Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

Hoàng Nguyên Vũ - Giáo Dục - Kiểu cười Ngạo Nghễ Việt Nam ơi!

Thái độ tươi cười, coi thường pháp luật của các bị cáo nâng điểm thi tại Hoà Bình đang khiến nhiều người bức xúc. (Ảnh: VnExpress)

Giáo dục của những kẻ “ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” , tương lai con em chúng ta sẽ về đâu?

Câu nói nổi tiếng nhất hôm nay (và có lẽ cả mai sau) là của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, nguyên trưởng phòng khảo thí Hoà Bình trong phiên toà xét xử việc gian lận điểm thi hôm nay: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” (báo Tuổi trẻ trích dẫn)

Trước đó, một lô một lốc giáo viên từng tham gia nâng điểm, cũng khai rõ, là do được chỉ đạo con của sếp này, con của sếp kia nên phải nâng. Có cô giáo môn Văn (môn Văn – nghe chua xót chút) thì tỏ vẻ nhân đạo: “Hoà Bình học sinh học lực yếu nên chấm nới tay cho các em có cơ hội vào đời”

Sau phiên toà, các bị cáo cười tươi rói, cứ như nụ cười chiến thắng. Tôi chịu, không lý giải được họ cười vì cái gì. Nhưng vì bất cứ lý do gì thì sự xấu hổ cuối cùng của họ đã thực sự không còn.

Ôi, một nền giáo dục đã “ghi điểm” vì những thầy cô chấp nhận đi khom vì sợ mình ngay thẳng sẽ thành dị hình dị dạng. Một nền giáo dục mà thầy cô chấp nhận đưa những học sinh yếu kém lên làm thủ khoa chỉ vì…nhân đạo. Một nền giáo dục mà thầy cô phạm tội lại cười rạng rỡ như những “anh hùng” hiên ngang trước pháp đình.

Cái chuyện quái gì đang diễn ra vậy?

Thực tế thì theo dõi các sự kiện nâng điểm này, từ Hà Giang đến Hoà Bình, tôi thấy rằng, từ trên xuống dưới, không sai, là một đội ngũ không dám đi thẳng, hoặc không thể đi thẳng được nữa. Trước hết là các ông lãnh đạo tỉnh, những kẻ tạo ra đội “đi khom”, những kẻ có con có cháu học dốt tự dưng thành thủ khoa, như ông Triệu Tài Vinh chẳng hạn, không thẳng thắn mà đối diện: Dù ai nâng điểm con ông ta thì những kẻ nâng điểm ấy, đang là hạ cấp của ông ta. Ông ta phải chịu trách nhiệm về hệ thống mà ông ta vận hành,
nhưng không,

Ông ta bận “đau xót” vì con mình bị nâng điểm.

Và rồi hôm nay, không thiếu những kẻ như ông ta, những kẻ được gọi là “phụ huynh” cũng mồm năm miệng mười trước toà, nào là “đau xót”, nào là “phẫn nộ” vì con bị nâng điểm!
Chính các người, chứ không kẻ nào khác, đang bẻ cong sự thẳng thế của đồng loại, đã biến một xã hội thành “khuyết tật”

Chính các người, với những đồng tiền tham lam; với những đội trên đạp dưới luồn này cúi nọ, đã, đang và còn tạo ra những thế hệ “đi khom”, thế hệ thấy “đi thẳng” là không bình thường.

Nhìn nụ cười của những thầy những cô bị bắt “cũng ngày phượng nở chúng mình cùng đi”, tôi chợt nhớ bài thơ Khóc ông Tổng Cóc của Hồ Xuân Hương. Khóc chồng trong một bài thơ tứ tuyệt nhưng câu đầu khuyết một chữ, vẻn vẹn 27 chữ (sự khuyết thiếu, đã thấy một xã hội cũng đã khuyết thiếu), thì có đến 5 từ là đồng nghĩa: chàng, cóc, bén, nòng nọc, chuộc. Nữ sĩ họ Hồ lôi cả tông ti họ hàng nhà chồng ra khóc, khóc mà như cười, cười cho phận mình, cười cho cái xã hội khuyết thiếu. Và khóc, cũng khóc cho phận mình, khóc cho cả cái xã hội mà bà đang sống.

Hôm nay, các thầy cô cười. Cười cho cái xã hội mà người ta sinh ra vốn thẳng thớm nhưng lại phải đi khom vì sợ thẳng lưng lên sẽ bị cho là “khuyết tật”.

Họ cười. Nhưng chúng ta đã, đang và sẽ còn khóc. Nước mắt được trả bằng cái giá rất đắt.

Sẽ ra sao, nếu các học trò được rèn luyện bởi một nền giáo dục “ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” hả chúng ta?

Không có nhận xét nào: