Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

NBLRR 04 Ai tạo nghiệp người ấy sẽ phải tự trả. Ta không cần phải Sân lên để tự mang nghiệp vào thân. Cố gắng tu hạnh buông xả để tìm về con đường giải thoát

Chủ đề 4: Ai tạo nghiệp người ấy sẽ phải tự trả. Ta không cần phải Sân lên để tự mang nghiệp vào thân. Cố gắng tu hạnh buông xả để tìm về con đường giải thoát
Trong cuộc đời, chúng ta thường gặp rất nhiều cảnh "chướng tai gai mắt". Và phản ứng thông thường của người ta là sẽ nổi giận tỏ vẻ bất bình. Đặc biệt thời buổi này ở xã hội VN, người ta vẫn thường bất mãn và bất bình rất nhiều với các cán bộ đảng viên quan chức tham nhũng vô độ.
Nhưng căn cứ theo luật nhân quả thì ai tạo nghiệp người đó sẽ tự chịu quả báo. Tuy nhiên, rất nhiều thanh niên không đủ kiên trì để đợi quả báo. Mà thực tế là hầu hết chúng ta không nhìn thấy quả báo xảy đến với những vị quan tham kia. Bởi vậy rất nhiều thanh niên tỏ ra nghi ngờ: "Quả báo ư? bao giờ vậy? kiếp sau là khi nào? lâu quá!" Thôi thì đành tùy vào mỗi cá nhân, còn những người tin theo luật nhân quả sẽ cố gắng không nổi sân để tránh mang nghiệp vào thân.
Chuyện đời là vậy, nhưng đôi khi chuyện trong nhà và chuyện quanh mình cũng tương tự xảy ra. Người ta thường rất dễ dàng nổi sân hận vì bất cứ một lý do gì. Con người vì sao rất dễ dàng nổi sân hận? Tự xét lại cuộc đời mình xem có bao nhiêu lần chúng ta đã nổi sân với những người chung quanh vì những lý do cực kỳ "lãng xẹt".
Tấm thân của mỗi người là khí huyết của cha mẹ tụ lại mà thành, là món quà quí giá của cha mẹ ban cho, bởi vậy mỗi người phải tự trân quí tấm thân mình không được làm hại hay hủy hoại nó. Kẻ nào không trân quí tâm thân mình, đối xử tệ bạc với nó sẽ khiến cho cha mẹ đau xót vô cùng, như thế là mang tội bất hiếu, trời không dung đất không tha.
Tuy nhiên, tấm thân mỗi người đều trân quí như vậy nhưng đừng vì sự quí giá ấy mà dẫn đến ích kỷ chấp ngã. Người ta thường có cái "tôi" quá lớn, để rồi luôn luôn chấp cái tôi, chấp cái bản ngã của chính mình. Từ đó cũng chấp luôn cái sở ngã là chấp những cái của mình. Đức Phật dạy rằng: Tấm thân này là giả, chỉ là đất nước gió lửa kết hợp lại mà thành, rồi đến lúc nó sẽ phải tan, nếu cứ chấp ngã hoài thì sẽ không bao giờ giải thoát được. Thân đã là giả thì những gì là sở ngã, những thứ của mình lại càng giả hơn nữa. Để cho chúng sinh dễ hiểu, Đức Phật lấy ví dụ về một người đóng bè để qua sông. Sau khi qua sông, người ta phải bỏ lại cái bè để đi tiếp. Nếu chấp ngã và chấp sở ngã quá mạnh thì phải chăng sẽ cõng chiếc bè lên vai để đi tiếp hay sao. Tấm thân của người ta cũng vậy, là quà tặng được cha mẹ ban cho, nó giống như một cỗ xe chở người ta đi qua hết một kiếp này. Nhưng khi cỗ xe đã rệu rã rời rạc thì phải bỏ lại để mà đi tiếp. Chứ nếu còn chấp ngã thì "lòng luyến ái nặng mang sẽ làm chướng duyên trên con đường tái sanh tịnh độ[1]".
Chính từ tấm lòng ích kỷ, chấp ngã và chấp sở ngã nặng nề, nên chúng sanh thường rất dễ dàng nổi sân với những người xung quanh từ những chuyện nhỏ cho đến chuyện lớn. Ai cũng cho rằng là mình mới đúng, người nào trái ngược với mình đều là sai. Người ta đâu biết rằng: phàm những gì mà do con người "nghĩ ra, sáng tạo ra, phát minh ra" đều là "vô thường, tạm bợ". Thế nhưng rất nhiều người lại cho rằng đó "chân lý" để rồi luôn luôn chấp cái chân lý tạm bợ ấy và mỗi khi có ai đó trái ý thì lại nổi sân lên với người, và mỗi một lần nổi sân, cáu giận thì lại tạo thêm nghiệp chướng nặng nề, để rồi quả báo trước mắt là bạn bè người thân xa lánh, quả báo xa hơn thì không thể lường được. Ví dụ như trong xã hội trước đây có một câu "chân lý" thế này: "Quả phụ tái giá không bằng gái đĩ hoàn lương". Đã có một thời gian dài cả nghìn năm câu nói đó là một thứ "khuôn vàng thước ngọc" kìm kẹp cuộc đời người phụ nữ trong đau khổ cô quạnh, thậm chí đến tận bây giờ còn tồn tại khá nhiều người vẫn còn mang theo những "định kiến" kiểu trung cổ đó. Họ cứ vin cái cớ là "sách thánh hiền" dạy thế để ngụy biện cho tất cả những ý chí cực đoan của họ. Để rồi từ đó tạo ra không ít những xung đột dẫn đến sân hận oán thán giữa người với người, mà cái nguyên nhân gốc của nó thì lại cực kỳ "lãng xẹt".
Đức Phật dạy chúng sanh rằng: mọi chúng sanh đều bình đẳng như nhau, nên mỗi chúng sanh hãy huân tập một tấm lòng từ bi để trải ra yêu thương tất cả vạn loại muôn loài. Nhưng thật đáng buồn là do chấp ngã và chấp sở ngã quá lớn nên chúng sanh thường làm điều ngược lại.
Bên phương Tây, tuy rằng đạo Phật chưa được phổ biến nhưng cũng có một câu chuyện khá hay về sự tu hạnh buông xả:
Có một cậu bé bản tính rất dễ dàng nổi cáu, và mỗi lần nổi cáu cậu thường quát mắng một ai đó. Cha cậu bé nói với cậu rằng: "Con yêu! mỗi lần con nổi cáu, con hãy cố gắng kiềm chế đừng quát tháo. Nếu con nhỡ quát tháo ai đó thì con hãy đóng một chiếc đinh lên hàng rào nhà mình. Để nhắc nhở mình không nên như thế nữa." Cậu bé vâng lời cha và trên hàng rào nhà cậu bắt đầu xuất hiện những chiếc đinh, hôm đầu là 10 cái, một tuần sau mỗi hôm chỉ còn 8 cái, rồi dần dần số đinh đóng lên hàng rào thưa dần. Đến một hôm câu bé nói với cha: "Cha ơi! hôm nay con đã không nổi cáu với ai nữa và không đóng một chiếc đinh nào lên hàng rào." Cha cậu bé âu yếm vuốt mái của cậu và nói: "Con trai! con đã làm rất tốt! Từ hôm nay, nếu có ai đó làm cho con cảm thấy không hài lòng thì con hãy cố gắng kìm nén đừng nổi giận với người. Khi nỗi bực tức qua đi con hãy nhổ một chiếc đinh trên hàng rào xuống." Cậu bé vâng lời cha, cậu cố gắng không nổi giận với mọi người. Lúc đầu việc đó thật là khó, nhưng rồi dần dần cậu cũng làm được, thậm chí cậu còn không hề cảm thấy giận khi có ai đó làm trái ý cậu. Số đinh trên hàng rào được nhổ đi dần. Và đến một hôm cậu đến nói với cha: "Cha ơi! con đã nhổ hết những chiếc đinh trên hàng rào." Cha cậu ôm cậu vào lòng và nói: "Con yêu! Con đã làm rất tốt." Rồi cha cậu dắt cậu đến bên hàng rào, sờ tay vào những dấu vết do những chiếc đinh để lại: "Con yêu! Những chiếc đinh đã được nhổ đi, nhưng những dấu vết này còn hằn sâu mãi trên hàng rào và không thể nào xóa mờ đi được. Cũng tương tự như vậy, mỗi khi ta nổi cáu quát tháo người, mặc dù sau đó ta đã xin lỗi người thì nỗi đau mà ta để lại trong người vẫn là một vết thương lòng không thể xóa nhòa. Bởi vậy con hãy cố gắng đừng bao giờ nổi cáu với ai nhé!"
Câu chuyện trên có phần hơi giống với giáo lý của Đức Phật về việc tu "hạnh buông xả". Tuy nhiên giáo lý của Đức Phật sâu hơn rất nhiều. Câu chuyện trên chỉ dừng lại ở chỗ: Nếu có ai làm mình giận, thì cố gắng kìm nén không nổi cáu với người. Nhưng "hạnh buông xả" mà Đức Phật truyền dạy thì khuyên người ta hãy cố gắng huân tập để đến lúc đạt được tấm lòng vị tha như Đất vậy: Đất là nơi đón nhận tất cả mọi thứ, tốt đẹp có, xấu xa có, cẩu uế có... nhưng Đất không hề có phản ứng, vẫn bình lặng đón nhận tất cả, sâu lắng và bao dung... Người nào huân tập "hạnh buông xả" của Đất lâu ngày thì sẽ không còn xuất hiện nỗi sân hận trong tâm nữa mỗi khi bị người đời xúc phạm. Câu chuyện kể trên mới chỉ dừng lại ở việc tu Thân nghiệp và Khẩu nghiệp. "Hạnh buông xả" mà Đức Phật dạy là đoạn trừ tận gốc cả Ý nghiệp.
Người viết bài này thực chất cũng chỉ là một kẻ phàm phu, tầm thường, thậm chí rất tầm thường, tính tình cục cằn thô lỗ, cũng dễ dàng nổi nóng đôi khi vì những lý do "lãng xẹt". Bởi vì cái bản ngã còn to quá, nên rất dễ dàng cáu giận với người và vì vậy đã gây tổn thương cho người rất nhiều. Bởi vì cái bản ngã to quá nên người viết bài này đã không ít lần nổi nóng và nói những lời thô lỗ khiến cho người tình "kết tóc xe tơ" của mình bị tổn thương rất nhiều. Thế nên cô bồ của người viết đã từng nhắn cho người viết một tin thế này: "yêu lắm! nhưng cũng ghét lắm! nhiều khi rất đáng yêu, nhưng thỉnh thoảng cái tính hâm hâm điên điên nổi lên thì thật đáng ghét vô cùng". Vì sao lại có những lúc "hâm hâm điên điên", đó chính là những lúc con quỉ trong tâm ta nó xui khiến, cổ vũ cái bản ngã của ta trỗi dậy.
Những người theo đạo, học đạo đều hiểu rằng: tu đạo là để làm cho cái bản ngã của mình nhỏ dần xuống, để rồi dần dần khi đạt được đến đỉnh cao "vô ngã" thì cũng là khi đạt được quả Thánh vị để thoát khỏi vô minh luân hồi, hạnh phúc vô biên. Chúng ta những kẻ phàm phu vô minh vì còn chấp ngã quá nhiều nên tội lỗi vẫn tạo gây. Nhưng không phải vì thế mà không cố gắng tu tập. Hãy bắt đầu từ một câu niệm Phật: Nam-mô bổn sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật! Cầu Đức Phật độ trì gia hộ cho con[2] có một tấm lòng khiêm hạ, luôn tự thấy mình nhỏ thôi, chỉ như là cỏ rác cát bụi mà thôi. Để từ đó tự nhắc nhở bản thân không nên nổi nóng cáu giận với người. Để dần dần tích phước, dần dần loại bỏ ác nghiệp, để từng bước tiến dần trên con đường giải thoát. Còn nếu chúng ta cứ mặc kệ cho bản ngã tự do hoành hành thì chúng ta vẫn cứ mãi mãi đắm chìm trong vô minh luân hồi đau khổ.



2014 sửa sai:
[[1]] Trong giáo lý Đại Thừa thì “tịnh độ” là một cõi giới siêu hình, cõi giới này hình thành bởi một lời nguyện của Đức Phật A-Di-Đà. Trong giáo lý Đại Thừa luôn khẳng định Đức Thích Ca đã giới thiệu về Đức A-Di-Đà. Tuy nhiên, thực tế Đức Thích Ca không hề nhắc đến một cõi giới như vậy.
2014 sửa sai:
[[2]] Đức Thích Ca không phải là một vị Thần, Ngài không có khả năng ban phước hay giáng họa cho ai. Ngài là một người Thày dạy cho chúng sanh con đường đi và hướng dẫn những ai muốn đi trên con đường đó. Câu niệm Phật “cầu xin gia hộ độ trì” không nên hiểu là “xin được ban phát”, hãy nên hiểu đó chính là “cầu nơi chúa tể ở chính mình” suy nghĩ và hành động sao cho đúng đạo.

Download PDF một trong 2 link dưới đây:

Không có nhận xét nào: