Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Nguyễn Chương Mt - Tổng Thống - Đại Thống Lãnh - Chủ Tịch sang tiếng tây chỉ một chữ President


“PRESIDENT”: SAO DỊCH LÀ "TỔNG THỐNG", RỒI "CHỦ TỊCH NƯỚC"?
* Chữ nghĩa tiết lộ thể chế chánh trị rõ rành, không lẩn vào đâu được hết!

Hàng ngày quí bạn vẫn gặp trên sách báo Anh ngữ "President Donald Trump", "President Tsai Ing-wen", "President Xi Jinping", cũng đều President ráo trọi; tuy nhiên khi chuyển qua Việt ngữ là "Tổng thống Donald Trump", "Tổng thống Thái Anh Văn" nhưng lại là "Chủ tịch Tập Cận Bình" - sao không dịch cùng một chữ, tỉ như "Tổng thống" cho President, cho nhứt quán? Mà dịch là "Tổng thống", từ đâu ra?
&1&
Muốn hiểu thì phải ngược dòng lịch sử chút đỉnh:
Trước khi xuất hiện thể thức "bỏ phiếu bầu để chọn người đứng đầu một quốc gia", nhân loại đều đã quá quen thuộc với chế độ quân chủ. Bên ta gọi là "hoàng đế", là "vua"; còn bên trời Tây gọi là "emperor", là "king/queen". Và rồi bên Âu-Mỹ xuất hiện người đứng đầu quốc gia không gọi là vua nữa, tỉ như ở bên Pháp là "Président de la République française", Mỹ có "President of the United States"...Trong từ điển chánh trị nhân loại, ngoài "King", "Emperor", giờ đây xuất hiện thuật từ "President".

Bên Nhựt Bổn, bước qua thế kỷ 20, thiết chế chánh trị của họ vẫn không "nhập nội" cái danh xưng President - là vì họ vẫn duy trì chế độ "Thiên hoàng" 天皇 / "Nhựt hoàng" 日皇 (tiếng Anh gọi là "Emperor of Japan") làm người đứng đầu quốc gia.

1/ Ở Nhật thì người đứng đầu quốc gia mang tính biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc là Thiên Hoàng 天皇
2/ Người đứng đầu hệ thống chính trị mà ta quen gọi là thủ tướng thì ở Nhật gọi là Nội Các Tổng Lý Đại Thần 内閣総理大臣 Ti-vi Nhật Bản thường gọi ngắn gọn là Tổng Lý Đại Thần.
3/ Các bộ trưởng thì gọi là Đại Thần 大臣
4/ Khi gọi các vị Tổng Thống thì người Nhật dùng từ Đại Thống Lãnh 大統領
5/ Khi gọi các chức Chủ Tịch của Bắc Kinh, Bắc Hàn, Hà Nội, Havana, Laos, etc. Thì họ dùng từ Chủ Tịch 主席
Từ đó cho thấy người Nhật họ cũng phân biệt giữa Đại Thống Lãnh và Chủ Tịch. Đại Thống Lãnh là dân bầu, còn Chủ Tịch là cái thằng tự chiếm ghế ngồi.
Chữ Tịch (âm Hán Việt) nghĩa là cái chiếu hoặc chỗ ngồi.
Khi các bạn mua vé tàu Shinkansen ở Nhật, người ta thường hỏi bạn muốn mua ghế tự do (自由席-tự do tịch) hay ghế đặt chỗ (予約席-dự ước tịch)

Trong khi đó bên Trung Hoa, cuộc cách mạng Tân Hợi lật đổ chế độ quân chủ Đại Thanh, kiến tạo nền cộng hòa với tên gọi "Trung Hoa dân quốc". Lần đầu tiên người đứng đầu quốc gia không còn gọi "vua" nữa, mà dùng danh xưng là: 總 統 - âm Việt của hai chữ này đọc là "Tổng thống", dùng để chuyển ngữ cho danh xưng "President"!
Tôn Dật Tiên là người đầu tiên đảm nhiệm chức danh Tổng thống (President Sun Yat-sen), năm 1912.

&2&
2a) Nước Việt, những thập niên đầu thế kỷ 20:
Cho tới tháng 3 năm 1945 ở VN vẫn chưa sử dụng danh xưng "Tổng thống" (President), mà người đứng đầu vẫn là Hoàng đế (Emperor) - như "Đế quốc Việt Nam" với Hoàng đế Bảo Đại (và nội các của Thủ tướng Trần Trọng Kim). Khi thực thể chánh trị VNDCCH ra đời, trong năm 1945, bấy giờ mới xuất hiện cụm chữ "Président Ho Chi Minh" (báo chí tiếng Pháp), "President Ho Chi Minh" (báo chí tiếng Anh)...

Vì sao "President Ho Chi Minh", trong Việt ngữ bấy giờ không gọi "Tổng thống", mà lại gọi là "Chủ tịch Hồ Chí Minh"? Cách gọi "Chủ tịch nước" từ đâu mà ra?
Tôi đọc thấy có tài liệu cho rằng "Chủ tịch" là tiếp thu mô hình từ Liên Xô (bên LX có chức danh nguyên thủ quốc gia gọi là "Chủ tịch Xô-viết tối cao"). Ồ, chức danh này tiếng Nga gọi là "Президент Верховного Совета", họ cũng gọi là "President" (Президент) - cũng như tiếng Anh, tiếng Pháp, đứng đầu đều gọi chung là "President" ráo trọi.

Việc phân định "President" theo hai cách chuyển ngữ khác nhau - là "Tổng thống" / "Chủ tịch" - té ra CHỈ tồn tại trong tiếng Việt và tiếng Trung Hoa thôi! (người Nhựt, người Hàn KHÔNG gọi như bên tiếng Việt và tiếng Tàu - sẽ viết ghi chú bằng một stt khác).

2b)
"Tổng thống" là cách đọc bằng tiếng Việt từ hai chữ 總 統 . "Chủ tịch" là âm Việt của hai chữ 主席 ("quốc gia chủ tịch" 国家主席: Chủ tịch nước).

Những đảng viên cộng sản VN ngay từ thời kỳ hoạt động ban đầu trên lãnh thổ Trung Hoa, có những tập huấn này kia liên kết với đảng CSTQ, thành thử cách sử dụng từ ngữ - như danh xưng "Chủ tịch" - cũng chia sẻ với cách dùng của đảng CSTQ...
Thành thử khi chánh phủ VNDCCH dùng danh xưng "Chủ tịch nước", hồi năm 1945, các nước như Mỹ, Pháp, Anh.v.v... biết ngay đây là chánh phủ theo đường lối cộng sản - mặc dù có một số tư liệu cho rằng chánh phủ VNDCCH hồi đó theo tinh thần quốc gia chớ không hẳn cộng sản (?).

... Hiện nay, khi quí bạn gặp những chữ như "President of China", "President of Laos", "President of Cuba" mà chuyển thành tiếng Việt là "Chủ tịch" - biết ngay đó là những nước cộng sản, không lẩn vào đâu được.

&3&
Nói thêm về PRESIDENT:
3a) Đối với những nước mà người dân trực tiếp bỏ phiếu bầu chọn nguyên thủ quốc gia, gọi là hệ thống "Tổng thống chế" (Presidential system): TỔNG THỐNG (President) không chỉ thủ đắc danh nghĩa "người đứng đầu đất nước" (de jure) mà còn nắm quyền lực thực tế (de facto) cao nhứt.

Như Hợp chúng quốc Mỹ (với Tổng thống Donald Trump), Cộng hòa Pháp (Tổng thống Emmanuel Macron), Đại Hàn dân quốc (Tổng thống Moon Jae-in), Trung Hoa dân quốc (Đài Loan, với Tổng thống Thái Anh Văn)...

3b) Đối với những nước mà các nghị viên Quốc hội bầu ra nguyên thủ quốc gia (không phải người dân bầu trực tiếp), gọi là hệ thống "Đại nghị chế" (Congressional system), người nắm quyền lực thực tế (de facto) cao nhứt thuộc về Thủ tướng (Prime Minister).
Câu hỏi đặt ra: ở những nước Đại nghị chế, có tồn tại chức danh "Tổng thống" (President) hay không?

Có 2 phương thức:
* Câu trả lời là: CÓ. Bởi vì Thủ tướng, tức là người đứng đầu nội các (đứng đầu các Bộ), nắm quyền lực thực tế cao nhứt - nhưng về mặt nghi thức vẫn cần phải có người đứng đầu quốc gia, gọi là "Tổng thống" về danh nghĩa (de jure).
Như Đức, Ấn Độ, Ý... Ở Đức, bên cạnh Thủ tướng Angela Merkel còn có Tổng thống Frank-Walter Steinmeier. Ở Ấn Độ, bên cạnh Thủ tướng Narendra Modi còn có Tổng thống Ram Nath Kovind. Ở Ý bên cạnh Thủ tướng Giuseppe Conte còn có Tổng thống Sergio Mattarella ...

* Câu trả lời là: KHÔNG. Như Anh, Nhựt, Thái Lan...
Sở dĩ không cần đến chức danh "Tổng thống" nữa là vì những nước này đã có sẵn định chế "người đứng đầu quốc gia" - về danh nghĩa (de jure) - thuộc về hoàng tộc rồi đa.
Ở Anh, có Thủ tướng Boris Johnson và có Nữ hoàng Elizabeth II. Ở Nhựt, có Thủ tướng Abe Shinzo và có Nhựt hoàng Naruhito. Ở Thái Lan, có Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và có Quốc vương Vajiralongkorn...

TÓM LẠI,
* Danh xưng PRESIDENT, tức là người đứng đầu một quốc gia.
Có President thủ đắc về danh nghĩa (de jure) mà thôi, ở các nước theo Đại nghị chế.
Có President thủ đắc cả về danh nghĩa (de jure) lẫn quyền lực điều hành thực tế (de facto), ở các nước theo Tổng thống chế.

* PRESIDENT, đối với đa số các quốc gia, đều phải dịch là TỔNG THỐNG.

Còn PRESIDENT, mà dịch là "CHỦ TỊCH NƯỚC", biết ngay đó là nước cộng sản (hiện nay chỉ còn ít ỏi, vài nước).

Không có nhận xét nào: