Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

NBLRR 19 Trên đường đời gió bụi...

Chủ đề 19: Trên đường đời gió bụi...
Ngày 12 tháng Bảy năm Nhâm Thìn, mùa Vu-lan Thắng Hội[1], khắp cả các ngôi chùa đều tấp nập người vào ra, đạo tràng Phật Minh cũng có kế hoạch đến dự lễ cầu siêu[2] ở chùa Cao Linh.
Sáng đưa cu Đức đến trường rồi lóc cóc đạp xe đến chùa. Nghĩ thế nào mình lại đi vòng qua cổng chùa An Đà, mọi người đang ngồi trên xe ô-tô gọi mình lên đi cùng, thế là thôi không đạp xe nữa mà gửi xe vào chùa An Đà để đi ô-tô cùng mọi người.
Có lẽ trên đường đi cũng có nhiều người bán tín bán nghi về lời đồn đại gần đây liên quan đến chùa Cao Linh. Nhưng khi xe lên đến cổng chùa, thấy Phật tử đông như đi hội, rồi khi gặp thày trụ trì thì mọi sự vương vấn trong tâm về những lời đồn độc địa bị tan biến hết.
Một Phật tử nói với thày: “Bạch thày, người ta đồn đại thật là ác độc!”
Thày cười hiền từ và trả lời bằng giọng miền Nam rất nhẹ nhàng nhưng rất rõ nét: “Là đệ tử Phật, nương theo Chánh Pháp để tu tâm thì đừng bị lay động bởi những lời đồn vô căn cứ nha!”
Chương trình lễ cầu siêu[29]:
Sáng: từ 08:30 đến 11:30 nghi lễ cầu siêu tụng kinh A-Di-Đà[3] và đọc lời khấn nguyện.
Trưa: tất cả các Phật tử cùng thọ chay với các tu sĩ trong chùa.
Chiều: tụng kinh Vu-lan[4] báo hiếu, nghi lễ cúng thí thực, nghi lễ cúng chúng sanh[5].
Đang trong lúc tụng kinh A-Di-Đà[30] chợt nhìn thấy bà ngoại của cu Đức, ra hỏi thăm thì được biết bà tự đạp xe một mình tìm lên đến nơi.
Kết thúc khóa tụng kinh buổi sáng, mình lấy xe đạp của bà ngoại đám trẻ chở bà quay về thành phố. Bà ngoại đám trẻ thương con rể cứ thỉnh thoảng lại bảo “hay là để mẹ chở con một đoạn”, rồi lúc sau lại bảo “con cứ đi trước đến đoạn nào rồi chờ mẹ để mẹ đi bộ cho khuây khỏa”. Nghe bà nói, mặc dù chở bà mệt bở hơi tai vì lâu rồi đi xe đạp một mình chứ có chở ai đi xa thế bao giờ, nhưng thấy vui vui.
Nhưng về đến Lê Lợi còn cách chùa An Đà một khúc đường thì có vẻ như chiếc xe non hơi không chịu nổi sức nặng, nên bà ngoại đám trẻ bảo “con cứ đi trước đi”, rồi bà nhảy xuống đi bộ. Bà đi bộ từ đó về đến tận chùa An Đà.
Mình lấy xe đạp ở chùa An Đà rồi bảo với bà: “bà về trước, con lên cơ quan có chút việc” (nói dối đấy). Mình đạp xe thẳng ra quán “chè Huế” trên đường Lê Lợi, kêu một ly chè đậu đỏ để giải khát.
Vừa ăn được mấy miếng, chợt ngửng lên thấy một người đàn ông đang đứng dựa vào một bên cửa quán. Nhìn người đàn ông đó có dáng vẻ của một người nghèo và có vẻ như đang đói. Người đó vẫn đứng đó và đưa mắt nhìn ngắm những khách đang ăn chè. Quần áo người đó chắc lâu ngày không giặt, bản thân chắc cũng lâu ngày không tắm nên từ đầu đến chân có một lớp ghét cáu lại trên da thịt màu đen đen ghê ghê. Thực sự lúc đó mình đoán là người đó muốn xin ăn, mình định gọi hỏi điều gì đó nhưng lại sợ xúc phạm đến lòng tự trọng của người ta.
Mấy người khách ở chiếc bàn phía ngoài cửa đứng dậy ra về hết, người đàn ông đó liền tiến đến chiếc bàn đó và ngồi xuống. Trên bàn đó còn duy nhất một cái ly nhựa dùng để uống nước. Người đàn ông đó cầm cái ly lên tần ngần nhìn vào đáy ly rồi có vẻ như nuối tiếc úp ngược cái ly xuống mặt bàn. Sau hành động đó mình đã dám chắc đến 99% là người đó đang rất đói. Mình nhìn thẳng vào ông ấy và thực sự mình mong người đàn ông đấy sẽ tiến về phía mình để xin. Nhưng người ấy nhìn mình giây lát rồi như là thư thái dựa người vào lưng ghế ngoảnh quay mặt ra nhìn đường. Trong quán chỉ còn có mình và người đàn ông đó.
Mình vẫn tiếp tục quan sát người đàn ông đó, và chỉ một chút sau ông ấy quay lại nhìn mình. Lúc này mình đã cảm thấy cái thời điểm cần phá vỡ bức tường ngăn cách. Mình dơ tay vẫy người đàn ông đó. Thật lạ! Ông ấy không tiến về phía mình, vẫn ngồi ở đó và nở một nụ cười méo mó. Mình cất giọng hỏi nhẹ: “Có đói không?” Lúc ấy vẫn có cái gì đó phân biệt trong mình, bản ngã của mình vẫn quá lớn, không đủ bi mẫn để coi như người ta cũng bằng mình, nên mình đã hỏi trống không. Nhẽ ra mình phải hỏi là “Anh có đói không?”
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật! Người đàn ông đó vẫn méo mó cười và gật đầu. Mình hỏi tiếp: “Có ăn chè không?” (vẫn nói trống không)
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật! Người đàn ông đó vẫn méo mó cười và gật đầu. Mình liền gọi cậu thanh niên trông quán: “Em ơi! Cho anh ly chè cho ông này!”
Mình tắt chiếc quạt tại bàn mình, bật quạt tại bàn của người đó, cầm theo ly chè, bê theo bình nước và ly uống nước ra ngồi cùng bàn với người đàn ông đó.
Cậu thanh niên mang ra cho người đó ly chè. Người đàn ông bắt đầu dùng thìa để trộn lớp đá bên trên xuống dưới. Một số viên đá nhỏ li ti như hạt gạo rơi ra ngoài, người đàn ông đó liền vội vàng lấy tay nhặt bỏ lại vào trong ly. Người đàn ông vẫn từ tốn dùng thìa trộn đều ly chè.
Người đàn ông bắt đầu ăn những miếng đầu tiên nhỏ và nhẹ và không vội vàng. Mình lại hỏi:
-         Có biết bây giờ đang mùa Vu-lan báo hiếu không?
-         Ừ!
-         Vậy thì chịu khó vào chùa lễ Phật nhé!
-         Ừ!
-         Vào chùa, thấy tượng Phật, quỳ xuống, chắp hai tay thành búp hoa sen thế này này rồi niệm “Nam mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, rồi vái một cái mình gieo sát đất nhé!
-         Ừ!
-         Rồi sau khi sư thày cúng xong thì xin đồ mà ăn cho đỡ đói, chứ cứ lang thang ngoài đường thế này thì lấy gì mà ăn.
-         Ừ!
Mình đã ăn xong ly chè của mình và trả xong tiền, mình lấy 10k đưa cho người đàn ông đó và nói:
-         Cứ ăn đi nhé! Tiền trả rồi, cho thêm đồng này mua cái gì mà ăn cho đỡ đói. Rồi vào chùa lễ Phật nhé!
-         Ừ!
Thế rồi mình lên xe đạp thẳng đến văn phòng cơ quan.
Sau khi đi rồi, trong tâm mình áy náy và hối hận rất nhiều. Mình đã không vượt qua được sự chấp ngã của bản thân. Đức Phật dạy: “tất cả chúng sanh đều bình đẳng như nhau” vậy mà mình đã không nhớ được điều đó khi nói chuyện với người đàn ông đó. Những câu nói của mình đều là những câu nói trống không, không có chủ ngữ. Thực ra mình không muốn xem thường người ta, nhưng có lẽ cái bản ngã của mình còn quá lớn nên mình đã không nói được câu nào cho đầy đủ chủ ngữ và vị ngữ. Nam-mô Bổn sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật! con xin sám hối, tội diệt, phước sanh[6].
Mình còn hối hận một điều nữa là không hiểu là mình đã thực sự cố gắng trong việc giúp người đàn ông đó chưa? Đức Phật dạy rằng: “việc giúp người tài vật chỉ là việc nhỏ, nếu chỉ giúp về tài vật mà không gieo duyên cho người ta được gặp Chánh Pháp thì chẳng có mấy ý nghĩa”. Mình cầu mong người đó sẽ đến chùa để lễ Phật! Nam-mô Bổn sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật! con xin sám hối, tội diệt, phước sanh[33].



2014 ghi:
[1] Mùa Vu-lan là mùa lễ báo hiếu. Người ta bảo lễ Vu-lan có nguồn gốc Phật giáo. Vì câu chuyện nguồn gốc được gán cho tôn giả Mục-kiền-liên là một trong 10 đại đệ tử của Phật. Tuy nhiên, câu chuyện nguồn gốc đó là do Đại Thừa đưa thêm vào, chứ không phải là Phật.
[2] Lễ cầu siêu cũng là của Đại Thừa đưa vào gán cho đạo Phật.
[3] Kinh A-Di-Đà cũng là do Đại Thừa gán vào Phật giáo.
[4] Kinh Vu-lan cũng là do Đại Thừa gán cho Phật giáo.
[5] Cũng như lễ cầu siêu, nghi lễ cúng chúng sanh, cúng thí thực không phải là những gì Phật dạy.
2014 ghi:
[6] Đức Phật không ban phước hay giáng họa cho ai, vì vậy những câu niệm Phật là những câu mà Phật tử tự nhắc nhở bản thân mình nghĩ thiện, nói thiện, làm thiện

Download PDF một trong 2 link dưới đây:


Không có nhận xét nào: