Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2008

Người tốt... - Hồi thứ hai: Cỏ vàng chân mộ chí




Mặt trời đã bắt đầu rót từng cốc lửa ngùn ngụt qua khung cửa kính của chiếc ô tô 45 chỗ ngồi. Lúc khởi hành từ bến Vinh mới có khoảng 2/3 khách, vậy mà bây giờ đã kín, có một số khách đã phải ngồi ghế phụ. Công tử kéo rèm che nắng.
- Này anh ngốc!
- Uầy... cô hai, tui tên là Công Tử Bột!
- Anh có tin vào số phận không?
- Chuyện gì nữa đây?
- Em có quen một chị, chị ấy là A Tử, có chồng rất đàn ông tên Tiêu Phong, hai người yêu nhau lắm, vậy mà người ta nói số phận hai người không được ở bên nhau.
- Tuổi gì vậy?
- Cả hai anh chị đều sinh năm 1982.
- Sách nói rằng: 1982 tuổi Nhâm Tuất, mệnh Đại Hải Thủy. Theo Tiên Thiên Bát Quái của Phục Hy, nam nữ đều cung Tốn, duyên phận: Tốn thú Tốn vi Phục Vị là tốt. Nhưng Hậu Thiên Bát Quái của Văn Vương lại có phân biệt, nam cung Ly, nữ cung Càn, kết hôn xem tuổi đàn bà: Càn thú Ly vi Tuyệt Mệnh, có nghĩa là yêu thương nồng thắm, đứt gánh giữa đường, tử biệt sinh ly. Tình yêu càng sâu đậm càng sớm phải chia tay.
- Anh chị ấy tốt lắm, mà sao người tốt lại không được ở bên nhau. Anh chị ấy gặp nhau cũng rất kì cục.
Ngày ấy, đàn em của anh ấy đến quán của chị ấy chơi, cậu ta không những quịt tiền lại còn chửi nhân viên của chị ấy rất chi là khinh miệt. A Tử một tay tóm cổ cậu kia nhấc lên ném văng dúi đầu vào gốc cây ngoài vệ đường rồi đuổi thẳng cổ, còn đe thêm cấm lần sau mò đến, nếu gặp một lần đánh một lần, chém xẻ đôi thành 2 mảnh.
- Xã hội đen à?
- Không được sao?
Sau đó Tiêu Phong thấy đàn em bị đánh, liền đưa cả bọn đến, chúng hùng hùng hổ hổ như muốn san bằng cái quán lá của A Tử. Nhưng sau khi hiểu chuyện, Tiêu Phong bắt đàn em của mình quì xuống xin lỗi chị chủ quán xinh đẹp liễu yếu đào tơ mà không khuất phục đám đại ca anh chị.
- Bà ấy là Thiết Phiến Tiên chứ liễu yếu đào tơ gì!
- Nói gì thì nói, đàn bà vẫn là đàn bà chứ, có chút ít quyền cước cũng làm sao so được với nanh hùm miệng sói, chứng tỏ A Tử rất kiên cường.
Sau ngày hôm ấy trở về, Tiêu Phong Không biêt được cái gặp nhau ấy là gặp nhau định mệnh. Ông Tơ bà Nguyệt đã buộc sợi dây hồng khiến "trai anh hùng không qua nổi ải gái thuyền quyên".
- Này cô hai tui không thích coi phim Nam Hàn qua cái lưỡi của cô đâu nhé!
- Anh sao vậy, hồi nãy thì cạy không nổi răng, mà bi chừ cứ nhảy dzô cổ họng người ta ngồi là sao?
Từ đó Tiêu Phong thường xuyên đến chỗ của A Tử, hai người thân thiết nhau lắm, tuy biết rằng tương lai cái nghề của họ chẳng đi đến đâu. Nhưng Bác có nói "người ta có quyền mưu cầu hạnh phúc". (thì thầm: mèng đéc ơi! lôi cả ông Côn dzô đây nữa!).
Thế rồi họ quyết định tổ chức đám cưới. Đại ca của Tiêu Phong là Hắc Hổ nói: "anh em mình làm cái nghề này mà đèo bòng thì chỉ thêm khổ người ta, nhưng thôi cô chú đã quyết, anh không cản, hôm ấy anh sẽ diện com-lê tới dự".
Ngày hợp hôn, cái quán lá rộn ràng, nhộn nhịp, chị em chạy ra chạy dzô tíu tít, A Tử xúng xính trong chiếc váy trắng tinh khiết thuê ở tiệm áo cưới Tràng Tiền. Bên nhà trai ai nấy đều hớn hở, mấy anh chàng thường ngày quần jean áo thun, đeo kính đen, hôm ấy cũng phải lột xác thành đám trai lơ hào hoa trong những bộ com-lê đen cài thêm bông hồng trên ngực. Con xe cam-ry 2.4 mượn của Hắc Hổ thuê người ta kết hoa biến thành xe rước dâu. Tiêu Phong hớn hở, cười như vớ được bước lên xe...
- Anh Phong - thằng Heo Mập từ đâu chạy về, mồ hôi vã ra như tắm, nói lắp bắp trong hơi thở gấp - Đại ca Hắc Hổ bị mấy chục thằng trong băng Ngón Chân Út Dính Bùn quây ở bến xe Tam Bạc.
- Đ... mẹ nó, Cá Sấu Đồng mày cứ đánh xe sang bên chị A Tử trước, nói là anh sẽ sang ngay, bọn còn lại theo tao.
Cả đám com-lê ca-vát hùng hục chạy về phía con đường ra bến xe Tam Bạc. Cuộc hỗn chiến nổ ra. Đang tả xung hữu đột trong đám giang hồ, nghe tiếng gió rít lên từ phía sau, Tiêu Phong xoay người 180 độ, đổ trụ sang chân phải né được đòn đánh của chiếc ống tuýp. Đồng thời lẹ tay bắt được ngang chừng chiếc ống, bẻ quặt lại, thằng bé bị đoạt vũ khí, hẫng đà lao đến vô tình bị đầu ống đâm thẳng vào bụng.
Tiêu Phong đỡ lưng thằng bé nằm xuống đất: "Này... này... đừng chết! làm ơn đừng chết!!!!!"
Cảnh sát 113 ập đến, giải tán đám đông, còng tay cả đám đưa lên xe: "từ trước đến giờ mình chưa thấy có tụi nào đánh lộn mà diện thế!"
A Tử lao về phía chiếc xe hòm có Tiêu Phong ngồi sau song sắt, mắt nhòa đi, chân khụy xuống, chiếc váy trắng nổi bật giữa đám loang lổ rằn ri...
"A Tử! hãy đợi anh về!..." - Giọng Tiêu Phong lịm đi để kìm lên tiếng nấc. A Tử chới với đôi tay...
Tội ngộ sát, cộng thêm 1 trang A4 tiền án tiền sự, tòa phán quyết 10 năm tù giam.
Cũng may có cái giấy đăng ký kết hôn, A Tử thường xuyên vào khám thăm nuôi Tiêu Phong. Một vài lần có em đi cùng A Tử, đúng là "gần nhau trong gang tất mà biển trời cách mặt". Tù nhân và thân nhân bị ngăn cách bởi một bức tường lưới mắt cáo. Cách 1,5 mét có một cửa ô vuông nho nhỏ. Qua cái cửa ô nho nhỏ đó họ trao nhau nụ hôn nồng ấm, họ lấy giấy chấm những hạt trai châu từ mắt của nhau. Cửa bên cạnh có một cụ bà đang vươn tay vào vuốt mái tóc bờm xờm của cậu con trai. Lại ở một cửa khác một đứa bé 3 tuổi được mẹ nâng qua ô cửa, chui hẳn vào bên trong cười khúc khích gọi "ba ba..." rồi rụi đầu vào má của cha nó.
Tai họa ập đến, A Tử phát hiện mình bị nhiễm AIDS, chị suy sụp hoàn toàn, cơm không muốn ăn, không còn thèm tắm rửa chi nữa, ngay cả việc thăm nuôi Tiêu Phong là điều hào hứng nhất với chị cũng không kéo được chị ra khỏi giường. Tụi em vô cùng lo lắng. Em thay A Tử vào thăm nuôi Tiêu Phong. "Tiểu Yến Tử, chị của em đâu" - "Chị ấy bịnh, mấy hồi khoẻ lại chị sẽ dzô thăm anh" - "Có nặng không?". Em nín thinh không nói.
Trong cái rủi có cái may, một lần đang nằm trên giường, cái ti-vi trước mặt có một chương trình xã hội, một chị là bệnh nhân AIDS xung phong thanh niên tình nguyện để tham gia chương trình phổ biến phòng ngừa AIDS. Như hấp thụ được luồng sinh khí mới, A Tử vụt chạy ra khỏi giường. Chị đã tham gia vào thanh niên tình nguyện. Ngày trở lại thăm Tiêu Phong, anh vô cùng ngạc nhiên thấy chị gày ốm xanh xao trong bộ đồ màu xanh của thanh niên tình nguyện. Chị vui vẻ, họ trao nhau nụ hôn, nhưng không còn lấy khăn chấm nước mắt nữa: "Khi nào mãn hạn, em sẽ giới thiệu anh với đoàn thể"
Nhưng rồi, bệnh chị đến giai đoạn cuối. Trước lúc ra đi chị nói: "chị chỉ mong một lần được nấu cơm cho anh Phong, anh và chị sẽ quây quần bên chiếc bàn kia"...
Sau 5 năm ở tù, Chủ Tịch nước ân xá, Tiêu Phong trở về, chị không còn ở đó nữa.
Tiêu Phong phủ lên mộ của A Tử chiếc váy cưới mầu trắng tinh khiết.
Mùa đông, chân mộ, cỏ mầu vàng...

Tiểu Yến Tử sẽ kể tiếp chuyện gì, xem hồi sau sẽ rõ.


Comments:

Nguyệt Thu:
Chuyện sao lại xoay ra như vầy, đệ ơi! :(. Tỉ đọc hồi 2 này thấy buồn quá! Câu kết "Mùa đông, chân mộ, cỏ vàng..." làm tỉ liên tưởng tới hai nhân vật: Đạm Tiên trong Truyện Kiều và người vợ yêu của Hữu Loan! Dù có xuất thân khác nhau đến mấy, số phận của những người phụ nữ muốn được yêu thương và muốn dâng tặng tình yêu thương của mình cho những người đàn ông mình yêu cũng bi thảm biết mấy!:(

HPL:
Tỉ ơi! đúng là họ phải chia tay, âm dương cách biệt, nhưng họ không giống nàng Kiều, cũng không giống Đỗ Thị Lê Ninh, rõ ràng A Tử ra đi trong bình thản mà

Nguyệt Thu:
:)
Sao đệ không edit entry lại? Đệ post chỗ comment này sợ là mọi người lại chẳng tìm ra để đọc. Hồi đêm tỉ cũng ngạc nhiên, nhận được mess, vào chẳng thấy hồi 2, tìm xuống dây mới thấy! :)
Cảm ơn đệ, đêm qua, tỉ ngủ rất yên! :)

HPL:
hì... tỉ à! các hồi sau cũng sẽ post lên giống như hồi 2

Cammy:
Đã định không comment vô đây rồi, nhưng hồi hai của lão khiến em "Bực mình" phải comment! :( Câu chuyện tự nhiên trở thành ngang trái! Em không thích những kết thúc như thế này! Chưa kết thúc, nhưng buồn thế này em ko đọc nữa đâu! :( :((

HPL:
Họ đã biến thành một đôi uyên ương hồ điệp bay đùa trên những cánh hoa ban mai ngậm sương lành em ạ!

Viễn Khách:
Eo ôi Lão! Đệ đọc mà nhớ đến những thiên truyện của SV Quốc Học Huế những năm 90 (những câu chuyện viết theo mô típ kiếm hiệp)
Mà sao phần 1 đang vậy mà phần 2 lại vậy. Câu chuyện buồn vậy sao.
Chờ đón phần 3 của Lão

HPL:
UI cha, mới đi honey về mà đã bỏ công ra đọc ký sự của lão rồi à? Lão sẽ cố gắng xuất bản hồi 3 trong thời gian sớm nhất!

Hoa Xuyên Tuyết:
Sao lão ko viết thành entry mà lại viết trong này thế hử?
Lẫn lộn cả rùi!
Chuyện của A Tử, mình lại nhớ chuyện của cô gì ở Hải Phòng, anh hùng châu Á ấy nhỉ? Hừm, tuần hoàn não lại chậm rồi :(

Vụ anh hùng châu Á là chị Phạm Thị Huệ, ở HP. Anh Hùng châu Á năm 2004 thì phải, có lên ti vi mà. Cô ấy là người dám công khai mình bị bệnh và tham gia tổ chức các hoạt động nâng đỡ tinh thần cho những bệnh nhân Aids.Hình như do chồng cô ấy hút chích nên bị nhiễm HIV.

Lão Lan kể chuyện lôi cuốn lắm. Không làm nhà văn thì hơi tiếc!

Phạm Vũ Lưu:
Hehe... Đọc cái này của lão huynh thấy thú vị quá, Lươn tôi cũng vừa làm 1 chuyến xuyên Việt để xem có được gặp và nghe cô bé nào giống thế ko. Kết quả là, đi 1 đường làng học 1 sàng khôn, các cụ bẩu cấm là có sai. Hôm nào cũng phải bắt chước lão huynh viết lại cho bà con đọc mới được

HPL:
Vậy à? xuyên Việt à? thế thì gặp nhiều cái hay lắm, vậy bác kể đi cho anh em thưởng thức với!

Chuồn chuồn ớt:
truyện này buồn quá... nhưng mà truyện của huynh nhân văn thật đấy...
nhưng mà huynh ơi truyện hay mà... cổ kim kết hợp... được cái muội thik truyện buồn hơn chuyện vui... viết đc truyện buồn nó mới thật sâu sắc... truyện buồn thơ buồn lúc nào cũng quyến rũ người ta... thấm đượm tình buồn là bao khoăn suy nghĩ... đáng quý lắm những giá trị nhân văn như thế...

Không có nhận xét nào: