Chủ đề 7: Chuyên gia tâm lý
Người em trai của người viết trong một lần nói chuyện có cho rằng các thầy
xuất gia là "chuyên gia tâm lý". Người viết tự hỏi: Không hiểu em
trai mình đang tư duy thế nào khi dùng cụm từ "chuyên gia tâm lý".
Tuy nhiên, đứng về góc độ học thuật thì những "chuyên gia tâm lý" chỉ
chuyên nghiên cứu về tâm lý của con người, để từ đó tìm cách tiếp cận đối tượng,
để rồi thuyết phục đối tượng làm theo điều mà các chuyên gia đó tư vấn. Trong
khi các thầy xuất gia (các tu sĩ Phật giáo) lại chuyên học về giáo lý của Phật
Tổ Thích-Ca để lại, để tìm cầu con đường dẫn đến giải thoát giác ngộ. Trong quá
trình tu học tìm cầu giải thoát thì các tu sĩ Phật giáo cũng tự nhận lãnh những
trách nhiệm vô cùng vất vả nằm trong 4 chữ "Học, Hành, Hoằng, Hộ"[1].
Học = Học giáo lý của Phật Tổ truyền lại.
Hành = Thực hành những giáo lý đã học.
Hoằng = Hoằng truyền giáo lý đến mọi chúng sanh.
Hộ = Hộ trì bảo vệ giáo lý.
Một tu sĩ Phật giáo nếu chỉ "học" và "hành" thì vị
tu sĩ đó chỉ là đang "tự giác". Nhưng
lời Đức Phật truyền dạy là mỗi người đệ tử Phật phải huân tập tấm lòng "từ
bi trải ra yêu thương vạn loại muôn loài", do vậy chỉ mới "tự
giác" thôi là chưa đủ mà phải cần có cả "giác tha". Chính vì vậy các tu sĩ Phật giáo còn phải luôn tìm
cách truyền dạy giáo lý và hộ trì giáo lý để càng ngày càng có nhiều chúng sanh
có được duyên lành gặp được giáo lý chân chính sáng ngời của Đức Phật truyền lại.
Một đặc điểm khác cơ bản nữa giữa các "chuyên gia tâm lý" và
các "tu sĩ Phật giáo" đó là mục tiêu của công việc. Tất cả các
tu sĩ Phật giáo khi hoằng truyền giáo lý chỉ có một mục tiêu duy nhất là
nhằm phổ biến con đường mà Đức Phật đã tìm ra hơn 2500 trước, giúp chúng sanh
thoát khỏi đau khổ trong luân hồi, tìm cầu giải thoát. Còn các chuyên gia tâm
lý lại sử dụng sở học của họ vào vô số việc khác nhau, và đương nhiên mục đích
công việc cũng xấu tốt khác nhau.
Người ta nhận thấy rằng càng ngày càng có nhiều người đến với đạo Phật
thông qua các bài giảng của các tu sĩ Phật giáo. Và phải chăng vì thế mà
mọi người cho rằng các vị tu sĩ hẳn là các chuyên gia tâm lý có nghệ thuật tác
động lòng người để thu hút người ta đi theo một cách tự nguyện. Người viết bài
này thực ra cũng hiểu biết nông cạn cả về "chuyên gia tâm lý" lẫn
"tu sĩ Phật giáo" nên có lẽ không dám tiếp tục lạm bàn. Chỉ xin đoán mò một ý là: phải chăng các tu sĩ Phật
giáo đã huân tập tấm lòng từ bi bao la từ lâu nên ở họ luôn toát ra một tình
yêu cao cả, cộng thêm đạo Phật là đạo của Trí tuệ, vì thế mà khi các tu sĩ
vân du đi hoằng truyền giáo lý đã thu hút được sự chú ý rất nhiều của chúng
sanh trên khắp mọi nẻo cuộc đời.
[[1]] Thời Đức Thích Ca còn tại thế, Ngài không bao giờ cho phép một người
chưa đạt đến giác ngộ giải thoát đi hoằng truyền giáo lý. Vì chưa giải thoát là
còn vô minh. Đang còn vô minh thì làm sao biết như thế nào là giác ngộ, làm sao
mà dạy được người khác. Vì vậy “học, hành, hoằng, hộ” là lý thuyết của Đại Thừa.
Đức Thích Ca không cho phép một tu sĩ chưa giác ngộ đi làm việc hoằng pháp.
Download PDF một trong 2 link dưới đây:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét