Chủ đề 5: Người ta bảo:
ngôi chùa đó linh lắm, ngôi đền đó linh lắm, cầu gì được nấy, chuyện ấy có thật
hay không
Ở miền Bắc, tỉnh Bắc Ninh, có một ngôi đền gọi là đền Bà Chúa Kho. Mỗi dịp
xuân về tết đến, người ta đến lễ ở đền đông nghìn nghịt, hương khói mịt mù,
vàng mã chất cao như núi, khi hỏa hóa, lửa cháy cao ngút trời. Người viết bài
này chưa đến đó bao giờ nhưng nghe người ta kể về sự chen chúc ở đó thì đã
không dám phát sinh ý định đi rồi. Vì sao người ta lại đi lễ đông như vậy? Bởi
người ta một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn vạn, nói với nhau rằng “Vì Bà
Chúa là người cai quản kho, nên muốn làm ăn phát đạt phải đến lễ bà, vay tiền của
bà hoặc xin lộc rơi lộc vãi thì làm ăn sẽ luôn suôn sẻ may mắn”. Thế mà phàm là
người thì ai cũng tham, nên người ta rủ nhau đi lễ bà đông không kể siết. Và quả
thật là trong số hàng vạn hàng triệu người đến lễ bà thì cũng có khá đông người
làm ăn rất là thuận lợi. Và từ đó lời đồn lại mọc thêm cánh cứ thế bay xa.
Một câu chuyện khác kể về Chùa Hương xảy ra ngay trong gia đình của người
viết bài này. Số là gia đình chúng tôi có một số người định cư ở Thăng Long, và
mọi người thường hẹn nhau đi lễ Chùa Hương vào ngày mùng 2 Tết Nguyên Đán.
Thành phần đi lễ thường là ba bên, bốn bề thông gia, thân bằng cố hữu nhiều khi
đông đến khoảng 20 người. Và hầu hết mọi người đều có một cuộc sống khá ổn định
về tiền bạc. Bởi vậy có thể mọi người cho rằng việc đi lễ thường xuyên như vậy
đã đem lại một kết quả là có một cuộc sống khá tốt như thế. Suy nghĩ ấy đúng
hay sai, đúng như thế nào, đúng đến mức độ nào thì cần bàn sâu thêm về sau. Đó
là chuyện nhân quả phước báo có sự trợ duyên của các bậc Thánh[1].
Biên và Ngọc là một đôi vợ chồng trẻ thành phần trong đoàn đi lễ. Có lẽ
không cần phải chứng minh, tài sản về tiền bạc có lẽ Biên Ngọc là cặp vợ chồng
sung túc nhất. Trong một lần đi lễ, người cô ruột của người viết bài này nói: “Mày phải chịu khó tín tâm vào, lễ bái nhiều
vào. Giống như thằng Biên ấy, lần nào nó cũng chịu khó bê lễ, nên thánh thần
ban cho nó nhiều lộc nhất”. Ồ! Đó cũng là nhân quả! Nhưng nhân quả như vậy
thì đơn giản quá! Ai mà không làm được? Trong một năm đi lễ Chùa Hương, đâu phải
chỉ có một mình Biên thành tâm, số người thành tâm giống như Biên có cả hàng
ngàn, nếu không muốn nói là hàng triệu, Biên nhỉ! Vậy bà cô yêu quí của cháu
ơi! Nhân quả nhất định là ở chỗ khác.
Lại thêm một câu chuyện khác về nghiệp và giải nghiệp. Người viết có một
đồng nghiệp tên là Tuấn. Tuấn kể là ở một ngôi chùa nào đó có một vị sư trụ trì
có thể nhìn được tiền kiếp của Phật tử. Một lần Tuấn theo chỉ dẫn đến gặp sư,
sư nói “kiếp này con phải trả nghiệp”
– Nam-mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật! câu này đúng quá! Đức Bổn sư Thích-Ca-Mâu-Ni
Phật có dạy rồi mà “Nhân quả công bằng, tạo
nghiệp phải trả nghiệp”, ai mà không phải trả nghiệp cơ chứ? Tuấn kể tiếp: sư nói “muốn giải nghiệp, nộp sáu triệu rưỡi
để làm lễ giải nghiệp”. Ồ! Sáu triệu rưỡi là số tiền không nhỏ. Nhưng với
sáu triệu rưỡi mà có thể giải trừ được sạch bách tất cả các nghiệp trong vô lượng
kiếp quá khứ mà chúng sanh đã tạo gây thì thật quá đơn giản.
Từ ba câu chuyện ở trên người ta đặt câu hỏi: Thánh thần có hay không? Thánh thần có ban phước hay giáng họa cho
chúng sanh không?
Câu trả lời là:
Nhưng Đạo Phật không công nhận việc các bậc Thánh
ban phước hay giáng họa cho chúng
sanh theo cách nghĩ của những người mê
tín, các bậc Thánh không bao giờ lạm dụng thần thông để biến không thành có, biến có thành không.
Nếu như vậy thì Đạo Phật là Thần Quyền. Trong khi đó Đạo Phật do Đức Giáo chủ
Thích-Ca- Mầu-Ni Phật truyền dạy lại là ngành
khoa học về chân lý NHÂN QUẢ CÔNG BẰNG và không thần quyền một chút nào. Có thể gọi là siêu khoa học, vì con
người chúng ta tầm thường quá nên không nắm bắt được, chúng ta chỉ có thể tin
hay không tin mà thôi. Tuy nhiên, những người yêu thích sự CÔNG BẰNG, yêu thích
những luận giải mang tính khoa học lô-gic, nhất định sẽ tin vào giáo lý của Đức
Bổn sư Thích-Ca-Mâu-Ni Phật.
Người cô ruột của người viết nói: “Vì
Biên chịu khó lễ mà Biên mới nhiều lộc như vậy”. Dựa theo giáo lý chân
chính của đạo Phật, điều này không đúng. Tài lộc mà vợ chồng Biên Ngọc có được
ở kiếp này chính là duyên lành quả ngọt phước báo của thiện nghiệp mà hai người
đã tạo gây trong kiếp trước, nhiều kiếp trước. Có điều vì chúng ta vô minh nên
không nhìn thấy con đường đi của nhân quả mà thôi. Vậy vai trò của các bậc Thánh
trong chuyện này là như thế nào? Giáo lý của đạo Phật dạy rằng các bậc Thánh chỉ
giúp chúng sanh bằng cách trợ duyên mà thôi. Nhân quả nghiệp báo của một chúng
sanh ví như một con tàu đang trên đường hành trình từ điểm A đến điểm B. Nếu đã
xuất phát từ điểm A (tạo nghiệp), thì nhất định sẽ đến điểm B (quả báo). Có điều
do chúng sanh quá sốt sắng nên đã cầu thần Thánh “ban phước”. Khi đó các bậc Thánh
tặc lưỡi, thôi thì đằng nào chúng sanh đó cũng nhận quả báo đó, nên trợ duyên bằng
cách thổi thêm tí gió cho con tàu cặp bến sớm hơn mà thôi[3]. Tuy
nhiên, trong hằng hà sa số những người đến chùa, đền cúng lễ, đâu phải ai cũng
“cầu được ước thấy”. Bởi vì họ đâu có tạo gây thiện nghiệp trong quá khứ. Những
người nhận được nhân duyên phước báo của chính mình do phước nghiệp quá khứ sâu
dày chỉ là ít thôi. Nhưng vì người ta thích nhìn bề nổi, chỉ nhìn thấy những
người được “ban phước” do lễ bái cầu may, còn hàng triệu người cũng lễ bái mà
đâu thấy gì khác. Với cái nhìn như vậy nên thành ra mê tín là như thế. Các bậc tu hành chân chính thường nói: “Nếu mê tín thì đừng theo đạo Phật! Mà theo
đạo Phật phải chánh tín”. Nghĩa là chỉ tin những giáo lý của Đức Bổn sư
Thích-Ca-Mâu-Ni Phật truyền dạy, và những gì phù hợp với giáo lý đó mà thôi.
Còn không được tùy tiện tin những gì đi trật ra ngoài giáo lý đó.
Vì vậy đừng nên mê tín, cầu may làm gì, bởi vì hạt đã gieo (nhân), nhất
định sẽ có ngày hái quả. Nếu ta cầu thánh thần[4], các
bậc Thánh sẽ “trợ duyên” cho cái quả đó chín sớm, rụng xuống đời ta. Và đương
nhiên rụng sớm thì sẽ hết sớm, và rụng muộn sẽ hết muộn. Tất nhiên quả báo phụ
thuộc vào nghiệp nhân. Có người do trong nhiều kiếp quá khứ gieo trồng cả bạt
ngàn ruộng phước, đến kiếp này hưởng quả báo lành hết đời mà vẫn không hết. Có
người phước mỏng hơn, nên quả báo cũng ngắn hơn. Những điều đó giải thích tại
sao có người trẻ thì làm không ra, đến lúc già thì làm chơi mà ăn thật. Lại có
những người khác lúc trẻ làm việc gì cũng thắng, nhưng tới lúc về sau thì đầu
tư việc gì cũng thảm bại. Phước báo cũng như ruộng lúa đến mùa lúa chín. Người
phước dày là do đã gieo trồng cả 10 ruộng, gặt ăn hoài vẫn còn đày bồ thóc, người
phước mỏng là do quá khứ gieo trồng có 1 ruộng nên mới gặt được một thời đã
không còn gạo ăn nữa. Người thông minh thì gặt một ruộng sẽ gieo thêm hai ruộng
khác (làm phước, bố thí, cúng dường) thì phước lại sanh ra phước, cuộc sống mãi
mãi tốt tươi. Người kém trí thì chỉ biết gặt hái (ăn chơi, hưởng lạc, xe hơi,
nhà lầu, gái đẹp, nhậu nhẹt, vui thú với ngũ trọc) thì sẽ tổn phước dần dần, đến
lúc hết phước thì chỉ còn cách bần hàn mà thôi. Đến
lúc này có mang chăn chiếu đến chùa đền chầu chực lễ bái thì cũng chẳng Thánh
nào giúp nổi. Bởi các bậc Thánh không bao giờ làm việc gì sai với NHÂN QUẢ CÔNG
BẰNG. Không bao giờ biến cái không thành có để ban cho bất cứ chúng sanh nào.
Không làm phước mà lại muốn có quả báo lành bằng cách cầu Thánh thần ở những
nơi linh thiêng thì khác gì “mò trăng đáy
nước”, “bắt cá trên cây”.
Bởi vậy có thể kết luận rằng ở bất cứ đâu cũng có Thánh thần, và Thánh
thần ở đâu cũng linh. Nhưng cái mà Thánh thần “ban cho” người ta vốn là của bản
thân người ta đã gieo trồng trong quá khứ, và Thánh thần giúp đẩy nhanh quá
trình hái quả trong hiện tại và vị lai mà thôi[5].
[[1]] Quan điểm này chỉ có
trong Đại Thừa. Đức Thích Ca không nhắc đến các vị Thánh hay Thần lại thường
xuyên đi trợ duyên cho những người có phước.
[[2]] Đức Thích Ca không dạy người ta về các bậc Thánh có “thần thông”. Tất
cả những vị Thánh có “thần thông” đều được nói đến trong giáo lý của Đại Thừa.
[[4]] Tương tự như trên đoạn
này cũng là quan điểm của Đại Thừa. Đức Thích Ca không dạy chuyện đó. Ngài dạy
con đường giải thoát, Ngài không dạy người ta làm sao để giàu có.
Download PDF một trong 2 link dưới đây:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét