Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Ném viên sỏi xuống nước



NÉM VIÊN SỎI XUỐNG NƯỚC, MẶT NƯỚC LAY ĐỘNG VÀ LAN XA...

Viết bởi hoaphonglan 21:36 | Permalink Đường dẫn cố định | Comments góp ý (6) | Trackback Trackbacks (0) | Edit | Chung
Lấy một viên sỏi ném xuống nước, chỗ viên sỏi rơi xuống có mấy hạt nước bắn lên, và mặt nước tạo thành những vòng cung lan rộng, lan rộng mãi...
Đứng trước dãy núi, trước mặt là các vách đá sừng sững, hét lên: "tôi yêu bạn, tôi cần bạn biết bao!", chỉ một giây sau có hàng ngàn tiếng vọng lại, tiếng nọ nối tiếp tiếng kia: "tôi yêu bạn, tôi cần bạn biết bao!"...
Bình thường Phong lão Lan rất bận, chẳng có lúc nào mà online, nhưng cũng như mọi người lão rất cần có bạn.
Không online thì chẳng nói chuyện với ai, những tin nhắn offline cũng thưa dần, chẳng lẽ mọi người bỏ ta đi hay sao? Chắc không phải vậy chứ?
Hôm nay tuy bận lắm, chẳng online được, nhưng cứ online với trạng thái là "khò khò" hoặc "măm măm", "busy lắm, mọi người thông cảm nha"... Một lúc sau tha hồ mà trả lời tin nhắn. Ném viên sỏi xuống nước, mặt nước lay động và lan xa...
góp ý

:P

Viết bởi Perfumed Plant 27 Mar 2007, 21:45

Khuấy đây!!!(*_*)

Viết bởi Lê Việt Hồng 27 Mar 2007, 21:46

Anh! Em ném cho anh cả viên... GẠCH này ^_^ Anh đừng có để BUSY khò khò nữa nhá. Cứ buồn cười thế nào ấy. Hì

Viết bởi Bánh Rán 27 Mar 2007, 21:48

Lão dạo này hiếu chén nhỉ. Hết khua bà con ném gạch ném đá giờ lại đến ném sỏi. Thì ném. Nhà em sẵn máy xúc, em xúc 1 nhát cả đất cả đá cả sỏi cả cát em đổ vào ao nhà lão.
Ủm... hihihi


Viết bởi Lady04 27 Mar 2007, 21:49

Em thả... bim bim, ngô cay... hehe

Viết bởi D2T 27 Mar 2007, 21:50

Em thả một chiếc lá vàng được không? :)

Viết bởi Cammy 27 Mar 2007, 21:51

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Nghệ nhân Quách Thị Hồ

Nguồn Blog Nguyễn Xuân Diện

https://xuandienhannom.blogspot.com/2011/10/i-tim-ve-ep-ca-tru-bai-7-nghe-si-nhan.html

Đi tìm vẻ đẹp Ca trù - Bài 8: NGHỆ SĨ NHÂN DÂN QUÁCH THỊ HỒ


Quách Thị Hồ 
-Sênh phách giọng sầu gửi bóng mây
Nguyễn Xuân Diện 



Tiếng hát của Quách Thị Hồ đẹp và tráng lệ như một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, mà mỗi tiếng luyến láy cao siêu tinh tế của bà là một mảng chạm kỳ khu của một bức cửa võng trong cái tòa lâu đài ấy. Tiếng hát ấy vừa cao sang bác học, vừa mê hoặc ám ảnh, diễn tả ở mức tuyệt đỉnh nhất các ý tứ của các văn nhân thi sĩ gửi gắm trong các bài thơ.

Có một thời gian rất dài ca trù không được quan tâm. Có lẽ từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cùng với những tàn dư xấu xa của chế độ phong kiến, sinh hoạt cô đầu, hay hát ả đào, vốn đã có tiếng rất xấu từ đầu thế kỷ, cũng bị quét đi, không thương tiếc. Các cô đào, dù hát còn hay, dù còn thanh sắc cũng giấu kỹ phách, các kép hát thì gác đàn lên xà nhà, giấu đi cái hành trạng một thời làm nghề hát xướng của mình để nhập vào cuộc sống mới. Không ai dám hát, không ai dám đàn, không ai dám nhận mình là cô đầu nữa. Con cái các đào kép một thời lững lẫy bỗng đâm ra xa lánh, sợ sệt cha mẹ mình. Tiếng xấu sinh hoạt ả đào trùm lên cả xã hội. Nhắc đến cô đầu người ta sợ. Nhắc đến hát ả đào, người ta nghĩ đến một thú ăn chơi làm cho người ta khuynh gia bại sản, có hại cho phong hoá và luân lý. Người ta cho cô đầu là cái người: “Lấy khách - khách bỏ về Tàu, lấy nhà giàu - nhà giàu hết của”.

Mà cũng có chỗ không oan. Với vẻ thanh thoát của vóc dáng của những người không phải chịu cảnh chân lấm tay bùn, các cô lại khéo ăn nói, do được tiếp xúc toàn với văn nhân nho sĩ, nên nhiều người đã bị các cô làm cho mê mẩn. Có người phải bán ruộng, bán nhà; có kẻ phải giấu lương tháng, lừa dối vợ con để lấy tiền đi hát. Nhà hát lại là nơi hấp dẫn nhất trần đời: nào các cô hát hay, nào các cô tiếp rượu khéo, nào các cô đấm bóp ấm êm. Biết bao cảnh đánh ghen tầy trời nơi các ca quán. Biết bao đôi vợ chồng phải ly biệt, tan cửa nát nhà vì cô đầu. Tiếng xấu ấy, trăm năm còn in vết.

Các người ca thưở trước đều tìm một nghề khác kiếm sống, giấu biệt cái nghề ca hát của mình đi. Có đào nương phải kiếm một gánh nước chè độ nhật cho đến tận lúc cuối đời. Nhiều đào nương lần hồi kiếm các công việc để độ nhật, và giấu biệt đi cái nghề ca hát của mình, cho dù nó đã từng đem lại ít nhiều vinh quang cho bà trong thời trẻ trung. Có đào nương trở về với công việc đồng áng, cố che lấp đi cái nghề ca hát của mình. Gặp lại các bà để hỏi về ca trù, các bà còn run sợ, các bà không dám nói. Mặc dù thưở trước Tổ đã cho các bà ăn lộc, cho các bà những hào quang, nhưng nay thì các bà dứt khoát dứt ra khỏi cái liên hệ này. Tìm gặp các bà, có cảm giác như họ đang ôm trong mình một khối u lớn. Có bà trả lời giằn dỗi, như hắt nước lạnh vào người đang hỏi chuyện. Lâu dần trong số họ trở nên kiêu ngạo, cao đạo, nào tránh gặp báo chí, nào tránh gặp truyền hình, nào tránh các cuộc giao lưu. Không ai dám đến gần khiến cho người đào nương già nua lại trở nên cô độc, thù ghét xung quanh, khinh ngạo mọi người trong và ngoài nghề.


Trong hoàn cảnh ấy, chỉ có một người phụ nữ, người mà nét tài hoa và đa tình còn in trên khuôn mặt đã nhăn nheo, mà nét kiêu sa lừng lẫy chốn ca trường còn trong từng âm thanh giọng nói - vâng chỉ có người ấy là dám nhận mình là một ả đào, như bà đã từng nói là bà dám đeo cái biển trước ngực “Tôi là ả đào”. Bà kể rằng: Hồi trước có mấy ông lãnh đạo văn hóa nói thẳng vào mặt tôi rằng: "Cái nghề ca trù của bà chỉ phục vụ bọn thực dân phong kiến, cái cây đã chết, cho nó chết, lấy đâu hoa mà nở". Lúc đó tôi cười: "Rồi xem, hoa có nở không?".(Báo Lao Động chủ nhật, số 40, ngày 20.10.1991, tr.5). Đấy, thái độ của bà rõ ràng và tự tin như vậy! Vâng, cả cuộc đời của bà lúc nào cũng một niềm thuỷ chung với nghề tổ. Bà được Tổ cho ăn lộc, đem cho bà vinh quang và cả đắng cay nữa. Bà dám sống cho nghề tổ, chịu vinh, chịu nhục vì nghề. Khi bà ba mươi tuổi, đang lừng lẫy chốn ca trường, thi sĩ Trần Huyền Trân viết tặng bà bài thơ Sầu chung. Một bài thơ mà từng chữ, từng lời hiểu bà từ gan ruột. Bà là Quách Thị Hồ nghệ sĩ lớn nhất của ngành ca trù trong thế kỷ XX.



Quách Thị Hồ và Nguyễn Thị Phúc (1952)

Bà được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Và cho đến hôm nay, bà là người đầu tiên và duy nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân ngành ca trù. Sau bà, không còn ai được phong Nghệ sĩ Nhân Dân về ca trù nữa. Và bà thật xứng đáng với danh hiệu này. Tiếng hát ca trù độc đáo, lạ lùng và đầy sức hấp dẫn của Quách Thị Hồ đã vang lên, đại diện cho Việt Nam, làm rạng rỡ cho âm nhạc và văn hoá Việt Nam.

Sau đó, Đài Tiếng nói Việt Nam mới ghi âm tiếng hát của bà, phát trong các chương trình ca nhạc cổ truyền. Năm 1984, Trung tâm Nghe Nhìn (nay là Hãng Phim Truyền hình) tổ chức làm phim “Nghệ thuật ca trù” (Kịch bản và đạo diễn Ngô Đặng Tuất) tại Lỗ Khê. Đây cũng là dịp tập trung nhiều nhất các danh ca, danh cầm nổi tiếng trong giới ca trù như: Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Hào, Chu Văn Du, Nguyễn Thế Tuất, Phó Đình Kỳ, Đinh Khắc Ban, Phó Thị Kim Đức, Nguyễn Thị Mùi. Nhà nghiên cứu Ngô Linh Ngọc dẫn chương trình và đọc lời bình cho toàn phim. Năm 1980, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội tổ chức biên soạn cuốn sách Hát Cửa đình Lỗ Khê, được dư luận đánh giá tốt.

Nghệ sĩ Quách Thị Hồ tạ thế lúc 3h 45 phút, ngày 4 tháng Giêng năm 2001, tức ngày 10 tháng Chạp năm Canh Thìn. Thọ 92 tuổi. Trong sổ tang đọc thấy dòng chữ của một nhà nghiên cứu: “Nghệ sĩ Quách Thị Hồ ra đi có mang theo tất cả những gì là cao quý, sang trọng và bác học của nghệ thuật ca trù trong thế kỷ XX”.

Nghĩ đến hôm bà mất, càng thấy thương bà, khi mất, không có đất chôn. Con cháu phải mua một mảnh đất mấy mét vuông bên Gia Thuỵ để làm nơi yên nghỉ cho bà. Ba thước đất đã vùi sâu một nghệ sĩ tài hoa, sống đã làm vẻ vang cho ca trù, danh thơm bốn bể, cùng với cả trăm cay nghìn đắng, mà vẫn sáng ngời lòng thuỷ chung với Tổ với nghề. Nay bà khuất nẻo suối vàng, nhưng tiếng hát của bà còn vang mãi, với non sông này, với nghệ thuật này.