Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

NBLRR 11 Phước chủ (Đức trị), Dân chủ (Pháp trị), Cộng hòa (Nhân trị), và Kỹ trị

Chủ đề 11: Phước chủ (Đức trị), Dân chủ (Pháp trị), Cộng hòa (Nhân trị), và Kỹ trị
Một thể chế của một quốc gia hay một thể chế của một công ty như thế nào là bền vững? Theo cách nói của phe XHCN trên thế giới, trước đây vài chục năm người ta thường nói tới 2 phe: Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa. Ngày nay chúng ta thường thấy người ta hay nói đến "dân chủ" và "phi dân chủ". Những chuyện liên quan đến "dân chủ" có thể nói ngang, nói dọc suốt cả ngày mà không hết. Bởi vậy người viết sẽ không bàn nhiều về nó ở đây.
Nói về nền chính trị của một quốc gia mà chỉ gói gọn trong một bài viết ngắn phải chăng là quá hồ đồ, bởi vậy người viết cũng chỉ dám thảo luận về những vấn đề của một công ty thật nhỏ và cũng chỉ là những vấn đề về yếu tố con người mà thôi.
Như thế nào là Phước chủ (Đức trị): Nghe có vẻ hơi kỳ cục khi nói chuyện về doanh nghiệp lại đi bàn về phước và đức? Nhưng nếu không bàn về "phước đức, nghiệp báo" thì có lẽ sẽ rất khó để giải thích tại sao một câu hỏi rằng: Có rất nhiều người có cùng trình độ như nhau, có cùng mối quan hệ như nhau, đại khái là nền tảng cơ bản tương đương hoặc gần tương đương, mở ra doanh nghiệp kinh doanh cùng một đối tượng. Nhưng chỉ có một vài người làm ăn phát đạt còn lại hơn 99% là "tưng bừng khai trương, âm thầm đóng cửa". Người không biết hoặc không tin "Nhân Quả phước báo" thì cho rằng đó là do "số mệnh, may mắn, không may mắn", hoặc gọi là "quí nhân phù trợ". Người tin "Nhân Quả", mặc dù không nhìn thấy con đường đi của luật Nhân Quả, vẫn luôn khẳng định rằng những người thành công "ăn nên làm ra" đó nhất định là trong quá khứ của kiếp này, kiếp trước hoặc nhiều kiếp trước đã gây tạo phước lành nên kiếp này nhận được quả báo tài lộc. Vì vậy họ thường cho rằng những người đứng đầu một doanh nghiệp nên có những suy nghĩ, lời nói và hành động tránh gây tổn phước. Bởi vì mỗi một lần làm gì đó bừa bãi, lãng phí, tạo nghiệp là một lần gây tổn phước. Và như thế phước lành dù có sâu dày đến mấy cũng sẽ mất dần, mỏng dần. Khi phước mỏng dần thì những chuyện bất như ý, những chuyện không may bắt đầu xuất hiện. Bởi vậy người đứng đầu doanh nghiệp được khuyên là hãy tự mình tu thân để giữ phước. Nên tránh những việc sát sanh hại vật, hưởng thụ bản thân một cách xa xỉ như cờ bạc, rượu trà, trai gái, hoang phí, phá gia chi tử, sĩ diện không cần thiết. Cũng nên tránh những việc tranh giành hại người thất đức, mất nhân tâm. Nếu như người đứng đầu có thể giữ được mình "thân tâm an lạc" và khuyến khích tất cả mọi người trong doanh nghiệp của mình từ bỏ sự hưởng thụ lãng phí mà làm nhiều việc phước đức thì phước của cả doanh nghiệp sẽ ngày càng thăng tiến. Những việc may mắn sẽ tự dưng đến, những sự không may sẽ tự động tránh xa. Một doanh nghiệp như vậy được gọi là đi theo con đường PHƯỚC CHỦ (ĐỨC TRỊ).
Dân chủ (Pháp trị): Chà, nói đến chuyện này mà người viết thấy run run. Ở VN, hai tiếng "dân chủ" là cái gì đó như kiểu là "kị húy", đám dân đen cấm được mở mồm nói, đây chỉ là đặc quyền của "giai cấp thống trị" mà thôi. Khỉ thật! một cái thứ vốn đã được nêu ra trong bản hiến pháp của Mỹ, rồi được chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại trong bản tuyên ngôn độc lập tại Ba Đình năm 1945, "dân chủ" là một quyền mà con người được "tạo hóa như vậy" thế mà bây giờ nó lại là một thứ "xa xỉ" mới lạ? Nhưng thôi, chuyện "quốc gia đại sự" mà nói dai thì bài viết này lại đi lệch hướng. Bài viết này nên quay lại vấn đề của một doanh nghiệp mà thôi. Người viết có một thời gian tìm hiểu chưa được kỹ lắm về hệ thống các công ty ở Nhật Bản, tuy nhiên cũng nhận thấy được một vài điều. Có thể không phải 100%, nhưng đa số các công ty hàng đầu, các hãng lớn ở Nhật đều có một mặt bằng "pháp chế" chung gần như tuyệt đối "công bằng". Ở đó không sử dụng người hay thưởng phạt theo kiểu cảm tính "duy thân" hay "duy quí". Các thế hệ đàn em phải là đàn em, các trưởng bối phải xứng đáng trưởng bối. Họ rất không thích kiểu "lãnh đạo thì trẻ con mà người già lại làm nhân viên". Khi một vị giám đốc về hưu thì các phó giám đốc sàn sàn tuổi nhau sẽ thi về chuyên môn để lựa ra một người làm giám đốc, tương tự như vậy các trưởng phòng sàn sàn tuổi nhau cũng sẽ thi chuyên môn để lựa người bổ khuyết vị trí phó giám đốc... cứ như thế từ trên xuống dưới, người lãnh đạo bao giờ cũng nhiều tuổi hơn nhân viên trực tiếp của mình. Và vì phải thi thật nên các vị lãnh đạo phải không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn. Hệ thống như vậy có lẽ sẽ bị chê là "máy móc, già cỗi, không khuyến khích trọng dụng thiên tài". Tuy nhiên, trước khi chê họ thì hãy nhìn xem họ là nền kinh tế thứ nhì thế giới đấy. Ở VN chúng ta, các doanh nghiệp lớn bé, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, nhất là các cơ quan “hành là chính” sử dụng người, thưởng phạt ra sao thì không cần phải nói vì ai mà chẳng nhìn thấu mọi chuyện từ lâu rồi. Chính vì không có một "pháp chế" "công bằng" "rõ ràng" "ngay từ đầu", nên tất cả mọi chuyện đều bị con chuột tham nhũng cắn nát cả, và rồi chuyện “kẻ biết xu nịnh thì thăng quan”, “mua ghế, đấu thầu ghế”, kẻ làm quan thì “tư duy nhiệm kỳ”, "một người làm quan cả họ được nhờ" cái đó gọi là "duy thân, duy quí, duy tiền". Vì vậy ở nhiều nơi trẻ con lại nắm đầu lãnh đạo, người ta thắc mắc thì viện lý do “trọng dụng nhân tài”. Lại ở nơi khác kẻ dốt nát thì làm quan dài dài viện lý do là “vẫn tín nhiệm thì vẫn làm”. Để rồi "cả nể cho nên hóa lỡ làng" chuyện tự mình làm tự mình chịu, chẳng kêu ai được. Thế nên, đạo đức thì suy đồi. Tài nguyên thì cạn kiệt. Môi trường thì ô nhiễm. Nguyên khí thì chảy máu. Bao nhiêu thuế má bị tham nhũng vơ vét cướp sạch cả. Từ trên xuông dưới toàn là kẻ phá hoại. Đẩy nhân dân vào đói khổ lầm than. Chỉ một ví dụ nhỏ cũng cho thấy cái tâm và cái tầm của đám lãnh đạo. Khi mà ở một nơi nào đó “cha phải đu dây đưa con qua sông đi học”, một nơi khác “trẻ con phải hàng ngày bơi qua suối đi học”, nơi khác trẻ chui túi ni-lông để qua suối đi học… ở những nơi như vậy chỉ cần một cây cầu vài tỉ đồng thôi chắc phải chờ “giấc mơ năm 3000”, thì khi đó mấy ông bộ trưởng lại “làm mình làm mẩy” đòi thông qua những dự án “đường tàu cao tốc” ngốn hết phân nửa tổng thu nhập quốc dân.
Cộng hòa (Nhân trị): Đức Phật dạy rằng: "Tất thảy mọi chúng sanh đều công bằng như nhau, không ai khác ai cả". Ta có thể hiểu rằng: không phân biệt trẻ già, giai gái, chẳng phân biệt sang hèn giàu ngèo, không phân chia là người hay thú, mỗi chúng sanh đều công bằng với nhau. Điều này nói thật dễ nhưng để thực hiện quả thật rất khó. Khó vì sao? Bởi vì chúng ta vô minh, chúng ta chỉ nhìn thấy ngày hôm nay, lúc này mà thôi, do đó tự trong mỗi chúng ta sẽ phát sinh ra ý niệm phân biệt. Chỉ có các bậc Thánh vô ngã, vượt ra khỏi vô minh luân hồi mới nhìn thấu được vô lượng kiếp quá khứ, hiểu được vô lượng kiếp vị lai của mỗi chúng sanh nên mới thấy được cái công bằng giữa các chúng sanh với nhau. Vì vậy các vị Thánh đã khuyên người ta rằng hãy sống hòa thuận giữa cộng đồng. Mọi người trong cùng một công ty nên hòa thuận với nhau, đối xử với nhau ôn hòa, mang lại niềm vui tiếng cười, trên dưới đồng lòng thì thuyền mới có thể ra khơi vượt qua đại dương sóng gió của thương trường nghiệt ngã. Khi có chuyện khó khăn, tất cả cùng "chung lưng" tạo ra sức mạnh tổng lực cùng nhau vượt khó. Một công ty nếu tạo ra được sự đoàn kết thuận hòa này cũng sẽ trở thành một doanh nghiệp mạnh.
Kỹ trị: Kiến thức và trình độ là thứ không thể thiếu ở bất cứ doanh nghiệp nào. Đến như làm ruộng không thôi mà các cụ ngày xưa còn phải đúc kết "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Bởi vậy mỗi một doanh nghiệp trước tiên phải xây dựng được một "trình độ chuyên nghiệp" trong ý thức của mỗi một cán bộ nhân viên, công nhân viên. Bất cứ ai tự dễ dãi với bản thân, à uôm, "làm chăng hay chớ" thì trước tiên là tự hại chính mình rồi tiếp đến là hại những người xung quanh, và hại luôn doanh nghiệp nơi mình đang công tác. Các doanh nghiệp của Nhật Bản là những doanh nghiệp thành công nhất trong việc xây dựng một "trình độ chuyên nghiệp" cao trong hệ thống công ty của họ. Bên cạnh "trình độ ý thức chuyên nghiệp", đó là kiến thức và năng lực chuyên môn của từng cá nhân trong doanh nghiệp. Người ta sinh ra không ai tự dưng mà có kiến thức. Mọi người đều phải học và tự học, do đó những người nhiều tuổi theo lý thường thì phải có nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào tinh thần tự học và tinh thần chịu khó học hỏi của mỗi cá nhân. Nói tóm lại muốn vượt biển lớn thì không thể chèo mủng mà ra khơi. Do đó những doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài cần phải trau dồi kiến thức thường xuyên cho cán bộ nhân viên, công nhân của mình. Và mỗi một cá nhân muốn tiếp tục tồn tại và phát triển trong doanh nghiệp nơi mình đang công tác thì cũng phải tự nâng cao trình độ của mình. Việc học không bao giờ là đủ. Ở VN có một quan điểm khá phổ biến và kỳ lạ là người ta rất nhiều người coi học vị là cái thứ để đánh giá trình độ học vấn. Ví dụ như học vị tiến sĩ là to nhất rồi, học đến khi có bằng tiến sĩ là đủ, lúc đó kiếm một cái ghế để từ đó kiếm tiền. Trong khi đó ở những quốc gia phát triển học vị mới chỉ là bắt đầu. Ở VN, những người nào có học vị tiến sĩ thì tỏ vẻ là oai lắm, có thể tự mình kiêu mạn với đời mà không cần phải khiêm nhường. Người Nhật Bản từ trong trứng nước đã được dạy là phải luôn “cúi đầu” trước người khác. Bởi vậy chúng ta thường thấy cảnh những người Nhật chào nhau hoặc chào khách quốc tế cứ gập hết cả người xuống. Họ không chỉ gập người như thế một lần mà họ cứ làm đi làm lại liên tục cho dù chỉ là để cảm ơn cho một sự giúp đỡ rất nhỏ. Vậy tại sao người Nhật Bản lại cứ “cúi đầu” như vậy? Phải chăng họ không có “tự trọng”, họ thấy mình thực sự “nhỏ bé và hèn mọn” trước người khác? Câu trả lời là KHÔNG. Họ được dạy là phải cúi đầu để thể hiện sự “trọng thị” và “mong muốn được học hỏi” bởi vì họ được dạy là kiến thức thì vô biên và bất cứ ai cũng có thể là thày của ta. Một đất nước có dân số tương đương như ở VN. Nhưng mỗi người dân là một người hiếu học. Điều đó giải thích vì sao họ là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về kinh tế và là đất nước đạo đức nhất toàn cầu.
Bốn yếu tố "Phước chủ", "Dân chủ", "Cộng hòa" và "Kỹ trị" được xem là công thức bền vững cho một quốc gia, một doanh nghiệp cũng như là một gia đình. Cả bốn yếu tố đều rất cần thiết và không nên xem nhẹ bất cứ yếu tố nào. Các yếu tố đó lại tương trợ bổ khuyết lẫn nhau chứ không đơn độc đối lập. Một quốc gia nếu có đủ cả 4 yếu tố đó thì chẳng sợ gì kẻ thù ngoại bang xâm lăng. Một doanh nghiệp nếu có được cả 4 yếu tố đó nhất định sẽ phát triển vững mạnh. Một gia đình nếu có được cả 4 yếu tố đó thì hạnh phúc vô biên “phước đức đủ đầy thân tâm an lạc”. Có bao giờ có ai tự hỏi: Tại sao đất nước mình càng ngày càng mạt? Tại sao thế giới này càng ngày càng lắm thiên tai bệnh hoạn?

Người viết bài này không biết làm chính trị, cũng chẳng biết làm doanh nghiệp, chỉ là một người tầm thường có một ước mơ đơn giản là mong muốn có một gia đình thuận hòa trên dưới vui vẻ đầm ấm hạnh phúc.

Download PDF một trong 2 link dưới đây:

Không có nhận xét nào: