Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2008

Người tốt... - Hồi thứ tư - Đứa con của cỏ dại



Tiểu Yến Tử ngả đầu vào vai Công Tử Bột hơi thở đều đều nhẹ nhàng, cô thiếp đi trong giấc ngủ bình an lúc nào không hay. Ngoài khơi xa những con tàu vẫn bập bềnh trên sóng nước, gió đẩy mây trôi lững lờ về phía cuối chân trời. Thủy triều bắt đầu dâng, những con sóng ì oạp vỗ vào những tảng đá ven bờ xung quanh nơi họ ngồi. Sau lưng họ, mặt trời bắt đầu lặn dần xuống bên dưới những rặng thông già cỗi. Bóng hai người đổ dài trên mặt nước, tóc Tiểu Yến Tử từng sợi nhẹ bay theo làn gió thoảng. Họ vẫn ngồi bên nhau lặng im như một cặp nhân tình đang trong mùa sim chín. Cô gái vẫn đang chìm sâu trong giấc ngủ thiên nhiên khiến cho Công Tử Bột không dám động cựa, mặc dù hắn đã cảm thấy khắp mình mẩy đau nhừ và tê cứng. Bầu trời xám xịt của biển đầu mùa đông đã bắt đầu nhuộm đen báo hiệu một đêm dài sắp buông xuống, gió nhẹ se se lạnh mà sao Công Tử Bột lại lấm tấm mồ hôi trên trán. Hắn cởi chiếc áo khoác định choàng sang cho cô. Chính hành động ấy đã khiến cô tỉnh giấc, nhìn sang thấy hắn có dấu hiệu của sự mệt mỏi, cô cười hỏi:
- Em ngủ quên đi mất, có lâu không anh?
- Chừng 20 phút.
- Mà anh ngồi im cho em dựa?
- Ừ.
Cô phá lên cười giòn tan như trẻ lên ba, lẫn trong tiếng cười nắc nẻ "anh... ngốc... quá... đi... ha ha..."
- Thôi em phải trở lại trong đó đây. Khi khác gặp nhau, em sẽ kể chuyện khác cho anh nghe.
Cô vụt chạy đi, chạy trở về với cuộc sống thường nhật mà cô vẫn nói là "tẻ nhạt", để lại hắn ngồi một mình nơi bãi đá không người qua lại.
Ngồi một mình nhìn ra biển, bao nhiêu hình ảnh trong kỷ niệm cứ vùn vụt trôi qua. Kể ra tuổi thơ của hắn cũng khá là vất vả, nhưng có lẽ chẳng thể so sánh với những cuộc đời như Tiểu Yến Tử. Trong ký ức của hắn, từ khi hắn bắt đầu có thể nhớ được thì hắn đã là cậu bé chăn bò. Có những lúc mải chơi đuổi bắt chuồn chuồn với đám trẻ trong xóm để bò cột một nơi vặt trụi cỏ trong bán kính của cái dây sỏ mũi mà bụng vẫn chưa no. Tối về, thấy bò đói, bị mẹ đánh mà hắn cứ trơ ra. Thi thoảng sau bữa cơm mẹ hắn đọc mấy câu "có những ngày trốn học, đuổi bướm cầu ao. Mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc..." hắn nghĩ thầm "ông nhà thơ ấy bốc phét, làm quái gì mà phải khóc". Thời bao cấp, người ta phải làm đủ thứ để vượt qua cái đói, nhà hắn tuy là gia đình công nhân, nhưng cha mẹ hắn cũng khai hoang được hai sào đất nơi gần chân núi, một năm cũng hai vụ lúa một vụ rau. Trong nhà cũng nuôi một con bò đẻ và vài con lợn thịt, vì vậy hắn và em gái của hắn cũng chẳng kém gì trẻ nhà nông. Cũng cấy, cũng làm cỏ lúa, cũng gặt, cũng đập lúa, cũng xay thóc, cũng giã gạo, rồi cũng rong ruổi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác để vớt rau về chăn lợn. Nhưng so với cuộc đời của Tiểu Yến Tử thì hắn hạnh phúc hơn rất nhiều, vì hắn luôn luôn sống trong tình yêu thương vun đắp của cha mẹ. Còn Tiểu Yến Tử thì chưa đến hai mươi, đã phải vật vã một mình đương đầu với thế giới tệ nạn của xã hội, mong kiếm chút tiền gửi về giúp cha mẹ nuôi đàn em nhỏ. Gánh nặng gia đình trong xã hội hiện đại lại đè lên đôi vai của một cô gái xuân thì mảnh khảnh, tuổi chưa nhiều, nhưng gió bụi cuộc đời nhiều hơn tuổi. Nhẽ ra ở lứa tuổi của cô là mái trường đại học, là "giấc mơ vươn tơi một tương lai". Hắn thầm nghĩ "không biết cô ấy có mơ ước gì không?" Rồi hắn lại tự trả lời bằng một câu nói của vị mục sư nổi tiếng Luther Martin King, trên đời này ai mà chẳng giống nhau, tất thảy đều "I have a dream". Có điều hắn chưa được nghe Tiểu Yến Tử kể về giấc mơ của cô mà thôi.
Mải đuổi theo những suy nghĩ miên man, bóng đêm xập xuống lúc nào không hay, thủy triều lên cao, gió mạnh, sóng đập vào gềnh đá làm bắn nước lên chỗ hắn đang ngồi, buộc hắn phải đứng dậy trở về với hiện tại. Chẳng muốn nhập bọn với cái đám đầu tóc bóng mượt, áo trắng cổ cồn, môi trơn nhẫy ngoác ra cười ha hả, tay nâng ly chúc nhau mấy câu xáo rỗng "chúc hội nghị thành công tốt đẹp". Đúng là cái trò vẽ ra để cùng nhau tiêu xài lãng phí tiền thuế của dân. Báo cáo năm nào cũng giống nhau, năm nào cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch, năm nào cũng hoàn thành "nhiệm vụ chính trị". Khỉ thật, tại sao lại có những thứ người dạy nhau nói dối, dối người, lừa dối chính mình, rồi "tự sướng" đến mấy chục năm rồi mà không biết chán nhỉ? Quá chán với những trò hề lặp đi lặp lại, hắn một mình lấy xe trở về thành phố, trở về với gia đình nhỏ của hắn, nơi ấy có cô bồ trăm năm và hai đứa con nhỏ mà hắn yêu thương rất nhiều.

Ngồi một mình trong phòng làm việc, hắn lại lửng lơ nghĩ miên man, bởi nhiệm vụ được giao hắn đã hoàn thành nhưng chưa đến hạn báo cáo. Ở cái chế độ này người dở cũng như người hay, chẳng ai muốn làm việc tích cực. Lương công chức thì vẫn vậy, nhưng nếu làm việc tích cực và báo cáo sớm thì chỉ tổ gánh việc cho người khác, vừa thiệt thân, lại vừa trở thành đối tượng để bọn xu nịnh nó tấn công. Chúng lại xì xào "dạ thưa sếp, hình như hắn có ý đồ nhòm ngó cái ghế của sếp nên mới tích cực như thế để tâng công với lãnh đạo". Trước đây lúc mới ra nghề, hắn cũng hăng say lắm, sếp giao việc cho một tuần, hắn chỉ làm chưa đầy hai ngày là đã xong, rồi báo cáo ngay. Nhưng bây giờ, đời dạy cho hắn phải biết làm kẻ ngu.
Lật lật cuốn sổ công tác, vô tình nhìn thấy dòng địa chỉ nguyệch ngoạc Tiểu Yến Tử viết cho ngày nào. Câu nói "hôm nào rảnh anh ghé chơi", vậy mà cái "hôm nào" ấy vẫn chưa đến. Đồng hồ chỉ mười giờ sáng, đã bắt đầu là giờ "chém gió" của đám "cổ cồn trằng" rồi đây, bảo Việt Nam sao cứ nghèo mãi. Hắn vơ chiếc áo khoác, quyết định hôm nay sẽ thực hiện cái "hôm nào" đã hứa ấy.

Khu nhà cho thuê ở phía cuối con hẻm. Có đại gia nào thừa tiền chẳng biết làm gì mua được mấy trăm mét vuông, xây ba dãy nhà cho thuê xếp thành hình chữ U, ở giữa là một cái sân chung. Ở đây cũng đủ các thành phần và cũng đủ mọi miền quê tụ tập. Có những cặp vợ chồng vốn ở quê ra làm ở khu công ghiệp rồi gặp nhau rồi lấy nhau thế là dẫn nhau đến đây thuê nhà ở. Có gia đình đã có trẻ con thế là bà ngoại lại phải ra ở cùng để bế cháu. Một gia đình, ba thế hệ chui rúc trong một căn phòng chừng mười tám mét vuông.
Phòng khác thì có mấy cậu sinh viên cùng thuê chung cho giảm bớt chi phí ăn học. Cũng có mấy cô sinh viên thuê phòng ở đó. Vì vậy chiều chiều, mấy cậu sinh viên rất hay mở nhạc trong phòng thật to rồi mang ghế ra ngồi ngoài cửa hướng sang phòng nữ sinh cố hát ông ổng mấy bài hát "tình yêu cóc nhái" mà giới học đường đang khoái nghe. Mấy bà già ở quê lên thành phố nhặt đồng nát kiếm sống qua ngày, đã mệt mỏi vì rong ruổi cả ngày, chiều về mong chút thư giãn nhưng lại phải hứng chịu thứ âm thanh chẳng ra ếch cũng chẳng ra chão chuộc, chẳng giống ai ấy dần dần cũng phát cáu. Thế là hàng xóm lại nghe mấy câu chửi đổng "cha bố cái đám được cha mẹ nuôi cho ăn học, thế mà học không lo học, lại thích làm vịt kêu đầu ngõ, chó cắn đầu đình". Một số gia đình đã bắt đầu mang bếp than tổ ong ra quạt. Than non cháy tạo ra khí CO là thứ khi rất độc xông vào mọi nơi khiến cả khu bắt đầu húng hắng ho. Một cậu sinh viên thò đầu ra kêu ca "thời buổi này ai cũng dùng bếp ga, vậy mà còn lắm người lạc hậu thế không biết". Thế là lại lời qua tiếng lại, thứ âm thanh hỗn tạp chiều nào cũng nhiễu loạn nơi cuối con hẻm này.
Tiểu Yến Tử và mấy cô bạn cùng nghề ở chung với nhau tận mấy phòng cuối dãy. Lúc đầu khu dân cư xóm trọ ấy cũng "tình người tha hương lắm", nhưng chẳng hiểu sao dần dần dân trong xóm đều cố tình lánh xa mấy phòng của mấy cô gái son phấn lòe loẹt ấy. Họ xì xào bàn tán và ném về phía các cô những cái nhìn khinh rẻ. Họ bảo con gái con đứa gì mà quần áo ngắn cũn cỡn, quần thì quần soọc, áo thì quai dây, hở hang quá mức. Mỗi sáng chị em Tiểu Yến Tử đều mang chổi ra quét sạch sẽ cái ngõ và cái sân chung của cả xóm, đấy cũng là lúc mà trong các phòng lại rộ lên tiếng ồn ào. Đám đàn ông con trai, ngồi trong nhà mà cổ cứ vươn ra ngoài cửa, mắt thì trợn thô lố dán chặt vào nhưng chiếc cổ áo rộng của những cô gái đang lúi húi quét đường. Mấy bà mấy chị thì lại được dịp xỉa xói "bầy đặt quét mới chả tước để cố tình khoe hàng". Đám chị em Tiểu Yến Tử cũng thừa biết những gì đang xảy ra bên trong những ô cửa kia, chính vì vậy các cô lại càng ngày càng thích khiêu khích nhiều hơn, lúc trước thì cũng chỉ mỗi sáng hai người ra quét, bây giờ thì hai người quét nhưng mấy người khác ra lượn lờ, quần áo thì toàn mặc những thứ nhẽ ra chỉ mặc trong nhà. Khiến cho những người phụ nữ khác trong xóm trọ càng nóng mắt nhiều hơn.
Đúng là thói đời thật lạ! cùng là những người cùng khổ vậy mà họ cũng chẳng thể thuận hòa với nhau, chợt đâu đó vang lên câu ca trong vở kịch "Ngựa người, Người ngựa"
"... Nhìn ta khác nhau một trời,
Nhưng lòng riêng cũng giống nhau mà thôi..."

Sáng hôm ấy khu nhà trọ cũng vắng vẻ yên tĩnh như mọi khi, mọi người đều đi làm chỉ có bà già trẻ em và mấy chị em Tiểu Yến Tử ở nhà. Công Tử Bột vào đến giữa sân đứng nhìn quanh một lúc tìm số phòng, rồi dắt xe đi thẳng về phía cuối dãy. Từ bên trong một căn phòng đang mở cửa, một cô gái vận đồ mầu hồng bước ra chặn đầu xe hắn và hỏi:
- Anh kia tới đây tìm ai có việc gì?
Hắn chưa kịp trả lời thì trong phòng đã léo nhéo tiếng của vài cô gái "tìm em đấy", "của em đấy, chị Hồng ơi!". Rồi ba cô gái nữa chạy ra, một cô áo xanh lá, một cô áo xanh biển, một cô áo hoa. Cô gái có tên là Hồng lại nói:
- Đây là Bích, đây là Lam, đây là Xuân, còn em là Hồng, anh kiếm ai nào?
- Xin lỗi các bạn, Tiểu Yến Tử còn ở đây không?
- Ah...
Các cô gái reo lên rồi chạy vụt vào phòng, trong đó vọng ra tiếng nhốn nháo "Tiểu Yến Tử, chàng của mày đến kìa", "chúng mày vớ vẩn, tao làm gì có chàng nào", "rõ ràng người ta hỏi thăm mày mà"... Tiểu Yến Tử xuất hiện, trên mặt lộ rõ vẻ ngạc nhiên rồi phá lên cười giòn tan như trẻ lên ba:
- Ah... chào anh! anh ngốc!... đây là anh ngốc mà có lần tao đã kể cho chúng mày đấy. Thật không ngờ là anh lại nghé thăm cái xóm bụi đời này. Mời anh vào trong này. Anh thông cảm, tụi em đàn bà với nhau ăn ở luộm thuộm lắm.
Mấy cô gái cùng ồ lên một lượt "là chàng Công Tử Bột thích nghe chuyện cổ tích đây sao?". Công Tử Bột xách túi hoa quả đưa cho Tiểu Yến Tử "anh có chút quà" "đến thăm tụi em là quí rồi, bày đặt quà cáp làm chi". Hồng có vẻ là chị cả lúc này lại lên tiếng:
- Anh thông cảm nhé! cả đời tụi em gặp toàn những kẻ bụi bặm, bỗ bã nó quen rồi, vừa rồi chị em chúng nó hơi sỗ sàng anh đừng giận nhé! Tụi em ở đây có mười đứa ở trong hai phòng thông nhau. Năm đứa kia đi làm ca từ nửa đêm, đến trưa mới về. Lúc đó thì bọn em lại đi làm đến nửa đêm mới về. Kể cũng lạ nhỉ! tại sao một người sống trong thế giới "danh môn chính phái" lại có thể làm bạn với gái giang hồ tụi em được nhỉ?
- Nói chung mọi người cứ hẹp hòi trong suy nghĩ, nên mới chia thành ra tầng nọ lớp kia, chứ thực ra nếu suy xét đến tận cùng thì tất thảy mọi chúng sinh đều như nhau cả thôi. Với lại "danh môn chính phái" chắc gì tất cả đều tử tế. Thậm chí cái chiến trường của đám "danh môn chính phái" còn kinh tởm hơn tất cả những gì mà người ta có thể tưởng tượng ra ấy chứ.
- Úi thôi! em chẳng hiểu được những gì anh nói đâu, nhất là cái câu "mọi chúng sinh đều như nhau", nghe như có mùi bên đạo. Chỉ biết một điều anh đã đến đây là bạn của Tiểu Yến Tử thì cũng là bạn của bọn em. Bây giờ cũng sắp đến giờ chuẩn bị cơm trưa, anh ở lại ăn trưa với tụi em, anh ăn gì để mấy đứa nó chuẩn bị?
- Àh... lạc rang muối, đậu trắng luộc, canh rau gì đó.
- Oạch... anh ăn uống như tù nhân vậy á?
- Hi hi... sao lại tù nhân, anh vẫn ăn vậy mà.
Tiểu Yến Tử bầy dĩa hoa quả lên bàn "anh ấy ăn uống như vậy thì chuẩn bị nhanh thôi, hôm nay anh ngốc đến tận đây, vậy chị Hồng ưu tiên kể chuyện cổ tích cho anh ấy nghe đi!"
- Được rồi, vậy em sẽ kể anh nghe câu chuyện xảy ra ngay trong khu trọ này. Anh biết đấy, "tình yêu" với bọn em là cái gì đó vô cùng xa xỉ. Đàn ông chỉ coi bọn em là một món hàng, một thứ đồ chơi, giải buồn trong giây lát. Mà cũng phải, như em đây mới hai mươi mốt cũng đã sắp thành gái già hết đát, cuộc đời trải qua tay bao kẻ, vần lên vật xuống chẳng thể nào mà nhớ hết. Tự bọn em cũng coi mình chẳng phải là người thì làm sao mong người khác yêu thương tôn trọng mình. Tự bọn em ném tuổi thanh xuân vào vũng bùn nhơ nhuốc, đợi đến khi quá lứa nhỡ thì, chẳng còn gì nữa thì trở về quê, nếu ai rước thì lấy đại người ta gọi là có để sống nốt quãng đời còn lại...
Giọng nói đầy chua xót đắng cay của một cô gái giang hồ cứ đều đều trôi qua trong tĩnh lặng, Công Tử Bột không dám nhìn thẳng vào người nói chuyện, mặt hắn cứ cúi gằm xuống đất, cứ như thể hắn là người có lỗi trong cuộc đời khổ nhục của mấy cô gái đang ngồi quanh hắn.
... Tuy là thứ "xa xỉ", tụi em chẳng dám mơ, nhưng nếu lỡ may mắn có được thì cũng "họa phúc khôn lường" anh à. Trước đây, trong nhóm tụi em có một đứa xinh lắm, nó có cái nét đẹp ngây thơ trong sáng thánh thiện như những cô gái "kim chi ngọc diệp" vậy. Và tên nó cũng giống như người là Diệp Chi. Nhưng khổ một nỗi, làm cái nghề này thì nhan sắc cần thật, nhưng phải là nhan sắc của giang hồ, của bờ bụi, của đầu đường xó chợ, chứ nhan sắc kiểu tiểu thư thì chỉ có rước họa vào thân. Diệp Chi rất đắt khách, thậm chí có những đại gia bỏ tiền bao nó cho nó cùng đi du lịch sang tận Singapore để gặp đối tác làm ăn. Tất nhiên nó cũng chỉ là thứ đồ trang sức bên cạnh các đại gia mà thôi. Diệp Chi nó đẹp nhưng cũng lại là đứa hiền mà tốt tính. Mấy chị em sống với nhau, nó là đứa có nhiều tiền nhất. Một phần tiền kiếm được nó gửi về nuôi mẹ ở quê, một phần nó gửi vào ngân hàng để tính chuyện lâu dài mai sau, một phần nó góp với mọi người để chi tiêu cuộc sống chung. Phần đóng góp của nó bao giờ cũng nhiều nhất. Chính vì thế nên mọi người ai cũng thương con nhỏ Diệp Chi. Nhiều khi ngắm nhìn nó mấy đứa lại chép miệng "uổng cho nhan sắc trời ban, bị dày vò trong vũng bùn nhơ nhuốc. Tuy nhiên Diệp Chi nó cũng không bi quan gì. Mọi người sạch sẽ đều coi bọn em là mấy thứ nhơ nhuốc, nhưng bọn em đã chấp nhận cuộc đời này thì bọn em vẫn phải vui vẻ mà vượt qua. Diệp Chi cũng thế, nó luôn hòa nhã vui vẻ với tất cả. Nhiều khi có đứa nào gặp chuyện bất bình về đến nhà thấy được nụ cười của Diệp Chi thì bao nỗi bực bội dường như tan biến hết. Nhiều khi tụi em cũng thấy xót xa cho nó, đẹp như nó, hiền như nó, tốt như nó mà sao lại lạc chân vào con đường này?
Thế rồi bước ngoặt cuộc đời xảy ra vào mùa hè của bốn năm trước...
Tùng Đăng là sinh viên năm cuối trường Đại học Hàng hải. Tùng Đăng có ngoại hình cực kỳ hoàn hảo, cao 181cm, da trắng, tóc đen thẳng, hàm răng trắng, khuôn mặt điển trai như diễn viên điện ảnh Nam Hàn. Với ngoại hình bắt mắt nên Tùng Đăng được chọn vào ban chấp hành đoàn trường. Năm đó trường Hàng hải tổ chức trại hè ngoài Đồ Sơn, Tùng Đăng là thành viên ban tổ chức phụ trách mảng trò chơi vận động trên bãi biển. Trời xui đất khiến, hôm đó Diệp Chi cũng theo một ông quan lớn ra Đồ Sơn du hí. Họ vô tình gặp nhau, nhìn nhau đắm đuối, để rồi qua vài câu chớp nhoáng họ đã kịp ghi lại số điện thoại liên lạc. Thật kinh ngạc khi Tùng Đăng không hề chấp nhặt quá khứ của Diệp Chi. Hai người tính chuyện hoàn lương, họ thuê chung một căn phòng để ở, Diệp Chi xin vào học lớp trung cấp kế toán. Diệp Chi vứt bỏ số điện thoại cũ, cắt đứt mọi quan hệ trong giang hồ, cô lao đầu vào học mong sao có thể vươn lên trong giới sạch sẽ để không làm xấu mặt chồng. Họ tuy chưa cưới, nhưng đã ở chung và gọi nhau là "vợ ơi", "chồng ơi" thật là tình cảm vô cùng. Đám gái giang hồ bọn em cũng mừng cho Diệp Chi và thầm khấn trời cho cô ấy luôn được bình an.
Ban đầu hai người chi tiêu bằng số tiền tiết kiệm của Diệp Chi, nhưng miệng ăn núi lở, chỉ ăn mà không làm thì bao nhiêu cũng hết, hơn nữa Diệp Chi rất chiều chồng, cô sắm cho Tùng Đăng toàn đồ hàng hiệu, thậm chí còn mua xe SH cho chồng đi học. Thế là chỉ chốc lát số tiền tiết kiệm đã tiêu sạch, cô phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Bưng bê chạy quầy, rửa bát, lau dọn ở các nhà hàng là công việc vất vả mà tiền công thì bèo bọt nhưng cô vẫn gắng vượt qua. Cứ như vậy họ sống với nhau vui vẻ đầm ấm.
Tùng Đăng tốt nghiệp đại học, anh mang hồ sơ đi xin việc, khi đi thì hồ hởi, khi về thì ỉu xìu. Nhìn cảnh chồng ngược xuôi vất vả mà không được toại ý, Diệp Chi lo lắng vô cùng mà không biết phải làm sao.
Một buổi chiều muộn, cô nhận điện thoại từ chồng:
- Vợ à! em cầm cho anh ít tiền lên nhà hàng Thiên Cung nhé!
- Có việc gì vậy?
- Anh mời ông trưởng phòng tổ chức của Công ty vận tải biển ăn tối, để nhờ ông ấy giúp đỡ. Ngày trước còn sinh viên, gặp ông ấy, "chú chú, cháu cháu" vui vẻ lắm, nhưng bây giờ mình đi xin việc thì có vẻ không hài lòng với cái hồ sơ không có gì bên trong. Vì vậy phải mời ông ấy một bữa để hứa với ông ấy là sau này sẽ có hậu tạ. Mà em cũng diện vào đến đây ăn luôn, khỏi phải nấu cơm tối.
Diệp Chi vội vàng chạy vạy vay được năm triệu, cô lo số tiền đó còn chưa đủ, thôi thì vì chồng có lãng phí cũng phải nghiến răng.
Nhà hàng Thiên Cung, phòng VIP số 3, máy lạnh điều hòa, chỉ có Tùng Đăng và gã sếp phì nộn ngồi đối diện nhau, trên bàn là một chai Chivas 21 đang uống dở cùng một số đĩa "sơn hào hải vị". Diệp Chi mở cửa bước vào, cúi đầu chào:
- Cháu chào chú!
Gã sếp ngửng lên, hắn sững sờ trước khuôn mặt khả ái và thân hình cân đối yêu kiều của cô, cằm hắn trễ xuống khiến cái mồm hắn hở ra để lộ mấy miếng cua bể đang nhai dở. Đôi mắt hắn dán chặt vào từng đường cong trên thân hình nảy nở của Diệp Chi, ánh mắt hắn long lên như thể muốn xé toạc bộ đầm mà cô đang vận. Hắn bị nhan sắc của cô hớp hồn đến nỗi Tùng Đăng giới thiệu mấy lần hắn không nghe thấy.
Diệp Chi kéo ghế ngồi xuống cạnh chồng, đối với cô, hình ảnh của bọn quan lại dâm đãng này chẳng có gì là lạ, vậy mà hôm nay sao cô thấy kinh tởm. Gã sếp thấy Diệp Chi đã yên vị mới quay qua hỏi Tùng Đăng:
- Em này là...
- Dạ đây là vợ cháu. Còn đây là chú Quách Tráng trưởng phòng tổ chức...
- Chú cháu gì, đã bảo cứ gọi là sếp, xưng em là được rồi! Vợ à? Sao hồ của cậu lại ghi là chưa có gia đình?
- Dạ, thưa sếp, chúng cháu... à... chúng em mới ở chung, chứ chưa cưới, chưa đăng ký nên chưa viết trong hồ sơ.
- À... thanh niên thời đại mới khác hẳn bọn tớ ngày xưa... Ơ kìa... hai em... uống đi chứ... uống... kệ nó... cứ uống cho đã... mọi chuyện tính sau.
Cả ba người cùng nâng ly, gã sếp mắt vẫn dán chặt vào Diệp Chi, miệng ngoác ra cười ha hả. Ai biết trong đầu của gã sếp đang tưởng tượng ra những gì! Ba người tiếp tục cuộc nhậu với mỗi tâm trang khác nhau. Diệp Chi thì xót xa cho sự lãng phí của đồ ăn thức uống, chắc sẽ bị chém với cái giá cắt cổ. Tùng Đăng thì chỉ mải tung hứng những câu xu nịnh theo đà khoác lác của gã sếp. Còn gã sếp thì rượu vào lời ra hắn "chém gió" vù vù, bão giật cấp mười hai chắc cũng còn thua. Ai cũng bảo đám sếp đỏ tay nào cũng "ăn như rồng cuốn, mà chém gió thì như rồng bay" quả thật không sai. Hắn khoe khoang rằng hắn là trưởng phòng tổ chức thôi nhưng quyền lực thì ngang với ông tổng, thậm chí hắn bổ nhiệm luôn cả chức giám đốc hiện thời. Đang trong lúc chém gió phăng phăng như vậy nhưng hắn vẫn luôn không thể dời được ánh mắt dâm đãng của hắn ve vãn lên bộ ngực phập phồng dưới làn vải cô-tôn của cái đầm màu xám tro trên người Diệp Chi.
Trước đây, lúc còn ngụp lặn trong giang hồ, chuyện uống vài ly rượu đối với Diệp Chi rất là bình thường, nhưng sao bữa nay mới uống có 3 ly cô đã thấy choáng váng, phải chăng do có sự thay đổi nội tiết nên thành ra như vậy? Mắt cô hoa lên chỉ như muốn chực đổ xuống bàn, cô phải gắng hết sức để tỉnh táo để tránh người ta đánh giá không tốt về mình...

Những tia nắng ban mai xuyên qua ô cửa kính chiếu thẳng vào mặt khiến Diệp Chi bừng tỉnh. Đầu nặng như đeo sắt, cô hé mắt nhìn, không phải là căn phòng của cô và Tùng Đăng thuê, trên người không còn mảnh vải, nhìn sang bên, cô giật mình khi thấy gã sếp còn đang thở phì phò như bò đang ngủ. Vơ vội mớ quần áo, chạy vào buồng tắm, cô căng đầu ra nghĩ mà vẫn không nhớ nổi chuyện gì đã xảy ra.
Mặc quần áo lên người, bước ra khỏi buồng tắm, gã sếp đã tỉnh giấc, mắt cô long lên bắn những tia căm giận về phía gã sếp, cô gằn giọng hỏi:
- Chuyện này là thế nào?
- Em thấy anh thế nào - gã sếp trơ trẽn cười hềnh hệch hỏi và bồi thêm - đổi tình lấy việc làm cho chồng em cũng xứng đáng đấy chứ...
Cô lao ra khỏi phòng còn nghe thấy gã sếp nói với theo:
- Lần sau anh cần, gọi em phải tới đấy nhé...
Về đến phòng trọ, Tùng Đăng vẫn còn vùi trong chăn, ngủ ngon lành như không hề có chuyện gì xảy ra. Cô giận dữ lao đến, kéo hắn ngồi dậy và gào lên:
- Vì muốn xin được việc mà anh nỡ dâng vợ cho kẻ khác sao?
- Em làm sao vậy - Hắn nói bằng giọng ráo hoảnh - việc này với em đơn giản như "thò tay lấy đồ trong túi", trước nay em vẫn thường làm đó thôi.
Mặt đất như sụt xuống dưới chân cô, cuộc đời của cô vốn như một kẻ chết đuối trôi sông, gặp được hắn tưởng như vớ được một cây cọc vững trãi giữa dòng, bấu víu vào đó để trao gởi tình yêu và niềm tin, niềm hy vọng vào cuộc đời. Vậy mà hắn vốn chỉ coi cô như một con điếm không hơn không kém. Cô đã định chờ đến lúc hắn xin được việc làm, để thông báo với hắn rằng cô đã mang thai đứa con của hắn. Cô còn tưởng rằng hắn sẽ vui mừng thế nào khi có "song hỷ lâm môn". Nhưng bây giờ thì tất cả đã hết. Đuổi hắn ra khỏi phòng, quăng hết đồ đạc tư trang của hắn ra, cô khóa trái cửa nhốt mình trong phòng, cô khóc hận cho sự bạc bẽo của cuộc đời. Tùng Đăng vơ đồ đạc lủi thủi bước đi. Hắn thầm nghĩ "mình chẳng mất gì, nhưng kể ra cũng hơi tiếc, đang được cơm no bò cưỡi, giờ lại phải tìm đứa khác để nhờ cậy".
Đám con gái giang hồ xúm vây trước cửa phòng trọ, gọi hỏi thế nào Diệp Chi cũng không mở cửa. Cô nói vọng ra: "em không sao, mọi người cứ về đi!"

Chỉ một ngày sau cô mở cửa bước ra, mắt đã cạn khô, lạnh lùng, khóc như thế là quá đủ, cuộc đời không đáng tin, cô không cần phải đau khổ vì nó nữa. Trái tim cô đã hóa thành băng đá lạnh. Diệp Chi nhờ Hồng chở mình đến bệnh viện phụ sản để giải quyết cái thai. Bệnh viện yêu cầu phải có chồng ký vào giấy bệnh viện mới làm. Diệp Chi và Hồng lại cùng nhau đến phòng khám tư. Lúc đang ngồi chờ ở phòng khám tư nhân, Tiểu Yến Tử gọi điện đến "Chi à, mình bảo thật nhé, Thằng bố nó khốn nạn, nhưng nó không có tội tình gì, bạn cứ đẻ nó ra, tất cả đám gái giang hồ này sẽ là mẹ của nó. Dù nó là con trai hay con gái chúng mình cũng sẽ nuôi nó lớn lên thành người tử tế". Được lời của Tiểu Yến Tử, Diệp Chi như bừng tỉnh, Diệp Chi nghĩ: nếu cô bỏ đứa con này, nhỡ đâu về sau mãi mãi cô không có con nữa thì sao? mà Tiểu Yến Tử nói đúng "đứa trẻ đâu có lỗi gì". Diệp Chi vụt đứng dậy bước ra khỏi phòng khám, chỉ là một bước chân nhỏ bé vậy mà cô tưởng như mình vừa bước sang một bầu trời khác, cô tự hứa với lòng mình, đời cô tuy nhơ nhuốc nhưng cô sẽ nuôi dạy con cô thành ông nọ bà kia, đó mới là cách trả thù cuộc đời đúng nhất.
Cô quyết định giữ lại cái thai và quyết định vẫn ở lại một mình nơi phòng trọ, và một quyết định quan trọng nữa là cô không quay lại con đường xưa. Diệp Chi phải bỏ học vì không còn tiền, cô tiếp tục kiếm sống bằng việc bưng bê và rửa bát tại các nhà hàng. Cái thai ngày một lớn, cai bụng to không dấu được ai, chủ nhà hàng không cho cô ra bưng bê nữa, bắt cô chỉ được ở trong bếp để rửa bát, cũng như vậy tiền công cũng giảm theo, cô vẫn cắn răng chịu đựng chờ đến ngày "khai hoa nở nhụy". Nhìn Diệp Chi kềnh càng vác cái bụng hàng ngày đi làm, tụi gái giang hồ bọn em không khỏi lo lắng. Tính tháng, đếm ngày, có lẽ cũng sắp đến kỳ sanh nở, Tiểu Yến Tử bí mật được bố trí về quê để đón mẹ của Diệp Chi.
Cẩm Sơn là một làng vạn chài ven biển miền Trung. Nắng, gió và cát là những thứ quá thừa thãi ở nơi này. Bà Thành sống một mình trong một căn nhà nhỏ phía cuối rặng phi lao kế ngay bên bãi cát. Trong nhà chẳng có thứ gì đáng tiền nên bốn phía căn nhà lúc nào cửa cũng mở toang hoang. Ông Thành cưới bà làm vợ và đưa bà về đó sống cùng khi bà mới hơn 20 tuổi. Không lâu sau khi cưới ông bà đẻ được một cậu con trai tên là Biển, rồi vài năm sau có thêm Diệp Chi. Từ lúc Diệp Chi mới được sanh ra, mọi người trong làng đã bảo "con bé đó không phải người ở đây" bởi dân làng chài ai ai cũng đen là đen, mà Diệp Chi nó cứ trắng mơn mởn như búp sen vừa hé nụ. Tuổi thơ của Diệp Chi thật là quá êm ả. Hàng ngày cô đến trường cùng đám bạn của làng vạn chài. Bà Thành mẹ cô thì bầy bán mấy món đồ khô hải sản tại ngay cửa nhà cho khách du lịch đi ngang qua. Ông Thành và Biển thì nhập vào đoàn người đánh cá, mỗi lần ra khơi thì cả tuần mới về. Kinh tế gia đình chẳng có gì đáng nói. Tất thảy đều tự cung tự cấp. Nhà bà Thành cũng như đa số hộ dân trong làng phải nói là nghèo chuyển kiếp. Thế nhưng, mặc kệ nghèo, họ vẫn sống yêu thương nhau đơn giản như rau muống biển vẫn bò miệt mài trên bờ cát.
Nhưng trớ trêu thay, chẳng biết là nhân họa hay thiên họa, biến cố đau thương ập đến cái gia đình nhỏ đó khi Diệp Chi 15 tuổi. Đó là lần ra khơi cuối cùng của ông Thành và Biển. Những người đi cùng về kể lại tàu của ông Thành bị một tàu hải giám của Trung Quốc đâm chìm lúc đêm khuya khi tất cả mọi người đang say giấc nồng. Tất cả 9 người trên tàu đều mất tích. Bà Thành ngã vật ra đất bất tỉnh. Diệp Chi ôm mẹ nấc lên từng tiếng nghẹn ngào. Từ đó trong căn nhà đã vắng lại càng thêm trống trải.
Học hết lớp 12, Diệp Chi quyết định theo đám bạn ra thành phố làm "công nhân". Nhưng thật tiếc ở thành phố đâu phải là nơi có sẵn việc làm như các cô tưởng. Và thế là Diệp Chi trở thành một "công nhân bán hương bán phấn" từ đó. Thỉnh thoảng Diệp Chi gửi tiền về cho mẹ, bà Thành chẳng dùng để làm gì lại gửi vào ngân hàng, bà tự nhủ "để sau này gả chồng cho nó". Rồi có vài lần Diệp Chi cùng đám bạn cùng làm kéo nhau về thăm bà. Mỗi lần chúng về là cái làng vạn chài nhỏ bé lại bị quậy tung mù mịt. Bà Thành thương chúng nó như con, bà vẫn nghĩ chúng nó làm công nhân chắc vất vả lắm, bà bảo "các con cứ nghỉ ngơi, để bu đi chợ nấu cơm". Cả đám xúm vào lôi bà lại "bu không phải đi đâu cả, tụi con mua cả đây rồi". Thế rồi mỗi đứa một chân một tay, khói bếp bốc lên nghi ngút, tiếng cười nói ríu rít vang xa, khiến đám trai trẻ trong làng đứng ngồi không yên. Bà Thành mắng yêu "cha bố các cô, lớn cả rồi chứ còn bé nữa đâu, sao mà cứ như chằn cả lượt, chẳng chịu dịu dàng thì làm sao mà lấy chồng. Có đứa nào chịu về ở với bu, bu gả chồng cho." Mấy đứa lại nhao lên "bu ơi, bu kiếm cho con một anh đẹp trai bu nhé!", "không bu ơi! không cần đẹp trai quá, nhưng phải khỏe vạm vỡ bu nhé!"...
Cứ như vậy, chúng nó ầm ĩ mấy ngày rồi lại xách túi ra đi "con ra phố đi làm, bu ở nhà giữ gìn sức khỏe bu nhé!". Bà Thành lấy khăn chấm mấy giọt nước mắt chảy dài trên đôi má của Diệp Chi "nếu khổ quá thì cứ về với bu, về nhà bu con mình no đói có nhau, nhà neo người, mà con lại đi làm xa, nhiều lúc buồn bu chỉ biết lấy ảnh của cha và anh con trên bàn thờ xuống vừa lau vừa nói chuyện". Diệp Chi ôm mẹ, nấc lên thành tiếng "con sẽ sớm quay về với bu"...

Tiểu Yến Tử bước vào nhà, bà Thành chắc là chạy đâu đó sang hàng xóm, đốt ba nén nhang cắm lên bàn thờ, cha và anh hai của Diệp Chi nhìn cô ánh mắt như trách móc "mấy đứa là bạn của nhau sao lại để cho con Diệp Chi nó khổ vậy?". Tiểu Yến Tử cúi gằm xuống đất, cô hoảng hốt khi mỗi lần ngước nhìn hai tấm ảnh trên bàn thờ... Cô xách túi vội vàng lao ra khỏi nhà. Đúng lúc ấy, bà Thành tất tả từ đâu chạy về gọi giật giọng "Yến! sao về thăm bu có một mình? Thấy người trong xóm nói có đứa con gái ở thành phố về, bu đoán ngay là mấy đứa tụi con, nên chạy vội về. Sao chưa gặp bu đã định vội đi ngay thế? Con Chi đâu sao nó không về với con?"
- Bu để con nghỉ chút, từ từ con nói chuyện.
Vào nhà, uống cạn một ly nước, ngồi một lúc lâu, Tiểu Yến Tử mới bắt đầu nói được mấy tiếng:
- Bu à! Diệp Chi nó ốm.
- Sao? Nó ốm? Ốm thế nào? Có nặng lắm không? - Bà Thành luống cuống hỏi dồn dập
- Không. Bu cứ bình tĩnh. Nó ốm nhẹ thôi. Có điều bọn con đứa nào cũng bận cả, nên con tính đón bu ra đó chăm sóc cho Diệp Chi mau lành.
Bà Thành bụng nóng như lửa đốt, chân tay run lập cập, đầu óc choáng váng, mới 50 tuổi mà trông bà già như gần 70. Bà thành nhét vội mớ quần áo vào cái bị cói. Lần lưng quần lấy ra mấy quyển sổ tiết kiệm, bà bảo:
- Bây giờ bu đi ngân hàng rút tiền rồi bu con mình đi luôn hả con?
- Thôi đi luôn đi bu, ngoài đó bọn con có tiền rồi, với lại nếu cần rút tiền thì ra ngoài đó bu cũng rút được. Các sở giao dịch của ngân hàng nó liên thông nhau mà, cứ đúng cùng ngân hàng là được.

"Khăn gói quả mướp" bà Thành vội vã theo Tiểu Yến Tử ra bến xe để bắt xe đi Hải Phòng. Ngồi trên xe chạy mấy trăm cây số, Tiểu Yến Tử cứ ngủ gà ngủ gật dựa đầu vào vai bà. Trong khi bà Thành bụng dạ nóng như lửa đốt, mấy lần bà định hỏi cho rõ xem con Chi nhà bà nó ốm thế nào nhưng thấy Tiểu Yến Tử ngủ ngon quá bà lại thôi.

Vừa vào đến khu nhà trọ, đám con gái từ trong phòng chạy ùa ra đón bà, đứa đằng trước, đứa đằng sau, đứa kéo tay, đứa ôm vai, cứ ríu rít như "đón mẹ đi chợ về".
- Bu có nhớ tụi con không?
- Bu ơi! có quà quê cho tụi con không?
- Bu ơi! con nhớ bu quá à!
- Ừ... tại cái con Yến vừa về đến quê là lôi tuột bu ra đây, đi vội quá bu chẳng kịp chuẩn bị quà, xin lỗi các con vậy!
- Cái con Xuân này, bu còn chưa kịp thở, đã đòi quà, đưa bu vào nhà rửa chân tay cho mát đi!
- Ừ... thế con Chi nhà bu nó đâu rồi, nó ốm thế nào?
- Chị Hồng đưa Diệp Chi lên viện sản để đẻ rồi bu à - Xuân vọt miệng nói ra sự thật.
- Xuân! - Lam vội níu tay Xuân mà không kịp.
Nghe đến tiếng "đẻ", bà Thành choáng váng, giật ngửa người ra đằng sau, may mà lúc đó Thanh đang đứng sau lưng kịp đưa hai tay ra đỡ bà.
Vào đến nhà, bà Thành ngồi phịch xuống giường, gương mặt bà thẫn thờ, hốc hác, bà nói trong hơi thở đứt quãng:
- Sao lại đẻ? Nó lấy chồng hồi nào? Sao nó không bảo gì với bu?
Thanh đáp lời:
- Bu à, chuyện dài dòng lắm, rồi từ từ bọn con kể cho bu nghe. Số phận ngược đãi Diệp Chi quá, nó thật đáng thương. Bu đừng trách mắng nó kẻo nó lại khổ thêm.
- Nó là con bu đẻ ra mà. Bu trách mắng nó làm gì, nó khổ thì bu có sung sướng gì đâu. Bu chỉ trách nó tại sao bao nhiêu chuyện xảy ra không nói cho bu biết, để đến mãi hôm nay đi đẻ rồi mới cho bu hay.
- Chắc Diệp Chi nó sợ bu buồn, sợ bu xấu hổ với hàng xóm láng giềng nên nó giấu bu. Việc đón bu ra đây cũng là bọn con tự quyết định. Diệp Chi nó cũng không biết. Nó mà biết chắc nó trách tụi con lắm.
- Các con đón bu ra là đúng, con đừng lo, "thương con không ai bằng cha mẹ", nhất là lúc này "chửa đẻ là cửa mả". Thôi cho bu lên viện sản!
- Bu cứ nghỉ ngơi, chờ bọn con một chút, trên đó đã có chị Hồng.
(reng reng)... tiếng điện thoại réo lên khe khẽ...
Thanh mở máy nghe:
- Chị Hồng à? Thế nào rồi? Bu đã ra đến nơi rồi, đang ở nhà, lát em đưa bu lên.
- Sao? Đẻ rồi à? Mẹ tròn con vuông hả? May mắn quá! Con trai à? Kháu khỉnh lắm à? Rồi em sẽ đưa bu lên đó liền. Còn Diệp Chi sao? Khỏe mạnh bình thường à? May mắn quá!
Quay ra phía mọi người, Thanh reo lên:
- Bu ơi! Mẹ tròn con vuông rồi! Con trai, 2 cân 9, kháu khỉnh lắm!
Bà Thành không hiểu được cảm xúc lúc này, buồn, vui, xốn xang lẫn lộn, cộng thêm lo lắng cho cuộc sống mai sau. Vậy thế là bà đã có cháu ngoại, nhưng con rể lại chẳng thấy đâu. Rồi từ ngày mai cuộc sống sẽ phải thế nào đây? 

"Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi", mẹ nào mà chẳng thương con. Thế là một lần nữa cuộc đời lại đẩy bà Thành vào công việc đầu tắt mặt tối chăm sóc cho trẻ sơ sinh. Hai lần trước là hai đứa con của bà, lần này là cháu ngoại của bà. Tiểu Yến Tử và đám bạn cũng kể hết tất cả mọi sự thật với bà khiến cho lòng bà lại một lần nữa thấy đau quặn thắt, bà không thể nào tưởng tượng được con gái bà lại rơi vào cái nghề khốn khổ đến thế. Nhìn mấy đứa Tiểu Yến Tử vẫn cứ phải tiếp tục làm cái nghề "khốn nạn" ấy để mà sống qua ngày bà thấy thương chúng nhiều hơn là giận. Ôi! cái nghiệp đã  sanh ra làm hoa để cho đời giẫm đạp, cũng đành cúi mặt mà bước đi chứ biết kêu trách ai bây giờ. Bà nói với đám Tiểu Yến Tử "các con à! bu cũng không ghét bỏ gì các con. Các con vẫn là con của bu. Bất cứ khi nào các con cũng có quyền quay về với bu. Tuy nhiên vì tương lai của thằng cháu Nghĩa, bu mong các con thông cảm cho bu, bu cần phải chuyển con Chi và thằng cháu Nghĩa đến nơi ở mới."
Thế rồi bà Thành chuyển Diệp Chi và cu Nghĩa sang một khu nhà trọ khác. Tháng đầu tiên bà tất bật với việc vừa chăm sóc con, vừa chăm sóc cháu ngoại. Số tiền bà gởi tiết kiệm cũng cạn dần vì thời buổi bao nhiêu thứ phải chi mà cái gì cũng trượt giá vèo vèo. Khi cu Nghĩa vừa tròn đầy tháng, bà Thành bắt đầu phải tất tả ra chợ kiếm tiền. Mỗi sáng bà dậy thật sớm từ lúc 3 giờ sáng để ra chợ đầu mối của thành phố mua một gánh rau người ta mang ở quê ra, rồi bà kẽo kẹt gánh đi rao khắp mọi phố mọi hẻm mong kiếm được đồng ra đồng vào để nuôi sống ba miệng ăn trong gia đình bà. Hôm nào may mắn, khoảng 10 giờ sáng là bà đã bán hết gánh rau, bà lại tất tả mua gạo về nhà thổi cơm cho Diệp Chi, nấu bột cho cu Nghĩa. Thấy mẹ quá vất vả, mới ở có hơn một tháng mà bà Thành đã gầy sọm hẳn đi. Thương mẹ quá, Diệp Chi bảo: "con khỏe rồi, mẹ ở nhà trông cháu để con đi làm". Bà Thành quát: "Gái đẻ phải ở cữ đúng 3 tháng". Không dám cãi lời mẹ, Diệp Chi đành tiếp tục ở nhà ôm con. Bế con trên tay, Diệp Chi cất tiếng ru mà nước mắt không ngừng rơi lã chã:
"Hò... ơ... ngoại già như trái chín cây... gió lay ngoại rụng... mẹ phải mồ côi..."
Vẫn chưa hết ba tháng ở cữ, Diệp Chi quyết tâm bắt mẹ ở nhà để cô đi làm trở lại. Cô vẫn xin được việc chạy quầy và rửa bát trong mấy cái nhà hàng đặc sản trong thành phố. Bây giờ cô phải làm vất vả hơn, phải cố làm tăng giờ vì từ đây những đồng tiền cô làm ra phải chi dùng cho cả ba người. Cuộc sống tuy vất vả, nhưng cả nhà ba mẹ con bà cháu luôn yêu thương đùm bọc nhau. Cu Nghĩa lớn lên từng ngày, "3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò đi bằng cả 2 chân" đúng y như câu nói của các cụ ngày xưa không sai một tẹo nào. Thế rồi cái ngày đầy năm của cu Nghĩa cũng đến. Nhà nghèo, làm không đủ ăn, nhưng Diệp Chi cũng cố lo sắm khá tươm tất cho cái ngày cúng Mụ cho cu Nghĩa. Bà Thành bàn với Diệp Chi không nên bầy vẽ nên cũng chỉ làm mâm cơm nho nhỏ cúng Mụ là xong. Nhưng đám Tiểu Yến Tử thì không mời cũng kéo nhau đến bởi dù sao ở cái xứ "bỉ vỏ" này Diệp Chi cũng chẳng có ai là bạn. Nơi nhà trọ mà ba mẹ con bà cháu nhà cu Nghĩa ở, lại được một ngày rộn ràng đầy ắp tiếng cười tiếng hát, tiếng nói chuyện rôm rả của mấy cô gái giang hồ. Nhìn thằng cháu ngoại lẫm chẫm đi khắp nhà, vui đùa cùng mấy mẹ, mấy dì, lòng bà Thành cũng thấy vui vui...
Những tưởng "hết mưa trời lại sáng", thế nhưng "ở đời nào ai có học được chữ ngờ". Một buổi tối, Diệp Chi đi làm về muộn, đến "ngã tư tử thần", người ta gọi là "ngã tư tử thần" vì ở đó tai nạn rất nhiều, đúng lúc đèn đỏ bật lên, Diệp Chi dừng xe trước đèn đỏ nhưng phía sau cô chiếc xe đầu kéo chở "container" vẫn hung hãn xông tới...
Tin dữ như sét đánh ngang tai, bà Thành quỵ xuống ngất đi, thằng bé Nghĩa mới hơn một tuổi, nhưng có lẽ nó cảm nhận được sự mất mát, nó khóc nức nở hai tay lay gọi bà ngoại đang nằm ngất trên giường. Cu Nghĩa vẫn chưa hiểu từ "mô côi" là gì.
Sau khi chôn cất đứa con gái xấu số, bà Thành suy sụp và yếu đi rất nhiều, bà biết chắc bà cũng không sống được lâu nữa, nhưng không còn cách lựa chọn nào khác, bà vẫn phải cố gắng ra chợ kiếm sống để nuôi thằng cháu ngoại nhỏ dại.
Mỗi sáng khi bà Thành đi, cu Nghĩa vẫn chưa thức giấc, vì vậy bà phải khóa cửa nhốt cu Nghĩa trong nhà. Đến trưa bà về thì đôi khi phải dọn cả phân mà cu Nghĩa bậy ra khắp nhà, rồi mới tắm qua cho nó vì nó bẩn từ đầu tới chân. Rồi sau đó mới nấu cơm hai bà cháu cùng ăn. Buồi chiều lại lặp lại như buổi sáng, bà ra ngoài kiếm sống khi cháu còn chưa thức giấc, lúc trở về lại bẩn thỉu cứt đái từ đầu đến chân.
Mới hơn một tuổi, cu Nghĩa cứ lủi thủi một mình cả ngày trong bốn bức tường. Nhưng ở nó có một sức sống như cỏ dại. Cuộc sống thì thiếu thốn, điều kiện thì tù túng bẩn thỉu, vậy mà nó không hề bị đau ốm gì. Nó gầy, nhỏ và hoang dại hơn đám trẻ cùng lứa, nhưng nó vẫn lặng lẽ lầm lũi sống như ngọn cỏ lầm lũi rẽ đất để vươn lên đón ánh mặt trời. Mỗi lúc thức giấc, nó đều thấy chỉ có một mình, vài ngày đầu thì nó khóc đến mất cả tiếng. Thế rồi miết nó cũng quen dần, nó không khóc nữa, lầm lũi một mình từ góc này sang góc khác trong căn nhà trọ mười mấy mét vuông đó.

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2008

25000 người chết đói mỗi ngày






http://www.youtube.com search keyword: “xem rồi suy nghĩ”
In February 2006
At the 56th Berlin International Film festival
Filmmakers were invited to join a Short Film Competition on the theme:
FOOD, TASTE and HUNGER
3600 Filmmakers from around the world joined the competition. But only 32 films were chosen to be screened at the Berlinale Talent Campus.
This film topped the competition by being adjudged the Most Popular Short Film
Tháng Hai năm 2006
Tại liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 56
Các nhà làm phim được mời tham dự cuộc thi phim ngắn với chủ đề:
Thức ăn, Khẩu vị và CÁI ĐÓI
3600 nhà làm phim đã tham gia cuộc thi. Nhưng chỉ có 32 phim được lựa chọn trình chiếu tại trại sáng tác Berlin.
Phim này đoạt giải nhất với đánh giá là Phim Ngắn Ưa Chuộng Nhất

Bài hát trong phim:
Let me tell their story that no one else can hear. How can someone’s laughter bring me close to tears. And you’ll never know cause you’re never there. After what we’ve seen can we close our eyes again. Let me tell their story you won’t is true. I have not forgotten so I’m sharing it with you. For all the things we know what have we really learned? Though I close my eyes the images remain. And their story… begins again.
Hãy cho phép tôi kể chuyện của họ, là câu chuyện chưa ai khác nghe thấy. Tiếng cười ai đó đưa tôi đến gần với nước mắt như thế nào. Và bạn không bao giờ biết vì không bao giờ bạn ở đó. Sau tất cả những gì chúng tôi đã thấy, chúng tôi không thể nhắm mắt.
Hãy cho phép tôi kể chuyện của họ, bạn khó mà tin được. Tôi không thể nào quên nên tôi chia sẻ nó cho bạn. Cho tất cả những gì chúng tôi biết là những gì chúng tôi học được? Cho dù tôi nhắm mắt lại thì mọi thứ vẫn không xóa nhòa. Và chuyện của họ… lại bắt đầu vào ngày mai.

Around the world
25000 peoples die of HUNGER
EVERY DAY
Trên thế giới này
Hai mươi lăm ngàn người chết vì ĐÓI
MỖI NGÀY

Written (kịch bản), Photographed (quay phim) and Directed by (và đạo diễn bởi): FERDINAND DIMADURA
Original Music Composed (âm nhạc), Arranged (soạn nhạc) and Performed by (và trình bầy bởi): FERDINAND DIMADURA

THIS IS A TRUE STORY

ĐÂY LÀ MỘT CHUYỆN THẬT

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2008

Người tốt... - Hồi thứ ba: Tình mẹ



Hò...ơ... mùa đông... gió lạnh căm căm
Gió đưa cành liễu... ơ.... ờ...
Gió đưa cành liễu mẹ nằm nhớ con...

Chiếc xe khách từ từ lăn bánh qua cổng vào bến cuối là Cầu Rào. Sau hơn 7 tiếng đồng hồ đồng hành cùng nhau, khách lục tục lần lượt rời xe. Giữa trưa trời nắng chang chang, cái nắng gắt của một ngày tháng bảy nóng nực và ngột ngạt. Cũng may, tại cái bến xe này thi thoảng có cơn gió lạc mẹ từ dưới sông thổi lên, thổi bay đi mùi xăng dầu, mùi người, mùi hàng quán,...
- Hì... anh ngốc... bai-bai nhé! cảm ơn anh đã ngồi nghe những thứ linh tinh của em.
- Khoan đã, cho anh địa chỉ đi!
- Ha ha... anh cũng định kiếm gái làng chơi hay sao?
- Em thẳng thắn quá nhỉ! là... anh muốn đến thăm em, có được không vậy?
- Không phải thế chứ? Đàn ông trí thức lại kết bạn với gái giang hồ?
- Trí thức với giang hồ gì chứ! chẳng lẽ người với người lại không được hay sao?
Tiểu Yến Tử chợt trở nên thẹn thùng như gái quê, rồi đưa tay rút quyển sổ và cây viết trên túi ngực của Công Tử Bột. Sau một hồi hí hoáy viết: "Đây là địa chỉ của em" - "Chữ xấu thế, đọc được, chết liền á!... hì... hự..." - "Chúa ơi! con chỉ hay bị vợ nghéo sườn thôi, chứ chưa bị ai đấm thế này bao giờ..."
- Anh có vợ rồi à?
- Anh già rồi mà, một vợ, 2 con nhỏ... Được rồi, hôm nào rảnh anh sẽ đến chơi, chào em nhé!

Nhảy lên xe ôm, công tử nghĩ miên man về những nhân vật trong chuyện mà cô gái đã kể, mỗi số phận, mỗi cuộc đời rất khác nhau, nhưng họ đều là "người tốt". Loáng một cái đã về đến cổng nhà từ khi nào. Tiếng trẻ con trong nhà gọi ba ầm ĩ kéo công tử trở lại với thực tế no đủ hạnh phúc của mình.

Công tử lại bận rộn với công việc hàng ngày, bề bộn với đống giấy tờ ngổn ngang, bạn bè, đối tác... Những công việc đem lại những đồng tiền phục vụ cho cuộc sống của gia đình công tử.
Đôi lúc ngồi một mình trong văn phòng, chợt nhớ đến gương mặt trẻ đẹp pha chút tinh nghịch của cô gái đi cùng xe hôm nào, chàng lại thấy nôn nao, chàng nhủ thầm: "chờ khi nào rảnh mình sẽ đến thăm cô ấy".
Thế nhưng cuộc đời vốn bạc bẽo, cái "khi nào rảnh" ấy nó luôn là ngày mai hoặc tuần sau hoặc tháng sau. Tờ địa chỉ ngoệch ngoạc ấy vẫn nằm im trong quyển sổ điện thoại trong túi ngực của chàng. Nơi cô gái ở, cũng là nơi cô hành nghề kiếm sống ở ngay trong cái thành phố bé tẹo này, vậy mà cái "khi nào rảnh" ấy sao lại khó xảy ra thế!
Thời gian vẫn trôi, chàng vẫn bận bịu, rồi những khi có chút thảnh thơi, chàng không còn ngồi một mình trong văn phòng để nghĩ về những gương mặt bất chợt kia nữa, chàng thích ghé vào các phòng khác để tán gẫu, nhất là những phòng mới nhận thêm các em nữ trẻ mới ra trường. Trước mặt các em, chàng tỏ ra mình là người đầy kinh nghiệm và ga-lăng, chàng lên giọng dạy cho các em những kiến thức nghề nghiệp cũng như những trải nghiệm cuộc đời. Được các em khen một câu là chàng càng hứng chí, càng ba hoa nhiều hơn. Và chàng cảm thấy nhất thời thích điều ấy lắm.

Mùa đông đến, trên Bộ tổ chức họp ngoài Đồ Sơn, cơ quan cử chàng đi họp. Thầm nghĩ: "họp hành quái gì, bầy trò để dải ngân và du hí với nhau". Cầm tập báo cáo được phát từ hôm khai mạc, chàng chọn một chỗ ngồi tận cuối cùng để dễ ngủ gật, vì có gì đáng để nghe đâu.
Đang thiu thiu gật gù, chàng giật mình tỉnh giấc vì đập đầu vào vai ghế của người phía trước. Liếc nhìn đồng hồ... "giờ này mà các cụ còn phát biểu hăng thế!" Rồi chàng len lén chuồn ra khỏi phòng họp.
Gió lồng lộng thổi, chàng kéo phéc-măng-tuya kín cổ chiếc áo gió, thong dong thả bước trong trời chiều. Bước chân dẫn chàng đến mép nước lúc nào chẳng hay. Sóng biển lăn tăn đuổi nhau ùa lên bãi cát. Chàng lại chậm dãi đi dọc theo mép nước. Những con dã tràng thấy động, vội vàng lao xuống biển, cái tổ mà chúng vừa xây lại bị sóng chùm lên, khi sóng rút ra xa, bờ biển lại phẳng lì cát mịn.
Tới cuối bãi cát là ghềnh đá, trên một tảng đá có một cô gái đang ngồi một mình nhìn ra biển. Chàng đang định quay đầu bỏ đi, nhưng như có một điều gì đó níu chàng lại khiến chàng nhìn cô gái thêm một lần nữa. Tuy quen mà lạ, tuy lạ mà quen, mái tóc kiểu Mai-ka... đúng lúc chàng đang phân vân thì cô ngoảnh đầu lại, chàng kêu lên:
- Tiểu Yến Tử!
- A... anh ngốc! làm sao anh biết em ra đây mà tìm?
- À... không... anh xin lỗi vì chưa thực hiện lời hứa đến thăm em. Anh chỉ là vô tình có việc ngoài này. Còn em, sao lại ra đây giữa mùa đông?
- Em... đi khách, có một ông sếp yêu cầu có người phục vụ khi ông ấy họp hành ngoài này... ông ấy đang họp trong khách sạn, em rảnh việc nên ra đây.
Công tử leo lên tảng đá ngồi xuống bên cạnh Tiểu Yến Tử.
- Lần ấy gặp em, được nghe em kể chuyện, anh rất thích.
- Vậy em kể chuyện nữa nhé. Lần trước em toàn kể về mấy người giang hồ bờ bụi, bây giờ em sẽ kể về những người tốt ở cùng đẳng cấp với anh.
- Em lại thế rồi.
- Không phải đâu, dù anh có muốn hay không thì xã hội này vẫn luôn có phân biệt khi nói về những thế giới khác nhau. Thế giới của những người như anh - đàng hoàng và trong sạch, và thế giới lừa lọc và xảo trá của những kẻ giang hồ.
Công tử không cãi lại lời của cô nữa, nhưng những điều cô gái cười cả được bằng môi và mắt này nói khiến công tử suy nghĩ rất nhiều. Người ta vẫn định nghĩa giang hồ là hiểm ác, danh môn chính phái là trong sạch, định nghĩa ấy có đúng thật hay không?...
Tiểu Yến Tử bắt đầu vào câu chuyện:
Anh biết chợ Đổ chứ? Ở chợ đó có một bà cụ già bán ước, bà có một cái lều nhỏ ở góc chợ, vừa là quán nước, cũng là nơi che mưa, che gió cho bà qua đêm.
Năm xưa, bà có 3 người con đi bộ đội. Khi ra đi họ đều nói: "con đi nhé, ngày đất nước hòa bình, con sẽ quay về". Thế rồi chiến tranh đã qua đi, đất nước hòa bình lập lại, ba người con của bà vẫn còn lưu lạc ở đâu. Họ đã nằm lại ở lưng sườn núi nào, hay cánh rừng nào, sao không quay về bên mẹ?
Ai buôn bán ở cái chợ ấy cũng đều biết bà, và biết đến câu chuyện về bà. Ban ngày họ thi thoảng đến uống nước trong cái quán nhỏ của bà, với dăm ba câu chuyện cũng để bà đỡ thấy vắng vẻ. Mấy chục năm qua đi, những người con của bà vẫn chưa về, bà vẫn sống một mình lay lắt nơi góc chợ. Hàng đêm người ta vẫn nghe văng vẳng từ trong chợ mấy câu hò da diết:
Hò...ơ... mùa đông... gió lạnh căm căm
Gió đưa cành liễu... ơ.... ờ...
Gió đưa cành liễu mẹ nằm nhớ con...
Con đi vì nước vì non...
Con đi có biết mẹ còn nhớ thương...
Hò... ơ... ai ơi có đến muôn phương
Gặp con tôi nhắn... ơ ờ...
Gặp con tôi nhắn nhớ đường về quê...
Chẳng biết tiếng hò của bà được gió đưa đi đến tận nơi đâu, không biết những người con của bà có nghe thấy được không?...
Thế rồi...
Tiểu Yến Tử chợt ngừng lại. Cái sự im lặng khiến công tử muốn ngạt thở. Nhưng công tử cũng không dám lên tiếng cắt ngang dòng suy tư của cô.
Thế rồi... vào một đêm đông của 7 năm về trước, (nghĩ thầm: không lẽ họ trở về), khi tất cả mọi nhà đã chìm vào giấc ngủ, gió mùa đông bắc vẫn réo rắt trên các ngọn cây, bà bỗng nghe như có tiếng trẻ con gọi mẹ, tiếng gọi yếu ớt như vọng về từ một nơi xa thẳm. Bà tưởng mình nằm mộng mà ra, nhưng không phải, rõ ràng đó là tiếng trẻ khóc, mỗi lúc một rõ, mỗi lúc một to dần. Bà vùng dậy, khoác thêm chiếc áo, ra khỏi nhà bà hấp tấp đi về phía cổng chợ, nơi phát ra tiếng khóc.
Một đứa bé đỏ hỏn quấn trong mấy cái tã lót, ngoài cùng bọc bởi một chiếc áo phao, tất cả đặt vào trong một cái nôi nhựa. Đứa bé khóc lên ngằn ngặt, có lẽ vì lạnh và thiếu hơi người. Bà vội vàng bế nó lên vừa nựng vừa ru, vừa ngó ra xung quanh. Đêm đông lạnh giá, tịnh không một bóng người. Loay hoay một hồi, bà quyết định bế nó về cái lều của bà. Thay cho nó chiếc tã, rồi bà lấy hộp sữa Ông Thọ của ban thương binh xã hội cho pha với nước phích, bà cặm cụi đổ cho thằng bé từng thìa sữa nhỏ.
Hò... ơ... gió đông... chảy suốt một đời...
Con tôi không thấy... ơ ờ...
Con tôi khống thấy mà người bỏ con...
Sáng hôm sau, bà bế thằng bé lên phường báo cáo, mấy anh cán bộ phường nói: "Có lẽ bà cứ bế cháu về để xem có ai nhận không, rồi có gì chúng tôi sẽ xuống giải quyết sau".
Bà bế thằng bé về, đặt nó ở giữa nhà bà nói: "Vậy là ông trời đã ghép con cho ta, một người mồ côi con, một trẻ mồ côi mẹ, từ nay con ở với bà, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo nghe con!"
Ầu... ơ... mưa lạnh rơi xuống mùa đông...
Vừa mới lọt lòng.... ơ ờ...
Vừa mới lọt lòng đã phải mồ côi...
Bà đặt tên cho nó là Đông Thiên, ý là đứa con trời sinh vào mùa đông. Từ đó bà thay cha mẹ của thằng bé, nuôi nó, chăm sóc nó, với đôi bàn tay già nua gày yếu. Dân buôn trong chợ biết chuyện mỗi người giúp một chút. Bà hàng sữa thì cho cân đường hộp sữa, chị buôn quần áo thì đem cho quần áo, ai buôn gì thì cho thứ ấy. Thằng bé lớn dần lên trong sự chăm sóc của bà và sự bao bọc của người buôn trong chợ.
Thằng bé kháu khỉnh, đôi mắt tròn mơ mộng như mắt trẻ thơ, lại thêm rất ngoan và lễ phép nên trong chợ ai cũng yêu nó. Khi nó biết chạy, biết bi bô, người ta càng quí hơn vì nó thường đem lại niềm vui nhất thời cho họ. Nó chạy hết hàng nọ quán kia hỏi đủ thứ chuyện, nào là "cái này là cái gì hả bác?", "cái này để làm gì vậy cô?"... Nó ở với bà, tuy không đầy đủ, nhưng những thứ cần thiết đều có cả, duy chỉ có một thứ nó không có, đó là nó không có bạn. Đơn giản là vì trong chợ thì không có trẻ con, nó không dám ra khỏi chợ vì bà sợ nó ra phố thì đi lạc mất.
Khi nó 6 tuổi bà cũng muốn cho nó đến trường để học cái chữ. Tháng Chín, bà dắt Đông Thiên đến trường, ông đốc học nói: "Cháu nó không có giấy khai sinh làm sao mà đi học?". Bà lại dắt nó về, bà nhớ trong cái mớ kỷ vật của nó để lại trong chiếc nôi nhựa ngày ấy có thứ giấy tờ gì đó. Bà lục tìm được, đó là tờ giấy chứng sinh của bệnh viện Kỳ Đồng, sinh nhật của Đông Thiên là ngày 22 tháng 12 năm 1998 tuy nhiên nơi viết tên mẹ nó thì đã bị mờ, không đọc được. Mang giấy đó lên phường người ta không làm khai sinh cho thằng bé vì không thể biết được bố mẹ nó là ai. Bà thất vọng quay về... "không lẽ thằng bé của bà sẽ mù chữ hay sao?".
Một năm qua đi, thằng bé vẫn lủi thủi quanh bà, nó bắt đầu thấy tủi thân khi không biết đọc chữ. Thỉnh thoảng có người cho nó những quyển truyện tranh cũ, nó chỉ biết đọc bằng hình. Bà thì già quá rồi, mắt mờ chân chậm, vốn chữ của bà học từ hồi xóa nạn mù chữ chắc cũng chẳng còn bao nhiêu để có thể dạy cho thằng bé.
Ngày Quốc Khánh, một cô giáo trẻ vào chợ, cô đi mua bóng bay túi để chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới. Thông thường các trường khác sẽ yêu cầu học sinh mỗi cháu phải mua một quả bóng bay mang đến trường ngày hôm ấy. Nhưng với cô thì khác, cô muốn mua cả mấy túi rồi sau đó phát cho các em, để khỏi phiền đến các bậc phụ huynh phải đi chợ vì mỗi một quả bóng bay. Cô làm như vậy vừa tiện lại vừa rẻ. 
Cô ghé vào quán của bà cụ nghỉ chân. Đông Thiên cứ nhìn cô chằm chằm như thể nó được thấy một thiên thần mà trước nay nó chưa hề gặp. Rồi nó đến bên cô:
- Cô ơi, cô tên là gì?
- Cô là Uyên.
- Cả tên cô là gì?
- Cháu muốn hỏi tên đầy đủ của cô phải không? là Trần Lê Liên Phương Uyên.
- Ôi tên cô dài thế, tên cháu chỉ có 2 tiếng, cháu là Đông Thiên.
- Tên hay nhỉ? Cháu học lớp mấy rồi?
- Cháu chưa có đi học?
- Ồ vậy à?
Bà cụ liền kể lại hoàn cảnh của cậu bé cho Uyên nghe. Cô ngồi im, nghe như nuốt từng lời của bà cụ.
- Bà ơi, em ấy xứng đáng được đến trường. Mùng 5 khai giảng, bà dắt em ấy đến trường cháu dạy nhé! Cháu nhất định sẽ xin cho em ấy vào học bằng được.
Nói xong, Uyên cũng thấy hoang mang, cô chưa biết phải làm sao để cho bé Thiên được đến lớp. Cô chỉ là một cô giáo mới ra trường, chưa có biên chế, làm hợp đồng nhà trường, được phân công dạy 1 lớp và kiêm nhiệm công tác đoàn đội. Nhưng cô đã quyết tâm phải xin bằng được cho bé Thiên đến lớp, cô cũng đã nghĩ đến chuyện nếu không được thì cho bé ngồi dự thính trong lớp của cô. 
- Bà cho cháu mượn cái giấy chứng sinh nhé! Đây là chứng minh thư của cháu, bà hãy giữ lấy để làm tin.
- Ôi bà cảm ơn cô quá! Cái giấy chứng sinh này chỉ có ý nghĩa với thằng bé, đối với cô nó có giá trị gì đâu, cô thương cháu thì cô mới giúp cháu, chứ cô được lợi lộc gì. Làm gì mà bà phải giữ chứng minh thư của cô.
Bà cụ cứ nắm lấy tay cô mà cảm ơn rối rít. Thế rồi sau đó là những ngày thắc thỏm mong tin.
Chỉ có ba ngày để cô làm ra phép mầu nhiệm. Cô chạy ngược chạy xuôi tìm đủ mọi cách để làm giấy khai sinh cho thằng bé. Phép mầu thứ nhất xuất hiện khi cô biết được bạn học phổ thông với cô sau khi tốt nghiệp trung cấp y đã về làm y tá ở bệnh viện Kỳ Đồng. Sau khi nghe cô kể chuyện, cô bạn ấy đã dắt cô lên gặp chị quản lý hồ sơ lưu. Lục lọi trong đống hồ sơ đầy bụi bặm họ đã tìm được cái ngày 22 tháng 12 của bảy năm về trước. Chị quản lý hồ sơ nói: "May cho hai cô là cái bệnh viện này bé tẹo nên hôm ấy chỉ có mỗi một ca sinh đẻ". Như có sự sắp đặt của ông trời, hai cô kêu lên ngạc nhiên khi nhìn thấy tên của sản phụ Lê Uyên Phương, một cái tên rất lạ nhưng lại có mấy tiếng trùng với tên cô giáo. Không thấy có tên của người cha. Lần theo địa chỉ mà sản phụ khai trong hồ sơ, hai cô tìm đến một khu ổ chuột ngoài bến Bính, hỏi về người đàn bà tên là Lê Uyên Phương, nhưng không ai biết cả.
Với tờ giấy chứng sinh được cấp lại, hai cô đành rủ nhau lên phường làm khai sinh cho thằng bé. Chú công an hộ tịch vừa mới nhìn thấy tờ chứng sinh đã nạt nộ: "Các cô trông vừa trẻ vừa đẹp, chắc không phải người lạc hậu, tại sao con 7 tuổi rồi mới đi làm khai sinh?". Hai cô lại lần nữa thuật lại câu chuyện cho chú công an nghe. Phép mầu thứ hai xuất hiện, chú công an này vượt qua nguyên tắc hành chính, vượt qua cả nguyên tắc bản thân, làm ngay tờ giấy khai sinh cho thằng bé: "Bây giờ đã cuối ngày, mà ngày mai khai giảng rồi, nếu theo nguyên tắc thì thằng bé sẽ không kịp đến trường, tôi xin phép đóng giùm thằng bé tiền lệ phí khai sinh". Rồi chú đưa cho cô giáo tờ giấy khai sinh kèm thêm 5 bản sao nữa.
Hai cô mừng quýnh, chộp lấy tờ khai sinh, chạy vụt ra ngoài, quên cả chào tạm biệt chú công an tốt bụng.
Phóng như bay trên hai chiếc xe mi-ni, hai cô guồng chân chạy thẳng đến chợ Đổ. Nhìn thấy bà và bé Thiên, hai cô reo lên: "Được rồi bà ơi! Bà xem giấy khai sinh của bé Đông Thiên, vậy là bé có thể đến trường rồi."
Bà run run đón tờ giấy khai sinh còn thơm mùi mực mới trên tay cô giáo... "Ơn Trời, ơn Phật, cảm ơn cô giáo nhiều lắm!"
Đúng theo lời hẹn của cô giáo, sáng hôm sau, ngày 5 tháng Chín bà dắt thằng bé đến trường. Cô giáo Uyên đã đứng ở cổng trường đợi hai bà cháu từ lâu. 
Dắt tay bé Thiên vào lớp, cô Uyên thỏ thẻ: "Từ nay con vào lớp học chữ với cô nhé! Hết giờ học lại về với bà"
Bé Đông Thiên lần đầu tiên xa bà, lần đầu tiên xa cái xóm chợ, lần đầu tiên đi học, nó hoang mang và đứng nép vào bên cô.
Bà cụ đứng ở cổng nhìn theo mãi khi bóng thằng bé theo cô vào lớp. Quay về nhà bà thắp nén nhang lên bàn thờ 3 người con trai. Lần đầu tiên sau mấy chục năm trời, bà thấy lòng mình thật thanh thản...
Ầu... ơ... Trời xanh vén đám mây mù
Bà nuôi con lớn... ơ... ờ...
Bà nuôi con lớn bây chừ học ngoan...
Bà nằm xuống chiếc giường gấp mọi khi, rồi yên tâm đi vào giấc ngủ...

Tiếng của Tiểu Yến Tử nhỏ dần, nhỏ dần, thì thào như tiếng gió ngọt ngào dịu êm. Cô nghiêng đầu một bên, gục lên vai công tử, hơi thở nhẹ đều đều. Sau lưng họ, mặt trời đã lặn xuống phía dưới những rặng cây. Phía ngoài khơi, ánh sáng yếu ớt của vầng trăng đã bắt đầu hé lên.
Hò ơ... Biển hiền vắng vẻ chiều đông
Có anh còn thức... ơ ờ...
Có anh còn thức má hồng ngủ ngon...
Cô gái có ngủ yên trên vai công tử đến sáng hay không, xem hồi sau sẽ rõ. 

http://hoaphonglan.vnweblogs.com/post/9171/100165

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2008

Người tốt... - Hồi thứ hai: Cỏ vàng chân mộ chí




Mặt trời đã bắt đầu rót từng cốc lửa ngùn ngụt qua khung cửa kính của chiếc ô tô 45 chỗ ngồi. Lúc khởi hành từ bến Vinh mới có khoảng 2/3 khách, vậy mà bây giờ đã kín, có một số khách đã phải ngồi ghế phụ. Công tử kéo rèm che nắng.
- Này anh ngốc!
- Uầy... cô hai, tui tên là Công Tử Bột!
- Anh có tin vào số phận không?
- Chuyện gì nữa đây?
- Em có quen một chị, chị ấy là A Tử, có chồng rất đàn ông tên Tiêu Phong, hai người yêu nhau lắm, vậy mà người ta nói số phận hai người không được ở bên nhau.
- Tuổi gì vậy?
- Cả hai anh chị đều sinh năm 1982.
- Sách nói rằng: 1982 tuổi Nhâm Tuất, mệnh Đại Hải Thủy. Theo Tiên Thiên Bát Quái của Phục Hy, nam nữ đều cung Tốn, duyên phận: Tốn thú Tốn vi Phục Vị là tốt. Nhưng Hậu Thiên Bát Quái của Văn Vương lại có phân biệt, nam cung Ly, nữ cung Càn, kết hôn xem tuổi đàn bà: Càn thú Ly vi Tuyệt Mệnh, có nghĩa là yêu thương nồng thắm, đứt gánh giữa đường, tử biệt sinh ly. Tình yêu càng sâu đậm càng sớm phải chia tay.
- Anh chị ấy tốt lắm, mà sao người tốt lại không được ở bên nhau. Anh chị ấy gặp nhau cũng rất kì cục.
Ngày ấy, đàn em của anh ấy đến quán của chị ấy chơi, cậu ta không những quịt tiền lại còn chửi nhân viên của chị ấy rất chi là khinh miệt. A Tử một tay tóm cổ cậu kia nhấc lên ném văng dúi đầu vào gốc cây ngoài vệ đường rồi đuổi thẳng cổ, còn đe thêm cấm lần sau mò đến, nếu gặp một lần đánh một lần, chém xẻ đôi thành 2 mảnh.
- Xã hội đen à?
- Không được sao?
Sau đó Tiêu Phong thấy đàn em bị đánh, liền đưa cả bọn đến, chúng hùng hùng hổ hổ như muốn san bằng cái quán lá của A Tử. Nhưng sau khi hiểu chuyện, Tiêu Phong bắt đàn em của mình quì xuống xin lỗi chị chủ quán xinh đẹp liễu yếu đào tơ mà không khuất phục đám đại ca anh chị.
- Bà ấy là Thiết Phiến Tiên chứ liễu yếu đào tơ gì!
- Nói gì thì nói, đàn bà vẫn là đàn bà chứ, có chút ít quyền cước cũng làm sao so được với nanh hùm miệng sói, chứng tỏ A Tử rất kiên cường.
Sau ngày hôm ấy trở về, Tiêu Phong Không biêt được cái gặp nhau ấy là gặp nhau định mệnh. Ông Tơ bà Nguyệt đã buộc sợi dây hồng khiến "trai anh hùng không qua nổi ải gái thuyền quyên".
- Này cô hai tui không thích coi phim Nam Hàn qua cái lưỡi của cô đâu nhé!
- Anh sao vậy, hồi nãy thì cạy không nổi răng, mà bi chừ cứ nhảy dzô cổ họng người ta ngồi là sao?
Từ đó Tiêu Phong thường xuyên đến chỗ của A Tử, hai người thân thiết nhau lắm, tuy biết rằng tương lai cái nghề của họ chẳng đi đến đâu. Nhưng Bác có nói "người ta có quyền mưu cầu hạnh phúc". (thì thầm: mèng đéc ơi! lôi cả ông Côn dzô đây nữa!).
Thế rồi họ quyết định tổ chức đám cưới. Đại ca của Tiêu Phong là Hắc Hổ nói: "anh em mình làm cái nghề này mà đèo bòng thì chỉ thêm khổ người ta, nhưng thôi cô chú đã quyết, anh không cản, hôm ấy anh sẽ diện com-lê tới dự".
Ngày hợp hôn, cái quán lá rộn ràng, nhộn nhịp, chị em chạy ra chạy dzô tíu tít, A Tử xúng xính trong chiếc váy trắng tinh khiết thuê ở tiệm áo cưới Tràng Tiền. Bên nhà trai ai nấy đều hớn hở, mấy anh chàng thường ngày quần jean áo thun, đeo kính đen, hôm ấy cũng phải lột xác thành đám trai lơ hào hoa trong những bộ com-lê đen cài thêm bông hồng trên ngực. Con xe cam-ry 2.4 mượn của Hắc Hổ thuê người ta kết hoa biến thành xe rước dâu. Tiêu Phong hớn hở, cười như vớ được bước lên xe...
- Anh Phong - thằng Heo Mập từ đâu chạy về, mồ hôi vã ra như tắm, nói lắp bắp trong hơi thở gấp - Đại ca Hắc Hổ bị mấy chục thằng trong băng Ngón Chân Út Dính Bùn quây ở bến xe Tam Bạc.
- Đ... mẹ nó, Cá Sấu Đồng mày cứ đánh xe sang bên chị A Tử trước, nói là anh sẽ sang ngay, bọn còn lại theo tao.
Cả đám com-lê ca-vát hùng hục chạy về phía con đường ra bến xe Tam Bạc. Cuộc hỗn chiến nổ ra. Đang tả xung hữu đột trong đám giang hồ, nghe tiếng gió rít lên từ phía sau, Tiêu Phong xoay người 180 độ, đổ trụ sang chân phải né được đòn đánh của chiếc ống tuýp. Đồng thời lẹ tay bắt được ngang chừng chiếc ống, bẻ quặt lại, thằng bé bị đoạt vũ khí, hẫng đà lao đến vô tình bị đầu ống đâm thẳng vào bụng.
Tiêu Phong đỡ lưng thằng bé nằm xuống đất: "Này... này... đừng chết! làm ơn đừng chết!!!!!"
Cảnh sát 113 ập đến, giải tán đám đông, còng tay cả đám đưa lên xe: "từ trước đến giờ mình chưa thấy có tụi nào đánh lộn mà diện thế!"
A Tử lao về phía chiếc xe hòm có Tiêu Phong ngồi sau song sắt, mắt nhòa đi, chân khụy xuống, chiếc váy trắng nổi bật giữa đám loang lổ rằn ri...
"A Tử! hãy đợi anh về!..." - Giọng Tiêu Phong lịm đi để kìm lên tiếng nấc. A Tử chới với đôi tay...
Tội ngộ sát, cộng thêm 1 trang A4 tiền án tiền sự, tòa phán quyết 10 năm tù giam.
Cũng may có cái giấy đăng ký kết hôn, A Tử thường xuyên vào khám thăm nuôi Tiêu Phong. Một vài lần có em đi cùng A Tử, đúng là "gần nhau trong gang tất mà biển trời cách mặt". Tù nhân và thân nhân bị ngăn cách bởi một bức tường lưới mắt cáo. Cách 1,5 mét có một cửa ô vuông nho nhỏ. Qua cái cửa ô nho nhỏ đó họ trao nhau nụ hôn nồng ấm, họ lấy giấy chấm những hạt trai châu từ mắt của nhau. Cửa bên cạnh có một cụ bà đang vươn tay vào vuốt mái tóc bờm xờm của cậu con trai. Lại ở một cửa khác một đứa bé 3 tuổi được mẹ nâng qua ô cửa, chui hẳn vào bên trong cười khúc khích gọi "ba ba..." rồi rụi đầu vào má của cha nó.
Tai họa ập đến, A Tử phát hiện mình bị nhiễm AIDS, chị suy sụp hoàn toàn, cơm không muốn ăn, không còn thèm tắm rửa chi nữa, ngay cả việc thăm nuôi Tiêu Phong là điều hào hứng nhất với chị cũng không kéo được chị ra khỏi giường. Tụi em vô cùng lo lắng. Em thay A Tử vào thăm nuôi Tiêu Phong. "Tiểu Yến Tử, chị của em đâu" - "Chị ấy bịnh, mấy hồi khoẻ lại chị sẽ dzô thăm anh" - "Có nặng không?". Em nín thinh không nói.
Trong cái rủi có cái may, một lần đang nằm trên giường, cái ti-vi trước mặt có một chương trình xã hội, một chị là bệnh nhân AIDS xung phong thanh niên tình nguyện để tham gia chương trình phổ biến phòng ngừa AIDS. Như hấp thụ được luồng sinh khí mới, A Tử vụt chạy ra khỏi giường. Chị đã tham gia vào thanh niên tình nguyện. Ngày trở lại thăm Tiêu Phong, anh vô cùng ngạc nhiên thấy chị gày ốm xanh xao trong bộ đồ màu xanh của thanh niên tình nguyện. Chị vui vẻ, họ trao nhau nụ hôn, nhưng không còn lấy khăn chấm nước mắt nữa: "Khi nào mãn hạn, em sẽ giới thiệu anh với đoàn thể"
Nhưng rồi, bệnh chị đến giai đoạn cuối. Trước lúc ra đi chị nói: "chị chỉ mong một lần được nấu cơm cho anh Phong, anh và chị sẽ quây quần bên chiếc bàn kia"...
Sau 5 năm ở tù, Chủ Tịch nước ân xá, Tiêu Phong trở về, chị không còn ở đó nữa.
Tiêu Phong phủ lên mộ của A Tử chiếc váy cưới mầu trắng tinh khiết.
Mùa đông, chân mộ, cỏ mầu vàng...

Tiểu Yến Tử sẽ kể tiếp chuyện gì, xem hồi sau sẽ rõ.


Comments:

Nguyệt Thu:
Chuyện sao lại xoay ra như vầy, đệ ơi! :(. Tỉ đọc hồi 2 này thấy buồn quá! Câu kết "Mùa đông, chân mộ, cỏ vàng..." làm tỉ liên tưởng tới hai nhân vật: Đạm Tiên trong Truyện Kiều và người vợ yêu của Hữu Loan! Dù có xuất thân khác nhau đến mấy, số phận của những người phụ nữ muốn được yêu thương và muốn dâng tặng tình yêu thương của mình cho những người đàn ông mình yêu cũng bi thảm biết mấy!:(

HPL:
Tỉ ơi! đúng là họ phải chia tay, âm dương cách biệt, nhưng họ không giống nàng Kiều, cũng không giống Đỗ Thị Lê Ninh, rõ ràng A Tử ra đi trong bình thản mà

Nguyệt Thu:
:)
Sao đệ không edit entry lại? Đệ post chỗ comment này sợ là mọi người lại chẳng tìm ra để đọc. Hồi đêm tỉ cũng ngạc nhiên, nhận được mess, vào chẳng thấy hồi 2, tìm xuống dây mới thấy! :)
Cảm ơn đệ, đêm qua, tỉ ngủ rất yên! :)

HPL:
hì... tỉ à! các hồi sau cũng sẽ post lên giống như hồi 2

Cammy:
Đã định không comment vô đây rồi, nhưng hồi hai của lão khiến em "Bực mình" phải comment! :( Câu chuyện tự nhiên trở thành ngang trái! Em không thích những kết thúc như thế này! Chưa kết thúc, nhưng buồn thế này em ko đọc nữa đâu! :( :((

HPL:
Họ đã biến thành một đôi uyên ương hồ điệp bay đùa trên những cánh hoa ban mai ngậm sương lành em ạ!

Viễn Khách:
Eo ôi Lão! Đệ đọc mà nhớ đến những thiên truyện của SV Quốc Học Huế những năm 90 (những câu chuyện viết theo mô típ kiếm hiệp)
Mà sao phần 1 đang vậy mà phần 2 lại vậy. Câu chuyện buồn vậy sao.
Chờ đón phần 3 của Lão

HPL:
UI cha, mới đi honey về mà đã bỏ công ra đọc ký sự của lão rồi à? Lão sẽ cố gắng xuất bản hồi 3 trong thời gian sớm nhất!

Hoa Xuyên Tuyết:
Sao lão ko viết thành entry mà lại viết trong này thế hử?
Lẫn lộn cả rùi!
Chuyện của A Tử, mình lại nhớ chuyện của cô gì ở Hải Phòng, anh hùng châu Á ấy nhỉ? Hừm, tuần hoàn não lại chậm rồi :(

Vụ anh hùng châu Á là chị Phạm Thị Huệ, ở HP. Anh Hùng châu Á năm 2004 thì phải, có lên ti vi mà. Cô ấy là người dám công khai mình bị bệnh và tham gia tổ chức các hoạt động nâng đỡ tinh thần cho những bệnh nhân Aids.Hình như do chồng cô ấy hút chích nên bị nhiễm HIV.

Lão Lan kể chuyện lôi cuốn lắm. Không làm nhà văn thì hơi tiếc!

Phạm Vũ Lưu:
Hehe... Đọc cái này của lão huynh thấy thú vị quá, Lươn tôi cũng vừa làm 1 chuyến xuyên Việt để xem có được gặp và nghe cô bé nào giống thế ko. Kết quả là, đi 1 đường làng học 1 sàng khôn, các cụ bẩu cấm là có sai. Hôm nào cũng phải bắt chước lão huynh viết lại cho bà con đọc mới được

HPL:
Vậy à? xuyên Việt à? thế thì gặp nhiều cái hay lắm, vậy bác kể đi cho anh em thưởng thức với!

Chuồn chuồn ớt:
truyện này buồn quá... nhưng mà truyện của huynh nhân văn thật đấy...
nhưng mà huynh ơi truyện hay mà... cổ kim kết hợp... được cái muội thik truyện buồn hơn chuyện vui... viết đc truyện buồn nó mới thật sâu sắc... truyện buồn thơ buồn lúc nào cũng quyến rũ người ta... thấm đượm tình buồn là bao khoăn suy nghĩ... đáng quý lắm những giá trị nhân văn như thế...

Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2008

Trần Chung Ngọc: VÀI NÉT VỀ : PHẬT GIÁO & KHOA HỌC

VÀI NÉT VỀ : PHẬT GIÁO & KHOA HỌC
Trần Chung Ngọc
http://sachhiem.net/TCN/TCNkh/TCNkh16.php
ngày 14 tháng 9, 2008
Trước hết tôi cần phải nói rõ rằng: “Phật Giáo là một chủ đề vĩ đại, vô cùng vĩ đại với một rừng Kinh Sách, Giáo lý và Triết lý. Hiếm có người có thể tự nhận là mình đã thông suốt toàn bộ Giáo lý của Đức Phật. Thứ đến, Khoa Học cũng là một chủ đề rộng lớn, quá rộng lớn, và tôi tin rằng không một người nào dám nói là mình đã biết hết về Khoa Học. Cho nên, tôi chỉ xin cố gắng trình bày vài nét về đề tài “Phật Giáo & Khoa Học” theo sự hiểu biết của tôi, nhưng tôi tin chắc chắn cũng còn nhiều thiếu sót.
Nói về Phật Giáo & Khoa Học thì trước hết chúng ta cần biết rõ một sự kiện: Hiện nay, không ai có thể phủ nhận là Phật Giáo đang phát triển mạnh trên toàn thế giới, nhất là trong những xã hội Âu Mỹ, những xã hội được coi là tiến bộ nhất về khoa học, kỹ thuật. Điều này phản ánh một sự kiện: trong những xã hội này, con người đã quen với tính chất chính xác và hợp lý của khoa học, và họ ngả theo Phật Giáo vì tinh thần Phật Giáo rất phù hợp với tinh thần khoa học. Hơn nữa, trong lịch sử Phật Giáo, họ không tìm thấy một dấu vết tỳ ố nào về vấn đề chống khoa học hay đàn áp khoa học gia bằng bạo lực, chưa kể là Phật Giáo đã giúp họ giải quyết được một số vấn đề trong thời đại khoa học tân tiến ngày nay. Và hay hơn cả là, trong suốt giòng lịch sử truyền đạo hơn 2500 năm, Phật Giáo chưa hề làm đổ một giọt máu của người vô tội và cũng chưa hề cưỡng bức ai phải theo Phật Giáo. Chủ trương hòa bình của Phật Giáo là điều mà thế giới tranh chấp hỗn loạn ngày nay cần hơn gì hết.
Thật vậy, Joseph L. Daleiden, một học giả Công Giáo, trong cuốn Sự Mê Tín Cuối Cùng (The Final Superstition), xuất bản năm 1994, sau khi phân tích và đánh giá cái di sản Do Thái - Ki Tô (A Critical and Evaluation of the Judeo-Christian Legacy), đã đề nghị những Tín Ngưỡng Khác Thay Cho Thần Giáo(Alternatives to Theism). Về Phật Giáo tác giả viết, trang 424:
Lời giới thiệu hay nhất về Phật Giáo là, giống như Khổng giáo, hệ thống tín ngưỡng này đã hiện hữu trong 25 thế kỷ mà không hề có một cuộc Thánh Chiến, một Tòa Án Xử Dị Giáo, hay một toan tính đế quốc nào nhằm xâm chiếm và phá hủy nền văn hóa của một dân tộc khác. ác.
(The best recommendation for Buddhism is that, like Confucianism, this belief system has existed for twenty-five centuries without a single Crusade, Inquisition, or imperialist attempt to invade and destroy the culture of another people.)
Chúng ta đã biết, Thánh Chiến, Tòa Án Xử và Thiêu Sống Dị Giáo, Săn Lùng Tra Tấn Và Thiêu Sống Phù Thủy, Toan tính Đế Quốc nhằm xâm chiếm và phá hủy nền văn hóa của một dân tộc khác v…v… đều là những núi tội ác của Công giáo mà Giáo hoàng John Paul II đã xưng thú cùng thế giới ngày 12 tháng 3, năm 2000.
Sự phát triển của Phật Giáo vào các xã hội tân tiến Âu Mỹ đã làm cho một số người vô minh trong những xã hội này lo sợ, lo sợ vì ánh sáng trí tuệ và đạo đức của Phật Giáo đã làm cho bóng tối của những mê tín phi lý, phi đạo đức phải lùi dần, và những người xây dựng quyền lực trên bóng tối của vô minh cảm thấy bị đe dọa vì quyền lực thế gian cũng như những đặc quyền vật chất của mình cứ mất dần. Cho nên, đã có bậc chủ chăn của một tôn giáo lớn ở Tây phương đã phải dùng đến hạ sách là viết sách xuyên tạc Phật Giáo để mong vớt vát phần nào niềm tin đã lung lay còn sót lại trong số tín đồ phần lớn ở trong các quốc gia nghèo khổ và kém mở mang. Ngoài ra, cũng có một số người trong Phật Giáo, đưa ra những tương đồng giữa Phật Giáo và Khoa Học với mục đích đề cao Phật Giáo trong thời đại tiến bộ của khoa học. Do đó, đã có một số người lên tiếng chê bai và cho rằng, làm như vậy là "Thấy sang bắt quàng làm họ, dùng những giả thiết trong khoa học để biện hộ cho niềm tin Phật Giáo."
Theo thiển ý, những người dùng khoa học để đề cao Phật Giáo cũng như những người phê phán là “Phật Giáo thấy sang bắt quàng làm họ v..v..” có lẽ chưa hiểu rõ, dù chỉ là đại cương, hoặc về Phật Giáo, hoặc về Khoa Học, hoặc về cả hai, cho nên mới bị cái hào quang của Khoa Học làm cho mờ mắt và đánh giá sai lầm thực chất của Khoa Học. Họ không thấy được những giới hạn của khoa học vì bản chất tương đối của khoa học và cũng không hiểu được cái niềm tin Phật Giáo là niềm tin về sự thực chứng, kết quả của sự tu tập, mang phúc lợi tới mọi chúng sinh, chứ không phải là một niềm tin mù quáng vào vài giáo thuyết hoang đường. Thật vậy, thực tế là một số Khoa học gia trong vài thập niên gần đây đã phải dùng những tư tưởng trong Phật Giáo để giải quyết những bế tắc trong việc diễn giải những hiện tượng khoa học mà họ khám phá ra, thí dụ như quan niệm "vạn pháp qui nhất", quan niệm "tương duyên, tương tức", quan niệm "dung thông" v..v.. của Phật Giáo. Và cũng thực tế là, trong nhiều bộ môn khoa học, tư tưởng Phật Giáo đã đi trước khoa học khá xa. Cho nên, phê bình là "Thấy sang bắt quàng làm họ" thì có thể đúng với tôn giáo khác, nhưng đối với Phật Giáo thì là một sự phê phán ngược chiều.
Vấn đề tinh thần Phật Giáo không xa lạ với tinh thần Khoa Học đã rõ ràng. Để vấn đề được rõ ràng hơn, chúng ta hãy duyệt qua nhận định của một vài khoa học gia nổi tiếng nhất trong Thế Kỷ 20:
Albert Einstein, cha đẻ của thuyết tương đối, đã phát biểu như sau:
“Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt trên mọi ý nghĩa về Thượng đế và tránh nói đến những giáo lý và thần học. Tôn giáo ấy sẽ bao quát tất cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên cơ sở đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể mà không rời nhất thể. Phật giáo đáp ứng được những yêu cầu ấy. Nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu được với những nhu cầu hiện đại của khoa học thì đó là Phật Giáo” (*)
[The religion of the future will be a cosmic religion. It should transcend personal God and avoid dogma and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense arising from the experience of all things natural and spiritual as a meaningful unity. Buddhism answers this description. If there is any religion that could cope with modern scientific needs it would be Buddhism.]
Ngoài ra, Einstein cũng còn đưa ra những nhận xét sau đây:
" PHẬT GIÁO KHÔNG CẦN XÉT LẠI QUAN ĐIỂM CỦA MÌNH ĐỂ CẬP NHẬT HÓA VỚI NHỮNG KHÁM PHÁ MỚI CỦA KHOA HỌC. PHẬT GIÁO KHÔNG CẦN TỪ BỎ NHỮNG QUAN ĐIỂM CỦA MÌNH ĐỂ CHẤP NHẬN KHOA HỌC, BỞI VÌ PHẬT GIÁO BAO GỒM KHOA HỌC, ĐỒNG THỜI CŨNG VƯỢT QUA KHOA HỌC. Phật Giáo là một chiếc cầu nối liền tôn giáo và những tư tưởng khoa học. Chiếc cầu Phật Giáo đã kích thích con người khám phá ra những tiềm năng lớn lao nằm sâu kín trong chính con người và trong môi trường sống chung quanh. PHẬT GIÁO SIÊU VIỆT THỜI GIAN VÀ MÃI MÃI CÓ GIÁ TRỊ."
Trong nhận định của Albert Einstein, có một điểm quan trọng nói lên những sắc thái đặc thù của PG:
PG KHÔNG CẦN XÉT LẠI QUAN ĐIỂM CỦA MÌNH ĐỂ CẬP NHẬT HÓA VỚI NHỮNG KHÁM PHÁ MỚI CỦA KHOA HỌC. PHẬT GIÁO KHÔNG CẦN TỪ BỎ NHỮNG QUAN ĐIỂM CỦA MÌNH ĐỂ CHẤP NHẬN KHOA HỌC, BỞI VÌ PG BAO GỒM KHOA HỌC, ĐỒNG THỜI CŨNG VƯỢT QUA KHOA HỌC.
Tại sao Einstein lại nói như vậy? Chúng ta nên biết rằng Einstein đã được sinh ra và nuôi dưỡng trong cái nôi của tôn giáo Tây phương. Và một bộ óc như của Einstein thì không thể không biết đến cái lịch sử của tôn giáo Tây phương và các luận cứ mà các nhà Thần học bảo vệ tín lý của tôn giáo này đã phải đưa ra để giải thích lại hay từ bỏ những lời mà trước đây họ khẳng định đó là lời của Thượng Đế, không thể sai lầm, để đưa ra một lý thuyết phù hợp với những tiến bộ của khoa học, nhưng thật ra chỉ nhằm mê hoặc số tín đồ với những đầu óc "bảo sao tin vậy". Sau đây là vài thí dụ:
a) Quan niệm trái đất là trung tâm của vũ trụ, trái đất là thế giới duy nhất, mặt trời quay xung quanh trái đất. Đây là những lời của Thượng Đế trong Thánh Kinh nên không thể sai lầm. Cũng vì vậy mà trong thế kỷ 17 Giordano Bruno bị thiêu sống chỉ vì đưa ra một nhận định khoa học rất chính xác là ngoài thế giới chúng ta đang sống còn có nhiều thế giới khác nữa, và Galileo Galilei, tuy là bạn của Giáo Hoàng Urban VIII, cũng bị biệt giam cho đến chết vì dám khẳng định một sự kiện khoa học là trái đất quay xung quanh mặt trời chứ không phải là mặt trời quay xung quanh trái đất như lời Thượng Đế không thể sai lầm được như trong Thánh Kinh. Sau đó khi mà giáo hội không còn quyền lực để đốt người hay giam người nữa thì các nhà Thần học liền tuyên bố: “Kinh Thánh không có ý định dạy về thiên văn, chỉ dạy về sự sáng tạo của Thượng Đế.”
b) Theo Thánh kinh thì vũ trụ được tạo dựng ra trong 6 ngày, cách đây khoảng từ 6000 tới 10000 năm, tùy theo Thánh Kinh. Ngày nay, những khám phá của khoa học cho biết tuổi của trái đất là vào khoảng 4.5 năm, và tuổi của vũ trụ là vào khoảng 13.7 tỷ năm. Các nhà Thần học bảo vệ tín lý bèn diễn giải rằng một ngày trong sự tạo dựng có thể là nhiều ngàn năm chứ không phải là ngày 24 tiếng đồng hồ như chúng ta thường biết. Đây chỉ là luận điệu ngụy biện để nuôi dưỡng các tín đồ trong vòng ngu dốt chứ đối với những người hiểu biết thì lời ngụy biện trên chỉ chứng tỏ sự xảo quyệt của các người chăn chiên. Vì Thánh Kinh viết rõ là mỗi ngày đều có sáng và tối. Và sáng và tối trên trái đất là do chuyển động quay xung quanh trục Nam Bắc của trái đất đối với mặt trời. Mặt khác, dựa trên chương Sáng Thế Ký trong Thánh Kinh, các khoa học gia bèn hỏi lại: Cây cối được tạo ra trong ngày thứ ba và mặt trời ngày thứ tư. Làm sao cây cối có thể sống được nhiều ngàn năm mà không có ánh sáng mặt trời? Các nhà Thần học bèn giải thích: Thượng đế là bậc toàn trí toàn năng, quyền phép vô cùng làm gì chẳng được. Các khoa học gia chơi khăm bèn hỏi lại: “Nếu Thượng Đế là bậc toàn năng thì tại sao lại phải nghỉ xả hơi vào ngày thứ Bảy sau khi hoàn thành sự tạo dựng trong 6 ngày? Và bắt con người cũng phải nghỉ ngày thứ bảy như Thượng đế? Nhưng con người ngày nay, một số người Việt chúng ta làm 2,3 “job” nghĩa là “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm ngày chủ nhật”.” Câu hỏi này chưa có ai trả lời. Một mặt khác, trước khi tạo dựng ra vũ trụ ngày nay thì trong dòng thời gian vô tận trước lúc tạo dựng Thượng Đế làm gì và dùng cái gì, để tạo dựng ra vũ trụ? Các nhà Thần học bèn nổi sùng và bảo, trước khi tạo dựng cả thiên thu thì Thượng đế còn bận sáng tạo ra hỏa ngục cho những kẻ nào dám hỏi những câu hỏi xúc phạm đến quyền năng của Thượng đế như vậy. Tuy rằng hầu hết các khoa học gia và những người có đầu óc suy luận chỉ cón có cách cười trước những lời giải thích quanh co cuồng tín trên, nhưng đa số tín đồ vẫn tin và rất lấy làm an tâm và hài lòng về những lời giải thích mà họ bắt buộc phải tin là hợp lý.
Trong khi đó các khám phá mới của khoa học không có ảnh hưởng trái ngược hay mâu thuẫn đối với tư tưởng Phật Giáo, chưa kể là trong nhiều bộ môn các tư tưởng PG còn đi trước khoa học khá xa.
Học Giả Egerton C. Baptist (1915-1983), viết trong cuốn “Siêu Khoa Học của Đức Phật” (Supreme Science of the Buddha) như sau:
Phật Giáo bắt đầu ở chỗ khoa học chấm dứt. Khoa học không cho chúng ta sự bảo đảm gì ở nơi đây. Nhưng Phật Giáo có thể đáp ứng sự thách thức của thuyết nguyên tử, vì kiến thức ở trên mức bình thường của Phật Giáo bắt đầu ở nơi mà khoa học chấm dứt. Và điều này khá rõ ràng cho bất cứ ai đã nghiên cứu về Phật Giáo. Bởi vì, qua thiền định, những cấu tử cỡ nguyên tử tạo thành vật chất đã được thấy và cảm nhận, và những sự khổ, với sự sinh và diệt của chúng, đã tự tạo ra trong cái mà chúng ta gọi là linh hồn hay ngã - ảo tưởng của chấp ngã, như giáo lý của Đức Phật dạy.
[Buddhism begins where science ends
“Science can give no assurance herein. But Buddhism can meet the Atomic Challenge, because the supramundane knowledge of Buddhism begins where science leaves off. And this is clear enough to anyone who has made a study of Buddhism. For, through Buddhist Meditation, the atomic constituents making up matter have been seen and felt, and the sorrow, or unsatisfactoriness (or Dukkha), of their 'arising and passing away' has made itself with what we call a 'soul' or 'atma' - the illusion of Sakkayaditthi, as it is called in the Buddha's teaching.” ]

J Robert Oppenheimer ( 1904-1967), Vật Lý Gia Mỹ, nói rằng:
“Thí dụ, nếu chúng ta hỏi, phải chăng vị trí (electron) không thay đổi? chúng ta phải trả lời “không”; phải chăng vị trí của điện tử thay đổi với thời gian? chúng ta phải trả lời “không”; phải chăng điện tử đứng yên? chúng ta phải trả lời “không”; phải chăng điện tử đang di chuyển? chúng ta phải trả lời “không”. Đức Phật đã trả lời như vậy khi được hỏi về tình trạng của cái ngã của con người sau khi chết; nhưng những câu trả lời này không quen thuộc trong truyền thống của khoa học trong thế kỷ 17 và 18.”
[If we ask, for instance, whether the position of the electron remains the same, we must say 'no'; if we ask whether the electron's position changes with time, we must say 'no'; if we ask whether the electron is at rest, we must say 'no'; if we ask whether it is in motion, we must say 'no'. The Buddha has given such answers when interrogated as to the conditions of a man's self after his death; but they are not familiar answers for the tradition of seventeenth and eighteenth century science.]
Sir Edwin Arnold, người nổi tiếng về cuốn thơ Ánh Sáng Á Châu (The Light of Asia), khẳng định rằng:
"Tôi thường nói, và tôi sẽ còn nói hoài, là giữa Phật-Giáo và Khoa- học tân tiến có một mối quan hệ trí thức gần gũi."
(I have often said, and I shall say again and again, that between Buđhism and modern Science there exists a close intellectual bond.)
Bertrand Russell, nhà triết-học và toán-học nổi tiếng hoàn cầu, trong cuốn Lịch sử triết học Tây Phương (History of Western Philosophy) đã viết:
"..Phật-Giáo là một tổ hợp của triết lý suy cứu và triết lý khoa học. Phật Giáo ủng hộ phương pháp khoa học và theo phương pháp này để tới một cứu cánh có thể gọi là thuần lý. Phật Giáo còn đi xa hơn khoa học vì khoa học bị giới hạn bởi những dụng cụ vật lý."
(..Buddhism is a combination of both speculative and scientific philosophy. It advocates the Scientific method and pursues that to a finality that may be called rationalistic...It takes up where science cannnot lead because of the limitations of the latter's physical instruments.)
Tiến sĩ Radhakrishnan:
"Nếu Phật Giáo hấp dẫn đối với trí óc tân tiến đó là vì Phật Giáo có tinh thần khoa học, thực nghiệm, chứ không phải là dựa trên bất cứ giáo điều nào"
(If Buddhism appealed to the modern mind it was because it was scientific, empirical and not based on any dogma.)
Tiến sĩ Graham Howe, nhà Phân Tâm Học nổi tiếng của Anh Quốc. đã nói như sau:
"Đọc một chút về Phật Giáo ta cũng có thể nhận thức được rằng, từ 2500 năm trước, Phật Giáo đã biết về những vấn đề mới về tâm lý nhiều hơn là chúng ta thường biết tới. Họ nghiên cứu những vấn đề này từ lâu và cũng đã tìm ra phương thức giải quyết chúng. Ngày nay chúng ta chỉ khám phá lại trí tuệ thông thái cổ xưa của Đông phương." (To read a little Buddhism is to realize that the Buddhists knew, 2,500 years ago, far more about modern problems of psychology than they have been given credit for. They studied these problems long ago and found the answers also. We are now rediscovering the ancient wisdom of the East.)
Và Paul Carus, tác giả cuốn sách nổi tiếng "The Gospel of Buddha" , một cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Nhật, Trung Hoa, Đức, Pháp, Tây Ba Nha v...v...và là người đã bảo trợ cho Daisetz Suzuki sang Mỹ để truyền bá đạo Phật mà ông gọi là "Tôn Giáo của Khoa Học" tuy ông không phải là một Phật tử. Paul Carus cho rằng: "Nếu các tôn giáo cổ Tây Phương được tinh khiết hóa bằng cách bỏ đi những sai lầm, nghĩa là những mê tín và điều vô lý trong đó, thì có thể hòa hợp được với Khoa học”. Paul Carus đã tán tụng Đức Phật như là: "Người đầu tiên thực chứng; người đầu tiên phát triển chủ nghĩa nhân đạo; người đầu tiên có tư tưởng tự do cấp tiến; người đầu tiên đả phá Thần tượng; và là nhà tiên tri đầu tiên về tôn giáo của khoa học."
Chúng ta hãy tìm hiểu tại sao những nhân vật nổi danh trên, và nhiều nhân vật khác nữa mà tôi không thể kể hết ra đây, lại đưa ra những nhận định như vậy.
Nói về Phật Giáo [PG] và Khoa Học [KH] thì trước hết chúng ta cần biết những định nghĩa của PG và của KH. Ở đây, chúng ta bị kẹt vì KH thì có thể định nghĩa được chứ PG thì khó mà có thể có một định nghĩa xác đáng. Vậy thì, trước hết chúng ta hãy xét đến định nghĩa của KH và rồi xem xem trong cái định nghĩa này nó có những tương quan gì với Phật Giáo.
ĐỊNH NGHĨA CỦA KHOA HỌC.
Mở cuốn tự điển Merriam Webster ra chúng ta thấy có 5 định nghĩa về KH:
1. Kiến thức thâu thập được bằng khảo sát và thực hành (Knowledge obtained by study and practice)
2. Bộ kiến thức được hệ thống hóa (Department of systematized knowledge)
3. Nghệ thuật hay sự khéo léo (Art and Skill)
4. Một ngành học liên hệ đến sự quan sát và hệ thống hóa các sự kiện, nhất là liên hệ với sự thiết lập những định luật tổng quát có thể kiểm chứng được, chủ yếu bằng quy nạp và giả thiết (A branch of study concerned with observation and classification of facts, especially with the establishment of verifiable general laws, chiefly by induction and hypotheses)
5. Kiến thức chuyên biệt tích tụ được hệ thống hóa và công thức hóa dựa vào sự khám phá ra những chân lý tổng quát hay sự vận hành của các định luật tổng quát (Specifically, accumulated knowledge systematized and formulated with reference to the discovery of general truths or the operation of general laws)
Những kiến thức liên hệ tới thế giới vật chất : Khoa học thiên nhiên (Natural Science)
TINH THẦN KHOA HỌC:
- Dùng đầu óc, luận lý và thực nghiệm để ra khỏi sự ngu tối. (Phật Giáo dùng trí tuệ và thực chứng để phá bỏ vô minh: Người ta thường bảo rằng Phật giáo có một lưỡi gươm duy nhất để diệt một kẻ thù duy nhất: lưỡi gươm này là lưỡi gươm trí tuệ, và kẻ thù này là vô minh.)
- Tinh thần rộng rãi. Gửi học trò đi học các Thầy giỏi. (Khi xưa, các bậc cao Tăng trong Phật Giáo thường gửi đệ tử của mình đi học thêm từ các bậc cao Tăng khác ở Tông phái khác)
- Tinh thần khách quan, tôn trọng sự thật, không để cho thiên kiến chi phối. (Như thực tri kiến)
- Thảo luận hòa hoãn để đi tới chân lý, không khích bác nhau (Khẩu Hoà vô tranh)
- Dung hòa ý kiến, tham khảo để cùng đưa ra một kết luận (Ý hòa đồng duyệt)
- Chia sẻ những kiến thức để đi tới chân lý (Kiến hòa đồng giải)
Nhưng lẽ dĩ nhiên trong giới khoa học gia không có những chủ trương như sau của Phật Giáo:
- Thân Hòa Đồng Trú
- Giới Hòa Đồng Tu
- Lợi Hòa Đồng Quân
VÀI THÍ DỤ VỀ TƯ TƯỞNG PG ĐÃ ĐI TRƯỚC KHOA HỌC:
Ở trên tôi đã trích dẫn nhận định của Tiến sĩ Graham Howe, nhà Phân Tâm Học nổi tiếng của Anh Quốc. như sau:
"Đọc một chút về Phật Giáo ta cũng có thể nhận thức được rằng, từ 2500 năm trước, Phật Giáo đã biết về những vấn đề về tâm lý nhiều hơn là về những vấn đề hiện đại về tâm lý học chúng ta thường biết tới. Họ nghiên cứu những vấn đề này từ lâu và cũng đã tìm ra phương thức giải quyết chúng. Ngày nay chúng ta chỉ khám phá lại trí tuệ thông thái cổ xưa của Đông phương."
(To read a little Buddhism is to realize that the Buddhists knew, 2,500 years ago, far more about modern problems of psychology than they have been given credit for. They studied these problems long ago and found the answers also. We are now rediscovering the ancient wisdom of the East.)
Không phải vô căn cứ mà Tiến sĩ Graham Howe viết như vậy. Nếu chúng ta biết về Duy-Thức Học trong Phật Giáo thì chúng ta thấy rằng các khoa học gia chỉ dùng có 16 phần trăm [16%] của số 100 Pháp được phân loại thành 8 Tâm Pháp, 51 Tâm-Sở-Hữu Pháp, 11 Sắc Pháp, 24 Tâm-Bất-Tương-Ưng Hành Pháp, và 6 Vô-Vi Pháp (Xin đọc Đại-Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận), nghĩa là các khoa-học-gia chỉ xử dụng tới 11 Sắc Pháp trong đó có 5 căn là nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn, và thân căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân thể); và 6 trần là sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần, xúc trần, và Pháp trần (hình tướng, âm thanh, mùi, vị, cảm giác do tiếp xúc, và bóng dáng của 5 trần trên còn lưu lại trong ý thức khi các căn không còn tiếp xúc trực tiếp với trần nữa), cộng với 5 tâm pháp trong số 21 tâm-bất-tương-ưng hành pháp là thời gian, phương hướng, vận tốc di chuyển, số lượng, và thứ tự (thời, phương, thế tốc, số, và thứ đệ). Ở đây tôi không có ý định đi sâu vào thiên luận 100 Pháp đại thừa mà chỉ muốn nói lên điểm cốt yếu như sau: khi mà khoa học không thể tiến hơn được nữa vì những giới hạn tự tại của 5 căn 6 trần và của những dụng cụ đo lường thì Phật Giáo vẫn tiếp tục đi xa hơn, bởi lẽ Phật Pháp, ngoài sự khảo sát những đối tượng vật chất còn chú trọng nhiều đến những vấn đề tâm linh, cho nên đã vượt qua, đi ra ngoài những giới hạn vật lý của khoa-học. Do đó chúng ta có thể nói Phật Giáo là một Siêu-Khoa-Học (Super-science) như học giả Ergeton Baptist đã nhận định, được thành lập trên căn bản trí tuệ Bát Nhã (trí tuệ nhận thức được thực tướng của vạn Pháp). Trong Phật Giáo, Duy-Thức Học cho chúng ta một hệ thống triết lý, phân tâm học rất đầy đủ và tiến bộ hơn bất cứ hệ thống nào trong khoa học hiện đại.
Sau đây, tôi xin nêu thêm vài thí dụ về cái biết của Phật Giáo như được viết trong Kinh Điển Phật Giáo:
1. Về thế giới vô cùng nhỏ: Chúng ta đều biết rằng, khi xưa Đức Phật thường khuyên các đệ tử trước khi uống nước hãy niệm chú để phổ độ cho các vi chúng sinh có trong nước. Người còn khẳng định trong mỗi bát nước có tới 84000 sinh vật nhỏ nhoi mà mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy được. Chúng ta nên hiểu con số 84000 trong Phật Giáo có nhiều ý nghĩa và một trong những ý nghĩa này là tượng trưng cho một con số lớn chứ không phải là một con số chính xác. Hơn 21 thế kỷ sau, vào cuối thế kỷ 16, năm 1595, các khoa học gia đã phát minh ra cái kính hiển vi đầu tiên và nhờ đó đã có thể nhìn thấy trong một giọt nước có một số lớn các vi sinh vật mà mắt thường không thể nhìn thấy được.
Kính Hiển Vi Meiji Techno MT4200
2Về Thế Giới Vô Cùng Lớn: Quan niệm của Phật Giáo về vũ trụ như sau: thế giới chúng ta đang sống không phải là duy nhất và cũng không phải là trung tâm vũ trụ. Ngoài thế giới chúng ta đang sống còn có rất nhiều thế giới khác, và Phật giáo phân loại các thế giới thành 3 loại: Tiểu Thiên Thế Giới, Trung Thiên Thế Giới, và Đại Thiên Thế Giới. Danh từ thế giới trong Phật -giáo chỉ một thiên thể (thí dụ như trái đất) hoặc một tập hợp các thiên thể được coi như thuộc một nhóm (thí dụ như thái-duơng-hệ mà trái đất là một hành tinh trong đó). Vậy, một ngàn thế giới họp thành một Tiểu Thiên Thế Giới, một ngàn Tiểu Thiên Thế Giới họp thành một Trung Thiên Thế Giới, và một ngàn Trung Thiên Thế Giới họp thành một Đại Thiên Thế Giới. Vậy, lấy đơn vị là một hệ thống tương tự như hệ thống Thái Dương Hệ và gọi là thế giới thì Tiểu Thiên Thế Giới gồm có khoảng một ngàn thế giới, Trung Thiên Thế Giới gồm khoảng một triệu thế giới , Đại Thiên Thế Giới gồm khoảng một tỷ thế giới v..v.. Đó là quan niệm về vũ trụ của Phật Giáo từ hơn 2500 năm về trước. Nhưng sau đó 22 thế kỷ, vào thế kỷ thế 17, Tây phương vẫn còn chưa thoát khỏi quan niệm sai lầm về trời tròn đất vuông, trái đất được coi là trung tâm vũ trụ, và rằng mặt trời quay xung quanh trái đất như đã viết trong Thánh Kinh.
Trở lại quan niệm về vũ trụ của Phật Giáo, chúng ta thấy rằng quan niệm này hầu như tương hợp hoàn toàn với những kiến thức ngày nay của những nhà thiên văn (astronomers) hay những nhà vật-lý-học về thiên thể (astrophysicists), và đã đi trước khoa-học nhiều thế kỷ. Một Tiểu Thiên Thế Giới có thể so sánh với quan niệm hiện đại về một thiên hà (galaxy) gồm có cả triệu ngôi sao và những hành tinh có thể có sinh vật trên đó. Thí dụ như giải ngân hà (Milky Way) hay M31, hay chòm sao (constellation) Andromeda. Một Trung Thiên Thế Giới có thể so sánh với một chùm thiên hà (galactic cluster) thí dụ như chùm Coma Berenices, và một Đại Thiên Thế Giới có thể so sánh với cái mà Hannes Alfven gọi là siêu thiên hà (metagalaxy) ở trong Đại Vũng (Big Dipper) của Tiểu Ursa (Minor Ursa) trong đó có ít ra là cả triệu thiên hà. Cho tới nay, vì những giới hạn tự tại của những dụng cụ quan sát cho nên các khoa học gia chưa thể đi xa hơn trong việc khảo sát vũ trụ. Nhưng không phải vì những giới hạn kỹ thuật này mà vũ trụ cũng bị giới hạn theo, và nay chúng ta đã hiểu tại sao Đức Phật lại "bỏ ngỏ" quan niệm về vũ trụ hữu hạn hay vô hạn. Điều này chứng tỏ Đức Phật đã thấy rõ khả năng vô tận của con người, và rằng Phật Pháp không phải là những giáo điều cứng ngắc không bao giờ thay đổi. Và đây cũng chính là tinh thần khoa học hiện đại, không có gì có thể coi như là vĩnh cửu, bất biến.
Bức hình trên do NASA ghép một số các mảnh thiên hà trong vũ trụ. Từ bên trái hàng trên đên bên mặt hàng dưới: M61, NGC 4449, NGC 4725, NGC 5068, NGC 5247, and NGC 5775/5774. Đa số hình xoắn ốc gần giống như giải ngân hà Milky Way của chúng ta.

Nói đến quan niệm về vũ trụ của Phật Giáo thì chúng ta không thể bỏ qua Kinh Hoa-Nghiêm, phẩm Thế Giới Thành Tựu. Trong phẩm này, Bồ Tát Phổ Hiền tuyên thuyết về 10 đặc tính của các thế giới: nhân duyên khởi, chỗ trụ nương, hình trạng, thể tánh, trang nghiêm tánh, thanh tịnh tánh, Phật xuất hiện, kiếp trụ, kiếp chuyển biến sai biệt, và môn vô sai biệt. Để cho vấn đề tương hợp với khoa học được rõ ràng, sau đây tôi xin luận về hai điểm : hình trạng và kiếp trụ các thế giới. Chúng ta hãy xét đoạn kinh văn sau đây:
Lúc đó Phổ Hiền Bồ Tát lại bảo đại chúng rằng: "Chư Phật tử! Thế giới hải có nhiều hình tướng sai khác, hoặc tròn....hoặc hình như nước xoáy....hoặc hình như hoa ... có vi trần số hình sai khác như vậy."
Rồi trong phẩm tiếp theo, phẩm Hoa Tạng Thế Giới, Phổ Hiền Bồ Tát lại tuyên thuyết: "Chư Phật tử! Tất cả thế giới chủng đó hình trạng đều khác nhau: hoặc hình núi Tu Di, hoặc hình sông, hoặc hình xoay chuyển, hoặc hình nước xoáy, hoặc hình trục xe...hoặc hình hoa sen...có vi trần số hình trạng như vậy." ("Kinh Hoa-Nghiêm", Thích Trí Tịnh, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản)
So sánh với những hình trạng của các chòm sao, giải thiên hà, ngân hà khám phá bởi khoa học ngày nay chúng ta thấy Phật giáo đã mô tả hình trạng của chúng một cách vô cùng chính xác. Thí dụ như các hình như bánh xe, nước xoáy chúng ta có thể quan sát được trong các chòm sao như Cetus, Pegasus và Hercules, hình sông là giải ngân hà (Milky Way) và nhiều thiên hà khác, hình dạng như hoa là những khối tinh vân trong khoảng không gian liên-thiên-hà (intergalactic clouds of gas) có chứa hàng tỷ ngôi sao v...v... Thật tôi không thể tưởng tượng được ở một thời chưa hề có kính thiên văn, dù thô sơ nhất, mà Đức Phật và các Đại Bồ Tát đã có những hiểu biết chính xác về vũ trụ như trên. Có cách giải thích nào khác là chúng ta phải tin rằng, do Thiền Định và vì đã giác ngộ hoàn toàn, cho nên các Ngài đã nắm vững được cơ cấu huyền bí của vũ trụ, nếu không thì làm sao có thể biết được những điều như trên. Và chúng ta cũng nên nhớ là những điều đức Phật và các Bồ Tát chọn để tuyên thuyết cho người đời chẳng qua cũng chỉ là một nắm lá trong tay so với số lá cây trong rừng.
Sau đây, tôi xin đưa ra vài hình ảnh mà các khoa học gia đã chụp được trong vũ trụ, và quý vị sẽ thấy những mô tả về hình trạng thế giới trong Kinh Hoa Nghiêm chính xác như thế nào.
Hình xoay chuyển của Thiên Hà NGC 523 Sculptor

Hình bánh xe của Thiên Hà Andromeda
Hình nước xoáy của Thiên Hà [The Spiral Galaxy NGC 2997]

Hình hoa nở của Thiên Hà Trifid
Hình vòng nhẫn của khối tinh vân 250px-M57_The Ring Nebula

Hình núi Tu Di của Thiên Hà M104: The Sombrero Galaxy

Tiếp theo, về kiếp trụ của các thế giới, Kinh văn viết rằng:
"Lúc đó Phổ Hiền Bồ-Tát lại bảo đại chúng rằng: "Chư Phật tử! Nên biết thế giới hải có thế giới hải vi trần số kiếp trụ, hoặc có a-tăng-kỳ kiếp trụ, hoặc có vô-lượng kiếp trụ, hoặc có vô biên kiếp trụ, hoặc có vô đẳng kiếp trụ, hoặc có bất-khả-sổ kiếp trụ, hoặc có bất khả xưng kiếp trụ, hoặc có bất khả tư kiếp trụ, hoặc có bất khả lượng kiếp trụ, hoặc có bất khả thuyết kiếp trụ, ..có vi trần số kiếp trụ như vậy."
Rồi trong bài kệ để tuyên lại nghĩa này Bồ Tát Phổ Hiền có giải thích bằng một câu: "Hoặc chỉ một kiếp hoặc vô số, Bởi những tâm nguyện đều chẳng đồng." Chỉ một câu "bởi những tâm nguyện đều chẳng đồng" cũng đã giải quyết vấn đề "thiên sai vạn biệt" trong vũ trụ. Thật là đầy đủ, thật là rốt ráo, thật là chính xác. Nếu chúng ta đi sâu vào một chút trong đoạn kinh văn trên, chúng ta sẽ thấy Phật Giáo đã đi trước khoa học như thế nào.
Phật giáo phân biệt: Tiểu Kiếp có 16 triệu 8 trăm ngàn năm, Trung Kiếp có 336 triệu năm, và Đại Kiếp có 1 tỷ 344 triệu năm. Theo khoa học hiện nay thì một ngôi sao (coi như là một thế giới) mà chất lượng (mass) càng nặng thì đời sống của ngôi sao càng ngắn. Do đó có những ngôi sao chỉ "sống" được từ 1 tới vài tỷ năm và người ta đã tính được rằng một ngôi sao có chất lượng nhẹ hơn những ngôi sao trên khoảng 90 phần trăm thì ngôi sao này có thể sống tới hàng ngàn tỷ năm. Điều này rất phù hợp với câu kệ trên của Phổ Hiền Bồ Tát, có thế giới chỉ tồn tại một kiếp, có thế giới tồn tại vô số kiếp v...v....
Thứ đến, những danh từ như a-tăng-kỳ, vô lượng, vô biên,...bất khả thuyết có vẻ như mơ hồ và không rõ ràng như những con số trong thời đại khoa học. Thật ra không phải vậy, vì trong phẩm A-Tăng-Kỳ, Kinh Hoa Nghiêm ta đọc được như sau, tôi xin đánh số cho nó rõ ràng hơn:
Phật nói: Này thiện nam tử!
1. Một trăm Lạc Xoa làm một Câu Chi.
2. Câu Chi lần Câu Chi làm một A-Giu-Đa
3. A-giu-Đa lần A-Giu-Đa làm một Na-Do-Tha
4. Na-Do-Tha lần Na-Do-Tha làm một Tần-Bà-La
và tiếp tục như vậy tất cả là 123 lần, trong đó số 104 là A-Tăng-Kỳ, số 106 là Vô Lượng, số 108 là Vô Biên, số 110 là Vô Đẳng, số 112 là Bất-Khả-Sổ, số 114 là Bất-Khả-Xưng, số 116 là Bất-Khả-Tư, số 118 là Bất-Khả-Lượng, và số 120 là Bất-Khả-Thuyết.
Chúng ta biết rằng khoa học ngày nay dùng ký hiệu lũy thừa để viết những con số lớn. Thí dụ như 1 triệu là con số 1 với 6 con số 0 đằng sau, 1 000 000, theo ký hiệu điện toán được viết như sau: 10^6 và đọc là 10 lũy thừa 6; 1 tỷ gồm có 9 số 0 và được viết là 10^9 (billion), lớn hơn nữa là 10^12 (1 ngàn tỷ hay trillion), 10^15 (1 triệu tỷ hay zillion) và khoa học chưa có những danh từ riêng để chỉ những con số lớn hơn. Tiếng Việt thì chỉ tới số tỷ là cao nhất.
Theo Kinh Phật thì 1 Lạc Xoa là 100 ngàn, nghĩa là 10^5. Như vậy 1 Câu Chi là 10 triệu, nghĩa là 10^7; 1 A-Giu-Đa là 100 ngàn tỷ, nghĩa là 10^14; 1 Na-Do-Tha là 10 tỷ tỷ tỷ, nghĩa là 10^28. Tiếp tục tính ra ta sẽ thấy 1 A-Tăng-Kỳ là khoảng, 10^(7.09… x 10^31), nghĩa là con số 1 tiếp theo bởi hơn 7000 tỷ tỷ tỷ con số 0 ở đằng sau, một con số vô cùng lớn nhưng vẫn có một tên riêng. Chúng ta có thể suy ra:
Vô Lượng = 10^(2.83… x 10^32), Vô Biên = 10^(1.13… x 10^33),...
và Bất-Khả-Thuyết = 10^(4.65… x 10^36) nghĩa là con số 1 tiếp theo bởi khoảng hơn 4 tỷ tỷ tỷ tỷ con số 0 đứng đằng sau.
Những con số khoa học hiện đại dùng tới có lẽ chỉ vào khoảng 10^40 nghĩa là chỉ có 40 con số 0 đứng sau. Chúng ta thấy ngay rằng, ngay cả về phương diện toán số, Phật giáo đã đi trước khoa học khá xa về sự biểu thị chính xác những con số và đã có quan niệm về những con số vô cùng lớn, lớn ngoài mức tưởng tượng của các khoa học gia hiện đại.
Quan niệm nhìn vũ trụ một cách toàn ký (The holographic view of the universe) là một quan niệm mới trong khoa học hiện đại, bắt nguồn từ sự khám phá ra kỹ thuật chụp hình toàn ký vài thập niên trước đây. Kỹ thuật chụp hình toàn ký này đã giúp cho một số khoa học gia giải quyết được một số khúc mắc trong những công cuộc khảo cứu của họ về ký ức của con người cũng như trong ngành vật lý các hạt nhỏ (particle physics). Các khoa học gia này, từ những kết quả khảo cứu mới nhất, đã đưa ra những bằng chứng và đề nghị rằng thế giới của chúng ta ngày nay và mọi thứ trong đó chẳng qua chỉ là những hình ảnh không thực, là những dự phóng của một thực thể vượt ra ngoài thực thể của con người và vượt ra ngoài không gian và thời gian.
Hai khoa học gia được biết đến nhiều nhất trong quan niệm mới này là nhà vật-lý học David Bohm, rất nổi tiếng trong ngành vật lý nguyên lượng (quantum mechanics), thuộc đại học Luân Đôn, Anh quốc, và Karl Pribam, một nhà thần-kinh sinh-lý-học (neurophysiologist) thuộc đại học Stanford, California. Điều đặc biệt là Bohm và Pribam, tuy khảo cứu về hai ngành hoàn toàn khác biệt, cùng phải dựa vào quan niệm toàn ký để giải thích những kết quả khảo cứu của mình. Bohm khảo sát về sự tương tác của các hạt nhỏ trong ngành vật lý tiềm nguyên tử (subatomic physics), và Pribam khảo sát về ký ức của con người trong ngành thần-kinh sinh-lý học. Không đi vào chi tiết, hai khoa học gia trên đều nhận thấy rằng các lý thuyết cũ trong khoa học không đủ để giải thích mọi vấn đề trong các ngành khảo cứu của họ, và khuôn mẫu toàn ký (holographic paradigm) đã giúp họ giải thích một cách hợp lý các kết quả khoa học của họ.
Nghiên cứu kỹ vấn đề, chúng ta có thể nói ngay rằng khuôn mẫu toàn ký chẳng qua chỉ là sự thuyết giải khoa học của một phần nhỏ những quan niệm đặc thù trong Phật Giáo đã có từ nhiều thế kỷ trước như tương duyên, tương tức, tương nhập, tương liên, một là tất cả v...v... Nhưng trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu đại cương thế nào là khuôn mẫu toàn ký.
Toàn ký (holography) là một kỹ thuật tạo hình ảnh bằng một loại ánh sáng đặc biệt thường được biết tới tên quen thuộc là ánh sáng LASER và hiện tượng giao thoa (interference) quen thuộc của các sóng. LASER là những chữ đầu của "Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation", có nghĩa là "ánh sáng khuếch đại do phát xạ kích thích của bức xạ", hay gọn hơn: "ánh sáng khuếch đại do bức xạ kích thích".
Một phim ảnh toàn ký được tạo ra khi một tia sáng LASER đơn sắc được tách ra làm hai tia riêng biệt. Tia thứ nhất được chiếu trên vật muốn chụp hình, thí dụ một bức tượng Phật, dội lại và hợp với tia thứ hai tạo thành một mô thức giao thoa và được ghi trên một tấm phim ảnh.
Dùng mắt thường mà nhìn thì hình giao thoa trên tấm phim, có tên khoa học là “toàn ký đồ”, không có gì là giống bức tượng Phật cả, mà chỉ là một số mô hình gồm những vòng đồng tâm tương tự như những vòng sóng lăn tăn trên mặt nước khi ta ném một nắm sỏi xuống nước. Hình sau đây chỉ là một thí dụ về toàn ký đồ chứ không phải là toàn ký đồ của bức tượng Phật.
Một Toàn Ký Đồ [A Hologram Pattern]
Nhưng khi ta chiếu qua tấm phim này bằng một tia LASER khác, hoặc đôi khi chỉ cần một ngọn đèn thật sáng, một cái hình nổi của bức tượng Phật sẽ hiện ra. Hình này trông y như thật, ta có thể đi vòng xung quanh hình tượng Phật này và thấy đó là một bức tượng thật, bất kể nhìn dưới góc cạnh nào. Nhưng nếu ta muốn nắm bắt hình tượng Phật này thì ta sẽ không thành công bởi vì khi ta đưa tay vào chỗ hình tượng Phật này thì sẽ không thấy gì, vì thật ra đó chỉ là một ảo ảnh. Ngày xưa Phật đã chẳng nói, Phật thì vô hình vô tướng, làm sao mà nắm bắt được, và Tâm Kinh đã chẳng dạy là "Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc chính là không, không chính là sắc" hay sao?
Nhưng điểm kỳ diệu của kỹ thuật toàn ký là, nếu ta cắt tấm phim ảnh ra làm hai, rồi chiếu lên mỗi nửa tấm phim này bằng một tia LASER, ta sẽ thấy mỗi nửa tấm phim sẽ lại tạo ra hình ảnh của toàn phần tượng Phật. Cứ tiếp tục chia cắt như vậy, mỗi mảnh nhỏ của tấm phim vẫn tạo ra nguyên hình của toàn thể bức tượng tuy càng ngày càng mờ nếu mảnh phim càng ngày càng nhỏ hơn. Nói tóm lại, kỹ thuật toàn ký đã khám phá lại một phần của một quan niệm rất quen thuộc trong Phật Giáo: một là tất cả. Để cho sự so sánh được rõ ràng hơn, có lẽ chúng ta nên đi thêm vào vài chi tiết trong công cuộc khảo cứu của Pribam và Bohm.
Pribam khám phá ra rằng, ký ức của con người được phân bố đều trong bộ óc và mỗi phần của bộ óc chứa trọn vẹn những thông tin mà bộ óc ghi nhận. Nếu ta cắt bỏ một phần các vùng ký ức, có khi là một phần khá lớn, ở trong óc một người thì ký ức của người đó không bao giờ mất đi một phần, và nếu người đó nhớ một cái gì đó thì bao giờ cũng nhớ trọn vẹn chứ không bao giờ chỉ nhớ một phần, thí dụ như chỉ nhớ 1 phần những người trong gia đình, hay một phần của một khuôn mặt quen thuộc, hay một phần của một câu chuyện mà người đó đã được kể cho nghe.
Khảo sát về sự tương tác giữa các hạt nhỏ trong ngành vật lý tiềm nguyên tử (subatomic physics), Bohm đưa ra nhận định như sau: Thuyết tương đối, quan trọng hơn nữa, cơ học nguyên lượng (quantum mechanics) đề nghị rằng, người ta không thể phân tích thế giới thành những phần riêng biệt và độc lập. Hơn nữa, mỗi phần có vẻ như bằng cách nào đó liên hệ tới mọi phần khác: chứa đựng lẫn nhau hoặc bao hàm nhau.
Chúng ta thấy rằng kỹ thuật toàn ký đã tạo ra một căn bản giải thích những kết quả khảo cứu của Pribam và Bohm. Và Pribam đã đặt một câu hỏi: Nếu các hình ảnh của thực tại ghi trong óc của chúng ta không phải là một hình ảnh như chúng ta thường thấy mà là một toàn ký đồ (hologram), vậy thì toàn ký đồ là cái gì?
Vấn đề khúc mắc là ở chỗ nếu ta chụp hình toàn ký một cảnh, thí dụ một đám người ngồi quanh một cái bàn, và khi rửa phim ra ta thấy không phải là một đám người mà lại là những hình giao thoa, vậy thì thực tại là cái gì? Là những hình ảnh thông thường chúng ta thấy ở ngoài đời ghi nhận bởi quan sát viên/nhiếp ảnh viên hay là những hình mờ ảo giao thoa ghi bởi máy chụp hình/óc con ngườỉ? Pribam ý thức được rằng cái mẫu về "óc toàn ký" với những các kết luận hợp lý của nó đã dẫn đến một vấn nạn về thế giới của thực tại khách quan; thế giới của sông, núi, cây cỏ có thể là không hiện hữu, ít ra là không hiện hữu như chúng ta thường tưởng là hiện hữu. Phải chăng quan niệm về ảo tưởng (maya) của những huyền nhiệm gia cách đây nhiều thế kỷ là đúng, và những cảnh xum la vạn tượng chẳng qua chỉ là vùng rộng lớn các tần số (vast frequency domain) biến đổi thành những sự vật SAU KHI nhập vào các giác quan của con người. Nhưng lãnh vực khảo cứu của Pribam chỉ về ký ức con ngưòi, và khi biết được những kết quả khảo cứu của Bohm, không những Pribam tìm ra được giải đáp cho những thắc mắc trên mà còn biết được rằng, theo Bohm, toàn thể vũ trụ chỉ là một toàn ký đồ (hologram).
Nói một cách vắn tắt thì quan niệm về vũ trụ của Bohm như sau: thực tại mà chúng ta thấy hàng ngày thực ra chỉ là một loại ảo tưởng, giống như một hình ảnh toàn ký. Đằng sau cái thực tại này là một sự xếp đặt sâu sắc hơn của sự hiện hữu mà ta có thể coi như là bản chất rộng lớn của một thực tại từ đó sinh ra mọi sự vật tạo thành thế giới vật chất của chúng ta, giống như một mảnh phim toàn ký tạo ra một toàn-ký-đồ. Bohm gọi cái thực tại sâu sắc này là cấp ẩn (implicate order) hay sự xếp đặt ẩn và những thứ chúng ta thấy thường ngày thuộc cấp hiện (explicate order) hay sự xếp đặt hiện của mọi vật. Nói một cách tóm tắt dễ hiểu thì mọi vật đều sinh ra từ một căn bản chung, và căn bản chung này khi nhập vào giác quan của con người thì sinh ra mọi sai biệt mà chúng ta thường thấy ở ngoài đời.
Nhưng có ai ngờ rằng, những quan niệm về vũ trụ dựa trên khuôn mẫu toàn ký trên đã là những quan niệm đặc thù của Phật Giáo từ bao thế kỷ trước đây. Thật vậy, quan niệm về Chân Không Diệu Hữu, và quan niệm về Tâm Chân Như và Tâm Sai Biệt của Bồ Tát Mã Minh trong Đại Thừa Khởi Tín Luận không khác gì quan niệm toàn ký của Bohm ở trên, nếu không muốn nói là còn sâu sắc hơn và đầy đủ hơn. Và, nếu chúng ta quen thuộc với kinh điển Phật Giáo, nhất là kinh Hoa Nghiêm, thì chúng ta sẽ thấy rằng khuôn mẫu toàn ký và những quan niệm của Pribam và Bohm thực sự đã chậm mất 25 thế kỷ. Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng ta hãy đọc phớt qua chút ít về Kinh Hoa Nghiêm.
Trước hết, chúng ta hãy đọc vài lời tựa của Hòa Thượng Thích Đức Niệm ở đầu mỗi cuốn trong bộ kinh Hoa Nghiêm do Thích Trí Tịnh dịch:
"Kinh Hoa Nghiêm là bộ Kinh Đại Thừa, là vua trong các Kinh, với nội dung siêu việt tuyệt luân hùng vĩ, tráng lệ nguy nga, thể hiện Pháp thân, tư tưởng và tâm nguyện của Phật.
...Tư tưởng Hoa Nghiêm trình bày vạn pháp do tâm sanh. Tâm là thực thể của vạn pháp. Tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt, hình hình sắc sắc, trùng trùng duyên khởi, cái này có cái kia có và ngược lại, như lưới đế châu. Tâm chơn thì pháp giới tánh với tâm là một, vạn vật đồng nhất thể....Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật chỉ cho chúng sanh thấu rõ cội nguồn của xum la vạn tượng do mê thức vọng tưởng nghiệp duyên hình thành, các pháp hiện hành trong vũ trụ là huyễn hóa, như hoa trong gương, như trăng dưới nước. Tất cả vạn pháp trong pháp giới đều từ tâm sanh. Tâm trùm khắp cả pháp giới. Tất cả vạn hữu vũ trụ có thể nằm gọn trong hạt cải. Hạt cải có thể thâu nhiếp tất cả vũ trụ vạn pháp. Thể tánh của tâm nhiếp thâu tất cả. Tất cả là một, một là tất cả."
Vài lời trên đã tóm tắt phần nào những tinh túy của Kinh Hoa Nghiêm. Thật vậy, chúng ta hãy đọc đoạn sau đây trong Phẩm Nhập Pháp Giới, lời của nữ nhân Thích Ca Cù Ba giảng một pháp môn giải thoát cho Thiện Tài đồng tử:
"Này Thiện Nam Tử!.. Ta quán thân của Bồ Tát, nơi mỗi lỗ chân lông, mỗi niệm thấy vô lượng vô biên thế giới rộng lớn, những sự an trụ, trang nghiêm, hình trạng, những núi, đất, mây, danh hiệu, Phật xuất thế, những đạo tràng, chúng hội, diễn thuyết những khế kinh, những sự quán đảnh, các thừa, những phương tiện, những thanh tịnh.
Lại mỗi niệm nơi mỗi lỗ chân lông của Bồ Tát thường thấy vô biên phật hải, những sự ngồi đạo tràng, những thần biến, thuyết pháp, thuyết kinh hằng không gián đoạn.
Lại nơi mỗi lỗ chân lông của Bồ Tát thấy vô biên chúng sanh hải: những trụ xứ, hình mạo, tác nghiệp, căn tánh...."
Với lời tựa của Hòa Thượng Thích Đức Niệm và lời trích dẫn trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy rằng quan niệm toàn ký của các khoa học gia đã dựa vào các tư tưởng của Phật Giáo rất nhiều. Nhưng xét cho kỹ thì quan niệm toàn ký trong khoa học chỉ có tác dụng giải thích một số khúc mắc trong khoa học một cách đại cương trong khi quan niệm về tương thông, tương tức, hay dung thông vô ngại bao trùm mọi pháp giới. Nếu chúng ta đọc đoạn cuối của Kinh Hoa Nghiêm , khi Thiện Tài đồng tử vào trong lâu các Tỳ Lô Giá Na và rồi sau đó gặp Phổ Hiền Bồ Tát thì chúng ta sẽ thấy quan niệm về một vi trần chứa đủ thiên sai vạn biệt trong vũ trụ đã được trình bày với đầy đủ chi tiết và kèm vào đó những công hạnh của Bồ Tát. Và đây chính là điểm vi diệu của Kinh Phật vì ngoài việc dùng để giải thích những sự việc ngoài đời như khoa học, điểm chính yếu là cái dụng của Kinh Phật như sẽ được tóm tắt sau đây.
Chúng ta biết rằng kinh căn bản trong Hoa Nghiêm Tông là Kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm bao gồm toàn bộ giáo lý Phật Giáo một cách hòa hợp, đa dạng; đó là một kinh được coi là cao nhất trong mọi kinh Phật ở Á Châu. Kinh trình bày một môn siêu hình học vô cùng tiến bộ và là một tập hợp phát triển tư tưởng một cách kỹ lưỡng, tinh tế để dẫn con người tới toàn giác.
Nhưng muốn nhận định đúng giá trị của Kinh Hoa Nghiêm chúng ta phải xét đến cái mặt dụng của Kinh này. Vì chúng ta đã biết, trong Phật Giáo, Kinh Phật thật là vô ích nếu chúng ta chỉ để ý tới phần lý thuyết mà không áp dụng chúng vào đời sống thường ngày. Các thiền sư thường ví những người tìm hiểu kinh mà không thực hành như là những người "đọc thực đơn mà không ăn" hay là "đếm tiền của thiên hạ trong ngân hàng".
Nói một cách ngắn gọn, Kinh Hoa Nghiêm cho chúng ta một tập hợp những phương thức tu tập - một lối nhìn sự vật trên mọi góc cạnh, từ đó khám phá ra sự hòa hợp và bổ túc lẫn nhau tiềm ẩn sau những khác biệt và mâu thuẫn biểu kiến của mọi sự vật ở trên đời. Giá trị của sự tu tập này là sự phát triển một quan điểm tròn đầy, lành mạnh, giúp ta khám phá ra sự thống nhất của mọi Pháp nhưng không phủ nhận sự khác biệt của các Pháp. Từ quan điểm này, con người vượt qua được những ngăn ngại tâm linh do sự chấp vào các sai biệt của vạn vật mà sinh ra. Quan niệm về Chân Đế và Tục Đế của Bồ Tát Long Thọ trong Đại Trí Độ Luận sẽ giúp chúng ta tu tập trong Chân Đế nhưng không quên Tục Đế. Từ đó, với sự phát triển bồ đề tâm, cái quan điểm viên dung này vận hành bất tuyệt trên cách hành xử của các bồ tát trong công cuộc tự giác, giác tha. Một khi hội nhập được vào ý tưởng dung thông vô ngại của Kinh Hoa Nghiêm, với căn bản là bồ đề tâm, hành giả sẽ không còn bị ngăn ngại bởi bất cứ cái gì về cách hành xử trong Bồ Tát Đạo. Hành giả sẽ tự do hành xử để giúp chúng sinh ra khỏi chỗ mê mờ của những giáo lý những điều mê tín không còn thích hợp với sự tiến bộ tri thức của con người ngày nay.
Bài trên đây chỉ có mục đích chứng tỏ rằng các tư tưởng trong Phật Giáo đã đi trước và sâu sắc hơn các quan niệm của khoa học hiện đại nhiều, hiển nhiên tôi không thể đi vào chi tiết của khoa học cũng như Kinh điển Phật Giáo trong một bài viết ngắn. Bạn đọc nào muốn hiểu thêm về bồ đề tâm hay những quan niệm như tương duyên, tương tức, dung thông vô ngại trong Phật Giáo xin hãy chăm đi lễ Chùa và thụ huấn quý Thày. Tôi bảo đảm là các bạn sẽ không cảm thấy lãng phí thì giờ trong việc tìm hiểu kinh Phật vì Kinh Phật là một kho tàng vô giá và vô tận để phát triển trí tuệ con người thay vì giam hãm đầu óc con người trong những ngục tù tâm linh¨
______________
(*) Đính chính bổ túc của SH ngày 27 tháng 5, 2017: Về những câu trích dẫn của Einstein, nghiên cứu cho biết đến nay vẫn chưa tìm được nguồn tài liệu khả tín. Xin đọc bài Phật Giáo Với Những Ảo Tưởng Thời Thượng của Trần Trọng Sỹ mới đăng 24-May-2017