Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Đỗ Tuyết Khanh: Alice Munro và những cơn sóng ngầm của cuộc sống

http://en.wikipedia.org/wiki/Alice_Munro


http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/alice-munro-va-song-ngam

Bạn đang ở: Trang chủ › Biên khảo › Alice Munro và những cơn sóng ngầm của cuộc sống

Alice Munro và những cơn sóng ngầm của cuộc sống

« Tôi thật sự hi vọng nhờ vậy truyện ngắn sẽ được xem như một nghệ thuật quan trọng, chứ không chỉ là cái viết chơi mày mò cho đến khi viết được truyện dài ».


tua

Đỗ Tuyết Khanh



Giải Nobel văn chương năm nay đánh dấu hai sự đầu tiên : Alice Munro là nhà văn Canada đầu tiên1 đoạt giải này và đây cũng là lần đầu Hàn lâm viện Thuỵ Điển vinh danh một tác giả chuyên viết truyện ngắn, một thể loại thường bị xem là thứ yếu trong làng văn. Có lẽ cũng để cô đọng như thể văn này, lời giới thiệu của Uỷ ban Nobel, thường rất hoa mỹ thậm chí đôi khi rườm rà khó hiểu, năm nay rất ngắn gọn, chỉ vỏn vẹn một câu “Alice Munro, bậc thầy của truyện ngắn đương đại” (“Alice Munro, master of the contemporary short story”). Trên 110 người đã được trao giải Nobel văn từ năm 1901 cho tới nay, Alice Munro mới chỉ là tác giả nữ thứ 13. Như mọi năm, gần đến mùa Nobel, bên cạnh các phỏng đoán, cá cược về người sẽ đoạt giải văn, dư luận làng văn lại nhắc nhở, chỉ trích sự chênh lệch nam nữ thái quá này. Không biết có phải để “trả đũa” mà Uỷ ban Nobel đã chọn từ “master”, một danh từ trung tính nhưng thường hàm ý phái nam (cũng như chữ “thầy”), thay vì “queen”, chẳng hạn, trong lời giới thiệu. Alice Munro năm nay 82 tuổi nhưng không phải là người cao niên nhất khi đoạt giải, kỷ lục ấy vẫn thuộc về Doris Lessing, Nobel 2007 lúc 88 tuổi.
Trước khi được giải Nobel, Alice Munro đã được trao nhiều giải văn học lớn, cho hầu hết các tuyển tập truyện ngắn của bà: ba lần giải Governor General's Award for Fiction, là giải văn học lớn nhất của Canada, hai lần giải Giller Prize, và các giải Canadian Booksellers Award, Trillium Book Award, National Book Critics Circle Award (Mỹ), WH Smith Literary Award (Anh), Commonwealth Writers Prize, O.Henry Award, PEN-Malamud, v.v. Năm 2009, bà được trao giải Man Booker International Prize của Anh, là giải văn học quốc tế lớn nhất dành cho các tác giả Anh ngữ, cho toàn bộ các sáng tác của bà. Truyện ngắn của Alice Munro thường xuất hiện trên các tập san lớn như The New Yorker, The Atlantic Monthly, The Paris Review, và được đăng lại trong 14 tuyển tập, mỗi cuốn cách nhau ba hay bốn năm, từ 1968 đến 2012.
Alice Munro cũng không thiếu chức danh và danh hiệu: viện American Academy of Arts and Letters bầu chọn bà là thành viên danh dự người nước ngoài năm 1992, bà được Royal Society of Canada trao tặng huy chương Lorne Pierce Medal năm 1993, và National Arts Club của Mỹ tặng thưởng huy chương Medal of Honor for Literature năm 2005. Năm 2010, bà được nước Pháp phong chức danh Chevalier de l’Ordre des arts et des lettres. Trong giới văn học, bà thường được khen ngợi và mệnh danh là một Tchekhov của Canada,
Alice Munro là người kín đáo, sống ở Clinton, một thành phố nhỏ tiểu bang Ontario, gần hồ Huron, ít xuất hiện trong những buổi tiệc tùng xã giao, sự kiện thời thượng, và ít trả lời phỏng vấn. Những năm sau này, bà thường xuyên được nhắc đến như một trong những nhà văn xứng đáng đoạt giải Nobel nhưng cũng thường xuyên với lời bình là khả năng này rất nhỏ vì bả chỉ viết truyện ngắn. Phản ứng của bà sau khi biết tin được giải : « Thật là tuyệt vời cho tôi. Vả tuyệt vời cho truyện ngắn. Tôi rất vui vì giải này sẽ làm rất nhiều người Canada hài lòng, và văn học Canada được chú ý nhiều hơn ». Bà cũng nói : « Tôi thật sự hi vọng nhờ vậy truyện ngắn sẽ được xem như một nghệ thuật quan trọng, chứ không chỉ là cái viết chơi mày mò cho đến khi viết được truyện dài »(*).

Những gốc rễ của một văn nghiệp phong phú


Alice Ann Laidlaw sinh ngày 10.7.1931 tại Wingham, tiểu bang Ontario, mẹ, Anne Clarke Laidlaw, là cô giáo và cha, Robert Eric Laidlaw, làm nghề nuôi chồn và cáo xám bạc để lột da bán. Thời kỳ kinh tế suy thoái, làm ăn thua lỗ, ông Laidlaw chuyển sang nuôi ngỗng cũng thất bại, hết vốn liếng ông xin vào làm gác dan đêm cho xưởng đúc của thành phố. Năm Alice 10 tuổi, mẹ của cô mắc phải một dạng hiếm của bệnh Parkinson, sức khoẻ ngày càng suy yếu và đời sống gia đình càng khó khăn chật vật.
Thời ấy, trong một xã hội còn duy trì những phong tục, truyền thống văn hoá và tôn giáo của những cộng đồng di dân đến lập nghiệp vào thế kỷ 19, để thoát khỏi hoàn cảnh, các cô gái nghèo chỉ có hai con đường: lấy được chồng giàu hay đi học làm cô giáo. Từ nhỏ Alice đã phải đối mặt với nghèo đói, của gia đình và chung quanh, bệnh tật nan y, sự hung bạo ở nhà, ở trường học và ngoài xã hội, chỉ có thể thoát qua trí tưởng tượng, của người khác, rồi của chính mình. Lối thoát đầu tiên là sách vở, cô say mê đọc đi đọc lại những tác phẩm ưa thích nhất, đặc biệt quyển Wuthering Heights của Emily Brontë. Khi đọc sách vẫn chưa đủ, cô bắt đầu tập viết văn, tự tạo ra thế giới hư cấu của chính mình. « Sách vở có gì thần diệu trước mắt tôi và tôi muốn thành một phần của sự thần diệu ấy. Đối với tôi sách quan trọng hơn hết, quan trọng hơn cuộc sống rất nhiều ». Giấc mơ thành nhà văn, sống để viết, tuy không thể thổ lộ với ai, bắt đầu từ đấy.
Mười tám tuổi, Alice tốt nghiệp trung học với điểm cao nhất địa phương, được học bổng hai năm đi học Anh ngữ và học viết báo tại đại học Western Ontario. Học bổng chỉ đủ mua sách vở và trang trải một phần chi phí, cô phải xoay sở kiếm thêm : bán máu, hầu bàn, tỉa cây thuốc lá, làm trong thư viện. Năm 1951, hết học bổng cô phải bỏ học và đứng trước sự lựa chọn : lấy chồng – nhận lời cầu hôn của một anh sinh viên bạn – hay trở về nhà lo cho mẹ. Cô quyết định lo cho chính mình và thành hôn với Jim Munro, nhưng sự thoát ly phải trả giá bằng mặc cảm tội lỗi đeo đẳng suốt đời.
Hai vợ chồng trẻ, chỉ mới 20 và 22 tuổi, về sống ở Vancouver. Jim cai quản một cửa hàng bách hoá và Alice đóng vai trò nội trợ trong một gia đình trung lưu tiêu biểu của những năm 1950. Những đứa con nhanh chóng ra đời, Sheila, khi Alice mới 21 tuổi, Catherine – chỉ sống được 2 ngày sau khi sinh – rồi Jenny và Andrea. Năm 1963, gia đình Munro dời về Victoria, thủ đô tiểu bang British Columbia, mở tiệm sách Munro’s Books, hiện vẫn hoạt động và nổi tiếng là một nhà sách chất lượng cao, kiên trì trước sự cạnh tranh của các siêu thị và đại công ty sách.
Song cuộc hôn nhân khập khiễng ngay từ đầu giữa một người chồng gia trưởng, xuất thân từ một gia đình khá giả và có khuynh hướng bảo thủ, và một Alice phóng khoáng, ngày càng bị giằng co giữa những bổn phận làm vợ, làm mẹ, giúp chồng bán sách, và con người riêng của mình, những nhu cầu của bản thân, nhất là cái thôi thúc từ thuở nhỏ: viết văn. Vì Alice không ngừng viết, truyện ngắn đầu tiên ra mắt độc giả, The Dimensions of a Shadow, đăng trên tập san của đại học Western Ontario năm 1950, khi Alice mới 19 tuổi. Từ đó cô bắt đầu viết cho những tập san văn học Canada như Tamarack Review và Canadian Forum, tham gia chương trình « Anthologies » của đài phát thanh Canadian Broadcasting Corporation (CBC). Robert Weaver, chủ nhiệm chương trình này, là người có công lớn khuyến khích Alice đeo đuổi nghề văn, giúp các sáng tác của cô ngày càng được biết đến và ưa chuộng rộng rãi hơn. Song phải đợi đến 1968 tập truyện đầu tiên của Alice mới ra đời, Dance of the Happy Shades đoạt ngay giải Governor General's Award for Fiction, giải văn học lớn nhất của Canada. Tập truyện Lives of Girls and Womenxuất bản năm 1971 đoạt giải Canadian Booksellers Award, củng cố vị trí của Alice như một nhà văn tài năng, được cả độc giả lẫn đồng nghiệp mến phục. Việc viết lách được người thân nể nang hơn nhưng cũng đào sâu hơn mâu thuẫn giữa các bổn phận gia đình và những đòi hỏi thì giờ và tâm trí của nghề văn. Những khác biệt về tính tình, quan điểm giữa hai vợ chồng cũng gay gắt hơn, những trăn trở của Alice như hoà theo biến chuyển của xã hội thời ấy, những thập niên 1960, 1970, với các phong trào giải phóng phụ nữ, cách mạng tình dục. Cuộc hôn nhân ngày càng rạn nứt.
Năm 1973, Alice ly dị sau 22 năm sống với Jim Munro, công việc viết văn càng cấp bách khi trở thành phương tiện mưu sinh. Cô về dạy văn tại đại học York University gần Toronto và sau đó được đại học Western Ontario mời về đảm nhiệm một số hoạt động văn học. Cô gặp lại một người bạn cũ thời sinh viên, Gerald Fremlin, mà cô thầm yêu cách đó 20 năm. Họ hẹn nhau ăn trưa và chỉ sau ba ly martini quyết định sống chung. Gerry Fremlin là người cùng quê với Alice, mẹ của ông lúc ấy bệnh nặng cần được chăm sóc nên họ dọn về ở với bà cụ trong ngôi nhà Gerry sinh ra, ở thành phố Clinton, cách Wingham, nơi sinh của Alice, chỉ vài chục cây số. Họ cưới nhau năm 1976 và ở luôn trong ngôi nhà ấy cho đến bây giờ. Gerry Fremlin đã qua đời tháng 4. 2013.
Như một cái vòng được khép lại, Alice trở về với những khung cảnh thiên nhiên và xã hội của nơi sinh ra và lớn lên, đã góp phần hun đúc tâm hồn, tư duy và cá tính của cô, và là bối cảnh của hầu hết các sáng tác ngay từ ban đầu : những tỉnh lẻ quanh hồ Huron, những nông trại, đồng lúa, khu rừng, sông ngòi, đầm nước, quen thuộc với độc giả tới mức được mệnh danh là Munro County. Trong các bản tin và bài báo vừa qua, sau khi giải Nobel được công bố, tất nhiên có câu chơi chữ thế nào cũng gặp phải « Alice in Nobel land »2 nhưng nếu đã « lẩy Kiều » thì đúng hơn phải là « Alice in Munroland ».

Những con người và cuộc đời trong thế giới Munroland


Tóm tắt cuộc đời của Alice Munro cũng là tóm tắt nội dung các sáng tác của bà. Những gì đã trải qua hay chiêm nghiệm là chất liệu được pha trộn, hư cấu hoá, thay đổi ít nhiều từ truyện này sang truyện kia nhưng vẫn rõ nét, như một nhịp điệu trở đi trở lại trong bản nhạc: một người thân, thường là người mẹ, bị bệnh nặng vô phương cứu chữa, một ông chồng khó tính và độc đoán, những cô gái nửa quê nửa tỉnh đi tìm chỗ đứng trong xã hội, sự xung đột ngấm ngầm hay lộ liễu giữa những tầng lớp giai cấp khác nhau, những số phận hèn mọn, cuộc đời gian truân, những hôn nhân tan vỡ đôi khi vì cái không đâu, những người đàn bà ngoại tình có khi chỉ vì một phút bốc đồng hay ham muốn tình dục. Và rất nhiều những ra đi, xoay lưng lại với tất cả : chồng bỏ vợ, vợ bỏ chồng, con bỏ cha mẹ, một người đàn ông hỏi cưới một cô gái và đổi ý vào phút chót, không một lời giải thích.
Thế giới Munroland là những tâm trạng bất an, phân vân trước những đòi hỏi trái ngược, những tình huống bấp bênh có thể đảo lộn bất cứ lúc nào theo một chiều hướng bất ngờ và không nhất thiết hợp lý. Đằng sau mặt kính trong trẻo của cuộc sống hàng ngày là những lừa dối, dối nhau hoặc tự dối lòng, những phản bội nho nhỏ hay ghê gớm, những gì không nói ra được hay không thể tự giải thích. Những cơn sóng ngầm dưới mặt hồ phẳng lặng.
Alice khám phá thế giới vô hình ấy qua những thể hiện tầm thường của cuộc sống, tìm vào các ngõ ngách của tâm hồn qua những đi đứng, ăn nói thường ngày. « Cuộc đời của thiên hạ, ở Jubilee hay ở bất cứ đâu, đều tẻ nhạt, giản dị, kỳ lạ và sâu thẳm – những hang động sâu hun hút lót thảm lino của nhà bếp. » (Epilogue : The Photographer, trong Lives of Girls and Women, 1971). Phương tiện cho mục đích ấy là một cái nhìn sắc bén, một ngôn ngữ giản dị, trong sáng, không cầu kỳ uốn éo nhưng đánh mạnh vào cảm xúc người đọc.
Alice diễn tả rất tài tình sự đau khổ. Những nỗi đau thầm kín, câm lặng :
Giống như có một mũi kim ác nghiệt cắm đâu đó trong phổi nàng, nếu thở từ tốn thì không cảm thấy gì. Nhưng lâu lâu phải thở mạnh, nó vẫn nhói lên ở đó” 
(Runaway, 2004)
Hay cái cào xé trong một cô gái trẻ có ba đứa con nhỏ bị chồng giết trong một lúc nổi cơn giận vợ :
Doree chạy ra khỏi nhà, bước loạng choạng trên sân, hai tay ôm ghì lấy bụng như vừa bị chém ngang người và đang cố giữ cho khỏi bung ra …Dạo ấy Doree cứ nhồi nhét vào miệng bất cứ gì quơ được. Hết đất cát, cỏ lá, đến chăn mền, khăn tắm và cả quần áo của mình. Thể như nàng muốn kìm hãm tiếng gào thét chỉ chực trào ra cùng với những hình ảnh quay cuồng trong đầu.” 
(Dimensions, trong Too much Happiness, 2009)
Trầm tĩnh hơn nhưng cũng mãnh liệt không kém ở một bà mẹ khác, bỏ chồng ra đi và chồng nhất quyết không cho đem con theo:
Cái này là đau buốt đây. Nó sẽ thành kinh niên. Kinh niên tức là thường xuyên nhưng chắc cũng không phải là liên tục không dứt. Cũng có nghĩa là không chết người. Mình sẽ không khỏi được nhưng sẽ không chết. Sẽ không cảm thấy nó mỗi giây phút nhưng cũng sẽ không thoát khỏi nó trong nhiều ngày. Và mình sẽ học được vài mánh để làm dịu nó hay quên nó đi, để đừng rốt cuộc lại phá vỡ cái mà vì mình muốn có nên phải chịu nỗi đau này. Không phải lỗi của Brian. Anh vẫn là con người ngây thơ hay hoang dã, anh không biết ở đời có những nỗi đau dai dẳng như thế này. Hãy tự nhủ, đằng nào cũng mất con. Tụi nó sẽ lớn lên. Bà mẹ nào rồi cũng sẽ đến lúc gặp cái buồn riêng tư, hơi vô duyên ấy. Con rồi nó sẽ tha thứ khoảng thời gian này, nó sẽ bỏ mình, cách này hay cách khác. Hoặc cứ bám theo mình cho đến lúc mình không biết làm gì với nó, như Brian vậy.
Nhưng mà sao vẫn đau quá. Cái đau phải mang theo và quen với nó cho đến khi cái tiếc nuối chỉ là quá khứ chứ không phải một hiện tại có thể có.
(The Children Stay, trong The Love of a Good Woman, 1998)
Đa số các nhân vật chính của Alice là phụ nữ. Nhưng bà cũng đồng cảm với những đau đớn của người nam. Ở đây, một người đàn ông, vợ mất sau 4 năm hôn mê trong bệnh viện:
Họ tìm anh khắp nơi. Cuối cùng Isabel cũng đã ra đi. Họ nói “ra đi” thể như nàng ngồi dậy rồi đi ra. Cách đấy chỉ khoảng một giờ, có người ghé vào xem, nàng vẫn thế, và bây giờ nàng đã ra đi. Anh đã thỉnh thoảng tự hỏi, lúc ấy sẽ có khác gì không. Nhưng cái khoảng trống vắng thay cho nàng thật kinh dị … Anh tưởng cái này đã xảy ra với Isabel từ lâu rồi, nhưng không phải. Bây giờ nó mới thế. Lúc trước nàng có đó và bây giờ nàng không có đó. Không một tí ti nào. Như chưa bao giờ có đó. Và mọi người tất bật chung quanh, thể như cứ thu xếp những chuyện cần làm là có thể vượt qua cái khủng khiếp này. Anh cũng tuân theo thủ tục, ký vào chỗ người ta bảo ký, thu xếp  như người ta nói  cho cái di hài. Di hài, chữ nghĩa hay thật, cứ như cái gì để quên, khô queo trong một ngăn tủ đầy bồ hóng. Và chỉ ít lâu sau, anh thấy mình đã ở ngoài đường, tự bảo mình cũng đầy đủ lý do như ai để chân này bước trước chân kia. Cái anh mang theo, tất cả những gì anh mang theo, là một thiếu vắng, thiếu không khí, thiếu hoạt động bình thường của phổi, một khó nhọc chắc sẽ không bao giờ hết 
(Leaving Maverley, trong Dear Life, 2012)
Đau khổ, cô đơn và mất mát. Mất vì bệnh tật cướp đi, vì một oái oăm của định mệnh, vì hậu quả hành động của chính mình, nhưng cũng vì một quyết định không thể hiểu được của người kia. Một người chồng bỗng dưng bỏ đi, một đứa con biến mất, không một lời từ biệt, giải thích, để lại những câu hỏi day dứt không bao giờ được trả lời.
Và nửa tiếng sau khi lão kia đi, bà cụ kể, ông Fullerton khoác cái áo vét nâu, đội mũ. Tôi phải xuống gặp một anh chàng dưới phố. Anh đi bao lâu, tôi nói. Ờ, một lát thôi. Thế là ông ta ra đường, đi theo hướng lão kia vừa đi – hồi đó tụi tôi còn ở ngoài rừng – và cái gì đó khiến tôi nhìn theo ông. Mặc cái áo đó chắc ảnh nóng lắm. Và lúc đó tôi biết ổng sẽ không trở về. Mà làm sao tôi có thể ngờ, ổng thích chỗ này lắm. Mới đó còn bàn chuyện đem sóc len về nuôi sau nhà. Đàn ông họ nghĩ gì trong đầu, chẳng bao giờ biết được, dù có sống chung một nhà
(The Shining Houses, trong Dance of the Happy Shades, 1968).
Con gái tôi bỏ đi, không một lời từ biệt mà có lẽ nó cũng không biết lúc ấy là nó đã bỏ đi. Nó không biết là nó đi luôn. Rồi lần lần, chắc thế, nó hiểu ra là nó không muốn về chút nào. Đó chỉ là một quyết định cho cuộc đời của nó từ nay. Có thể là nó lúng túng, ngại phải giải thích cho tôi. Hay không tìm ra lúc. Mình cứ nghĩ là cái gì cũng phải có lý do này nọ, rồi phải tìm hiểu cho bằng được. Tôi có thể nói cả trăm thứ tôi đã làm sai. Nhưng có thể lý do ở đây không dễ thấy. … Juliet vẫn mong có ngày có tin từ Penelope, nhưng là mong phất phơ vậy thôi. Bà hi vọng như người khôn lanh hi vọng được ban ơn dù không xứng đáng, được tự nhiên khỏi bệnh, đại loại vậy
(Silence, trong Runaway, 2005)
Có thể hiểu tại sao có người thấy truyện của Munro nặng nề, bi quan, đọc xong chán đời quá. Song phê bình thế cũng oan vì người đọc vẫn thỉnh thoảng bật cười trước một nhận xét dí dỏm, so sánh ngộ nghĩnh và độc đáo. Như ở đây, sự đỏm đáng của hai cô gái mới lớn dưới con mắt đứa em trai:
Có khi một trong hai bà chị đứng trước gương cả hai mươi phút hay hơn nữa, ngắm nghía mình dưới đủ mọi góc cạnh, kiểm tra răng lợi, hết vén tóc ra sau lại xoã ra phía trước. Rồi cô nàng đi ra, có vẻ hài lòng hay ít ra cũng xong việc, nhưng chỉ đến căn phòng khác, tấm gương khác là làm lại hết từ đầu, cứ như vừa được gắn một cái đầu mới toanh
(The Love of a Good Woman, trong tuyển tập cùng tên, 1998).
Hoặc :
Mùa hè có khi buổi trưa cô Moira chạy xe 15 cây số từ Porterfield lên Jenkin’s Bend đưa con gái Mary Agnes lên chơi. Cô Moira biết lái xe. Cô Elspeth và cô Grace phục lắm (mẹ tôi cũng đang học lái xe, hai cô bảo chậc, chỉ liều lĩnh, học làm gì). Khi thấy chiếc xe mui vuông kiểu cổ băng qua cầu lên dốc từ bờ sông, hai cô chạy ra đón, mừng rỡ rối rít, xuýt xoa tấm tắc cứ như cô em vừa tìm được lối đến sau khi vượt sa mạc Sahara chứ không phải trên con đường đầy nắng bụi từ Porterfield
(Heirs of the Living Body, trong Lives of Girls and Women, 1971).

alice

Và ở đây Alice chỉ cần vài câu để cho thấy một người đàn ông tính xét nét khó chịu, không hiểu vợ ngay cả khi nàng châm biếm:
Trên lò sưởi có hai chiếc bình Wedgwood3 tô điểm bằng một vòng tròn lá xanh. Patrick rất thích chúng. Có khi đi làm về, anh đi thẳng vào phòng khách và xê đi xê lại hai cái bình anh thấy có vẻ bị xô đẩy không còn ngay ngắn.
« Có ai nghịch mấy cái bình này không đấy ? »
« À có. Hễ anh vừa đi làm là em chạy ngay vào đẩy tới đẩy lui. »
«  Anh muốn nói Anna kìa. Em không để con bé sờ mó vào đấy chứ ?» 
(Mischief, trong The Beggar Maid, 1978).
Trào lộng cũng là cách thể hiện sự khoan dung của Alice đối với nhân vật, kể cả những nhân vật xấu tính. Bà đồng cảm nhất với những người là nạn nhân, của hoàn cảnh, của số mệnh, những số phận hẩm hiu, những người dị dạng, khuyết tật, thường xuất hiện trong nhiều truyện. Bà bao dung với những vụng về, lố bịch, hay ngu ngốc vì cái hay cái dở đều nằm trong số phận làm người. Sự đồng cảm với những người bị xã hội khinh rẻ hay ruồng bỏ cũng xuất phát từ cảm giác, có từ thuở ấu thơ, bị hắt hủi vì không vào khuôn phép. Là một đứa trẻ ương ngạnh, hay cãi lại và lý sự, Alice thường phải chịu những trận đòn nhừ tử của cha (như mô tả trongRoyal Beatings). Trong một xã hội còn phong kiến và tôn ti đẳng cấp, cô phải che giấu những mong ước, tham vọng, bị coi là điên rồ và ảo tưởng đối với một cô gái, nhất là nghèo. Cuộc hôn nhân với một người khác giai cấp cũng mang đến những khổ tâm, phân tâm, giữa sự hoà đồng cần thiết vào gia đình trưởng giả của chồng và gốc gác nghèo hèn của gia đình mình. Trong tập truyện The Beggar Maid (1978), nghèo nàn được miêu tả sống động, có lúc sống sượng, vì thực tế nó là thế. Như trong đoạn về nhà vệ sinh ngoài trời dành cho nữ sinh của trường nơi nhân vật Rose đã học :
Tuyết đắp dày cui trên chỗ ngồi và mặt đất. Dường như nhiều người không nghĩ đến nhắm cái lỗ. Trong đống tuyết, dưới một lớp băng nơi tuyết vừa tan lại đông đặc lại, là những đống phân chỗ ê hề, chỗ đơn chiếc, như được bảo quản dưới kính, từ vàng khè đến đen thui và đủ mọi màu ở giữa. Chỉ nhìn thôi Rose đã buồn nôn, và tuyệt vọng. Nàng đứng trước cửa, không thể cố bước vào, quyết định nhịn. 
(Privilege, trong The Beggar Maid, 1978)
Đấy là chuyện một trường nghèo ở vùng quê Canada cách đây đã sáu, bảy chục năm. Thật buồn và thương học sinh, sinh viên ở Việt Nam ngày hôm nay có nơi vẫn còn chịu cái cảnh phải nhịn ấy.
Những đối chọi giữa giàu nghèo thường nổi rõ hơn cả với cái gì trần tục, tầm thường nhất:
Flo dành dụm tiền xây buồng tắm trong nhà nhưng không có chỗ nào khác ngoài góc bếp. Cửa không kín, tường chỉ là ván ép. Kết quả là một tiếng xé giấy, một cái nhích mông đều rõ mồn một cho ai đang làm việc, nói chuyện hoặc ăn trong bếp. Người trong nhà quen những âm thanh thầm kín của nhau, không chỉ những lúc nổ đùng mà cả những khẽ thở dài, sôi ùng ục, ậm ạch, và khai báo. Và họ đều là những người cả thẹn lắm. Thế nên chẳng bao giờ có ai tỏ vẻ nghe thấy gì hoặc lắng tai để ý, không có một lời bình phẩm nào. Người làm ra các tiếng động trong buồng tắm không dính dáng gì với người từ trong đó đi ra” 
(Royal Beatings, trong The Beggar Maid, 1978).
Điều rõ nhất với căn nhà của bà Henshawe và của Flo, Rose nghĩ vậy, là cái này phản lại cái kia. Trong những căn phòng thanh lịch của bà Henshawe, Rose lúc nào cũng nhớ đến cái thực tế trần trụi ở nhà, như cái cục gì mãi vẫn không tiêu. Và khi về nhà, cái nền nếp hài hoà của nơi kia làm lộ rõ cái nghèo nàn tội nghiệp, xấu hổ của những người không hề nghĩ mình nghèo. Nghèo không chỉ là nghèo kiết xác, như bà Henshawe có vẻ nghĩ thế, nó không chỉ là thiếu thốn. Nó có nghĩa là gắn những cái đèn nê-ông xấu xí và hãnh diện về chúng. Là lúc nào cũng nói chuyện tiền bạc và xầm xì về những thứ thiên hạ mới sắm, không biết họ đã trả xong hết chưa. Là hãnh diện và ganh tị về cặp rèm giả đăng-ten bằng nhựa Flo mua về treo lên cửa sổ phòng khách. Nghèo cũng có nghĩa là phải móc quần áo lên cái đinh đằng sau cửa và nghe mọi tiếng động thoát ra từ buồng tắm
(The Beggar Maid, 1978)
Alice không giáo điều, không tuyên bố những câu đao to búa lớn. Quan điểm chính trị xã hội ít được đề cập và chỉ thể hiện gián tiếp như trong đoạn sau :
Trong lán có một cái lò và nhiều kệ bằng gỗ tạp ngổn ngang những thùng sơn và dầu quang, hũ sen-lắc và dầu thông, lon dùng để rửa cọ và cả vài chai thuốc ho sậm đặc. Tại sao một người đàn ông ho kinh niên, phổi đã nếm khí độc trong Chiến Tranh (lúc Rose còn nhỏ xíu, người ta vẫn gọi là Chiến Tranh Vừa Qua chứ không phải Thứ Nhất), lại phải ngày qua ngày hít thở hơi bốc từ sơn và dầu thông? Thời đó những câu hỏi kiểu ấy ít được đặt ra hơn bây giờ. Trên băng ghế trước cửa tiệm của Flo mấy ông già hàng xóm ngồi tán dóc, ngủ gật, hứng nắng, nhiều ông cũng suốt ngày ho hen như vậy. Thực tế là họ đang chết dần, từ từ và lặng lẽ, do cái “bệnh xưởng đúc”, gọi thế thôi nhưng chẳng hàm ý oán trách gì lắm đâu. Họ đã làm cả đời trong cái xưởng đúc của thành phố và bây giờ họ ngồi yên, với khuôn mặt tàn tạ vàng vọt, húng hắng ho, cười khục khặc, thỉnh thoảng buông vài câu sàm sỡ bâng quơ về một phụ nữ đi ngang qua hay một cô gái đạp xe trên đường 
(Royal Beatings, trong The Beggar Maid, 1978)
Đồng cảm với người khác cũng có nghĩa chấp nhận là có những điều mình sẽ không bao giờ được biết, một vườn riêng, không gian riêng mình không được vào dù mình có gần gũi bao nhiêu với người ấy. Trong Walker Brothers Cowboy, hai đứa bé đi theo cha trong một chuyến chào hàng. Trên đường về người cha ghé vào căn nhà một bà cụ và một người đàn bà, người quen cũ của ông nhưng ông không nói họ là ai. Và tuy ông không dặn dò, cô bé cũng hiểu là đây là chuyện riêng của ông, không cần kể lại cho ai và với mẹ ở nhà.
Cha tôi lái xe, thằng em tôi nhìn hai bên đường xem có con thỏ nào không và tôi cảm thấy như cuộc đời của cha tôi trôi qua theo chiếc xe trong bóng chiều tà, tối sẫm lại và trở thành khác lạ, như một phong cảnh kỳ diệu trước mặt trông vẫn ấm áp, bình thường và quen thuộc nhưng sau lưng biến thành một cái gì không bao giờ có thể đoán biết, với đủ mọi màu trời và khoảng cách không thể mường tượng
(Walker Brothers Cowboy, trong Dance of the Happy Shades, 1968).

Bậc thầy của truyện ngắn


Được hỏi tại sao bà chỉ viết truyện ngắn, Alice trả lời là vì khi còn trẻ, bà có rất ít thì giờ, giữa các công việc nội trợ, lo cho mấy đứa con nhỏ, và lúc ở Victoria, còn phải làm nửa ngày ở tiệm sách. Và ngay những lúc ngắn ngủi xén bớt được trên thì giờ phải dành cho các bổn phận khác cũng không hoàn toàn rảnh rang để tập trung vào viết lách, với những quấy rầy chung quanh và mặc cảm tội lỗi bỏ bê việc nhà. Bà nhớ lại những lúc đứa con gái đầu, Sheila, khi ấy hai tuổi, mon men lại gần, bà thường một tay xua con ra chỗ khác, tay kia vẫn tiếp tục đánh máy. Trong một buổi phỏng vấn với nhà văn Graeme Gibson, năm 1973, bà nói : “Trong suốt hai mươi năm, không có ngày nào mà tôi không phải bận tâm về nhu cầu của một người khác. Và như vậy có nghĩa là viết lách phải được sắp xếp song song hoặc trước sau những công việc ấy … Sáng tác được gì trong điều kiện ấy quả là một phép lạ”.
Không ngạc nhiên mà Alice cảm thấy phải có một không gian riêng cho mình:
Đàn ông có thể làm việc ở nhà, không có vấn đề. Ông đem việc về nhà, đã có chỗ dọn riêng cho ông, mọi chuyện trong nhà sắp xếp lại xoay quanh ông. Công việc của ông là hiển nhiên, ai cũng hiểu thế. Không ai chờ đợi ông trả lời điện thoại, tìm hộ cái gì lạc đâu mất, ra xem tại sao trẻ con khóc hay cho con mèo ăn. Ông có thể đóng cửa phòng. Nhưng thử tưởng tượng bà mẹ nào đóng cửa phòng, đối với lũ trẻ ở ngoài, ô hay sao lại có thể thế được. Một người đàn bà ngồi thẫn thờ, nhìn xa xăm vào một thế giới trong đó không có bóng dáng chồng con là phản lại luật của trời đất. Nhà và phụ nữ, do đó khác lắm. Người đàn bà không bước vào nhà, làm gì đó rồi lại đi ra. Nàng  căn nhà, không thể tách rời.” 
(The Office, trong Dance of the Happy Shades, 1968).
Alice đã diễn đạt cụ thể những ý của nhà văn Anh Virginia Woolf trong bài tiểu luận bất hủ A Room of one own. Song những sáng tác phong phú của bà, trải dài trên mấy chục năm, không là phép lạ mà kết quả của tài năng, sự say mê, và tính cần mẫn thừa hưởng từ truyền thống Presbyterian trong giáo dục của gia đình và xã hội. Một quá trình sáng tác dài như thế tất nhiên có những thay đổi cả hình thức lẫn nội dung, phản ánh những biến chuyển sâu rộng trong suốt thời kỳ Alice đã sống. Alice 8 tuổi khi Canada tham gia Đệ nhị thế chiến năm 1939, học đại học những năm sau chiến tranh và 38 tuổi khi các phong trào giải phóng phụ nữ và hippie đạt cao điểm vào những năm 1968-69. Bà 50 tuổi khi bước vào thập niên 1980, và đại đa số các tác phẩm của bà đặt trong bối cảnh của nửa thế kỷ ấy, từ những thập niên 1930 đến 1980.
So sánh các tập truyện đầu tiên và cuối cùng, có thể nhận thấy một số khác biệt. Những truyện đầu tiên có nhiều tính chất tự truyện hơn, dày đặc hơn vì còn quá nhiều thứ để nói, để tuôn vào, dù cái tài cấu trúc và lối hành văn gãy gọn, cái “giọng” rất đặc biệt của Alice đã hiện rõ. Điều dễ hiểu là khi còn trẻ, chất liệu chính của mỗi nhà văn là cuộc sống của chính mình, cái quá khứ còn rất gần, chi phối mạnh mẽ mọi cảm xúc. Càng sống lâu, cảm hứng càng đến từ bên ngoài nhiều hơn, chất liệu là chiêm nghiệm những gì đã nghe, thấy hơn là những trải nghiệm của bản thân. Như Alice nói, với cái dí dỏm cố hữu, khi trả lời phỏng vấn của The Paris Review, hè 1994 :
Bây giờ tôi ít viết truyện riêng tư hơn lúc trước vì lý do rất dễ hiểu. Tuổi ấu thơ đã khai thác hết, trừ phi có thể, như William Maxwell, mỗi lần quay về vẫn tìm ra những cái tuyệt vời mới trong đó. Cái chất liệu sâu sắc, riêng tư trong nửa cuộc đời còn lại là những đứa con. Mình có thể viết về cha mẹ khi họ đã khuất, nhưng con cái thì vẫn còn đây và mình sẽ cần nó vẫn còn muốn đến thăm mình trong viện dưỡng lão.
Song ngay cả những truyện đầu tay cũng đã cho thấy Alice có óc quan sát rất nhạy bén và khả năng tài tình nắm bắt những chi tiết tưởng như vô thưởng vô phạt nhưng khi lồng vào cốt truyện lại chuyên chở những ý nghĩa sâu sắc không thể ngờ. Và như nhiều nhà văn, bà như con ong hút mật, tất cả những gì nghe, thấy, đều có thể là đầu đề cho một cốt truyện nảy ra. Thái độ miêu tả trong đoạn trích dưới đây không phải là sự tọc mạch mà là bản năng của người có thiên hướng, và năng khiếu, diễn đạt cuộc sống:
Averill đi vòng quanh boong tàu và nghe thiên hạ nói chuyện. Cô nghĩ đến câu vẫn thường nghe, mỗi lần đi xa bằng tàu thuỷ là có dịp gác hết tất cả qua một bên, “hết tất cả” tức là cuộc sống hàng ngày, lối sống, cái nhân vật là mình khi ở nhà. Nhưng trong mọi câu chuyện cô nghe lóm được, thiên hạ lại làm ngược lại hẳn. Họ nói về họ, kể về công ăn việc làm, con cái, vườn tược, nhà cửa. Trao đổi bí quyết, cách làm bánh và cách ủ phân bón. Phải đối phó với con dâu thế nào và nên đầu tư vốn liếng ra sao. Rồi những chuyện ốm đau, phản bội, bất động sản.” 
(Goodness and Mercy, trong Friend of my Youth, 1990)
Những tập truyện sau này cũng cô đọng hơn, câu chữ vắn tắt, nhiều ẩn dụ, phần nào “khó đọc “ hơn vì đòi hỏi người đọc phải chăm chú và động não. Alice cũng nổi tiếng là đã cách tân thể loại truyện ngắn với một cấu trúc độc đáo. Câu chuyện không theo thứ tự thời gian mà ngắt quãng, hiện tại xen lẫn với quá khứ, người đọc không hiểu chuyện gì đã hay sẽ xảy ra, đoạn này liên hệ thế nào với đoạn sau, và chỉ đến trang cuối mới vỡ lẽ. Thì ra thế, cái mấu chốt là vậy, phải rồi, cần phải đọc lại từ đầu. Đọc từ tốn và bỗng đó đây hiện lên vài chi tiết ban nãy không để ý và bây giờ có một ý nghĩa tuyệt hay, mở ra những suy nghĩ, hình ảnh mới, chiếu lên bức tranh toàn diện một ánh sáng mới. Trong nhiều truyện, người đọc vừa thắc mắc vừa cảm thấy sờ sợ bất an, vì với Alice truyện khó mà kết thúc trong hân hoan hồ hởi, cái gì sẽ xảy ra đây, lạy bà, đừng làm con bé nó chết. Rồi lắm khi truyện chấm dứt, con bé không chết, nhưng người đọc cũng chưng hửng. Truyện của Alice thường không có hậu, không có happy end4 và cũng không có kết luận, chấm dứt bằng một câu lơ lửng, có khi chỉ một vài chữ lập lại, như tương lai bất định của nhân vật và sự ngơ ngác của người đọc.
Truyện không có kết luận nhưng cũng không thật sự có mở đầu. Trong những truyện sau này, Alice ít khi có mào đầu dẫn nhập, câu chuyện thường mở đầu với nhân vật đang làm gì đó, ngồi đợi xe lửa, lái xe trong đêm, nói gì với ai. Những diễn biến tuần tự (hay không) cho đến lúc chấm dứt bằng cái kết cục không phải là kết luận. Người đọc có cảm tưởng nhân vật đã sống trước và sau câu chuyện, mình chỉ chứng kiến một khoảnh khắc nhất định trong một mảnh đời tác giả kể cho nghe, như đi qua nhà ai, thấy bức rèm kéo ra, đứng nhìn sinh hoạt của họ một lúc đến khi cái rèm lại đóng vào. Và nếu hỏi Alice “Rồi sao nữa?” thì chắc sẽ được nghe trả lời “Thì là vậy”.
Diễn đạt cuộc sống tinh vi và chi phối người đọc đến như thế thì quả Alice Munro là bực thầy của truyện ngắn đương đại. Xin chịu thầy !

Và bây giờ ?


Năm 2012, Alice Munro tuyên bố tuyển tập Dear Life vừa phát hành sẽ là tác phẩm cuối cùng của bà. Bốn truyện cuối của quyển này được tách riêng dưới tựa “Finale” (Hồi kết) và lời bạt : “Bốn sáng tác cuối trong quyển này không hẳn là truyện. Chúng là một đơn vị riêng, có tính cách tự truyện về cảm xúc, dù có thay đổi đôi chút về sự việc. Tôi nghĩ rằng đây là những điều đầu tiên và cuối cùng – và thiết thân nhất – tôi muốn nói về đời mình”.
Trả lời phóng viên khi nhận giải Trillium Books Award cho Dear Life , bà nói : “Không phải là tôi không say mê viết văn nhưng ai cũng đến lúc có cái nhìn khác về cuộc đời mình. Và có lẽ, đến cái tuổi của tôi, mình không còn muốn cái cô độc của người viết văn”. Alice đã vài lần nhắc đến giải nghệ. Năm 2006, bà bảo “ Tôi không biết có còn đủ sức làm việc này nữa hay không”, và sau đó vẫn có sức viết nhiều, viết khoẻ. Nhưng bây giờ, ở tuổi 82, sau một lần phẫu thuật tim và chống chọi với bệnh ung thư bằng hoá trị, Alice không còn sung sức như trước.
Trả lời phóng viên, Peter Englund, thư ký thường trực Hàn lâm viện Thuỵ điển, nói :” Bà Munro đã làm một công việc phi thường, quá đủ để đoạt giải Nobel. Nếu bà muốn thôi viết thì là quyết định của bà.”
Trong niềm vui và xúc động khi mới nghe tin, được hỏi giải Nobel có thể làm bà thay đổi ý, Alice cười nói: “Tôi làm chuyện này từ bao năm rồi. Viết và ra sách, cứ đều đặn từ lúc 20 tuổi. Làm việc như thế cũng là rất lâu nên tôi thấy đã đến lúc nghỉ ngơi. Nhưng có thể cái này làm tôi suy nghĩ lại”. Song gần đây Alice thông báo sẽ không đến Stockholm nhận giải Nobel ngày 10 tháng 12 sắp tới vì lý do sức khỏe, và chưa chỉ định ai sẽ thay thế. Lạy Trời Alice sống thêm lâu, để những giòng cuối dưới đây của truyện cuối cùng trong phần “Hồi Kết” quyển Dear Life không phải là kết luận, theo đúng truyền thống Munro:
Tôi không về nhà khi bệnh của mẹ tôi vào giai đoạn cuối và lúc đám tang. Tôi có hai đứa con nhỏ và không có ai để gửi ở Toronto. Cũng phải xoay sở lắm mới chịu nổi chi phí chuyến đi và chồng tôi coi thường những xử sự hình thức. Nhưng cũng chẳng nên đổ lỗi cho anh. Tôi đồng tình với anh lúc ấy. Có những điều chúng ta vẫn bảo không thể tha thứ được, hoặc chúng ta sẽ không bao giờ tự tha thứ. Nhưng chúng ta vẫn cứ xí xoá đấy thôi – thường như cơm bữa”. 
( Dear Life, 2012).
Không đủ tài để bắt chước Alice Munro chấm dứt mà không chấm dứt, xin mượn lời của nhà văn Tân Tây Lan Fiona Kidman : “Tôi tạ ơn Munro, cuộc đời thân quí của bà, những truyện bà đã cho chúng ta và cái đẹp bình dị, chân phương của những câu văn. Bà không nhất thiết phải chấm dứt ở đây, nhưng nếu quả là vậy thì đây là hồi kết tuyệt đẹp.”

Đỗ Tuyết Khanh

25.10.2013

Fiona Kidman chỉ là một trong nhiều nhà văn nổi tiếng, của nhiều nước, ái mộ Alice Munro. Như một vài thí dụ cho thấy:

Bà là một trong những nhà văn – dù đã nổi tiếng đến mấy  người ta vẫn thường bảo phải được biết đến nhiều hơn nữa “. 
Margaret Atwood

Đọc Munro đưa tôi vào một trạng thái trầm ngâm, tôi suy nghĩ về cuộc đời của chính mình: những quyết định đã lấy, những gì đã làm và chưa làm, mình là người như thế nào, viễn tượng của cái chết. Bà là một trong vài nhà văn, có người còn sống, đa số đã chết, tôi nghĩ đến khi tôi nói hư cấu là đạo của tôi.” 
Jonathan Franzen

Munro là tác giả duy nhất viết sống động đến nỗi có lúc tôi lầm tưởng những sự kiện trong các truyện của bà là kỷ niệm của quá khứ chính mình … Cám ơn Alice Munro, cám ơn những truyện của bà, mỗi cái là một viên ngọc. Cám ơn những ngày và đêm tôi miệt mài đọc tác phẩm của bà. Cám ơn cái nhìn thẳng thắn, không bối rối, của bà về cuộc đời những cô gái và đàn bà, và cả cuộc đời những chàng trai và đàn ông. Cám ơn cái ác nghiệt cũng như cái nhân ái của bà, vì cái này cộng với cái kia là cốt lõi của sự thật”. 
Jane Smiley

Ngày xưa, Virginia Woolf đã tả George Eliot như một trong số ít tác giả “cho người lớn”. Điều này cũng có thể nói, và cũng đúng như thế, về Alice Munro
Michael Gorra
(giáo sư Anh ngữ và văn chương tại đại học Smith College,
tác giả nhiều tiểu sử đoạt giải)

Cả đời tôi chưa bao giờ vui như khi nghe công bố giải Nobel năm nay. Tôi nhớ khi tôi điểm sách của Alice Munro trong báo Toronto Globe and Mail và đánh giá bà ngang hàng với Tchekhov, người Canada ngạc nhiên nhưng hân hoan. Alice đã đóng góp nhiều hơn bất cứ tác giả nào tôi biết cho các khả năng và hình thái của thể truyện ngắn … Tôi là thành viên của câu lạc bộ những người hết sức ái mộ Munro. Chúng tôi đều biết bà là một trong những tác giả lớn nhất hiện nay, nhưng điều đó vẫn cứ như một bí mật. Bây giờ thì ai cũng sẽ biết.
A.S. Byatt

Trong truyện ngắn không có những tuyên bố vĩ đại về sự thật và xã hội. Những tác phẩm của Munro đặt ra câu hỏi lớn hơn về thế nào danh tiếng, chúng ta phá vỡ và làm lại ra sao khuôn thước của văn chương. Giải Nobel là câu trả lời hùng hồn cho câu hỏi này. Nếu các tác phẩm của bà có chứng minh gì, thì là cả cái khái niệm “quan trọng” cũng không có ý nghĩa bao nhiêu. Truyện của bà không chờ đợi chúng ta khen ngợi mà đọc chăm chú. Khi chúng ta đọc bà, chúng ta cảm thấy bớt cô đơn hơn trước.
Anne Enright



Tuyển tập truyện ngắn



  • Dance of the Happy Shades – 1968 (Governor General's Award for Fiction 1968)
  • Lives of Girls and Women – 1971 (Canadian Booksellers Award 1971)
  • Something I've Been Meaning to Tell You – 1974
  • Who Do You Think You Are? – 1978 (Governor General's Award for Fiction 1978; ấn bản Mỹ và Âu châu dưới tựa The Beggar Maid)
  • The Moons of Jupiter – 1982
  • The Progress of Love – 1986 (Governor General's Award for Fiction 1986)
  • Friend of My Youth – 1990 (Trillium Book Award)
  • Open Secrets – 1994 (WH Smith Literary Award 1995)
  • The Love of a Good Woman – 1998 (Giller Prize 1998 và National Book Critics Circle Award 1998)
  • Hateship, Friendship, Courtship, Loveship, Marriage - 2001 (tái bản dưới tựa "Away From Her")
  • Runaway – 2004 (Giller Prize 2004)
  • The View from Castle Rock – 2006
  • Too Much Happiness – 2009
  • Dear Life – 2012 (Trillium Books Award, 2012)

Đọc thêm


  • Lives of Mothers and Daughters: Growing Up With Alice Munro, 2002, hồi ký của Sheila Munro, viết sau khi Alice gợi ý con gái viết tiểu sử của mình. Trong đó Sheila kể tuổi thơ của mình, các kỷ niệm gia đình, gốc gác hai bên nội ngoại của Alice. Cô viết thành thật, với nể trọng và yêu thương về mẹ nhưng cũng nói lên những khó khăn, mặc cảm khi tập viết văn trong cái bóng của một thần tượng.
  • The McGregors, A Novel of an Ontario Pioneer Family, 1979, tác giả Robert Eric Laidlaw là cha của Alice. Ông Laidlaw là người tự học, đọc nhiều và ưa thích sử. Sau khi về hưu, ông viết về đời sống của tổ tiên, những người Scots đến lập nghiệp ở Canada. Cuốn sách được Alice và gia đình cho phát hành năm 1979 sau khi ông mất, và có thể đọc trên trang mạng Electric Scotland


(*)Diễn Đàn : tất cả các đoạn dịch từ tiếng Anh trong bài này đều do Đỗ Tuyết Khanh thực hiện.

1 Có người quan niệm Alice Munro là người thứ nhì vì trước đó đã có Saul Bellow là nhà văn Canada đầu tiên đoạt giải Nobel văn chương năm 1976. Song Saul Bellow là nhà văn Mỹ, sinh năm 1915 tại Lachine, tiểu bang Québec, nhưng cùng gia đình sang Chicago năm 1925 lúc 9 tuổi, nhập quốc tịch Mỹ năm 1941 và sống ở Mỹ cho đến khi mất năm 2005. Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông gắn liền với thành phố Chicago. Cha mẹ ông là người Do Thái Nga, đầu tiên di cư sang Canada rồi định cư ở Mỹ. Nếu xem ông là người của Canada thì Israël hoặc Nga cũng có thể «nhận họ hàng» như vậy !
2 Alice in Wonderland, tác phẩm kinh điển của Lewis Carroll.
3 Wedgwood là công ti Anh nổi tiếng từ thế kỷ 18, sản xuất bát đĩa đồ gốm sang trọng cho giới thượng lưu.
4 Khi nhận giải Man Booker Prize năm 2009, Alice Munro kể lại lúc lên 7 tuổi, đọc truyện Nàng tiên cá của Hans Christian Andersen, bà đi đi lại lại mãi ngoài sân, cố tìm một hồi kết khác để cứu cô bé tiên cá đừng biến thành bọt biển. “Đi tìm một hồi kết có hậu. Không thể ngồi yên cho đến khi nghĩ ra. Rồi 70 năm sau, công việc của mình vẫn là diễn tả cuộc đời. Không còn nghĩ đến những hồi kết có hậu, nhưng vẫn làm công việc ấy. Cái mình đi tìm là ý nghĩa, âm vang, một nét đẹp lạ lùng trong cái ánh sáng lung linh trên mặt biển là cô bé tiên cá và người yêu bất tử của nàng”.
Các thao tác trên Tài liệu
Các số đặc biệt

Ảnh DT Võ Nguyên Giáp
Cập nhật: 15g20GMT, 20.10
Tin sinh hoạt
Triển lãm "Quan hệ Việt Nam - Pháp qua 4 thế kỷ" 10/09/2013 - 10/11/2013 — Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Conférences Philippe Papin 08/10/2013 - 28/11/2013 — Genève, Thụy Sĩ
Indochine. Des territoires et des hommes, 1856-1956 16/10/2013 - 26/01/2014 — L’hôtel des Invalides, Paris 7
** Nhạc và nghệ thuật sân khấu VN trình diễn tại Thụy Sĩ 07/11/2013 - 17/11/2013 — Genève - Thụy Sĩ
Triển lãm Dao Droste 09/11/2013 - 14/12/2013 — Đức, Heidelberg
Cineclub-Yda: Mille jours à Saigon 16/11/2013 14:00 - 18:00 — Paris 5ème
* Triển lãm "Indochine - France - Vietnam" tại vùng Paris 15/05/2014 - 14/07/2014 — Montreuil, vùng Paris
Các sự kiện sắp đến...
Kênh RSS
Diễn Đàn Forum Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :
feeds.feedburner.com/diendanforum
Ủng hộ chúng tôi - Support Us

Bài diễn văn bảo vệ môi trường của cô bé 12 tuổi khiến cả thế giới phải lặng câm

http://www.caonguyenxanhgroup.com/tin-tuc-su-kien/tin-tuc-moi-truong/201-bai-dien-van-bao-ve-moi-truong-cua-co-gai-12-tuoi-lam-ca-the-gioi-im-lang.html

http://www.youtube.com/watch?v=xPx5r35Aymc

<iframe width="560" height="315" src="//www.youtube.com/embed/xPx5r35Aymc" frameborder="0" allowfullscreen></iframe>

http://www.youtube.com/watch?v=vq94bUM6g0I Phụ đề tiếng Việt

Bài phát biểu của cô bé 12 tuổi Severn Suzuki

Ảnh minh họa
“Xin chào! Tôi là Severn Suzuki, đại diện cho ECO – tổ chức Trẻ em vì môi trường. Chúng tôi là nhóm trẻ em từ 12 đến 13 tuổi, đang cố gắng tạo nên vài thay đổi, và chúng tôi đã tự quyên tiền đi hơn 8000 km đến đây để nói với người lớn các vị rằng, các vị phải thay đổi.
Chúng tôi đến đây không có mục đích nào khác ngoài việc đấu tranh cho tương lai của chính mình. Đánh mất tương lai không giống như mất chiếc ghế trong bầu cử, hay trượt một vài điểm trên sàn chứng khoán. Tôi đến đây lên tiếng cho các thế hệ mai sau, lên tiếng cho những trẻ em đang chết đói trên khắp thế giới mà tiếng khóc cầu cứu không ai nghe thấy, lên tiếng cho muôn vàn động vật đang chết dần trên trái đất này vì chẳng còn nơi sinh sống. Giờ tôi sợ phải bước đi dưới ánh mặt trời vì những lỗ thủng trên tầng Ozon. Tôi sợ phải hít thở vì không biết không khí đang chứa những hóa chất nào.
Tôi vẫn thường đi câu cá cùng ba ở Vancouver, quê hương tôi, cho đến vài năm trước, khi tôi biết lũ cá đang đầy bệnh tật. Ngày ngày, chúng ta đều nghe những tin về việc các loài động thực vật đang dần tuyệt chủng, rồi biến mất mãi mãi. Tôi đã luôn mơ về những đàn thú hoang dã đông đúc, về những cánh rừng rậm và rừng mưa nhiệt đới đầy các loài chim và bướm. Nhưng giờ tôi lại tự hỏi, liệu con cái chúng tôi còn có cơ hội được thấy chúng nữa không? Hồi bằng tuổi tôi, các vị có phải lo lắng về những điều này không? Mọi chuyện đang diễn ra rành rành trước mắt, nhưng các vị lại hành động như thể chúng ta vẫn còn thừa thời gian và các biện pháp hữu hiệu.
Tôi chỉ là một đứa trẻ và không nghĩ ra được các giải pháp, nhưng tôi mong các vị hãy nhận ra rằng, chính các vị cũng thế. Các vị không biết cách vá lại các lỗ hổng trên tầng Ozon, không biết cách mang cá hồi về những dòng suối đã cạn khô, không biết cách làm sống lại các loài vật đã tuyệt chủng. Các vị cũng không thể biến những cánh rừng đã thành sa mạc giờ xanh tươi trở lại. Một khi đã không biết cách phục hồi, xin các vị đừng tàn phá nữa.
Các vị ở đây có thể là đại biểu chính phủ, doanh nhân, nhà tổ chức, nhà báo hay chính trị gia. Nhưng thực ra các vị là bố mẹ, là anh chị, cô chú… và tất cả các vị đều là những người con. Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi đã hiểu rằng, chúng ta đều là một phần của đại gia đình của 5 tỷ người. Thực tế là của hơn 30 triệu giống loài. Biên giới hay chính phủ cũng không thể thay đổi được. Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi đã hiểu rằng, chúng ta đều có phần trách nhiệm, và nên cùng hợp tác hành động hướng về mục tiêu chung. Giận dữ không làm tôi mù quáng. Dù sợ hãi, tôi cũng không ngại nói với cả thế giới những gì mình nghĩ. Ở đất nước tôi, chúng tôi thải ra quá nhiều rác. Chúng tôi mua rồi lại vứt đi. Cứ mua rồi lại vứt đi. Các nước giàu có khác cũng không bao giờ chia sẻ cho người nghèo ngay cả khi thừa thãi chúng ta vẫn không muốn chia sẻ, chúng ta sợ phải cho đi một chút của cải. Chúng tôi sống cuộc sống sung túc ở Canada, chẳng thiếu nước, thức ăn hay nhà ở. Chúng tôi có đồng hồ, xe đạp, máy tính, tivi… Ít nhất là cho đến hai ngày trước đây. Hai ngày trước, ngay tại Brazin này chúng tôi đã sốc khi sống cùng với những đứa trẻ đường phố. Một bạn đã nói với tôi thế này, “Tớ ước mình thật giàu có. Nếu được vậy, tớ sẽ cho tất cả những đứa trẻ đường phố thức ăn, quần áo, thuốc thang, nhà ở và cả tình yêu thương nữa”. Trong khi một đứa trẻ đường phố chẳng có gì trong tay lại sẵn sàng chia sẻ với người khác, tại sao chúng ta, những người có tất cả lại tham lam đến thế? Tôi không thể không nghĩ rằng “những đứa trẻ này chỉ bằng tuổi tôi thôi”. Chỉ sinh ra ở những nơi khác nhau thôi mà cuộc sống của trẻ em lại khác biệt nhiều đến thế?
Tôi đã có thể là một trong những đứa trẻ sống ở Favellas, Rio. Tôi đã có thể là một trong những đứa trẻ sống ở Somalia, một nạn nhân của chiến tranh Trung Đông hay một người ăn xin ở Ấn Độ. Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi đã hiểu rằng, nếu số tiền dùng để cung phụng chiến tranh kia được dùng cho việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề môi trường, chấm dứt đói nghèo, đi tới các hiệp ước thì trái đất này sẽ tuyệt vời tới nhường nào.
Ở trường học, ngay từ lớp mẫu giáo, người lớn vẫn dạy chúng tôi cách ứng xử đúng mực. Các vị dạy chúng tôi không được đánh nhau. Phải cố gắng tìm ra các giải pháp. Tôn trọng mọi người. Sửa chữa lỗi lầm mình đã gây ra. Không làm hại các sinh vật khác. Phải biết chia sẻ chứ đừng tham lam… Vậy tại sao các vị lại làm những việc chính các vị dạy chúng tôi không nên làm?
Xin đừng quên lý do các vị dự hội nghị này. Các vị làm việc này vì ai? Lớp trẻ chúng tôi là con cháu của các vị. Chính các vị là người quyết định con cháu mình sẽ lớn lên trong một thế giới như thế nào. Lẽ ra bố mẹ sẽ an ủi con cái rằng, “mọi chuyện sẽ ổn thôi”, “đây không phải là ngày tận thế đâu”, và “bố mẹ sẽ làm những gì tốt nhất có thể”. Nhưng tôi không nghĩ giờ đây các vị còn có thể nói vậy. Chúng tôi có còn nằm trong danh sách được ưu tiên của các vị nữa không?
Bố tôi thường nói, “Hành động sẽ tạo nên con người con, chứ không phải lời nói”. Vâng, nhưng những gì các vị làm khiến tôi khóc hàng đêm. Các vị luôn nói rằng các vị yêu chúng tôi, nhưng tôi xin thách thức các vị hãy hành động đúng như những gì đã nói.
Xin cám ơn!”

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Hoàng Tụy: Đề cương Cải Cách Giáo Dục

http://www.viet-studies.info/HoangTuy_DeCuongCaiCachGiaoDuc.htm
Chú thích: Bài này đã đăng ở báo mạng Tia Sáng ngày 10/11/1012
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&CategoryID=6&News=5739
nhưng vì lý do dễ hiểu Tòa Soạn đã bỏ mấy từ ”phi chính trị hóa” và cũng chưa bao giờ đăng ở báo giấy.

Đề cương Cải Cách Giáo Dục
Hoàng Tụy

Từ lâu giáo dục đã trở thành chỗ nghẽn lớn nhất trong sự phát triển của đất nước. Vì vậy cải cách giáo dục toàn diện và cơ bản như đã đề ra trong nhiều nghị quyết của Đảng là đỏi hỏi bức thiết của cuộc sống. Đã đến lúc không còn có thể tiếp tục đổi mới nửa vời, vụn vặt, chắp vá, không có hệ thống và không căn bản được nữa.
Sau đây là bản đề cương cải cách giáo dục xin kiến nghi để phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước trong vài mươi năm tới. Bản đê cương gồm ba phần chính:
I.       Quan điểm tổng quát, cũng tức là triết lý cơ bản của giáo dục mới  
II.     Những vấn đề chính và cấp bách cần giải quyết
III.    Lộ trình và tổ chức thực hiện.
I. Quan điểm tổng quát
Đây có thể coi là vấn đề của mọi vấn đề, nó là cái gốc chi phối từ sứ mạng, phương châm cho đến nội dung, phướng pháp, tổ chức giáo dục.
Trong thế giới hiện đại, yêu cầu hội nhập quốc tế đặt ra ngày càng gay gắt cho mọi dân tộc, nếu ta chỉ muốn xây dựng giáo dục theo con đường riêng của mình, thì dù với những lý tưởng đẹp đẽ và dân khí rất cao như trong thời hoàng kim của cách mạng, sớm muộn chúng ta cũng không tránh khỏi bị đào thải trong cuộc cạnh tranh quốc tế quyết liệt. Huống hồ sau 1975 đất nước đã bước sang một giai đoạn lich sử mới, có biêt bao vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội phức tạp trước đây chưa bao giờ gặp.  Hơn nữa sau khi giành được độc lập, thống nhất, ta xây dựng lại đất nước trong bối cảnh cả nhân loại chuyển lên nền văn minh trí tuệ. Nhiều cơ hội mới mở ra  từ đây cho những dân tộc giàu tiềm năng như chúng ta, đồng thời đất nước cũng đối mặt với những thách thức to lớn không dễ gì vượt qua nếu không đủ dũng khí chia tay với những tập quán, cách suy nghĩ, làm ăn, ứng xử, từng là nếp sống quen thuộc một thời.
Cho nên ngày nay hơn bao giờ hết, không gì cản trở sự tiến bộ của xã hội hơn thái độ đóng kín, thiếu cởi mở với cái mới, e ngại thay đổi, chủ quan tự mãn, không muốn, không dám nhìn thẳng vào những yếu kém của mình mà chỉ say sưa tự ru ngủ với quá khứ vẻ vang và tự dối mình bằng những thành tích tưởng tượng hoặc giả tạo.
Có thể nói đã sang thế kỷ 21 nhưng giáo dục của ta vẫn còn giữ khá nhiều quan niệm cổ hủ thời phong kiến nho giáo, thậm chí thời trung cổ Châu Âu. Nặng tính giáo điều kinh kệ, nhằm biến con người thành một phương tiện – dù là phương tiện để thực hiện những lý tưởng cao quý – hơn là hoàn thiện con người như một chủ thể tự do. Đã đến lúc cần nhìn thẳng vào thực tế để nhận rõ những hệ luỵ tiêu cực của tình hình đó đổi với tương lai dất nước. Thật sai lầm nếu nghĩ rằng cứ áp đặt một ý thức hệ định sẵn vào nội dung và phương pháp giáo dục thì sẽ đào tạo được những con người khuôn theo ý thức hệ đó. Kinh nghiệm thực tế khắp nơi trên thế giới đều cho thấy  ngược lại: sự mâu thuẫn xung khắc giữa giáo lý trong nhà trường với thực tế phũ phàng ngoài xã hội  thường là nguyên nhân phát sinh và nuôi dưỡng gian dối, đạo đức giả và bạo lực, cuối cùng đưa đến bất ổn trầm trọng trong xã hội . Thử nghĩ xem: vì sao hầu hết gia đình có điều kiện đều tìm cách gửi con em đi du học ở nước ngoài mà không mấy ai lo lắng nền giáo dục ở các nước đó sẽ biến con em ta thành những kẻ hư hỏng ? Phải chăng đó chỉ đơn thuần là lối nghĩ thực dụng của một số người có quyền, có tiền, hay đàng sau đó còn có một sự đánh giá không nói ra đối với nền giáo dục của chúng ta ?
Lịch sử các nước Phương Tây cho thấy chỉ sau khi thế tục hoá nhà trường, tách nhà trường ra khỏi Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo thì khoa học, kỹ thuật hiện đại  mới có điều kiện phát triển mạnh mẽ, đồng thời Nhà Thờ không vì thế mà mất vị trí tinh thần của nó trong xã hội. Đối với chúng ta, mà mục tiêu tối thượng của dân tộc là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tưởng cũng cần một giải pháp tương tự cho giáo dục mới có thể mở đường chấn hưng đất nước. Cuộc sống từ lâu đã đòi hỏi nhà trường phải phi chính trị hoá, thoát khỏi chế độ bao cấp tư tưởng với những ràng buộc giáo lý cứng nhắc đang có tác dụng kìm hãm thay vì khai sáng trí tuệ[1]. Thay vào đó, cần đề cao tính nhân văn: rèn luyện nhân cách, phẩm chất trí tuệ, năng lực cảm thụ, ý thức cộng đồng, như trong mọi nhà trường tiên tiến trên thế giới. Đó mới chính là dạy người theo nghĩa cao quý nhất. Một khi sản phẩm của nhà trường là nhữngcon người tự do, với nhân cách và phẩm chất hướng theo hệ thống giá trị phổ quát của nhân loại thì cái mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mới có cơ may hiện thực.  Bằng không, nếu chỉ chăm chăm đào tạo con người theo khuôn mẫu đúc sẵn thì cái mục tiêu ấy mãi mãi xa vời. Bởi lẽ trong một thế giới, một thời đại, đầy biến chuyển khó lường mà thế hệ chúng ta đang sống, mọi khuôn mẫu đúc sẵn đều không thể thích nghi được.
Giáo dục hiện đang đứng ở ngã ba đường, giống như kinh tế những năm giữa thập kỷ 80. Nếu lúc bấy giờ ta cứ kiên trì đường lối kinh tế tập trung bao cấp và tiếp tục dị ứng với cơ chế thị trường  như hồi 1968, khi đó VN đã cùng với cả phe xã hội chủ nghĩa lên án mạnh mẽ chủ nghĩa xã hội thị trường Tiệp Khắc[2], thì không biết điều gì đã xảy ra.  May thay, nhờ nhìn thẳng vào thực tế cuộc sống với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân, chúng ta đã kịp thời nhận ra nguồn gốc bế tắc của xã hội và đã có can đảm thay đổi tư duy, chấp nhận chính cái cơ chế thị trường ngày nào đã bị chúng ta bác bỏ. Đường lối đổi mới nhờ thế đã ra đời, cứu đất nước khỏi sự sụp đổ nhãn tiền. Đó là bài học sâu sắc.
Ngày nay, sau mấy chục năm giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc, đã đến lúc chúng ta phải có sự lựa chọn: hoặc là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền giáo dục ngày càng tụt hậu so với thế giới, hoặc là cương quyết thay đổi tư duy, thực hiện bước ngoặc cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển.
 Đương nhiên đây là công việc không hề dễ dàng mà có thể vất vả, đau đớn, vì phải đoạn tuyệt với nhiều quan niệm, cách sống và nếp nghĩ đã ăn sâu trong tâm khảm nhiều thế hệ từ thời chiến đấu giành độc lập thống nhất. Nhưng là giải pháp trước sau gì cũng phải làm, mà càng để chậm trễ thì đất nước càng hụt hơi, càng khó thích ứng kịp với những biến chuyển bất ngờ trong thế giới văn minh ngày nay.
II. Những vấn đề chính cần giải quyết trong cuộc cải cách giáo dục
             Sau khi đã xác định quan điểm tổng quát về sứ mạng cơ bản của giáo dục, mọi vấn đề cụ thể về tổ chức giáo dục,  nội dung chương trình học các cấp,  phương pháp giáo dục, v.v .  đều phải xem xét giải quyết trên cơ sở quan điểm đó. Bản đề cương này không đi sâu vào các vấn đề cụ thể có tính chất kỹ thuật là phần việc của các chuyên gia sau này mà chỉ tập trung nêu lên những định hướng lớn làm nền tảng và khuôn khổ giải quyết các vấn đề cụ thể ấy.
              Có mấy vấn đề lớn sau đây cần có định hướng giải quyết.
1.     Cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề
Hệ thống giáo dục THPT hiện tại có hai lãng phí lớn. Lãng phí thứ nhất là hàng năm có một số lớn thanh niên tốt nghiệp THPT không qua lọt cánh cửa ĐH, CĐ, phải bước vào thị trường lao động, chịu bằng lòng với một việc làm đơn giản (không cần tay nghề), dù đã tốn 12 năm đèn sách, hoặc phải chấp nhận vào học nghề ở một trường trung cấp kỹ thuật vốn chỉ đòi hỏi trình độ THCS. Trong khi đó vì thiếu công nhân lành ghề và kỹ thuật viên thông thạo nên công nghiệp phụ trợ không phát triển nổi, sau mấy thập kỷ xây dựng công nghiệp mà cuối cùng  chỉ có lắp ráp, xuất khẩu tài nguyên thô, thì làm sao giàu được. Tình trạng lãng phí đó vừa thiệt hại cho xã hội vừa tạo mầm mống bất ổn trong thanh niên.
Lãng phí lớn thứ hai, khó thấy hơn, nhưng nghiêm trọng hơn, là cách học và thi quá lạc hậu ở THPT gắn liền với thói hư học cổ lỗ, hoàn toàn không chú ý các đặc điểm và đòi hỏi của lứa tuổi, làm phí sức học sinh một cách vô ích, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý, đến tương lai nghề nghiệp của một số khá đông, lại rất tốn kém cho gia đình và xã hội. Trẻ em ta học hết 12 năm THPT thì mệt nhoài, lên đại học và trên nữa thường mau đuối sức khi đua tranh với bạn bè các nước mà ở đó tuổi thiếu niên vừa được học vừa được chơi, chơi mà học, để dành sức sau này có thể tiến lên xa vào những giai đoạn quyết định của cuộc đời.
Để khắc phục những bất hợp lý trên cần cải tổ hệ thống giáo dục để sau THCS có hai nhánh rẽ: một số lớn học sinh (khoảng 2/3) sẽ vào trung học hướng nghiệp, chỉ 1/3 vào trung học phổ thông. Học xong trung học hướng nghiệp có thể đi ngay vào thị trường lao động tìm một việc làm có nghề nhưng nếu muốn cũng có thể học lên cao hơn (cao đẳng hay đại học) vì chương trình học, ngoài phần hướng nghiệp, vẫn bảo đảm phần văn hoá cơ bản cần thiết. Còn trung học phổ thông có nhiệm vụ chủ yếu chuẩn bị đầu vào cho đại học. Theo hướng đó cần phát triển mạnh trung học hướng nghiệp, đồng thời cấu trúc lại chương trình và cách học ở trung học phổ thông cho phù hợp với nhiệm vụ của cấp học này. Cụ thể là bãi bỏ cách phân ban bất cập hiện nay để tổ chức lại việc học như ở nhiều nước tiên tiến, về mỗi môn học đều có một chương trình bình thường và một hoặc nhiều chương trình nâng cao, theo nhiều mức độ nâng cao khác nhau, cho phép học sinh được tự do lựa chọn chương trình nào hợp sức và hợp sở thích, đồng thời dễ dàng điều chỉnh sự lựa chọn khi thấy cần thiết. Với cách học đó học sinh cả trung học hướng nghiệp và trung học phổ thông đều không bị quá tải, vì được học sâu những môn ưa thích và không phải học quá kỹ nhiều thứ mà sau này sẽ chẳng bao giờ cần đến. Đó mới là cách thực tế và hiệu quả giảm tải ở cấp học phổ thông, chứ không phải như hiện nay, chương trình bị kẹt giữa hai yêu cầu mâu thuẫn: vừa giảm tải vừa không hạ thấp chất lượng.  Hơn nữa về những môn hợp với xu hướng sở thích thì  học sinh có cơ hội được học đủ sâu để đến khi tốt nghiệp có đủ hiểu biết  tìm được việc làm có nghề, và nếu xuất sắc thì khi học tiếp lên ĐH hay CĐ có thể học vượt lớp, tiết kiệm thời gian. Như thế tránh được nhiều sự lãng phí cho cả xã hội lẫn cho từng cá nhân học sinh. Tuổi 15-18 là tuổi vàng, nhiệm vụ của nhà trường là tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát triển đến mức tối đa của mình, chứ không phải chỉ nhằm bảo đảm cho mọi cá nhân môt mức tối thiểu đồng loạt như cách dạy hiên nay ở THPT.
2.     Thay đổi căn bản cung cách học và thi, xoá bỏ khổ dịch thi cử nặng nề, tốn kém mà kém hiệu quả
Đồng thời với cải tổ hệ thống giáo dục, thì cách học, cách thi cử và đánh giá cũng phải thay đổi tận gốc. Đặc biệt cần đổi mới căn bản tư duy thi tốt nghiệp và tuyển sinh. Trong một nhà máy làm ra một sản phẩm gồm nhiều bộ phận riêng rẽ (môđun) ghép lắp lại, người ta phải kiểm tra kỹ chất lượng khi sản xuất từng bộ phận, đến khi lắp ráp chỉ kiểm tra chất lượng lắp ráp. Việc học và thi trong nhà trường cũng vậy: mỗi môn, mỗi học phần như một môđun, học môn nào, học phần nào phải kiểm tra, thi nghiêm túc ngay môn đó, phần đó, đến cuối cấp không thi lại từng môn, từng học phần nữa, mà chỉ phải làm một tiểu luận hoặc qua một kỳ thi nhẹ nhàng, với mục đích chủ yếu kiểm tra trình độ văn hóa phổ quát (giống như kiểm tra chất lượng lắp ráp các môđun trong nhà máy). Hơn nữa, kỳ thi nhẹ nhàng này cũng có thể không bắt buộc cho mọi người mà có thể coi như một kỳ thi sơ tuyển (ST) vào ĐH, CĐ chỉ bắt buộc đối với những ai muốn vào học ĐH, CĐ.  Còn việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ thì cần trả lại cho từng trường. Mỗi trường tuyển sinh căn cứ vào kết quả thi (ST) và học bạ hoặc qua một kỳ thi tuyển nếu trường nào có yêu cầu đào tạo đặc biệt.  
 Cách học và thi như thế khác hẳn cách học và thi hiện nay là dồn tất cả sự kiểm tra vào cuối cấp trong một kỳ thi tốt nghiệp mà nhiều người cho là thi vờ vì chỉ để loại vài phần trăm thí sinh, là những em quá kém không cần thi cũng có thể loại được theo học bạ.  Có ý kiến cho rằng tuy thi vờ nhưng là cần thiết vì tâm lý học sinh là có thi thì mới học tử tế.[3] Té ra là vậy: đất nước còn rất nghèo mà phải tốn kém hàng chục nghìn tỉ mỗi năm tổ chức thi chỉ để dọa và gây áp lực buộc học sinh phải học. Cùng một luồng ý kiến đó nhiều quan chức giáo dục cho rằng trong điều kiện hiện thời, thầy cô giáo chịu quá nhiều áp lực không lành mạnh từ phía xã hội nên rất khó bảo đảm việc học và thi nghiêm túc từng môn, từng học kỳ, ở từng lớp, từng địa phương được. Cho nên không còn cách nào khác là phải thi tôt nghiệp, dù chỉ là thi vờ.  Nói thế khác nào bảo một nền giáo dục trung thưc là ngoài tầm với của xã hội ta hiện nay – thật lạ lùng và xót xa, vì một nền giáo dục trung thực đâu có gì quá khó, nó đã từng có ở cả hai Miền Bắc và Nam suôt từ 1945 đến 1975. Một ý kiến xác đáng hơn là quy một phần nguyên nhân phát triển gian trá trong thi cử là do chương trình quá nặng, mà thi tốt nghiệp lại quá căng thẳng: thi viết gần hết các môn trong thời gian chỉ mấy ngày, tiềm ẩn rủi ro học tài thi phận, khiến một số học sinh dễ nảy ra tư tưởng đối phó bằng thủ đoạn gian dối, cầu cứu đến cả sự giúp sức của phụ huynh và thầy cô giáo. Đúng là chương trình quá tải cũng là một vấn đề, nhưng không thể giảm tải theo kiểu cắt giảm lung tung như chúng ta đã làm lâu nay mà chủ yếu phải cải tổ cả hệ thống giáo dục phổ thông như đã trình bày ở trên, chấm dứt cách giáo dục đồng loạt, quá nặng với số đông lại quá nhẹ với số có khả năng. Đông thời để bảo đảm tính trung thực, trước hết phải thực hiện kiểm tra, thi học kỳ nghiêm túc, nghĩa là trung thực, ngay từ những lớp nhỏ nhất chứ không đợi đến cuối cấp. Khi đó mới có thể thi tốt nghiệp nhẹ nhàng, chỉ cốt để kiểm tra chất lượng tổng hợp, tức là trình độ văn hóa phổ quát, hoặc thậm chí chỉ xét kết quả học tập theo học bạ để cho tốt nghiệp mà không phải thi.
Điều quan trọng ít người chú ý là lối thi tôt nghiệp và tuyển sinh như hiện nay tạo ra áp lực tâm lý và tinh thần rất lớn, đặt thí sinh trước những thử thách vượt quá khả năng chịu đựng của các em. Trong một xã hội mà xung quanh quá nhiều dối trá, rất hiếm trung thực, nếu đặt thiếu niên trước những thử thách trung thực quá sức thì cũng chẳng khác nào đưa trẻ ra phơi nhiễm giữa một vùng đang dịch bệnh, làm sao trẻ tránh không bị nhiễm. Cho nên chẳng lạ gì kỳ thi nào cũng có chuyện quay cóp, gian dối, mà những chuyện đã bị phanh phui chỉ là phần nổi của tảng băng. Cuộc sống đã dạy chúng ta quá đủ rằng cách học và thi như hiện nay chẳng những gây lãng phí lớn về công sức, tiền của, thời gian, mà còn khuyến khích phát triển sự dối trá, thói đạo đức giả, là những thứ hư hỏng cần tránh trước hết trong nhà trường.
3. Chuyển mạnh giáo dục đại học theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế về cả nội dung, phương pháp và tổ chức quản lý
Chỉ nhìn qua hệ thống đại học VN hiện nay cũng đã thấy cảnh tượng lộn xộn, rất khác mọi nơi trên thế giới: trường nào, kiểu gì, cũng gọi là đại học, trong một đại học lại có thể có nhiều đại học thành viên, dịch ra tiếng Anh tất cả đều là university, không phân biệt university với school, ai muốn hiểu ra sao thì hiểu.[4] Đành rằng đây chỉ là vấn đề tên gọi, nhưng nó cũng phản ảnh một nét riêng “không giống ai” của đại học VN. Đi sâu hơn vào hoạt động cụ thể của đại học càng thấy rõ sự tụt hậu  bắt nguồn từ lối suy nghĩ chủ quan tự cho mình có thể tự biên tự diễn, bất chấp thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Cho nên muốn hội nhập quốc tế thành công, tiến lên một nền đại học thật sự hiện đại, trước hết phải từ bỏ lối nghĩ đó, khiêm tốn học hỏi, tuân thủ các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, điều gì muốn làm khác thì cần suy nghĩ cẩn trọng và có lý do thật xác đáng. Chúng ta đang rớt lại sau đuôi thiên hạ, tại sao cứ muốn làm độc đáo, khác người để mãi mãi thất bại ? Ngay đến một nước có truyền thống khoa học, giáo dục lâu đời như Pháp mà cách đây 30 năm khi đánh giá nền đại học lúc ấy của họ nhà khoa học lỗi lạc Pháp L. Schwartz  cũng đã từng lên tiếng: “nếu Pháp là nước duy nhất trên thế giới còn muốn giữ lại mãi một số quan niệm về giáo dục đại học thì hoặc chúng ta đúng và nền đại học của ta phải là tiên tiến và được ngưỡng mộ nhất thế giới – điều rõ ràng không phải vậy – hoặc chúng ta sai và cần phải thay đổi.” Cho hay yêu cầu cùng đi con đường chung với cả thế giới không phải chỉ đặt ra cho các nước kém phát triển.
Cái khó là trước đây hệ thống giáo dục đại học của ta phỏng theo mô hình giáo dục đại học Liên Xô cũ. Đến khi nhận rõ mô hình đó không còn thích hợp mà phải thay đổi theo yêu cẩu  mới của công cuộc phát triển đất nước, ta lại không có những nhà quản lý đủ hiểu biết chuyên nghiệp cần thiết và nắm vững tính hệ thống nên cứ thay đổi nham nhở, chắp vá, cuối cùng biến giáo dục đại học thành một hệ thống đầu Ngô mình Sở, chẳng giống ai cả. Đã thế mà từ 2006  lại mạo hiểm lao theo chiến lược tân tự do trong phát triển giáo dục, cổ suý giáo dục là hàng hóa, phát triển mạnh trường tư vị lợi, cổ phần hóa đại học công, v.v. Trong khi đó, mọi vấn đề từ chế độ tiền lương, chính sách sử dụng tài năng, từ việc đào tạo sau cử nhân, phương thức đào tạo liên ngành, cho đến tuyển dụng, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư, bảo đảm tự chủ đại học, xây dựng môi trường nghiên cứu khoa học, tự do học thuật, tất cả đều ở trạng thái cổ hủ, lạc hậu thảm hại. Chẳng khác nào đường sá thì lầy lội gồ ghề, đầy ổ trâu ổ gà, lại chủ trương nhập xe hơi xịn phóng nhanh cho oai.  Chính cái tâm lý chưa biết đi đã đòi chạy, cái lối học kinh nghiệm thế giới theo kiểu thầy bói sờ voi đó là nguồn gốc tất cả những yếu kém, khó khăn của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam dù đã tốn không ít công sức xây dựng qua mấy thập kỷ.
Công bằng mà nói, từ vài năm lại đây, sau nhiều bài học thất bại, nhận thức cũng đã có ít nhiều thay đổi, nhờ đó đã có những cố gắng tich cực hướng tới hội nhập quốc tế. Tuy nhiên kết quả còn rất hạn chế, do sức ỳ quán tính của bộ máy quản lý còn nặng, do tư duy vẫn luẩn quẩn trong những giáo điều dai dẳng và những ràng buộc thể chế ngặt nghèo. Rõ nhất là về mục tiêu, sứ mạng đại học, về phương thức đào tạo, về quyền tự chủ đại học và tự do học thuật, nghĩa là về các vấn đề then chốt nhất của đại học hiện đại, quan niệm chung của chúng ta còn rất mơ hồ, lệch lạc, có mặt lạc hậu nửa thế kỷ.
Cho nên thách thức lớn nhất của giáo dục hiện nay là hiện đại hóa đại học, đưa đại học hội nhập thật sự vào con đường phát triên chung của thế giới. Hãy dứt khoát rủ bỏ những gì lạc hậu, trì trệ còn níu kéo chúng ta để chuyển mạnh theo mô hình giáo dục đại học Hoa Kỳ là mô hình được thừa nhận tiên tiến và đang được áp dụng phổ biến trên thế giới. Có thể nói thành bại của cuộc cải cách giáo dục một phần quyết định tùy thuộc tiến trình hiện đại hóa đại học này.
4. Xây dựng các đại học nghiên cứu và các trung tâm nghiên cứu và đào tạo xuất sắc
Kinh nghiệm quốc tế những năm gần đây cho thấy vai trò đầu tàu then chốt của các đại học nghiên cứu và các trung tâm xuất sắc trong  giáo dục đại học. Ở nước ta, chỉ mới cách đây không lâu, chưa có mấy người, ngay cả trong giới chức lãnh đạo, hiểu được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học đối với đại học. Đã có thời gian dài quan niệm khá phổ biến cho rằng thầy giáo đại học chỉ có nhiệm vụ giảng dạy, truyền đạt tri thức đã có trong sách vở, còn nghiên cứu khoa học nếu có cũng hay nhưng chưa thật sự cần thiết.  Do quan niệm ấy nhà khoa học nếu chỉ đơn thuần làm việc nghiên cứu và đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở các viện nghiên cứu thì chưa được nhìn  nhận là nhà giáo đại học và không thể được xét phong GS, PGS. Đồng thời luật giáo dục quy định các viện nghiên cứu dù đã có kinh nghiệm đào tạo tiến sĩ vẫn không được phép đào tạo thạc sĩ nếu không “liên kết” với một trường đại học, vì đào tạo từ thạc sĩ trở xuống được coi là độc quyền của các đại học. Từ vài năm nay quan niệm ấu trĩ lạc hậu đó đã dần dần lộ rõ không thich hợp và cần được sửa chữa.  Tuy nhiên chưa có chuyển biến cơ bản và đây vẫn còn là một vấn đề lớn, còn gặp nhiều mắc mứu, lúng túng, trước hết vẫn là về tư duy, quan niệm. Sự hiểu biết của giới chức quản lý và không ít giáo chức đại học còn khá mù mờ và thô sơ về đại học nghiên cứu, đại học đẳng cấp quốc tế, về đánh giá, xếp hạng các đại học, phần lớn còn tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế một cách máy móc. Trước đây không lâu các phương pháp định lượng hiện đại đánh giá thành tích nghiên cứu khoa học dựa trên các chỉ số về công bố quốc tế, chỉ số trich dẫn, chỉ số ảnh hưởng, gần như không được mấy người quan tâm, ủng hộ. Sau này nhận thức đã có những thay đổi tích cực đáng kể thì lại bắt đầu nảy sinh những xu hướng lệch lạc mới: máy móc, tuyệt đối hóa ý nghĩa các chỉ số định lượng, không thấy rằng các chỉ số ấy có vai trò quan trọng làm căn cứ đánh giá so sánh các cộng đồng lớn (khi đó những sai biệt ngẫu nhiên được trung hòa), nhưng chỉ có ý nghĩa hạn chế khi xem xét đánh giá cá nhân một nhà khoa học và không bao giờ có thể thay thế được các phương pháp định tính dựa trên phán đoán của chuyên gia đủ thẩm quyền học thuật trong từng lĩnh vực.  Phần lớn các bảng xếp hạng đại học đã được quảng cáo trên quốc tế còn nhiều bất cập, tuy có giá trị tham khảo nhất định, nhưng hoàn toàn chưa thể chọn làm căn cứ chính xác để chỉ dựa vào đó mà xây dựng đại học được.  Cho nên việc đặt mục tiêu đến năm nọ năm kia có ít nhất một đại học xếp vào hạng 200 trường tốt nhất trên thế giới chẳng những viển vông, không thực tế mà còn có thể làm sai lạc hướng phát triển lành mạnh, đúng đắn.
Thực tế mấy năm qua đã cho thấy hiệu quả thấp của chủ trương vay tiền WB đầu tư mời các nước Đức, Pháp, Mỹ, Nhật xây dựng 4 đại học đẳng cấp quốc tế thay vì tập trung sức đầu tư cho hai đại học quốc gia đã có, đồng thời xây dựng mới một đại học hiện đại có tinh chất hoa tiêu như nhiều người đã đề nghị. Đương nhiên bỏ tiền ra làm thì rồi thế nào cũng có chút đỉnh kết quả. Chuyện cần bàn là trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo phải cân nhắc phân bổ vốn đầu tư sao cho có lợi nhất. Ở đây cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, nếu không kịp thời khắc phục căn bệnh thành tích phô trương cộng với tính thiếu trách nhiệm thì sẽ gây lãng phí và thất thoát lớn, đến lúc nhận ra thiệt hại thì đã quá muộn như đã xảy ra với những kiểu đầu tư công kém hiệu quả mà hệ lụy nặng nề đang đè nặng lên mọi mặt đời sống của đất nước.
5.     Chấn chỉnh tiêu cực trong các vấn đề đại học tư thục, xã hội hóa và thương mại hóa giáo dục vô nguyên tắc.
Từ 2006 lại đây đại học ngoài công lâp đã phát triển ồ ạt một cách bột phát, mà hầu hết trong số đó đều hoạt động vì lợi nhuận.  Nhiều tiêu cực đáng lo ngại phát sinh từ xu hướng phiêu lưu tự do hóa giáo dục vô nguyên tắc, khiến bức tranh giáo dục đại học vốn đã không sáng sủa gì càng thêm nhiều mảng tối ảm đạm. Dưới danh nghĩa xã hội hóa, thị trường hóa được hiểu rất mù mờ, sai lệch, kinh doanh giáo dục ở VN thực tế đã thành một loại kinh doanh mang lại siêu lợi nhuận. Tuy đại học tư vì lợi nhuận cũng có đáp ứng một phần nhu cầu học tập quá bức bách của xã hội nhưng trừ một số ít còn nói chung chất lượng quá thấp là cái giá quá đắt phải trả đang là một thách thức lớn. Trong khi đó các đại học bất vị lợi lại gặp vô vàn khó khăn, từ việc thành lập cho đến lúc hoạt động luôn bị làm khó dễ. Điều không bình thường là Bộ GD-ĐT chỉ có qui chế tổ chức và hoạt động cho đại học vị lợi, mặc nhiên xem như không có trường bất vị lợi, gây nhiều cản trở cho hoạt động bình thường của các đại học bất vị lợi là loại trường lẽ ra phải là đối tượng cần khuyến khích, giúp đỡ tich cực trước hết. Nhiều người thường vô tình hay cố ý hiểu nhầm bất vị lợi là không có lợi nhuận. Thật ra trường bất vị lợi cũng phải có lợi nhuận (thu từ học phí và các nguồn khác phải lớn hơn chi) thì mới phát triển được lâu dài, chỉ khác là lợi nhuận làm ra không đem chia cho các cổ đông góp vốn mà được đầu tư trở lại cho sự phát triển của trường (do đó tránh được xu hướng chạy theo lợi nhuận đơn thuần thường có nhiều hệ lụy tiêu cực như đã thấy trong thực tế).  Vốn ban đầu của loại trường này không do cổ đông góp lại để kinh doanh chia lãi, mà một phần do hiến tặng của các nhà hảo tâm, một phần do vay từ nhiều nguồn khác nhau (tư nhân, Nhà Nước) với lãi suât thỏa thuận. Do tính chất như vậy nên Nhà Nước cần khuyến khích trường tư bất vị lợi bằng nhiều chính sách khác nhau (miễn thuế, hỗ trợ về đất dai, tín dụng ưu đãi, học bổng cấp cho sinh viên, v.v.).  Đồng thời vì là trường tư nên có điều kiện thực hiện một số đổi mới và tránh được một số bất cập của trường công mà hiên nay chưa thấy hướng khắc phục, chẳng hạn có thể trả lương cho thầy giáo xứng đáng với năng suất, từ đó thu hút được người giỏi xây dựng đội ngũ giảng dạy có chất lượng. Còn trường tư vị lợi thì phải được đối xử như các loại doanh nghiệp tư nhân khác, phải tự lo chứ không thể đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà Nước về đất đai hay tài chính, đồng thời phải có nghĩa vụ đóng thuế sòng phẳng.
Đáng tiếc thời gian qua chính sách không phải như vậy, nhiều quan điểm sai lầm tự do hóa giáo dục bừa bãi đã làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp đang là nỗi bức xúc lớn của dư luận xã hội, phải mất nhiều thời gian và công sức mới xử lý nổi.
6.     Cải tổ quản lý để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của quốc gia
Mọi người đều biết chấn hưng giáo dục không thể tách rời với phát triển khoa học, kỹ thuật. Nhà trường hiện đại không chỉ chuyển giao tri thức mà còn phải phát triên tri thức. Đặc biệt, yếu kém lớn nhất hiện nay của các đại học ta so với các nước trong khu vực và thế giới là năng lực và thành tich nghiên cứu khoa học. Nguyên nhân yếu kém đó phần chủ yếu là do quản lý không theo kịp yêu cầu. Cho nên để bảo đảm cải cách giáo dục  thành công cần đồng thời cải tiến tổ chức để nâng cao năng lực quản lý nghiên cứu khoa học. Việc này liên quan chặt chẽ với xây dựng các đại học nghiên cứu và trung tâm xuất sắc. Nên chăng thành lập Bộ Đại Học và Nghiên Cứu Khoa Học để thống nhất quản lý hai lĩnh vực này, khắc phục cách quản lý tách rời và chồng chéo hiện nay còn rơi rớt từ kinh nghiệm thời Liên Xô cũ và đã lâu không còn thích hợp nữa.  Theo tôi biết đây cũng từng là ý kiến của cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt nhưng thời ấy còn quá sớm để thực hiện nên phải gác lại. Tách, nhập bao giờ cũng là vấn đề phức tạp, phải suy nghĩ nghiêm túc mới có thể giải quyết  tốt, song thiết tưởng cũng không nên tri hoãn quá lâu.
Mấy năm nay việc thành lập quỹ quốc gia tài trợ khoa học NAFOSTED  là một bước tiến rất đáng kể, đã đem lại lợi ích cụ thể nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cơ bản. Tuy nhiên về lâu dài cần tiến lên giải quyết vấn đề một cách căn cơ hơn nữa, không chỉ riêng đối với các nghiên cứu khoa học cơ bản mà dần đần mở rộng cho mọi ngành khoa học.
7.     Cải thiện cơ bản chính sách đối với người thầy, giải tỏa nghịch lý lương, để nhà giáo ở mọi cấp an tâm làm việc, toàn tâm toàn ý với trách nhiệm cao cả của mình.
Vấn đề này tuy nêu ra cuối cùng nhưng là quan trọng bậc nhất, không giải quyết được thì mọi vấn đề khác đều ách tắc.
Sự thật, phần lớn nhà giáo nay đã có mức sống không đến nỗi khó khăn như cách đây mươi năm, thậm chí một bộ phận nhỏ còn có thu nhập khá. Song cái nghịch lý lương từ vài chục năm nay vẫn còn y nguyên: lương chỉ bằng một phần nhỏ thu nhập, nên nguồn thu nhập bù lương mới là mối quan tâm chính thu hút phần lớn năng lực lao động. Nhu cầu cuộc sống khiến phần lớn tâm lực mỗi người bị phân tán vào những việc ngoài trách nhiệm chính của mình,  đó mới thật sự là biện pháp hữu hiệu nhất phá hoại nền giáo dục. Vấn đề nghiêm trọng đến mức có nhà khoa học nước ngoài tâm huyết với VN từng cho rằng không giải toả được cái nghịch lý  lương thì mọi lời hứa chấn hưng giáo dục chỉ là lừa dối trơ trẽn.
Điều không may mắn là giải quyết vấn đề cốt tử này cực kỳ khó vì căn bệnh từ lâu đã thành một thứ ung thư của cả xã hội, chứ không riêng gì của giáo dục, lại gắn liền chặt chẽ với quốc nạn tham nhũng đang ngày càng gia tăng.  Trước mắt chưa có triển vọng cái ung thư này có thể chữa trị nhanh chóng, cho nên giáo dục phải tìm mọi cách tự cứu lấy mình trong phạm vi có thể, may ra còn nêu gương cho các ngành khác để tiến dần đến một giải pháp chung. Dù trong phạm vi cả nước còn khó khăn thì ngay trong nội bộ ngành giáo dục, vẫn có thể  rà soát lại để kiên quyết bỏ hay giảm bớt mọi khoản chi tiêu không hiệu quả, trên cơ sở đó tăng lương, bảo đảm lương đủ sống và trở thành thu nhập chính của mỗi người, từ đó lập lại kỷ cương, đạo đức trong giáo dục. Trong các tính toán kế hoạch, hãy đặt vấn đề trước hết bảo đảm đồng lương hợp lý cho mọi nhà giáo và công nhân, viên chức trong ngành, sau đó mới xét đến các khoản chi tiêu khác. Nếu ngân sách được cấp cộng các nguồn thu khác (đóng góp của dân,  học phí,  viện trợ, vay quốc tế) không đủ thì mới xin bổ sung ở mức tối thiểu cần thiết nhất. Làm như vậy không cần đợi giải pháp chung cho tất cả các ngành, mà nhân đó còn có thể chống tham nhũng và lãng phí một cách thiết thực. Theo tính toán sơ bộ của nhiều chuyên gia, nếu bỏ đi những khoản chi vớ vẩn hoặc không thật sự cần thiết thì hoàn toàn có thể trả lương đàng hoàng cho thầy cô giáo để họ sống được bằng tiền lương với mức sống xứng đáng với công việc của mỗi người. Nếu cần Nhà Nước chi phụ thêm thì khoản phụ thêm cũng có thể trong khả năng hiện thực của ngân sách.
Dù thế nào từ lâu cũng đã đến lúc cần tìm mọi cách giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, chứ không thể kéo dài kiểu chữa cháy và xử lý tùy tiện theo từng trường hợp riêng lẻ như lâu nay. Kinh nghiệm cho thấy những giải pháp tình thế theo kiểu “kế hoạch 3” hồi thập kỷ 80 trước đây hay cho phép từng cơ quan sự nghiệp có thu được sử dụng một phần nguồn thu để tăng lương cho nhân viên như gần đây – những giải pháp đó về lâu dài rất nguy hiểm, chỉ gây thêm rối loạn, dẫn đến bất công và tiêu cực ngày càng tệ hại hơn.  
Trong một xã hội tham nhũng như rươi, đời sống kinh tế bị thao túng nặng nề bởi các “nhóm lợi ích” (hoạt động như những maphia trá hình), ai cũng thấy đây là việc vô cùng khó, tuy khả thi về điều kiện vật chất khách quan nhưng chắc chắn sẽ vấp trở ngại cực kỳ lớn. Biết thế, song giáo dục dẫu sao cũng còn là lĩnh vực dễ bảo vệ trong sạch nhất, nếu không cương quyết làm bây giờ mà cứ trì hoãn mãi thì sẽ ngày càng khó hơn và sẽ chẳng bao giờ có hy vọng trả lại lòng tự trọng cho giáo dục. Thật đau xót, nhục nhã, khi các chức vụ quản lý lớn nhỏ trong những tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn kém hiệu quả, nếu không phải là thua lỗ triền miên, vẫn được trả lương cao gấp mấy chục lần các giáo sư đại học, mà sự thể đó cứ thản nhiên tồn tại năm này qua năm khác, song song với khẩu hiệu nay đã thành nhàm chán vì lặp đi lặp lại mãi từ 15 năm nay mà chưa bao giờ đi vào cuộc sống:  giáo dục, khoa học là quốc sách hàng đầu.

III Lộ trình và tổ chức thực hiện
Cải cách giáo dục cần phải được thực hiện kiên quyết, khẩn trương, nhưng không thể vội vã.  Sau khi Trung Ương và Quốc Hội thảo luận và thông qua đề cương cải cách, cần thành lập Ủy Ban Quốc Gia Chỉ Đạo Cải Cách Giáo Dục, bao gồm những người có năng lực và có tâm huyết, vừa có tầm nhìn vừa thật sự quan tâm, lo lắng cho giáo dục.  Ủy ban này sẽ vạch ra lộ trình và kế hoạch cụ thể thực hiện để hoàn tất cải cách giáo dục sau khoảng một thập kỷ. Đồng thời chọn ra những vấn đề cấp bách cần bắt tay thực hiện ngay trong năm học tới vì càng để trì hoãn càng khó khăn. Theo bản đề cương chúng tôi kiến nghị trên đây, đó là các vấn đề 1 (cải cách hệ thống giáo dục phổ thông), 2 (thay đổi cách học và thi, đặc biệt thi tốt nghiệp THPH và thi vào đại học), 3 (chuyển mạnh giáo dục đại học theo mô hình giáo dục đại học Hoa Kỳ), và 7 (giải tỏa nghịch lý tiền lương/thu nhập trong chính sách đối với nhà giáo các cấp).
Trước mắt chúng ta có nhiều khó khăn  nhưng đây cũng là thời cơ để giáo dục có thể lột xác, từ một kiểu giáo dục nặng tính giáo điều, lạc hậu và lạc điệu với thời đại và thế giới, tiến lên một nền giáo dục khai sáng, lành mạnh, trung thực, hiện đại, phù hợp xu thế tiến hóa chung của nhân loại và lợi ích tối cao của đất nước. 



 

[1] Một trong những nguyên lý chỉ đạo nền giáo dục trước đây một thời bất khả tranh luận là  giáo dục phải phục vụ chính trị, trong nhà trường chính trị là thống soái, trong hai vế “hồng” và “chuyên” thì “hồng” là tiên quyết. Mặc dù qua cọ xát thực tế nguyên lý ấy đã buộc phải nới lỏng nhiều, nhưng nó vẫn còn ảnh hưởng đậm nét trong nhiều khâu quan trọng về tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, về nôi dung chương trình, về rèn luyện đạo đức, v.v.
[2] Do Dubcek, nhà lãnh dạo Tiệp Khắc khi ấy, khởi xướng. Ông này sau đó đã bị lật đổ trong một cuộc can thiệp quân sự mạnh mẽ của Liên Xô mà hồi ấy cả khối xã hội chủ nghĩa đều ủng hộ.
[3] Để biện minh chủ trương duy trì thi tốt nghiệp THPT một số quan chức giáo dục thường viện lẽ trên thế giới bất cứ nước nào cũng có thi tốt nghiệp. Đó là một thông tin sai, nhất là nếu hiểu thi tôt nghiệp là thi theo kiểu ta. Nhân đây tôi nhớ lại khi bàn về phân ban ở THPT trước đây 8 năm một số người muốn bênh vực cách  phân ban cứng nhắc của ta thường viện dẫn lý do phần lớn các nước trên thế giới đều làm như vậy, thậm chí còn nói ở Thụy Điển THPT có đến cả hơn chục ban. Hỏi ra mới biết đó là do hiểu sai cách tổ chức học ở THPT Thụy Điển và nhiều nước khác.
[4] Trươc kia ở Miền Bắc, theo mô hình Liên Xô và các nước Đông Âu, chỉ Đại học Tổng hợp mới dịch là University, cho nên Hanoi University là dịch tên Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nay có Đại Học Hà Nội mới mở, cũng gọi là Hanoi University nhưng hoàn toàn không liên quan với Đại học Tổng hợp xưa.  Thật là rối.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 3-10-13