Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

NBLRR 02 Ba nghiệp: Thân, Khẩu, Ý. Vì chúng sinh vô minh nên Thập ác mới tạo gây

Chủ đề 2: Ba nghiệp: Thân, Khẩu, Ý. Vì chúng sinh vô minh nên Thập ác mới tạo gây
Đức Thế Tôn nói với chúng sinh một cách xót thương thế này: "Vì vô minh nên mới tạo nghiệp". Người ta có ba nghiệp và vì "vô minh nên thập ác mới tạo gây". Ba nghiệp đó là Thân nghiệp, Khẩu nghiệp, Ý nghiệp.
Thân nghiệp có 3 ác: Sát sinh, Trộm cắp, Tà dâm
Khẩu nghiệp có 4 ác: Nói láo, Nói hai lưỡi, Nói ác khẩu, Nói lời đàng điếm vô nghĩa.
Ý nghiệp có 3 ác: Tham lam, Sân hận, Ngu si
Cộng lại là thập ác (mười ác).
Hầu hết mọi người sống trên cõi đời đều cho rằng mình đang sống tốt không có gì phải ân hận, nhưng quả thực người ta rất dễ dàng tạo nghiệp mà lại không hề biết là mình đang tạo nghiệp. Một chúng sanh xuất hiện trên đời cũng là do nghiệp lực. Lớn lên buồn vui, hạnh phúc, đau khổ cũng là bởi nghiệp quả. Già, bệnh, chết cũng là do nghiệp. Trong một kiếp đời, người ta chịu sự chi phối của nghiệp quá khứ, nhưng cũng đồng thời tạo gây ra nghiệp mới để rồi phải chịu quả báo trong tương lai, cứ như vậy vật lộn trong luân hồi đau khổ hoài không dứt.
Trong ba nghiệp: Thân, Khẩu, Ý, thì thân nghiệp là cái dễ dàng nhận ra nhất. Thân nghiệp cũng dễ dàng khống chế hơn cả, bởi vì một số hành vi của thân nghiệp cũng bị chế tài bởi pháp luật do con người tạo ra. Tuy nhiên pháp luật cũng chỉ là một thứ "sơ sài tạm bợ" nên không thể bao trùm được tất cả mọi hành vi của chúng sanh. Do đó những người không biết đạo, không tuyệt đối tin vào "luật nhân quả công bằng" vẫn không cần phải sợ quả báo, nên vẫn thường xuyên tạo nghiệp. Ví dụ như một kẻ làm quan vẫn hả hê nhận tiền hối lộ, nghiệp này là "trộm cắp". Cứ nhận hoặc lấy cái gì dưới hình thức "hối lộ" thì đều là "trộm cắp".
Đối với Đức Phật, mọi chúng sanh đều công bằng như nhau, đều là con Phật. Nhưng con người thì "vô minh" nên có sự phân biệt giữa người và thú, bởi vậy "sát sinh, hại vật" đối với nhiều người là chuyện bình thường. Thậm chí con người còn tự chia ra thứ bậc, tầng lớp, giai cấp trong xã hội loài người, để rồi từ đó cũng vô vàn tội lỗi lại tạo gây. Những người tự cho mình là giai cấp thống trị, tự coi họ là "sự lựa chọn của lịch sử" thì lại có quyền "hiếp đáp" những người dân bình thường khác để vơ vét phần lớn những lợi ích của xã hội về làm của riêng, khiến cho nhân dân rơi vào cảnh đói khổ lầm than.
Tất cả mọi hành vi của Thân nghiệp đều qui được về 3 ác: "Sát sinh", "Trộm cắp", "tà dâm". Vì là thân nghiệp thể hiện ra ngoài bằng hành vi và không ít thì nhiều những hành vi đó đều gây ảnh hưởng đến những người khác, chúng sanh khác. Vì vậy Thân nghiệp rất dễ dàng nhận dạng. Chính vì rất dễ dàng nhận dạng nên Thân nghiệp cũng là thứ dễ tu nhất. Và đây cũng là 3 trong 5 giới của những người Phật tử: Không sát sinh, Không trộm cắp, Không tà dâm.
Khẩu nghiệp được chia ra thành 4 ác:
- Nói láo: Khẩu nghiệp nói láo là "nói sai sự thật khi kết tội người khác, cũng là nói sai sự thật khi khen ngợi người khác". Con người thông minh hơn các loài động vật khác nên vì thế con người có một vài năng lực mà động vật không có được. Một trong các năng lực đó là "Nói". Tuy nhiên cũng vì là "biết nói" nên ác nghiệp từ khả năng chuyên biệt này cũng tạo gây. Một ác nghiệp đầu tiên đó là "nói láo". Dường như việc nói chuyện trung thực là một thứ quá nhàm chán hay sao mà đa số mọi người cứ thích phải "thêm mắm muối" vào câu chuyện cho thêm phần hấp dẫn. Và vì vậy dẫn đến khẩu nghiệp "nói láo" này. Đức Phật dạy rằng: "Nói láo được thực hiện... đưa đến địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ[1]. Quả dị thục hết sức nhẹ của nói láo là được làm người bị vu cáo không đúng sự thực".
- Nói hai lưỡi: Khẩu nghiệp nói hai lưỡi là những kẻ dùng cái lưỡi của mình để chia rẽ hai người, hoặc hai bên với nhau, trước mặt người này thì khen rồi chê người kia, rồi dựng chuyện để hai người oán thù nhau, đến trước mặt người kia lại chê người này. Đức Phật dạy rằng: "Nói hai lưỡi được thực hiện... đưa đến địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ[3]. Quả dị thục hết sức nhẹ của nói hai lưỡi là được làm người với bạn bè bị đổ vỡ".
Đối với những kẻ nói hai lưỡi, đôi khi có quả báo nhãn tiền khi mọi người chung quanh phát hiện ra bản chất của kẻ đó, không ai dám quan hệ với họ nữa, bởi vì họ sợ bị người ta cho rằng mình cũng là hạng nham hiểm gây chia rẽ hận thù.
Cũng bởi vậy nên khi có ai đó đang khen mình thì cũng đừng lấy đó làm hoan hỉ. Thậm chí họ còn tâng bốc mình vượt hơn cả những gì thực tế mình có, hãy cảnh giác, có thể họ đang rắp tâm chia rẽ mình với ai đó. Kẻ gây chia rẽ thì đương nhiên phải mang nghiệp vào thân. Nhưng người tin lời kẻ chia rẽ cũng có thể sẽ gây tạo tội nghiệp. Bởi vậy để đề phòng kẻ gây chia rẽ thì hãy tập tu cách nghĩ "luôn cố gắng nghĩ tốt về người khác". Nếu việc đó khó quá thì hãy "luôn cho rằng: ai gây nên tội nghiệp, người đó tự trả quả báo, mình không cần phải sân hận làm gì để rồi phải mang nghiệp vào thân".
- Nói ác khẩu: Nghĩa là "chửi rủa, nhục mạ quá đáng". Một điều thật ngạc nhiên là khi nóng giận người ta có thể lôi đâu ra những từ ngữ vô cùng tệ hại để nhục mạ nhau một cách thậm tệ. Mặc dù có thể trong thâm tâm người ta không nghĩ rằng đối tượng đang bị chửi không phải là người như vậy. Cái cách chửi rủa nhục mạ thậm tệ này mọi người vẫn gọi là "chửi cho sướng miệng". Nhưng có "sướng" thật không thì chắc không cần phải nghĩ nhiều ai cũng có câu trả lời. Một người chửi người khác phải chăng là muốn xả cơn giận, là muốn cơn giận trong lòng mình nó vơi đi? Nhưng thực tế lại là điều ngược lại: người chửi không những không xả được cơn giận mà nỗi bực tức trong lòng lại càng tăng lên nhiều hơn. Đồng thời lại làm cho một hoặc nhiều người khác phát sinh nỗi căm tức trong lòng.
Đức Phật dạy rằng: "Nói ác khẩu được thực hiện... đưa đến địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ[3]. Quả dị thục hết sức nhẹ của nói ác khẩu là được làm người bị nghe những tiếng không khả ý".
- Nói lời phù phiếm vô nghĩa: Bệnh "chém gió" có lẽ là loại bệnh khá phổ biến trên toàn thế giới trong xã hội loài người. Ba khẩu nghiệp kể trên mang tính chất ảnh hưởng trực tiếp đến người khác nên ai cũng nhận ra đó là "ác nghiệp", còn bệnh "chém gió" nói những thứ phù phiếm vô ích, khoe khoang những cái hay của mình thì tưởng như là không ảnh hưởng đến ai, nhưng thực ra khi suy nghĩ kỹ sẽ nhìn thấu cái ảnh hưởng đó. Ví như có người thích kể chuyện mê tín dị đoan, bịa ra những trường đoạn ly kỳ hấp dẫn rồi nói rằng chính mắt mình trông thấy. Câu chuyện đó tưởng là vô hại nhưng đã vô tình gieo rắc vào lòng người nghe những suy nghĩ sai lầm về tâm linh, thần thánh. Hoặc giả như rất nhiều quảng cáo trên ti-vi hàng ngày cũng là những thứ khoác lác phù phiếm, khiến cho nhiều trẻ em không biết đó là ngụy tạo, bắt chước làm theo để rồi kết quả là những tai nạn đáng tiếc.
Người thích khoe khoang về bản thân cũng là khẩu nghiệp thuộc dạng này. Câu chuyện ngụ ngôn "Rùa và Thỏ" kể rằng: Thỏ khoe: Ta là loài chạy nhanh nhất không ai chạy nhanh bằng. Gà, Chó, Dê... nghe thấy đều gật đầu công nhận. Rùa đang lồm cồm bò ngang qua, nhưng không tham gia vào câu chuyện. Thỏ thấy lòng kiêu hãnh bị tổn thương liền lôi Rùa lại thách đố. Rùa đành chấp nhận. Vào cuộc, Rùa gắng sức chạy về đích. Thỏ thì kiêu căng cho rằng mình chỉ loáng một cái là tới nơi, nên nằm kềnh ra bãi cỏ ngắm hoa chơi. Khi ngẩng lên thấy Rùa đã về gần đến đích. Thỏ vội vàng co cẳng lao đi. Nhưng Rùa đã về đích trước. Đó chính là quả báo nhãn tiền cho những kẻ thích khoe mình hay. Khoe khoang khiến mình mất phước là như vậy.
Đức Phật dạy rằng: "Nói lời phù phiếm... quả dị thục là được làm người bị nghe những lời khó chấp nhận".
Ý nghiệp được chia ra thành 3 ác: Tham lam, Sân hận, Ngu si. Trong thực tế các loại Thân nghiệp và Khẩu nghiệp đều có chung gốc là từ ý nghiệp. Kẻ phàm phu, không hiểu đạo, không tin nhân quả, không sợ nghiệp báo thì thường dễ dàng thực hiện hành vi thân nghiệp và khẩu nghiệp khi được ý nghiệp hối thúc động viên. Còn những người hiểu đạo, hiền trí, tuy chưa thoát khỏi vô minh, chưa tu tâm đạt được đến các tầng bậc cao, nhưng kính tin Đức Phật, tin vào sự công bằng của luật nhân quả thì thường tự khống chế được hành vi bản thân để tránh được Thân nghiệp và Khẩu nghiệp. Đối với các bậc chân tu, đã học và thấu hiểu giáo lý của Đức Thế Tôn từ lâu, lại có nhiều năm tu tập thiền định, tâm đã đạt được những mức độ thanh tịnh nhất định nào đó, thì ngay cả Ý nghiệp cũng đã được đoạn trừ. Trong tâm của các bậc chân tu không còn nảy ra một ý niệm tham lam, sân hận nào nữa. Tâm của các thầy chỉ chất chứa một lòng từ bi bao la rộng lớn, trải tới tất thảy chúng sinh trong mọi cõi giới.
Đối với tất cả mọi Phật tử bao gồm các vị tu sĩ xuất gia, cũng như những cư sĩ tại gia thì việc huân tập để đoạn trừ Thân nghiệp là dễ nhất, bởi nó được thể hiện bằng hành vi nên dễ dàng nhận dạng nhất. Khó hơn một chút là Khẩu nghiệp, bởi lời nói phát ra nhanh hơn hành động. Những người tự mình tu đạo thường sẽ niệm Phật sám hối ngay sau khi phát ra lời nói tội lỗi. "Nam-mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, con xin sám hối, tội diệt phước sanh". Đây là một lời tự thú, một lời xin lỗi với chính bản thân mình. Không phải là một lời cầu xin sự tha thứ của Đấng Thế Tôn. Những người đã tu lâu năm, nếu huân tập kỹ càng, ngày nào, giờ phút nào cũng luôn tự nhắc nhở mình thì thậm chí có thể chặn đứng được Khẩu nghiệp trước khi nó phát ra thành lời.
Ý nghiệp là cái khiến người tu đạo vất vả nhất. Bởi vì nó diễn ra một cách tự nhiên và vô thức trong tâm của mỗi người. Người ngoài không thể nhìn thấy để có thể nhắc nhở giúp mình. Những người đã học đạo lâu năm ngày nào, giờ nào cũng thường luôn tự nhắc nhở mình "khiêm hạ, chỉ như là cỏ rác cát bụi mà thôi", nhưng vẫn khó mà khống chế được Ý nghiệp. Họ thường chỉ phát hiện ra Ý nghiệp sau khi nó đã xuất hiện ở trong tâm. Lúc đó rất cần thiết phải niệm Phật sám hối để xóa bỏ cái Ý nghiệp mới phát sinh đó. Niệm Phật sám hối chính là “sự cầu” cái chúa tể bên trong mình đừng phát sanh tâm ý sằng bậy.
Để có thể dần dần loại trừ Ý nghiệp làm cho tâm thanh tịnh phẳng lặng, nhất định phải tập tu thiền định. Và tu thiền định như thế nào thì người viết bài này chưa đủ kiến thức cũng như trải nghiệm thực tế để có thể trình bầy ra ở đây. Thông thường chỉ có các bậc chân tu đã đạt được nhiều thành tựu trong thiền định mới có đầy đủ khả năng giải thích về điều này.
Đọc sách "Năm Ấm là gì" do thầy Chân Quang viết, hoặc những quyển sách tương tự, người ta có thể hiểu được việc tu thiền định vất vả đến thế nào, và từ đó cũng có thể hiểu một cách khoa học rằng: vì sao tu thiền định là con đường đạt đến Thánh quả. Tất nhiên việc có đạt được Thánh quả trong một kiếp, hay nhiều kiếp còn phụ thuộc vào nhân quả phước báo theo đúng như luật nhân quả mà Đức Phật đã truyền dạy[2].
Là những người bình thường, chúng ta hay nói "ở hiền thì gặp lành" vậy hà cớ gì lại không tin luật nhân quả công bằng. Và nếu đã tin luật nhân quả công bằng thì hãy bắt đầu ngay việc tu phước, nhất định không làm 3 Thân nghiệp, cố gắng khống chế 4 khẩu nghiệp, và tự mình sám hối mỗi khi phát sinh 3 Ý nghiệp. Nếu ai đó có đủ phước[3] hãy cố gắng tập tu thiền định thì thật là hạnh phúc vô biên.




2014 sửa sai:
[[1]] “địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ...” là những cõi giới siêu hình xuất hiện trong giáo lý của Đại Thừa, rất nhiều sách gán cái đó là của Phật Ngôn. Nhưng thực tế Đức Thích Ca không nói tới những thứ đó như một thực thể hiện hữu. Kinh Đại Thừa đều viết sau khi Đức Thích Ca qua đời, nhưng hầu như tất cả các bài kinh đều viết “Phật nói”, “Phật dạy”...
2014 sửa sai:
[[2]] Giáo lý Đại Thừa thường nói việc tu phải trải qua nhiều nhiều kiếp mới đạt được Thánh quả. Đức Thích Ca không nói đến chuyện này, ngài chỉ dạy con đường để đạt được Tự do tuyệt đối là con đường Trung đạo
[[3]]  Đức Thích Ca khuyến khích mọi người đều có thể tu thiền định chứ không chỉ riêng những người “đủ phước”


Download PDF một trong 2 link dưới đây:

Không có nhận xét nào: