Thứ Ba, 5 tháng 5, 1998

Nguyễn Gia Kiểng - MỘT SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30 THÁNG 4



Link nguồn https://www.facebook.com/thong.luan.1/posts/3901749873168425?__tn__=K-R

Đã có vô số bài và sách của người Việt Nam cũng như người ngoại quốc về biến cố 30-4-1975. Đó là ngày chấm dứt một cuộc chiến đặc biệt nhất trong lịch sử Việt Nam, là ngày lãnh thổ Việt Nam thống nhất và hòa bình sau rất nhiều năm chia cắt và nội chiến, đó là ngày ra đời của cộng đồng người Việt hải ngoại ; đó cũng là ngày mà Việt Nam bắt đầu một tiến trình tụt hậu bi đát, và đó cũng là ngày bắt đầu tiến trình sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và phong trào cộng sản thế giới.
Chúng ta sẽ không bao giờ phân tích đến nơi đến chốn những nguyên nhân, ý nghĩa và hậu quả của biến cố trọng đại này. Và vì thế chúng ta cần tiếp tục cố gắng tìm hiểu nó. Sau đây là một suy nghĩ trong nhiều suy nghĩ.
Trước hết là một nhận định sai cần được xét lại.
Quan điểm chung của thế giới, kể cả người Mỹ, là nước Mỹ đã thất bại trong cuộc ''phiêu lưu quân sự tại Việt Nam''. Bề ngoài thì quan điểm này đúng, người Mỹ đã phải rút lui khỏi Việt Nam, chế độ Việt Nam Cộng Hòa mà họ bảo vệ đã sụp đổ và đầu hàng không điều kiện. Nhưng nếu nhìn về mặt chiến lược toàn vùng và toàn cầu thì kết quả lại khác.
Người Mỹ can thiệp vào Việt Nam trước hết là để chặn đứng sự bành trướng của phong trào cộng sản tại Châu Á và mục đích này hầu như đã đạt được trọn vẹn.
Indonesia từ sau thế chiến II chuyển dần vào quỹ đạo cộng sản. Đảng cộng sản Indonesia, với gần một triệu đảng viên, là đảng cộng sản mạnh thứ nhì tại Châu Á và kiểm soát chính quyền Sukarno. Indonesia là nước đông dân thứ ba tại Châu Á với một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Nếu Indonesia lọt vào quỹ đạo cộng sản thì toàn bộ giao thông giữa Châu Âu và Trung Đông với Châu Á bị phong tỏa và Châu Á hoàn toàn bị khống chế. Indonesia quan trọng gấp nhiều lần Việt Nam, chưa nói riêng miền Nam Việt Nam. Tại đây Hoa Kỳ đã hoàn toàn thắng lợi. Sự biểu lộ quyết tâm và sức mạnh của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã đem lại tin tưởng cho quân đội Indonesia chưa hoàn toàn bị đảng cộng sản kiểm soát, quân đội Indonesia trở thành một đe dọa cho đảng cộng sản Indonesia, buộc đảng này phải ra tay trước, tổ chức đảo chánh, để rồi thất bại và bị tàn sát trong vòng hai tuần lễ năm 1965. Không phải là một sự tình cờ mà chỉ một năm sau khi Hoa Kỳ đổ bộ ào ạt vào Việt Nam, tình hình Indonesia thay đổi hẳn. Sau khi đã lật ngược được thế cờ tại Indonesia, mục tiêu chiến lược chính của Hoa Kỳ tại Châu Á đã đạt được, Việt Nam không còn quan trọng nữa.
Nhưng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục can thiệp tại Việt Nam sau đó, bỏ ra hàng chục tỷ đô la mỗi năm vì hai lý do : một là họ tin có thể thắng luôn tại Việt Nam, hai là họ cũng cần củng cố thêm các chế độ đồng minh tại Châu Á. Khối lượng đô la mà Hoa Kỳ đổ vào Việt Nam đã là một sức bật kinh tế quan trọng cho Nhật Bản, Đài Loan, Đại Hàn và Thái Lan. Khi Hoa Kỳ quyết định rút lui khỏi Việt Nam năm 1973, các nước này đều đã vững mạnh. Nhật đã thành một đại cường, Đài Loan và Đại Hàn những nước kỹ nghệ hóa, Thái Lan đã cất cánh.
Cuộc chiến Việt Nam cũng đã làm kiệt quệ Liên Xô và khối cộng sản. Người Mỹ đã phí tổn rất nhiều tại Việt Nam, nhưng họ quá mạnh, nền kinh tế của họ chỉ giảm sút đà tăng trưởng. Liên Xô và khối cộng sản chi phí ít hơn nhưng đã chi phí quá sức và bị kiệt quệ.
Chiến thắng ngày 30-4-1975 cũng đã rất độc hại cho khối cộng sản, do tình trạng suy kiệt và tuyệt vọng trong một cuộc cạnh tranh hòa bình, họ phải chọn lựa chiến lược liều lĩnh ''thừa thắng xông lên'' tương tự như Hitler quyết định tấn công Liên Xô năm 1942 và làm mất đi một cơ hội duy nhất để vươn lên, đó là cuộc khủng hoảng dầu hỏa trong suốt thập niên 1970. Giá dầu từ 6 USD năm 1970 tăng lên đến 35 USD một ba-rin năm 1980, các nước tư bản đều khốn đốn vì dầu lửa trong khi Liên Xô, mà nguồn lợi chủ yếu là xuất khẩu dầu, bỗng dưng thấy thu nhập của mình tăng gấp bốn, năm lần. Liên Xô đã sử dụng ưu thế giai đoạn này và khí thế của chiến thắng Việt Nam để ào ạt tiến công khắp nơi. Các lực lượng cộng sản chiếm chính quyền tại Việt Nam, Kampuchia, Lào, Afghanistan, Ethiopia, Angola, Nicaragua và nhiều nước Châu Phi khác. Liên Xô cũng tài trợ cho nhiều cuộc chiến tranh giải phóng tốn kém khác tại khắp nơi. Để làm hậu thuẫn cho các cuộc tiến công này, họ phung phí đại bộ phận tài nguyên vào việc chế tạo vô số vũ khí : bom nguyên tử, tàu ngầm, chiến xa. Nhưng cuộc tiến công này đã không đánh gục được khối tư bản, và khi cuộc khủng hoảng dầu lửa chấm dứt, Liên Xô hoàn toàn tuyệt vọng. Gorbachev không phải là người chủ trương giải thể Liên Xô và khối cộng sản, nhưng khi lên làm chủ Liên Xô năm 1985, ông không còn chọn lựa nào khác.
Cho tới nay, nhiều người vẫn mừng rằng cuộc thư hùng giữa hai khối tư bản và cộng sản đã không đưa đến thế chiến. Sự thực thì đã có thế chiến, nhưng là một thế chiến giới hạn ở một số địa phương, trong đó mặt trận Việt Nam là chính. Tình hình không thể khác, nghĩa là không thể có chiến tranh trực tiếp giữa Mỹ và Liên Xô, vì một mặt Liên Xô biết rõ sức mạnh hơn hẳn của võ khí hạt nhân Mỹ và mặt khác Hoa Kỳ thấy không cần thế chiến cũng sẽ thắng được Liên Xô. Nhưng phải nói đã có chiến tranh giữa hai khối tại Việt Nam và cuộc chiến đã kết thúc một cách kỳ cục : khối cộng sản đã toàn thắng trong một hiệp nhưng bị chấn thương tới mức không còn đủ sức tiếp tục các hiệp sau, và sau cùng đã bỏ cuộc.
Trong cuộc chiến Việt Nam, người Mỹ không phải chỉ đã đạt được mục tiêu chiến lược mà họ còn thắng lợi cả về mặt tâm lý. Trong những năm can thiệp vào Việt Nam, họ đã chứng tỏ được bản chất dân chủ tự do thực sự của họ và đã chinh phục được cảm tình người Việt. Hiện nay tại Việt Nam không còn ai thù ghét Mỹ, trái lại mọi người đều mong mỏi một sự hợp tác tích cực hơn với Hoa Kỳ. Nếu có được một cái nhìn bao quát và sáng suốt hơn, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã phải thấy rằng chiến thắng của họ chỉ là một nước cờ trong một ván cờ, chẳng có gì đáng để tự cao tự đại.
Chúng ta hiểu rõ bản chất cuộc chiến này chưa?
Lịch sử Việt Nam đầy rẫy chiến tranh, Việt Nam có nhiều chiến tranh hơn bất cứ một dân tộc nào trên thế giới, nhưng cuộc chiến này khác hẳn với những cuộc chiến tranh trước. Nó không phải là một cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Nó là một cuộc chiến mà người ta dụ cho quân nước ngoài đến và mong nó đến để đánh. Nó vừa là một cuộc nội chiến vừa là một cuộc thế chiến. Nó cũng là cuộc chiến làm thiệt mạng nhiều người Việt Nam nhất.
Nhưng nét đặc biệt chưa từng có trong lịch sử Việt Nam là đây là lần đầu tiên mà người Việt Nam tàn sát nhau vì ý thức hệ. Cho tới nay tại Việt Nam đã có rất nhiều cuộc chiến, nhưng các bên lâm chiến tuy tranh giành nhau quyền cai trị vẫn đều đồng ý với nhau về một khuôn mẫu chính trị: chế độ quân chủ tuyệt đối đặt nền tảng trên Khổng giáo. Lần này hai bên không những tranh quyền mà còn tranh giành để áp đặt hai chế độ chính trị đối nghịch: chế độ dân chủ kiểu phương Tây và chế độ cộng sản. Cũng vì thế mà đây là lần đầu tiên người Việt Nam thù ghét nhau vì ý kiến và thành phần xã hội. Lần đầu tiên có một lực lượng Việt Nam chủ trương tiêu diệt một số thành phần xã hội Việt Nam (trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ).
Về bản chất, cuộc chiến này là một cuộc khủng hoảng canh tân. Ý thức hệ quân chủ Nho giáo đã sụp đổ. Phải thay thế nó bằng một chế độ mới và người Việt Nam tàn sát nhau vì không đạt được tới đồng thuận trên một chế độ mới. Phải nói ngay rằng sự kiện một dân tộc tàn sát nhau vì bất đồng ý kiến chứng tỏ lòng yêu nước sa sút, tinh thần dân tộc không còn đủ mạnh để người ta nhìn nhau trước hết như là những đồng bào. Thay vì nhìn người trước mặt là một người Việt Nam, người ta lại chỉ thấy đó là một người quốc gia hay một người cộng sản.
Một cách thô vụng, phe quốc gia, hay chính quyền miền Nam, bảo vệ cho các giá trị tự do và dân chủ của phương Tây. Tự do thiếu sót và xô bồ nhưng vẫn có tự do. Dân chủ gian trá và bệnh hoạn nhưng vẫn có dân chủ.
Một cách tinh vi, phe cộng sản, hay chính quyền miền Bắc, tượng trưng cho thế lực bảo thủ từ chối đổi mới, bảo vệ những giá trị cũ.
Nhìn một cách khách quan và sáng suốt thì chọn lựa của phe quốc gia là đúng, nhưng chuyển hóa về một xã hội dân chủ phương Tây từ một xã hội theo truyền thống quân chủ Khổng giáo từ hai ngàn năm là một thay đổi vô cùng to lớn, đòi hỏi một bước nhảy vọt tư tưởng để tiến tới một văn hóa dân chủ mà những người lãnh đạo phe quốc gia hoàn toàn không có khả năng. Xét cho cùng đó chỉ là hậu quả của tình trạng dân trí kém, tình trạng mà Phan Chu Trinh gọi một cách bực bội là ''dân trí thấp hèn''. Trong suốt năm thế kỷ, từ Nguyễn Trãi, chúng ta không có nổi một nhà tư tưởng lớn. Bốn thế kỷ chiến tranh và tang tóc liên tiếp cũng đã làm cho Việt Nam kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần khiến cho lý luận triết học và chính trị của ta hầu như không có. Một dân tộc không có lãnh đạo tư tưởng dĩ nhiên là không có định hướng và làm mồi ngon cho đủ thứ mặc cảm và sai lầm.
Thể chế gắn liền với văn hóa, mà văn hóa phương Tây thì lại khác hẳn với văn hóa cố hữu của ta. Không những khác mà còn đối chọi. Văn hóa và nếp sống phương Tây đem đến những đảo lộn vô cùng lớn trong xã hội và trong lòng người, dĩ nhiên nó phải gặp những phản kháng bảo thủ rất mạnh. Đã thế, văn hóa phương Tây còn được du nhập vào nước ta trong điều kiện cực kỳ tồi tệ : chúng ta bị đô hộ. Chính vì cuộc đô hộ này mà quần chúng Việt Nam trước hết nhìn phương Tây như kẻ thù. Cuộc đô hộ của người Pháp một mặt tập quen chúng ta với một số giá trị phương Tây, một mặt cũng tạo ra một tâm lý chống đối phương Tây. Công việc của phe quốc gia lại càng khó.
Phe quốc gia cần một cuộc vận động tư tưởng lớn để thuyết phục dân chúng tham gia vào một dự án xây dựng dân chủ. Họ cần những người lãnh đạo thật dân chủ và có khả năng thuyết phục, nhưng những người cầm đầu phe quốc gia hoàn toàn không phải là những người đó. Các thủ tướng của Bảo Đại đều là viên chức của thời Pháp. Ông Ngô Đình Diệm là một cựu thượng thư Nam Triều, cuộc ''cách mạng'' 1-11-1963 đưa lên một quốc trưởng lính Pháp cũ và một thủ tướng cựu đốc phủ sứ. Ngay cả cái máy chém thời Pháp thuộc đã nhuộm máu biết bao anh hùng dân tộc cũng được lưu dụng rất lâu. Guồng máy chính quyền của họ vẫn chỉ là sự tiếp nối của guồng máy thực dân. Cho tới ngày 30-4-1975 vẫn còn một số lớn những cấp lãnh đạo của Việt Nam Cộng Hòa xuất phát từ guồng máy thuộc địa. Nhiều tướng lãnh quân đội Việt Nam Cộng Hòa, kể cả vị tướng bộ trưởng quốc phòng, xuất phát từ lính Pháp trước đây. Chọn lựa của miền Nam đúng nhưng là một chọn lựa đầy thách đố, trên thực tế nó lại là một chọn lựa không suy nghĩ, không chủ ý, do đó thiếu hẳn sức thuyết phục.
Nhờ hỗ trợ của phương Tây, phe quốc gia đã kéo dài được hơn một phần tư thế kỷ. Thời gian này đã chứng kiến sự trưởng thành của một lớp người mới, có tinh thần dân tộc và có ý thức dân chủ thực sự, nhưng những người này chưa kịp nắm thế chủ động thì chính quyền quốc gia sụp đổ. Những năm cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa chứng kiến một tình trạng ngược đời. Những người dân chủ khá đông nhưng lại không có vai trò chủ động. Trong guồng máy chính quyền, các cấp trưởng phòng, chánh sự vụ, giám đốc, v.v... thì mẫn cán và tiến bộ trong khi các tổng giám đốc, bộ trưởng, thủ tướng, tổng thống nói chung lại rất tồi. Trong quân đội, các đại úy, thiếu tá thì giỏi trong khi các tướng lãnh thì bê bối. Phe quốc gia theo đuổi một định hướng đòi hỏi một đoạn tuyệt lớn nhưng lại không làm một cuộc cách mạng cần thiết.
Phe cộng sản về bản chất là một lực lượng thủ cựu. Trước sự sụp đổ của ý thức hệ Khổng giáo, họ đề nghị chủ nghĩa cộng sản, một chủ nghĩa chỉ đòi hỏi những thay đổi tâm lý nhỏ ở một xã hội Nho giáo. Xét cho cùng, chủ nghĩa cộng sản chỉ là một thứ Khổng giáo tân trang. Nó cũng phủ nhận tự do cá nhân, cũng giáo điều, độc đoán, độc tôn, xơ cứng như Khổng giáo. Nó cũng phân chia giai cấp, bài bác thương mại, cũng o bế nông dân. Chỉ cần lấy Marx đặt vào địa vị Khổng Tử, lấy Tư Bản Luận thay vào chỗ Tứ Thư, Ngũ Kinh, lấy Trung ương đảng đặt vào chỗ triều đình, lấy đám đảng viên thay cho lớp sĩ phu là đâu vào đó. Tâm lý cộng sản và tâm lý Khổng giáo là một, do đó nó không đòi hỏi ở xã hội Khổng giáo một thay đổi tâm lý nhức nhối nào cả. Không phải là một sự tình cờ mà chủ nghĩa cộng sản xuất phát từ phương Tây nhưng lại thành công ở Châu Á và ba trong bốn nước cộng sản còn lại là những quốc gia Khổng giáo trước đây.
Phe cộng sản đề cao những giá trị của xã hội cũ. Trước đây thì ''chí làm trai dặm nghìn da ngựa'', nay thì ''đường ra trận mùa này đẹp lắm'' (bài hát Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây). Giá trị chiến tranh này trí thức miền Nam không chấp nhận nữa, họ phản chiến và kêu gọi hòa bình. Những hình ảnh mà phe cộng sản đưa ra cũng chỉ là những hình ảnh cũ. Ông Hồ Chí Minh xuất hiện như một nhà nho khổ hạnh, một người cha già dân tộc, các lãnh tụ của phe cộng sản ăn mặc xuềnh xoàng như hình ảnh của những ông quan thanh liêm cần kiệm thời xưa. Họ phơi bày trước thế giới sự mộc mạc của một nước nghèo chống ngoại xâm: những bàn chông tre, những đôi dép lốp, những chiếc nón tai bèo. Thơ văn tuyên truyền của họ chuyên chở những hình ảnh mộc mạc. ''Bàn tay ta làm nên tất cả, với sức người sỏi đá cũng thành cơm'', v.v... Chỉ có bàn tay thôi chứ không có máy cày, cơ giới. Chỉ có cơm thôi chứ không có tivi, tủ lạnh, v.v... Những người ủng hộ họ cũng chỉ đề cao những hình ảnh ấy. ''Dân ta về cày bừa đủ áo cơm no''. Vẫn cái cày, cái bừa. Họ gọi nhau bằng bác, bằng cháu, bằng anh nuôi, chị nuôi quân đội đúng như truyền thống của một chế độ gia tộc truyền thống. Tất cả đều chỉ là những ngôn ngữ và hình ảnh của một nền văn hóa nông nghiệp sơ sài.
Chính vì thế mà họ có một dáng dấp quen thuộc và quần chúng Việt Nam ngay cả có ghét cũng thấy gần gũi với họ hơn là với các cấp chỉ huy của phe quốc gia mặc âu phục, ngồi bàn giấy, đi xe hơi, nói chuyện sắc luật, nghị định pha tiếng Anh, tiếng Pháp. Đó là lý do khiến cho họ ở trong dân như cá trong nước.
Về cơ bản, cộng sản là một lực lượng cải tổ, tiếp nối truyền thống của xã hội quân chủ Nho giáo, chống lại cuộc cách mạng dân chủ mà phe quốc gia đại diện một cách vụng về. Điều ngược đời là nó lại được mọi người, kể cả những người quốc gia, nhìn như một lực lượng cách mạng trong khi phe quốc gia chỉ được nhìn như một lực lượng cải tổ. Tại sao như vậy ? Lý do là vì chính quyền quốc gia tiếp nối guồng máy cai trị của người Pháp và chỉ cải tổ dần dần guồng máy này, trong khi phe cộng sản muốn đánh đổ guồng máy này và vì thế xuất hiện như một lực lượng cách mạng. Như vậy nếu lấy chính quyền thuộc địa Pháp làm điểm qui chiếu thì phe quốc gia chỉ cải tổ trong khi phe cộng sản làm cách mạng, nhưng nếu lấy xã hội và văn hóa Việt Nam làm điểm qui chiếu, nghĩa là nếu có cái nhìn đúng, thì cộng sản chỉ là một lực lượng cải tổ mà thôi trong khi thể chế dân chủ của phe quốc gia mới thực sự là một đoạn tuyệt có tính cách mạng. Người cộng sản đã chịu đựng vô vàn hy sinh để giành thắng lợi. Hy sinh tạo ra một ảo tưởng vĩ đại. Nhưng thực ra lý tưởng mà họ theo đuổi chỉ rất tầm thường, nó chỉ là sự tiếp nối của một văn hóa chính trị đã lỗi thời và cần phải vứt bỏ.
Chọn lựa dân chủ là đúng. Không những đúng mà còn bắt buộc. Đảng cộng sản đã làm gì kể từ ngày chiến thắng 30-4-1975 ? Họ đã áp dụng chế độ cộng sản, đã làm cho đất nước tụt hậu thê thảm và phải thay đổi. Chính sách đổi mới của họ trong mười năm qua là gì nếu không phải là sự giã từ lúng túng và miễn cưỡng một đường lối mà họ đã làm hao tổn hàng triệu sinh mệnh Việt Nam để áp đặt ? Cuối cùng họ đã chỉ làm đất nước mất đi vài chục năm, sau khi đã phải chịu đựng những đổ vỡ kinh khủng.
Tóm lại, cuộc chiến vừa rồi chính là cuộc chiến giữa khuynh hướng canh tân theo các giá trị tự do dân chủ và khuynh hướng thủ cựu dựa trên và tiếp nối các giá trị của xã hội cũ. Lực lượng thủ cựu đã thắng vì tư tưởng chính trị của quần chúng Việt Nam chưa tiến hóa đủ để tiếp nhận các giá trị tiến bộ trong khi những người cầm đầu phe canh tân cũng không đủ tư cách, kiến thức và bản lãnh chính trị để phất cao ngọn cờ dân chủ.
Có nên trách những người lãnh đạo kế tiếp nhau của phe quốc gia không, hay nên bùi ngùi vì sự thiếu hụt tư tưởng chính trị của Việt Nam, trước hết là của trí thức Việt Nam ? Một sự kiện bi đát là, ở cả hai phía, trong suốt ba mươi năm xung đột, từ 1945 đến 1975, chúng ta đã không có nổi một bản nghị luận chính trị có giá trị và cũng không có nổi một chính trị gia dân chủ đúng nghĩa. Trong bối cảnh dân trí đó, sự thắng lợi của lực lượng bảo thủ chống dân chủ chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Dù đó là điều rất đáng ân hận. Cây dân chủ đã chỉ được trồng một cách cẩu thả trên một mảnh đất chưa chuẩn bị.
Phe cộng sản lúc đó cũng đã được hậu thuẫn của một phản ứng bảo thủ trên khắp thế giới.
Thập niên 1960 chứng kiến một khúc quanh quan trọng của nền văn minh thế giới. Các nước dân chủ tư bản đã hoàn toàn phục hồi sau thế chiến II và phát triển mạnh mẽ, kỷ nguyên kỹ nghệ bắt đầu nhường bước cho kỷ nguyên hậu kỹ nghệ. Kỹ nghệ tự động và tin học đi vào ứng dụng thay đổi hẳn cách làm việc và giao dịch, con người đi vào không gian và chinh phục mặt trăng, các công ty đa quốc gia xuất hiện và bành trướng, truyền thông và du lịch nhảy vọt, nền văn minh Coca Cola và Fast Food lan tràn, trong hoạt động kinh tế dịch vụ trở thành quan trọng hơn sản xuất. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, các phát minh khoa học kỹ thuật không làm tăng mà còn làm giảm số công nhân. Các tiến bộ vật chất, khoa học, kỹ thuật và tổ chức đã đi nhanh hơn các chuẩn bị về tư tưởng.
Tất cả những thay đổi trọng đại đó đảo lộn mọi quan hệ trong xã hội, đảo lộn các trật tự, tập quán, cách suy nghĩ và nếp sống cũ, chất vấn các giá trị cũ, làm lung lay cả những ý niệm từ trước vẫn được coi là bất di bất dịch. Tất cả những đảo lộn đó đặt ra những vấn nạn chưa kịp trả lời về sinh hoạt xã hội, về chỗ đứng của con người trong xã hội, về chỗ đứng của các quốc gia trên thế giới, và cả về môi trường, cho nên đã gây hoang mang, lo sợ và tạo ra một phản ứng chống đối mãnh liệt. Trong suốt thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 bùng lên một phong trào toàn cầu coi hiện đại hóa và phát triển kinh tế như những tai họa cần phải chận đứng. Chủ nghĩa tư bản bị coi là một mối nguy, một con quái vật không linh hồn, đầu tư nước ngoài như một công cụ xâm lược, các công ty đa quốc gia như cơ cấu của một đế quốc mới, đế quốc Mỹ. Chủ nghĩa xã hội được coi là một giải pháp nhân bản cứu vãn thế giới khỏi cuộc chuyển hóa khủng khiếp này, Marx được tôn lên hàng một tiên tri.
Trong các trường đại học Châu Âu chỉ có những người mác-xít được coi là trí thức chân chính. Nhiều người ủng hộ phe cộng sản tại Việt Nam chỉ vì chống Mỹ. Đảng cộng sản Việt Nam được coi như lương tâm của thế giới chống lại con quái vật Hoa Kỳ.
Song song với phản ứng bảo thủ ngăn chặn một chuyển hóa gây lo sợ vì chưa được thấu hiểu này là sự hốt hoảng về một nguy cơ thế chiến hạt nhân có khả năng hủy diệt cả trái đất. Thập niên 1960 cũng là thập niên chạy đua võ trang dữ dội giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Quyết tâm của Liên Xô rõ ràng là không lay chuyển được, các phong trào phản chiến chỉ còn cách làm áp lực đòi Hoa Kỳ phải nhượng bộ. Khẩu hiệu thời thượng của thập niên này là ''chẳng thà đỏ còn hơn chết''. Và dĩ nhiên trọng tâm của cuộc vận động hòa bình này hướng về Việt Nam, nơi cuộc chạm trán Hoa Kỳ - Liên Xô có thể nổ bùng thành một chiến tranh nguyên tử.
Áp lực tổng hợp của hai trào lưu chống hiện đại hóa và chống nguy cơ chiến tranh này mạnh đến nỗi ngay cả các trí thức bình tĩnh nhất cũng muốn Hoa Kỳ nhượng bộ và rút khỏi Việt Nam. Chính giới Hoa Kỳ không phải là không thấy sự chính đáng của cuộc can thiệp vào Việt Nam nhưng cũng nghĩ tầm quan trọng của nó không đủ để khiến Hoa Kỳ phải chịu đựng những chống đối quá lớn, nhất là khi các mục tiêu chiến lược chính đã đạt được rồi. Nixon, chính trị gia diều hâu bậc nhất của Hoa Kỳ, đắc cử tổng thống năm 1968 với lời cam kết sẽ chấm dứt chiến tranh.
Một bối cảnh quốc tế và quốc nội bất lợi như vậy đòi hỏi ở Việt Nam Cộng Hòa, nếu muốn sống còn, một sức mạnh tinh thần rất lớn. Nhưng sức mạnh này phe quốc gia không có. Mà cũng khó có được bởi vì tư tưởng chính trị của Việt Nam quá kém. Ơ? đây cần phải minh định: không có vấn đề một dân tộc chưa đủ trình độ để có dân chủ, dân chủ và tự do có thể thực hiện được và đem lại phúc lợi trong mọi trường hợp, nhưng khi dân trí kém thì các thế lực độc tài chuyên chính có đất dụng võ tốt và dễ giành được thắng lợi. Đó là tình trạng đáng buồn của chúng ta.
Cho tới nay nhiều người vẫn còn tự hỏi nếu không có vụ Watergate buộc Nixon phải từ chức, nếu, nếu, v.v... Nhưng làm sao tránh được những biến cố đó. Trong một cuộc xung đột kéo dài tất nhiên phải có những biến cố thuận lợi và những biến cố bất lợi. Phe quốc gia cũng đã có những biến cố rất thuận lợi : cuộc xung đột giữa Liên Xô và Trung Cộng, biến cố mùa xuân 1968 tại Tiệp Khắc, Trung Quốc kết thân với Hoa Kỳ và trở mặt với Hà Nội, hai cuộc tổng tấn công tự sát của Hà Nội mùa xuân 1968 và mùa hè 1972, v.v... Phe quốc gia đã được nhiều yếu tố có thể lợi dụng nhưng vì bản lãnh chính trị quá yếu nên đã không lợi dụng được.
Ngày 30-4-1975 đã kết thúc một cuộc chiến mà chủ yếu là xung đột canh tân trong đó lực lượng bảo thủ và phản dân chủ đã thắng vì văn hóa và trí tuệ Việt Nam chưa được khai thông. Trách ai, nếu không phải là trí thức Việt Nam ? Chúng ta có khá nhiều khoa bảng nhưng thiếu trí thức. Chúng ta có nhiều kiến thức chuyên môn nhưng tư tưởng chính trị thì chúng ta lại không có. Nhiều dân tộc dân trí không hơn chúng ta nhưng đã tiến tới dân chủ dẽ dàng hơn chúng ta vì họ may mắn không có một lực lượng thủ cựu tinh vi và quả quyết như đảng cộng sản Việt Nam, và họ không có một vĩ nhân như Hồ Chí Minh.
Lúc đang học tập cải tạo, có một lần tôi được phép đọc một số báo đảng. Tôi đọc bài tường thuật cuộc thăm viếng Pháp của ông Phạm văn Đồng, lúc đó là chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng. Bài báo tường thuật cuộc tiếp đón linh đình của trí thức Việt kiều tại Pháp dành cho ông Đồng. Kết thúc buổi gặp mặt, các đại biểu Việt kiều đã cùng chủ tịch Phạm Văn Đồng hát vang bài ''Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng''. Trong thời gian du học tại Pháp, tôi đ^ã biết các đại biểu này. Họ đều là những trí thức lỗi lạc theo tiêu chuẩn Việt Nam. Tôi biết họ yêu nước và họ đã theo cộng sản vì lòng yêu nước và cũng vì chạy theo thời trang. Cũng trong sấp báo đó, tôi được đọc một bài của một cựu thẩm phán có tên tuổi tại miền Nam, nổi tiếng là tiến bộ và do đó không bị đi cải tạo, hân hoan ca tụng đại hội lần thứ tư của đảng, với lời kết luận : ''Chúng ta hãnh diện vì báo cáo chính trị của đồng chí Lê Duẩn''. Trí thức Việt Nam nhảy múa reo mừng trước vực thẳm và tung hô những ân nhân dẫn họ và dân tộc vào đêm đen. Sự kém cỏi về ý thức chính trị đã không cho phép trí thức Việt Nam bay bổng và nhìn cao. Họ chỉ nhìn các chính quyền quốc gia như là một bè lũ tay sai ngoại bang mà không nhìn thấy phúc lợi của dân chủ mà các chế độ quốc gia đề nghị. Ngược lại họ cũng không nhìn thấy rằng cộng sản chỉ là một bộ mặt mới của một khuôn mẫu chính trị đã cũ kỹ cả ngàn năm.
Ngày 30-4-1975 đã là ngày khởi đầu của một tiến trình suy thoái bi đát cho đất nước về mọi mặt, văn hóa, đạo đức, kinh tế và môi trường. Nhưng như một câu nói của người Pháp trong tai họa cũng có cái may (à quelque chose malheur est bon), từ đó nước ta cũng đã có một số chuyển biến tích cực.
Chiến tranh đã chấm dứt. Hòa bình tồi tệ vẫn còn hơn chiến tranh, nhất là khi, dầu sao, kẻ chiến thắng cũng là người Việt Nam. Vả lại, không có cuộc chiến tranh nào là đúng, là tốt cả.
Đất nước đã thống nhất, đó cũng điều rất quan trọng bởi vì trong hơn bốn thế kỷ trước năm 1975, chúng ta chưa có nổi một trăm năm thống nhất. Điều đáng buồn là chúng ta vẫn có thể thống nhất mà không phải trả giá nặng đến như thế.
Các tôn giáo đã được đưa ra khỏi chính trị. Đây cũng là điều rất đáng mừng, phân biệt tôn giáo và chính trị là điều kiện cơ bản của dân chủ và tiến bộ. Điều đáng tiếc là lần này chính trị lại nhảy vào và dẫm đạp lên tôn giáo, nhưng điều này một chính quyền dân chủ tương lai có thể chấm dứt tức khắc và dễ dàng.
Các khó khăn của cuộc sống sau 1975 đã phá vỡ một số tâm lý lỗi thời, chủ yếu là óc khinh thường kinh doanh, óc trọng văn khinh nghề. Từ đó, hình như gia đình Việt Nam nào cũng buôn bán một cái gì, không thiếu những người có trình độ trung học, đại học đạp xích lô, may quần áo, bán tạp hóa. Buôn bán là bước đầu cần thiết cho kinh tế thị trường và phồn vinh, chúng ta đã bắt đầu cuộc chuyển hóa từ một tâm lý làm công ăn lương sang một tâm lý kinh doanh.
Chúng ta đã than phiền về tình trạng đạo đức suy đồi của những năm gần đây. Đó là điều có thực nhưng theo tôi không đáng sợ lắm, một chính quyền dân chủ pháp trị đứng đắn sẽ đem lại được trật tự trong lòng người và trong xã hội, sinh hoạt kinh tế thị trường thực sự và luật chơi thực sự của buôn bán sẽ bắt buộc con người phải nhã nhặn và lương thiện. Điều quan trọng là tâm lý con người đã thay đổi và nhiều giá trị lỗi thời đã bị đào thải. Phát triển, kể cả phát triển kinh tế, chủ yếu là một vấn đề tâm lý và văn hóa.
Đảng cộng sản và chế độ cộng sản đã là tai họa lớn nhất về sinh mạng, văn hóa, kinh tế và môi sinh mà Việt Nam đã phải chịu đựng trong suốt dòng lịch sử, nhưng chính kinh nghiệm của nó đã khiến dân tộc Việt Nam đạt tới một tin tưởng chắc chắn và thầm kín vào tự do và dân chủ.
Tất cả những yếu tố tích cực đó phải chăng là do công của đảng cộng sản? Khi tôi vừa mới ở tù ra, mẹ tôi ngạc nhiên thấy tôi trở thành dễ tính, giường nào ngủ cũng được, một bát nước luộc rau muống cũng đủ để ăn ngon lành ba bốn bát cơm, bà cười nói : ''Thằng này đi cải tạo về tiến bộ quá''. Nhưng chắc chắn bà không nghĩ việc tôi đi tù là có lợi và cũng không cảm ơn những người đã bỏ tù con bà.
Nhưng có một sự kiện vô cùng trọng đại mà phải nói rằng nếu không có ngày 30-4-1975 chắc chắn chúng ta sẽ không có, đó là sự hình thành của cộng đồng người Việt hải ngoại. Chúng ta là một dân tộc rất đông đảo, 80 triệu người trước ngưỡng cửa thế kỷ 21, trên mặt đất cứ 1.000 người thì có 14 người Việt Nam. Nhưng trước ngày 30-4-1975, chúng ta không có một cộng đồng hải ngoại. Đó là một thiệt thòi lớn. Gần ba triệu người Việt hải ngoại có sức mạnh kinh tế tương đương với 80 triệu người trong nước. Người Việt hải ngoại đã thử nghiệm mọi nếp sống và mọi chế độ, đã len lỏi được vào mọi bộ môn kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Cộng đồng người Việt hải ngoại là những đầu cầu khoa học, kỹ thuật vô giá, và cũng là một nguồn tiếp liệu lớn cho đất nước. Nhưng vai trò quan trọng nhất của nó là con mắt của Việt Nam để quan sát và học hỏi thế giới. Một dân tộc không có cộng đồng hải ngoại chẳng khác gì một người mù. Có thể nói sở dĩ chúng ta chập choạng và lầm đường cho tới ngày nay, với biết bao thảm kịch cũng vì chúng ta thiếu một cộng đồng hải ngoại. Một quan hệ bình thường và mật thiết giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và đất nước sẽ là một bảo đảm rằng Việt Nam sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn lạc vào ngõ cụt của thủ cựu và cố chấp.
Lần này là một trong những lần cuối cùng mà chúng ta đón nhận ngày 30-4 như nó vẫn thường đến, với thái độ huênh hoang đắc thắng của một số người và với sự tủi hờn của một số người khác. Như một trái cây đã chín và phải rụng vì trọng lượng của chính nó, chế độ độc tài đảng trị sắp cáo chung. Chúng ta đã mong mỏi sự cáo chung này và chúng ta đã liên tiếp thất vọng, chúng ta nhiều lần dự đoán sự cáo chung này và vẫn luôn luôn sai lầm, nhưng nó sắp đến và có nhiều khả năng là nó sẽ đến vào lúc chúng ta vẫn chưa sẵn sàng.
Một khi chế độ cộng sản đã cáo chung, sự huênh hoang đắc thắng sẽ không còn nữa và sự tủi hờn cũng không còn nữa. Cả hai ý nghĩa hiện nay của ngày 30-4 - ngày chiến thắng và ngày quốc hận - đều sẽ tiêu tan, nhưng chúng ta sẽ sai lầm lớn nếu không còn coi ngày 30-4 như một ngày lễ lớn.
Ngày 30-4 nên được giữ lại như một ngày để cả nước tưởng niệm và suy nghĩ, tưởng niệm mọi nạn nhân của cuộc chiến tranh này và suy nghĩ về đất nước.
Tôi mường tượng đó sẽ là ngày nghỉ, với mọi tiếng động đột nhiên lắng xuống, rồi một buổi lễ được cử hành tại Côn Đảo, nơi một tượng đài được dựng lên tưởng niệm những người đã bỏ mình trên đường vượt biển. Chúng ta sẽ thắp hương và đặt hoa trên mộ các tử sĩ và nạn nhân của mọi bên. Đó sẽ là ngày Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc. Chúng ta sẽ cùng nhau tâm niệm ý nghĩa thực sự của ngày 30-4-1975 : đất nước đã chọn đi vào ngõ cụt vì kém cỏi trong tư tưởng và nhận thức. Đối với trí thức Việt Nam, đó cũng là ngày của tự xét và ăn năn.
Nguyễn Gia Kiểng (Thông Luận 115, tháng 5-1998)

HNN bình:
Trong bài này Nguyễn Gia Kiểng có ám chỉ một điều rằng VN không có nhà tư tưởng nên mới thành ra khổ thế!
Điều này quả thật là đúng!
Nhưng thực tế VN có nhà tư tưởng như Phan Chu Trinh, Nguyễn Mạnh Tường, và Trần Đức Thảo. Có điều họ không được sử dụng vào việc canh tân đất nước làm cho đất nước tự cường.
Ở Nhật Bản, thời Minh Trị Duy Tân, có rất nhiều nhà tư tưởng, và đặc sắc có ông Fukuzawa Yukichi - người mà hình được in trên tờ 1 vạn yên. Ông ấy đã mang tri thức về cho Nhật Bản. Trước thời Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản cũng Khổng Nho toàn tập, và đất nước luôn lết bết với nội chiến và luôn xưng thần với Tàu Phong Kiến. Ông Fukuzawa Yukichi đã viết một tác phẩm quan trọng là Thoát Á Luận, và một tác phẩm gối đầu giường của mọi người Nhật thời đó là "Khuyến học". Chính vì vậy mà dân trí họ có bước nhảy khủng khiếp.
Tuy nhiên, có 2 yếu tố trợ giúp nhà tư tưởng:
1/ Người nắm quyền lực trong tay phải muốn canh tân đất nước.
2/ Nhân dân cũng khát khao đưa đất nước tự cường.
Nhật Bản được cả 2 yếu tố trên.
Thời Minh Trị Duy Tân, Quyền Lực nằm trong tay giới võ sĩ. Và giới võ sĩ này khát khao canh tân đất nước và đồng thời Minh Trị Thiên Hoàng cũng ủng hộ (mặc dù Thiên Hoàng không có quyền lực). Để ủng hộ việc đưa tư tưởng dân chủ tiến bộ vào sâu trong mọi ngõ hẻm của nước Nhật thì nhóm võ sĩ nắm quyền lực sẵn sàng thẳng tay triệt hạ những võ sĩ bảo hoàng muốn duy trì kiểu chính trị tập quyền Khổng Nho. Xem phim The Last Samurai sẽ thấy rõ điều đó.
Và từ đó nghiễm nhiên giới võ sĩ trở thành những người hoạt động chính trị. Cho đến tận ngày nay, các dòng tộc đó vẫn gần như độc quyền hoạt động chính trị. Những người thuộc giới khác rất khó chen chân vào. Đó là đặc thù của Nhật Bản.

Quay lại đất nước ta, chúng ta cũng có những nhà tư tưởng rất lớn.
Có thể kể đến là Phan Chu Trinh - Nhưng thật tiếc ông không có ai ủng hộ.

Sau này có 2 người cực giỏi bỏ nước Pháp theo Hồ Chí Minh về làm cách mạng, nhưng thật tiếc lại không được trọng dụng đó là Nguyễn Mạnh Tường và triết gia duy nhất của VN Trần Đức Thảo