Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Thư gửi con gái 2

Gửi con gái của ba!
Đọc thư con viết cho ba, ba mới hiểu vấn đề của con không phải là vì nghiện “internet” và “facebook”. Vấn đề là mẹ hiểu lầm như vậy. Con có nói “so với bạn bè con vào fb rất ít”. Đừng so sánh như vậy con ạ. Nó hoàn toàn vô nghĩa. Con có thể so sánh với một vài bạn nhà lắm tiền trong túi lúc nào cũng có vài triệu không? Trong khi con không có đồng nào. Con có thể so sánh với những bạn luôn bỏ học đi chơi không? Trong khi con phải học quá vất vả. Con có thể so sánh với những bạn thay bạn trai như thay áo không? Chắc chắn không! Vì những thứ đó nhảm nhí và vô nghĩa.
Con nên so sánh về những thứ mà tạo hóa sanh ra con có quyền được có. Giả sử con so sánh như thế này: “So với bạn bè thì con được ba mẹ yêu thương ít nhất” => Vì với trẻ con tạo hóa sanh ra có quyền được cha mẹ yêu thương. Cái đó gọi là quyền được làm con.
Có những cô bé sanh ra trong gia đình nghèo, không có gì cả, không tiền, không quần áo mới, quanh năm chỉ có 1 bộ quần áo, không du lịch, không “internet”, không “facebook”. Nhưng được đến trường vì đó là quyền của bất cứ đứa trẻ nào. Và được cha mẹ yêu thương chăm sóc. Một tình thương của gia đình ghèo. Nhưng tình yêu của cha mẹ không hề nghèo. Thậm chí còn đầy đặn hơn những gia đình lắm tiền. Vậy theo con một cô bé như vậy có bất hạnh hay hạnh phúc?
Thế nên đừng so sánh về những thứ vô nghĩa. Mà hãy xem cái mà tạo hóa sanh ra con có quyền hưởng thì con có bị tước đoạt hay không con ạ.
Tuy là mẹ hiểu lầm con. Nhưng vấn đề của con lại hiểu lầm về bản thân con nữa.
Con có nói cái “Tự Trọng của con bị tổn thương”.
Con gái yêu thương của ba mẹ ạ!
Điểm này chính là sự hiểu lầm của con. Điều này dễ hiểu. Không chỉ mình con hiểu lầm mà hầu hết mọi người đều hiểu lầm. Trừ có người Nhật là họ không lầm.
Con còn nhớ cái bạn du học sinh người Nhật nói câu gì ba không nhớ chính xác lắm. Đại khái thế này: Người Nhật được dạy từ khi còn trong trứng nước là phải luôn cúi đầu trước người khác. Một cái cúi đầu thể hiện sự trọng thị, cầu tiến, cầu được học hỏi. Nhưng lòng tự trọng vẫn không vì thế mà mất đi.
Con thấy đấy, người Nhật đâu có vênh vang như người Trung Quốc. Vậy họ không có tự trọng? Còn người Trung Quốc thì tự trọng?
Không con ạ!
Cả thế giới này đều quí trọng người Nhật. Và cả thế giới này đều ghét người Trung Quốc. Vậy con đã biết ai có lòng tự trọng. Còn ai đã đánh mất lòng tự trọng.
Quay lại bản thân con. Con gái ạ! Ba không hề trách con. Bởi vì ba hay mẹ hay thầy cô của con đều chưa giảng cho con hiểu như thế nào là tự trọng. Có thể ba hơi hồ đồ, nhưng có lẽ nhiều thầy cô của con cũng không biết sự khác nhau giữa cái TÔI BẢN NGÃ và LÒNG TỰ TRỌNG.
Cái mà con thấy bị tổn thương và làm con khó chịu chỉ là cái TÔI BẢN NGÃ thôi con ạ. Cái TÔI BẢN NGÃ nó tầm thường lắm. Ai cũng có ngay khi vừa sanh ra đời. Nó nằm sâu trong phần vô thức của mỗi người. Nó sở hữu mọi thứ xung quanh mình một cách tự nhiên và nó tạo ra cái SỞ NGÃ. Cái tôi bản ngã và cái sở ngã là một lực lượng ngủ ngầm trong vô thức của mỗi người. Và bất cứ khi nào có ai chạm nhẹ vào nó là nó vùng dậy nhanh và đột ngột khiến người ta không kiểm soát nổi nó. Và chính cái đó đang kiểm soát con lúc này.
LÒNG TỰ TRỌNG thì khác, nó cao quý vô cùng. Người ta không tự dưng mà có được. Nó không sanh ra cùng với người ta. Nó được hình thành khi người ta bắt đầu tích lũy kiến thức và nó được rèn luyện mà trưởng thành. LÒNG TỰ TRỌNG của người ta phải gồm có TRÍ TUỆ, LÒNG BAO DUNG, LÒNG XÓT THƯƠNG ĐỒNG LOẠI, TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC, LUÔN THẤY MÌNH KÉM CỎI, LUÔN MONG CẦU HỌC HỎI...
Khi một người có LÒNG TỰ TRỌNG thì không chấp cái TÔI BẢN NGÃ. Có ai lôi tên mình ra chửi cũng không thấy động lòng. Sẵn sàng bao dung tha thứ khi có ai đó hiểu lầm mình.
Cái TÔI BẢN NGÃ luôn đòi hỏi sự tôn trọng ngay lập tức = giống người Trung Quốc.
LÒNG TỰ TRỌNG không đòi hỏi bất cứ ai phải tôn trọng mình. LÒNG TỰ TRỌNG luôn trải lòng ra tôn trọng người khác. LÒNG TỰ TRỌNG không chấp cái đúng cái sai. Để rồi “hữu xạ tự nhiên hương”. Đến một lúc nào đó thiên hạ sẽ tự hiểu. Giống như người Nhật vậy.
Hôm nay là lần đầu tiên ba có cơ hội trao đổi với con gái yêu thương nhất đời của ba về cái TÔI BẢN NGÃ và LÒNG TỰ TRỌNG. Ba mong con hiểu và cố gắng rèn luyện.
Rèn luyện nó không hề dễ con ạ. Bởi vì như ba đã nói ở trên cái TÔI BẢN NGÃ nó rất hùng mạnh và ngủ ngầm trong vô thức. Chính vì nó ở trong vô thức nên hầu như người ta không kiểm soát được nó. Người ta chỉ phát hiện ra nó khi nó bùng cháy ra ngoài.
Khó! Nhưng mình gắng sẽ làm được.
Cách của ba là thế này: Ba luôn tự âm thầm nhắc nhở mình “Mình không là gì cả. Mình chỉ là cỏ rác cát bụi. Đừng tham lam. Đừng sân hận. Đừng si mê”. Thậm chí ba còn tạo ra những câu nhắc nhở trong điện thoại và cứ 30 phút cái điện thoại lại nhắc ba những điều đó. Con có thể xem trong cái điện thoại đỏ ba gửi về nhà. Trong chức năng “memo” hay “calendar” của nó. Nếu con chưa xóa nó đi.
Từng ngày, từng giờ, từng phút, chỉ mình nhắc nhở mình được thôi. Chiến đấu với kẻ địch đã khó. Chiến đấu với bản thân còn khó hơn.
Ba chúc con gái ba sẽ thành công để có được LÒNG TỰ TRỌNG thực sự.
Về lá thư này của con. Ba rất thích! Mặc dù con trách ba mẹ rất nhiều. Nhưng ba thích vì sự cởi mở trong nội dung của bức thư.
Và nhờ vậy ba biết là ba vẫn còn nguyên vẹn đứa con gái của ba ngày nào.
Nếu con giận hờn ba mẹ và giữ kín mọi chuyện cho riêng con thì có lẽ đến một lúc nào đó ba mẹ và con sẽ mất nhau hoàn toàn.
Ba khuyến khích con hãy viết những bức thư như thế này cho ba mẹ. Để ba mẹ hiểu con nhiều hơn nữa. Điều đó rất cần thiết để mọi người trong nhà mình gắn kết lại với nhau con ạ.
Con thích dân chủ. Ba cũng thích dân chủ. Nhưng có lẽ ba mẹ đã phần nào thiếu dân chủ trong gia đình chăng?
Có thể đôi lúc phương pháp của mẹ hơi quá đà. Cũng là vì mẹ lo cho con quá mà thôi. Nhẽ ra những lúc như vậy con nên nhẹ nhàng thể hiện quan điểm của con, chứ không nên cứ để mọi chuyện dồn nén. Dồn nén nhiều quá rồi bùng phát thì lại còn nguy hiểm hơn. Với ba thì ba có thể bỏ qua hết cho mẹ. Nhưng con thì chưa đủ bản lãnh phải không? Chính con cũng thừa nhận là con rất thiếu kiềm chế.
Về chuyện học của con. Ba chưa bàn đến. Ba cũng không có ý định trách con về chuyện điểm số. Mình học cách rèn luyện LÒNG TỰ TRỌNG trước con nhỉ.
Về chuyện công bằng!
Đúng là ba mẹ đã thiếu công bằng thật.
Trước tiên cũng bởi tại văn hóa Việt Nam. Người VN qua nhiều thế hệ ngàn đời ăn sâu vào máu cái bệnh thích chê người khác hơn là khen người ta. Điều này con đúng!
Nhẽ ra một việc dù nhỏ tí ti... mà các con làm được thì phải ngay lập tức có lời khích lệ khen thưởng động viên từ người lớn. Đằng này người lớn lại coi cái việc con cái phải làm được những việc đó là nghiễm nhiên. Dẫn đến việc “con đang muốn cố gắng mà chán chẳng muốn cố gắng nữa”. Điều đó nguy hiểm. Và thái độ của cha mẹ như vậy là sai. Ba mẹ cũng cần phải sửa đổi.
Tuy nhiên, cũng như con, con cần thời gian để sửa đổi cái tính cục cằn nóng nảy di truyền từ ba. Thì ba mẹ cũng cần thời gian để học cách khen tặng mỗi khi con gái, con trai của ba mẹ làm được việc gì đó dù nhỏ. Điều này không dễ đối với ba mẹ vì lẽ không phải là không biết mà vì xưa nay không thế, giờ học một cách ứng xử mới ở tuổi ngoài bốn mươi, cái tuổi rất dễ quên.
Vậy con sẵn lòng giúp ba mẹ đấy chứ! Bằng cách hãy cảm thấy hoàn toàn tự nhiên đòi hỏi ba mẹ phải công nhận thành tích của các con dù nhỏ đến mấy đi chăng nữa. Thậm chí là bất cứ bạn nhỏ nào như bạn Bông hay bạn Mig mà làm được những việc nhỏ như đấm lưng cho bà chẳng hạn cũng cần có lời khen tặng. Và con nhớ là hãy vô tư nhắc người lớn làm việc đó!
Còn về chuyện con so bì với em trai con. Hì... chỗ này con không hiểu mẹ rồi. Con đúng. Việc làm bài tập và soạn sách vở là của nó. Nhưng khổ cái là em trai con không muốn hiểu chuyện đó. Với lại cũng có thể là từ bé nó ỷ lại vào việc mẹ làm hộ cho mọi chuyện quen rồi. Thế nên bây giờ mẹ con phải khổ. Đành phải nghĩ ra “thủ đoạn” để dụ nó.
Với con, con không cần phải “làm bài đi rồi mẹ cho chơi”. Vì con không muốn bị ai đó nói động đến thân. Nhiều khi ba thấy con làm bài khuya quá, ba rất xót ruột. Ba đã từng muốn đập tan cái bộ GD của Việt Nam đi rồi. Nhưng em trai con thì ngược lại. Em ấy cứ lì lợm kệ cho thày cô mắng mỏ và vẫn cứ không thèm làm bài đấy.
Mẹ con thì lại luôn cầu toàn. Luôn muốn mọi thứ phải hoàn hảo. Thế nên thành ra là như vậy.
Túm lại, gia đình mình cần có sự đóng góp chung tay xây dựng của tất cả mọi người. Và bây giờ con lớn rồi. Ba công nhận là con đã lớn hơn thật rồi khi con tự mình đã nhận ra được cái tật xấu nóng nảy cục cằn của mình được di truyền rất mạnh từ ba. Thế nên lớn rồi thì con cũng cần góp sức cùng ba mẹ xây dựng gia đình mình vui vẻ hạnh phúc phải không?
Con nói con muốn học cách XẢ BỎ của ba! Ba hoàn toàn hoan nghênh và vô cùng vui mừng.
Cố gắng nhắc nhở mình một cách âm thầm xả bỏ tất cả. Rồi dần dần mình sẽ bớt được nóng nảy con gái ạ!
Thế nhé!
Ba chúc con và cả nhà mạnh khỏe!



Không có nhận xét nào: