Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Thư gửi cháu gái 2

Gửi cháu gái yêu của bác,
1/ Về việc luyện nghe tiếng Anh, bác khuyên là không nên nghe "music". Vì "music" đôi khi cái phát âm của một từ, ở bài này thì bị kéo dài ra, bài khác lại bóp ngắn lại, bởi nó bị ép phải theo "melody". Thế nên cháu nên luyện nghe bằng coi các "movies", hoặc "clip news". Nếu không có nhiều thời gian, thì chỉ coi khúc một, khúc một thôi. Mỗi "movies" thường từ 1,5~2 tiếng. Cháu coi mỗi khúc 15~20 phút. Hoặc cháu lên “youtube”, "search" cái “CNN news” để coi cũng tốt. Nó ngắn mà từ ngữ phát âm đúng. "Music" để "relax" thôi cháu ạ.
2/ Về đọc sách, đúng là mình càng đọc nhiều thì mình càng thấy hay. Mỗi một tác giả lại viết khác nhau về cùng một vấn đề. Ngày trước bác mới thích đạo Phật, bác hay nghe tu sĩ Thích Chân Quang giảng trên băng đĩa. Rồi bác cho rằng đạo Phật phải đúng như những gì mà tu sĩ đó giảng. Nhưng rồi càng nghe, bác càng có nhiều băn khoăn. Bác bắt đầu tìm đọc sách liên quan đến đạo Phật. Và rồi có những quyển sách phủ định luôn những gì mà tu sĩ Thích Chân Quang giảng. Chẳng hạn có lần tu sĩ giảng là "Phật Thích Ca dùng thần thông hiện ra trước chỗ này chỗ kia...". Nhưng có sách lại viết "Phật Thích Ca là một vị thày giáo, nên ngài muốn mọi người thấy ngài cũng giống tất cả mọi người phàm khác, có cha, có mẹ, có vợ, có con… Về việc tu để giải thoát, cứ quyết tâm là làm được, nên ngài không bao giờ thể hiện ra ngoài rằng ngài có thần thông". Và bác thích cái hình ảnh đời ấy hơn.
Càng đọc nhiều về đạo Phật, bác càng thấy rất nhiều các chùa chiền ở VN mình bây giờ rất lố lăng, như các chùa nổi tiếng Chùa Hương, Chùa Bái Đính, Chùa Yên Tử... càng nổi tiếng, càng lố lăng, và dường như Giáo hội Phật giáo ở VN không còn theo Phật Thích Ca nữa mà đã biến thành một thứ công cụ của đảng cộng sản.
3/ Về chuyện gia đình cháu, về việc góp ý với mẹ cháu... điều này phải làm từ từ cháu ạ. Cháu cùng mẹ, nên cùng tâm sự để làm thế nào tốt nhất cho em Mig. Hiện nay, mẹ cháu và cháu chưa đạt được đến đồng thuận trong chuyện này. Vì mẹ cháu thì quá "tả khuynh", cháu lại quá "hữu khuynh". Điều này dễ hiểu. Mẹ cháu thì là tâm lý người mẹ, lúc nào cũng thấy con còn bé. Như bà nội vậy, trong mắt bà, bác vẫn là "thằng nhóc".
Còn cháu, thì muốn cháu và em cháu phải trưởng thành, phải có độc lập tư duy, phải có kỹ năng sống phù hợp. Bác đồng ý với cháu là phải để cho em Mig rèn luyện.
Có lẽ mẹ của cháu, kể cả bác Hoan, cần tham khảo nhiều từ bà Lan Anh. Hệ thống bên Nhật họ có phương pháp hay để dạy trẻ cháu ạ.
4/ Về những vấn đề mà bác nói chuyện với cháu và chị Mún. Cháu thấy hay. Bác rất cảm ơn. Bác thì không cố tình làm cho nó hay. Bác xuất phát từ 2 cái căn bản: Tình yêu và Duy lý. Bác yêu chị Mún, bác cũng yêu cháu. Vậy bác sẽ nói và làm gì để không tổn thương những người bác yêu.
Duy lý: Cái này quan trọng. Mọi người cần được giải thích mọi chuyện bằng lý lẽ nhân văn. Lý lẽ nhân văn cần trung lập. Nếu cháu không thích luận điểm gì thì đừng bao giờ bắt người khác phải chấp nhận nó.
Chẳng hạn "khuôn vàng thước ngọc" từ ngàn xưa rằng phụ nữ chính chuyên là phải "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử".
Bác cực ghét những cái "khuôn vàng thước ngọc" kiểu đó. Thế nên bác không bao giờ bắt ép những người bác yêu thương phải tuân theo nó.
Rồi, thư bác viết đã dài.
Bác chúc cháu và mẹ sẽ tâm sự nhiều hơn, để cùng nhau giải quyết vấn đề cho thỏa đáng và đạt được "happy" nhất!
-----------------Original Message-----------------
Cái nghe Tiếng Anh của cháu cháu luyện bắng cách nghe nhạc nhiều hơn là xem “films”, một phần là tại cháu hơi ít thời gian xem “film” nhưng cháu chắc sẽ cố xem nhiều hơn.
Cháu thấy tiếng anh của thế hệ bác và mẹ cháu dù rất chắc ngữ pháp và vốn từ không phải là ít gì, nhưng đúng là phát âm thì đúng là buồn cười thật ạ ^_^
Về việc đọc sách, cháu thích đọc sách cũng chính là vì lý do đó. Đọc cùng 1 vấn đề nhưng mỗi tác giả lại có 1 suy nghĩ, quan điểm khác nhau, đọc xong mình cũng thấy mở mang mà tự suy ra được cách hiểu riêng của mình bác ạ!
Về việc gia đình cháu cũng chả ngại gì đâu bác ạ. Cháu lớn rồi cháu cũng hiểu rồi. Cháu không trách ai được, cháu cũng cố gắng giúp mẹ với em cháu đc tí nào hay tí đấy thôi. Cháu chỉ không đồng ý 1 điều đó là cái cách quyết định mọi việc của mẹ cháu. Không phải là cháu không đồng ý để mọi việc như thế nào, mà là cái kiểu không dứt khoát, không rõ ràng của mẹ cháu. Cháu cũng góp ý rồi đấy, nhưng mẹ cháu kiểu cứ lưỡng lự, loằng ngoằng. Nhờ bác góp ý cho mẹ cháu. Mẹ cháu cũng cứ bao bọc thằng Mig quá, sợ nó thế này, sợ thế kia, cháu với cậu Minh nhắc nhiều rồi đấy, nhưng vẫn chưa sửa được. Em cháu  không hư gì, nó cũng là đứa nhạy cảm và không mạnh mẽ lắm nhưng nó còn bé, nó cũng phải va chạm chút nó mới lớn được chứ bác nhỉ? Cháu thấy Mig nó thế thôi chứ cũng tử tế, thật thà, cái tính cục tính chỉ là hơi hơi thôi, nó sẽ sửa được. Thế nên cháu cũng muốn mẹ cháu thả nó một chút.

Cháu chưa gặp bác theo kiểu "have a nice chat" bao giờ nhưng qua mấy cái “mail” của bác cho chị Mún và cái “mail” bác vừa gửi cho cháu, cháu cảm thấy bác có những lời khuyên thực sự rất hay, bác thấy thế không?

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Thư gửi cháu gái 1

Gửi cháu gái của bác,
1/ Về tiếng Anh, thấy cháu có thể đọc sách tiếng Anh, vậy là ổn!
Tài liệu trong cái thẻ nhớ USB bác gửi thì có rất nhiều bài "test listening" từ "book 1" đến "book 10" thì phải? Bác có gửi kèm một "file" mẫu của tờ trả lời bài "test". Nếu cháu luyện bài "test listening" thì bảo mẹ in cái "file" đó để làm. Ờ nhưng mà nhớ tiết kiệm giấy nhé!
Học ngôn ngữ nói chung bao giờ cũng theo trình tự: Nghe, Nói, Đọc, Viết. Giống như em bé ấy. Lúc đầu không biết nói. Nhưng đã biết nghe. Nghe miết rồi mới tập nói. Lúc mới tập nói thì nghe rất ngộ vì kỹ năng xắp xếp từ chưa tốt. Nhưng rồi nghe nhiều thêm nữa nên nói chỉn chu. Đến mãi 6 tuổi các bé mới tập đọc và viết. Bác thấy chị Mún luyện nghe bằng cách xem phim bản ngữ đấy. Tức là những cái phim mà bác đã “copy” cho các cháu.
Thế hệ các bác ngày xưa không có điều kiện như bây giờ. Với lại chính sách của VN liên quan đến giáo dục rất là "rừng chuối".
Thế nên các bác học "ngôn ngữ" toàn ngược: Học đọc và viết là chính. Nghe và nói rất hạn chế.
Thế nên bây giờ, bác mặc dù đi khắp nơi làm việc toàn bằng tiếng Anh, nhưng chị Mún thì chê tiếng Anh của bác nghe rất kỳ cục!
Hi hi... may mà bác không bắt chị Mún học tiếng Anh của bác.
2/ Về chuyện đọc sách, cháu nên đọc nhiều hơn. Sách là vị thày rất quí. Thày cô ở trên lớp cũng đáng quí, nhưng kiến thức của mỗi người thì chỉ là hạn chế thôi. Trên thế giới này không có ai biết tất cả mọi thứ. Với lại, kiến thức của mỗi người thường là một lối mòn. Trong khi sách thì lại vô cùng phong phú. Và sách thì không bị lối mòn. Cùng là một chuyện, nhưng những tác giả khác nhau sẽ viết khác nhau. Vì vậy đọc sách để mình có cái nhìn tư duy đa chiều và tổng quát hơn. Từ đó tránh được bệnh lây giữa bày đàn cháu ạ.
Ngày xưa Minh râu bị Stalin và Mao Trạch Khựa bắt phải làm cái cách ruộng đất, ông ấy lợi dụng tính chất bày đàn, đã tạo ra một cuộc tàn sát rất lớn và cực kỳ vô nhân tính.
3/ Về chuyện nhà, giờ đây bố mẹ cháu đã ly dị. Đó là một thực tế, không cần phải trốn tránh, không cần phải cảm thấy e ngại.
Cháu đọc quy tắc 90/10 chưa nhỉ?
Ý là thế này: Những việc ngẫu nhiên trong cuộc đời xảy đến với mình chỉ quyết định 10% hạnh phúc của đời mình. Và 90% hạnh phúc còn lại phụ thuộc vào việc mình ứng xử sau đó thế nào.
Vì vậy, chuyện gì xảy đến với mình không quan trọng. Quan trọng là mình nghĩ thế nào và làm thế nào để mình "happy".
Ở VN rất bị ảnh hưởng nặng nề của "định kiến".
Họ cho rằng "định kiến" là do người xưa đúc kết lại. Nên đã là "định kiến" thì nó đúng. Vì vậy mọi người phải tuân theo "định kiến".
Từ đó con người tự giam mình trong tù ngục của định kiến. Đến cả tư tưởng cũng bị giam cầm.
Thế nên, ở VN chẳng có lấy nổi 1 nửa cái phát minh sáng chế nào.
Bác viết mấy dòng gửi cháu như vậy!
Bác mong cháu "happy" và làm cho mẹ cháu, em cháu "happy", cuộc sống được như vậy là tốt nhất.
Mà muốn vậy thì đừng khư khư giữ cái TÔI để cãi nhau. Mà hãy từ từ tâm sự để hiểu nhau cháu nhỉ!
-----------------Original Message-----------------
Dạo này Tiếng Anh của cháu vẫn ổn. “Gramma” thì cháu làm trong quyển “gramma in use” ấy ạ. Còn “vocabulary” thì cháu đọc truyện với cả xem “clip film” Tiếng Anh rồi cháu tra từ điển thôi. Cái thẻ nhớ của bác cháu xem rồi ạ. Cháu lấy mấy “file” cháu thấy phù hợp để làm rồi ạ.

Về việc đọc sách đọc truyện thì cháu vẫn đọc đều. Cháu có mượn một bộ truyện Tiếng Anh của bạn cháu để đọc.

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Thư gửi con trai 6

Gửi con trai của ba,
Tập karate để tốt cho sức khỏe, cũng là để tránh cho con mải mê với trò "games" trên "tab" hay máy tính. Con đến lớp đều đặn, về nhà làm bài đầy đủ, kết quả thi tốt. Con rất đáng khen đấy. Nhưng ba vẫn phải nhắc lại là còn đừng chơi "game" nữa và dành thời gian đọc sách và học tiếng Anh nhiều hơn nhé!
Nhân đây ba muốn thảo luận với con mấy ý:
1/ Khi mẹ nói con lấy áo mặc vào cho khỏi rét thì con lại bảo "con không phải là nô lệ của mẹ" là rất sai.
Thứ nhất là có lẽ con chưa biết "nô lệ" là gì. Ờ thì đúng rồi, con cần phải đọc sách để hiểu như thế nào là "nô lệ" con ạ. Tuy nhiên, ba có thể nói sơ qua thế này: Nô lệ là những người bán mất quyền tự do làm người của mình vào tay người khác. Người nô lệ phải chấp hành mệnh lệnh của chủ, chủ bảo sao phải làm vậy, không được nói, không được có ý kiến, và khi nào chủ cho ăn thì mới được ăn. Thậm chí chủ có thể sử dụng mạng sống của nô lệ. Con hình dung nô lệ giống như là một con vật nuôi của chủ, như là trâu, chó, lợn, gà... vậy.
Thế nên con tự xem xét bản thân mình xem có phải là một nô lệ của ai đó không?
Ba và mẹ toàn muốn điều tốt cho con. Mẹ bảo con đi lấy áo mặc để khỏi rét, là vì muốn tốt cho cho, chứ không phải là vì muốn tốt cho mẹ. Nếu mà mẹ phải đi lấy áo để mặc cho con thì lại là con đang bắt mẹ phải hầu hạ con đấy. Đó là điều sai!
Giả sử mẹ có nhờ: "con lấy hộ mẹ cái gối!" thì có phải là mẹ bắt con phải hầu không? Nếu con hẹp hòi và chỉ xét riêng một hành động đó, con sẽ cho rằng đó là mẹ bắt con hầu. Nhưng con trai ạ, ở lớp ở trường, con đôi lúc vô tư giúp đỡ bạn bè, thày cô, vậy mà sao về nhà lại tính sổ chi li với mẹ. Trong khi sáng mẹ dậy sớm nấu cho con ăn. Trưa và tối, ngày 3 bữa mẹ nấu cho con ăn. Và còn rất nhiều việc khác nữa. Đó là sống cùng nhau thì cùng nhau chia sẻ mọi việc, chứ không phải ai hầu hạ ai.
Thế nên, khi mẹ bảo "con đi lấy áo mặc" là mẹ đang lo lắng cho con. Con phải thấy biết ơn và thương mẹ hơn mới đúng.
Mẹ không lấy áo mặc cho con là vì mẹ muốn con trưởng thành. Con đã lớn rồi, phải tự làm mọi việc cho mình. Thậm chí, lẽ ra con phải tự nấu cơm cho cả nhà rồi. Vì vậy, con hãy đọc sách nhiều hơn để biết đúng sai con nhé! Con cũng nên đề nghị mẹ dạy con làm bếp, để con có thể tự nấu cơm cho cả nhà.
2/ Về những tranh luận quanh chuyện thịt chó.
Con đặt vấn đề là "bà nội muốn giết chó, mà ba không nghe" thì sao.
Ba kể với con một chuyện ngày xưa.
Hồi đó ông bà nội ở Mạo Khê, nhà có rất nhiều vật nuôi như bò, gà, lợn, chó, mèo...
Chó thì chỉ nuôi một con, và chó nó cũng quấn quít với chủ hơn mấy con vật nuôi kia. Thế là giữa ba và con chó nảy sinh tình cảm. Giống như con và chị Mún cũng rất yêu con chó mà các con nuôi.
Ở cơ quan ông bà nội, có ông Hương "sẹo". Ngày nào ông ấy cũng đến nhà ông bà nội con gạ giết chó. Ba rất ghét ông ấy từ đó. Cứ thấy ông đến là ba đuổi.
Rồi một hôm ba đi học về thì thấy con chó mà ba quí đã bị giết. Ông bà nội con thì chỉ nghĩ đơn giản giống như mọi người là "nó chỉ là vật nuôi, mà ngay từ đầu, nuôi nó là một dạng thực phẩm". Thời xưa, lương thực thực phẩm rất hiếm, ai muốn ăn gì thì đều phải tự nuôi.
Khi thấy con chó đó bị giết, ba đã khóc rất nhiều. Ba là người mau nước mắt mà. Và hình như ba còn chửi cả ông Hương "sẹo" nữa. Rồi ba bỏ ăn cơm bữa đó. Lúc ấy, ông bà nội mới nhận thấy tình cảm của ba với con chó. Thấy ba buồn, bỏ ăn, ông bà nội con cũng không thể vui được.
Lúc đó có thể ba rất giận ông bà nội. Nhưng con ạ, trong đời người ta, có hai người, người ta không có quyền lựa chọn. Đó là cha sinh và mẹ đẻ. Dù ba có không hài lòng với ông bà nội con chuyện gì đó, thì ba vẫn phải rất rất tôn trọng và biết ơn ông bà. Vì với ba, với cô Huế, với chú Minh, ông bà nội con là duy nhất. Không thể lựa chọn được người khác. Bạn con, nếu không có người này thì có người kia. Tất cả mọi thứ khác đều có thể thay, nếu mất. Nhưng cha sinh mẹ đẻ thì chỉ một trên đời.
Sau cái biến cố giết chó lần đó. Ông bà nội con vẫn tiếp tục nuôi chó. Nhưng từ đó trở đi, không ai có thể gạ được ông bà giết chó. Những con chó về sau này có thể chết già, có thể bị trộm bắt, chứ ông bà nội không giết ăn thịt nữa.
Vậy thế đấy con ạ, làm con thì phải biết vâng lời cha mẹ. Nếu có xung đột về tư tưởng thì từ từ giải thích, chứ không nên căng thẳng chống lại.
Tuy nhiên, ngày nay các bậc cha mẹ đã rất chịu khó lắng nghe ý kiến của con cái. Trong gia đình, không khí đã dân chủ hơn rất nhiều. Nhà mình cũng vậy, ba mẹ cũng tôn trọng ý kiến của con và chị Mún đấy chứ, phải vậy không?
Nhưng con ạ, để sao cho ý kiến của mình đúng, hợp lý, các con cần phải đọc sách nhiều.
Vì vậy con cần rèn luyện những lúc rảnh rỗi mấy vần đề sau:
- Đọc sách
- Học kỹ năng sống: như rửa bát,  quét nhà, nấu cơm,...
- Học tiếng Anh,
- Tập thể dục như karatedo.  
=====
Cuộc đối thoại giữa hai mẹ con như sau:
Mẹ: Con lên lấy áo khoác mặc không lạnh, ốm lại khổ mẹ rồi lại tốn tiền mua thuốc.
Đức: Không đi, ngồi ì ra rồi phát ngôn ra một câu "con không phải là nô lệ của mẹ".
Mẹ: Suy nghĩ là do con nó xem phim, chơi điện tử, tiếp xúc với bạn bắt trước và dùng câu ko đúng ngữ cảnh nên giảng giải, lên lớp giải thích cho một lúc. Rồi bảo: “ai nuôi con lớn thế này, đây là lấy áo cho con cứ có phải lấy áo cho mẹ đâu mà lấy áo cho mẹ con cũng phải lấy”
Đức: Vẫn ngồi ì ra ko đi lấy áo mặc...
Sau đó mấy ngày, hai mẹ con ăn cơm con trai bảo:
Đức: Mẹ ơi có anh lớp 7 đi giao lưu với bạn đầu gấu, rồi về học thói đầu gấu, ấn đầu bạn cùng lớp xuống ao... Bố, mẹ, cô giáo không biết. Khi biết chuyện, bố mẹ chuyển anh ấy về quê học rồi ở hẳn luôn ở quê.
Mẹ: Đúng rồi, nếu con không nghe lời mẹ mẹ cũng cho con về quê học, ba mẹ đã daỵ toàn điều tốt con không nghe. Ví dụ như con hay chơi “games” rồi toàn học những câu láo rồi bắt chước nói không đúng. Ví dụ như hôm nọ con nói là: “Con không phải là nô lệ của mẹ” ấy.
Đức: Con không về quê. Về quê con không quen.
Mẹ: Không về cũng phải về nếu con hư.
Đức: Nếu bà nội thích giết chó, ba không cho thì sao?
Mẹ suy nghĩ: nếu mẹ không tỉnh táo mẹ sẽ bị đánh lừa vì nó sẽ áp dụng là con không đi lấy áo mặc vào người cũng giống việc ba không nghe lời bà là không cho bà giết con chó (hihi ngây ngô thế đấy).
Mẹ: Không phải là ba không cho bà nội giết thịt chó mà ba góp í với bà thuyết phục bà để bà đồng í.
Đức: Bà không đồng í mà vẫn muốn ăn thịt chó.
Mẹ: Nếu bà không đồng í mà bảo bà rất thèm ăn thịt chó thì ba cũng vì bà để cho bà ăn vậy vì bà đẻ ra ba mà. Nhưng con ạ người giỏi là phải biết thuyết phục người khác nghe theo mình con ạ.
Đức: Thế là cu Đức nhà tôi hết vặn vẹo và đồng í với mẹ như vậy.
Câu chuyện trên nếu không tiếp xúc với con nhiều và không biết tính của nó thì chính bản thân cha mẹ sẽ bị rơi đường cụt khó giải thích cho con hiểu và nó sẽ hậm hực là ba mẹ cũng có lần không nghe lời ông bà đó thôi.
Vì sao Đức lại lấy ví dụ về thịt chó, nó đã áp dụng luôn việc hôm qua về Thái Bình, ông ngoại chỉ đạo ăn thịt chó, em và chị Hường về thấy thế góp í với ông ngoại cũng to chuyện. Các cô chú nhà em thì bảo góp í với ông rồi nhưng ông ko nghe nên đành chịu. Chú Lừng trêu bảo “không ai nói được ông Hinh, chỉ có con gái nói được ông ấy vì ông ấy có 2 thằng con rể”. Đức nhà ta không nói mẹ mà lấy ví dụ là ba với bà nội. Suy nghĩ của trẻ con. Mình không tỉnh táo là cũng mệt nhất là thằng có cá tính như Đức nhà mình.

Thế nhé, Ba Đức nghiên cứu nghĩ kế sách dạy thằng con trai.

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Thư gửi con trai 5

Gửi con trai của ba,
Ba thấy mẹ khoe con thi học kỳ toán được 10, tiếng việt được 7.
Thật rất đáng khen ngợi!
Đó cũng là thành tích của con. Vì con đã chăm chỉ làm bài tập nhiều hơn nên kết quả thi của con rất tốt!
Ba khen con đã có kết quả học tập cao.
Tuy nhiên, ba vẫn muốn nhắc con hai việc rất quan trọng:
1/ Con phải học tiếng Anh thật chăm chỉ: Vì tiếng Anh là phương tiện để con bước ra thế giới. Con có học giỏi mấy, làm giỏi mấy mà con không nói chuyện được với người nước ngoài thì con cũng vẫn không đi đâu ra ngoài VN được.
Mà hẳn là sau này lớn lên con không phải chỉ muốn ru rú ở một xó xỉnh nào đó trong nước phải không?
Dưới gầm trời bao la này, chỗ nào con thích đến, chỉ cần con muốn, con sẽ làm được. Vì vậy con cần phải học tiếng Anh thật cẩn thận!
2/ Con cần phải đọc sách nhiều hơn: Vì chỉ có đọc sách nhiều con mới có tư duy riêng của cá nhân mình.
Nếu con chỉ lên lớp học thầy và học những gì trong sách giáo khoa thì con chỉ trở thành một bản sao của hệ thống.
Con không có tư duy của cá nhân con.
Khi con không có tư duy của cá nhân con thì rất nguy hiểm. Con sẽ dễ dàng bị kéo theo bày đàn và bị bày đàn lừa gạt.
Chẳng hạn con thích nghe những bài hát nhảm nhí cũng là một bệnh bày đàn.
Nếu con suy nghĩ thật kỹ con thấy những bài hát đó thật là rác rưởi. Chẳng hạn cả một bài hát nghe được mỗi câu "không phải dạng vừa đâu".
Nó quá rác rưởi. Và chỉ có những người không tư duy mới nghe những thứ rác rưởi như vậy.
Nhiều người khác, giống như con, bị bày đàn lôi kéo, khốn khổ!
Vì vậy nếu con có tư duy cá nhân, thì con sẽ hạn chế được sự hấp dẫn của bày đàn.
Nếu con có tư duy cá nhân, con sẽ làm mọi việc có lý trí hơn, sáng sủa hơn và không lãng phí thời gian, tiền bạc, của cải, và trí tuệ.
Do vậy, nếu con có thời gian rảnh rỗi hãy dùng nó vào việc có ích như tập thể thao (karatedo), học tiếng Anh, và đọc sách.
Vì thế con không nên dùng thời gian rảnh rỗi cho chơi “game” nữa, con nhé!
Ba viết mấy dòng gửi con,
Có thể bà nội bảo là ba nói xa vời quá con không hiểu.
Nhưng ba nghĩ là con sẽ hiểu. Con đọc một lần không hiểu. Con đọc đi đọc lại nhiều lần con sẽ hiểu.

Ba chúc con và cả nhà vui vẻ!

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

Thư gửi con gái 11

Gửi con gái yêu thương của ba!
Hôm nay ba nhận được thư của con, ba khá là bất ngờ với nội dung con viết.
Tuy nhiên, ba rất cảm ơn con vì con đã cởi mở tâm sự hết với ba những nội dung mà có thể rất nhiều bạn bè con giấu không bao giờ kể cho bố mẹ các bạn ấy.
Nội dung con viết rất dài nhưng ba tóm tắt lại để phân tích cho kỹ càng:
1/ Con và bạn C. yêu nhau, ở trong lớp hôn nhau, ôm nhau và ngồi vào lòng nhau.
2/ Có bạn L. trong lớp không thích chuyện đó và tố cáo với cô chủ nhiệm.
3/ Cô chủ nhiệm không thích chuyện đó và gọi con ra để mắng nhiếc.
4/ Quan điểm của con Âu hóa, tự do, dân chủ, thích yêu, thích sống theo ý mình và cho rằng không ảnh hưởng gì đến ai.
5/ Chuyện này chắc cô chủ nhiệm đã điện thoại cho mẹ và mẹ đã mắng nhiếc con?
Trước tiên ba và con cùng bàn đến vấn đề thứ nhất, có thể trong khi nói chuyện quanh vấn đề thứ nhất thì cũng có liên quan đến các vấn đề khác.
I. Chuyện tình yêu bao giờ cũng có kèm theo “tình dục”. Tình dục là gì? Đó là sự “ham muốn” về thể xác. Tình yêu là phần tâm hồn. Nhưng khi có những dấu hiệu về thể xác thì là có dấu hiệu của “tình dục”. Tuy nhiên, tình dục cũng chia thành  các cấp độ khác nhau:
a) Sự mong muốn được gặp nhau, muốn nhìn thấy nhau, nhìn nhau với ánh mắt đắm đuối, thích nói chuyện với nhau, thích nghe giọng nói của nhau, thích ở cạnh bên nhau.
b) Chạm vào nhau như chạm vào vai nhau, bạo dạn hơn chút nữa là cầm nắm tay nhau.
c) Ôm nhau, hôn nhau, ngồi vào lòng nhau.
d) Ngủ với nhau, làm cho người con gái có thai, sanh con.
Thông thường, ở lứa tuổi học trò nên dừng lại ở mức độ (a), hoặc nhiều hơn một chút là đến mức độ (b). Bởi vì, với tình yêu và tình dục như vậy nó vẫn giữ được cho cả hai rất trong sáng và mãi nghĩ về nhau rất đẹp. Kể cả sau này về già vẫn rất tôn trọng nhau, quý mến nhau.
Nhưng nếu ở lứa tuổi học trò mà hoạt động tình dục thường xuyên ở mức độ (c) thì hơi quá đà. Con có nói là tư tưởng của con Âu hóa, chuyện Âu hóa rất tốt, không có sao. Nhưng không phải là Âu hóa thì có nghĩa là phải ôm nhau khi mình còn nhỏ tuổi. Phải chăng con hiểu lầm về Âu hóa. Cái quan trọng nhất của Âu hóa là “trí tuệ” chứ không phải là “thể xác”.  Vì sao Châu Âu phát triển hơn hẳn so với những lục địa khác. Đó là vì họ có tư tưởng rất tiến bộ. Nếu con đọc “Sophie’s World” của JOSTEIN GAARDER và “Khuyến học” của FUKUZAWA YUKICHI con sẽ hiểu rõ về tư tưởng tiến bộ.
Tại sao ba nói chuyện mức độ (c) là hơi quá đà. Nó có mấy vấn đề sau:
Thứ nhất là vì từ mức độ (c) sang mức độ (d) rất gần nhau và ranh giới rất mong manh. Con có thể bị trượt sang mà không kiểm soát được. Giả sử chuyện đó xảy ra và con có thai. Ba mẹ cũng sẽ chấp nhận, mặc dù không vui vẻ gì. Tuy nhiên, ba sẽ không giống như mẹ bạn D., gả chồng cho con. Bởi vì ba không muốn giao con của ba vào một gia đình vô trách nhiệm, để rồi nó biến con thành kẻ hầu người hạ, để nó đánh nó chửi, khiến con của ba sống không ra sống, chết không ra chết…
Quan điểm của ba là: Nếu chuyện đó xảy ra, nếu giả sử con bị mang thai thì con vẫn cứ ở trong nhà của ba mẹ và ba mẹ chờ đón đứa cháu ngoại của ba mẹ, khi ba mẹ mới chỉ 40 tuổi.
Thứ nhì, khi con hoạt động tình dục ở mức độ (c) thường xuyên thì tâm hồn của con không còn trong veo như xưa nữa. Bạn bè con cũng vì vậy mà ảnh hưởng. Do đó mọi người trong lớp con, cũng như con sẽ mất hết cái hồn nhiên vô tư của tuổi học trò. Mà cái này quan trọng lắm con ạ. Cái hồn nhiên vô tư của tuổi học trò chính là chất keo bền bỉ gắn kết con với các bạn cho đến mãi sau này. Đó chính là lý do vì sao ba có những người bạn thân ở MK mà không phải ở nơi nào khác. Và những người bạn là rất quan trọng con ạ! Ba nghĩ rằng con không hề muốn cuộc sống sau này của con chỉ quanh quẩn trong xó bếp của nhà chồng. Bạn chứ không phải bè, những người bạn cho ta những thứ không hề vật chất một chút nào, nhưng vì nó mà ta thấy hạnh phúc con ạ! Gia đình và con cái ngoan, trưởng thành là hạnh phúc của mỗi người. Nhưng bạn đem lại niềm hạnh phúc trọn vẹn hơn.
Thứ ba, con vẫn cứ khẳng định rằng: chuyện con yêu đương như vậy không ảnh hưởng gì đến học tập. Ba lại cho rằng có ảnh hưởng. Có điều con đã không thể nhận ra mà thôi. Giống như con đường đi của nhân quả, nó chi phối toàn bộ cuộc đời của mỗi người. Mặc dù không ai nhìn thấy con đường đi của nó ra làm sao. Giống như việc ở trên tàu, ba cấm các chú câu cá, bắt chim, sát sinh, hại vật… Mặc dù ba không thể chứng minh cho các chú ấy thấy sự liên quan giữa những việc đó với sự an toàn của cả con tàu. Ba chỉ nói với các chú ấy rằng: Nếu muốn mình may mắn “đi đến nơi về đến chốn”, thì đừng cắt ngang cuộc sống tươi đẹp của sinh linh khác.
Thứ tư, đó là việc giữ gìn hình ảnh của chính mình ở giữa chốn thị phi. Khi con đang ở giữa bày cừu thì con đừng cho người ta thấy mình là con sói. Khi con đang ở giữa bày sói, thì con đừng làm con cừu. Con nói với ba là “bạn C. không kiên cường như con tưởng”. Chuyện bạn ấy có kiên cường hay không chúng ta phải chờ đến “hoàng hôn” mới phán xét được. Tuy nhiên, rõ ràng con cũng đã tự mình cho rằng giữa con và bạn ấy không có một cái gì đảm bảo cho một tương lại lâu dài. Điều này chắc chắn, vì cả con và bạn ấy đều chưa hề phải đứng trên đôi chân của chính mình để bước đi. Nên sẽ không thể biết đến lúc phải tự mình bước đi thì con và bạn ấy có còn hiểu và thông cảm cho nhau nữa hay không? Thế nên con cần phải gìn giữ hình ảnh của mình. Ba nghĩ con đủ giỏi để vất lại những lời xì xầm bàn tán sau lưng. Tuy nhiên, thà là không có vẫn tốt hơn phải không? Chính vì thế, tình yêu tuổi học trò được cho là “trong veo” nếu những hoạt động tình dục dừng lại ở mức độ (a) hoặc (b).
Ba cũng xem phim của Mỹ, Nhật, Hàn… cũng rất nhiều phim nói về tình yêu tuổi học trò. Trong phim họ có để cho những nhân vật đó hôn nhau. Nhưng thường họ làm ở mức độ cầm tay nhau. Điều đó chứng tỏ họ cũng muốn cổ võ cho cái gì đó trong sáng và có hạn chế.
Chốt lại, ba không cổ hủ đến mức cấm đoán con yêu. Ba cũng đủ minh mẫn để giải quyết hậu quả một cách tốt nhất. Tuy nhiên, ba không đồng tình và không khuyến khích với phong trào quá đà trong giới học sinh sinh viên. Và Abraham Lincoln cũng không cổ vũ cho sự thái quá của học sinh sinh viên khi họ còn chưa tự đứng trên đôi chân mình.
Ba nghĩ con của gái của ba cũng có cá tính riêng đấy chứ! Trước đây thì “bày đàn” thường sỉ vả những người “quá đà” trong tình yêu. Bây giờ giới trẻ lại có phong trào không hạn chế  gì cả trong tình yêu. Đó lại cũng làmột kiểu “bày đàn” khác. Vậy thì mình hãy sống như thế nào là lựa chọn của mình con ạ, "bày đàn" không phải là lựa chọn của mình.
II. Có bạn L. trong lớp tố cáo với cô chủ nhiệm: Câu chuyện này ba vừa nói ở trên. Đó là gìn giữ hình ảnh của mình. Ông nội con vẫn kể: về hình ảnh một bông lúa nó thường trĩu xuống thấp hơn so với những bông lúa khác khi những hạt lúa đều căng và mẩy. Con học giỏi lại xinh, theo như kiểu "bày đàn" mới thì con sẽ gây ra “scandal” để trở thành nổi tiếng. Nhưng theo như ông nội con thì mình càng nên cố gắng khuất đi thì càng tốt. Bà nội thì thường kể rằng: trong một khu rừng có rất nhiều cây, nếu các cây cao bằng nhau thì gió có lớn mấy cũng chẳng thể quật đổ cây nào, nhưng nếu có một cây bỗng cao vọt hơn hẳn thì cái cây đó sẽ dễ dàng bị gió lớn bẻ mất ngọn. Lớp của con đều là những đứa trẻ sống dưới chế độ này. Chế độ được gọi là “dối trá và bạo lực”. Những kẻ cấp dưới thường muốn “tâng công” với cấp trên. Mà khi muốn tâng công, thì thường phải triệt hạ ai đó. Do vậy, những đứa trẻ cũng bị ô nhiễm nhiều thói xấu của chế độ. Do vậy, đừng nên trở thành một điển hình để cho người khác lợi dụng con ạ.
III. Cô chủ nhiệm lôi con ra để mắng nhiếc: Có thể cô chủ nhiệm chưa phải là một nhà sư phạm hoàn hảo. Nhưng ba thấy cô chủ nhiệm cũng được, vì đã rất công khai thẳng thắn với con. Có thể cách tiếp cận vấn đề chưa tốt, chưa đắc nhân tâm, bởi do họ quen với cách cai trị của chế độ mệnh lệnh đã ăn sâu vào máu từ nhiều trăm năm nay. Tuy nhiên, công bằng mà nói, cô chủ nhiệm làm việc đó cũng là để bảo vệ các con, muốn tốt cho cả con và bạn C. Bởi cô chủ nhiệm hiểu, phía trước của các con còn quá nhiều việc phải làm, thay vì quá đà vào những hành vi tình dục gây phản cảm.
À… cô chủ nhiệm muốn ba viết thư về quan điểm của ba liên quan tới vấn đề Âu hóa. Ba rất cổ vũ cho tư tưởng Âu hóa và kịch liệt phản đối cái gọi là “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”. Bản chất của “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” chẳng qua là mỹ từ để che đậy cái phương pháp “ngu dân thì dễ trị” của nhà cầm quyền. Chẳng hạn như việc khơi lại một số lễ hội cổ truyền, như việc Đồ Sơn tổ chức lễ hội chọi trâu. Người ta được gì từ lễ hội đó? Rõ ràng toàn thói hư tật xấu! Thứ nhất là kích động sự hung hăng bạo lực. Thứ nhì là kích động sự khát máu. Thứ ba là mê tín dị đoan. Thứ tư là lợi dụng để lừa đảo bán thịt trâu với giá cắt cổ. Thứ năm là lãng phí bừa bãi. Thứ sáu là cả thế giới người ta gắng để tiến lên thì mình lại quay đầu đi ngược. Và thứ bảy là cái quan trọng nhất là khiến cho toàn dân mê muội đâm đầu vào quan tâm tới những thứ văn hóa thời hái lượm, mà quên đi những tri thức tiến bộ của loài người.
Tất nhiên chỉ với vài dòng thư này thì ba chưa thể giải thích kỹ càng về vấn đề không tốt của “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”. Để nói cho thật rõ ràng, ba cần nguyên một hội thảo để mổ xẻ. Thế nên ba chỉ nói qua loa như vậy. Con tự tìm hiểu và tự phân tích sẽ tốt hơn.
Ba không thể viết thư và ký tên, vì ba đang ở xa quá, nên con có thể in thư này và chuyển cho cô chủ nhiệm đọc.
IV. Về quan điểm của con thích Âu hóa: Ba cần phải nói lại rằng Âu hóa ở đây là sự tiến bộ về tư tưởng, tư duy khoa học, tư duy dân chủ và nhân văn, sự đề cao con người, nhân quyền và tự do. Chứ không phải là một vài hành vi lệch lạc của giới trẻ. Giới trẻ học sinh, sinh viên thời nay thường rất hay méo mó, họ gần như không bắt đầu từ cái gốc mà họ học cái ngọn rất nhanh. Khi con có được cái gốc là sự tiến bộ về tư tưởng thì việc điều chỉnh hành vi sẽ luôn đúng.
Để ba lấy một ví dụ, chẳng hạn như một cô gái trẻ ăn mặc quá hở hang. Nếu ai phàn nàn thì cô ta sẽ nói đó là cô ta đang Âu hóa. Thực ra cô ta nhầm, đó không phải là Âu hóa, mà đó là sự “khiêu khích”. Giống như con đã xem phim Mỹ rất nhiều, khi biểu diễn, các cô gái ăn mặc hở mà đẹp chứ không khiêu khích. Nhưng ở trường thì các cô giáo lại rất kín đáo chứ không “khiêu khích” như mấy cô giáo ở Việt Nam hiện nay.
Người Châu Âu, người Mỹ, người Nhật họ rất nhiều tiền, nhưng vào nhà hàng họ chỉ gọi món vừa đủ, đôi khi hơi thiếu một chút. Họ rất dị ứng với việc ăn thừa quá nhiều rồi đổ thức ăn vào sọt rác. Có một lần ba ở trong đoàn tiếp khách của công ty ra Đồ Sơn ăn uống, bữa hôm đó khoảng 20 người cả tây cả ta. Khi hầu hết mọi người đã đứng dậy thì còn lại ba và một ông tây trắng còn đang cố ngồi lại ăn. Ông tây trắng đó nói với ba “tao no lắm rồi, mà thức ăn còn nhiều quá!” ba cũng bảo “tao và mày không thể dọn hết cái bàn này được đâu”. Rõ ràng họ giàu có mà luôn có ý thức tiết kiệm thức ăn. Trong khi đám học sinh sinh viên thời nay ở VN, đang “Âu hóa” rất nhanh trong việc yêu đương và ăn mặc thì lại sẵn sàng vào nhà hàng gọi cho sướng mồm rồi chỉ gảy gảy mấy cái, rồi để bao nhiêu của cải thừa phứa đổ vào thùng rác. Vậy rõ ràng họ không hề Âu hóa một chút nào con ạ.
Thế nên ba nhấn mạnh lại: Âu hóa là nó ở trong tâm hồn chứ không phải là sự cố tình tỏ ra bằng hành vi bên ngoài. Nếu con sống tôn trọng con người, yêu thương con người, bao dung con người, sẵn sàng tha thứ cho lỗi lầm của người khác, không đâm thọc nói dựng chuyện hại người khác, không lãng phí của cải, công khai, dân chủ, và duy lý đừng duy ý chí chủ quan, luôn tìm tòi học hỏi vươn tới một sự tự do tuyệt đối về tư tưởng, thì như vậy là con đang Âu hóa thực sự.
V. Mẹ đối xử với con thế nào về chuyện này ba có thể hiểu được: Có lẽ vấn đề là ở chỗ con và mẹ đã từ lúc nào không còn tâm sự với nhau như những người bạn nữa. Ngày xưa, chuyện gì con cũng kể với mẹ, và mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe con. Bây giờ những chuyện của con toàn đến với mẹ từ người bên ngoài. Theo cách như vậy hai mẹ con đã dần dần không thấu hiểu lẫn nhau nữa. Tiếp tục tình trạng như vậy sẽ không tốt cho cả hai con ạ. Ba mong muốn cả con và mẹ cùng nên hợp tác để cải thiện tình trạng này. Bởi vì một điều chắc chắn rằng: với con không ai có thể thay thế vị trí của mẹ, và mẹ con là người duy nhất có thể giúp con một cách tốt nhất để vượt qua mọi vướng mắc trên đường đời.
Hôm nay ba đã dành nguyên cả một buổi chiều để viết thư cho con. Ba đánh giá rất cao sự cố gắng của con. Và ba biết con gái vẫn đang ở cạnh ngay bên ba. Và con yêu ạ, ba mẹ vẫn luôn ở cạnh ngay bên con. Hãy cứ nói với ba mẹ bất cứ điều gì dù lớn hay nhỏ con nhé!
Ba yêu con!

Chúc con gái vui và ngày càng Âu hóa!