Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

Nguyễn Hà Uyên - Ký ức và con người

Nguồn: https://uyenhahahaaaaaaa.wordpress.com/2020/05/21/ky-uc-va-con-nguoi/


“Ký ức không thể thay đổi thế giới, nhưng nó cho chúng ta một tấm lòng chân thật.”
Nhìn xung quanh, thế giới đang quay cuồng đổi thay, nhìn về tương lai, đôi khi ta chỉ thấy một vòng lặp. Covid-19 đi qua, chúng ta có thể mong đợi điều gì? Mong đợi điều gì khi ta thấy “xác người còn chưa lạnh và nhân dân vẫn còn than khóc” và đồng thời cũng thấy người ta vang lên các khúc khải hoàn hòa với trăm ngàn lời tung hô? Diêm Liên Khoa đã có một bài giảng online vào ngày 21 tháng 2 vừa qua, sau khi đại dịch bùng nổ nơi Trung Quốc quê nhà bác cũng như trên toàn thế giới. Mặc dù có thể không thể đứng trên cùng một lập trường chính trị và tầm nhìn xã hội với giảng viên Diêm Liên Khoa, mỗi chúng ta đều có thể rút ra được điều gì cho bản thân về ký ức cá nhân, ký thức cộng đồng, và đặc biệt hơn hết là cách mà cuộc sống to lớn bao trùm lên đời sống của chúng ta đang vận hành.
Con người giữa cuộc sống vốn vẫn chỉ là cát bụi nhỏ bé. Ta còn gì khi thân xác tan vào với nền đất lạnh ngắt? 
Vì ta là con người, nên ta nhỏ bé và yếu đuối, ngay cả trong một tập thể, hay, nhất là khi ta trong một tập thể. Bởi ta có đứng ở giữa, phía trên là điều phối và phía dưới là gì ta không nhớ. Ký ức ta dễ dàng bị xoay chuyển, bị biến đổi, bị xóa nhòa. “Và rồi con người mong manh như cát bụi”. Ký ức cá nhân dồn lập thành ký ức tập thể, ký ức cộng đồng, ký ức nhân loại. Nói tóm lại nếu tôi cứ mãi “hay quên”, sẽ đến lúc tôi không tồn tại nữa. Vì ký ức của tôi không thật, nên tôi sẽ thấy một thế giới không có thật. Tôi sẽ chỉ là một chấm đen trong đám đông nhốn nháo. Tôi sẽ giống như một vũ công vô danh nhấp nháy trong bữa tiệc hậu chiến xa xỉ giả tưởng của Gatsby. Tôi sẽ giống như một người Di-gan đối với Đức Quốc Xã, lặng thinh trong phòng ngạt hơi, chung quanh là vài trăm người như tôi. Tôi có thể sẽ không bao giờ tồn tại.
Nhưng
Vì ta là con người
Ta có quyền giữ lấy một miền ký ức căn nguyên trong trẻo nhất cho tâm hồn mình. Bởi ta đã tồn tại, trong một cuộc sống có thật nhiều đổi thay. Ta có một lịch sử nằm giữa một dòng chảy lớn lao hơn cả. Ký ức của ta là một phần ký ức nhân loại, và ký ức nhân loại sẽ liên quan mật thiết tới cuộc đời ta.
Lịch sử nhân loại tồn tại không phải chỉ vì những sự kiện đã từng xảy ra, không chỉ vì đã từng có những nền văn minh vĩ đại thế đã từng đặt kinh đô ở vùng đất này, lịch sử tồn tại là vì người ta viết về những cuộc chiến, vì người này viết, người sau đọc rồi giảng lại cho người sau tiếp, rồi người ta xây tượng đài của những vĩ nhân, rồi người ta chỉ cho mọi người đây là tượng đài vị vua này, rồi thế hệ sau đến, thế hệ trước lại chỉ cho thế hệ sau tiếp những điều như thế. Cụ cố của một gia đình tồn tại không phải chỉ vì cụ đã từng sống một cuộc đời ở miền quê đó, vì cụ ngủ, cụ ngồi, cụ ăn ở trong cái nhà to đùng giữa làng đó, mà còn là vì cụ biết rằng cụ đang sống cuộc đời cụ, cụ đẻ đàn con và cụ kể cho chúng cuộc đời cụ, rồi con cháu cụ xây cái nhà thờ tổ kia cho chắt chít về thắp hương, là vì bố mẹ của đám cháu ba bốn đời nhà cụ dẫn chúng nó về làng, bảo đấy cụ mày hồi xưa ở cái nhà kia, cụ đẻ ra ông bà mày. 
Bạn tồn tại không phải chỉ vì bạn đang ngồi đó, bạn đang nhìn thấy thế giới biến động. Tôi tồn tại không phải chỉ vì tôi đang ngồi đây, tôi đang bật nhạc ầm ĩ át tiếng khoan tường của nhà hàng xóm để tập trung viết bài tập gửi cô giáo. Chúng ta tồn tại vì chúng ta có ký ức về bản thân, về bố mẹ bạn bè thầy cô mình, về những giờ học ta dự trên lớp, và hơn hết cả, ta có ký ức về một xã hội đang biến động quanh mình. Ta có một bộ não khá vô dụng và hầu hết thời gian ta dùng nó để tiếp nhận thông tin từ thế giới bên ngoài và in nó vào đầu. Kha khá thông tin sẽ rơi rụng ngay khi chúng ta ngoảnh mặt sang một hướng khác, nhưng đôi khi ta có những hình ảnh, những sự kiện, những cảm xúc, in hằn vào bộ nhớ ít ỏi của mình, ta gọi đó là ký ức. Những ký ức này tồn tại vì ta quan tâm đến nó, vì ta để tâm tới nó, vì ta ghi giữ nó lại. “Đã bao nhiêu lần, tôi cảm thấy rằng điều đó còn quan trọng hơn là ăn mặc, và cả hít thở — một khi ta quên đi các ký ức, ta sẽ quên cách làm sao để ăn, hay mất đi khả năng biết cày ruộng.”. Ký ức có lẽ là con đường duy nhất để ta biết rằng ta tồn tại. Ký ức của một cá nhân nhỏ bé, đúng như theo lời của Diêm Liên Khoa, có thể không thể tạo nên một chuyển biến xã hội, nhưng có đủ sức mạnh để gột rửa lương tâm, để ta chân thật đối diện với thực tại, với xã hội của mình.
Từ đây ta đi vào giữa lòng xã hội. 
Với tư cách là một người học, một người đọc, một người viết, tôi cho rằng bản thân ở thời điểm hiện tại chưa có khả năng để hiểu và nói về chính trị, về sai lầm hay đúng đắn của những quan điểm/sự kiện chính trị. Thế nhưng có lẽ tôi nghĩ rằng bản thân cũng như những người trẻ đều có thể hiểu và có quyền nói về sự thật, về những gì thế hệ chúng tôi nghe và thấy trong xã hội của mình. Tôi nói về điều này là bởi cùng với lời văn của bác Diêm, ta thấy được bên trong ký ức nhân loại và cá nhân, giữa những khoảng không gắn kết chúng, là nhiều che đậy, nhiều biến đổi xoay vần. Và thế là từ những ký ức bị đè nén, ta có  những tiếng nói bị đè nén. 
Ta có bác sĩ Lý Văn Lượng và nhà văn Phương Phương, hai người được nói đến trong bài giảng của giảng viên Diêm. Họ được nhắc đến với tư cách là những bản lĩnh dám lên tiếng, vì những gì họ thấy và họ hiểu, vì cộng đồng cần những tiếng nói ấy. Ta có Bill Gates, một tỷ phủ với tham vọng và tầm nhìn vượt thời đại, người đã tiên đoán được về đại dịch toàn cầu bốn năm trước ngày đại dịch Covid-19 bùng nổ, người đã rời bỏ công ty phần mềm nổi tiếng của mình và tập trung vào tổ chức vì sức khỏe, vì cộng đồng của ông và vợ. Ta có những chuyên gia thế giới, luôn canh cánh nỗi lo, những lời thúc giục về quỹ y tế dự phòng, về những nghiên cứu cần được tiến hành từ ngày có SARS, MERS,… 
Vấn đề nằm ở chỗ, những con người này, họ nhìn thấy, họ biết đến, họ hiểu, và họ nỗ lực vì một cộng đồng, một xã hội nơi điều gì cũng có thể xảy ra. Và hãy thử nghĩ xem, điều gì khiến cho ký ức, kiến thức, tiếng nói của họ bị đè nén? Tôi cho rằng nguyên do là bởi chính một nền tảng xã hội hỗn loạn đang lao mình về phía đồng tiền và địa vị, về phía kinh tế và chính trị. 
Giữa đại dịch bùng nổ, tôi cũng như nhiều học sinh tôi biết may mắn được an toàn trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi của mình. Tôi không chỉ có đầy đủ những yếu tố cần thiết để duy trì sự sống và sự an toàn về mọi mặt, tôi còn có tiện nghi bốn bề không thiếu thốn gì. Tôi thảnh thơi và coi như đây là dịp để bản thân được nghỉ ngơi, điều tiết lại nhịp sống của bản thân. Mẹ tôi cũng vậy, tuy vẫn là lao tâm khổ tứ kiếm tiền, nhưng vẫn có cơ hội làm việc tại nhà, tiếp tục thực hiện dự án, gọi điện khách hàng, đầy đủ hoàn thành công việc. Nhưng ngoài kia là người lao động chân tay mất việc, là người lao động vẫn phải đi làm mặc dù nguy hiểm tứ phía, là học sinh nghèo không có cơ hội học hành. Ngoài kia là người người cận kề cái chết, là nhà nhà run rẩy lo lắng, là đại dịch, là thảm họa. 
Tôi ở đây chẳng thể thay đổi được điều gì. Tôi chỉ có thể cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất, để học hỏi thật nhiều, để hiểu về cuộc sống, để mong mỏi rằng rồi một ngày bản thân có thể đóng góp được, dù là chút ít. Tôi hiểu rằng thế giới không thể tiếp tục là một mớ hổ lốn ích kỉ. Xã hội không thể tiếp tục vận hành nếu con người ta mắc kẹt trong một vòng tròn thiếu niềm tin và thiếu sự gắn kết cộng đồng. Làm sao mà người ta có thể cứu lấy nhau nếu như các nhà cầm quyền không nhìn rộng ra khỏi biên giới và nhìn thẳng vào vấn đề cốt lõi của cuộc sống? Trước khi bệnh dịch bùng nổ thành đại dịch, ta được nghe nhiều những lời trấn an của họ, những nhà cầm quyền trên thế giới, ta nghe được rằng bệnh dịch sẽ hoàn toàn được kiểm soát, rằng đây chỉ là kịch bản của ‘nước kẻ thù’ nhằm làm đóng băng kinh tế đất nước họ, rằng mọi người vẫn nên tập trung tiếp tục vận hành bộ máy kinh tế không để vì bệnh dịch mà phải dừng chân. Và rồi cả thế giới đóng băng. 
Thế nên, tạm gạt đi mọi nghi ngờ, mọi giả thuyết, tôi nghĩ rằng cốt lõi của vấn đề nằm ở những quyền cơ bản của con người và một sự thật đương nhiên duy nhất: chúng ta là một tập thể không thể tách rời. Để có thể có được đồng tiền và địa vị, có lẽ trước hết chúng ta ít nhất phải tồn tại.
Vậy thì, sau Covid-19, chúng ta còn lại gì? 
Tương lai là không thể đoán định, ta chỉ có thể học từ quá khứ và luôn luôn học hỏi, chuẩn bị và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Cuối cùng thì chúng ta đều đang tồn tại, cùng sống với nhau và cùng mong rằng có thể xây dựng một nơi dễ sống, dễ thở hơn, tôi tin là vậy.
Không phải là một nhà văn và cũng chưa đủ tầm ảnh hưởng, nhưng tự bản thân là một người viết, tôi tin vào sức mạnh của văn học, của nghệ thuật, sức mạnh của tiếng nói con người trong việc góp phần xây dựng một cuộc đời đáng sống. Giống như những gì giảng viên Diêm Liên Khoa đã nói: “Nếu ta không thể nói to thì hãy là những kẻ thầm thì. Nếu ta không thể là những kẻ thầm thì, hãy để chúng ta trở thành những kẻ lặng câm nhưng mang theo ký ức.”. Người viết, là người để lại dù chỉ là một chút ký ức của chính mình cho dòng đời tiếp chuyển. Nhà văn viết, là để dồn cảm xúc mình vào cùng với ký ức riêng mình, những gì thật lòng nhất với xã hội trước mắt, in vào câu chữ mà “truyền lại cho thế hệ tương lai”. Viết để hiểu, để nhớ, để tồn tại và để hy vọng vào tương lai.
Giữa cuộc đời, tôi vẫn ngồi đây trong căn phòng mình viết những dòng này, nghe ngóng chút tin tức và vài số liệu đang tiến triển. Chẳng biết làm gì hơn ngoài hy vọng thật nhiều và lưu trữ chút ký ức, chút cảm xúc về những gì đã và đang xảy ra.

Không có nhận xét nào: