Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Thư gửi con gái 9

Gửi con gái!
Hôm nay ba viết với con về “sự tự tin”.
Con có bao giờ tự hỏi bản thân rằng: “mình có đủ sự tự tin hay chưa?”. Con có bao giờ con quan sát xung quanh để biết được ai là người tự tin và ai không dám tin vào bản thân mình?
Niềm tin của con người thật là rất phức tạp con ạ!
Con người thường bị chi phối bởi nhiều “đức tin” khác nhau. Giỏi như tổng thống Mỹ nhưng cũng không dám tự tin vào bản thân mình. Thế nên khi nhậm chức luôn đặt tay lên Kinh Thánh để tuyên thệ. Và luôn có câu “God bless!”
Ở VN hầu như mọi người đều tin vào chuyện thờ cúng tổ tiên. Bởi vậy hầu như nhà nào cũng có bàn thờ gia tiên. Đối với những người có đủ sự tự tin thì bàn thờ gia tiên là nơi để người ta tưởng nhớ công đức sinh thành mà thôi. Còn những chuyện liên quan tới những điều may, rủi không liên quan đến bàn thờ gia tiên.
Bây giờ ở VN còn có một mối liên kết ngấm ngầm giữa nhà cầm quyền với đạo Đại Thừa, chẳng thế mà chùa chiền rồi nghi lễ cầu siêu, giải oan, cầu hồn, các trò mê tín của Đại Thừa phát triển rầm rộ. Đối với những người theo đạo Phật chính thống thì họ luôn tự tin vào bản thân, tất cả những trò cúng tế mê tín họ sẽ không bao giờ làm. Họ quỳ dưới chân tượng Phật Thích Ca là để tỏ lòng kính ngưỡng tới vị thầy vĩ đại của loài người mọi thời đại mà thôi. Họ không cầu xin gì cả.
Ngày xưa ở Greece (Hy-lạp), ở thành phố Delphi, nơi đền thờ thần Tiên tri Apollo, người ta luôn đến đó để hỏi về tương lai vận mệnh. Rất nhiều nhà lãnh đạo của các đất nước luôn không dám đưa ra những quyết định quan trọng trước khi có được lời tiên tri của thần Apollo.
Phía trên cổng vào của ngôi đền ở Delphi là một hàng chữ khắc bia nổi tiếng: KNOW THYSELF! HÃY TỰ BIẾT MÌNH! Điều đó nhắc nhở những người ghé thăm ngôi đền rằng con người đừng bao giờ tự tin ở bản thân vượt quá mức một phàm phu – và rằng không ai có thể thoát khỏi định mệnh.
Ngày nay khoa học đã tiến bộ vượt bậc. Nhiều điều vốn xưa kia là bí ẩn thì nay đều đã sáng tỏ dưới ngọn đèn khoa học. Nhiều điều vốn xưa kia phải dùng đến sự hiện diện của các vị thần để giải thích thì nay đã giải thích rành mạch bằng khoa học.
Thời xưa bất cứ chuyện gì đều đổ tại thần linh. Ví dụ mưa thì có thần mưa, sấm có thần sấm, mùa đông có nữ thần băng giá, mùa xuân có nàng tiên mùa xuân. Trước khi quyết định chuyện gì lớn đều đến xin ý kiến thần tiên tri Apollo. Ốm đau thì bảo tại thần gì đó nổi giận, muốn khỏi ốm thì phải cúng tế...
Ngày nay người ta đã bỏ đi mấy vị thần xuân hạ thu đông, vì khoa học đã cho người ta thấy đó là do sự vận hành của trái đất trên quỹ đạo nghiêng 23 độ 27 phút.
Mấy ông thần sấm, thần mưa, thần gió, cũng đã bị loại bỏ. Mưa thì do hơi nước ngưng tụ lại đủ nặng để rơi xuống tạo thành mưa. Gió thì bởi sự chuyển động của không khí từ nơi áp cao đến nơi áp thấp. Sấm sét chẳng qua là hiện tượng phóng điện giữa những đám mây tích điện trái dấu.
Và còn rất nhiều những vị thần khác đã bị gạt ra khỏi “đức tin”. Họ chỉ còn tồn tại trong truyền thuyết, thần thoại mà thôi.
Thế nhưng những lãnh đạo chính trị ở mọi các quốc gia trên thế giới vẫn cứ tin vào bói toán và thần linh. Ở VN mình, ngày khai ấn Đền Trần, những vị khách được phát ấn đầu tiên bao giờ cũng là các vị nguyên thủ quốc gia. Chuyện kỳ khôi mà rất thật!
Họ đem vận mệnh quốc gia đánh cược vào mấy cái ấn! Nhảm nhí đến mức đó!
Và vẫn còn rất nhiều người tin vào những thế lực siêu nhiên liên quan đến chính trị, làm ăn, và sức khỏe. Minh chứng là người ta đi chùa, đền lễ bái bao giờ người ta cũng cầu xin ít nhất 3 thứ đó con nhỉ! Nếu con nghe thì sẽ thấy người ta cầu thế này: “Con nam mô A-di-đà Phật, con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật... hôm nay con có chút lễ mọn lòng thành dâng đến cửa ngài, con đem thân đến bái, đem đầu đến khấn... cầu đức ngài phù hộ độ trì cho con đầu năm cho chí cuối năm luôn luôn được mạnh khỏe (1- tham sức khỏe), làm việc luôn hanh thông, thông đồng, bén giọt (2- tham chính trị), buôn một lãi mười, tiền vào như nước tiền ra nhỏ giọt (3- tham lợi lộc).”
Về ví dụ thực tế, có cả hàng tỉ chuyện, ba chỉ có thể kể mấy chuyện thế này:
Chẳng hạn như chuyện tàu chạy tàu băng qua xích đạo, có người bảo phải cúng đầu lợn rồi thả xuống biển ở đúng xích đạo để biếu thần Neptune, rồi những ai đi qua xích đạo lần đầu phải cạo trọc đầu bôi vôi... hi hi... ba nghe thấy buồn cười. Và ba không làm bất cứ chuyện gì cả vì ba không tin chuyện đó.
Trên tàu có cái anh Nguyễn Văn Ph. – thực tập, là cháu gọi bà Kh. Anh ấy rất là “cute” con ạ! Cao 1.8m, da trắng, xinh như trai Nam Hàn, bạn con chưa thấy ai “cute” như anh ấy. Ở trên tàu thường mọi người nhờ nhau cắt tóc. Cái anh Ph. đó cũng nhờ một anh khác cắt tóc. Nhưng người bạn đó xấu chơi, rũi cho anh Ph. quả đầu 1cm. Thế là anh Ph. cả ngày 24 tiếng cứ đội cái mũ xùm xụp. Đi ngủ cũng đội. Ba gặp ở trong phòng ăn của tàu, ba hỏi “ủa phòng này bị giột hay sao?”. Anh ấy thẹn thùng không nói gì. Con biết vì sao không? Anh ấy thiếu tự tin ở bản thân.
Ba về phòng lấy cái tông-đơ vừa mua ở Nhật, ba tự mình rũi trọc đầu, tóc còn ngắn hơn của anh Ph. Rồi tắm rửa sạch sẽ. Sau đó ba đi nghênh ngang khắp tàu để khoe quả đầu mát nhất thế giới. Cả tàu, từ già đến trẻ, cứ mắt tròn vo nhìn ba ngỡ ngàng và hỏi ba “tại sao?”. Ba cười bảo: “mới mua cái tông-đơ ở Nhật nên thử dùng xem nó chất lượng ra sao”. Chú Đoàn - thủy thủ trưởng, là người vẫn cắt tóc cho ba, chú ấy bảo: “Ui, bác có muốn thử tông-đơ thì bảo em một câu, ai lại bác là bộ mặt của cả tàu mà lại thế này”. Ba cười bảo: “ngoại hình chỉ là ngoại hình”.
Rồi một ví dụ khác, hẳn con biết chú Biên chồng cô Ngọc là giám đốc một doanh nghiệp khá nhiều tiền ở đất Thăng Long. Chú ấy không bao giờ ăn mực vì... sợ đen. Chú ấy giỏi lắm đấy, làm ra không biết bao nhiêu là tiền, nuôi sống đến cả hơn 500 nhân công, nhưng cũng không dám tự tin vào mình. Mà lại gửi niềm tin nơi siêu nhiên nào đó.
Rồi một ví dụ khác, là ông Quên trường ba, ông ấy cũng rất lắm tiền và quyền lực. Vậy mà một lần ba nghe thấy ông nói với bộ tướng của ông ấy thế này “hôm nay ngày Quả Tú, tao không muốn bàn mưu tính kế làm ăn gì vào hôm nay”... hóa ra ông ấy cũng gửi niềm tin nơi siêu nhiên nào đó. Cũng không dám tự tin nơi bản thân mình.
Rồi là bác D. bác ấy là giám đốc. Năm 2013, công ty gặp một số chuyện sự cố. Thế là bác ấy mời thầy đến cúng chúng sanh trước cửa công ty, rồi thầy vào phòng của bác ấy xoay lại hướng cái bàn giám đốc. Ba cười bảo “mê tín, nhảm nhí”. Bác ấy cáu và bực ba lắm. Bảo “mày không tin thì thôi, cũng không cần phải phát biểu!”. Ba cười rồi quay lưng bỏ đi.
Vậy là đúng như lời nhắc nhở trên cổng đến thờ thần Apollo con nhỉ! KNOW THYSELF! HÃY TỰ BIẾT MÌNH! Con người đừng bao giờ tự tin ở bản thân vượt quá mức một phàm phu = Phải tin vào Thần Thánh, dù có giỏi đến mấy.
Nhưng một điều phi lý mà họ không bao giờ nhận ra hoặc cố tình không nhận ra rằng: Cho dù tất cả họ tin vào Thần Thánh, các thế lực siêu nhiên. Vậy nhẽ ra tất cả họ phải được sung sướng như nhau chứ! Ông quan thì đến chùa cầu là làm quan tham nhũng nhưng không bị bắt = giống với giám đốc doanh nghiệp cầu xin là trốn thuế không bị bắt = gian thương cầu xin buôn lậu không bị bắt = thằng trộm cầu xin đào tường khoét ngạch không bị bắt = gái điếm cầu xin mọi việc đều thông đồng bén giọt.
Nghĩa là thủ tướng chính phủ = công bằng như gái điếm. Cùng mang lễ đến cửa chùa, cửa đền như nhau, cùng cầu xin những điều giống nhau. Nhưng hình như Thần Thánh không công bằng lắm thì phải?
Vậy đến đây hẳn con hiểu ba muốn nói như thế nào về “sự tự tin”. Do đó hãy cứ vui vẻ sống. Làm những điều mình thích. Trau dồi kiến thức để nâng cao sự tự tin trong lòng. Ăn mặc kín đáo không hở hang mang lại sự an toàn cho mình. Tôn trọng tất cả mọi người. Đối xử nhân ái hiền lành với mọi người. Buông xả vệ sinh tâm hồn thường xuyên. Nhân quả là công bằng. Làm mọi việc cẩn trọng tỉ mỉ. Không kiêu mạn ngay từ trong tâm. Sống sao cho không hại mình, không hại ai. Không tham lam, sân hận, si muội. Tự khắc luôn tự tin ở bản thân.
Mấy lần ba nói với con rất thật rằng: con cắt tóc ngắn như em trai con để tắm gội cho nhanh. Đó cũng là một phép thử để con tự thấy bản thân con tự tin đến mức nào.
Nếu con không vượt qua được cái định kiến rằng “là con gái thì phải thướt tha yểu điệu” thì con cũng sẽ không vượt qua được cái định kiến rằng “thiên chức của phụ nữ sanh ra là chỉ làm người đứng sau lưng người thành công”. Ba nói đến chuyện cắt tóc ngắn chỉ là một ví dụ nhỏ trong cuộc  đời.
Ba viết cũng dài quá rồi. Thế thôi nhé!
Ba chúc con gái yêu thương của ba vui và sẽ học được nhiều điều trong xã hội thực tế chứ không chỉ lý thuyết suông như ba.


Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Thư gửi con gái 8

Gửi con gái!
Ba cảm ơn con gái đã viết thư cho ba!
Chà... con thấy không, ba con mình nói chuyện cởi mở như thế này tốt hơn rất nhiều phải không? Ba mẹ sanh con ra, nuôi con lớn, yêu thương con hết lòng, nhưng đâu phải là ba mẹ có thể hiểu hết được tâm tình của các con. Với em trai con cũng vậy, ba mong con và em cũng cố gắng nói chuyện và lắng nghe lẫn nhau, thay vì cứ hơi một chút là cãi nhau. Ai cũng dùng cái tôi của mình để át cái tôi của người kia thì cho dù cùng sống trong một nhà vẫn là ở hai bên giới tuyến con nhỉ!
Ai da! cái bạn Mỹ nói rằng: con gái ba ngố! Nhìn đời bằng lăng kính màu hồng. Phải thế chăng? Vậy con nên tham gia vào các công tác xã hội nhiều hơn để hiểu thêm chút chút về cuộc đời. Nhưng cũng nên tham khảo mẹ con trước khi tham gia vào việc gì đó. Mẹ sẽ cho con những lời khuyên cần thiết phải không?
Tuy nhiên bạn Mỹ có nói đến chuyện lừa đảo. Nếu nói vậy, ba đến ngần này tuổi rồi vẫn có thể bị lừa. Thậm chí là bà nội, ông bà ngoại vẫn có thể bị lừa như thường con ạ.
Vậy chuyện lừa đảo xảy ra thế nào: Thông thường nó có 2 điều kiện:
1.      Kẻ lừa đảo thấy mình có cái để người ta muốn chiếm đoạt.
2.     Mình bị lừa vì mình tham miếng mồi mà họ đưa cho mình.
Con gái ạ, thiếu 1 trong hai điều kiện trên chuyện lừa đảo sẽ không xảy ra. “Thiên hạ nhân, thiên hạ tài”, “Núi cao có núicao hơn”... Bởi vậy dù bất cứ là ai, khôn mấy cũng có người khôn hơn. Thế nên ai khôn mấy cũng có thể bị kẻ khôn hơn lừa.
Vậy thì mình làm người ngốc đi con, ngốc đến mức mà người ta không lừa nổi mình. Là sao? Là mình đừng có tham bất cứ miếng mồi nào dù ngon ngọt đến mấy mình cũng không tham. Thế đấy con ạ! Chính vì ba không muốn đau đầu, nên đến nay ba vẫn làm một người ngốc giữa bầy đàn toàn kẻ ranh ma.
Và con gái ạ! Ba vẫn nhìn đời bằng lăng kính màu hồng đấy!
Con gái biết không, thế giới này vốn được kiến tạo bởi những thứ đối lập nhau. Phải có mùa đông thì mới có mùa xuân. Nếu con không biết về mùa đông, con sẽ không định nghĩa được mùa xuân. Phải có cái ác thì người ta mới biết như thế nào là điều thiện. Phải có chiến tranh thì người ta mới khát khao hòa bình. Thế nên phải có người ngốc như ba và con thì người ta mới biết thế nào là người ranh ma như ông Quên hay bác D. Bởi vậy có người nói: “Nếu trước mắt bạn có một kẻ đang làm việc xấu, thì bạn hãy cứ tin ở đâu đó đang có người làm việc thiện”.
Hai mặt đối lập luôn đối kháng nhau và song cùng tồn tại con ạ. Nếu mất hắn một vế, thế giới sẽ mất cân bằng.
Có sự vui mừng trong việc chào đón một đứa bé ra đời thì cũng phải có sự đau buồn tiễn đưa một người về bên kia thế giới. Bởi nếu người ta chỉ sanh ra mà không mất đi thì thử hỏi liệu có còn không khí cho người ta thở hay không.
Vì vậy ba vẫn khuyến khích con tham gia vào mọi việc để học đời. Nhưng con cũng đừng lo là mình còn ngốc. Mình sẽ ngốc nhất đi, để không tham cái gì cả, lúc đó ai muốn lừa mình nữa?
Về chuyện “chân thành”, con gái ạ, ba đâu chỉ nói riêng về chuyện tình yêu. Và chính con cũng đã nói là chuyện tình bạn cũng phải có thời gian và thử thách đó thôi. Con đọc sách nhiều, hẳn con đã nghe câu chuyện liên quan đến câu nói “A friend in need is a friend indeed”.
Cũng có một câu nói khác thế này: “Để khen một ngày đẹp trời, hãy đợi đến hoàng hôn. Để khen một tình bạn đẹp hạy đợi đến cuối đời”
Thế nên khi con kể rằng Q. A. và bạn bè con khen bạn C. và bạn A. là “thật thà”, “chân thành”, “thẳng thắn”, “tinh tế”... ba mới hoài nghi con ạ.
“Bạn bè con đâu phải là những người sa ngã”, ba nghĩ là ba không nói rằng bạn bè con “sa ngã”. Ba chỉ nói rằng bạn con có những đứa đã “trải qua đủ trò ăn chơi”. Vì vậy nếu nó tốt thì nó sẽ rất tốt. Nhưng ngược lại nếu nó xấu thì rất nguy hiểm. Trong khi mình không bao giờ biết được là nó “thật tốt” hay “giả tốt”.
Về việc ba khuyên con đồng hành cùng những bạn như bạn Tuệ. Nếu Tuệ rời xa con thì con đúng là không níu kéo được. Vậy con phải kiếm những bạn khác có hoàn cảnh tựa tựa mình thì dễ đồng cảm hơn phải không? Và con chơi thân với Đạt. Và nếu đúng Đạt là một “friend indeed” thì bài báo trên Dân Trí đang được con vận dụng rất tốt đấy! Ba trích dẫn lại một lần nữa nguyên văn bài báo đó viết thế này:
“Tình bạn của phụ nữ luôn rắc rối. Đám bạn gái mà con đang thân thiết có thể nói với con rất nhiều lời hoa mỹ, nhấn mạnh đến tỉ lần rằng họ rất yêu con, luôn hết lòng vì con hay trân trọng tình bạn thân thiết mà con và họ đang có... Nhưng so với đàn ông, tình bạn của phụ nữ lại kém bền. Cho nên hãy tìm cho mình một người bạn khác giới, không phải người yêu, nhưng cực kỳ thân thiết và tin tưởng. Hiếm có tình bạn giữa đàn ông và đàn bà, nhưng một khi đã tồn tại - rất quý giá!”
Ba mong Đạt sẽ luôn là bạn tốt của con!
Ha ha... con dùng từ “thanh mai, trúc mã” để nói về con và Đạt, kẻo lại để bác Tuyên và cô Hương hiểu lầm!
Về chuyện bạn A. và bạn C. ba không nói đến nữa. Tuy nhiên, con cũng không cần phải đặt ai vào hoàn cảnh đặc biệt để thử thách. Mọi việc cứ kệ nó tự nhiên và rồi mình dần dần nghiệm ra mọi điều con ạ. Thêm một người bạn tốt vẫn hay hơn là thêm một kẻ thù con ạ.
Về việc đối với mẹ con ba không phải là một “người chồng hoàn hảo” thì hẳn rồi. Ba công nhận là con nói thẳng rất đúng, và ba không giận đâu. Ba mong muốn các con luôn nói thẳng thật với ba, thì làm sao mà giận chứ!
Ngày trước ba cũng gia trưởng nhiều, bây giờ nhờ đọc thêm vài quyển sách, nên ba cũng học cách cố gắng tránh cách suy nghĩ mang tính “gia trưởng”. Nhưng việc ba góp ý mẹ con trồng rau thay vì đi bộ thì không liên quan đến chuyện “gia trưởng”. Tuy nhiên mẹ con không nghe thì ba cũng thôi. Nếu ba dùng quyền lực để bắt ép thì mới là “gia trưởng” chứ!

Thế nhé! Ba tạm dừng bút. Chúc con gái yêu luôn vui vẻ nhé!

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Thư gửi con gái 7

Gửi con gái!
Con viết cho ba một lá thư dài. Ba cảm ơn con gái vì điều đó.
Vì là thư dài nên có lẽ ba phải nghiên cứu từng vấn đề riêng biệt.
1/ Về việc bạn C. và bạn A. nói với con rằng “làm người yêu tớ nhé!”. Xét riêng về câu nói thì không có gì để đánh giá phẩm chất đạo đức như ý kiến của con là đúng. Nhưng xét về tổng thể thì rõ ràng là thiếu đạo đức. Bố mẹ các bạn ấy lao động để nuôi lớn bạn ấy, cho bạn ấy đến trường, mong bạn ấy học hành tử tế. Vậy mà các bạn ấy học không lo học, lo lãng phí thời gian vào việc khác, vậy có đáng trách?
Với ba từ “YÊU” là rất nghiêm trọng. Khi một người có thể đảm bảo trách nhiệm của mình cho tương lai của người mình yêu thì lúc ấy mới nên nói đến từ “yêu”. Bạn của con nói đến từ “yêu” một cách dễ dàng và lãng xẹt, con nghĩ bạn ấy có trách nhiệm gì không? Nếu không có trách nhiệm, vậy có đạo đức không?
Năm 1995, lúc ấy ba học năm cuối đại học, mẹ con học năm cuối cao đẳng, còn 6 tháng nữa là cả ba và mẹ cùng ra trường. Lần đầu tiên ba nói với mẹ con rằng, lời tỏ tình của ba thế này “em có yêu anh không?” Ba không hề dám nói rằng “anh yêu em”, cũng không dám nói rằng “em làm người yêu anh nhé!” Bởi vì tương lai phía trước của cả ba và mẹ còn rất mơ hồ.
2/ Bạn C. và bạn A. không bao giờ khen con. Ba thấy có cảm tình với các bạn ấy khi các bạn ấy cư xử như vậy. Các cụ bảo “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Ba vẫn nói với sinh viên của ba “đừng sợ người chê mình, chỉ sợ người khen mình”. Người khen mình hoặc là dốt hơn mình thì mới khen mình hoặc là không muốn chỉ dạy mình thì mới khen mình. Tuy nhiên câu mà các bạn ấy chê con thì ba lại không thích “Mày là con gái mà không biết nấu ăn”. Câu này ba xổ toẹt! Con biết vì sao không? Vì các bạn ấy còn bé mà đã có đầu óc phong kiến coi việc áp đặt rằng “sinh ra làm đàn bà con gái là phải có nghĩa vụ biết nấu ăn để phục vụ cho sự hưởng lạc của đàn ông”. Ba căm ghét quan điểm đó!
Tuy nhiên nếu nói như người mẹ trong bài viết “Làm thân con gái...” đăng trên báo Dân Trí thì lại rất đúng!
“Nấu ăn, thêu thùa, may vá… con đều nên biết, dù mỗi thứ một ít, con ạ. Không phải vì xã hội coi đó là chuẩn mực, mà đơn giản vì biết những kỹ năng ấy luôn tốt cho con. Con không thể sống sót nếu không biết tự mình tạo ra thức ăn cho mình, con có thể nghèo nhưng không thể mặc áo rách.”
Rốt lại, việc nấu ăn, nữ công gia chánh con có làm hay không là vì bản thân con thôi chứ không phải vì bất cứ một định kiến nào cả. Càng không phải vì bất cứ một ai cả.
3/ Bạn bè và cô Q. A. khen bạn con “thẳng thắn, thật thà, chân thành, tinh tế”... Điều này ba nghi ngờ, vì sao ư? Vì chính con kể với ba câu chuyện rằng Thế Giới này có 7 tỷ người, trong đó có 3,5 tỷ người là đàn ông. Nhưng 3,5 tỷ đàn ông đó chung quy lại chỉ có 3 loại người:
 Loại A) Lừa mình cả đời.
 B) Lừa mình nửa đời.
 C) Yêu thương mình, chân thành với mình và bao dung mình cho dù mình làm bất cứ chuyện gì sai trái.
Ba không có ý định phủ định những gì bạn bè và cô Q. A. nói. Nhưng mới có thời gian ngắn như vậy, từ khi học lớp 10 đến nay, lại chưa trải qua một trở ngại khó khăn thử thách gì, làm sao dám khẳng định những lời hay và đẹp như thế về người khác. Phải chăng có quá hồ đồ không? Ba và mẹ ở với nhau đến nay gần 20 năm, nghèo khổ, đói khát, vất vả, ốm đau, bệnh tật đã từng... giờ vẫn còn ở với nhau. Mẹ con còn chưa dám chắc ba có 100% là người “tử tế, thật thà, chân thành” hay không? “Tinh tế” thì hẳn là ba không có một chút nào rồi.
4/ Về chuyện tặng quà, cái này có liên quan đến Q. A. Ba vẫn giữ quan điểm của ba. Tốt nhất là không tặng quà và nhận quà với bất cứ lý do gì. Q. A. thích phong trào vui nhất thời, khuyến khích bọn con vui chơi và tặng quà lẫn nhau nhân các dịp này dịp nọ. Ba rất không đồng ý. Vì tế nhị ba không phản đối trực diện.
Nếu Q. A. tìm cơ hội cho các con thay vì tặng quà lẫn nhau mà đi làm thiện nguyện thì tốt hơn rất nhiều.
Thứ nhất các con vẫn đang xài tiền chu cấp bởi cha mẹ, vậy mà mua những món quà đắt tiền, nên chăng?
Thứ nhì việc tặng quà lẫn nhau khiến cái bản ngã của các con leo thang. Các con sẽ có phản xạ sống trong điều kiện được người khác tôn sùng trọng vọng. Nhưng nếu các con đi làm thiện nguyện các con sẽ nhìn thấy còn quá nhiều những bạn đồng trang lứa với các con đang rất khổ. Lúc ấy trái tim các con sẽ hiền hơn, bao dung hơn, các con sẽ có ý thức hơn trong việc sử dụng từng giọt nước, từng mảnh giấy vụn...
Ba chưa bao giờ mua gì tặng bà nội con. Ba chưa bao giờ mua gì tặng mẹ con mang ý nghĩa là quà tặng. Vậy là ba của con không yêu thương bà nội con sao? Vậy ba của con không yêu thương mẹ con sao?
Ba có mua cái gì đó biếu bà hoặc biếu tiền bà vì đôi lúc ba thấy bà cần cái đó. Ba có mua cái đó cho mẹ con vì ba thấy mẹ con cần cái đó. Nhưng không có dịp nào cả. Chẳng 8/3, chẳng 20/10, chẳng 20/11, cũng chẳng phải sinh nhật.
Thế nên con nói với bạn con rằng: “lần sau ngoài sinh nhật con ra đừng tặng quà gì nữa!” Ba thấy rất đúng! Mà sẽ còn đúng hơn nữa nếu con nói: “Đừng bao giờ tặng quà tớ nữa vì bất cứ lý do gì”
Con ạ! Nhận quà là mất phước, mà mình đâu có nhiều phước lắm đâu để hoang phí như vậy.
5/ Chuyện 20/11, mẹ con có học sinh đến thăm. Chuyện này đâu cấm được. Ngày xưa hồi ba còn nhỏ như con bây giờ, 20/11 và Tết, cả đám học sinh bọn ba kéo nhau đạp xe đến hết nhà thầy này cô kia. Hồi ấy bọn ba đi đến nhà thầy cô chỉ có đúng một bó hoa. Thậm chí đói còn lục cơm nguội nhà thầy cô để ăn. Ba nghĩ mẹ con cũng giống thế. Mãi đến khi bọn ba là sinh viên thì mới biết chung nhau mua chai rượu vang đến nhà thầy, rồi khui luôn tại chỗ thầy trò sì sụp uống với nhau. Thế nên, nếu là có tấm lòng với nhau không cần phải cái gì dẫn lối con ạ.
Tại sao bây giờ lại cứ phải là phụ huynh đến thăm mang theo phong bì? Tình cảm đến mấy cũng kém đi phần trong sáng con ạ. Gương có trong được hay không là phải không có một vết gợn nào cả.
Người thầy trong bài văn được điểm 10 đúng là một người như thế! Con đã đọc bài văn đó chưa? Mặc dù bạn gì đó chắc kém con một tuổi viết bài văn có hơi lên gân một chút. Bạn ấy dùng từ “VĨ ĐẠI” để nói về thầy mình. Ba biết thầy của bạn ấy không muốn làm người “vĩ đại” đâu.
6/ Trong bài viết “Làm thân con gái...” trên báo Dân Trí có đoạn này:
“Tình bạn của phụ nữ luôn rắc rối. Đám bạn gái mà con đang thân thiết có thể nói với con rất nhiều lời hoa mỹ, nhấn mạnh đến tỉ lần rằng họ rất yêu con, luôn hết lòng vì con hay trân trọng tình bạn thân thiết mà con và họ đang có... Nhưng so với đàn ông, tình bạn của phụ nữ lại kém bền. Cho nên hãy tìm cho mình một người bạn khác giới, không phải người yêu, nhưng cực kỳ thân thiết và tin tưởng. Hiếm có tình bạn giữa đàn ông và đàn bà, nhưng một khi đã tồn tại - rất quý giá!”
Không biết con đã đọc chưa, và đọc rồi thì con có để ý đoạn đó không? Tiếc là mẹ con không có một cậu bạn trai nào như thế. Nói chung, trong đời, là hiếm con ạ. Nhưng đúng! Nếu có thì rất quý giá!
7/ Về chuyện con không có ý định tiến xa hơn với bạn nào đó. Ba cho rằng con nghĩ như thế ở thời điểm này rất đúng. Con còn cả một quãng đường phía trước để đi khẳng định bản thân mình. Để đứng vững trên đôi chân mình. Nên không vướng bận gì là tốt nhất. Chú Bát, chồng cô Hằng nhà ở góc đường Đông Hồ, mà có lần ba đã chỉ cho con rồi đấy. Cô Hằng và chú Bát đều kém ba 1 tuổi. Lúc sinh viên, cô Hằng học giỏi nhất trường ĐHHH. Khi gặp ba bên Nhật, ba có nói với chú Bát là “hồi sinh viên vợ mày học gỏi kinh”. Chú ấy bảo: “Phụ nữ thiệt thòi nhỉ! Vợ tôi vì vướng chồng con, chứ không thì tiến sĩ đối với nó là chuyện nhỏ”
8/ Con gái ạ! Không biết con có hiểu lầm ba chuyện gì không. Hình như trong các thư ba viết cho con. Ba không cấm con điều gì cả. Ba còn nói rõ với con rằng “sẽ đến lúc con sẽ có tình cảm thích bạn này bạn kia khác giới, đó là chuyện bình thường”.
Sao con lại nghĩ là ba cấm con chuyện đó nhỉ! Ba chỉ muốn thảo luận với con về đúng sai trong hành vi của từng người mà thôi.
Về chuyện tặng quà và nhận quà ba cũng không cấm con. Ba chỉ phân tích cho con hiểu rằng việc đó không có lợi! Ba khuyên con nên trả lại để người ta hiểu rằng mình không muốn “bị phải nhận quà”. Ba cũng khuyên con làm sao cho khéo léo để người ta không xấu hổ khi quà bị trả lại. Tuy nhiên, nếu con có cách xử lý hay hơn thì quyền quyết định vẫn là ở con chứ ba không có bắt ép.
Về việc chọn bạn, ba cũng không cấm con chơi với ai. Ba chỉ khuyên con nên đồng hành với những người như bạn Tuệ mà thôi.
9/ Về việc ba khuyên con tránh. Ba vẫn khẳng định lại là ba vẫn khuyên con nên tránh. Đúng “tất cả những gì do con người nghĩ ra đều không là chân lý”. Nhưng nếu con có kỳ vọng muốn tự mình kinh nghiệm hết rồi mới phân biệt tốt xấu thì vô cùng nguy hiểm. Bản thân ba mẹ, thậm chí ông bà nội ngoại của con cũng có rất nhiều thứ tránh xa khi mới chỉ nghe qua chứ không hề kinh nghiệm.
Ví dụ điển hình là chuyện dùng ma túy thuốc phiện. Chẳng ai dùng rồi mà không nghiện. Mà nghiện rồi thì bỏ làm sao được? Vậy có nên kinh nghiệm nó rồi mới rút kinh nghiệm hay không?
Một ví dụ khác, có những cô gái chơi với những người chị, người bạn “rất tốt”, rủ qua biên giới làm ăn buôn bán. Đến khi bị bán vào “động lầu xanh” không còn lối về mới biết thế nào là “bạn tốt”. Vậy con nghĩ có nên kinh nghiệm chuyện đó hay không?
Một ví dụ khác, không đâu xa, chú T. con ông Tr., cùng với anh vợ của chú ấy thấy người ta là “bạn tốt” gạ là vay tiền trả lãi 25% một năm. Tức là cho vay 100 triệu, không làm gì 1 năm lời 25 triệu. Thế là chú T. đi thế chấp nhà cửa vay ngân hàng 3 tỷ, đem cho vay lấy lời cao. Mỗi tỷ, không làm gì, một năm chú ấy có 250 triệu. 3 tỷ, một năm chú ấy kiếm 750 triệu dễ ợt. Vậy mà người ta ôm 3 tỷ chạy mất tiêu. Ông Tr. lại còng lưng trả nợ cho ngân hàng. Vậy con nghĩ có nên kinh nghiệm những chuyện giống thế không?
Thế nên có rất rất nhiều chuyện mình không nên kinh nghiệm phải không? Ông bà con còn chưa kinh nghiệm, ba mẹ còn chưa kinh nghiệm, nhưng ba hoàn toàn không muốn kinh nghiệm những chuyện nguy hiểm như thế. Cũng như nghề đi biển bọn ba chẳng ai lại đùng đùng nhảy xuống đại dương. Cho dù có nhìn thấy cũng rất khó cứu. Vậy nên tốt nhất là không kinh nghiệm chuyện đó.
Vậy phải chăng, nghĩa vụ của ba mẹ là phải đưa ra lời khuyên cho con cái? Hay là cha mẹ cứ đẻ con ra, cho con ăn, rồi kệ con muốn ra sao thì ra?
Nếu vậy con nghĩ con có thế yêu thương những người cha mẹ như thế không?
Con gái ạ! Vậy làm cha mẹ chắc hẳn phải lo cho con nhiều lắm! Bởi vì con không chỉ là “công chúa” của ba mẹ. Đối với bất cứ ai làm cha mẹ, thì con cái là “sinh mệnh” của chính bản thân mình con ạ. Con cứ hỏi bố mẹ bạn Đạt xem ba nói điều đó có đúng hay sai?
Chuyện con thích chuyên Anh mà ba ép con thi chuyên Toán, là ba sai. Vì khi đó ba nghĩ chưa tới, mà cũng không ai phân tích được cho ba lý do đủ thuyết phục để ba thay đổi. Nhưng chẳng phải bạn Đạt học chuyên Lý, bạn Nam học chuyên lý là cũng theo ý bác Tuyên và bác Trường phải không?
Tương tự chuyện việc con vụng về nội trợ, suốt một thời gian dài ba không cảm thấy chuyện đó quan trọng. Mãi đến khi đọc bài viết “Làm thân con gái...” trên Dân Trí.
Vậy ba mẹ cũng có lúc sai chứ! Ba mẹ đâu phải là Thánh mà không sai! Nhưng con nghĩ liệu ba mẹ có sai đến mức đẩy con cái mình vào đau khổ không?
Con gái yêu thương của ba à! Con đúng khi nói rằng “ba mẹ bảo con thì con chỉ nhớ được một lúc”. Tuy nhiên, ba cũng kể với con cái cách mà ba tự nhắc nhở mình rồi đúng không.
Ba cũng rất hoan nghênh khi con nói con sẽ tự dùng đầu mình để suy nghĩ! Đó là phương pháp tốt để tự chủ. Nhưng tổng thống Mỹ còn cần phải có “think tank” mà con. Vì vậy nên phối hợp nhịp nhàng giữa cái suy nghĩ của mình với những góp ý của người khác con ạ.
À... về chuyện “buồn quá 2 ngày”. Con gái ạ! 2 ngày là 48 giờ, quá lâu! Hãy rèn luyện Tâm Xả của con để nỗi buồn lưu lại trong con không quá 1 giây con nhé!
Trước khi dừng viết lá thư này, ba muốn nói với con rằng: “ba yêu con, ba yêu em trai con, và con hãy cứ nói tất cả mọi điều với ba, con nhé!”

Ba chúc con và em con và mẹ con vui vẻ!

Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Thư gửi con gái 6

Gửi con gái!
Mấy đêm nay ba nghĩ về con rất nhiều. Ba càng nghĩ ba càng lo lắng. Hôm nay ba mới quyết định viết “mail” này cho con.
Con gái đã lớn rồi, con đang ở lứa tuổi ngưỡng cửa cuộc đời. Phải nói là ở lứa tuổi của con bây giờ được coi là tuổi đẹp nhất.
Trước kia trong lòng con chỉ có ba mẹ là người mà con yêu thương nhất. Bây giờ, không phải là con không yêu thương ba mẹ nữa nhưng con còn có những tình cảm khác nữa.
Việc con có những tình cảm thích hay quý mến bạn khác giới là một việc hết sức bình thường. Đến thời điểm nào đó các con sẽ có những tình cảm đó. Tuy nhiên, việc thích là một chuyện và tiến xa hơn nữa là yêu lại là một việc khác. Và tiến xa hơn nữa là lấy người mình yêu lại là một việc hoàn toàn khác con ạ.
Xung quanh con, con thấy rất nhiều những cặp đôi uyên ương, yêu nhau say đắm, tổ chức đám cưới rất to hoành tráng, nhưng rồi họ chia tay thật là lẹ. Và hoặc không chia tay thì cũng sống với nhau mà tối ngày đánh cãi chửi nhau. Bởi vì họ yêu quá vội và cưới quá vội.
Hơn nữa ở tuổi của con, việc quan trọng nhất của con là phấn đấu để sau này tự đứng trên đôi chân của mình mà không cần phải dựa vào ai. Bởi thế những việc như thích nhau hay yêu nhau ở lứa tuổi của con sẽ làm con lãng phí rất nhiều thời gian.
Ba đi vào chuyện cụ thể là ba nghe mẹ kể là có cậu bạn tặng con cái mũ bảo hiểm và con đã nhận. Cậu ta tặng con cái mũ là cậu ta thể hiện rằng cậu ta thích con. Và con nhận thì có nghĩa con cũng thể hiện là con thích cậu ta.
Điểm này con thua mẹ của con.
Lúc trước, ba chỉ tặng mẹ con hoa hồng. Để mua được hoa hồng tặng mẹ thì ba phải bớt phần ăn sáng. Hồi đó mỗi buổi sáng ba ăn 1000 đồng tiền xôi. Ba phải bớt xuống là ăn 500đ thôi. Liên tục 19 ngày như vậy ba đủ tiền mua 19 bông hoa hồng để tặng mẹ con nhân sinh nhật lần thứ 19.
Ngày sinh nhật thì mẹ con không thể từ chối nhận hoa. Nhưng đến hôm sinh nhật ba, ba tổ chức sinh nhật ở nhà bà Hưởng có mời mẹ, đương nhiên phải mời cả cô Hương, cô Hà, cô Thủy, thì mẹ con mới đến. Nếu mời một mình mẹ thì chắc chắn mẹ con không đến. Khi ba đưa mẹ về, đứng trước cửa nhà ông bà ngoại ba tặng mẹ một món đồ nhỏ là chiếc khăn, lúc đó mẹ con nhất định không nhận.
Vậy mà con thấy không, con đã nhận quà của bạn Hoàng Anh rất nhiều thứ. Và rồi con lại phải dọn đồ đó đem trả lại. Con có thấy ngại không, khi mà con đã dùng cho nó cũ đi rồi mới mang trả cho người ta.
Một điểm nữa là ba muốn nói đến nhân quả công bằng. Con đã không làm gì để tạo ra thêm phước, vậy mà con lại nhận quà của người khác. Vậy là con hưởng phước. Mà hưởng phước thì mất phước. Mà mất phước là mất may mắn. Khi đi thi yếu tố may mắn cũng rất quan trọng. Bởi thế mà con gái ba học rất giỏi nhưng thi cử thì lại hay mất điểm phải không?
Tất cả những đồ dùng của con, nếu con thấy thiếu cái gì, con nói ba mẹ mua cho, tốt hơn là đi nhận quà cuả người khác. “Của biếu là của lo, của cho là của nợ” con ạ.
Chẳng ai cho không mình cái gì bao giờ. Chỉ có ba mẹ có thể cho con tất cả mọi thứ. Bạn con nó tặng con cái mũ là nó muốn mua chuộc con. Giống như ở trường con có nhiều bạn đến biếu tiền cô hiệu trưởng hoặc gần hơn là có rất nhiều phụ huynh đến thăm mẹ con và biếu phong bì cho mẹ con vào ngày 20/11 vậy.
Ba rất không thích việc mẹ con cứ nhận quà của người ta như thế! Con có thích việc cô hiệu trưởng trường con cứ nhận cả hàng chục triệu của học sinh không? Vậy cũng tương tự như vậy việc con nhận quà tặng của bạn con sẽ đem đến cho con một món nợ. Đương nhiên, phước của con lại mất thêm một chút. Và thế là cuộc đời phía trước của con lại bớt may mắn đi một chút. Con đi thi đại học vừa có trình độ + may mắn con đạt 30/30 điểm. Con bị mất may mắn con chỉ đạt 29/30 điểm. Thiếu 1 điểm là có thể trượt đại học rồi. Lúc đó mới nhận ra mình đã lãng phí thời gian và lãng phí phước thì muộn mất rồi phải không? Tiếc quá! Phải làm lại thôi!
Và con có nghĩ đến một lúc nào đó con lại mất công dọn dẹp đồ để đem trả lại người ta giống như việc con đã đem trả lại bạn Hoàng Anh không?
Chắc chắn là như vậy rồi. Vì cậu bạn con sẽ không thể nào theo đuổi con được đến lúc con 30 tuổi. Và vấn đề thứ hai là cậu ấy chắc chắn sẽ không vượt qua được kỳ kiểm tra của ba. Bởi vì mới tí tuổi đầu đã lo đi cua gái thì ba nghĩ cậu đó không đủ kiên trì để theo học các khóa học đạo lý đâu. Và kể cả là có học thì cũng chỉ  là học gạo mà nó không thấm vào người thành đạo đức và lối sống đâu.
Do đó, theo ý kiến của ba con nên sớm trả lại bạn ấy cái mũ bảo hiểm. Con nên bí mật trả lại bạn ấy, tránh để bạn ấy thấy xấu hổ trước mặt người khác. Con có thể gọi bạn ấy đến nhà mình khi mẹ có nhà và nhờ mẹ con trả lại bạn ấy tất cả những gì mà bạn ấy đã tặng con.
Việc con trả lại sớm có mấy tác dụng:
1/ Là từ nay về sau con không cần phải thấy phiền vì chuyện có nhận quà nữa hay không. Năm 1997, khi lần đầu tiên có các chú sinh viên đến nhà thăm ba. Các chú ấy biếu quà cho ba là một túi cam, nhưng trong túi cam có một cái phong bì. Ba không mở phong bì ra, ba để nguyên như thế, ngày hôm sau ba đem đến lớp trả lại các chú ấy. Thế là các lứa sinh viên tự bảo nhau. Từ đó trở đi ba không bao giờ phải tiếp sinh viên ở nhà cả.
2/ Con thể hiện cho bạn con biết rằng đừng có dùng vật chất để mua chuộc con. Người ta sống với nhau bền lâu là bởi tấm lòng. Vật chất là mua được bằng tiền. Và tiền thì rất rẻ, không lẽ con lại đánh giá thấp phẩm chất của mình vậy sao? Con đọc bài văn được điểm 10 viết về thày giáo chưa? Có lẽ ở VN không có nhiều thày giáo giống như vậy? Một phẩm chất tuyệt vời và không có một thứ vật chất nào có thể mua được.
Những người như cô hiệu trưởng của con, tiền nhiều như nước, cưỡi xe hơi hạng sang, ở cái xã hội nhơ bẩn này đông như lợn con. Nhưng người thày giáo trong bài văn được điểm 10 thì chỉ có một. Con nghĩ xem mình nên đứng cạnh vầng Thái Dương hay mình chen vào đứng cùng đám lợn con?
Rất nhiều lần ba không muốn mẹ con tiếp khách ở nhà cũng là vì lý do đó. Dù mình ngay thẳng, hàng xóm láng giềng nhìn vào thì họ cũng nghĩ mình cũng chỉ như một trong số những con lợn con đó mà thôi.
3/ Là con gái thì phải tỏ ra khó khăn và nghiêm túc: Con ạ, ở Miền Tây, có rất nhiều cô gái, lấy chồng rồi bỏ chồng, hoặc chồng bỏ. Bởi vì sao? Bởi vì người ta bảo “gái Miền Tây rất dễ”. Một cô gái quá dễ để thuyết phục thì khó mà có được hạnh phúc bền lâu. Bởi vì dễ thế thì khó mà tuyển lựa được người đàn ông thực sự yêu mình. Và lý do thứ hai là người đàn ông chưa kịp yêu chân thành người con gái đó thì cô ấy đã đổ rồi. Thế là tình cảm của người đàn ông đó đối với cô gái đó hời hợt. Mà hời hợt thì đương nhiên nhanh đổ vỡ.
Thế nên con phải tỏ ra thật khó để vừa đỡ mất thời gian lãng phí không cần thiết. Và vừa an toàn cho bản thân con nữa. Đừng ăn hay uống cái gì mà người khác đưa cho mình. Đừng nên bao giờ đi đâu mà chỉ có một mình. Và con đọc lại bài “làm thân con gái”. Bạn Tuệ của con là cô bé đáng tin tưởng và tiếp tục nên chơi cùng vì bạn ấy không xuất phát từ gia đình lắm của. Nhưng bạn Linh Linh thì lại đối lập hoàn toàn. Ba không hiểu rõ về bạn ấy lắm. Nhưng nhà bạn ấy có quá nhiều tiền. Bạn ấy lại trải qua đủ trò ăn chơi rồi. Thế nên nếu bạn ấy mà không tốt thì bạn ấy sẽ rất nguy hiểm. Ngược lại, nếu bạn ấy là người tốt, thì bạn ấy sẽ rất tốt. Tuy nhiên, con lại không thể nào biết được bạn ấy là người tốt hay người không tốt. Vì vậy để an toàn cho bản thân con nên tìm cách đồng hành với những bạn có hoàn cảnh gần giống mình. Như mẹ đồng hành cùng cô Hương, cô Hà, cô Thủy vậy.
Thôi ba viết đã dài, nếu ba viết nữa chắc con phải đọc cả ngày mới hết.
Ba mong con hiểu lòng ba mẹ.

Ba chúc con và mẹ và em Đức luôn vui vẻ.

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Thư gửi con gái 5

Gửi con gái!
Hôm qua ba viết cho con, ba mới viết được về 1 việc đó là vấn đề giữa người với người nên nói chuyện với nhau như thế nào?
Việc thứ 2 ba muốn nói với con về cách ứng xử của con với em trai con. Việc em trai cứ mải mê với cái phim Doraemon quá là không đúng. Nhưng việc con tắt bụp cái phim ấy đi lại cũng là không đúng.
Khi mẹ mới chỉ bảo là con không được dùng cái điện thoại xanh nữa vì mẹ lo con mất thời gian vào mạng, vào Facebook. Con đã không hài lòng với mẹ vì lý do của con là con đang lưu nhiều dữ liệu trong ấy.
Chỉ thế thôi con đã không hài lòng với mẹ rồi. Vậy con thử nghĩ nếu mẹ giằng lấy cái điện thoại trong tay con thì con sẽ phản ứng thế nào?
Từ đó con sẽ biết được cái cảm giác của em Đức khi con đột nhiên tắt bụp cái Doraemon của em đi.
Cũng tương tự như vấn đề con đòi hỏi người khác phải giải thích rõ cho con hiểu chứ không được dùng quyền lực bắt con phải tuân lệnh. Thì trong mọi chuyện khi con đối xử với đàn em của con, con cũng nên giải thích để em tự hiểu và khuyên em nên làm như thế nào, chứ không nên dùng quyền lực để bắt ép người khác phải tuân lệnh con ạ.
Ở một xã hội không có dân chủ, không có luật pháp như VN, thì những kẻ độc tài thường dùng quyền lực để cưỡng chế. Trong khi ở những nước dân chủ và thượng tôn pháp luật thì mặt bằng pháp luật là một sân chơi chung cho tất cả mọi người. Ai tuân thủ luật chơi thì được tự do thoải mái trên cái sân chơi đó. Ai không tuân thủ luật chơi thì mất tự do. Người ta không có cái kiểu là “làm quan thì muốn làm gì thì làm”. Và vì vậy ở trong gia đình cũng không tồn tại cái đế chế nào cả.
Mọi người phải bao dung và hòa đồng trên một nền tảng chung con ạ.
Đó là hai việc ba quan sát thấy khi nói chuyện với con qua Skype.
Ba mong là con sẽ ghi nhớ để nhắc nhở mình hàng ngày phải nên như thế nào.
Con người thường rất nhanh quên. Chuyện gì đó hôm nay mình ứng xử như thế là không được. Bản thân mình thấy không được, mình muốn rút kinh nghiệm lần sau không như thế nữa. Nhưng mình chỉ nhớ được lúc ấy. Vài ngày sau mình lại quên ngay và mình lại tái phạm. Trước đây ba rất hay dễ cáu. Sau khi cáu, ba thấy không được và muốn rút kinh nghiệm để sau khỏi cáu nữa. Nhưng rồi vài bữa lại quên.
Thế nên bây giờ ba dùng mọi phương tiện để nhắc nhở mình hàng ngày. Chẳng hạn như ba dùng điện thoại ghi trong mục kế hoạch để mỗi ngày nó nhắc ba vài lần. Rồi ba viết lên “desktop” của máy tính những câu nhắc nhở. Rồi ba viết ra một tờ giấy những câu nhắc nhở, và để tờ giấy đó ngay trên bàn làm việc. Thế nên ngày nào, giờ nào những câu nhắc nhở như “buông xả tất cả, vệ sinh tâm hồn thường xuyên như đi tiểu hàng ngày thì trong người không còn ứ đọng sự cáu giận nữa”
Cứ tự mình nhắc mình liên tục như vậy thì tự tạo cho mình một cái phản xạ là khi trong người mình nó nổi máu sân lên cái là mình có thể xả nó đi được ngay và như vậy không còn cần phải mắng mỏ cãi cọ với người khác nữa.

Con gái yêu thương của ba. Hôm nay ba viết đến đây thôi. Ba chúc cả nhà vui vẻ nhé!

Nguyễn Xuân Nghĩa - Nhật Nhật Tân - Chuyện xưa mà không cũ

Nhật Nhật Tân Nước mắt đầu năm vẫn ấm lòng Mở đầu một năm mới, ai chẳng muốn nói chuyện vui? Huống chi người viết còn bị vướng vào cái lẽ "nhật nhật tân". Nôm na là hàng ngày làm mới.... Nhưng mà làm mới cái gì? - Những cái mốc xì ta đánh xi cho mới! Thì xin vâng. Với người Việt ta, chữ "Nhật Tân", hay tinh thần làm mới, thật ra là khái niệm phổ thông. Ta có nhiều ngôi làng mang tên là Nhật Tân, đếm ra được ba bốn cái ở miền Bắc. Tết nhất chẳng hạn, những ai nhớ Bắc đều nói đến hoa đào của Nhật Tân. Nghe nói là đào năm nay chưa Xuân đã nở toét. Làm mới quá sớm! Và cây cầu do Nhật viện trợ để nối liền quận Tây Hồ với Đông Anh ở Hà Nội cũng có tên Nhật Tân. Cầu thiết kế theo phương pháp cầu dây, mà hiện đại hơn nên được gọi là cầu dây văng, hay "cable-stayed bridge, pont à haubans", người Trung Hoa gọi là "tà lạp kiều". "Tà lạp" có nghĩa là kéo nghiêng, nhưng biết đâu là vào tay ta thì "lạp" lại mang nghĩa "bẻ gãy"? Được tuyên truyền là loại cầu dây văng dài nhất, cầu Nhật Tân vừa mới được lệnh phải hoàn thành năm 2014 này. Như kinh nghiệm cầu đường khá cầu kỳ của Việt Nam sau "đổi mới", có khi cây cầu tà lạp lại bị rút ruột, nên mới vận vào chữ "bẻ gãy"... Hãy nói về chuyện xưa hơn thế mà vẫn như mới thì đời mới cười như mếu. *** Đa số ngày nay còn mấy ai biết tới ông Bảng Kim Bồng Vũ Duy Thanh? Nếu có "google" hay tìm đọc sách cũng khó nhớ ra. Sinh năm 1806 tại Ninh Bình và mất năm 1861 khi quân Pháp đã tấn công nước ta, Vũ Duy Thanh cực kỳ thông minh, sách liếc qua là thuộc, lại có tài ứng đối, nhưng chừng là tiến nhanh hơn thời đại – hoặc quan trường – nên đến 45 tuổi mới đỗ Phó bảng, triều Tự Đức, năm 1851. Vì sinh tại làng Kim Bồng mà đỗ Phó bảng nên mới được đương thời gọi là ông Bảng Kim Bồng. Nói đến chuyện thời đại, một hôm viên quan đầu tỉnh của Quảng Yên dâng về triều một khối đá sắc đen với lời tâu rất lạ. Lạ thế nào thì xin đọc tiếp, chỉ cần nhắc khẽ Quảng Yên đó nay thuộc tỉnh Quảng Ninh, vùng đất có biên giới trên bộ và trên biển tiếp cận với Trung Quốc. "Nhật nhật tân" là chuyện hiện đại mà! Ông quan đầu tỉnh thấy vật lạ nên đệ về kinh với lời tâu: "Bọn thổ dân trong khi đào hầm đến tầng đất sâu, thấy có nhiều lớp đá này, đua nhau cuốc lấy, đẽo làm đầu rau để thổi nấu rồi thấy phát cháy thành lửa có sức nóng rất đượm. Có lẽ đây là thứ đá kỳ quái trời sinh ra để báo điềm gì chăng? Nên phải lập tức tâu trình." Tự Đức ú ớ, hỏi triều đình thì nghe chừng còn thua "bọn thổ dân" bị ta khinh miệt. Vì mấy vị đại thần vén môi tâu rằng đấy là quái vật! Còn chu đáo xin làm lễ "nhương trừ" để ngăn trước một tai nạn cho dân cho nước. Ngương trừ hiểu nôm na là bắt quỷ. May là thời đó có Vũ Duy Thanh. Đang ốm bệnh ở nhà nghe thấy chuyện lạ, ông lết vào chầu và xin cho xem viên đá. Vừa thông thấy, ông vội tâu: "Đá này chỉ là vật tầm thường, có là ma quỷ gì đâu. Sách Hán thư kể rằng vua Vũ Đế đào ao Côn Minh đã từng thấy. Một vị cao tăng đất Tây Vực có nói: "thử thị thiên địa hôi kiếp", là thứ tro tàn trong một cuộc đổi thay của trời đất. Mỗi cuộc bể dâu cỏ cây bị vùi dập trong vạn vật, rồi đời nọ qua đời kia kết lại như thế. Đã không là vật quái đản phải trừ khử, nó còn là vật hữu ích nên tìm cách lợi dụng. Vì đốt cháy được thì ta có thể làm than thay củi. Nếu miền ấy có nhiều thứ này thì đấy là nguồn lợi lớn của nước nhà, xin kíp phái quan đến tận nơi xem xét, chớ nên bỏ hoài." Sự quái ở đây không là cục đá đen mà là triều đình. Họ gác chuyện lạ qua một bên rồi lãng quên tất cả. Sự quái hơn nữa là sau này triều đình chẳng nhớ gì mà còn ký giấy nhượng đất này cho Pháp khai thác thành mỏ than Hòn Gay! Sự quái còn hiện đại hơn nữa là các quan đầu tỉnh ngày nay tiếp tục bán than lậu cho Tầu lấy tiền bỏ túi rồi ta nhập cảng điện của Tầu sản xuất từ than lậu của ta bán qua bên đó! Than đến bao giờ mới hết chuyện xưa? Cũng Vũ Duy Thanh, năm 1859 khi Pháp đã đánh lấy cảng Đà Nẵng và ba tỉnh miền Đông ở trong Nam, thì ông nhìn ra võ khí hiện đại của giặc mà tìm cách chế lấy một chiếc thuyền chạy bằng hơi nước. Dù chưa tinh xảo thì đã là sáng kiến. Nhưng vẫn bị các bậc đại khoa trong chiều Tự Đức cho... chìm xuồng. Gác vào một xó! Cái khó nó bó cái khôn? Trậc lấc, thiếu khôn nên mới bị khó.... Vũ Duy Thanh bị bệnh và từ trần ở tuổi 56 (vào năm 1861, xin nhắc lại). Trên gường bệnh, ông vẫn thảo sớ dâng lên triều về chuyện thời sự. Sớ chưa xong ông đã mất, nhưng các thuộc quan tiếc tài nên vẫn sao lại và lập di cảo tâu lên Tự Đức. Đọc tóm lược bài sớ, ta bỗng thất kinh! "Hình thể nước ta chỉ có chiều dài không có chiều rộng. Trừ hai xứ Nam và Bắc Kỳ rộng hơn một chút, còn quãng ở giữa từ Thanh Hoá trờ vào, Bình Thuận trở ra, mặt trông ra biển, lưng tựa núi rừng, mỗi tỉnh ở một đoạn. Nếu thốt nhiên tỉnh nào gặp biến bị cắt đường giao thông thì việc tiếp tế quân lương tất bị cản trở. Vả, suốt từ Bắc đến Nam, chạy dài theo mé biển, phỏng như nước ngoài dòm nom thì bất cứ chỗ nào họ cũng có thể lọt vào được. Như vậy, việc phòng giữ mặt biển rất quan trọng. Điều cần là phải kíp luyện tập thủy quân, hậu đãi binh lính và giao quyền hành cho các quan võ để họ có đủ uy tín mà điều khiển".... Tuy Tự Đức châu phê trên sớ lời khen vị quan văn này nhưng lại cho là việc chưa cần làm. Giời ơi! Người viết này ưa nhìn vào địa dư rồi tìm đọc lịch sử khi nghĩ đến thời sự. Vũ Duy Thanh viết về địa dư hiểm yếu của nước ta. Hiển nhiên là không quên nhiều chiến công hiển hách nhất của lịch sử nước Nam cũng là thủy chiến. Sau ông hơn 150 năm, lời cảnh báo trong cơn hấp hối đang là sự thật, nếu ta nhớ đến các dự án bauxite tại Cao nguyên Trung phần hay những công trình mờ ám trên đèo Hải Vân. Cùng một công trình sư là Trung Quốc. Và ngoài khơi kia là tầu của Tầu Cộng! *** Ngoài nhiều quyết định biến báo khi làm quan, Vũ Duy Thanh còn có cái công là biết tìm người tài. Năm Tự Đức thứ tám, 1855, ông được cử vào làm phân khảo quan ở trường thi Bình Định. Khi chấm bài, có một quyển ba dấu sơ khảo, phúc khảo và giám khảo đều phê 'liệt". Cả ba cấp dưới đều đánh hỏng. Lên tới ông, Vũ Duy Thanh khảo lại, thấy thí sinh có tài học và khí phách khác thường, chắc là sau này có sự nghiệp lớn. Ông bèn phê "bình" và lấy vào hạng trúng tuyển. Sau khi quán quyển thì mới biết thí sinh tên là Ông Ích Khiêm. Nhờ dấu phê của Vũ Duy Thanh mà triều đình về sau có một văn thần kiêm võ tướng có sự nghiệp khác thường khi nước nhà gặp chuyện bất tường. Không chỉ có sự nghiệp, và cái chết oan uổng – đầu năm nên tránh! – Ông Ích Khiêm còn có bài thơ để đời. Như là thời sự. Số là nhà Mãn Thanh đã lụn bại sau vụ nổi loạn của Hồng Tú Toàn và phong trào nhuốm mùi tôn giáo vào năm 1850 là "Thái bình Thiên quốc". Vụ khởi nghĩa làm Thanh triều rung chuyển, xuýt bị lật đổ nên mới giải thích vì sao lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay sợ giáo phái Pháp luân công hay Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo Tân Cương! Giáo phái Thái bình Thiên quốc nổi lên từ hai tỉnh miền Nam giáp giới với nước ta là Quảng Đông và Quảng Tây. Sau này, dư đảng Hồng Tú Toàn mới trở thành đám giặc Cờ Vàng, Cờ Trắng và Cờ Đen dạt qua nhũng nhiễu miền Bắc nước ta. Khi ấy nước ta có loạn vì bị giặc Pháp tấn công, triều Tự Đức chống cự không nổi nên nghĩ cách nương vào Trung Quốc. Nhưng, Tổng đốc Lưỡng Quảng là Trương Thụ Thanh gửi mật sớ lên vua Thanh, rằng: "nước Nam và nước Tàu tiếp giáp với nhau mà thế lực nước Nam suy hèn, không có thể tự chủ được nữa, vậy ta nên mượn tiếng sang đánh giặc mà đóng giữ các tỉnh thượng du. Đợi khi có biến thì chiếm lấy những tỉnh ở về phía bắc sông Hồng Hà". Bởi vậy triều Thanh mới sai Tạ Kính Bưu, Đường Cảnh Tùng đem quân sang đóng ở Bắc Ninh và ở Sơn Tây, sau lại sai quan bố chính Quảng Tây là Từ Diên Húc đem quân tiếp ứng. Mưu của họ là như vậy. Triều đình ta thì cứ thoải mái như người Hà Nội thời nay mà mượn tay phục vụ quân Tầu để đánh Tây trên đất Việt. Đang làm quan tham tri lo việc chống Pháp, khi ra tới Bắc Kỳ, Ông Ích Khiêm coi đó là cực nguy hiểm nên có làm bài thơ dữ dội: Áo chúa cơm vua đã bấy lâu Ðến khi có giặc phải thuê Tàu! Từng phen võng giá mau chân nhẩy Ðến bước chông gai thấy mặt đâu Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp Trâu dê ngày hiến đứa răng bầu Ai ôi hãy chống trời Nam lại Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu. Kẻo nữa dân ta biến thành Tầu. Từ Vũ Duy Thanh đến Ông Ích Khiêm, nước Nam nào thiếu người nhìn ra đại thế thiên hạ? Vào năm mới, nói chuyện xưa từ sử Tầu vào thời đại ấy thì ta cũng thấy ra nhiều chuyện lạ và... hiện đại. Thí dụ như Hồi giáo đòi tự trị, các tỉnh miền Nam đòi tách riêng, và liệt cường Tây phương, kể cả nước Nga, thì gõ cửa đòi giao thương làm ăn. Triều Thanh khi ấy hoang mang, hốt hoảng mà vẫn còn ý định xâm lấn nước ta. Và triều đình nước Nam vào năm 1882 còn cầu cứu Trung Hoa. Đó là lý do khiến ngoài đám giặc Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, Bắc Kinh còn phái thêm bốn vạn quân của các tỉnh Quảng Đông Quảng Tây qua đánh Pháp. Rốt cuộc thì lãnh thổ nước Nam thành địa bàn giao tranh Thanh-Pháp trước sự lúng túng của triều đình. Rồi vì nội loạn và kiệt quệ, nhà Thanh đành ký hòa ước Thiên Tân năm 1883 để thừa nhận là nhường chủ quyền trên đất nước ta cho thực dân Pháp. Sau đấy 60 năm, sai lầm cũ lại tái diễn khi Cộng sản Việt Nam mượn quân Tầu đánh Tây rồi đánh Mỹ. Lần này thì chưa biết làm sao thoát vì đảng ta tự nhận là phụ dung của đảng nó ở Trung Quốc. Khách có kẻ đứng bên hỏi người viết vì sao chúc mừng năm mới mà mặt mày u sầu như người vừa đi đám ma chính mình vậy? Xin thông cảm!

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Thư gửi con gái 4

Gửi con gái!
Hôm qua ba nằm trong cảng San Antonio gọi Skype về nhà nói chuyện với mấy mẹ con. Ba thấy có mấy việc muốn thảo luận với con.
Con gái ạ! Con đã lớn rồi nên chắc là ba nói chuyện con có thể hiểu hết những gì ba muốn nói.
Con gái yêu thương của ba à! Người ta sống ở trên đời quan trọng nhất là tri thức và tấm lòng. Ba nghĩ con cũng đã tích lũy được một chút tri thức. Và vì đã có một chút tri thức nên con cũng đã có được một chút tấm lòng nhân ái.
Vậy thì để làm sao cho mình đừng bị đánh mất đi tri thức của mình? Mình phải suy tư nhiều con ạ.
Thế nên ba thấy con chưa đủ suy tư. Qua 2 việc mà ba nhìn thấy ngày hôm qua.
Việc thứ nhất là con nói với mẹ rất là to tiếng. Trong nhà mình nếu là người có quyền lực nhất là ba. Nhưng con thấy ba có mấy khi hơi một tí là to tiếng với mẹ. Người to tiếng với người khác là rất nghèo. Vì nghèo nên mới muốn lấy giọng nói lớn để át người khác đi.
Con thấy nhé! Khi mẹ dùng quyền làm mẹ bắt ép con phải thế này phải thế nọ. Thì con thấy không hài lòng. Con yêu cầu là mẹ phải có lý lẽ thuyết phục. Tự khắc con hiểu rồi làm theo. Vậy thì con cũng nên đối đáp lại với mẹ nhẹ nhàng bằng lý lẽ thuyết phục có phải là đúng hơn không?
Mẹ con cùng một nhà, nhẽ ra phải nên tâm tình như bạn bè thân thiết. Chứ không nên hơi một tí là gây áp lực lẫn nhau.
Bởi vậy con ạ! Sống ở trên đời không cần phải tranh để nói! Mà hãy suy nghĩ nhiều hơn.
1/ Tất cả những gì mà thánh nhân nói, thần tượng nói, hiền triết nói... đều chưa chắc là chân lý. Phải suy nghĩ kỹ về nó con ạ. Ở VN mình rất hay có cái kiểu đặt ra chuẩn mực rằng “người xưa bảo thế”. Thế là bắt người nghe phải phục tùng.
2/ Tự mình tư duy để biến kiến thức trên sách vở thành kiến thức của mình. Ví dụ nhiều người đã học về khúc xạ ánh sáng. Nhưng có mấy người tự đặt câu hỏi mặt Trời tại sao lại đỏ quạch lúc bình minh và hoàng hôn?
3/ Trước khi định nói cái gì thì hãy suy nghĩ thật kỹ những gì mình định nói. Và nói bằng một giọng nói kiềm chế đủ nghe.
4/ Nếu người đối thoại phản đối lại mình. Hãy đặt mình vào vị trí người ta để suy nghĩ tiếp.
5/ Nếu người ta cứ khăng khăng cái ý của người ta thì mình thôi không nói nữa.
Con gái ạ! Khi nói chuyện hay làm gì đó, con người rất là hiếu thắng. Ai cũng cho rằng mình đúng, mình hay. Thậm chí khi nhận ra mình đã sai thì người ta vẫn cố cãi cùn vì “sĩ diện rởm”. Con người sống thanh thản được là cần phải vượt qua cái “sĩ diện rởm” đó. Thấy người khác cản cổ lên là mình im luôn, bầu người ta về nhất.
Ba kể con nghe một chuyện trên tàu khi ông Capt. cũ còn chưa bàn giao cho ba. Hôm ấy tàu liên hoan. Không biết có chuyện gì liên quan đến Taiwan. Ông Capt. cũ khẳng định Taiwan là của Trung Quốc. Ba thì không công nhận. Ba bảo: “Taiwan có chính phủ hợp pháp do dân bầu. Trên tất cả các sách hướng dẫn hàng hải cũng viết về Taiwan là một quốc gia độc lập. Người Taiwan tự xưng minh là “Taiwanese” chứ không phải “Chinese”.
Ông Capt. cũ thì viện cái cớ là “Taiwan vốn xưa kia là của Trung Quốc. Bây giờ CP Trung Quốc vẫn tuyên bố với thế giới là Taiwan là của Trung Quốc. Và vì vậy không có quốc gia nào công nhận Taiwan như là một quốc gia độc lập. Và vì thế không ở đâu có trên thế giới có đại sứ quán Taiwan”.
Ba cãi với ông Capt. cũ 1 câu. Ông ấy đòi cá cược với ba rằng ông ấy đúng với giá cá cược câu đầu tiên là 10 thùng bia. Câu thứ hai ông ấy cãi to hơn và giá cá cược bác ấy nâng lên 1000 đô-la. Câu thứ ba ông ấy nói to hơn nữa rằng “Taiwan không có ghế ở LHQ” và nâng giá cá cược lên 1 tỷ đô-la. Ba lặng thinh, không nói gì nữa. Ba bầu ông ấy về nhất trước sự chứng kiến của tất cả mọi người trên tàu.
Bởi vậy con ạ, khi mình “quẳng đi cái sĩ diện rởm”, mình sẽ nhẹ lònghơn nhiều.
Chuyện con tranh luận với mẹ không liên quan gì đến chuyện “sĩ diện” ở đây. Là ba cứ nói chung chung như vậy. Ở những chỗ đông người, mình càng ít nói thì càng tốt con ạ!
Hôm nay ba tạm viết đến đây thôi. Hôm nào ba lại viết tiếp cho con.

Ba chúc con và em con và mẹ của con luôn vui vẻ!

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Thư gửi con gái 3

Gửi con gái!
Ba thấy mẹ phàn nàn về giờ giấc của con. Lúc trước ba ở nhà ba cũng thấy giờ giấc của con không hợp lý lắm.
Theo ý ba thì con nên thay đổi giờ giấc và phong cách làm việc để cuộc sống của con nó đỡ vất vả hơn. Nói chung thói quen là do con người tạo ra, nên con người có thể thay đổi. Con nên viết ra giấy và dán đâu đó ngay trước mặt mình để mình nhìn thấy thành những nhắc nhở thường xuyên cho mình. Bởi vì nếu con không tự nhắc nhở mình thường xuyên, thì rồi dần dần con lại bị trôi trở về với nếp cũ. Thế là con bị loạn nhịp giữa cái thói quen cũ và cái cố gắng mới. Tình trạng như vậy lại càng tồi tệ hơn.
Như ba, ba phải viết tất cả những nhắc nhở lên một tờ giấy và dán ngay trước cái máy tính của ba. Thế nên mỗi khi ba ngồi vào bàn làm việc, là ba lại nhìn thấy những nhắc nhở ấy.
Ba tự nhắc nhở mình những thứ như thế này:
1. Tham lam, sân hận, si muội tự hại mình!
2. Buông xả tất cả, vệ sinh tâm hồn thường xuyên, sẽ không còn ứ đọng sự cáu giận trong người nữa!
3. Tất cả mọi người đều là thày của mình, tôn trọng mọi người và không đòi hỏi gì cả!
4. Đừng kiêu mạn ngay từ trong tâm!
5. Nhẹ nhàng với tất cả. Làm những việc không hại người, không hại mình!
6. Socrates luôn lắng nghe người khác rồi đưa ra câu hỏi như thể mình không biết gì. Socrates nói “The only thing I know that is I don’t know anything”
Tất cả mọi việc đều đơn giản phải không con? Nhưng ba phải viết ra để thường xuyên nhắc nhở mình. Vì nếu không thường xuyên nhắc nhở mình thì mình sẽ quên một vài thứ mà mình cần phải làm. Lúc ấy sẽ làm cho cuộc sống của mình bị loạn nhịp.
Vì vậy ba cũng mong con có những thay đổi đột phá trong cuộc sống của con.
Trước tiên con nên thay đổi phong cách ăn uống. Ăn nhiều rau, uống nhiều nước, lời khuyên của tất cả các bác sĩ trên toàn thế giới là nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Các con không bị thiếu dinh dưỡng nên không cần phải ăn quá nhiều cơm với quá nhiều đạm động vật như thịt cá. Ăn uống thật đơn giản, bổ sung vi chất bằng uống sữa tươi = 400ml/ngày.
Bằng cách thay đổi ăn rau và uống nước nhiều, sự tiêu hóa trong nội tạng của con cũng thay đổi theo. Con sẽ không bị mất nhiều thời gian cho việc vệ sinh nữa. Tất cả phụ thuộc vào ý chí và ý thức của con.
Ba mẹ không có đủ sức để ép con trở thành một ai đó. Và ba mẹ cũng không muốn ép con trở thành ai đó. Cuộc sống của con tốt đẹp hay tồi tệ phụ thuộc đến 99% ở bản thân con.
Sau khi con đã thay đổi được việc ăn uống. Con sẽ thay đổi được những sự mất thời gian cho những chuyện vụn vặt khác. Ví dụ tóc cắt ngắn đi để đỡ tốn thời gian tắm gội.
Người ta phải nên tự tin vì trí tuệ của mình chứ không nên tự tin dựa vào ngoại hình của mình. Ngoại hình của mọi người đều mỗi ngày một kém đi. Chỉ có trí tuệ của mỗi người có thể mỗi ngày giàu thêm, nếu mình biết cách làm giàu nó thêm. Nếu mình không biết cách làm giàu nó thêm thì nó cũng mỗi ngày một kém đi.
Vậy chẳng có gì để tự tin cả.
Ba không ép con phải như thế nào. Tuy nhiên ba vẫn khuyên con nên thức giấc từ lúc ít nhất là 5 giờ sáng. Làm cái gì đó thật mạnh mẽ để tỉnh táo. Vệ sinh thật nhanh để tranh thủ học bài.
Tối nên ngủ sớm từ lúc 9 giờ hoặc 9 giờ 30.
Đó là gợi ý của ba. Con nên tự mình lập ra kế hoạch cho 7 ngày một tuần. Và dán luôn nó đâu đó để mình luôn có thể nhìn thấy nó. Để mình luôn có thể tự nhắc bản thân mình.
Cuộc đời là của con. Con tự quyết định để thay đổi cho tốt hơn. Ba mẹ chỉ có thể giúp con chứ không thể sống thay cho con được.
Con gái yêu của ba ạ!
Đơn giản nhưng cần sự cố gắng!

Ba chúc con thành công.

Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Thư gửi con gái 2

Gửi con gái của ba!
Đọc thư con viết cho ba, ba mới hiểu vấn đề của con không phải là vì nghiện “internet” và “facebook”. Vấn đề là mẹ hiểu lầm như vậy. Con có nói “so với bạn bè con vào fb rất ít”. Đừng so sánh như vậy con ạ. Nó hoàn toàn vô nghĩa. Con có thể so sánh với một vài bạn nhà lắm tiền trong túi lúc nào cũng có vài triệu không? Trong khi con không có đồng nào. Con có thể so sánh với những bạn luôn bỏ học đi chơi không? Trong khi con phải học quá vất vả. Con có thể so sánh với những bạn thay bạn trai như thay áo không? Chắc chắn không! Vì những thứ đó nhảm nhí và vô nghĩa.
Con nên so sánh về những thứ mà tạo hóa sanh ra con có quyền được có. Giả sử con so sánh như thế này: “So với bạn bè thì con được ba mẹ yêu thương ít nhất” => Vì với trẻ con tạo hóa sanh ra có quyền được cha mẹ yêu thương. Cái đó gọi là quyền được làm con.
Có những cô bé sanh ra trong gia đình nghèo, không có gì cả, không tiền, không quần áo mới, quanh năm chỉ có 1 bộ quần áo, không du lịch, không “internet”, không “facebook”. Nhưng được đến trường vì đó là quyền của bất cứ đứa trẻ nào. Và được cha mẹ yêu thương chăm sóc. Một tình thương của gia đình ghèo. Nhưng tình yêu của cha mẹ không hề nghèo. Thậm chí còn đầy đặn hơn những gia đình lắm tiền. Vậy theo con một cô bé như vậy có bất hạnh hay hạnh phúc?
Thế nên đừng so sánh về những thứ vô nghĩa. Mà hãy xem cái mà tạo hóa sanh ra con có quyền hưởng thì con có bị tước đoạt hay không con ạ.
Tuy là mẹ hiểu lầm con. Nhưng vấn đề của con lại hiểu lầm về bản thân con nữa.
Con có nói cái “Tự Trọng của con bị tổn thương”.
Con gái yêu thương của ba mẹ ạ!
Điểm này chính là sự hiểu lầm của con. Điều này dễ hiểu. Không chỉ mình con hiểu lầm mà hầu hết mọi người đều hiểu lầm. Trừ có người Nhật là họ không lầm.
Con còn nhớ cái bạn du học sinh người Nhật nói câu gì ba không nhớ chính xác lắm. Đại khái thế này: Người Nhật được dạy từ khi còn trong trứng nước là phải luôn cúi đầu trước người khác. Một cái cúi đầu thể hiện sự trọng thị, cầu tiến, cầu được học hỏi. Nhưng lòng tự trọng vẫn không vì thế mà mất đi.
Con thấy đấy, người Nhật đâu có vênh vang như người Trung Quốc. Vậy họ không có tự trọng? Còn người Trung Quốc thì tự trọng?
Không con ạ!
Cả thế giới này đều quí trọng người Nhật. Và cả thế giới này đều ghét người Trung Quốc. Vậy con đã biết ai có lòng tự trọng. Còn ai đã đánh mất lòng tự trọng.
Quay lại bản thân con. Con gái ạ! Ba không hề trách con. Bởi vì ba hay mẹ hay thầy cô của con đều chưa giảng cho con hiểu như thế nào là tự trọng. Có thể ba hơi hồ đồ, nhưng có lẽ nhiều thầy cô của con cũng không biết sự khác nhau giữa cái TÔI BẢN NGÃ và LÒNG TỰ TRỌNG.
Cái mà con thấy bị tổn thương và làm con khó chịu chỉ là cái TÔI BẢN NGÃ thôi con ạ. Cái TÔI BẢN NGÃ nó tầm thường lắm. Ai cũng có ngay khi vừa sanh ra đời. Nó nằm sâu trong phần vô thức của mỗi người. Nó sở hữu mọi thứ xung quanh mình một cách tự nhiên và nó tạo ra cái SỞ NGÃ. Cái tôi bản ngã và cái sở ngã là một lực lượng ngủ ngầm trong vô thức của mỗi người. Và bất cứ khi nào có ai chạm nhẹ vào nó là nó vùng dậy nhanh và đột ngột khiến người ta không kiểm soát nổi nó. Và chính cái đó đang kiểm soát con lúc này.
LÒNG TỰ TRỌNG thì khác, nó cao quý vô cùng. Người ta không tự dưng mà có được. Nó không sanh ra cùng với người ta. Nó được hình thành khi người ta bắt đầu tích lũy kiến thức và nó được rèn luyện mà trưởng thành. LÒNG TỰ TRỌNG của người ta phải gồm có TRÍ TUỆ, LÒNG BAO DUNG, LÒNG XÓT THƯƠNG ĐỒNG LOẠI, TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC, LUÔN THẤY MÌNH KÉM CỎI, LUÔN MONG CẦU HỌC HỎI...
Khi một người có LÒNG TỰ TRỌNG thì không chấp cái TÔI BẢN NGÃ. Có ai lôi tên mình ra chửi cũng không thấy động lòng. Sẵn sàng bao dung tha thứ khi có ai đó hiểu lầm mình.
Cái TÔI BẢN NGÃ luôn đòi hỏi sự tôn trọng ngay lập tức = giống người Trung Quốc.
LÒNG TỰ TRỌNG không đòi hỏi bất cứ ai phải tôn trọng mình. LÒNG TỰ TRỌNG luôn trải lòng ra tôn trọng người khác. LÒNG TỰ TRỌNG không chấp cái đúng cái sai. Để rồi “hữu xạ tự nhiên hương”. Đến một lúc nào đó thiên hạ sẽ tự hiểu. Giống như người Nhật vậy.
Hôm nay là lần đầu tiên ba có cơ hội trao đổi với con gái yêu thương nhất đời của ba về cái TÔI BẢN NGÃ và LÒNG TỰ TRỌNG. Ba mong con hiểu và cố gắng rèn luyện.
Rèn luyện nó không hề dễ con ạ. Bởi vì như ba đã nói ở trên cái TÔI BẢN NGÃ nó rất hùng mạnh và ngủ ngầm trong vô thức. Chính vì nó ở trong vô thức nên hầu như người ta không kiểm soát được nó. Người ta chỉ phát hiện ra nó khi nó bùng cháy ra ngoài.
Khó! Nhưng mình gắng sẽ làm được.
Cách của ba là thế này: Ba luôn tự âm thầm nhắc nhở mình “Mình không là gì cả. Mình chỉ là cỏ rác cát bụi. Đừng tham lam. Đừng sân hận. Đừng si mê”. Thậm chí ba còn tạo ra những câu nhắc nhở trong điện thoại và cứ 30 phút cái điện thoại lại nhắc ba những điều đó. Con có thể xem trong cái điện thoại đỏ ba gửi về nhà. Trong chức năng “memo” hay “calendar” của nó. Nếu con chưa xóa nó đi.
Từng ngày, từng giờ, từng phút, chỉ mình nhắc nhở mình được thôi. Chiến đấu với kẻ địch đã khó. Chiến đấu với bản thân còn khó hơn.
Ba chúc con gái ba sẽ thành công để có được LÒNG TỰ TRỌNG thực sự.
Về lá thư này của con. Ba rất thích! Mặc dù con trách ba mẹ rất nhiều. Nhưng ba thích vì sự cởi mở trong nội dung của bức thư.
Và nhờ vậy ba biết là ba vẫn còn nguyên vẹn đứa con gái của ba ngày nào.
Nếu con giận hờn ba mẹ và giữ kín mọi chuyện cho riêng con thì có lẽ đến một lúc nào đó ba mẹ và con sẽ mất nhau hoàn toàn.
Ba khuyến khích con hãy viết những bức thư như thế này cho ba mẹ. Để ba mẹ hiểu con nhiều hơn nữa. Điều đó rất cần thiết để mọi người trong nhà mình gắn kết lại với nhau con ạ.
Con thích dân chủ. Ba cũng thích dân chủ. Nhưng có lẽ ba mẹ đã phần nào thiếu dân chủ trong gia đình chăng?
Có thể đôi lúc phương pháp của mẹ hơi quá đà. Cũng là vì mẹ lo cho con quá mà thôi. Nhẽ ra những lúc như vậy con nên nhẹ nhàng thể hiện quan điểm của con, chứ không nên cứ để mọi chuyện dồn nén. Dồn nén nhiều quá rồi bùng phát thì lại còn nguy hiểm hơn. Với ba thì ba có thể bỏ qua hết cho mẹ. Nhưng con thì chưa đủ bản lãnh phải không? Chính con cũng thừa nhận là con rất thiếu kiềm chế.
Về chuyện học của con. Ba chưa bàn đến. Ba cũng không có ý định trách con về chuyện điểm số. Mình học cách rèn luyện LÒNG TỰ TRỌNG trước con nhỉ.
Về chuyện công bằng!
Đúng là ba mẹ đã thiếu công bằng thật.
Trước tiên cũng bởi tại văn hóa Việt Nam. Người VN qua nhiều thế hệ ngàn đời ăn sâu vào máu cái bệnh thích chê người khác hơn là khen người ta. Điều này con đúng!
Nhẽ ra một việc dù nhỏ tí ti... mà các con làm được thì phải ngay lập tức có lời khích lệ khen thưởng động viên từ người lớn. Đằng này người lớn lại coi cái việc con cái phải làm được những việc đó là nghiễm nhiên. Dẫn đến việc “con đang muốn cố gắng mà chán chẳng muốn cố gắng nữa”. Điều đó nguy hiểm. Và thái độ của cha mẹ như vậy là sai. Ba mẹ cũng cần phải sửa đổi.
Tuy nhiên, cũng như con, con cần thời gian để sửa đổi cái tính cục cằn nóng nảy di truyền từ ba. Thì ba mẹ cũng cần thời gian để học cách khen tặng mỗi khi con gái, con trai của ba mẹ làm được việc gì đó dù nhỏ. Điều này không dễ đối với ba mẹ vì lẽ không phải là không biết mà vì xưa nay không thế, giờ học một cách ứng xử mới ở tuổi ngoài bốn mươi, cái tuổi rất dễ quên.
Vậy con sẵn lòng giúp ba mẹ đấy chứ! Bằng cách hãy cảm thấy hoàn toàn tự nhiên đòi hỏi ba mẹ phải công nhận thành tích của các con dù nhỏ đến mấy đi chăng nữa. Thậm chí là bất cứ bạn nhỏ nào như bạn Bông hay bạn Mig mà làm được những việc nhỏ như đấm lưng cho bà chẳng hạn cũng cần có lời khen tặng. Và con nhớ là hãy vô tư nhắc người lớn làm việc đó!
Còn về chuyện con so bì với em trai con. Hì... chỗ này con không hiểu mẹ rồi. Con đúng. Việc làm bài tập và soạn sách vở là của nó. Nhưng khổ cái là em trai con không muốn hiểu chuyện đó. Với lại cũng có thể là từ bé nó ỷ lại vào việc mẹ làm hộ cho mọi chuyện quen rồi. Thế nên bây giờ mẹ con phải khổ. Đành phải nghĩ ra “thủ đoạn” để dụ nó.
Với con, con không cần phải “làm bài đi rồi mẹ cho chơi”. Vì con không muốn bị ai đó nói động đến thân. Nhiều khi ba thấy con làm bài khuya quá, ba rất xót ruột. Ba đã từng muốn đập tan cái bộ GD của Việt Nam đi rồi. Nhưng em trai con thì ngược lại. Em ấy cứ lì lợm kệ cho thày cô mắng mỏ và vẫn cứ không thèm làm bài đấy.
Mẹ con thì lại luôn cầu toàn. Luôn muốn mọi thứ phải hoàn hảo. Thế nên thành ra là như vậy.
Túm lại, gia đình mình cần có sự đóng góp chung tay xây dựng của tất cả mọi người. Và bây giờ con lớn rồi. Ba công nhận là con đã lớn hơn thật rồi khi con tự mình đã nhận ra được cái tật xấu nóng nảy cục cằn của mình được di truyền rất mạnh từ ba. Thế nên lớn rồi thì con cũng cần góp sức cùng ba mẹ xây dựng gia đình mình vui vẻ hạnh phúc phải không?
Con nói con muốn học cách XẢ BỎ của ba! Ba hoàn toàn hoan nghênh và vô cùng vui mừng.
Cố gắng nhắc nhở mình một cách âm thầm xả bỏ tất cả. Rồi dần dần mình sẽ bớt được nóng nảy con gái ạ!
Thế nhé!
Ba chúc con và cả nhà mạnh khỏe!