Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2008

Người tốt... - Hồi thứ tư - Đứa con của cỏ dại



Tiểu Yến Tử ngả đầu vào vai Công Tử Bột hơi thở đều đều nhẹ nhàng, cô thiếp đi trong giấc ngủ bình an lúc nào không hay. Ngoài khơi xa những con tàu vẫn bập bềnh trên sóng nước, gió đẩy mây trôi lững lờ về phía cuối chân trời. Thủy triều bắt đầu dâng, những con sóng ì oạp vỗ vào những tảng đá ven bờ xung quanh nơi họ ngồi. Sau lưng họ, mặt trời bắt đầu lặn dần xuống bên dưới những rặng thông già cỗi. Bóng hai người đổ dài trên mặt nước, tóc Tiểu Yến Tử từng sợi nhẹ bay theo làn gió thoảng. Họ vẫn ngồi bên nhau lặng im như một cặp nhân tình đang trong mùa sim chín. Cô gái vẫn đang chìm sâu trong giấc ngủ thiên nhiên khiến cho Công Tử Bột không dám động cựa, mặc dù hắn đã cảm thấy khắp mình mẩy đau nhừ và tê cứng. Bầu trời xám xịt của biển đầu mùa đông đã bắt đầu nhuộm đen báo hiệu một đêm dài sắp buông xuống, gió nhẹ se se lạnh mà sao Công Tử Bột lại lấm tấm mồ hôi trên trán. Hắn cởi chiếc áo khoác định choàng sang cho cô. Chính hành động ấy đã khiến cô tỉnh giấc, nhìn sang thấy hắn có dấu hiệu của sự mệt mỏi, cô cười hỏi:
- Em ngủ quên đi mất, có lâu không anh?
- Chừng 20 phút.
- Mà anh ngồi im cho em dựa?
- Ừ.
Cô phá lên cười giòn tan như trẻ lên ba, lẫn trong tiếng cười nắc nẻ "anh... ngốc... quá... đi... ha ha..."
- Thôi em phải trở lại trong đó đây. Khi khác gặp nhau, em sẽ kể chuyện khác cho anh nghe.
Cô vụt chạy đi, chạy trở về với cuộc sống thường nhật mà cô vẫn nói là "tẻ nhạt", để lại hắn ngồi một mình nơi bãi đá không người qua lại.
Ngồi một mình nhìn ra biển, bao nhiêu hình ảnh trong kỷ niệm cứ vùn vụt trôi qua. Kể ra tuổi thơ của hắn cũng khá là vất vả, nhưng có lẽ chẳng thể so sánh với những cuộc đời như Tiểu Yến Tử. Trong ký ức của hắn, từ khi hắn bắt đầu có thể nhớ được thì hắn đã là cậu bé chăn bò. Có những lúc mải chơi đuổi bắt chuồn chuồn với đám trẻ trong xóm để bò cột một nơi vặt trụi cỏ trong bán kính của cái dây sỏ mũi mà bụng vẫn chưa no. Tối về, thấy bò đói, bị mẹ đánh mà hắn cứ trơ ra. Thi thoảng sau bữa cơm mẹ hắn đọc mấy câu "có những ngày trốn học, đuổi bướm cầu ao. Mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc..." hắn nghĩ thầm "ông nhà thơ ấy bốc phét, làm quái gì mà phải khóc". Thời bao cấp, người ta phải làm đủ thứ để vượt qua cái đói, nhà hắn tuy là gia đình công nhân, nhưng cha mẹ hắn cũng khai hoang được hai sào đất nơi gần chân núi, một năm cũng hai vụ lúa một vụ rau. Trong nhà cũng nuôi một con bò đẻ và vài con lợn thịt, vì vậy hắn và em gái của hắn cũng chẳng kém gì trẻ nhà nông. Cũng cấy, cũng làm cỏ lúa, cũng gặt, cũng đập lúa, cũng xay thóc, cũng giã gạo, rồi cũng rong ruổi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác để vớt rau về chăn lợn. Nhưng so với cuộc đời của Tiểu Yến Tử thì hắn hạnh phúc hơn rất nhiều, vì hắn luôn luôn sống trong tình yêu thương vun đắp của cha mẹ. Còn Tiểu Yến Tử thì chưa đến hai mươi, đã phải vật vã một mình đương đầu với thế giới tệ nạn của xã hội, mong kiếm chút tiền gửi về giúp cha mẹ nuôi đàn em nhỏ. Gánh nặng gia đình trong xã hội hiện đại lại đè lên đôi vai của một cô gái xuân thì mảnh khảnh, tuổi chưa nhiều, nhưng gió bụi cuộc đời nhiều hơn tuổi. Nhẽ ra ở lứa tuổi của cô là mái trường đại học, là "giấc mơ vươn tơi một tương lai". Hắn thầm nghĩ "không biết cô ấy có mơ ước gì không?" Rồi hắn lại tự trả lời bằng một câu nói của vị mục sư nổi tiếng Luther Martin King, trên đời này ai mà chẳng giống nhau, tất thảy đều "I have a dream". Có điều hắn chưa được nghe Tiểu Yến Tử kể về giấc mơ của cô mà thôi.
Mải đuổi theo những suy nghĩ miên man, bóng đêm xập xuống lúc nào không hay, thủy triều lên cao, gió mạnh, sóng đập vào gềnh đá làm bắn nước lên chỗ hắn đang ngồi, buộc hắn phải đứng dậy trở về với hiện tại. Chẳng muốn nhập bọn với cái đám đầu tóc bóng mượt, áo trắng cổ cồn, môi trơn nhẫy ngoác ra cười ha hả, tay nâng ly chúc nhau mấy câu xáo rỗng "chúc hội nghị thành công tốt đẹp". Đúng là cái trò vẽ ra để cùng nhau tiêu xài lãng phí tiền thuế của dân. Báo cáo năm nào cũng giống nhau, năm nào cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch, năm nào cũng hoàn thành "nhiệm vụ chính trị". Khỉ thật, tại sao lại có những thứ người dạy nhau nói dối, dối người, lừa dối chính mình, rồi "tự sướng" đến mấy chục năm rồi mà không biết chán nhỉ? Quá chán với những trò hề lặp đi lặp lại, hắn một mình lấy xe trở về thành phố, trở về với gia đình nhỏ của hắn, nơi ấy có cô bồ trăm năm và hai đứa con nhỏ mà hắn yêu thương rất nhiều.

Ngồi một mình trong phòng làm việc, hắn lại lửng lơ nghĩ miên man, bởi nhiệm vụ được giao hắn đã hoàn thành nhưng chưa đến hạn báo cáo. Ở cái chế độ này người dở cũng như người hay, chẳng ai muốn làm việc tích cực. Lương công chức thì vẫn vậy, nhưng nếu làm việc tích cực và báo cáo sớm thì chỉ tổ gánh việc cho người khác, vừa thiệt thân, lại vừa trở thành đối tượng để bọn xu nịnh nó tấn công. Chúng lại xì xào "dạ thưa sếp, hình như hắn có ý đồ nhòm ngó cái ghế của sếp nên mới tích cực như thế để tâng công với lãnh đạo". Trước đây lúc mới ra nghề, hắn cũng hăng say lắm, sếp giao việc cho một tuần, hắn chỉ làm chưa đầy hai ngày là đã xong, rồi báo cáo ngay. Nhưng bây giờ, đời dạy cho hắn phải biết làm kẻ ngu.
Lật lật cuốn sổ công tác, vô tình nhìn thấy dòng địa chỉ nguyệch ngoạc Tiểu Yến Tử viết cho ngày nào. Câu nói "hôm nào rảnh anh ghé chơi", vậy mà cái "hôm nào" ấy vẫn chưa đến. Đồng hồ chỉ mười giờ sáng, đã bắt đầu là giờ "chém gió" của đám "cổ cồn trằng" rồi đây, bảo Việt Nam sao cứ nghèo mãi. Hắn vơ chiếc áo khoác, quyết định hôm nay sẽ thực hiện cái "hôm nào" đã hứa ấy.

Khu nhà cho thuê ở phía cuối con hẻm. Có đại gia nào thừa tiền chẳng biết làm gì mua được mấy trăm mét vuông, xây ba dãy nhà cho thuê xếp thành hình chữ U, ở giữa là một cái sân chung. Ở đây cũng đủ các thành phần và cũng đủ mọi miền quê tụ tập. Có những cặp vợ chồng vốn ở quê ra làm ở khu công ghiệp rồi gặp nhau rồi lấy nhau thế là dẫn nhau đến đây thuê nhà ở. Có gia đình đã có trẻ con thế là bà ngoại lại phải ra ở cùng để bế cháu. Một gia đình, ba thế hệ chui rúc trong một căn phòng chừng mười tám mét vuông.
Phòng khác thì có mấy cậu sinh viên cùng thuê chung cho giảm bớt chi phí ăn học. Cũng có mấy cô sinh viên thuê phòng ở đó. Vì vậy chiều chiều, mấy cậu sinh viên rất hay mở nhạc trong phòng thật to rồi mang ghế ra ngồi ngoài cửa hướng sang phòng nữ sinh cố hát ông ổng mấy bài hát "tình yêu cóc nhái" mà giới học đường đang khoái nghe. Mấy bà già ở quê lên thành phố nhặt đồng nát kiếm sống qua ngày, đã mệt mỏi vì rong ruổi cả ngày, chiều về mong chút thư giãn nhưng lại phải hứng chịu thứ âm thanh chẳng ra ếch cũng chẳng ra chão chuộc, chẳng giống ai ấy dần dần cũng phát cáu. Thế là hàng xóm lại nghe mấy câu chửi đổng "cha bố cái đám được cha mẹ nuôi cho ăn học, thế mà học không lo học, lại thích làm vịt kêu đầu ngõ, chó cắn đầu đình". Một số gia đình đã bắt đầu mang bếp than tổ ong ra quạt. Than non cháy tạo ra khí CO là thứ khi rất độc xông vào mọi nơi khiến cả khu bắt đầu húng hắng ho. Một cậu sinh viên thò đầu ra kêu ca "thời buổi này ai cũng dùng bếp ga, vậy mà còn lắm người lạc hậu thế không biết". Thế là lại lời qua tiếng lại, thứ âm thanh hỗn tạp chiều nào cũng nhiễu loạn nơi cuối con hẻm này.
Tiểu Yến Tử và mấy cô bạn cùng nghề ở chung với nhau tận mấy phòng cuối dãy. Lúc đầu khu dân cư xóm trọ ấy cũng "tình người tha hương lắm", nhưng chẳng hiểu sao dần dần dân trong xóm đều cố tình lánh xa mấy phòng của mấy cô gái son phấn lòe loẹt ấy. Họ xì xào bàn tán và ném về phía các cô những cái nhìn khinh rẻ. Họ bảo con gái con đứa gì mà quần áo ngắn cũn cỡn, quần thì quần soọc, áo thì quai dây, hở hang quá mức. Mỗi sáng chị em Tiểu Yến Tử đều mang chổi ra quét sạch sẽ cái ngõ và cái sân chung của cả xóm, đấy cũng là lúc mà trong các phòng lại rộ lên tiếng ồn ào. Đám đàn ông con trai, ngồi trong nhà mà cổ cứ vươn ra ngoài cửa, mắt thì trợn thô lố dán chặt vào nhưng chiếc cổ áo rộng của những cô gái đang lúi húi quét đường. Mấy bà mấy chị thì lại được dịp xỉa xói "bầy đặt quét mới chả tước để cố tình khoe hàng". Đám chị em Tiểu Yến Tử cũng thừa biết những gì đang xảy ra bên trong những ô cửa kia, chính vì vậy các cô lại càng ngày càng thích khiêu khích nhiều hơn, lúc trước thì cũng chỉ mỗi sáng hai người ra quét, bây giờ thì hai người quét nhưng mấy người khác ra lượn lờ, quần áo thì toàn mặc những thứ nhẽ ra chỉ mặc trong nhà. Khiến cho những người phụ nữ khác trong xóm trọ càng nóng mắt nhiều hơn.
Đúng là thói đời thật lạ! cùng là những người cùng khổ vậy mà họ cũng chẳng thể thuận hòa với nhau, chợt đâu đó vang lên câu ca trong vở kịch "Ngựa người, Người ngựa"
"... Nhìn ta khác nhau một trời,
Nhưng lòng riêng cũng giống nhau mà thôi..."

Sáng hôm ấy khu nhà trọ cũng vắng vẻ yên tĩnh như mọi khi, mọi người đều đi làm chỉ có bà già trẻ em và mấy chị em Tiểu Yến Tử ở nhà. Công Tử Bột vào đến giữa sân đứng nhìn quanh một lúc tìm số phòng, rồi dắt xe đi thẳng về phía cuối dãy. Từ bên trong một căn phòng đang mở cửa, một cô gái vận đồ mầu hồng bước ra chặn đầu xe hắn và hỏi:
- Anh kia tới đây tìm ai có việc gì?
Hắn chưa kịp trả lời thì trong phòng đã léo nhéo tiếng của vài cô gái "tìm em đấy", "của em đấy, chị Hồng ơi!". Rồi ba cô gái nữa chạy ra, một cô áo xanh lá, một cô áo xanh biển, một cô áo hoa. Cô gái có tên là Hồng lại nói:
- Đây là Bích, đây là Lam, đây là Xuân, còn em là Hồng, anh kiếm ai nào?
- Xin lỗi các bạn, Tiểu Yến Tử còn ở đây không?
- Ah...
Các cô gái reo lên rồi chạy vụt vào phòng, trong đó vọng ra tiếng nhốn nháo "Tiểu Yến Tử, chàng của mày đến kìa", "chúng mày vớ vẩn, tao làm gì có chàng nào", "rõ ràng người ta hỏi thăm mày mà"... Tiểu Yến Tử xuất hiện, trên mặt lộ rõ vẻ ngạc nhiên rồi phá lên cười giòn tan như trẻ lên ba:
- Ah... chào anh! anh ngốc!... đây là anh ngốc mà có lần tao đã kể cho chúng mày đấy. Thật không ngờ là anh lại nghé thăm cái xóm bụi đời này. Mời anh vào trong này. Anh thông cảm, tụi em đàn bà với nhau ăn ở luộm thuộm lắm.
Mấy cô gái cùng ồ lên một lượt "là chàng Công Tử Bột thích nghe chuyện cổ tích đây sao?". Công Tử Bột xách túi hoa quả đưa cho Tiểu Yến Tử "anh có chút quà" "đến thăm tụi em là quí rồi, bày đặt quà cáp làm chi". Hồng có vẻ là chị cả lúc này lại lên tiếng:
- Anh thông cảm nhé! cả đời tụi em gặp toàn những kẻ bụi bặm, bỗ bã nó quen rồi, vừa rồi chị em chúng nó hơi sỗ sàng anh đừng giận nhé! Tụi em ở đây có mười đứa ở trong hai phòng thông nhau. Năm đứa kia đi làm ca từ nửa đêm, đến trưa mới về. Lúc đó thì bọn em lại đi làm đến nửa đêm mới về. Kể cũng lạ nhỉ! tại sao một người sống trong thế giới "danh môn chính phái" lại có thể làm bạn với gái giang hồ tụi em được nhỉ?
- Nói chung mọi người cứ hẹp hòi trong suy nghĩ, nên mới chia thành ra tầng nọ lớp kia, chứ thực ra nếu suy xét đến tận cùng thì tất thảy mọi chúng sinh đều như nhau cả thôi. Với lại "danh môn chính phái" chắc gì tất cả đều tử tế. Thậm chí cái chiến trường của đám "danh môn chính phái" còn kinh tởm hơn tất cả những gì mà người ta có thể tưởng tượng ra ấy chứ.
- Úi thôi! em chẳng hiểu được những gì anh nói đâu, nhất là cái câu "mọi chúng sinh đều như nhau", nghe như có mùi bên đạo. Chỉ biết một điều anh đã đến đây là bạn của Tiểu Yến Tử thì cũng là bạn của bọn em. Bây giờ cũng sắp đến giờ chuẩn bị cơm trưa, anh ở lại ăn trưa với tụi em, anh ăn gì để mấy đứa nó chuẩn bị?
- Àh... lạc rang muối, đậu trắng luộc, canh rau gì đó.
- Oạch... anh ăn uống như tù nhân vậy á?
- Hi hi... sao lại tù nhân, anh vẫn ăn vậy mà.
Tiểu Yến Tử bầy dĩa hoa quả lên bàn "anh ấy ăn uống như vậy thì chuẩn bị nhanh thôi, hôm nay anh ngốc đến tận đây, vậy chị Hồng ưu tiên kể chuyện cổ tích cho anh ấy nghe đi!"
- Được rồi, vậy em sẽ kể anh nghe câu chuyện xảy ra ngay trong khu trọ này. Anh biết đấy, "tình yêu" với bọn em là cái gì đó vô cùng xa xỉ. Đàn ông chỉ coi bọn em là một món hàng, một thứ đồ chơi, giải buồn trong giây lát. Mà cũng phải, như em đây mới hai mươi mốt cũng đã sắp thành gái già hết đát, cuộc đời trải qua tay bao kẻ, vần lên vật xuống chẳng thể nào mà nhớ hết. Tự bọn em cũng coi mình chẳng phải là người thì làm sao mong người khác yêu thương tôn trọng mình. Tự bọn em ném tuổi thanh xuân vào vũng bùn nhơ nhuốc, đợi đến khi quá lứa nhỡ thì, chẳng còn gì nữa thì trở về quê, nếu ai rước thì lấy đại người ta gọi là có để sống nốt quãng đời còn lại...
Giọng nói đầy chua xót đắng cay của một cô gái giang hồ cứ đều đều trôi qua trong tĩnh lặng, Công Tử Bột không dám nhìn thẳng vào người nói chuyện, mặt hắn cứ cúi gằm xuống đất, cứ như thể hắn là người có lỗi trong cuộc đời khổ nhục của mấy cô gái đang ngồi quanh hắn.
... Tuy là thứ "xa xỉ", tụi em chẳng dám mơ, nhưng nếu lỡ may mắn có được thì cũng "họa phúc khôn lường" anh à. Trước đây, trong nhóm tụi em có một đứa xinh lắm, nó có cái nét đẹp ngây thơ trong sáng thánh thiện như những cô gái "kim chi ngọc diệp" vậy. Và tên nó cũng giống như người là Diệp Chi. Nhưng khổ một nỗi, làm cái nghề này thì nhan sắc cần thật, nhưng phải là nhan sắc của giang hồ, của bờ bụi, của đầu đường xó chợ, chứ nhan sắc kiểu tiểu thư thì chỉ có rước họa vào thân. Diệp Chi rất đắt khách, thậm chí có những đại gia bỏ tiền bao nó cho nó cùng đi du lịch sang tận Singapore để gặp đối tác làm ăn. Tất nhiên nó cũng chỉ là thứ đồ trang sức bên cạnh các đại gia mà thôi. Diệp Chi nó đẹp nhưng cũng lại là đứa hiền mà tốt tính. Mấy chị em sống với nhau, nó là đứa có nhiều tiền nhất. Một phần tiền kiếm được nó gửi về nuôi mẹ ở quê, một phần nó gửi vào ngân hàng để tính chuyện lâu dài mai sau, một phần nó góp với mọi người để chi tiêu cuộc sống chung. Phần đóng góp của nó bao giờ cũng nhiều nhất. Chính vì thế nên mọi người ai cũng thương con nhỏ Diệp Chi. Nhiều khi ngắm nhìn nó mấy đứa lại chép miệng "uổng cho nhan sắc trời ban, bị dày vò trong vũng bùn nhơ nhuốc. Tuy nhiên Diệp Chi nó cũng không bi quan gì. Mọi người sạch sẽ đều coi bọn em là mấy thứ nhơ nhuốc, nhưng bọn em đã chấp nhận cuộc đời này thì bọn em vẫn phải vui vẻ mà vượt qua. Diệp Chi cũng thế, nó luôn hòa nhã vui vẻ với tất cả. Nhiều khi có đứa nào gặp chuyện bất bình về đến nhà thấy được nụ cười của Diệp Chi thì bao nỗi bực bội dường như tan biến hết. Nhiều khi tụi em cũng thấy xót xa cho nó, đẹp như nó, hiền như nó, tốt như nó mà sao lại lạc chân vào con đường này?
Thế rồi bước ngoặt cuộc đời xảy ra vào mùa hè của bốn năm trước...
Tùng Đăng là sinh viên năm cuối trường Đại học Hàng hải. Tùng Đăng có ngoại hình cực kỳ hoàn hảo, cao 181cm, da trắng, tóc đen thẳng, hàm răng trắng, khuôn mặt điển trai như diễn viên điện ảnh Nam Hàn. Với ngoại hình bắt mắt nên Tùng Đăng được chọn vào ban chấp hành đoàn trường. Năm đó trường Hàng hải tổ chức trại hè ngoài Đồ Sơn, Tùng Đăng là thành viên ban tổ chức phụ trách mảng trò chơi vận động trên bãi biển. Trời xui đất khiến, hôm đó Diệp Chi cũng theo một ông quan lớn ra Đồ Sơn du hí. Họ vô tình gặp nhau, nhìn nhau đắm đuối, để rồi qua vài câu chớp nhoáng họ đã kịp ghi lại số điện thoại liên lạc. Thật kinh ngạc khi Tùng Đăng không hề chấp nhặt quá khứ của Diệp Chi. Hai người tính chuyện hoàn lương, họ thuê chung một căn phòng để ở, Diệp Chi xin vào học lớp trung cấp kế toán. Diệp Chi vứt bỏ số điện thoại cũ, cắt đứt mọi quan hệ trong giang hồ, cô lao đầu vào học mong sao có thể vươn lên trong giới sạch sẽ để không làm xấu mặt chồng. Họ tuy chưa cưới, nhưng đã ở chung và gọi nhau là "vợ ơi", "chồng ơi" thật là tình cảm vô cùng. Đám gái giang hồ bọn em cũng mừng cho Diệp Chi và thầm khấn trời cho cô ấy luôn được bình an.
Ban đầu hai người chi tiêu bằng số tiền tiết kiệm của Diệp Chi, nhưng miệng ăn núi lở, chỉ ăn mà không làm thì bao nhiêu cũng hết, hơn nữa Diệp Chi rất chiều chồng, cô sắm cho Tùng Đăng toàn đồ hàng hiệu, thậm chí còn mua xe SH cho chồng đi học. Thế là chỉ chốc lát số tiền tiết kiệm đã tiêu sạch, cô phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Bưng bê chạy quầy, rửa bát, lau dọn ở các nhà hàng là công việc vất vả mà tiền công thì bèo bọt nhưng cô vẫn gắng vượt qua. Cứ như vậy họ sống với nhau vui vẻ đầm ấm.
Tùng Đăng tốt nghiệp đại học, anh mang hồ sơ đi xin việc, khi đi thì hồ hởi, khi về thì ỉu xìu. Nhìn cảnh chồng ngược xuôi vất vả mà không được toại ý, Diệp Chi lo lắng vô cùng mà không biết phải làm sao.
Một buổi chiều muộn, cô nhận điện thoại từ chồng:
- Vợ à! em cầm cho anh ít tiền lên nhà hàng Thiên Cung nhé!
- Có việc gì vậy?
- Anh mời ông trưởng phòng tổ chức của Công ty vận tải biển ăn tối, để nhờ ông ấy giúp đỡ. Ngày trước còn sinh viên, gặp ông ấy, "chú chú, cháu cháu" vui vẻ lắm, nhưng bây giờ mình đi xin việc thì có vẻ không hài lòng với cái hồ sơ không có gì bên trong. Vì vậy phải mời ông ấy một bữa để hứa với ông ấy là sau này sẽ có hậu tạ. Mà em cũng diện vào đến đây ăn luôn, khỏi phải nấu cơm tối.
Diệp Chi vội vàng chạy vạy vay được năm triệu, cô lo số tiền đó còn chưa đủ, thôi thì vì chồng có lãng phí cũng phải nghiến răng.
Nhà hàng Thiên Cung, phòng VIP số 3, máy lạnh điều hòa, chỉ có Tùng Đăng và gã sếp phì nộn ngồi đối diện nhau, trên bàn là một chai Chivas 21 đang uống dở cùng một số đĩa "sơn hào hải vị". Diệp Chi mở cửa bước vào, cúi đầu chào:
- Cháu chào chú!
Gã sếp ngửng lên, hắn sững sờ trước khuôn mặt khả ái và thân hình cân đối yêu kiều của cô, cằm hắn trễ xuống khiến cái mồm hắn hở ra để lộ mấy miếng cua bể đang nhai dở. Đôi mắt hắn dán chặt vào từng đường cong trên thân hình nảy nở của Diệp Chi, ánh mắt hắn long lên như thể muốn xé toạc bộ đầm mà cô đang vận. Hắn bị nhan sắc của cô hớp hồn đến nỗi Tùng Đăng giới thiệu mấy lần hắn không nghe thấy.
Diệp Chi kéo ghế ngồi xuống cạnh chồng, đối với cô, hình ảnh của bọn quan lại dâm đãng này chẳng có gì là lạ, vậy mà hôm nay sao cô thấy kinh tởm. Gã sếp thấy Diệp Chi đã yên vị mới quay qua hỏi Tùng Đăng:
- Em này là...
- Dạ đây là vợ cháu. Còn đây là chú Quách Tráng trưởng phòng tổ chức...
- Chú cháu gì, đã bảo cứ gọi là sếp, xưng em là được rồi! Vợ à? Sao hồ của cậu lại ghi là chưa có gia đình?
- Dạ, thưa sếp, chúng cháu... à... chúng em mới ở chung, chứ chưa cưới, chưa đăng ký nên chưa viết trong hồ sơ.
- À... thanh niên thời đại mới khác hẳn bọn tớ ngày xưa... Ơ kìa... hai em... uống đi chứ... uống... kệ nó... cứ uống cho đã... mọi chuyện tính sau.
Cả ba người cùng nâng ly, gã sếp mắt vẫn dán chặt vào Diệp Chi, miệng ngoác ra cười ha hả. Ai biết trong đầu của gã sếp đang tưởng tượng ra những gì! Ba người tiếp tục cuộc nhậu với mỗi tâm trang khác nhau. Diệp Chi thì xót xa cho sự lãng phí của đồ ăn thức uống, chắc sẽ bị chém với cái giá cắt cổ. Tùng Đăng thì chỉ mải tung hứng những câu xu nịnh theo đà khoác lác của gã sếp. Còn gã sếp thì rượu vào lời ra hắn "chém gió" vù vù, bão giật cấp mười hai chắc cũng còn thua. Ai cũng bảo đám sếp đỏ tay nào cũng "ăn như rồng cuốn, mà chém gió thì như rồng bay" quả thật không sai. Hắn khoe khoang rằng hắn là trưởng phòng tổ chức thôi nhưng quyền lực thì ngang với ông tổng, thậm chí hắn bổ nhiệm luôn cả chức giám đốc hiện thời. Đang trong lúc chém gió phăng phăng như vậy nhưng hắn vẫn luôn không thể dời được ánh mắt dâm đãng của hắn ve vãn lên bộ ngực phập phồng dưới làn vải cô-tôn của cái đầm màu xám tro trên người Diệp Chi.
Trước đây, lúc còn ngụp lặn trong giang hồ, chuyện uống vài ly rượu đối với Diệp Chi rất là bình thường, nhưng sao bữa nay mới uống có 3 ly cô đã thấy choáng váng, phải chăng do có sự thay đổi nội tiết nên thành ra như vậy? Mắt cô hoa lên chỉ như muốn chực đổ xuống bàn, cô phải gắng hết sức để tỉnh táo để tránh người ta đánh giá không tốt về mình...

Những tia nắng ban mai xuyên qua ô cửa kính chiếu thẳng vào mặt khiến Diệp Chi bừng tỉnh. Đầu nặng như đeo sắt, cô hé mắt nhìn, không phải là căn phòng của cô và Tùng Đăng thuê, trên người không còn mảnh vải, nhìn sang bên, cô giật mình khi thấy gã sếp còn đang thở phì phò như bò đang ngủ. Vơ vội mớ quần áo, chạy vào buồng tắm, cô căng đầu ra nghĩ mà vẫn không nhớ nổi chuyện gì đã xảy ra.
Mặc quần áo lên người, bước ra khỏi buồng tắm, gã sếp đã tỉnh giấc, mắt cô long lên bắn những tia căm giận về phía gã sếp, cô gằn giọng hỏi:
- Chuyện này là thế nào?
- Em thấy anh thế nào - gã sếp trơ trẽn cười hềnh hệch hỏi và bồi thêm - đổi tình lấy việc làm cho chồng em cũng xứng đáng đấy chứ...
Cô lao ra khỏi phòng còn nghe thấy gã sếp nói với theo:
- Lần sau anh cần, gọi em phải tới đấy nhé...
Về đến phòng trọ, Tùng Đăng vẫn còn vùi trong chăn, ngủ ngon lành như không hề có chuyện gì xảy ra. Cô giận dữ lao đến, kéo hắn ngồi dậy và gào lên:
- Vì muốn xin được việc mà anh nỡ dâng vợ cho kẻ khác sao?
- Em làm sao vậy - Hắn nói bằng giọng ráo hoảnh - việc này với em đơn giản như "thò tay lấy đồ trong túi", trước nay em vẫn thường làm đó thôi.
Mặt đất như sụt xuống dưới chân cô, cuộc đời của cô vốn như một kẻ chết đuối trôi sông, gặp được hắn tưởng như vớ được một cây cọc vững trãi giữa dòng, bấu víu vào đó để trao gởi tình yêu và niềm tin, niềm hy vọng vào cuộc đời. Vậy mà hắn vốn chỉ coi cô như một con điếm không hơn không kém. Cô đã định chờ đến lúc hắn xin được việc làm, để thông báo với hắn rằng cô đã mang thai đứa con của hắn. Cô còn tưởng rằng hắn sẽ vui mừng thế nào khi có "song hỷ lâm môn". Nhưng bây giờ thì tất cả đã hết. Đuổi hắn ra khỏi phòng, quăng hết đồ đạc tư trang của hắn ra, cô khóa trái cửa nhốt mình trong phòng, cô khóc hận cho sự bạc bẽo của cuộc đời. Tùng Đăng vơ đồ đạc lủi thủi bước đi. Hắn thầm nghĩ "mình chẳng mất gì, nhưng kể ra cũng hơi tiếc, đang được cơm no bò cưỡi, giờ lại phải tìm đứa khác để nhờ cậy".
Đám con gái giang hồ xúm vây trước cửa phòng trọ, gọi hỏi thế nào Diệp Chi cũng không mở cửa. Cô nói vọng ra: "em không sao, mọi người cứ về đi!"

Chỉ một ngày sau cô mở cửa bước ra, mắt đã cạn khô, lạnh lùng, khóc như thế là quá đủ, cuộc đời không đáng tin, cô không cần phải đau khổ vì nó nữa. Trái tim cô đã hóa thành băng đá lạnh. Diệp Chi nhờ Hồng chở mình đến bệnh viện phụ sản để giải quyết cái thai. Bệnh viện yêu cầu phải có chồng ký vào giấy bệnh viện mới làm. Diệp Chi và Hồng lại cùng nhau đến phòng khám tư. Lúc đang ngồi chờ ở phòng khám tư nhân, Tiểu Yến Tử gọi điện đến "Chi à, mình bảo thật nhé, Thằng bố nó khốn nạn, nhưng nó không có tội tình gì, bạn cứ đẻ nó ra, tất cả đám gái giang hồ này sẽ là mẹ của nó. Dù nó là con trai hay con gái chúng mình cũng sẽ nuôi nó lớn lên thành người tử tế". Được lời của Tiểu Yến Tử, Diệp Chi như bừng tỉnh, Diệp Chi nghĩ: nếu cô bỏ đứa con này, nhỡ đâu về sau mãi mãi cô không có con nữa thì sao? mà Tiểu Yến Tử nói đúng "đứa trẻ đâu có lỗi gì". Diệp Chi vụt đứng dậy bước ra khỏi phòng khám, chỉ là một bước chân nhỏ bé vậy mà cô tưởng như mình vừa bước sang một bầu trời khác, cô tự hứa với lòng mình, đời cô tuy nhơ nhuốc nhưng cô sẽ nuôi dạy con cô thành ông nọ bà kia, đó mới là cách trả thù cuộc đời đúng nhất.
Cô quyết định giữ lại cái thai và quyết định vẫn ở lại một mình nơi phòng trọ, và một quyết định quan trọng nữa là cô không quay lại con đường xưa. Diệp Chi phải bỏ học vì không còn tiền, cô tiếp tục kiếm sống bằng việc bưng bê và rửa bát tại các nhà hàng. Cái thai ngày một lớn, cai bụng to không dấu được ai, chủ nhà hàng không cho cô ra bưng bê nữa, bắt cô chỉ được ở trong bếp để rửa bát, cũng như vậy tiền công cũng giảm theo, cô vẫn cắn răng chịu đựng chờ đến ngày "khai hoa nở nhụy". Nhìn Diệp Chi kềnh càng vác cái bụng hàng ngày đi làm, tụi gái giang hồ bọn em không khỏi lo lắng. Tính tháng, đếm ngày, có lẽ cũng sắp đến kỳ sanh nở, Tiểu Yến Tử bí mật được bố trí về quê để đón mẹ của Diệp Chi.
Cẩm Sơn là một làng vạn chài ven biển miền Trung. Nắng, gió và cát là những thứ quá thừa thãi ở nơi này. Bà Thành sống một mình trong một căn nhà nhỏ phía cuối rặng phi lao kế ngay bên bãi cát. Trong nhà chẳng có thứ gì đáng tiền nên bốn phía căn nhà lúc nào cửa cũng mở toang hoang. Ông Thành cưới bà làm vợ và đưa bà về đó sống cùng khi bà mới hơn 20 tuổi. Không lâu sau khi cưới ông bà đẻ được một cậu con trai tên là Biển, rồi vài năm sau có thêm Diệp Chi. Từ lúc Diệp Chi mới được sanh ra, mọi người trong làng đã bảo "con bé đó không phải người ở đây" bởi dân làng chài ai ai cũng đen là đen, mà Diệp Chi nó cứ trắng mơn mởn như búp sen vừa hé nụ. Tuổi thơ của Diệp Chi thật là quá êm ả. Hàng ngày cô đến trường cùng đám bạn của làng vạn chài. Bà Thành mẹ cô thì bầy bán mấy món đồ khô hải sản tại ngay cửa nhà cho khách du lịch đi ngang qua. Ông Thành và Biển thì nhập vào đoàn người đánh cá, mỗi lần ra khơi thì cả tuần mới về. Kinh tế gia đình chẳng có gì đáng nói. Tất thảy đều tự cung tự cấp. Nhà bà Thành cũng như đa số hộ dân trong làng phải nói là nghèo chuyển kiếp. Thế nhưng, mặc kệ nghèo, họ vẫn sống yêu thương nhau đơn giản như rau muống biển vẫn bò miệt mài trên bờ cát.
Nhưng trớ trêu thay, chẳng biết là nhân họa hay thiên họa, biến cố đau thương ập đến cái gia đình nhỏ đó khi Diệp Chi 15 tuổi. Đó là lần ra khơi cuối cùng của ông Thành và Biển. Những người đi cùng về kể lại tàu của ông Thành bị một tàu hải giám của Trung Quốc đâm chìm lúc đêm khuya khi tất cả mọi người đang say giấc nồng. Tất cả 9 người trên tàu đều mất tích. Bà Thành ngã vật ra đất bất tỉnh. Diệp Chi ôm mẹ nấc lên từng tiếng nghẹn ngào. Từ đó trong căn nhà đã vắng lại càng thêm trống trải.
Học hết lớp 12, Diệp Chi quyết định theo đám bạn ra thành phố làm "công nhân". Nhưng thật tiếc ở thành phố đâu phải là nơi có sẵn việc làm như các cô tưởng. Và thế là Diệp Chi trở thành một "công nhân bán hương bán phấn" từ đó. Thỉnh thoảng Diệp Chi gửi tiền về cho mẹ, bà Thành chẳng dùng để làm gì lại gửi vào ngân hàng, bà tự nhủ "để sau này gả chồng cho nó". Rồi có vài lần Diệp Chi cùng đám bạn cùng làm kéo nhau về thăm bà. Mỗi lần chúng về là cái làng vạn chài nhỏ bé lại bị quậy tung mù mịt. Bà Thành thương chúng nó như con, bà vẫn nghĩ chúng nó làm công nhân chắc vất vả lắm, bà bảo "các con cứ nghỉ ngơi, để bu đi chợ nấu cơm". Cả đám xúm vào lôi bà lại "bu không phải đi đâu cả, tụi con mua cả đây rồi". Thế rồi mỗi đứa một chân một tay, khói bếp bốc lên nghi ngút, tiếng cười nói ríu rít vang xa, khiến đám trai trẻ trong làng đứng ngồi không yên. Bà Thành mắng yêu "cha bố các cô, lớn cả rồi chứ còn bé nữa đâu, sao mà cứ như chằn cả lượt, chẳng chịu dịu dàng thì làm sao mà lấy chồng. Có đứa nào chịu về ở với bu, bu gả chồng cho." Mấy đứa lại nhao lên "bu ơi, bu kiếm cho con một anh đẹp trai bu nhé!", "không bu ơi! không cần đẹp trai quá, nhưng phải khỏe vạm vỡ bu nhé!"...
Cứ như vậy, chúng nó ầm ĩ mấy ngày rồi lại xách túi ra đi "con ra phố đi làm, bu ở nhà giữ gìn sức khỏe bu nhé!". Bà Thành lấy khăn chấm mấy giọt nước mắt chảy dài trên đôi má của Diệp Chi "nếu khổ quá thì cứ về với bu, về nhà bu con mình no đói có nhau, nhà neo người, mà con lại đi làm xa, nhiều lúc buồn bu chỉ biết lấy ảnh của cha và anh con trên bàn thờ xuống vừa lau vừa nói chuyện". Diệp Chi ôm mẹ, nấc lên thành tiếng "con sẽ sớm quay về với bu"...

Tiểu Yến Tử bước vào nhà, bà Thành chắc là chạy đâu đó sang hàng xóm, đốt ba nén nhang cắm lên bàn thờ, cha và anh hai của Diệp Chi nhìn cô ánh mắt như trách móc "mấy đứa là bạn của nhau sao lại để cho con Diệp Chi nó khổ vậy?". Tiểu Yến Tử cúi gằm xuống đất, cô hoảng hốt khi mỗi lần ngước nhìn hai tấm ảnh trên bàn thờ... Cô xách túi vội vàng lao ra khỏi nhà. Đúng lúc ấy, bà Thành tất tả từ đâu chạy về gọi giật giọng "Yến! sao về thăm bu có một mình? Thấy người trong xóm nói có đứa con gái ở thành phố về, bu đoán ngay là mấy đứa tụi con, nên chạy vội về. Sao chưa gặp bu đã định vội đi ngay thế? Con Chi đâu sao nó không về với con?"
- Bu để con nghỉ chút, từ từ con nói chuyện.
Vào nhà, uống cạn một ly nước, ngồi một lúc lâu, Tiểu Yến Tử mới bắt đầu nói được mấy tiếng:
- Bu à! Diệp Chi nó ốm.
- Sao? Nó ốm? Ốm thế nào? Có nặng lắm không? - Bà Thành luống cuống hỏi dồn dập
- Không. Bu cứ bình tĩnh. Nó ốm nhẹ thôi. Có điều bọn con đứa nào cũng bận cả, nên con tính đón bu ra đó chăm sóc cho Diệp Chi mau lành.
Bà Thành bụng nóng như lửa đốt, chân tay run lập cập, đầu óc choáng váng, mới 50 tuổi mà trông bà già như gần 70. Bà thành nhét vội mớ quần áo vào cái bị cói. Lần lưng quần lấy ra mấy quyển sổ tiết kiệm, bà bảo:
- Bây giờ bu đi ngân hàng rút tiền rồi bu con mình đi luôn hả con?
- Thôi đi luôn đi bu, ngoài đó bọn con có tiền rồi, với lại nếu cần rút tiền thì ra ngoài đó bu cũng rút được. Các sở giao dịch của ngân hàng nó liên thông nhau mà, cứ đúng cùng ngân hàng là được.

"Khăn gói quả mướp" bà Thành vội vã theo Tiểu Yến Tử ra bến xe để bắt xe đi Hải Phòng. Ngồi trên xe chạy mấy trăm cây số, Tiểu Yến Tử cứ ngủ gà ngủ gật dựa đầu vào vai bà. Trong khi bà Thành bụng dạ nóng như lửa đốt, mấy lần bà định hỏi cho rõ xem con Chi nhà bà nó ốm thế nào nhưng thấy Tiểu Yến Tử ngủ ngon quá bà lại thôi.

Vừa vào đến khu nhà trọ, đám con gái từ trong phòng chạy ùa ra đón bà, đứa đằng trước, đứa đằng sau, đứa kéo tay, đứa ôm vai, cứ ríu rít như "đón mẹ đi chợ về".
- Bu có nhớ tụi con không?
- Bu ơi! có quà quê cho tụi con không?
- Bu ơi! con nhớ bu quá à!
- Ừ... tại cái con Yến vừa về đến quê là lôi tuột bu ra đây, đi vội quá bu chẳng kịp chuẩn bị quà, xin lỗi các con vậy!
- Cái con Xuân này, bu còn chưa kịp thở, đã đòi quà, đưa bu vào nhà rửa chân tay cho mát đi!
- Ừ... thế con Chi nhà bu nó đâu rồi, nó ốm thế nào?
- Chị Hồng đưa Diệp Chi lên viện sản để đẻ rồi bu à - Xuân vọt miệng nói ra sự thật.
- Xuân! - Lam vội níu tay Xuân mà không kịp.
Nghe đến tiếng "đẻ", bà Thành choáng váng, giật ngửa người ra đằng sau, may mà lúc đó Thanh đang đứng sau lưng kịp đưa hai tay ra đỡ bà.
Vào đến nhà, bà Thành ngồi phịch xuống giường, gương mặt bà thẫn thờ, hốc hác, bà nói trong hơi thở đứt quãng:
- Sao lại đẻ? Nó lấy chồng hồi nào? Sao nó không bảo gì với bu?
Thanh đáp lời:
- Bu à, chuyện dài dòng lắm, rồi từ từ bọn con kể cho bu nghe. Số phận ngược đãi Diệp Chi quá, nó thật đáng thương. Bu đừng trách mắng nó kẻo nó lại khổ thêm.
- Nó là con bu đẻ ra mà. Bu trách mắng nó làm gì, nó khổ thì bu có sung sướng gì đâu. Bu chỉ trách nó tại sao bao nhiêu chuyện xảy ra không nói cho bu biết, để đến mãi hôm nay đi đẻ rồi mới cho bu hay.
- Chắc Diệp Chi nó sợ bu buồn, sợ bu xấu hổ với hàng xóm láng giềng nên nó giấu bu. Việc đón bu ra đây cũng là bọn con tự quyết định. Diệp Chi nó cũng không biết. Nó mà biết chắc nó trách tụi con lắm.
- Các con đón bu ra là đúng, con đừng lo, "thương con không ai bằng cha mẹ", nhất là lúc này "chửa đẻ là cửa mả". Thôi cho bu lên viện sản!
- Bu cứ nghỉ ngơi, chờ bọn con một chút, trên đó đã có chị Hồng.
(reng reng)... tiếng điện thoại réo lên khe khẽ...
Thanh mở máy nghe:
- Chị Hồng à? Thế nào rồi? Bu đã ra đến nơi rồi, đang ở nhà, lát em đưa bu lên.
- Sao? Đẻ rồi à? Mẹ tròn con vuông hả? May mắn quá! Con trai à? Kháu khỉnh lắm à? Rồi em sẽ đưa bu lên đó liền. Còn Diệp Chi sao? Khỏe mạnh bình thường à? May mắn quá!
Quay ra phía mọi người, Thanh reo lên:
- Bu ơi! Mẹ tròn con vuông rồi! Con trai, 2 cân 9, kháu khỉnh lắm!
Bà Thành không hiểu được cảm xúc lúc này, buồn, vui, xốn xang lẫn lộn, cộng thêm lo lắng cho cuộc sống mai sau. Vậy thế là bà đã có cháu ngoại, nhưng con rể lại chẳng thấy đâu. Rồi từ ngày mai cuộc sống sẽ phải thế nào đây? 

"Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi", mẹ nào mà chẳng thương con. Thế là một lần nữa cuộc đời lại đẩy bà Thành vào công việc đầu tắt mặt tối chăm sóc cho trẻ sơ sinh. Hai lần trước là hai đứa con của bà, lần này là cháu ngoại của bà. Tiểu Yến Tử và đám bạn cũng kể hết tất cả mọi sự thật với bà khiến cho lòng bà lại một lần nữa thấy đau quặn thắt, bà không thể nào tưởng tượng được con gái bà lại rơi vào cái nghề khốn khổ đến thế. Nhìn mấy đứa Tiểu Yến Tử vẫn cứ phải tiếp tục làm cái nghề "khốn nạn" ấy để mà sống qua ngày bà thấy thương chúng nhiều hơn là giận. Ôi! cái nghiệp đã  sanh ra làm hoa để cho đời giẫm đạp, cũng đành cúi mặt mà bước đi chứ biết kêu trách ai bây giờ. Bà nói với đám Tiểu Yến Tử "các con à! bu cũng không ghét bỏ gì các con. Các con vẫn là con của bu. Bất cứ khi nào các con cũng có quyền quay về với bu. Tuy nhiên vì tương lai của thằng cháu Nghĩa, bu mong các con thông cảm cho bu, bu cần phải chuyển con Chi và thằng cháu Nghĩa đến nơi ở mới."
Thế rồi bà Thành chuyển Diệp Chi và cu Nghĩa sang một khu nhà trọ khác. Tháng đầu tiên bà tất bật với việc vừa chăm sóc con, vừa chăm sóc cháu ngoại. Số tiền bà gởi tiết kiệm cũng cạn dần vì thời buổi bao nhiêu thứ phải chi mà cái gì cũng trượt giá vèo vèo. Khi cu Nghĩa vừa tròn đầy tháng, bà Thành bắt đầu phải tất tả ra chợ kiếm tiền. Mỗi sáng bà dậy thật sớm từ lúc 3 giờ sáng để ra chợ đầu mối của thành phố mua một gánh rau người ta mang ở quê ra, rồi bà kẽo kẹt gánh đi rao khắp mọi phố mọi hẻm mong kiếm được đồng ra đồng vào để nuôi sống ba miệng ăn trong gia đình bà. Hôm nào may mắn, khoảng 10 giờ sáng là bà đã bán hết gánh rau, bà lại tất tả mua gạo về nhà thổi cơm cho Diệp Chi, nấu bột cho cu Nghĩa. Thấy mẹ quá vất vả, mới ở có hơn một tháng mà bà Thành đã gầy sọm hẳn đi. Thương mẹ quá, Diệp Chi bảo: "con khỏe rồi, mẹ ở nhà trông cháu để con đi làm". Bà Thành quát: "Gái đẻ phải ở cữ đúng 3 tháng". Không dám cãi lời mẹ, Diệp Chi đành tiếp tục ở nhà ôm con. Bế con trên tay, Diệp Chi cất tiếng ru mà nước mắt không ngừng rơi lã chã:
"Hò... ơ... ngoại già như trái chín cây... gió lay ngoại rụng... mẹ phải mồ côi..."
Vẫn chưa hết ba tháng ở cữ, Diệp Chi quyết tâm bắt mẹ ở nhà để cô đi làm trở lại. Cô vẫn xin được việc chạy quầy và rửa bát trong mấy cái nhà hàng đặc sản trong thành phố. Bây giờ cô phải làm vất vả hơn, phải cố làm tăng giờ vì từ đây những đồng tiền cô làm ra phải chi dùng cho cả ba người. Cuộc sống tuy vất vả, nhưng cả nhà ba mẹ con bà cháu luôn yêu thương đùm bọc nhau. Cu Nghĩa lớn lên từng ngày, "3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò đi bằng cả 2 chân" đúng y như câu nói của các cụ ngày xưa không sai một tẹo nào. Thế rồi cái ngày đầy năm của cu Nghĩa cũng đến. Nhà nghèo, làm không đủ ăn, nhưng Diệp Chi cũng cố lo sắm khá tươm tất cho cái ngày cúng Mụ cho cu Nghĩa. Bà Thành bàn với Diệp Chi không nên bầy vẽ nên cũng chỉ làm mâm cơm nho nhỏ cúng Mụ là xong. Nhưng đám Tiểu Yến Tử thì không mời cũng kéo nhau đến bởi dù sao ở cái xứ "bỉ vỏ" này Diệp Chi cũng chẳng có ai là bạn. Nơi nhà trọ mà ba mẹ con bà cháu nhà cu Nghĩa ở, lại được một ngày rộn ràng đầy ắp tiếng cười tiếng hát, tiếng nói chuyện rôm rả của mấy cô gái giang hồ. Nhìn thằng cháu ngoại lẫm chẫm đi khắp nhà, vui đùa cùng mấy mẹ, mấy dì, lòng bà Thành cũng thấy vui vui...
Những tưởng "hết mưa trời lại sáng", thế nhưng "ở đời nào ai có học được chữ ngờ". Một buổi tối, Diệp Chi đi làm về muộn, đến "ngã tư tử thần", người ta gọi là "ngã tư tử thần" vì ở đó tai nạn rất nhiều, đúng lúc đèn đỏ bật lên, Diệp Chi dừng xe trước đèn đỏ nhưng phía sau cô chiếc xe đầu kéo chở "container" vẫn hung hãn xông tới...
Tin dữ như sét đánh ngang tai, bà Thành quỵ xuống ngất đi, thằng bé Nghĩa mới hơn một tuổi, nhưng có lẽ nó cảm nhận được sự mất mát, nó khóc nức nở hai tay lay gọi bà ngoại đang nằm ngất trên giường. Cu Nghĩa vẫn chưa hiểu từ "mô côi" là gì.
Sau khi chôn cất đứa con gái xấu số, bà Thành suy sụp và yếu đi rất nhiều, bà biết chắc bà cũng không sống được lâu nữa, nhưng không còn cách lựa chọn nào khác, bà vẫn phải cố gắng ra chợ kiếm sống để nuôi thằng cháu ngoại nhỏ dại.
Mỗi sáng khi bà Thành đi, cu Nghĩa vẫn chưa thức giấc, vì vậy bà phải khóa cửa nhốt cu Nghĩa trong nhà. Đến trưa bà về thì đôi khi phải dọn cả phân mà cu Nghĩa bậy ra khắp nhà, rồi mới tắm qua cho nó vì nó bẩn từ đầu tới chân. Rồi sau đó mới nấu cơm hai bà cháu cùng ăn. Buồi chiều lại lặp lại như buổi sáng, bà ra ngoài kiếm sống khi cháu còn chưa thức giấc, lúc trở về lại bẩn thỉu cứt đái từ đầu đến chân.
Mới hơn một tuổi, cu Nghĩa cứ lủi thủi một mình cả ngày trong bốn bức tường. Nhưng ở nó có một sức sống như cỏ dại. Cuộc sống thì thiếu thốn, điều kiện thì tù túng bẩn thỉu, vậy mà nó không hề bị đau ốm gì. Nó gầy, nhỏ và hoang dại hơn đám trẻ cùng lứa, nhưng nó vẫn lặng lẽ lầm lũi sống như ngọn cỏ lầm lũi rẽ đất để vươn lên đón ánh mặt trời. Mỗi lúc thức giấc, nó đều thấy chỉ có một mình, vài ngày đầu thì nó khóc đến mất cả tiếng. Thế rồi miết nó cũng quen dần, nó không khóc nữa, lầm lũi một mình từ góc này sang góc khác trong căn nhà trọ mười mấy mét vuông đó.