Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Thư gửi con gái 4

Gửi con gái!
Hôm qua ba nằm trong cảng San Antonio gọi Skype về nhà nói chuyện với mấy mẹ con. Ba thấy có mấy việc muốn thảo luận với con.
Con gái ạ! Con đã lớn rồi nên chắc là ba nói chuyện con có thể hiểu hết những gì ba muốn nói.
Con gái yêu thương của ba à! Người ta sống ở trên đời quan trọng nhất là tri thức và tấm lòng. Ba nghĩ con cũng đã tích lũy được một chút tri thức. Và vì đã có một chút tri thức nên con cũng đã có được một chút tấm lòng nhân ái.
Vậy thì để làm sao cho mình đừng bị đánh mất đi tri thức của mình? Mình phải suy tư nhiều con ạ.
Thế nên ba thấy con chưa đủ suy tư. Qua 2 việc mà ba nhìn thấy ngày hôm qua.
Việc thứ nhất là con nói với mẹ rất là to tiếng. Trong nhà mình nếu là người có quyền lực nhất là ba. Nhưng con thấy ba có mấy khi hơi một tí là to tiếng với mẹ. Người to tiếng với người khác là rất nghèo. Vì nghèo nên mới muốn lấy giọng nói lớn để át người khác đi.
Con thấy nhé! Khi mẹ dùng quyền làm mẹ bắt ép con phải thế này phải thế nọ. Thì con thấy không hài lòng. Con yêu cầu là mẹ phải có lý lẽ thuyết phục. Tự khắc con hiểu rồi làm theo. Vậy thì con cũng nên đối đáp lại với mẹ nhẹ nhàng bằng lý lẽ thuyết phục có phải là đúng hơn không?
Mẹ con cùng một nhà, nhẽ ra phải nên tâm tình như bạn bè thân thiết. Chứ không nên hơi một tí là gây áp lực lẫn nhau.
Bởi vậy con ạ! Sống ở trên đời không cần phải tranh để nói! Mà hãy suy nghĩ nhiều hơn.
1/ Tất cả những gì mà thánh nhân nói, thần tượng nói, hiền triết nói... đều chưa chắc là chân lý. Phải suy nghĩ kỹ về nó con ạ. Ở VN mình rất hay có cái kiểu đặt ra chuẩn mực rằng “người xưa bảo thế”. Thế là bắt người nghe phải phục tùng.
2/ Tự mình tư duy để biến kiến thức trên sách vở thành kiến thức của mình. Ví dụ nhiều người đã học về khúc xạ ánh sáng. Nhưng có mấy người tự đặt câu hỏi mặt Trời tại sao lại đỏ quạch lúc bình minh và hoàng hôn?
3/ Trước khi định nói cái gì thì hãy suy nghĩ thật kỹ những gì mình định nói. Và nói bằng một giọng nói kiềm chế đủ nghe.
4/ Nếu người đối thoại phản đối lại mình. Hãy đặt mình vào vị trí người ta để suy nghĩ tiếp.
5/ Nếu người ta cứ khăng khăng cái ý của người ta thì mình thôi không nói nữa.
Con gái ạ! Khi nói chuyện hay làm gì đó, con người rất là hiếu thắng. Ai cũng cho rằng mình đúng, mình hay. Thậm chí khi nhận ra mình đã sai thì người ta vẫn cố cãi cùn vì “sĩ diện rởm”. Con người sống thanh thản được là cần phải vượt qua cái “sĩ diện rởm” đó. Thấy người khác cản cổ lên là mình im luôn, bầu người ta về nhất.
Ba kể con nghe một chuyện trên tàu khi ông Capt. cũ còn chưa bàn giao cho ba. Hôm ấy tàu liên hoan. Không biết có chuyện gì liên quan đến Taiwan. Ông Capt. cũ khẳng định Taiwan là của Trung Quốc. Ba thì không công nhận. Ba bảo: “Taiwan có chính phủ hợp pháp do dân bầu. Trên tất cả các sách hướng dẫn hàng hải cũng viết về Taiwan là một quốc gia độc lập. Người Taiwan tự xưng minh là “Taiwanese” chứ không phải “Chinese”.
Ông Capt. cũ thì viện cái cớ là “Taiwan vốn xưa kia là của Trung Quốc. Bây giờ CP Trung Quốc vẫn tuyên bố với thế giới là Taiwan là của Trung Quốc. Và vì vậy không có quốc gia nào công nhận Taiwan như là một quốc gia độc lập. Và vì thế không ở đâu có trên thế giới có đại sứ quán Taiwan”.
Ba cãi với ông Capt. cũ 1 câu. Ông ấy đòi cá cược với ba rằng ông ấy đúng với giá cá cược câu đầu tiên là 10 thùng bia. Câu thứ hai ông ấy cãi to hơn và giá cá cược bác ấy nâng lên 1000 đô-la. Câu thứ ba ông ấy nói to hơn nữa rằng “Taiwan không có ghế ở LHQ” và nâng giá cá cược lên 1 tỷ đô-la. Ba lặng thinh, không nói gì nữa. Ba bầu ông ấy về nhất trước sự chứng kiến của tất cả mọi người trên tàu.
Bởi vậy con ạ, khi mình “quẳng đi cái sĩ diện rởm”, mình sẽ nhẹ lònghơn nhiều.
Chuyện con tranh luận với mẹ không liên quan gì đến chuyện “sĩ diện” ở đây. Là ba cứ nói chung chung như vậy. Ở những chỗ đông người, mình càng ít nói thì càng tốt con ạ!
Hôm nay ba tạm viết đến đây thôi. Hôm nào ba lại viết tiếp cho con.

Ba chúc con và em con và mẹ của con luôn vui vẻ!

Không có nhận xét nào: