Chủ đề 9: Cầu nguyện điều gì
khi đến chùa
Từ trước đến nay khi đi chùa đa số mọi người đều cầu nguyện: Tài lộc,
danh vọng, địa vị, công danh, sự nghiệp, sức khỏe, bình an... có nghĩa là mọi
người đều cầu nguyện để được hưởng phước. Thế nhưng các thầy tu sĩ Phật giáo lại
khuyên Phật tử không nên cầu xin những cái đó.
Tại sao vậy?
Thứ nhất, tất cả những cái liệt kê ở trên đều xuất phát từ cái tâm tham.
Vì tham của nên mới xin tài lộc, vì tham danh nên mới xin địa vị, vì tham ái dục
nên mới xin sức khỏe... Giả sử nếu cầu xin mà không được thì lại mất lòng tin
vào đạo, lại sanh lòng sân hận. Giả sử có phước báo, nên cầu xin mà được thì
cái tâm tham không xẹp xuống mà lại càng phình to thêm. Do đó việc cầu xin những
thứ đó dù có được hay không đều khiến cho cái tâm của ta đi ngược với con đường
giác ngộ, càng ngày càng đi vào con đường vô minh u tối.
Thứ nhì, tất cả mọi điều cầu xin liệt kê ở trên đều làm tổn phước. Bởi
vì ta cầu xin được hưởng phước, mà cái phước không phải ai ban cho ta, mà nó
chính là nghiệp thiện do bản thân ta tạo gây trong quá khứ. Phước nghiệp đó được
hình dung như là một khoản tiền tiết kiệm ta gởi trong ngân hàng. Khoản tiền
này nhẽ ra được dùng khi có việc thực sự cần thiết, chẳng hạn như "tậu
trâu, lấy vợ, làm nhà"... Thế nhưng ta lại cứ ngày nào cũng lấy ra một
chút để tiêu xài phung phí. Thì rõ ràng khoản tiền đó sẽ mỗi ngày một nhỏ dần
đi. Tương tự như vậy, nếu ta cứ cầu xin tài lộc danh vọng, sức khỏe, bình an...
hoài thì phước của ta càng ngày càng mất.
Người xưa có câu "không có việc
thì không đến Tam bảo". Khá nhiều người hiểu rằng: cứ khi nào có việc
gì cầu cạnh ai thì mới đến gặp người đó. Có lẽ câu nói đó được dùng vào tình huống
như vậy. Tuy nhiên trong câu nói đó có từ "Tam bảo" dường như có nguồn
gốc đạo Phật. "Tam bảo" là ba ngôi báu: Phật, Pháp (giáo lý của Phật)
và Tăng (các vị tu sĩ xuất gia). Vậy nếu áp dụng cho những người Phật tử, thì
câu nói đó có ý là "không có chuyện gì thì đừng đến chùa"? Thế nhưng
Phật tử thì lại rất chăm đến chùa, dù có chuyện hay vô sự. Bởi vậy câu nói
"không có việc gì thì không đến Tam bảo" nên hiểu là: Nếu không có
chuyện khó giải quyết thì đừng cầu xin được hưởng phước.
Vậy đi chùa, quì trước tượng Phật mà không cầu xin được hưởng phước thì ta
khấn Phật điều gì?
Dưới đây là một số câu khấn Phật mà nhiều Phật tử thường khấn. Những câu
này cũng dễ hiểu và dễ nhớ, chỉ đọc vài lần là có thể ghi được vào trong tâm. Đó
là những câu cầu xin Đức Phật gia hộ[1],
nhưng cũng là những điều tâm niệm nhắc nhở bản thân mình tu tập hàng ngày:
1. Nam
mô bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật! cầu Đức Phật độ trì gia hộ[23]
cho con có một tấm lòng tôn kính chư Phật, chư Bồ tát, chư Tổ, chư hiền Thánh
Tăng vô lượng vô biên
2. Nam mô bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật! cầu Đức Phật độ trì gia hộ[23]
cho con có một tấm lòng từ bi trải ra yêu thương vạn loại muôn loài, tất thảy mọi
chúng sanh trong mọi cõi giới hữu hình cũng như siêu hình, cho con yêu thương cả
những chúng sanh đang bị đọa địa ngục, ngã quỷ, cho con yêu thương cả chim thú
trên rừng, cá bơi dưới nước, cho con yêu thương cả những chúng sanh ghét con,
oán thù con
3. Nam
mô bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật! cầu Đức Phật độ trì gia hộ[23]
cho con có một tấm lòng khiêm hạ, luôn tự thấy mình nhỏ thôi, chỉ như là cỏ rác
cát bụi mà thôi
Ngoài ba điều chủ yếu trên, Phật tử còn có một số những câu khấn như
sau:
4. Nam mô bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật! cầu Đức Phật độ trì gia hộ[23]
cho tất thảy mọi chúng sanh trong mọi cõi giới hữu hình cũng như siêu hình có
duyên lành được gặp Phật pháp, nương theo Phật pháp để tu tập, để làm điều thiện,
làm điều lành, làm điều phước, tránh xa những điều xấu điều ác, để tinh tấn tu
hành trọn thành Phật đạo
5. Nam mô bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật! cầu Đức Phật độ trì gia hộ[23]
cho con diệt bỏ được những thói xấu trong tâm con như Tham lam, Sân hận, Ngu
si, nóng nảy, cáu kỉnh dễ gây tổn thương đến người khác
6. Nam
mô bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật! cầu Đức Phật độ trì gia hộ[23]
cho con luôn luôn tự nhắc nhở bản thân mình: phàm là làm việc gì cũng phải nghĩ
thật kỹ tới hậu quả của nó
7. Nam
mô bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật! con xin sám hối, vô lượng kiếp luân hồi, đau khổ
đã nhiều rồi, tội lỗi càng chất chồng, nay thành tâm sám hối, xin tội diệt
phước sanh[23]
Những câu khấn Phật ở trên không chỉ đến chùa mới khấn. Bởi vì Phật có ở
mọi nơi, "Tâm xuất thì Phật biết", do đó người Phật tử có thể thành tâm niệm Phật bất cứ lúc nào. Và
đó cũng là một cách để nhắc nhở bản thân mình sống tốt hơn, sống có trách nhiệm
hơn. Khấn Phật là để tự nhắc bản thân mình chứ đừng cầu xin được hưởng phước.
Người mê tín thì đến chùa quì dưới tượng Phật đảnh lễ và cầu xin được
ban phước. Người chánh tín thì đến chùa quì dưới tượng Phật đảnh lễ để tỏ lòng
kính ngưỡng đến Đức Bản Sư mà bức tượng đó đại diện. Hành vi quì sát đất để đảnh
lễ là giống nhau, nhưng “mê tín” hay “hiền trí” là ở tại tâm của mỗi người.
[[1]] Đức Thích Ca không phải là một vị Thần, Ngài không có khả năng ban phước
hay giáng họa cho ai. Ngài là một người Thày dạy cho chúng sanh con đường đi và
hướng dẫn những ai muốn đi trên con đường đó. Câu niệm Phật “cầu xin gia hộ độ
trì” không nên hiểu là “xin được ban phát”, hãy nên hiểu đó chính là “cầu nơi
chúa tể ở chính mình” suy nghĩ và hành động sao cho đúng đạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét