải trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, phải dồn bao nhiêu công sức.      
Nói riêng về “Parasite”, bộ phim này được nhào nặn thành một tuyệt tác của năm 2019 có lẽ không chỉ nhờ vào bàn tay của Bong Joon-ho, một đạo diễn tiếng tăm trong thời điểm hiện tại. Ông là một nghệ sĩ tài năng, một nghệ sĩ lớn, nhưng ông cũng là đứa con của một nền công nghiệp tỷ đô được xây dựng suốt hơn hai mươi năm và chưa có dấu hiệu chững bước. Đằng sau những Bong Joon-ho, những Park Chan-wook (Oldboy, The Handmaiden,…) hay những Park Kwang-soo, Chung Ji-young của những ngày đầu nền điện ảnh này đi vào lịch sử, là những người như Milky Lee, người phát biểu cuối cùng trên sân khấu Oscar lần thứ 92. Bà là phó chủ tịch của CJ Entertainment, người thuyết phục CJ đổ tiền thành lập Dreamworks, người đứng đằng sau thành công của một loạt các tác phẩm điện ảnh thành công nhất nền điện ảnh Hàn Quốc trong 20 năm trở lại, trong đó là một loạt các bộ phim của Bong.               
Nói tóm lại, họ tới được đó, không chỉ vì họ có những tài năng như Bong Joon-ho, mà còn vì họ có những nhà tài phiệt như Milky Lee, vì họ có những CJ đầu tư, sản xuất, bảo vệ tác phẩm của các tác giả của họ. Còn chúng ta thì đang xem phim trên phimmoi.net.    
Nói về Oscar, năm ngoái, Oscar lần thứ 91, Viện Hàn lâm trao giải Phim xuất sắc nhất cho “Greenbook”, đạo diễn bởi Peter Farrelly. “Green book” không phải là một bộ phim tệ. Nhưng nó chỉ ở đó, nó không đạt được tới điều nó cần phải nói. Bộ phim đầy những lỗ hổng và về cơ bản khi đứng bên cạnh “The Favourite”, “Roma” hay “BLACKkKLANSMAN”, bản thân khi xem chỉ biết thở dài chán nản. Có lẽ “Green book” không phải là một bộ phim thực sự “tệ”, có lẽ vào thời điểm đó chúng ta đều chỉ biết thở dài và tự chấp nhận với bản thân rằng ta không mong chờ được gì nhiều vào Oscar. Vì đã có quá nhiều câu chuyện xảy ra với nền điện ảnh này và việc một tác phẩm đáng được tôn vinh bị đẩy ra ngoài lề vì một vài lý do không còn là sự kiện gì đáng ngạc nhiên nữa. Thế nhưng năm nay, chúng ta có “Parasite”, và có lẽ dù ít dù nhiều thì những người yêu nghệ thuật nói chung và yêu điện ảnh nói riêng đều có thể nhen trong lòng mình một chút niềm tin rằng rồi đây những tác phẩm thực sự xuất sắc sẽ nhận được những tràng pháo tay mà nó xứng đáng, những người tài năng sẽ nhận được những gì mà họ đáng ra phải nhận được. Ít nhất ta được quyền hy vọng, vì mọi thứ đều phải bắt đầu từ một khởi điểm nào đó.            
Và rồi ta nói về điện ảnh Việt Nam. Hoặc là câu chuyện về nghệ thuật và nền công nghiệp giải trí Việt Nam.                  
Tôi may mắn có nhiều dịp được tham gia hỗ trợ hoạt động truyền thông cho các buổi ký tặng sách ngoài Hà Nội của bác Nguyễn Nhật Ánh. Hầu hết các buổi ký tặng đều khá giống nhau, đều vui, hơi mệt nhưng mọi thứ đều dễ thương. Những điều nổi bật thì ngoài rằng hàng người hâm mộ sách bác đứng trải dài tít tắp đứng mấy tiếng vẫn cười tươi, rằng bác Ánh dễ thương dễ mến và đặc biệt rất quan tâm đến những người xung quanh, thì còn rằng là bác Ánh không ít lần vướng vào mấy tình huống khó xử như là có những bạn vô tình mua phải sách lậu, bác phải bảo đó là sách giả, đề nghị đổi cho các bạn sách thật.                
Tác giả in sách ra thì có sách lậu đi theo.  Mãi mới có họa sĩ tạo ra những tác phẩm có giá hàng chục nghìn đô trên thị trường đấu giá thì đám lái tranh giao bán tranh giả với số lượng lớn. Ca sĩ, ca sĩ thì người ta chẳng buồn cho ra album nữa luôn. Người làm phim cho ra phim, có ngay phimmoi.net cho ra theo bản HD hoặc không HD lắm miễn phí cho cả nhà cùng xem. Bác Chánh Tín đổ tiền cho Charlie Nguyễn làm “Dòng máu anh hùng” rồi lao đao phá sản vì phim bị sao chép, không bán được.                  
Ở một diễn biến khác, “Vợ Ba” đoạt giải ở Liên hoan phim Toronto, “Xích lô” thắng lớn tại Liên hoan phim Venice, bị cấm chiếu ở nước nhà. “Song Lang” sau khi ẵm về vô số giải thưởng trong và ngoài nước, doanh thu phòng vé thấp một cách đáng buồn. “Mùi đu đủ xanh”, phim đầu tiên của Việt Nam nhận được đề cử cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscar lần thứ 66, hiện tại vẫn đang miễn phí trên youtube và chỉ có hơn 300.000 lượt xem một chút. Và nhiều câu chuyện buồn khác.             
Câu hỏi đặt ra là, người ta phải đi đến đâu, làm thế nào, mới có thế sống với nghệ thuật?            
Bản thân tôi, từ ngày có chút nhận thức về cuộc sống, về con người mình, về tương lai, vẫn luôn biết rằng mình sẽ luôn hướng về nghệ thuật, sẽ sẵn sàng chiến đấu để trở thành một phần của thế giới mà tôi tin rằng bản thân thuộc về. Đồng thời với nhận thức đó, bản thân vẫn luôn luôn lo lắng về lựa chọn của mình. Ngoài những lo lắng về việc học tập, về tài chính, về sự nghiệp tương lai, có một nỗi lo lắng vô hình đeo bám tôi từ ngày tôi quyết định quay trở lại chọn Văn làm môn chuyên vào cuối năm lớp 9, sau quãng thời gian gần hai năm trời theo đuổi chuyên Hóa. Câu chuyện chẳng có gì mới mẻ, nhưng sự kiện đó làm cho tôi nhận ra hai điều. Điều thứ nhất, thái độ của mọi người với một con bé chuyên Hóa khác biệt vô cùng so với khi nó chuyên Văn. Sự khác biệt nực cười xuất phát từ chuyện phân biệt đối xử giữa những môn tự nhiên và những môn xã hội từ ngày xã hội đổi mới. Điều thứ hai, tôi thực sự không đủ sức để quan tâm tới điều thứ nhất, nhưng bản thân tôi vẫn luôn tự đánh giá chính con đường của mình. Tôi đã lòng vòng mãi trong suy nghĩ: rốt cuộc thì nghệ thuật có tác dụng gì cho cuộc đời này? Tôi luôn đặt ra cho bản thân sứ mệnh rằng phải làm được điều gì có ích cho đời, một điều gì thiết thực, một việc nào đó không “thượng đẳng”. Tôi cứ tự hỏi liệu việc mình lựa chọn con đường này có phải là đi ngược lại với sứ mệnh mà tôi đặt ra cho bản thân?                       
Và hơn cả, liệu cuộc sống có cho phép những người như tôi được sống đúng nơi chúng tôi tin bản thân thuộc về?                    Không biết nói gì hơn ngoài tiếp tục cố gắng, tiếp tục hy vọng.               
Bởi lẽ, xin phép mượn câu nói trong “Dead Poet Society”:
"Chúng ta không đọc sách và viết thơ vì nó dễ thương.  Chúng ta đọc và viết vì chúng ta là một phần của loài người, và loài người thì luôn tràn ngập những đam mê. Y tế, Pháp luật, Kinh tế, Kỹ thuật, là những đeo đuổi để ta duy trì sự sống. Còn cái đẹp, chất thơ và tình yêu, đó mới là những gì là lý do cho ta sống và theo đuổi”

1 nhận xét:

Không ai cả nói...

Cái hay nhất của bài viết chính là sự phát hiện ra rằng: "Cả người lắm tiền và người nghèo đều là ký sanh trùng".
Khiến bác liên tưởng đến ông Diogenes người nổi tiếng theo trường phái Cynics mà bác đọc trong "Sophie's World" của Jostein Gaarder.
The best known of the Cynics was Diogenes, a pupil of Antisthenes, who reputedly lived in a barrel and owned nothing but a cloak, a stick, and a bread bag. (So it wasn’t easy to steal his happiness from him!) One day while he was sitting beside his barrel enjoying the sun, he was visited by Alexander the Great. The emperor stood before him and asked if there was anything he could do for him. Was there anything he desired? “Yes,” Diogenes replied. “Stand to one side. You’re blocking the sun.” Thus Diogenes showed that he was no less happy and rich than the great man before him. He had everything he desired.
Bác tạm dịch là:
Triết gia nổi tiếng nhất trường phái Cynics là Diogenes, một học trò của Antisthenes. Diogenes với danh tiếng chỉ sống trong một cái thùng và không sở hữu gì ngoài cái áo choàng , cây gậy và túi bánh mì. (Do vậy chẳng dễ gì mà đánh cắp hạnh phúc từ ông ấy!) Một hôm, khi đang ngồi bên cạnh cái thùng và thưởng thức mặt trời, ông được Alexander "the Great" (Đại Đế) đến thăm. Vị hoàng đế đứng trước mặt và hỏi xem có cái gì đó ngài có thể làm cho ông không? Ông có mong muốn cái gì không? “Có,” Diogenes trả lời. “Hãy đứng sang một bên. Ngài đang chắn mặt trời.” Như vậy, Diogenes cho thấy ông hạnh phúc và giầu có chẳng kém người đàn ông vĩ đại đứng trước mặt mình. Ông có mọi điều mà ông muốn.