Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Thư gửi con trai 6

Gửi con trai của ba,
Tập karate để tốt cho sức khỏe, cũng là để tránh cho con mải mê với trò "games" trên "tab" hay máy tính. Con đến lớp đều đặn, về nhà làm bài đầy đủ, kết quả thi tốt. Con rất đáng khen đấy. Nhưng ba vẫn phải nhắc lại là còn đừng chơi "game" nữa và dành thời gian đọc sách và học tiếng Anh nhiều hơn nhé!
Nhân đây ba muốn thảo luận với con mấy ý:
1/ Khi mẹ nói con lấy áo mặc vào cho khỏi rét thì con lại bảo "con không phải là nô lệ của mẹ" là rất sai.
Thứ nhất là có lẽ con chưa biết "nô lệ" là gì. Ờ thì đúng rồi, con cần phải đọc sách để hiểu như thế nào là "nô lệ" con ạ. Tuy nhiên, ba có thể nói sơ qua thế này: Nô lệ là những người bán mất quyền tự do làm người của mình vào tay người khác. Người nô lệ phải chấp hành mệnh lệnh của chủ, chủ bảo sao phải làm vậy, không được nói, không được có ý kiến, và khi nào chủ cho ăn thì mới được ăn. Thậm chí chủ có thể sử dụng mạng sống của nô lệ. Con hình dung nô lệ giống như là một con vật nuôi của chủ, như là trâu, chó, lợn, gà... vậy.
Thế nên con tự xem xét bản thân mình xem có phải là một nô lệ của ai đó không?
Ba và mẹ toàn muốn điều tốt cho con. Mẹ bảo con đi lấy áo mặc để khỏi rét, là vì muốn tốt cho cho, chứ không phải là vì muốn tốt cho mẹ. Nếu mà mẹ phải đi lấy áo để mặc cho con thì lại là con đang bắt mẹ phải hầu hạ con đấy. Đó là điều sai!
Giả sử mẹ có nhờ: "con lấy hộ mẹ cái gối!" thì có phải là mẹ bắt con phải hầu không? Nếu con hẹp hòi và chỉ xét riêng một hành động đó, con sẽ cho rằng đó là mẹ bắt con hầu. Nhưng con trai ạ, ở lớp ở trường, con đôi lúc vô tư giúp đỡ bạn bè, thày cô, vậy mà sao về nhà lại tính sổ chi li với mẹ. Trong khi sáng mẹ dậy sớm nấu cho con ăn. Trưa và tối, ngày 3 bữa mẹ nấu cho con ăn. Và còn rất nhiều việc khác nữa. Đó là sống cùng nhau thì cùng nhau chia sẻ mọi việc, chứ không phải ai hầu hạ ai.
Thế nên, khi mẹ bảo "con đi lấy áo mặc" là mẹ đang lo lắng cho con. Con phải thấy biết ơn và thương mẹ hơn mới đúng.
Mẹ không lấy áo mặc cho con là vì mẹ muốn con trưởng thành. Con đã lớn rồi, phải tự làm mọi việc cho mình. Thậm chí, lẽ ra con phải tự nấu cơm cho cả nhà rồi. Vì vậy, con hãy đọc sách nhiều hơn để biết đúng sai con nhé! Con cũng nên đề nghị mẹ dạy con làm bếp, để con có thể tự nấu cơm cho cả nhà.
2/ Về những tranh luận quanh chuyện thịt chó.
Con đặt vấn đề là "bà nội muốn giết chó, mà ba không nghe" thì sao.
Ba kể với con một chuyện ngày xưa.
Hồi đó ông bà nội ở Mạo Khê, nhà có rất nhiều vật nuôi như bò, gà, lợn, chó, mèo...
Chó thì chỉ nuôi một con, và chó nó cũng quấn quít với chủ hơn mấy con vật nuôi kia. Thế là giữa ba và con chó nảy sinh tình cảm. Giống như con và chị Mún cũng rất yêu con chó mà các con nuôi.
Ở cơ quan ông bà nội, có ông Hương "sẹo". Ngày nào ông ấy cũng đến nhà ông bà nội con gạ giết chó. Ba rất ghét ông ấy từ đó. Cứ thấy ông đến là ba đuổi.
Rồi một hôm ba đi học về thì thấy con chó mà ba quí đã bị giết. Ông bà nội con thì chỉ nghĩ đơn giản giống như mọi người là "nó chỉ là vật nuôi, mà ngay từ đầu, nuôi nó là một dạng thực phẩm". Thời xưa, lương thực thực phẩm rất hiếm, ai muốn ăn gì thì đều phải tự nuôi.
Khi thấy con chó đó bị giết, ba đã khóc rất nhiều. Ba là người mau nước mắt mà. Và hình như ba còn chửi cả ông Hương "sẹo" nữa. Rồi ba bỏ ăn cơm bữa đó. Lúc ấy, ông bà nội mới nhận thấy tình cảm của ba với con chó. Thấy ba buồn, bỏ ăn, ông bà nội con cũng không thể vui được.
Lúc đó có thể ba rất giận ông bà nội. Nhưng con ạ, trong đời người ta, có hai người, người ta không có quyền lựa chọn. Đó là cha sinh và mẹ đẻ. Dù ba có không hài lòng với ông bà nội con chuyện gì đó, thì ba vẫn phải rất rất tôn trọng và biết ơn ông bà. Vì với ba, với cô Huế, với chú Minh, ông bà nội con là duy nhất. Không thể lựa chọn được người khác. Bạn con, nếu không có người này thì có người kia. Tất cả mọi thứ khác đều có thể thay, nếu mất. Nhưng cha sinh mẹ đẻ thì chỉ một trên đời.
Sau cái biến cố giết chó lần đó. Ông bà nội con vẫn tiếp tục nuôi chó. Nhưng từ đó trở đi, không ai có thể gạ được ông bà giết chó. Những con chó về sau này có thể chết già, có thể bị trộm bắt, chứ ông bà nội không giết ăn thịt nữa.
Vậy thế đấy con ạ, làm con thì phải biết vâng lời cha mẹ. Nếu có xung đột về tư tưởng thì từ từ giải thích, chứ không nên căng thẳng chống lại.
Tuy nhiên, ngày nay các bậc cha mẹ đã rất chịu khó lắng nghe ý kiến của con cái. Trong gia đình, không khí đã dân chủ hơn rất nhiều. Nhà mình cũng vậy, ba mẹ cũng tôn trọng ý kiến của con và chị Mún đấy chứ, phải vậy không?
Nhưng con ạ, để sao cho ý kiến của mình đúng, hợp lý, các con cần phải đọc sách nhiều.
Vì vậy con cần rèn luyện những lúc rảnh rỗi mấy vần đề sau:
- Đọc sách
- Học kỹ năng sống: như rửa bát,  quét nhà, nấu cơm,...
- Học tiếng Anh,
- Tập thể dục như karatedo.  
=====
Cuộc đối thoại giữa hai mẹ con như sau:
Mẹ: Con lên lấy áo khoác mặc không lạnh, ốm lại khổ mẹ rồi lại tốn tiền mua thuốc.
Đức: Không đi, ngồi ì ra rồi phát ngôn ra một câu "con không phải là nô lệ của mẹ".
Mẹ: Suy nghĩ là do con nó xem phim, chơi điện tử, tiếp xúc với bạn bắt trước và dùng câu ko đúng ngữ cảnh nên giảng giải, lên lớp giải thích cho một lúc. Rồi bảo: “ai nuôi con lớn thế này, đây là lấy áo cho con cứ có phải lấy áo cho mẹ đâu mà lấy áo cho mẹ con cũng phải lấy”
Đức: Vẫn ngồi ì ra ko đi lấy áo mặc...
Sau đó mấy ngày, hai mẹ con ăn cơm con trai bảo:
Đức: Mẹ ơi có anh lớp 7 đi giao lưu với bạn đầu gấu, rồi về học thói đầu gấu, ấn đầu bạn cùng lớp xuống ao... Bố, mẹ, cô giáo không biết. Khi biết chuyện, bố mẹ chuyển anh ấy về quê học rồi ở hẳn luôn ở quê.
Mẹ: Đúng rồi, nếu con không nghe lời mẹ mẹ cũng cho con về quê học, ba mẹ đã daỵ toàn điều tốt con không nghe. Ví dụ như con hay chơi “games” rồi toàn học những câu láo rồi bắt chước nói không đúng. Ví dụ như hôm nọ con nói là: “Con không phải là nô lệ của mẹ” ấy.
Đức: Con không về quê. Về quê con không quen.
Mẹ: Không về cũng phải về nếu con hư.
Đức: Nếu bà nội thích giết chó, ba không cho thì sao?
Mẹ suy nghĩ: nếu mẹ không tỉnh táo mẹ sẽ bị đánh lừa vì nó sẽ áp dụng là con không đi lấy áo mặc vào người cũng giống việc ba không nghe lời bà là không cho bà giết con chó (hihi ngây ngô thế đấy).
Mẹ: Không phải là ba không cho bà nội giết thịt chó mà ba góp í với bà thuyết phục bà để bà đồng í.
Đức: Bà không đồng í mà vẫn muốn ăn thịt chó.
Mẹ: Nếu bà không đồng í mà bảo bà rất thèm ăn thịt chó thì ba cũng vì bà để cho bà ăn vậy vì bà đẻ ra ba mà. Nhưng con ạ người giỏi là phải biết thuyết phục người khác nghe theo mình con ạ.
Đức: Thế là cu Đức nhà tôi hết vặn vẹo và đồng í với mẹ như vậy.
Câu chuyện trên nếu không tiếp xúc với con nhiều và không biết tính của nó thì chính bản thân cha mẹ sẽ bị rơi đường cụt khó giải thích cho con hiểu và nó sẽ hậm hực là ba mẹ cũng có lần không nghe lời ông bà đó thôi.
Vì sao Đức lại lấy ví dụ về thịt chó, nó đã áp dụng luôn việc hôm qua về Thái Bình, ông ngoại chỉ đạo ăn thịt chó, em và chị Hường về thấy thế góp í với ông ngoại cũng to chuyện. Các cô chú nhà em thì bảo góp í với ông rồi nhưng ông ko nghe nên đành chịu. Chú Lừng trêu bảo “không ai nói được ông Hinh, chỉ có con gái nói được ông ấy vì ông ấy có 2 thằng con rể”. Đức nhà ta không nói mẹ mà lấy ví dụ là ba với bà nội. Suy nghĩ của trẻ con. Mình không tỉnh táo là cũng mệt nhất là thằng có cá tính như Đức nhà mình.

Thế nhé, Ba Đức nghiên cứu nghĩ kế sách dạy thằng con trai.

Không có nhận xét nào: