Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

NBLRR 10 Ăn chay hay ăn mặn, và không lãng phí của cải vật chất

Chủ đề 10: Ăn chay hay ăn mặn, và không lãng phí của cải vật chất
Nói đến ăn chay mọi người đều hiểu là chỉ ăn những thức ăn có nguồn gốc thực vật, sữa và trứng không có sống. Đa số mọi người cho rằng việc ăn chay là chỉ của những người Phật tử, vì theo đạo mà phải ăn chay.
Quay ngược bánh xe lịch sử trở về thủa ban đầu, khởi thủy con người không hề ăn thịt. Cũng như vậy một loạt các nghiên cứu khoa học cũng chứng minh rằng hệ tiêu hóa của con người phù hợp dùng để biến đổi dạng thức ăn có nguồn gốc thực vật thành năng lượng. Và hệ tiêu hóa đó hoàn toàn không phù hợp với dạng thức ăn có nguồn gốc động vật. Răng của con người gồm răng cửa, răng nanh và răng hàm. Răng cửa dùng để cắt thức ăn thành những miếng vừa đủ nhỏ để đưa vào trong. Răng nanh nếu hơi khểnh một chút thì để cười duyên. Rằng hàm dùng để nghiền thức ăn vụn ra. Trong khi đó bộ răng của thú ăn thịt thì cái răng nào cũng nhọn hoắt. Chúng dùng răng để gim chặt con mồi khi đi săn, mặc cho con mồi giãy giụa vùng vẫy đến kiệt sức. Và sau đó răng chỉ để xé thức ăn, chứ không dùng để nhai nghiền thức ăn, thức ăn được nuốt thẳng vào trong dạ dày. Dạ dày của thú ăn thịt có nồng độ a-xít rất cao, phù hợp cho việc phân hủy tiêu hóa thức ăn có nguồn gốc động vật. Trong khi đó dạ dày người thì không như thế. Bởi vậy nếu người nào mà nạp quá nhiều thịt vào dạ dày thì khiến cho dạ dày bị quá tải không tiêu thụ được. Mà phàm cái gì không tiêu thụ được thì sẽ biến thành độc tố. Tìm xem "Tọa đàm ăn chay dưỡng chất và khí hậu" trên trang chia sẻ "Youtube". "Nếu chúng ta là những nghĩa trang di động của xác động vật làm sao chúng ta dám hy vọng một tình trạng lý tưởng trên trái đất này
(Bernard Chaus)"
. Người ta cứ dùng từ "thú tính" để chỉ những người ác. Nhưng suy xét cho kỹ thì thú không có ác bằng người. Những con thú thì rất đơn giản: đói ăn, mệt nghỉ, ăn no rồi thì không có nhu cầu kiếm thức ăn nữa. Thế nhưng con người không bao giờ thấy như thế nào là đủ. Điều này không cần phải nói thêm vì nó quá dễ để nhận ra.
Một quan điểm thứ hai của người ta cho rằng là: Ăn chay thì thiếu chất. Điều này là hoàn toàn phi lý. Trâu hoặc voi hoặc bất cứ loài nào không ăn thịt chúng đâu có thiếu chất, chúng vẫn phát triển cân đối đó thôi. Những con thú nào ăn chay thì chúng chỉ ăn chay, những con thú nào ăn thịt thì chúng chỉ ăn thịt. Chỉ có loài người là ăn uống linh tinh nhất không tha bất cứ một thứ gì. Mà rõ ràng lúc khởi thủy của loài người thì vốn chỉ ăn chay. Báo SỨC KHỎE & ĐỜI SỐNG số tháng 2 năm 2011 cũng có bài viết "Ăn chay có bị thiếu chất?" của bác sĩ Yên Lâm Phúc. Trong bài báo có đoạn viết:
"Chúng ta cần biết dinh dưỡng mà chúng ta ăn hàng ngày được chia ra làm các nhóm: các chất bột đường (tên khoa học là glucid), đạm (protid), chất béo (lipid), vitamin và khoáng chất, muối và nước. Nếu áp dụng chế độ ăn chay đa dạng và cân bằng, đủ các chủ vị thì dinh dưỡng trong khẩu phần chay hoàn toàn đầy đủ theo nhu cầu cơ thể... Đừng nghĩ rằng các thực phẩm có nguồn gốc thực vật kém cạnh về hàm lượng đạm và chất béo. Bằng chứng là trong 100g thịt ăn được thì tổng lượng chứa khoảng 20-22g chất đạm (protid), trong khi đó cũng trong khối lượng này, các loại họ hàng nhà đậu đỗ, hàm lượng chất đạm (protid) cũng ở vị trí ngất ngưởng 25-35g."
Kết luận rằng ăn chay không hề thiếu chất. Thậm chí một số người có trí tuệ tuyệt vời lại là những người ăn chay, như Albert Einstein chẳng hạn.
Vì sao Phật tử nên ăn chay?
Thủa Đức Phật còn tại thế, Ngài cùng Tăng đoàn chân trần đi khắp nơi, dùng phương tiện "khất thực" để kết duyên với chúng sanh và để "hóa độ" cho chúng sanh hiểu cái khổ của của cõi ta-bà, rồi chỉ đường dẫn lối cho chúng sanh đi đến "diệt khổ" thoát khỏi luân hồi. Ngài có dạy các Tỳ-kheo rằng: "khi chúng sanh cúng dường thì thức ăn chỉ là thức ăn mà thôi, không cần phải lo lắng là đồ chay hay mặn". Bởi nếu chúng sanh chưa biết, có thể vô tình cúng đồ mặn. Nếu vì thế mà không nhận thì vô tình đã làm hại chúng sanh đó, có thể khiến chúng sanh đó không thích các vị Tăng nữa, và vì vậy làm mất duyên với đạo. Cũng tương tự như vậy nếu các Phật tử được mời đi ăn, gia chủ không biết là Phật tử đó giữ chay giới, thì thức ăn đã bầy lên bàn chỉ là thức ăn mà thôi. Nhưng nếu một Phật tử nào đó có cái Tâm rằng phải đi nhà hàng để ăn thứ này thứ nọ. Thì cái Tâm đó đã là Tâm sát sanh hại vật rồi.
Lý do thứ nhất của việc ăn chay là giảm thiểu sự sát sanh hại vật.
Lý do thứ hai của việc ăn chay chính là để cứu vớt cuộc sống của chính chúng ta. Bởi thế trên thế giới đang được cổ vũ rất mạnh mẽ một khẩu hiệu "Ăn chay, sống sanh, cứu vớt tinh cầu" (Be veg, Go green, Save Planet). Để trồng ngũ cốc nuôi sống con người, thì 1 héc-ta đất có thể nuôi được 27 người/ năm. Nhưng nếu cũng 1 héc-ta đất để trồng cỏ, nuôi bò, cung cấp thịt bò thì 1 năm chỉ nuôi nổi 1 người. Đây cũng là một trong những lý do khiến rừng khắp nơi bị phá trụi. Đồng thời lượng khí nhà kính CO2 thải ra môi trường từ những trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm lại nhiều hơn lượng khí thải do ô-tô, xe máy chạy trên đường. Trái đất đã nóng lại càng nóng thêm.
Lý do thứ ba của việc ăn chay đó chính là sức khỏe của mỗi chúng ta. Xin nhớ lại câu nói từ ngàn xưa "bệnh từ miệng mà vào, vạ từ miệng mà ra".
Những người Phật tử nên từ bỏ hủ tục đốt vàng mã và cúng đồ mặn. Rõ ràng một điều là khắp nơi trên thế giới này chỉ có dân Trung Quốc, Việt Nam, Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan là thích đốt vàng mã. Họ thường dùng câu "trần sao âm vậy" để ngụy biện cho hành động “mê tín” này. Vậy tại sao chúng ta không sống trong sạch hiện đại với phần con lại của Thế Giới mà lại đi bắt chước hủ tục quái gở của mấy quốc gia lân cận. Quay trở lại vấn đề "thân này là giả", chúng ta đều hiểu rằng thân này không có thật đến một lúc nào đó nó sẽ tự hủy. Thân này là gạo, lức, rau, đậu, thức ăn... tích lũy mà thành. Vì chúng ta còn đang sống nên cái thân này vẫn còn cần nhu cầu ăn, nhu cầu mặc, nhu cầu tiêu xài. Cùng tồn tại với cái thân hữu hình này là một thân trung ấm[1] (linh hồn). Khi một người mệnh chung, cái thân hữu hình tan vào cát bụi, chỉ còn lại cái thân trung ấm[24] (hương linh) đang chờ cơ hội đúng với nghiệp để đầu thai. Vậy khi cái thân hữu hình đã mất thì "hương linh" cần những thứ ngựa xe, tiền vàng, quần áo, vàng mã làm chi. "Hương linh" chỉ hưởng hương mà thôi. Vì vậy nếu nhớ ơn ông bà tổ tiên thì hãy thường xuyên cúng những gì có hương như hoa tươi, tiền thật mới cúng xong rồi mình tiêu, quần áo mới mua về cúng xong rồi mình hưởng... Không nên cúng vàng, đốt mã, không có ý nghĩa gì mà còn lãng phí vô cùng, lại còn gây hại đến môi trường và tàn phá tài nguyên rừng nữa. Bởi vì đốt vàng mã là đốt củi, đốt giấy. Mấy thứ đó đều là tài nguyên rừng mà ra. Vậy đốt vàng mã là tương tự như phá rừng.
Tại sao không nên cúng đồ mặn?
Đơn giản vì khi cúng đồ mặn người ta phải sát sanh hoặc gián tiếp sát sanh. Mà sát sanh là tạo nghiệp. Người ta ai cũng mong tổ tiên ông bà sau khi mệnh chung thì nhẹ nhàng hết nghiệp để được vãng sanh tịnh độ[2]. Bây giờ vì phải cúng mà phải sát sanh hoặc không sát sanh mà mua đồ ở chợ về cũng là gián tiếp sát sanh. Hương linh ông bà tổ tiên vốn cũng đã mang nghiệp, bây giờ con cháu lại cúng đồ mặn thì chẳng phải lại vô tình khoác lên vai "hương linh" một nghiệp nữa hay sao, vậy thì càng cúng càng làm hại "hương linh" còn gì. Bởi vậy nếu có lòng thương tiếc "hương linh" thì hãy cúng đồ chay, chứ đừng cúng đồ mặn khiến “hương linh” càng bị chướng duyên trên con đường vãng sanh tịnh độ[25].



2014 sửa sai:
[[1]] “Linh hồn” được giáo lý Đại Thừa nhắc đến như một thực thể siêu hình tồn tại trường cửu chu du trong vũ trụ và đầu thai theo nghiệp quả mà nó đã tạo gây trong kiếp quá khứ. Trong các bài giảng, Đức Thích Ca không nhắc đến một linh hồn trường cửu (immortal soul).
[[2]] Trong giáo lý Đại Thừa thì “tịnh độ” là một cõi giới siêu hình, cõi giới này hình thành bởi một lời nguyện của Đức Phật A-Di-Đà. Trong giáo lý Đại Thừa luôn khẳng định Đức Thích Ca đã giới thiệu về Đức A-Di-Đà. Tuy nhiên, thực tế Đức Thích Ca không hề nhắc đến một cõi giới như vậy.



Không có nhận xét nào: