Thứ Ba, 29 tháng 7, 2008

Hiroshima bình yên

Hôm vừa rồi mình đi dự hội nghị ACMSSR 2008 (Asia Conference on Maritime Simulator and Simulation Research - Hội nghị Á châu về mô phỏng hàng hải và nghiên cứu trên mô phỏng). Năm nay thành phố Hiroshima đăng cai hội nghị này, và mình có cơ hội được đi thăm thành phố nổi tiếng ấy.
Thành phần tham dự hội nghị: Nhật, Hàn, Việt, Đài-loan, Indonesia, Philippin, Ấn độ
Báo cáo viên đa số là nam, chỉ có 3 nữ: một giáo sư đến từ Nhật Bản, và hai nghiên cứu sinh đi theo giáo sư đến từ Nam Hàn.
conference.jpg picture by laoxichlo
Mọi người tham dự rất nghiêm túc.
Nói vậy lại thấy buồn cho VN. Năm 2006, Hải Phòng đăng cai hội nghị này. Số báo cáo viên người Việt là 16, số đăng ký dự thính cũng rất đông. Nhưng chỉ có buổi khai mạc là đầy đủ, nhưng buổi sau thì cứ rụng rơi dần, các báo cáo viên người Việt thì chỉ căn giờ mình báo cáo để đến, phát biểu xong là chuồn thẳng. Mình không hiểu họ dự hội nghị để làm gì. Hoặc giả một chút lịch sự tối thiểu cũng thiếu (lão lại phạm sai lầm khi vạch áo cho người xem lưng rồi)
Banquet1.jpg picture by laoxichlo
Ban tổ chức thông báo: Buổi chiêu đãi (banquet) mọi người có thể trang phục một cách bình thường (unformal). Tuy nhiên, khi đến dự chiêu đãi mình tưởng mình nghe nhầm, vì đa số người Nhật đều trang phục rất nghiêm túc, trong khi áo phông (pull) mình còn không cắm thùng. Vội vàng quay sang hỏi chị Minh (UCHINO Akiko): "Trang phục nghiêm túc (formal) à?" - "Không, nhưng đó là thói quen của người Nhật".
profHANATA4.jpg picture by laoxichlo
Giáo sư HINATA được yêu cầu biểu diễn thổi sáo. Ông là giáo sư của Học viện Bảo an trên biển (Japan Coast Guard Academy). Tuy ông chỉ là một nghệ sĩ nghiệp dư, được yêu cầu biểu diện góp vui ở những nơi như hội nghị này. Nhưng nhìn trang phục khi biểu diễn cũng dễ dàng nhận thấy ông rất coi trọng chuyện ấy, rất tôn trọng mọi người, và ông chuẩn bị rất cẩn thận. Bộ quần áo hoàn toàn là truyền thống ki-mô-nô thậm chí đến đôi dép cũng phải là đúng truyền thống, chứ không hề "đi giầy tây cho tiện". Biểu diễn xong ông quay về phòng trong cùng KS để thay đồ. Rất lâu sau mới thấy ông trở lại trong trang phục com-lê, lúc ấy mới biết là trước đó ông phải thay đồ lâu như thế nào. Nước Nhật xứng đáng là một nước phát triển bởi từng cá nhân đều rất nghiêm túc trong mọi chuyện.

Hiroshima thành phố bình yên
congvienhoabinhHiroshima4.jpg picture by laoxichlo
Tòa nhà này nằm trong quần thể di tích công viên hòa bình Hiroshima.
congvienhoabinhHiroshima8.jpg picture by laoxichlo
8 giờ 15 phút sáng ngày 6 tháng 8 năm 1945, máy bay ném bom B29 của Mỹ đã thả một quả bom xuống thành phố, nơi trái bom rơi xuống chính là tòa nhà này. Đây là quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Cả thành phố Hiroshima bị san thành bình địa.

congvienhoabinhHiroshima24.jpg picture by laoxichlo
Cây cầu này có tên là Tương Sinh Kiều 相生橋
Cầu có cấu tạo đặc biệt là nối liền gữa 3 hòn đảo, do đó khi nhìn từ trên cao (bird-eye view) cầu có hình chữ T. Ban đầu người Mỹ định ném bom Kinh Đô (Kyoto) nhưng do sương mù nên máy bay không nhận dạng được mục tiêu, nên họ chuyển hướng ném bom Hiroshima. Đặc điểm nhận dạng nơi ném bom chính là cây cầu hình chữ T.

Đền ITSUKUSHIMA nổi tiếng khắp đất Nhật vì kiến trúc độc đáo.
ItsukushimaShrine.jpg picture by laoxichlo
Ngôi đền được xây dựng trên Cung Đảo 宮島 (Miya-jima). Lần đầu được xây năm 598, sau đó được xây lại bởi Taira-no-Kiyomori vào năm 1168. Từ trung tâm TP Hiroshima muốn ra đảo Miya-jima phải đi tàu điện đến bến phà, rồi đi phà ra đảo. Kiến trúc đặc biệt của ngôi đền và cổng Đại Điểu Môn 大鳥門của nó là khi thủy triều lên, tất cả đều đứng chân trong nước. Khiến người ta có cảm giác đó là một thủy cung nổi trên mặt nước vậy. Từ ngàn năm nay, những người thủy thủ, trước khi khởi hành thường ghé vào đền cầu nguyện cho chuyến đi bình an, chân cứng đá mềm. Đó là ngôi đền thờ vị thần phù hộ cho người đi biển.
denItsukushima10.jpg picture by laoxichlo
DaiDieuMon-OotoriiGate6.jpg picture by laoxichlo
Khi nước xuống kiệt, du khách có thể đi bộ ra đến tận Đại Điểu Môn
DaiDieuMon-OotoriiGate5.jpg picture by laoxichlo
Lão xích lô đến thăm đền vào một ngày mưa 
denItsukushima7.jpg picture by laoxichlo 


Nơi bình yên chim hót, những chú nai vàng nhẩn nha gặm cỏ. Khách đa tình hiếu kì đến hỏi thăm 
naingongac2.jpg picture by laoxichlo 

Để tỏ lòng hiếu khách, chú nai ngửng lên chào "kô-ni-chi-wa!" 
naingongac5.jpg picture by laoxichlo 

Người Hiroshima rất tự hào về thành phố của mình, ở đây cũng có một món ngon mà người ta luôn sẵn sàng đãi khách, đó là món ô-kô-nô-mi-ya-ki 
okonomiyaki.jpg picture by laoxichlo 

Người Hiroshima còn tự gọi thành phố của mình với cái tên Chu-goku, nghĩa là Trung Quốc 中国. Họ kể lại rằng vào khoảng 1000 năm trước, vua Nhật Bản thì ở cung điện nơi Kinh Đô (Kyoto 京都), nhưng kinh tế thương mại thời đó chủ yếu tập trung quanh khu vực biển nội hải (inland sea). Tận cùng phía đông biển nội hải là Osaka, tận cùng phía tây là eo Kanmon. Hiroshima nằm ở khoảng giữa, và là trung điểm giữa hai đầu đông tây của biển nội hải. Từ đó người ta đặt cho Hiroshima cái tên Chu-goku (Trung Quốc).
Nếu bạn có cơ hội một lần đến Hiroshima, hãy đến thăm quần thể công viên hòa bình bao gồm bảo tàng, quảng trường, di tích bom hạt nhân. Hãy đến thăm đảo Cung (Miya-jima) nơi có ngôi đền Itsukushima nổi tiếng, và nhất định phải thưởng thức món ô-kô-nô-mi-ya-ki. Nhớ là khi thưởng thức món ấy thì phải xuýt xoa thốt lên là: "ôi-shi... i...!"

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2008

Truyện lão xích lô già

Lão xích lô già này không đi kiếm tiền đi còn ngồi đấy mà mơ mộng ôn lại kỷ niệm xưa, còn nhỏ lắm hay sao mà than với trách, đúng là ngớ ngẩn hết sức: thắc mắc tại sao phải kiếm tiền à? ngoảnh lại mà trông xem, 5 bà vợ và 6 đứa con là nguyên nhân rõ ràng nhất đấy, không mau kiếm tiền nuôi chúng nó, chúng đưa lão ra toà sớm, lúc ấy tha hồ ngồi bóc lịch rồi mơ mộng cũng chưa muộn.
Đúng là không cái dại nào giống cái dại nào. Mấy tay không chịu lấy vợ thì bị các cụ chưởi lên chưởi xuống rằng "có lớn mà không có khôn", rằng "nhiều tuổi đến mấy mà không vợ con cũng là thằng bất hiếu", rồi đủ thứ, vậy cũng bị cho là dại.
Ngược lại, lão già HPL này thấy tỉ lệ nữ trong dân đông hơn nam, nghĩ thương các em sau này ế già mốc không ai lấy, cưới liền mấy bà vợ, bây giờ phải còng lưng rong ruổi trên chiếc xích lô để kiếm gạo nuôi chúng, như vậy cũng bị coi là dại. Cuộc đời đúng là "dại dại khôn khôn". Nhiều lúc muốn rũ bỏ hồng trần, khoác áo đi tu, cho tinh thần được thảnh thơi. Ấy vậy mà khi toạ thiền trên đỉnh non thiêng AN TỬ SƠN (安子山), mắt nhắm mắt mở nhìn về phía biển nơi có bãi tắm TRÀ CỔ, thấy một bầy thiên nga bay lượn vui đùa nhẩy nhót trong những bộ bikini đầy mầu sắc của miền nhiệt đới HAWAII thì trong lòng lại dậy sóng phàm trần, biết là tu hành kiểu này thì khó mà đắc đạo, đành hoàn tục mà kéo kày đạp xe.
Nhìn lũ trẻ, mà trong dạ thấy bồn chồn, trán vã mồ hôi: đứa lớn thì đã đến tuổi cập kê, đứa bé thì còn đang ẵm ngửa. Hàng ngày phải đếm trên đầu ngón tay: nào là tiền xăng cho con Dylan của con cả, tiền học thêm cho thằng thứ 2, con thứ ba thì suốt ngày đòi ăn bánh bao chiên quẩy nóng, rồi tiền học teakowndo cho thăng 4, tiền học organ cho con thứ 5, tiền sữa cho thằng cu thứ 6,...
Rồi mấy bà thì thỉng thoảng bảo mua skincare để gìn giữ sắc đẹp, mà mấy cái loại rẻ tiền như của Pond hay Dove là không xài mà ít ra phải là Debon nếu không thì phải là Kanebo, tất cả chăm thứ bà rằm đều dồn lên đôi vai của lão già này.
Ấy là còn may là bà tư và bà năm đang xịt ngòi, chứ hai bà ấy mà cũng sòn sòn sòn đô sòn thì hìng dong của lão HPL chỉ còn là hai cái que khô vắt chéo. Mà nghe đâu hai bà ấy đang đi chữa chạy khắp nơi, vào cả Từ Rũ TPHCM nữa để tư vấn, xem ra các bà ấy quyết vắt kiệt chút hơi tàn còn lại của lão già này. Mình đã răm lần bẩy lượt chắp tay xin các bà ấy rồi, rằng:
 
Tôi nay bẩm thật với hai bà
Rằng giống của tôi chúng đã già
Cũng đã tới thời hết xí quách
Chắp tay xin được các bà tha
 
Ấy vậy mà lại không tin, rồi mua cho bao nhiêu là món ngon, nhìn thấy thèm rỏ rãi mà không dám đụng đũa, bởi biết rằng nếu đụng đũa vào thì đến đêm lại xin trả lại các bà ấy cả vốn lẫn lãi. Mà sáng ra vẫn cứ phải đẩy cái xích lô ra khỏi cổng của ngôi biệt thự, bắc ghế leo lên xe mà hai đầu gối còn run cầm cập...

Đạp cái xích lô trên quãng phố vắng vào buổi sáng sớm lại nhớ lại lúc xưa dậy sớm đến trường. Ngày ấy trọ học ở khu tập thể phía sau Đại Sứ Quán Thuỵ Điển, từ đó xuống Sư Phạm I ở Cầu Giấy cũng mất 30 phút xe đạp, bởi vậy phải rời nhà trọ từ 6:30, chạy xe đạp trên đường Kim Mã dưới tán cây xà cừ, gió lay lá xào xạc.
Lúc nhỏ thì cứ nghĩ: nhờ có lá cây vẫy vẫy mà tạo ra gió, bởi vậy cứ khăng khăng là vào rừng thì mát hơn ở nơi đông người, rằng trong ấy gió sẽ nhiều hơn.
Sau này lớn lên một chút, thấy trời nắng nóng, muốn có tí gió mát, muốn vào rừng, nhưng lại nhát cáy sợ lạc, rủ một đứa bạn gái đi cùng, tự dưng nó nổi khùng tát cho một cái và mắng: ranh con tâm địa đã đen tối!
Bị con gái đánh, vừa đau vừa tức vì không hiểu vì sao, giận lắm không dám đánh lại vì lúc đó tất cả bọn con trai chỉ bé bằng nửa so với lũ con gái. Lớn lên nghĩ lại, hiểu hết mọi chuyện lại bấm bụng cười, lại thèm được nhỏ lại, lại thèm được ngây ngô.
Đạp xe qua khu Ngọc Khánh, gió từ hồ thổi lên mát dượi, thấp thoáng bên hồ mấy cụ già đang tập thể dục, mấy em bé đang nô đùa cùng ba mẹ. Phía đằng đông mặt trời đã lên hết con sào.
Công viên bách thú lúc này còn vắng ngắt. Bạn Bắc "thị kính" nhà ở gần đấy kể chuyện: buổi tối đi ra công viên hóng mát thấy có nhiều ma lắm, các con ma lại cứ đứng từng cặp từng cặp một, bởi vậy mỗi lần đạp xe qua đây mình đều rựng tóc gáy đạp xe thật nhanh. Nghe tiếng ai gọi cũng không dám ngoảnh lại, bởi ở quê các cụ già bảo rằng: khi ma đi bắt người, ma sẽ gọi tên người, ai mà thưa thì hồn sẽ bị dắt theo ma đi mãi.
Khi đến lớp bạn Hoa "cổ rụt" hỏi: này NINJA, sao sáng nay chạy xe như ma đuổi vậy, gọi khản cổ cũng không dừng, xấu hổ không dám nói thật sợ con gái Hà Nội chê con trai nhà quê trông thì không đến nỗi mà lại sợ ma.
Từ lần sau, không dám sáng sớm đi một mình qua đấy, khi nào cũng vậy cứ tới gần đó là ngó trước ngó sau xem có ai đi cùng chiều thì bám theo quá giang. Chuyện này dấu mãi không nói ra, mãi tới khi liên hoan chia tay lớp mới kể, làm cả lớp ôm bụng cười lăn lông lốc, khổ nhất là bạn Hằng "kiêu" đang ăn dở miếng bún cười mạnh quá hai sợi bún trồi lên hai lỗ mũi rút mãi mới ra...

"Ơ cái lão xích lô này, nghĩ gì vậy? Có chạy hay không, để tôi đi xe khác" "ah... vâng... rước bà lên xe..."