Cho đến bây giờ mình mới thật sự thấm và hiểu được câu này. Với mình cho đến bây giờ thất bại là động lực mạnh nhất để mình làm việc gì đó một cách tốt nhất có thể. (Hoặc là mình thân lừa ưa nặng)
Hôm nay mình vừa nhận được điện thoại của một công ty thông báo mình đã đỗ vào công ty. Trong cái khoảng thời gian khó khăn này, nhiều người mất việc mà mình vẫn xin được việc thì mình thật sự rất biết ơn. Tuy nhiên, để nhận được cuộc điện thoại này mình đã trượt dúi dụi một công ty khác mình cũng thích ngang ngửa công ty mình đỗ.
Mình còn nhớ để thi đỗ N2 tiếng Nhật với số điểm cao thì mình cũng phải trượt dúi dụi lần thi thứ nhất.
Với tình yêu cũng vậy. Mình đã phải đánh mất bản thân mình một lần trong một mối tình và đau đớn đủ nhiều để mình có thể học cách yêu bản thân một cách đúng đắn nhất. Sống có tiêu chuẩn và giới hạn hơn.
Bởi vậy nên hôm qua mình đã nghĩ ra một câu này mà có thể nó sẽ là kim chỉ nam của mình: "Not afraid of failure. Just afraid there's no change after the failure" (sự thất bại không đáng sợ. Đáng sợ là sau thất bại chúng ta không có sự thay đổi gì).
Mình là con người của hành động và giải quyết vấn đề. Vậy nên mỗi lần thất bại thì thay vì ngồi khóc lóc tỉ tê dài dài thì mình sẽ chỉ làm vậy trong 1, 2 ngày rồi sẽ bắt tay vào tìm hướng giải quyết. Mà thường là sau những thất bại mình làm tốt hơn rất nhiều những thứ mà mình thành công ngay từ đầu.
Mình luôn nghĩ, khi chúng ta còn trẻ, chúng ta còn sai được thì cứ sai đi. Đừng để về già hối hận vì đã không sai, vì chưa bao giờ thử. Với tình yêu cũng vậy nhé, nếu còn trẻ (dưới 22 tuổi), hãy học yêu bằng cách thử yêu sai để tự rút ra bài học. Nhưng hãy đủ thông minh để tự rút bài học và để không bị quá sai. Và cũng đừng mù quáng tới nỗi không rút ra được gì, đó mới là thất bại thực sự.
Quá trình xin việc của mình ở Nhật (mùa virus cúm Vũ Hán)
*Đây không phải bài viết để chia sẻ kinh nghiệm hay lời khuyên, chỉ đơn giản là một bài ghi lại câu chuyện của mình ở Nhật về vấn đề học tập và xin việc*
1/ Quá trình chuẩn bị phần nền
Nếu để nói mình chuẩn bị cho quá trình xin việc từ bao giờ thì phải nói là từ năm nhất. Bởi vì mình đến Nhật, học đại học với mục đích là xin việc làm. Mình làm gì cũng vậy, đều phải có mục đích, không thì thôi ở nhà nghỉ khỏe.
Vậy nên từ năm nhất mình đã nói chuyện với nhiều anh chị đi trước, người quen họ hàng ở bên Nhật để xem tình hình xin việc ở Nhật thế nào, và muốn xin được việc thì cần chuẩn bị những gì. Câu trả lời mình nhận được nhiều nhất là tiếng Nhật phải giỏi, mà phải giỏi giao tiếp, chứ không được giỏi mỗi trên giấy không.
Vậy là cắm đầu vào học tiếng Nhật. 4 tháng đầu, mình còn nhớ, học tiếng Nhật trên lớp từ 10 giờ sáng đến 5h chiều, nghỉ 2 tiếng buổi trưa rồi, đến tối và thứ 7, chủ nhật mình ngồi học hết tất cả từ mới ở trong sách. Vậy nên kiến thức nền về tiếng Nhật của mình rất chắc và đến giờ hầu như mình vẫn sử dụng những kiến thức đó trong đời sống hàng ngày.
Để nói giỏi tiếng Nhật thì làm gì? Đi làm thêm, kết bạn Nhật, và có bạn trai người Nhật (cái này tùy người thôi). Sau 2 năm thì nói liến thoắng thật.
Nhưng nói thôi chưa đủ, phải có bằng để chứng minh năng lực. Tìm hiểu thì N2 là đủ để xin việc rồi. Đăng kí thi N2, lần 1 thi không ôn gì trượt dúi dụi.
Quyết tâm không để lần sau thi trượt, lập kế hoạch ôn thi đàng hoàng. Lần 2 đi thi, đỗ và điểm cao trên mức mình mong muốn rất nhiều (xin giấu điểm không thì sẽ bị chê là có tưng đó điểm mà cũng khoe). Đăng kí thi N1 nữa nhưng không đủ động lực để ôn nên lười nên trượt. Bởi thân lừa ưa nặng, cái gì thấy không bắt buộc thì sẽ không có đủ động lực làm. Ai có cách nào sửa cái tính này xin chỉ giáo.
Vậy là xong phần tiếng Nhật. Tiếng Anh cũng cần nên đăng kí đi thi TOEIC mà như đi chơi vậy đó, cũng may là điểm thì người Nhật nhìn vào vẫn thấy cao.
Nhưng tiếng chỉ là điều kiện cần, vậy là tiếng thôi chưa đủ. Có một chị senpai từng bảo với mình: “Em cần phải làm những gì em thích. Em phải chứng minh với họ là em có gì đó khác, chứ sinh viên APU ai chẳng thành thạo 3 thứ tiếng”.
Vậy là phải vừa ráng học (mặc dù học không giỏi lắm, cố gắng bơi sao mà giữ được GPA trên 3./4.), có app học bổng may mắn sao vớt vát được cái học bổng quèn bằng cách năn nỉ người ta là đi học trao đổi bên Úc nên cần tiền. Đi trao đổi ở Úc 5 tháng, đất nước mà luôn muốn đến từ rất lâu. Tham gia các hoạt động tập thể, múa may quay cuồng, tổ chức sự kiện. Cố quá thành quá cố nên năm 1 bị bệnh, mặt breakout vì thiếu ngủ, làm việc quá sức và stress. Từ đó học cách yêu bản thân hơn, sống chậm rãi và tận hưởng hơn, và không bao giờ để bị thiếu ngủ trầm trọng trong thời gian dài nữa (và bây giờ thì ngủ quá nhiều).
2/ Quá trình bước tiến chuẩn bị thật sự (1 năm trước khi đi xin việc)
Ai chuẩn bị cho xin việc cũng sẽ luôn nghĩ đến việc đi thực tập nên mình đã đi 3 cái thực tập chính. 2 cái kéo dài 1 tháng rưỡi, 1 cái 1 tuần. 1 cái là Papa phải bỏ tiền ra đầu tư (rất nhiều tiền) để mình đi và là mình tự tìm, 1 cái được trả lương (khá cao) và 1 cái được trợ cấp toàn bộ chi phí (cả 2 đều thông qua trường). Tuy nhiên cái mà phải xin tiền ba là cái mình thích nhất vì được làm công việc mình yêu thích là quản lí sự kiện. Ba bảo: “Đầu tư mấy thứ này cho con không bao giờ tiếc. Đầu tư cho con mài dao, dao sắc rồi rút ra dọa nhà tuyển dụng là người ta tuyển à”.
Mình học lớp Career Japanese từ năm 3 kì 2 để chuẩn bị hồ sơ xin việc (để học lớp này cần học hết lớp Advanced Japanese hoặc thi đậu N2). Lúc học Career Japanese là quãng thời gian khá đau khổ vì phải phân tích bản thân. Cũng chính trong quãng thời gian này mà mình lập một blog về Tình yêu, cũng là một dự án để chia sẻ và tìm hiểu bản thân nhiều hơn.
3/ Xin việc (định mệnh đã được sắp đặt, chỉ cần cố gắng thôi)
Mình bắt đầu nộp bộ hồ sơ đầu tiên vào đầu tháng 2/2020. Và kết thúc vào 1/5/2020 khi mình nhận được điện thoại của một công ty mình thích và hợp với mình nhất gọi điện báo kết quả ngay sau ngày phỏng vấn. Kết thúc 3 tháng ròng rã đau khổ cuộc đời.
Sau quá trình này mình rút ra điều quan trọng nhất trong quá trình xin việc là đam mê, lí tưởng cuộc sống của chính bản thân mình, và hiểu bản thân. Mình phải có mọi lí do chính đáng cho mọi việc mình làm trong quá khứ. Đấy là đối với bản thân mình, còn với nhiều người có kĩ năng nói những điều người khác muốn nghe thì sẽ có chiến lược khác. Mình là người nói những điều mình muốn nói. Thêm nữa tìm công ty giống tìm người yêu. Ai phân bổ được cảm xúc yêu được nhiều người, mỗi người hợp một góc thì sẽ có chiến lược khác, mình thuộc loại đặt hết cảm xúc vào một thứ, có chia ra thì cái thứ còn lại nó sẽ nhạt, nên chiến lược phải là tìm cái thứ mình yêu nhất.
Mình học du lịch, và đi thực tập cũng liên quan khá nhiều đến du lịch nên mới đầu mình định nhắm vào ngành du lịch. Tuy nhiên, ngành du lịch thì làm lại mệt, và lương không cao, mà mình thì thích người yêu có sự khá giả nhất định nên mình không yêu thích nó lắm. Thứ 2, là mình không tìm được ý nghĩa thực sự của việc làm du lịch.
Vậy là mình quay trở lại với mục đích đầu tiên là các công ty sản xuất (từ năm 2, do ảnh hưởng từ người yêu cũ nói là làm ở các công ty sản xuất ổn định và lương khá ổn), và có ý định thử sức với ngành logistics (vì ngành này lương khá cao). Tuy nhiên, khi bước vào quá trình xin việc, các công ty logistics không hiểu sao yêu cầu tiếng Nhật rất cao là N1, nên thôi, kiếm người yêu không phải kiếm người tốt nhất mà là người hợp với mình nhất.
Lí do của mình với các công ty sản xuất còn là: với mình, sản xuất chính là tạo ra tài sản thực sự, sản xuất là cái nền tảng cơ bản của một nền kinh tế đi lên phát triển. Không có hàng hóa, một loạt các ngành nghề khác sẽ không được tạo ra. Và mình đã nói lí do đó với mọi công ty sản xuất mà mình ứng tuyển.
Cụ thể với công ty mình nhận được lời mời (job offer). Giờ mình nghĩ lại, cảm giác thấy có định mệnh với nó. Lúc đầu mình không định app nó, mà app một công ty logistics (không yêu cầu N1) cùng deadline. Nhưng không hiểu sao, ngày cuối cùng vẫn quyết định app công ty này và viết hồ sơ trong 15 phút (bởi vì hồ sơ thì chuẩn bị từ 1 năm trước rồi như đã nói ở trên, nên chỉ sửa một chút). Có thể vì mình thấy khả năng đậu của công ty này cao hơn.
Công ty mình sản xuất dây chuyền máy móc hỗ trợ sản xuất thực phẩm và các máy kiểm tra an toàn thực phẩm. Trùng hợp là, những năm cấp 3, mình là một học sinh khoa học tự nhiên, và mình đã từng có ý định thi vào khoa công nghê thực phẩm của đại học bách khoa, vậy nên từ xưa mình vốn đã quan tâm đến thực phẩm và an toàn thực phẩm.
Mọi người ở Nhật thì hay nói công ty không quan tâm ngành học. Tuy nhiên mình thấy là có. Công ty mình hỏi rất rõ mình muốn làm ở vị trí nào, mình có thể làm được những gì. Mình học ngành gì, và vì sao mình học ngành đó, học ngành đó thì có liên quan gì đến công ty. Đương nhiên mình đã đưa ra được câu trả lời và những lí do chính đáng. Và tất cả những lí do của mình đều liên quan đến công ty. Vậy nên mình đã tìm được người yêu phù hợp với mình nhất.
Mình nhận ra họ muốn biết những việc mình làm trong quá khứ có thực sự liên quan đến mình của hiện tại, mục đích của mình ở tương lai, và những điều đó có thực sự liên quan đến công ty hay không. Chứ không phải là học cái đó chỉ vì đó là ngành học của mình, hay đó là ngành có thể kiếm ra tiền, và không có lí do hay đam mê hay lí tưởng gì cụ thể.
Một điều nữa mình nhận ra: “Nếu lí do là tiền, sẽ không bao giờ thành công”. Trong lúc app công ty này, cũng có một công ty khác mình hơi thích nhưng không liên quan đến mình bằng công ty này. Tuy nhiên, nghe bạn trai cũ mình nói là công ty đó rất nhiều tiền nên ráng mà vào. Có một thời gian mình đã ưu tiên công ty đó hơn nhưng vì lí do không chính đáng lắm, nên đương nhiên là đã trượt. Sau khi trượt công ty đó mình quyết tâm chuẩn bị công ty mình đỗ thật kĩ, và trong quá trình chuẩn bị mình đã hiểu bản thân hơn rất nhiều. Nếu không, chắc mình cũng không đỗ. Vậy nên mới nói, đây là định mệnh.
=====
Bà nội: Chúc mừng cháu. chúc cháu thành công.
Mún: Dạ, cháu cảm ơn bà ạ.
Ông Trình: Ông chúc mừng cháu
Mún: Dạ, cháu cảm ơn ông ạ.
Ba của Mún: Cái tính đặt ra mục tiêu và cố để thực hiện mục tiêu chắc là do di truyền từ mẹ nó. Mình chỉ gợi ý cho nó những mục tiêu mà nó có thể đạt được.
Nhìn lại cuộc đời gần 50 năm qua của mình thì mình thấy mình chưa đặt được ra mục tiêu như nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét