Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2008

Người tốt... - Hồi thứ ba: Tình mẹ



Hò...ơ... mùa đông... gió lạnh căm căm
Gió đưa cành liễu... ơ.... ờ...
Gió đưa cành liễu mẹ nằm nhớ con...

Chiếc xe khách từ từ lăn bánh qua cổng vào bến cuối là Cầu Rào. Sau hơn 7 tiếng đồng hồ đồng hành cùng nhau, khách lục tục lần lượt rời xe. Giữa trưa trời nắng chang chang, cái nắng gắt của một ngày tháng bảy nóng nực và ngột ngạt. Cũng may, tại cái bến xe này thi thoảng có cơn gió lạc mẹ từ dưới sông thổi lên, thổi bay đi mùi xăng dầu, mùi người, mùi hàng quán,...
- Hì... anh ngốc... bai-bai nhé! cảm ơn anh đã ngồi nghe những thứ linh tinh của em.
- Khoan đã, cho anh địa chỉ đi!
- Ha ha... anh cũng định kiếm gái làng chơi hay sao?
- Em thẳng thắn quá nhỉ! là... anh muốn đến thăm em, có được không vậy?
- Không phải thế chứ? Đàn ông trí thức lại kết bạn với gái giang hồ?
- Trí thức với giang hồ gì chứ! chẳng lẽ người với người lại không được hay sao?
Tiểu Yến Tử chợt trở nên thẹn thùng như gái quê, rồi đưa tay rút quyển sổ và cây viết trên túi ngực của Công Tử Bột. Sau một hồi hí hoáy viết: "Đây là địa chỉ của em" - "Chữ xấu thế, đọc được, chết liền á!... hì... hự..." - "Chúa ơi! con chỉ hay bị vợ nghéo sườn thôi, chứ chưa bị ai đấm thế này bao giờ..."
- Anh có vợ rồi à?
- Anh già rồi mà, một vợ, 2 con nhỏ... Được rồi, hôm nào rảnh anh sẽ đến chơi, chào em nhé!

Nhảy lên xe ôm, công tử nghĩ miên man về những nhân vật trong chuyện mà cô gái đã kể, mỗi số phận, mỗi cuộc đời rất khác nhau, nhưng họ đều là "người tốt". Loáng một cái đã về đến cổng nhà từ khi nào. Tiếng trẻ con trong nhà gọi ba ầm ĩ kéo công tử trở lại với thực tế no đủ hạnh phúc của mình.

Công tử lại bận rộn với công việc hàng ngày, bề bộn với đống giấy tờ ngổn ngang, bạn bè, đối tác... Những công việc đem lại những đồng tiền phục vụ cho cuộc sống của gia đình công tử.
Đôi lúc ngồi một mình trong văn phòng, chợt nhớ đến gương mặt trẻ đẹp pha chút tinh nghịch của cô gái đi cùng xe hôm nào, chàng lại thấy nôn nao, chàng nhủ thầm: "chờ khi nào rảnh mình sẽ đến thăm cô ấy".
Thế nhưng cuộc đời vốn bạc bẽo, cái "khi nào rảnh" ấy nó luôn là ngày mai hoặc tuần sau hoặc tháng sau. Tờ địa chỉ ngoệch ngoạc ấy vẫn nằm im trong quyển sổ điện thoại trong túi ngực của chàng. Nơi cô gái ở, cũng là nơi cô hành nghề kiếm sống ở ngay trong cái thành phố bé tẹo này, vậy mà cái "khi nào rảnh" ấy sao lại khó xảy ra thế!
Thời gian vẫn trôi, chàng vẫn bận bịu, rồi những khi có chút thảnh thơi, chàng không còn ngồi một mình trong văn phòng để nghĩ về những gương mặt bất chợt kia nữa, chàng thích ghé vào các phòng khác để tán gẫu, nhất là những phòng mới nhận thêm các em nữ trẻ mới ra trường. Trước mặt các em, chàng tỏ ra mình là người đầy kinh nghiệm và ga-lăng, chàng lên giọng dạy cho các em những kiến thức nghề nghiệp cũng như những trải nghiệm cuộc đời. Được các em khen một câu là chàng càng hứng chí, càng ba hoa nhiều hơn. Và chàng cảm thấy nhất thời thích điều ấy lắm.

Mùa đông đến, trên Bộ tổ chức họp ngoài Đồ Sơn, cơ quan cử chàng đi họp. Thầm nghĩ: "họp hành quái gì, bầy trò để dải ngân và du hí với nhau". Cầm tập báo cáo được phát từ hôm khai mạc, chàng chọn một chỗ ngồi tận cuối cùng để dễ ngủ gật, vì có gì đáng để nghe đâu.
Đang thiu thiu gật gù, chàng giật mình tỉnh giấc vì đập đầu vào vai ghế của người phía trước. Liếc nhìn đồng hồ... "giờ này mà các cụ còn phát biểu hăng thế!" Rồi chàng len lén chuồn ra khỏi phòng họp.
Gió lồng lộng thổi, chàng kéo phéc-măng-tuya kín cổ chiếc áo gió, thong dong thả bước trong trời chiều. Bước chân dẫn chàng đến mép nước lúc nào chẳng hay. Sóng biển lăn tăn đuổi nhau ùa lên bãi cát. Chàng lại chậm dãi đi dọc theo mép nước. Những con dã tràng thấy động, vội vàng lao xuống biển, cái tổ mà chúng vừa xây lại bị sóng chùm lên, khi sóng rút ra xa, bờ biển lại phẳng lì cát mịn.
Tới cuối bãi cát là ghềnh đá, trên một tảng đá có một cô gái đang ngồi một mình nhìn ra biển. Chàng đang định quay đầu bỏ đi, nhưng như có một điều gì đó níu chàng lại khiến chàng nhìn cô gái thêm một lần nữa. Tuy quen mà lạ, tuy lạ mà quen, mái tóc kiểu Mai-ka... đúng lúc chàng đang phân vân thì cô ngoảnh đầu lại, chàng kêu lên:
- Tiểu Yến Tử!
- A... anh ngốc! làm sao anh biết em ra đây mà tìm?
- À... không... anh xin lỗi vì chưa thực hiện lời hứa đến thăm em. Anh chỉ là vô tình có việc ngoài này. Còn em, sao lại ra đây giữa mùa đông?
- Em... đi khách, có một ông sếp yêu cầu có người phục vụ khi ông ấy họp hành ngoài này... ông ấy đang họp trong khách sạn, em rảnh việc nên ra đây.
Công tử leo lên tảng đá ngồi xuống bên cạnh Tiểu Yến Tử.
- Lần ấy gặp em, được nghe em kể chuyện, anh rất thích.
- Vậy em kể chuyện nữa nhé. Lần trước em toàn kể về mấy người giang hồ bờ bụi, bây giờ em sẽ kể về những người tốt ở cùng đẳng cấp với anh.
- Em lại thế rồi.
- Không phải đâu, dù anh có muốn hay không thì xã hội này vẫn luôn có phân biệt khi nói về những thế giới khác nhau. Thế giới của những người như anh - đàng hoàng và trong sạch, và thế giới lừa lọc và xảo trá của những kẻ giang hồ.
Công tử không cãi lại lời của cô nữa, nhưng những điều cô gái cười cả được bằng môi và mắt này nói khiến công tử suy nghĩ rất nhiều. Người ta vẫn định nghĩa giang hồ là hiểm ác, danh môn chính phái là trong sạch, định nghĩa ấy có đúng thật hay không?...
Tiểu Yến Tử bắt đầu vào câu chuyện:
Anh biết chợ Đổ chứ? Ở chợ đó có một bà cụ già bán ước, bà có một cái lều nhỏ ở góc chợ, vừa là quán nước, cũng là nơi che mưa, che gió cho bà qua đêm.
Năm xưa, bà có 3 người con đi bộ đội. Khi ra đi họ đều nói: "con đi nhé, ngày đất nước hòa bình, con sẽ quay về". Thế rồi chiến tranh đã qua đi, đất nước hòa bình lập lại, ba người con của bà vẫn còn lưu lạc ở đâu. Họ đã nằm lại ở lưng sườn núi nào, hay cánh rừng nào, sao không quay về bên mẹ?
Ai buôn bán ở cái chợ ấy cũng đều biết bà, và biết đến câu chuyện về bà. Ban ngày họ thi thoảng đến uống nước trong cái quán nhỏ của bà, với dăm ba câu chuyện cũng để bà đỡ thấy vắng vẻ. Mấy chục năm qua đi, những người con của bà vẫn chưa về, bà vẫn sống một mình lay lắt nơi góc chợ. Hàng đêm người ta vẫn nghe văng vẳng từ trong chợ mấy câu hò da diết:
Hò...ơ... mùa đông... gió lạnh căm căm
Gió đưa cành liễu... ơ.... ờ...
Gió đưa cành liễu mẹ nằm nhớ con...
Con đi vì nước vì non...
Con đi có biết mẹ còn nhớ thương...
Hò... ơ... ai ơi có đến muôn phương
Gặp con tôi nhắn... ơ ờ...
Gặp con tôi nhắn nhớ đường về quê...
Chẳng biết tiếng hò của bà được gió đưa đi đến tận nơi đâu, không biết những người con của bà có nghe thấy được không?...
Thế rồi...
Tiểu Yến Tử chợt ngừng lại. Cái sự im lặng khiến công tử muốn ngạt thở. Nhưng công tử cũng không dám lên tiếng cắt ngang dòng suy tư của cô.
Thế rồi... vào một đêm đông của 7 năm về trước, (nghĩ thầm: không lẽ họ trở về), khi tất cả mọi nhà đã chìm vào giấc ngủ, gió mùa đông bắc vẫn réo rắt trên các ngọn cây, bà bỗng nghe như có tiếng trẻ con gọi mẹ, tiếng gọi yếu ớt như vọng về từ một nơi xa thẳm. Bà tưởng mình nằm mộng mà ra, nhưng không phải, rõ ràng đó là tiếng trẻ khóc, mỗi lúc một rõ, mỗi lúc một to dần. Bà vùng dậy, khoác thêm chiếc áo, ra khỏi nhà bà hấp tấp đi về phía cổng chợ, nơi phát ra tiếng khóc.
Một đứa bé đỏ hỏn quấn trong mấy cái tã lót, ngoài cùng bọc bởi một chiếc áo phao, tất cả đặt vào trong một cái nôi nhựa. Đứa bé khóc lên ngằn ngặt, có lẽ vì lạnh và thiếu hơi người. Bà vội vàng bế nó lên vừa nựng vừa ru, vừa ngó ra xung quanh. Đêm đông lạnh giá, tịnh không một bóng người. Loay hoay một hồi, bà quyết định bế nó về cái lều của bà. Thay cho nó chiếc tã, rồi bà lấy hộp sữa Ông Thọ của ban thương binh xã hội cho pha với nước phích, bà cặm cụi đổ cho thằng bé từng thìa sữa nhỏ.
Hò... ơ... gió đông... chảy suốt một đời...
Con tôi không thấy... ơ ờ...
Con tôi khống thấy mà người bỏ con...
Sáng hôm sau, bà bế thằng bé lên phường báo cáo, mấy anh cán bộ phường nói: "Có lẽ bà cứ bế cháu về để xem có ai nhận không, rồi có gì chúng tôi sẽ xuống giải quyết sau".
Bà bế thằng bé về, đặt nó ở giữa nhà bà nói: "Vậy là ông trời đã ghép con cho ta, một người mồ côi con, một trẻ mồ côi mẹ, từ nay con ở với bà, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo nghe con!"
Ầu... ơ... mưa lạnh rơi xuống mùa đông...
Vừa mới lọt lòng.... ơ ờ...
Vừa mới lọt lòng đã phải mồ côi...
Bà đặt tên cho nó là Đông Thiên, ý là đứa con trời sinh vào mùa đông. Từ đó bà thay cha mẹ của thằng bé, nuôi nó, chăm sóc nó, với đôi bàn tay già nua gày yếu. Dân buôn trong chợ biết chuyện mỗi người giúp một chút. Bà hàng sữa thì cho cân đường hộp sữa, chị buôn quần áo thì đem cho quần áo, ai buôn gì thì cho thứ ấy. Thằng bé lớn dần lên trong sự chăm sóc của bà và sự bao bọc của người buôn trong chợ.
Thằng bé kháu khỉnh, đôi mắt tròn mơ mộng như mắt trẻ thơ, lại thêm rất ngoan và lễ phép nên trong chợ ai cũng yêu nó. Khi nó biết chạy, biết bi bô, người ta càng quí hơn vì nó thường đem lại niềm vui nhất thời cho họ. Nó chạy hết hàng nọ quán kia hỏi đủ thứ chuyện, nào là "cái này là cái gì hả bác?", "cái này để làm gì vậy cô?"... Nó ở với bà, tuy không đầy đủ, nhưng những thứ cần thiết đều có cả, duy chỉ có một thứ nó không có, đó là nó không có bạn. Đơn giản là vì trong chợ thì không có trẻ con, nó không dám ra khỏi chợ vì bà sợ nó ra phố thì đi lạc mất.
Khi nó 6 tuổi bà cũng muốn cho nó đến trường để học cái chữ. Tháng Chín, bà dắt Đông Thiên đến trường, ông đốc học nói: "Cháu nó không có giấy khai sinh làm sao mà đi học?". Bà lại dắt nó về, bà nhớ trong cái mớ kỷ vật của nó để lại trong chiếc nôi nhựa ngày ấy có thứ giấy tờ gì đó. Bà lục tìm được, đó là tờ giấy chứng sinh của bệnh viện Kỳ Đồng, sinh nhật của Đông Thiên là ngày 22 tháng 12 năm 1998 tuy nhiên nơi viết tên mẹ nó thì đã bị mờ, không đọc được. Mang giấy đó lên phường người ta không làm khai sinh cho thằng bé vì không thể biết được bố mẹ nó là ai. Bà thất vọng quay về... "không lẽ thằng bé của bà sẽ mù chữ hay sao?".
Một năm qua đi, thằng bé vẫn lủi thủi quanh bà, nó bắt đầu thấy tủi thân khi không biết đọc chữ. Thỉnh thoảng có người cho nó những quyển truyện tranh cũ, nó chỉ biết đọc bằng hình. Bà thì già quá rồi, mắt mờ chân chậm, vốn chữ của bà học từ hồi xóa nạn mù chữ chắc cũng chẳng còn bao nhiêu để có thể dạy cho thằng bé.
Ngày Quốc Khánh, một cô giáo trẻ vào chợ, cô đi mua bóng bay túi để chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới. Thông thường các trường khác sẽ yêu cầu học sinh mỗi cháu phải mua một quả bóng bay mang đến trường ngày hôm ấy. Nhưng với cô thì khác, cô muốn mua cả mấy túi rồi sau đó phát cho các em, để khỏi phiền đến các bậc phụ huynh phải đi chợ vì mỗi một quả bóng bay. Cô làm như vậy vừa tiện lại vừa rẻ. 
Cô ghé vào quán của bà cụ nghỉ chân. Đông Thiên cứ nhìn cô chằm chằm như thể nó được thấy một thiên thần mà trước nay nó chưa hề gặp. Rồi nó đến bên cô:
- Cô ơi, cô tên là gì?
- Cô là Uyên.
- Cả tên cô là gì?
- Cháu muốn hỏi tên đầy đủ của cô phải không? là Trần Lê Liên Phương Uyên.
- Ôi tên cô dài thế, tên cháu chỉ có 2 tiếng, cháu là Đông Thiên.
- Tên hay nhỉ? Cháu học lớp mấy rồi?
- Cháu chưa có đi học?
- Ồ vậy à?
Bà cụ liền kể lại hoàn cảnh của cậu bé cho Uyên nghe. Cô ngồi im, nghe như nuốt từng lời của bà cụ.
- Bà ơi, em ấy xứng đáng được đến trường. Mùng 5 khai giảng, bà dắt em ấy đến trường cháu dạy nhé! Cháu nhất định sẽ xin cho em ấy vào học bằng được.
Nói xong, Uyên cũng thấy hoang mang, cô chưa biết phải làm sao để cho bé Thiên được đến lớp. Cô chỉ là một cô giáo mới ra trường, chưa có biên chế, làm hợp đồng nhà trường, được phân công dạy 1 lớp và kiêm nhiệm công tác đoàn đội. Nhưng cô đã quyết tâm phải xin bằng được cho bé Thiên đến lớp, cô cũng đã nghĩ đến chuyện nếu không được thì cho bé ngồi dự thính trong lớp của cô. 
- Bà cho cháu mượn cái giấy chứng sinh nhé! Đây là chứng minh thư của cháu, bà hãy giữ lấy để làm tin.
- Ôi bà cảm ơn cô quá! Cái giấy chứng sinh này chỉ có ý nghĩa với thằng bé, đối với cô nó có giá trị gì đâu, cô thương cháu thì cô mới giúp cháu, chứ cô được lợi lộc gì. Làm gì mà bà phải giữ chứng minh thư của cô.
Bà cụ cứ nắm lấy tay cô mà cảm ơn rối rít. Thế rồi sau đó là những ngày thắc thỏm mong tin.
Chỉ có ba ngày để cô làm ra phép mầu nhiệm. Cô chạy ngược chạy xuôi tìm đủ mọi cách để làm giấy khai sinh cho thằng bé. Phép mầu thứ nhất xuất hiện khi cô biết được bạn học phổ thông với cô sau khi tốt nghiệp trung cấp y đã về làm y tá ở bệnh viện Kỳ Đồng. Sau khi nghe cô kể chuyện, cô bạn ấy đã dắt cô lên gặp chị quản lý hồ sơ lưu. Lục lọi trong đống hồ sơ đầy bụi bặm họ đã tìm được cái ngày 22 tháng 12 của bảy năm về trước. Chị quản lý hồ sơ nói: "May cho hai cô là cái bệnh viện này bé tẹo nên hôm ấy chỉ có mỗi một ca sinh đẻ". Như có sự sắp đặt của ông trời, hai cô kêu lên ngạc nhiên khi nhìn thấy tên của sản phụ Lê Uyên Phương, một cái tên rất lạ nhưng lại có mấy tiếng trùng với tên cô giáo. Không thấy có tên của người cha. Lần theo địa chỉ mà sản phụ khai trong hồ sơ, hai cô tìm đến một khu ổ chuột ngoài bến Bính, hỏi về người đàn bà tên là Lê Uyên Phương, nhưng không ai biết cả.
Với tờ giấy chứng sinh được cấp lại, hai cô đành rủ nhau lên phường làm khai sinh cho thằng bé. Chú công an hộ tịch vừa mới nhìn thấy tờ chứng sinh đã nạt nộ: "Các cô trông vừa trẻ vừa đẹp, chắc không phải người lạc hậu, tại sao con 7 tuổi rồi mới đi làm khai sinh?". Hai cô lại lần nữa thuật lại câu chuyện cho chú công an nghe. Phép mầu thứ hai xuất hiện, chú công an này vượt qua nguyên tắc hành chính, vượt qua cả nguyên tắc bản thân, làm ngay tờ giấy khai sinh cho thằng bé: "Bây giờ đã cuối ngày, mà ngày mai khai giảng rồi, nếu theo nguyên tắc thì thằng bé sẽ không kịp đến trường, tôi xin phép đóng giùm thằng bé tiền lệ phí khai sinh". Rồi chú đưa cho cô giáo tờ giấy khai sinh kèm thêm 5 bản sao nữa.
Hai cô mừng quýnh, chộp lấy tờ khai sinh, chạy vụt ra ngoài, quên cả chào tạm biệt chú công an tốt bụng.
Phóng như bay trên hai chiếc xe mi-ni, hai cô guồng chân chạy thẳng đến chợ Đổ. Nhìn thấy bà và bé Thiên, hai cô reo lên: "Được rồi bà ơi! Bà xem giấy khai sinh của bé Đông Thiên, vậy là bé có thể đến trường rồi."
Bà run run đón tờ giấy khai sinh còn thơm mùi mực mới trên tay cô giáo... "Ơn Trời, ơn Phật, cảm ơn cô giáo nhiều lắm!"
Đúng theo lời hẹn của cô giáo, sáng hôm sau, ngày 5 tháng Chín bà dắt thằng bé đến trường. Cô giáo Uyên đã đứng ở cổng trường đợi hai bà cháu từ lâu. 
Dắt tay bé Thiên vào lớp, cô Uyên thỏ thẻ: "Từ nay con vào lớp học chữ với cô nhé! Hết giờ học lại về với bà"
Bé Đông Thiên lần đầu tiên xa bà, lần đầu tiên xa cái xóm chợ, lần đầu tiên đi học, nó hoang mang và đứng nép vào bên cô.
Bà cụ đứng ở cổng nhìn theo mãi khi bóng thằng bé theo cô vào lớp. Quay về nhà bà thắp nén nhang lên bàn thờ 3 người con trai. Lần đầu tiên sau mấy chục năm trời, bà thấy lòng mình thật thanh thản...
Ầu... ơ... Trời xanh vén đám mây mù
Bà nuôi con lớn... ơ... ờ...
Bà nuôi con lớn bây chừ học ngoan...
Bà nằm xuống chiếc giường gấp mọi khi, rồi yên tâm đi vào giấc ngủ...

Tiếng của Tiểu Yến Tử nhỏ dần, nhỏ dần, thì thào như tiếng gió ngọt ngào dịu êm. Cô nghiêng đầu một bên, gục lên vai công tử, hơi thở nhẹ đều đều. Sau lưng họ, mặt trời đã lặn xuống phía dưới những rặng cây. Phía ngoài khơi, ánh sáng yếu ớt của vầng trăng đã bắt đầu hé lên.
Hò ơ... Biển hiền vắng vẻ chiều đông
Có anh còn thức... ơ ờ...
Có anh còn thức má hồng ngủ ngon...
Cô gái có ngủ yên trên vai công tử đến sáng hay không, xem hồi sau sẽ rõ. 

http://hoaphonglan.vnweblogs.com/post/9171/100165