Chủ đề 8: Nên bắt đầu
"tu" từ độ tuổi nào
Nhiều người cho rằng việc "tu hành của các cư sĩ tại gia" chỉ
là việc của các ông già bà cả đã về hưu, rảnh việc mới có thời gian để tu. Thế
nhưng căn cứ theo cách nhìn của Phật giáo thì hầu hết mọi người đều không biết
rằng mình đang sống lãng phí một kiếp người. Điều này cũng dễ hiểu, bởi chúng
ta vô minh, chúng ta không nhìn được luân hồi nghiệp báo, chúng ta không nhớ được
vô lượng kiếp quá khứ, không hiểu được kiếp vị lai, và vì vậy hầu hết chúng ta
chỉ sống cho thoải mái một kiếp này. Để rồi khi nhắm mắt xuôi tay là kết thúc tất
cả.
Quả thật để thuyết phục người ta tin chuyện luân hồi chuyển kiếp, nhân
quả công bằng thì thật là vô cùng khó. Bởi vì khoa học của con người không chứng
minh được những chuyện đó. Ấy thế nhưng nhà khoa học vật lý hàng đầu của thế kỷ
20 là Albert Einstein lại phát biểu rằng: Khi khoa học vật lý phát triển tới đỉnh
điểm thì sẽ tiệm cận với những gì mà Đức Phật đã tìm được từ hơn 2500 năm trước.
Tuy nhiên, khoa học của con người bây giờ vẫn còn rất khó để có thể chứng
minh được sự tồn tại của "thân trung ấm"[1] (linh
hồn), thì nói gì đến chuyện chứng minh những vấn đề khác. Bởi thế, rất nhiều
người cho rằng chuyện nhân quả nghiệp báo, luân hồi chuyển kiếp là chuyện hoang
đường, không đáng tin, và vì vậy việc phải vất vả tu hành là việc không cần thiết.
Nếu cứ nghĩ như thế thì mỗi người đâu cần phải sao cho đạo đức. Cứ thoải mái hưởng
thụ, thỏa mãn ích kỷ cá nhân, mặc kệ cuộc đời muốn đi đến đâu thì đến.
Thế nhưng có một điều rõ ràng mà Đức Phật đã thấy rất rõ đó là luật nhân
quả công bằng bao trùm cả vũ trụ đến tất cả mọi loại muôn loài. Luật nhân quả
công bằng chi phối tất cả mọi loài và nằm ngoài ý muốn của bất cứ một thế lực
hay một quyền năng nào khác. Ai tin cũng được, ai không tin cũng được, luật
nhân quả công bằng vẫn cứ vận hành theo đúng nguyên tắc nguyên thủy của nó. Người
đời có tin hay không thì nó vẫn cứ tồn tại. Giống như người mù thì không nhìn
thấy vầng thái dương, nhưng không phải vì người mù không thấy mà vầng thái
dương không tồn tại. Ngược lại, cho dù người mù có thấy hay không, có tin hay
không thì vầng thái dương vẫn tồn tại và chiếu sáng khắp nơi.
Một điều thứ hai người ta vẫn lầm hiểu rằng: Tu là khổ hạnh, là bị bắt
buộc phải ép mình khổ để tu hành. Tuy nhiên, nếu thực sự tu là khổ hạnh thì có
lẽ dần dần sẽ không còn người tu nữa. Người ta không hiểu một điều rằng các vị
tu sĩ Phật giáo thực sự đạt được hạnh phúc vô biên trên con đường mà các thầy
đã chọn. Nhưng người đời đứng ngoài nhìn vào không thể hiểu được nên cứ nghĩ rằng
"tu là khổ".
Người ta đâu có hiểu rằng: có hai loại niềm vui khác hẳn nhau. Loại niềm
vui của hưởng thụ ô trọc để thỏa mãn những đòi hỏi của ham muốn đời thường. Loại
niềm vui này thường cụt lủn và kéo theo sự tạo nghiệp. Ví dụ như là một kẻ
thích ăn nhậu, cứ có chút tiền là đi nhậu, nhậu bất biết trời đất ra sao, và kẻ
đó cho rằng chỉ có như vậy là vui. Thế nhưng, ngay sau khi cuộc nhậu kết thúc
thì niềm vui cũng tắt ngúm. Và cái nghiệp tạo ra thì vô vàn, như là nghiệp sát
sanh, nghiệp lãng phí, nghiệp vọng ngữ vì ai nhậu nhẹt mà chẳng lời ra tiếng
vào. Loại niềm vui này không thể so sánh được với niềm vui của trí tuệ, của từ
bi, của tình yêu nhân loại. Những người hiền trí sẽ tìm niềm vui nơi đọc sách,
làm tình nguyện, làm từ thiện, làm những việc mang lại lợi ích cho đông đảo mọi
người. Ví dụ như chuyện hai cậu sinh viên nghèo đã cứu một cô gái bị tai nạn
giao thông nằm bất tỉnh trên đường đưa vào bệnh viện cấp cứu khi người đời vẫn
hờ hững ngược xuôi đi qua. Người lắm tiền mà nghèo trí, nghèo tấm lòng thì chỉ
ham hưởng thụ bản thân, ban đầu thì có chút vui nhưng dần dần sẽ khổ vì nghiệp
chướng tạo gây nhất định phải có lúc trả. Người ít tiền mà giàu tấm lòng thì
tìm niềm vui trong sự cống hiến, lúc đầu tuy vất vả nhưng sẽ có được niềm vui
kéo dài mãi, và dần dần cuộc sống sẽ dễ chịu thêm bởi phước nghiệp tạo gây quả
lành nhất định báo. Người vừa có tiền lại vừa có tấm lòng thì thật là càng ngày
càng hạnh phúc. Người đã nghèo tiền mà lại ích kỷ thì suốt kiếp khổ lại càng khổ
thêm.
Có một triết gia đã đúc kết một câu thế này: Sống ở trên đời tham cái gì cũng dẫn đến họa diệt thân. Chỉ có hai thứ
càng tham nhiều thì càng tốt: Kiến thức và Lòng tốt.
Trở lại với đạo Phật, Đức Phật dạy rằng: Có được thân người là một điều
rất khó. Giống như một con rùa mù ở dưới đáy sông. 100 năm mới nổi lên một lần,
thì lại vô tình vớ được bọc cây khô vừa rơi xuống đúng chỗ[2]. Bởi
vậy hãy tận dụng cơ hội được làm người để mà tu.
Cao cả nhất là tu thiền để đạt được Thánh quả vị Phật thoát khỏi luân hồi
đau khổ.
Nếu chưa đủ phước để xuất gia tu hành thì hãy tu phước ngay từ bây giờ để
dần dần lấy phước bù cho nghiệp để từ đó cuộc sống hiện tại được cải thiện cả về
vật chất, sức khỏe, lẫn tinh thần. Người ta thường hay chữa ngọn mà không quan
tâm đến gốc. Khi nghèo thì thường cố làm việc hăng say để kiếm tiền cũng là chữa
ngọn. Khi bệnh thì tìm đủ mọi phương thuốc để chạy chữa cũng là chữa ngọn. Khi
buồn thì tìm đủ mọi cách để giải trí cũng là chữa ngọn. Thực ra cái gốc của mọi
sự chính là nghiệp. Người ta sanh ra là bởi nghiệp. Lớn lên giàu hay nghèo,
sang hay hèn cũng là bởi nghiệp. Già đi, bệnh vào cũng là bởi nghiệp. Chết cũng
bởi nghiệp. Bởi vì nghiệp quá khứ khiến người ta nghèo, khiến người ta bệnh,
khiến người ta buồn. Có chạy chữa đến đâu thì nghiệp chưa trả hết thì vẫn chưa
hết nghèo, chưa hết bệnh, và chưa hết sầu. Nghiệp chi phối toàn bộ một kiếp người
từ khi được sanh ra cho đến lúc phải từ giã cõi đời. Nói như vậy phải chăng con
người đã bị nghiệp qui định và không thay đổi được số mệnh? Đúng như thế nếu người ta không tu. Nếu
người ta quyết tâm tu thì đạo Phật có câu "Tu
là để chuyển nghiệp".
Bởi vậy muốn trả nghiệp thì có hai cách:
Một là để kệ cho mọi chuyện diễn ra cho đến khi nào hết nghiệp thì thôi
= thụ động và tiêu cực.
Hai là tạo phước để bù nghiệp = Tu để chuyển nghiệp. Khi nào phước càng
dày thì nghiệp càng mỏng. Lúc ấy tự nhiên làm ăn có "may mắn", bệnh tật
chẳng chữa cũng tự lui, nỗi buồn chẳng ai mua mà cũng hết.
Một câu hỏi đặt ra: Tu như thế
nào? Trên thực tế rất nhiều người nghe đến từ "tu" thì nghĩ ngay
đến việc "đi tu" có nghĩa là xuất gia làm tu sĩ. Quả thật việc xuất
gia làm tu sĩ không hề đơn giản. Những người kiếp này được trở thành tu
sĩ, chắc hẳn kiếp trước, nhiều kiếp trước đã tạo phước dày và đã có
duyên với đạo qua nhiều kiếp quá khứ[4].
Trong mỗi người đều có cái tôi
cái bản ngã rất lớn. Đồng thời trong Tâm mỗi chúng sanh bao giờ cũng có một
Quỉ và một Phật. Mỗi khi có chuyện gì dù nhỏ hay lớn xảy đến với mình hay xảy đến
với những cái của mình, thì Quỉ trong Tâm lại hối thúc động viên cái bản ngã trỗi
dậy, đó chính là lúc người ta có những ý nghĩ, lời nói và hành động tham lam,
sân hận, ngu si bùng phát. Chính vì chấp ngã và chấp sở ngã quá lớn nên người
ta luôn tạo cơ hội cho Quỉ trong Tâm tung hoành phá phách, và vì vậy thập ác mới
tạo gây, nghiệp chướng càng ngày càng dày. Từ đó nhận thấy việc tu là việc kiềm chế cái bản ngã, làm cho cái
bản ngã của mỗi người dần dần xẹp xuống, khi bản ngã nhỏ dần cũng chính là lúc
Phật trong Tâm đang khuyến khích chúng ta nghĩ, nói và làm những việc phước, hiền
và trí tuệ.
Ở Việt Nam
hiện nay đang phổ biến hai pháp môn đó là pháp môn Thiền và pháp môn Niệm Phật[5]. Đa
số các cư sĩ tại gia thường áp dụng tu hành theo pháp môn Niệm Phật. Pháp môn
Niệm Phật còn gọi là pháp môn Tịnh Độ, là phương pháp tu hành mà người cư sĩ tại
gia hàng ngày niệm Phật để sau khi mệnh chung cầu vãng sanh vào cõi Tịnh Độ của
Đức Phật A-di-đà.
Vậy ta có thể cụ thể chi tiết từng việc của sự tu hành như sau:
1. Giữ ngũ giới
1.1. Không sát sanh hại vật:
Không sát sanh hại vật, trải lòng ra yêu thương mọi loài cũng là tạo phước lành
1.2. Không trộm cắp:
Không lấy những thứ không phải là của mình cũng là tạo phước lành
1.3. Không tà dâm: Không
tham đắm sắc dục cũng là tạo phước lành
1.4. Không vọng ngữ:
Không nói láo, không dùng lời lẽ chia rẽ mọi người, không chửi bới nhiếc móc
người, không nói những lời vô nghĩa cũng là tạo phước lành
1.5. Không dùng các chất
gây nghiện: Không uống rượu, không hút thuốc, không sử dụng ma túy, không chơi
"game"... luôn giữ cho mình minh, mẫn tỉnh táo cũng là tạo phước lành
2. Niệm Phật nhất tâm bất loạn:
Một câu niệm
"Nam
mô A-di-đà Phật" quả là không khó đối với bất cứ ai. Nhưng để niệm được một
câu với cái tâm "nhất tâm, bất loạn" thì quả không dễ dàng chút nào.
Phàm phu như chúng ta cái tâm vô cùng loạn, hình ảnh của mặt biển khi thời tiết
bão gió như thế nào thì cái tâm của chúng ta nó giống y như vậy. Bởi vậy người
ta không khó để đọc ra câu niệm Phật, nhưng cái khó là cùng lúc niệm bằng lời
thì tâm cũng niệm như thế. Mồm thì đọc "Nam mô A-di-đà Phật" nhưng tâm
lại nghĩ đến việc phải trị đứa con dâu làm sao, phải trị thằng rể thế nào, phải
buôn gì, bán gì... thì có niệm cả ngàn câu vẫn không thấy Phật đâu. Nhưng nếu mỗi
một câu niệm Phật mà trong tâm chỉ có hình ảnh Đức Phật A-di-đà, thì chỉ cần mười
câu niệm thôi thì thân tâm đã an lạc vô cùng.
Niệm Phật cũng là trợ duyên cho ngũ giới. Người thành tâm niệm Phật thì
tâm từ bi khởi phát, yêu thương chúng sanh nên giữ được giới sát sanh. Thân tâm
an lạc, giấc ngủ an lành nên cũng không sát hại cả chính mình. Người thành tâm
niệm Phật thì tin nghiệp báo trả vay nên không dám lỡ lấy cái gì của ai, không
đánh cắp cả sức khỏe của chính mình khiến cho mọi người thân chung quanh thấy
yên lòng, cũng là tạo phước lành. Người đàn ông, người đàn bà thành tâm niệm Phật
thì cũng mất luôn cả sự tham lam ái dục, không dám lừa gạt trinh tiết của người
khác nên cũng giữ được giới tà dâm. Người thành tâm niệm Phật, cái miệng luôn bận
với câu niệm "Nam
mô A-di-đà Phật" thì làm gì còn miệng nào để mà nói xấu hay la mắng người
khác. Tự nhiên giữ được giới vọng ngữ. Người thành tâm niệm Phật, biết được thế
nào là phải thế nào là trái, luôn giữ cho mình tỉnh táo, vậy là cũng giữ được
giới thứ 5 tránh sa vào nghiện ngập.
Người già cũng như người trẻ, đi đứng nằm ngồi niệm 6 chữ hồng danh
"Nam mô A-di-đà Phật", Tâm hướng đến Phật, hình ảnh Đức Phật sáng ngời
luôn hiện ra trong tâm. Khi đó Tâm không còn thời gian để phát ra Tham, Sân, Si
nữa, như vậy thì cái gốc của thập ác cũng được khống chế, tinh thần thảnh thơi,
phước lành vời vợi. Người ta gặp nhau, lạ hay quen cũng chào nhau bằng một câu
"A-di-đà Phật" chính là chúc cho nhau thân tâm đều được an lạc cũng tạo
phước mọi nơi. Bởi vậy dù có thấy hay không, thì cũng hãy tin rằng: Thành tâm niệm Phật là tăng thêm phước
đức.
3. Làm phước bằng các phong
trào tình nguyện, giúp đỡ người khác: Có hàng ngàn việc người ta có thể làm để mang lại lợi
ích dân sinh. Như nhặt rác nơi công cộng giúp gìn giữ môi trường. Đắp lại những
đoạn đường sạt lở, lấp ổ gà ổ trâu, giúp thuận lợi cho người qua lại. Trồng cây
gây rừng. Tham gia giúp người khác xây dựng lại nhà cửa sau khi bị thiên tai
bão lũ. Hiến máu nhân đạo vừa giúp người, vừa giúp mình cải thiện sức khỏe. Và
bất cứ việc gì giúp đời vui vẻ hạnh phúc đều là gây tạo phước lành. Làm phước
giúp đời thân tâm an lạc. Tuy nhiên, khi làm tình nguyện thì cũng cần phải dưỡng
tâm. Nếu làm tình nguyện mà mang tâm “chấp công” thì hoàn toàn vô nghĩa. Có rất
nhiều người làm “từ thiện để đánh bóng tên tuổi” đó là “kinh doanh (business)”
rồi thì miễn bàn. Có nhiều người không vì “đánh bóng tên tuổi” nhưng tâm lại
“chấp công”, khi làm việc luôn nghĩ “mình làm phước cho người như thế này nhất
định mình sẽ được phước báo”. Như vậy là đã có “chấp công” ngay khi gieo hạt.
Tuy có ích lợi cho xã hội nhưng với bản thân thì không tu được gì. Vì người tu
phải có cái tâm xả. Chứ nếu mà tâm “chấp công” thì càng tu bản ngã càng leo
thang. Rốt cùng thì cũng lãng phí cả một kiếp người.
4. Người có chút kinh tế thì
có thể san sẻ, bố thí, phóng sanh... cũng mang lại phước lành cho bản thân để từ đó tiêu
trừ dần dần những ác nghiệp. Hành động phóng sanh và khai thị cho chúng sanh
trước khi thả chúng về với thiên nhiên lại nhận được quả báo lành về sức khỏe
và tuổi thọ.
5. Đến chùa lễ Phật, cúng dường
chư tăng, thỉnh băng đĩa về nghe, thỉnh sách về đọc vừa để hiểu thêm về đạo để củng cố
niềm tin vào chân lý nhân quả công bằng
vừa là tìm một nơi thanh tịnh cho tâm hồn. Có rất nhiều người rất lạ là ngay từ
đầu đã cho rằng "có gì hay đâu mà cần phải nghe và đọc", và rồi họ
thường ngụy biện bằng những lý do có vẻ rất hợp lý là "còn phải dành thời
gian để mưu sinh chứ không có rảnh để nghe và đọc". Chưa nghe, chưa đọc,
chưa học mà đã bảo là "chẳng có gì hay". Thậm chí lại còn phát biểu
khá là ác cảm với những người thích nghe giảng đạo.
Chuyện xưa kể rằng:
Có một bà
mối rất tài, làm mối vụ nào cũng xong. Một lần bà được mời làm mối cho một cặp
trai gái khá là nan giải: Chàng trai bị thọt, cô gái thì sứt môi. Bà ta liền
nghĩ ra một cách để hai người xem mặt nhau như sau: Vào ngày hội xuân, bà mối bố
trí hai người gặp nhau. Dấu hiệu để nhận ra nhau là chàng trai cưỡi một con ngựa
bạch còn cô gái thì cắn một đóa hoa. Sau khi coi mắt, hai người đồng ý cưới. Từ
đó có câu "cưỡi ngựa xem hoa".
Câu chuyện trên muốn nói điều gì thì chắc ai cũng hiểu. Nhưng thử soát
xét lại đời mình có bao nhiêu lần ta còn hồ đồ hơn cả "cưỡi ngựa xem
hoa". Có những thứ ta tưởng như đã xem xét rất kỹ nhưng vẫn hồ đồ, huống
chi những thứ mà ta còn chưa biết nó là gì mà đã vội vàng gắn cho nó một định
kiến thì còn hồ đồ đến mức nào. Kiến thức thì vô cùng bao la và rộng lớn, còn
những gì ta biết chỉ là một hạt bụi giữa sa mạc mà thôi. Bởi vậy sách giáo lý đạo
Phật, băng đĩa do các thày chân tu giảng về giáo lý là những thứ vô cùng quí
giá, vấn đề là ta có muốn nghe và đọc hay không mà thôi.
Tất cả 5 việc kể trên đều rất dễ dàng thực hiện. Ai cũng có thể làm được
ngay trong tầm tay, bất kể là già hay trẻ. Tu
là để tránh tạo nghiệp, tu là để gây tạo phước lành. Nghiệp thì ví như món
nợ vay của ngân hàng. Phước lại ví như khoản tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng giữ hộ.
Vì vậy lấy phước bù nghiệp là điều dễ hiểu. Vậy thì tại sao lại chỉ có người
già rảnh việc mới cần tu. Phải chăng việc tu được thực hiện càng sớm thì càng tốt
hay sao? Câu trả lời xin mọi người tự định đoạt. Bởi nghiệp chướng của ai người
đó phải tự giải, không ai có thể cõng giùm nghiệp cho người khác.
Người già cần tu để tránh ốm đau bệnh tật, thân tâm bình an...
Người trẻ cần tu để thân tâm an lạc, mọi việc an lành, công việc suôn sẻ,
tìm vận may, tránh vận xui... Ví dụ như nghề thủy thủ tàu biển của những người
như chúng tôi là một nghề của những người kém phước. Bởi vì người ta ai cũng đi
làm kiếm sống, nhưng mọi người đều có người thân bên cạnh, còn thủy thủ thì hết
ngày dài đến đêm thâu chỉ có biển và trời. Điều kiện làm việc thì vất vả. Lương
thực thì thiếu thốn. So về mọi mặt thì đều cho thấy là kém phước hơn những công
việc khác ở trên bờ. Thế nhưng nếu không biết đạo cứ sống buông thả, thì đi biển
đã không tạo thêm được phước, mà còn có thể sát sinh hại vật gây ra nghiệp lớn,
khiến phước càng mỏng, nghiệp càng dày... để rồi vận xui đến thì không ai có thể
giúp được nữa. Nếu như tất cả những người đi biển đều học đạo và tin luật nhân
quả công bằng. Để rồi mỗi thời mỗi khắc đều niệm câu "Nam mô Bổn sư
Thích Ca Mâu Ni Phật" để tự nhắc bản thân mình hãy tránh sát sanh hại vật,
không xả rác bừa bãi xuống biển, đối xử hòa nhã với bạn bè đồng nghiệp... Như
thế, ở đó người người gây tạo phước lành, lấy phước bù nghiệp, làm cho vận xui
bị suy giảm, nếu có thì cũng chỉ là nhẹ nhàng thoảng qua, thậm chí có thể không
còn xảy ra nữa. Nói rộng ra, chẳng riêng gì người đi biển, mà tất thảy mọi người
ai ai cũng học đạo và tin luật nhân quả công bằng, từ đó tự giác học và hành đạo
thì đất nước này, thế giới này phước lành bao trùm, tươi đẹp biết bao! Thế giới này xưa kia vốn cũng đẹp lắm!
Những người trẻ tuổi, sức khỏe thể chất cũng như tinh thần đang còn sung
mãn, được các thày tỳ-kheo khuyến khích nên song tu theo cả pháp môn niệm Phật[8] và
pháp môn thiền định. Bởi vậy nếu ai có thể hàng ngày tập tu Thiền Định thì dần
dần tâm sẽ được thanh tịnh và hoàn toàn có thể khống chế được Tham, Sân, Si vốn
luôn luôn thường trực để xúi giục những ham muốn ô trọc tạm bợ. Những ai không
thể đủ khả năng tu thiền thì cũng gắng tu niệm Phật đưa lại bình an cho bản
thân và gia đình. Dù là tu gì, nếu hiểu và tin giáo lý của Đức Phật thì ngay bản
thân cũng đã thấy tâm thanh thản và nhẹ nhàng chứ không còn đổ lỗi cho số phận
và dằn hắt bản thân khi gặp sự bất như ý trong cuộc đời.
Trẻ nhỏ cũng cần tu để đừng bao giờ phải khóc hận vì lúc nhỏ học giỏi mà
lớn dần lại học kém. Lúc mới sanh ra do phước của kiếp trước nên kiếp này có
trí thông minh, nhưng hưởng phước mãi cũng đến lúc hết, bởi thế trí thông minh
cũng kém dần. Thậm chí có một số trẻ lúc bé là thần đồng, ba tuổi đã biết đọc
viết, làm toán, nhưng càng lớn thì khả năng đó càng mất dần, đến lúc lớn chẳng
biết thần đồng đã bỏ đi đâu. Do đó trẻ con cũng cần phải tu phước để bù lại cái
mà mình đã phải hưởng.
"Trẻ con như búp trên cành" nên cố gắng tránh bắt trẻ con sát
sanh hại vật, khuyên lơn chúng không nên làm hại các con vật mà phải thương
chúng, bởi vì sát sanh hại vật thì nghiệp báo rất nặng nề.
Thời Đức Phật còn tại thế, có một
lần Đức Phật cùng Tăng đoàn đi vào trong dân để hóa độ. Khi đến một ngôi làng
ngài nhìn thấy một đám trẻ đang bắt những con cua để chơi. Bọn trẻ lần lượt
thay nhau bẻ từng cái càng, cái cẳng của
con cua rời ra khỏi thân mình, rồi bẻ vụn ra, cho đến khi con cua mất hết cả
tám cẳng hai càng. Rồi chúng lại chạy đi bắt con cua khác để chơi. Thấy vậy, Đức
Thế Tôn liền hỏi "này các con, nếu như có ai đó bẻ chân bẻ tay các con ngược
ra phía sau thì các con có đau không?" - "Bạch Phật! Đau lắm ạ!"
- "Đúng thế! Các con đau thế nào, thì con cua nó cũng đau như thế! Không
những thế, con cua cũng có cha mẹ anh chị em giống như các con vậy. Nếu bây giờ
các con bỗng nhiên không về nhà thì gia đình cha mẹ các con sẽ buồn khổ biết
bao. Cha mẹ các con đau xót thế nào thì cha mẹ con cua cũng đau xót như thế. Chỉ
vì để vui vẻ một chút mà các con lỡ tay hại chết con cua làm nó đau đớn thân thể
cùng cực. Lại làm cha mẹ anh chị em của con cua đau xót trong lòng. Các con có
thấy thương cảm không?" - "Bạch Phật! chúng con biết lỗi rồi" -
"Vậy từ nay các con đừng bao giờ làm hại các con vật yếu đuối nữa
nhé!" - "Bạch Phật! Chúng con nhớ rồi ạ".
Các bậc cha mẹ giữ ngũ giới, cũng nên khuyên con cái mình giữ ngũ giới để
tránh tạo nghiệp, bởi nếu đứa trẻ nào tạo nhiều nghiệp chướng thì lớn lên tự nó
sẽ phải trả quả báo nặng nề khiến cho cuộc sống buồn khổ, bạc mệnh nhiều hơn là
vui vẻ hạnh phúc. Các bậc cha mẹ thường xuyên thành tâm tụng kinh niệm Phật, cũng nên khuyên con cháu mình thường
xuyên thành tâm niệm 6 chữ hồng danh
"Nam
mô A-di-đà Phật". Ngay từ bé đã thường xuyên niệm câu này, đứa trẻ lớn lên
có trái tim nhân hậu, trải lòng ra yêu thương vạn loại muôn loài. Quả báo cảm ứng
ngược lại, đi đến đâu cũng luôn được vui vẻ, may mắn tựa như có quí nhân phù trợ.
Câu niệm 6 chữ hồng danh này cũng là một nét văn hóa rất đặc sắc của người Việt
Nam
bởi vậy chẳng cần chi phải e ngại.
Hoạt động làm phước không chỉ là đặc quyền của bất cứ ai, trẻ nhỏ giúp bạn
học tốt hơn cũng là một cách làm phước. Thậm chí đứa trẻ nào biết chia sẻ một
chút tài sản bé nhỏ của mình cho người khác thì cũng phước đức vô cùng. Có câu
chuyện kể rằng:
Có một cậu bé đánh giày lang thang cả ngày mọi ngõ
ngách trong thành phố để kiếm sống. Một ngày cuối năm, trời mùa đông lạnh lẽo,
mọi người hối hả trở về với gia đình, cậu vẫn cô đơn một mình mời khách đánh
giày dọc theo các con phố. Đến cuối ngày cậu chỉ kiếm được 5 xu. Đến cửa hàng
bánh mì, 5 xu công lao động cả ngày của cậu chỉ đủ mua 1 cái bánh mì. Bụng đói
meo, cậu bé đưa chiếc bánh mì lên mồm, cậu chợt nhận ra một ánh mắt thiết tha
đang nhìn cậu chăm chăm. Một người phụ nữ cùng 3 đứa trẻ đang mời khách mua hoa
để trang trí ngày tết. Cô con gái út của người phụ nữ bán hoa đang nhìn cậu và
chiếc bánh mì trên tay cậu, dường như cô bé cũng đã không được ăn gì cả ngày
hôm nay. Như có một sức mạnh phi thường nào đó thúc đẩy, cậu tiến tới, đưa chiếc
bánh mì cho cô bé với ánh mắt ân cần từ bi. Cô bé quay lại nhìn mẹ rồi lại quay
ra nhìn chiếc bánh mì trong tay cậu. "Em ăn đi!" Cô bé run run đón nhận
chiếc bánh mì từ tay cậu "em cảm ơn anh!" Mẹ cô bé vội vàng nói
"Nào các con hãy tặng cho cậu bé này những bông hoa đẹp nhất và những lời
chúc cho một mùa xuân mới hạnh phúc!" Người phụ nữ bẻ chiếc bánh mì ra làm
4 phần: 3 phần cho 3 đứa con và một phần đưa lại cho cậu bé. Bằng một hành động
nhỏ, nhưng lại tạo phước lớn, bởi vì cậu bé đã sẵn sàng đem tất cả những gì
mình có để chia sẻ cho người kém may mắn hơn, thế nên sau này lúc trưởng thành
cậu bé đánh giày được phước báo trở thành một người vô cùng giàu có.
Trách nhiệm hàng đầu của trẻ nhỏ là học tập, bởi vậy phải cố gắng học
cho giỏi. Nhưng có giỏi đến mấy cũng phải biết khiêm nhường tự thấy mình nhỏ
thôi. Ngược lại nếu chê người khác dở, tự khen mình hay là bệnh tự kiêu, khiến
cho mất hết cả phước đức, rồi đến lúc lại kêu ca vì "học tài thi phận". Điều này giải thích vì sao nhiều trẻ
học thì rất giỏi như khi đi thi lại bị rớt thảm hại.
Khiêm tốn học người, đối xử từ tốn với người, tôn trọng ý kiến người
khác, khi góp ý với người phải nói với tấm lòng chân thật từ bi là cách sống hòa
nhã giữa đại chúng. Nếu cậy mình tài mà "khoe
khoang là mất phước", Đức Phật dạy rằng: Chỉ một chút tâm kiêu mạn khởi
lên là bùng cháy thiêu đốt hết bao nhiêu phước đức tu tập bấy lâu.
Thày Chân Quang có giảng một khóa Pháp thoại rất hay với tiêu đề "dạy con nên người", nếu có
điều kiện mọi người nên tìm bộ đĩa này để xem.
Các bậc cha mẹ cần phải tu để dạy trẻ. Bởi cách dạy trẻ tốt nhất là mỗi
người phải là một tấm gương để con trẻ học tập. Nếu cha mẹ sống bừa bãi buông
thả mà muốn dạy con nên người thì thật "mò
trăng đáy nước". Ví dụ một ông quan lớn tham nhũng vô độ, bắt dân đen
phải biếu xén quà cáp mà suốt ngày quát con phải thật thà không được trộm cắp
thì con nó có nghe không? Có rất nhiều bậc cha mẹ chỉ tối ngày mải mê kiếm tiền,
tiền kiếm bao nhiêu vẫn cảm thấy thiếu, bỏ bê việc dạy dỗ con cái. Bởi thế mà rất
nhiều em nhỏ còn chưa đến 18 tuổi đã phát biểu rằng "học hành mà làm gì, học
cách kiếm tiền là quan trọng nhất" thậm chí câu nói cửa miệng của họ là
"ai cho em nhiều tiền, em sẽ yêu người đó". Trời đất! mấy ông chính
phủ, các cấp chính quyền cũng tối ngày nói chuyện kinh tế, đài báo ti-vi cũng tối
ngày nói chuyện kinh tế, người ta ngồi chỗ nào cũng buôn chuyện kinh tế, để đến
nỗi trẻ con cũng in luôn chữ "đô-la" vào trong đầu. Một xã hội ngoài
chuyện "tiền" ra thì chẳng còn biết làm những điều bổ ích gì khác. Họ
thi nhau hăng say bàn cách kiếm tiền, những người nào kiếm được nhiều tiền thì
được cho là "người thành công". Những việc như trồng cây gây rừng, bảo
vệ môi trường, bảo vệ đạo đức xã hội thì chỉ qua loa sơ sài cẩu thả. Pháp luật
là bản lề cho một xã hội công bằng văn minh thì lại được sử dụng như một thứ "lá mặt lá trái": Đối với dân
đen thì dùng pháp luật để đè nén cưỡng đoạt. Đối với quan tham, kẻ có tiền bạc
thì pháp luật chỉ là trò đùa trẻ con.
Trong xã hội VN hiện nay có quá nhiều hiện tượng khiến người ta nghĩ rằng
đạo đức đã suy đồi đến mức không thể tệ hơn được nữa. Một nhóm 3 nữ sinh đánh một
nữ sinh đến bầm dập mà đám bạn xung quanh không một ai can ngăn, ngược lại còn
hò reo cổ vũ, rồi quay "clip" để tung lên mạng. Không biết trong lồng
ngực của họ còn là trái tim của con người nữa hay không? Người viết bài này còn
nhớ lúc xưa, chuyện bạn bè có xích mích xông vào đánh nhau cũng là bình thường,
nhưng đám bạn khác nhìn thấy là lập tức can ngăn không để ai bị thương bao giờ.
Lại chuyện một cô gái bị tai nạn giao thông nằm vật ở vệ đường, mọi người đi
qua chỉ giảm tốc độ ghé mắt nhìn rồi thản nhiên đi tiếp. Chỉ đến khi có hai cậu
sinh viên nghèo từ nông thôn ra thành phố nhìn thấy vội vàng băng qua đường để
xem cho kỹ, rồi vội vàng đưa vào bệnh viện cấp cứu dù không biết cô gái ấy là
ai. Và rồi một vụ án mạng kinh hoàng, một sát thủ tuổi "teen" vị
thành niên (chưa đủ 18 tuổi) ra tay sát hại 3 người trong một tiệm vàng trong
đó có một cháu bé mới 18 tháng tuổi. Người ta có nghĩ cách gì cũng không thể hiểu
được vì sao một đứa bé 18 tháng tuổi cũng bị giết? Vậy mà khi ra tòa sát thủ
máu lạnh đó không hề có một chút thể hiện sự hối hận?
Đức Phật dạy:
"Khi nào, này các Tỳ-kheo, các vua phi pháp có mặt,
khi ấy các đại thần phi pháp của vua có mặt. Khi nào các đại thần phi pháp của
vua có mặt, khi ấy các bà-la-môn gia chủ phi pháp có mặt. Khi nào các bà-la-môn
gia chủ phi pháp có mặt, khi ấy dân chúng thành thị và dân chúng các làng trở
nên phi pháp. Khi nào dân chúng thành thị và dân chúng các làng trở nên phi
pháp, khi ấy mặt trăng, mặt trời đi sai quĩ đạo. Khi nào mặt trăng, mặt trời đi
sai quĩ đạo, khi ấy tháng và nửa tháng đi sai quĩ đạo. Khi nào tháng và nửa
tháng đi sai quĩ đạo, khi ấy thời tiết và năm đi sai quĩ đạo. Khi nào thời tiết
và năm đi sai quĩ đạo, khi ấy gió thổi sai lạc trái mùa. Khi nào gió thổi sai lạc
trái mùa, khi ấy chư thiên bực mình. Khi nào chư thiên bực mình, khi ấy trời
mưa không có điều hòa. Khi nào trời mưa không có điều hòa, khi ấy lúa chín trái
mùa. Này các Ty-kheo, khi nào lúa chín trái mùa, khi ấy loài người nuôi sống với
loại lúa ấy thì thọ mạng sẽ ngắn, dung sắc xấu, yếu sức và nhiều bệnh."
Với đoạn kinh ngắn ở trên, chúng ta có thể hiểu ngay được rằng chuyện "biến
đổi khí hậu", chuyện thiên tai (thực ra là nhân họa, tự con người gây ra
nhưng lại đổ tại trời) của thời nay đã được Đức Phật nhìn thấy và nói đến từ
hơn 2500 năm trước!
Do đó việc tu đạo để học cách làm
người lương thiện. Tin vào luật nhân quả công bằng, để tự răn đe đạo đức bản
thân. Đồng thời giáo dục thế hệ tương lai sống sao cho không gây ra tội lỗi, và
thực hành làm những việc gây tạo phước lành là một việc vô cùng lợi ích không
chỉ dành riêng cho người cao tuổi. Bất cứ
ai, càng tu sớm thì càng tốt. Một gia đình có nhiều thế hệ mà toàn gia đồng tu
thì trên dưới thuận hòa phước đức tràn trề hạnh phúc vô biên.
[[1]] “Linh hồn” được giáo lý Đại Thừa nhắc đến như một thực thể siêu hình tồn
tại trường cửu chu du trong vũ trụ và đầu thai theo nghiệp quả mà nó đã tạo gây
trong kiếp quá khứ. Trong các bài giảng, Đức Thích Ca không nhắc đến một linh hồn
trường cửu (immortal soul).
[[2]] Đoạn này kinh Đại Thừa viết là
Phật ngôn. Tuy nhiên, Đức Thích Ca không nhắc đến một linh hồn trường cửu
(immortal soul) đầu thai hết kiếp này đến kiếp khác để rồi may mắn một kiếp nào
đó có được thân người.
[[4]] Đức Thích Ca khuyến khích bất cứ ai nếu muốn đạt đến trạng thái hạnh
phúc tự do tuyệt đối thì đều có thể bắt đầu tu, không chỉ những người đủ phước
mới được tu. Nhiều người tu không được phải hoàn tục là bởi vì 2 lý do chính:
1. Thày dạy chưa phải là một vị Thánh giác ngộ. 2. Tu chưa đúng nên không tìm
được niềm vui, hạnh phúc trong tu hành, vì thế việc tu lại trở thành “địa ngục”
còn khổ hơn là “hoàn tục”.
[[5]] Đại Thừa viết Đức Thích Ca đã giới thiệu về Đức A-Di-Đà là giáo chủ của
cõi tịnh độ. Tuy nhiên, trên thực tế, Đức Thích Ca không hề giới thiệu với
chúng sanh về cõi giới này.
[[6]] Đại Thừa viết xung quanh chúng ta tồn tại vô lượng chúng sanh siêu
hình, mắt thường không thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, trên thực tế, Đức Thích
Ca không hề nói gì về những chúng sanh siêu hình này.
[[8]] Pháp môn niệm Phật (Tịnh độ tông) được giới thiệu trong giáo lý Đại Thừa
hình thành sau khi Đức Thích Ca qua đời. Khi con tại thế, Đức Thích Ca không hề
nói gì về pháp môn niệm Phật hay cõi Tịnh độ.
Download PDF một trong 2 link dưới đây:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét