Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Thư gửi con gái 7

Gửi con gái!
Con viết cho ba một lá thư dài. Ba cảm ơn con gái vì điều đó.
Vì là thư dài nên có lẽ ba phải nghiên cứu từng vấn đề riêng biệt.
1/ Về việc bạn C. và bạn A. nói với con rằng “làm người yêu tớ nhé!”. Xét riêng về câu nói thì không có gì để đánh giá phẩm chất đạo đức như ý kiến của con là đúng. Nhưng xét về tổng thể thì rõ ràng là thiếu đạo đức. Bố mẹ các bạn ấy lao động để nuôi lớn bạn ấy, cho bạn ấy đến trường, mong bạn ấy học hành tử tế. Vậy mà các bạn ấy học không lo học, lo lãng phí thời gian vào việc khác, vậy có đáng trách?
Với ba từ “YÊU” là rất nghiêm trọng. Khi một người có thể đảm bảo trách nhiệm của mình cho tương lai của người mình yêu thì lúc ấy mới nên nói đến từ “yêu”. Bạn của con nói đến từ “yêu” một cách dễ dàng và lãng xẹt, con nghĩ bạn ấy có trách nhiệm gì không? Nếu không có trách nhiệm, vậy có đạo đức không?
Năm 1995, lúc ấy ba học năm cuối đại học, mẹ con học năm cuối cao đẳng, còn 6 tháng nữa là cả ba và mẹ cùng ra trường. Lần đầu tiên ba nói với mẹ con rằng, lời tỏ tình của ba thế này “em có yêu anh không?” Ba không hề dám nói rằng “anh yêu em”, cũng không dám nói rằng “em làm người yêu anh nhé!” Bởi vì tương lai phía trước của cả ba và mẹ còn rất mơ hồ.
2/ Bạn C. và bạn A. không bao giờ khen con. Ba thấy có cảm tình với các bạn ấy khi các bạn ấy cư xử như vậy. Các cụ bảo “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Ba vẫn nói với sinh viên của ba “đừng sợ người chê mình, chỉ sợ người khen mình”. Người khen mình hoặc là dốt hơn mình thì mới khen mình hoặc là không muốn chỉ dạy mình thì mới khen mình. Tuy nhiên câu mà các bạn ấy chê con thì ba lại không thích “Mày là con gái mà không biết nấu ăn”. Câu này ba xổ toẹt! Con biết vì sao không? Vì các bạn ấy còn bé mà đã có đầu óc phong kiến coi việc áp đặt rằng “sinh ra làm đàn bà con gái là phải có nghĩa vụ biết nấu ăn để phục vụ cho sự hưởng lạc của đàn ông”. Ba căm ghét quan điểm đó!
Tuy nhiên nếu nói như người mẹ trong bài viết “Làm thân con gái...” đăng trên báo Dân Trí thì lại rất đúng!
“Nấu ăn, thêu thùa, may vá… con đều nên biết, dù mỗi thứ một ít, con ạ. Không phải vì xã hội coi đó là chuẩn mực, mà đơn giản vì biết những kỹ năng ấy luôn tốt cho con. Con không thể sống sót nếu không biết tự mình tạo ra thức ăn cho mình, con có thể nghèo nhưng không thể mặc áo rách.”
Rốt lại, việc nấu ăn, nữ công gia chánh con có làm hay không là vì bản thân con thôi chứ không phải vì bất cứ một định kiến nào cả. Càng không phải vì bất cứ một ai cả.
3/ Bạn bè và cô Q. A. khen bạn con “thẳng thắn, thật thà, chân thành, tinh tế”... Điều này ba nghi ngờ, vì sao ư? Vì chính con kể với ba câu chuyện rằng Thế Giới này có 7 tỷ người, trong đó có 3,5 tỷ người là đàn ông. Nhưng 3,5 tỷ đàn ông đó chung quy lại chỉ có 3 loại người:
 Loại A) Lừa mình cả đời.
 B) Lừa mình nửa đời.
 C) Yêu thương mình, chân thành với mình và bao dung mình cho dù mình làm bất cứ chuyện gì sai trái.
Ba không có ý định phủ định những gì bạn bè và cô Q. A. nói. Nhưng mới có thời gian ngắn như vậy, từ khi học lớp 10 đến nay, lại chưa trải qua một trở ngại khó khăn thử thách gì, làm sao dám khẳng định những lời hay và đẹp như thế về người khác. Phải chăng có quá hồ đồ không? Ba và mẹ ở với nhau đến nay gần 20 năm, nghèo khổ, đói khát, vất vả, ốm đau, bệnh tật đã từng... giờ vẫn còn ở với nhau. Mẹ con còn chưa dám chắc ba có 100% là người “tử tế, thật thà, chân thành” hay không? “Tinh tế” thì hẳn là ba không có một chút nào rồi.
4/ Về chuyện tặng quà, cái này có liên quan đến Q. A. Ba vẫn giữ quan điểm của ba. Tốt nhất là không tặng quà và nhận quà với bất cứ lý do gì. Q. A. thích phong trào vui nhất thời, khuyến khích bọn con vui chơi và tặng quà lẫn nhau nhân các dịp này dịp nọ. Ba rất không đồng ý. Vì tế nhị ba không phản đối trực diện.
Nếu Q. A. tìm cơ hội cho các con thay vì tặng quà lẫn nhau mà đi làm thiện nguyện thì tốt hơn rất nhiều.
Thứ nhất các con vẫn đang xài tiền chu cấp bởi cha mẹ, vậy mà mua những món quà đắt tiền, nên chăng?
Thứ nhì việc tặng quà lẫn nhau khiến cái bản ngã của các con leo thang. Các con sẽ có phản xạ sống trong điều kiện được người khác tôn sùng trọng vọng. Nhưng nếu các con đi làm thiện nguyện các con sẽ nhìn thấy còn quá nhiều những bạn đồng trang lứa với các con đang rất khổ. Lúc ấy trái tim các con sẽ hiền hơn, bao dung hơn, các con sẽ có ý thức hơn trong việc sử dụng từng giọt nước, từng mảnh giấy vụn...
Ba chưa bao giờ mua gì tặng bà nội con. Ba chưa bao giờ mua gì tặng mẹ con mang ý nghĩa là quà tặng. Vậy là ba của con không yêu thương bà nội con sao? Vậy ba của con không yêu thương mẹ con sao?
Ba có mua cái gì đó biếu bà hoặc biếu tiền bà vì đôi lúc ba thấy bà cần cái đó. Ba có mua cái đó cho mẹ con vì ba thấy mẹ con cần cái đó. Nhưng không có dịp nào cả. Chẳng 8/3, chẳng 20/10, chẳng 20/11, cũng chẳng phải sinh nhật.
Thế nên con nói với bạn con rằng: “lần sau ngoài sinh nhật con ra đừng tặng quà gì nữa!” Ba thấy rất đúng! Mà sẽ còn đúng hơn nữa nếu con nói: “Đừng bao giờ tặng quà tớ nữa vì bất cứ lý do gì”
Con ạ! Nhận quà là mất phước, mà mình đâu có nhiều phước lắm đâu để hoang phí như vậy.
5/ Chuyện 20/11, mẹ con có học sinh đến thăm. Chuyện này đâu cấm được. Ngày xưa hồi ba còn nhỏ như con bây giờ, 20/11 và Tết, cả đám học sinh bọn ba kéo nhau đạp xe đến hết nhà thầy này cô kia. Hồi ấy bọn ba đi đến nhà thầy cô chỉ có đúng một bó hoa. Thậm chí đói còn lục cơm nguội nhà thầy cô để ăn. Ba nghĩ mẹ con cũng giống thế. Mãi đến khi bọn ba là sinh viên thì mới biết chung nhau mua chai rượu vang đến nhà thầy, rồi khui luôn tại chỗ thầy trò sì sụp uống với nhau. Thế nên, nếu là có tấm lòng với nhau không cần phải cái gì dẫn lối con ạ.
Tại sao bây giờ lại cứ phải là phụ huynh đến thăm mang theo phong bì? Tình cảm đến mấy cũng kém đi phần trong sáng con ạ. Gương có trong được hay không là phải không có một vết gợn nào cả.
Người thầy trong bài văn được điểm 10 đúng là một người như thế! Con đã đọc bài văn đó chưa? Mặc dù bạn gì đó chắc kém con một tuổi viết bài văn có hơi lên gân một chút. Bạn ấy dùng từ “VĨ ĐẠI” để nói về thầy mình. Ba biết thầy của bạn ấy không muốn làm người “vĩ đại” đâu.
6/ Trong bài viết “Làm thân con gái...” trên báo Dân Trí có đoạn này:
“Tình bạn của phụ nữ luôn rắc rối. Đám bạn gái mà con đang thân thiết có thể nói với con rất nhiều lời hoa mỹ, nhấn mạnh đến tỉ lần rằng họ rất yêu con, luôn hết lòng vì con hay trân trọng tình bạn thân thiết mà con và họ đang có... Nhưng so với đàn ông, tình bạn của phụ nữ lại kém bền. Cho nên hãy tìm cho mình một người bạn khác giới, không phải người yêu, nhưng cực kỳ thân thiết và tin tưởng. Hiếm có tình bạn giữa đàn ông và đàn bà, nhưng một khi đã tồn tại - rất quý giá!”
Không biết con đã đọc chưa, và đọc rồi thì con có để ý đoạn đó không? Tiếc là mẹ con không có một cậu bạn trai nào như thế. Nói chung, trong đời, là hiếm con ạ. Nhưng đúng! Nếu có thì rất quý giá!
7/ Về chuyện con không có ý định tiến xa hơn với bạn nào đó. Ba cho rằng con nghĩ như thế ở thời điểm này rất đúng. Con còn cả một quãng đường phía trước để đi khẳng định bản thân mình. Để đứng vững trên đôi chân mình. Nên không vướng bận gì là tốt nhất. Chú Bát, chồng cô Hằng nhà ở góc đường Đông Hồ, mà có lần ba đã chỉ cho con rồi đấy. Cô Hằng và chú Bát đều kém ba 1 tuổi. Lúc sinh viên, cô Hằng học giỏi nhất trường ĐHHH. Khi gặp ba bên Nhật, ba có nói với chú Bát là “hồi sinh viên vợ mày học gỏi kinh”. Chú ấy bảo: “Phụ nữ thiệt thòi nhỉ! Vợ tôi vì vướng chồng con, chứ không thì tiến sĩ đối với nó là chuyện nhỏ”
8/ Con gái ạ! Không biết con có hiểu lầm ba chuyện gì không. Hình như trong các thư ba viết cho con. Ba không cấm con điều gì cả. Ba còn nói rõ với con rằng “sẽ đến lúc con sẽ có tình cảm thích bạn này bạn kia khác giới, đó là chuyện bình thường”.
Sao con lại nghĩ là ba cấm con chuyện đó nhỉ! Ba chỉ muốn thảo luận với con về đúng sai trong hành vi của từng người mà thôi.
Về chuyện tặng quà và nhận quà ba cũng không cấm con. Ba chỉ phân tích cho con hiểu rằng việc đó không có lợi! Ba khuyên con nên trả lại để người ta hiểu rằng mình không muốn “bị phải nhận quà”. Ba cũng khuyên con làm sao cho khéo léo để người ta không xấu hổ khi quà bị trả lại. Tuy nhiên, nếu con có cách xử lý hay hơn thì quyền quyết định vẫn là ở con chứ ba không có bắt ép.
Về việc chọn bạn, ba cũng không cấm con chơi với ai. Ba chỉ khuyên con nên đồng hành với những người như bạn Tuệ mà thôi.
9/ Về việc ba khuyên con tránh. Ba vẫn khẳng định lại là ba vẫn khuyên con nên tránh. Đúng “tất cả những gì do con người nghĩ ra đều không là chân lý”. Nhưng nếu con có kỳ vọng muốn tự mình kinh nghiệm hết rồi mới phân biệt tốt xấu thì vô cùng nguy hiểm. Bản thân ba mẹ, thậm chí ông bà nội ngoại của con cũng có rất nhiều thứ tránh xa khi mới chỉ nghe qua chứ không hề kinh nghiệm.
Ví dụ điển hình là chuyện dùng ma túy thuốc phiện. Chẳng ai dùng rồi mà không nghiện. Mà nghiện rồi thì bỏ làm sao được? Vậy có nên kinh nghiệm nó rồi mới rút kinh nghiệm hay không?
Một ví dụ khác, có những cô gái chơi với những người chị, người bạn “rất tốt”, rủ qua biên giới làm ăn buôn bán. Đến khi bị bán vào “động lầu xanh” không còn lối về mới biết thế nào là “bạn tốt”. Vậy con nghĩ có nên kinh nghiệm chuyện đó hay không?
Một ví dụ khác, không đâu xa, chú T. con ông Tr., cùng với anh vợ của chú ấy thấy người ta là “bạn tốt” gạ là vay tiền trả lãi 25% một năm. Tức là cho vay 100 triệu, không làm gì 1 năm lời 25 triệu. Thế là chú T. đi thế chấp nhà cửa vay ngân hàng 3 tỷ, đem cho vay lấy lời cao. Mỗi tỷ, không làm gì, một năm chú ấy có 250 triệu. 3 tỷ, một năm chú ấy kiếm 750 triệu dễ ợt. Vậy mà người ta ôm 3 tỷ chạy mất tiêu. Ông Tr. lại còng lưng trả nợ cho ngân hàng. Vậy con nghĩ có nên kinh nghiệm những chuyện giống thế không?
Thế nên có rất rất nhiều chuyện mình không nên kinh nghiệm phải không? Ông bà con còn chưa kinh nghiệm, ba mẹ còn chưa kinh nghiệm, nhưng ba hoàn toàn không muốn kinh nghiệm những chuyện nguy hiểm như thế. Cũng như nghề đi biển bọn ba chẳng ai lại đùng đùng nhảy xuống đại dương. Cho dù có nhìn thấy cũng rất khó cứu. Vậy nên tốt nhất là không kinh nghiệm chuyện đó.
Vậy phải chăng, nghĩa vụ của ba mẹ là phải đưa ra lời khuyên cho con cái? Hay là cha mẹ cứ đẻ con ra, cho con ăn, rồi kệ con muốn ra sao thì ra?
Nếu vậy con nghĩ con có thế yêu thương những người cha mẹ như thế không?
Con gái ạ! Vậy làm cha mẹ chắc hẳn phải lo cho con nhiều lắm! Bởi vì con không chỉ là “công chúa” của ba mẹ. Đối với bất cứ ai làm cha mẹ, thì con cái là “sinh mệnh” của chính bản thân mình con ạ. Con cứ hỏi bố mẹ bạn Đạt xem ba nói điều đó có đúng hay sai?
Chuyện con thích chuyên Anh mà ba ép con thi chuyên Toán, là ba sai. Vì khi đó ba nghĩ chưa tới, mà cũng không ai phân tích được cho ba lý do đủ thuyết phục để ba thay đổi. Nhưng chẳng phải bạn Đạt học chuyên Lý, bạn Nam học chuyên lý là cũng theo ý bác Tuyên và bác Trường phải không?
Tương tự chuyện việc con vụng về nội trợ, suốt một thời gian dài ba không cảm thấy chuyện đó quan trọng. Mãi đến khi đọc bài viết “Làm thân con gái...” trên Dân Trí.
Vậy ba mẹ cũng có lúc sai chứ! Ba mẹ đâu phải là Thánh mà không sai! Nhưng con nghĩ liệu ba mẹ có sai đến mức đẩy con cái mình vào đau khổ không?
Con gái yêu thương của ba à! Con đúng khi nói rằng “ba mẹ bảo con thì con chỉ nhớ được một lúc”. Tuy nhiên, ba cũng kể với con cái cách mà ba tự nhắc nhở mình rồi đúng không.
Ba cũng rất hoan nghênh khi con nói con sẽ tự dùng đầu mình để suy nghĩ! Đó là phương pháp tốt để tự chủ. Nhưng tổng thống Mỹ còn cần phải có “think tank” mà con. Vì vậy nên phối hợp nhịp nhàng giữa cái suy nghĩ của mình với những góp ý của người khác con ạ.
À... về chuyện “buồn quá 2 ngày”. Con gái ạ! 2 ngày là 48 giờ, quá lâu! Hãy rèn luyện Tâm Xả của con để nỗi buồn lưu lại trong con không quá 1 giây con nhé!
Trước khi dừng viết lá thư này, ba muốn nói với con rằng: “ba yêu con, ba yêu em trai con, và con hãy cứ nói tất cả mọi điều với ba, con nhé!”

Ba chúc con và em con và mẹ con vui vẻ!

Không có nhận xét nào: