Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

NBLRR 23 Một ông già người Nhật

Chủ đề 23: Một ông già người Nhật
Con tàu mà chúng tôi đang làm việc trên đó thường ghé cảng Onahama, một cảng ở miền đông Nhật Bản. Trong thời gian tàu cập cảng, thường có một ông già người Nhật lên tàu bán hàng. Những thứ mà ông bán chỉ là các đồ điện tử hiện đại. Như là điện thoại đời mới, máy ảnh kỹ thuật số, máy tính xách tay, máy tính bảng, các đồ tiện ích khác như ổ cứng ngoài, thẻ nhớ, bộ trữ điện mở rộng…
Khi lên tàu ông thường mang một số lượng hàng rất hạn chế. Tuy nhiên, nếu thuyền viên nào có yêu cầu gì thì ông lại lật đật chạy về cửa hàng và mang lên đúng cái mà người ta yêu cầu, cho dù có bán được hay không. Và ông thường rất nhiệt tình tìm kiếm ngay cái thứ mà người ta yêu cầu. Cùng với việc mang hàng lên tàu bán ông cũng luôn mang theo một “modem” phát wi-fi để cho anh em thuyền viên xài miễn phí trong khi ông ngồi trông hàng trên tàu.
Nghề bán hàng không phải lúc nào cũng may mắn. Có lần bán được hàng, có lần chẳng bán được gì. Nhưng ông bao giờ cũng hòa nhã và khi tàu chuẩn bị chạy, ông cũng vui vẻ thu dọn đồ đoàn và cảm ơn chào tạm biệt mọi người. Nhiều lần thấy ông không bán được gì, chúng tôi cũng thấy áy náy vì đã xài wi-fi miễn phí của ông ấy mà không ai mua được cái gì cho ông.
Ông già đó lại là một người rất tốt. Các siêu thị ở Nhật không nhận tiền nước ngoài, nên khi chúng tôi muốn mua đồ ăn tươi như rau cỏ, trái cây thì phải đổi được tiền Nhật. Việc đổi ngoại tệ ở Nhật không hề dễ. Nếu không biết chỗ, sẽ không bao giờ đổi được. Nhiều người cứ nghĩ cứ vào Ngân hàng là đổi được nhưng hóa ra không phải vậy. Tất nhiên sẽ có điểm chuyên đổi tiền ở đâu đó. Khi chúng tôi muốn nhờ ông chỉ cho nơi nào có thể đổi tiền, ông liền đưa chúng tôi đi đến tận nơi mà không đòi hỏi gì cả. Trên đường đi ông còn thường xuyên dặn dò chúng tôi là phải cẩn thận đồ đạc và ví tiền kẻo bị có kẻ giật mất. Điều đó khiến chúng tôi ngạc nhiên và cười thầm “ông này hâm, ở Nhật thì làm gì có cướp giật mà ông lại dặn dò như vậy.”
Có lần chúng tôi thấy ông lái xe hơi xuống cầu cảng để lên tàu. Nhưng dạo gần đây chúng tôi thấy ông lóc cóc đi bộ. Thất thểu, trông thật tội, già rồi mà đi từ nhà ông xuống cảng đâu có gần. Hỏi xe ông đâu, ông nói bị cướp, chúng tôi lại cười thầm “ông chỉ bịa!”
Một lần sau khi bán hàng, ông rời tàu, đang lóc cóc đi bộ trên cảng, chúng tôi đang nhìn theo tạm biệt. Bỗng, từ đâu nhảy ra một kẻ lạ mặt. Hắn chộp lấy cái túi ông đang khoác trên vai, chạy thẳng. Ông già đuổi theo, la lên thất thanh. Nhưng rồi ông nhanh chóng dừng lại đứng thở, tuyệt vọng nhìn theo bóng tên cướp khuất dần. Những giọt nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo. Cảnh tượng cướp giật giữa ban ngày trên đất nước Phù tang làm chúng tôi choáng váng. Trong thâm tâm chúng tôi, nước Nhật luôn là nơi có an ninh ổn nhất thế giới.
Lần tiếp theo, khi tàu trở lại Onahama, ông già tốt bụng lại vui vẻ lên tàu, lại cho chúng tôi xài miễn phí wi-fi, và đương nhiên là bầy hàng ra trên bàn cho chúng tôi chọn. Chúng tôi gợi chuyện rằng lần trước ông bị cướp có mất gì nhiều không. Như chạm phải nỗi đau, ông kể: tên cướp chính là con trai của ông. Nó đã cướp của ông rất nhiều lần. Xe ô-tô, đồ đạc, trong nhà có gì bán được là mất hết với nó. Nhìn vẻ mặt kinh ngạc của chúng tôi, ông giải thích “nó nghiện!”.
À, ra thế! Chúng tôi nói với nhau “con nghiện ở Nhật cũng giống con nghiện ở Việt Nam ta quá!”
Chúng tôi chợt nhớ ra, mỗi lúc đi dạo cùng chúng tôi ngoài phố, ông già tốt bụng luôn bảo chúng tôi phải đề phòng cướp giật, hóa ra ấy chính là đề phòng chính con trai của ông.

Không biết vì lý do gì mà ông phải chịu khổ. Tuy nhiên, người hiền lành tốt tính như ông, nhất định sẽ gặp quả báo lành.

Download PDF một trong 2 link dưới đây:

Không có nhận xét nào: