Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

NBLRR 18 Học - Đọc – Nghĩ – Viết - Nói

Chủ đề 18: Học - Đọc – Nghĩ – Viết - Nói
Học liên tục: Mỗi chúng ta đều “phải” đi học. Người viết dùng từ “phải” là bởi vì thực sự ở nơi chúng ta đang sinh sống có rất nhiều thứ chúng ta bị bắt phải học. Trẻ em từ sáu tuổi đến mười tám tuổi bị bắt phải nhồi nhét vào đầu hàng tỉ thứ với một mục đích duy nhất là đối phó với các kỳ thi. Thế nhưng lại có quá nhiều thứ khác rất cần thì trẻ lại không được học. Với cách giáo dục như vậy, khiến cho người ta có phản ứng sợ học. Trong khi đó việc HỌC lại là một cái gì đó thực sự rất cần thiết. Bạn đã học đủ chưa? Nếu câu trả lời của bạn là “Đã học đủ rồi. Không cần học nữa.” Thì tôi mong bạn hãy đọc thật kỹ câu chuyện sau đây! Chuyện kể rằng:
Ba người thầy vĩ đại của Hasan
Khi Hasan, một nhà hiền triết Hồi giáo sắp qua đời, có người hỏi ông: "Thưa Hasan, ai là thầy của ngài?"
Hasan đáp: "Những người thầy của ta nhiều vô kể. Nếu điểm lại tên tuổi của các vị ấy hẳn sẽ mất hàng tháng, hàng năm, và như thế lại quá trễ vì thời gian của ta còn rất ít. Nhưng ta có thể kể về ba người thầy sau của ta.
Người đầu tiên là một tên trộm. Có một lần ta đi lạc trong sa mạc, khi ta tìm đến được một khu làng thì trời đã rất khuya, mọi nhà đều đi ngủ cả. Nhưng cuối cùng ta cũng tìm thấy một người, ông ta đang khoét vách một căn nhà trong làng. Ta hỏi ông ta xem có thể tá túc ở đâu, ông ta trả lời: "Khuya khoắt thế này thật khó tìm chỗ nghỉ chân, ông có thể đến ở chỗ tôi nếu ông không ngại ở chung với một tên trộm." Người đàn ông ấy thật tuyệt vời. Ta đã nán lại đấy hẳn một tháng! Cứ mỗi đêm ông ta lại bảo: "Tôi đi làm đây. Ông ở nhà và cầu nguyện cho tôi nhé!" Mỗi khi ông ta trở về ta đều hỏi: "Có trộm được gì không?" và ông ta đều đáp: "Hôm nay thì chưa, nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ". Ta chưa bao giờ thấy ông ta trong tình trạng tuyệt vọng, ông ta luôn hạnh phúc. Có lần ta đã suy ngẫm và suy ngẫm trong nhiều năm ròng để rồi không ngộ ra được một chân lý nào. Ta đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, tuyệt vọng đến nỗi ta nghĩ mình phải chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa này. Ngay sau đấy ta chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hằng đêm vẫn quả quyết: "Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ!"
Người thầy thứ hai là một con chó. Khi ta ra bờ sông uống nước, có một con chó xuất hiện. Nó cũng khát nước. Nhưng khi nhìn xuống dòng sông, nó thấy cái bóng của mình nhưng lại tưởng đó là một con chó khác. Hoảng sợ, nó tru lên và bỏ chạy. Nhưng rồi khát quá nó bèn quay trở lại. Cuối cùng, mặc nỗi sợ hãi trong lòng, nó nhảy xuống sông và cái bóng biến mất. Ta hiểu đây là một thông điệp đã được gửi đến cho ta: "Con người phải biết chiến thắng nỗi sợ trong lòng bằng hành động."
Người thầy cuối cùng là một đứa bé. Ta đến một thành phố nọ và thấy một đứa bé trên tay cầm một cây nến dã thắp sáng để đặt trong đền thờ. Ta hỏi đứa bé: "Cháu tự thắp cây nến này phải không?" Đứa bé đáp: "Thưa phải." Đoạn ta hỏi: "Lúc nãy nến chưa thắp sáng, nhưng chỉ một thoáng sau đã cháy sáng. Vậy cháu có biết ánh sáng từ đâu đến không?"
Đứa bé cười to, thổi phụt ngọn nến và nói: "Ngài thấy ánh sáng đã biến mất, vậy ngài bảo ánh sáng đã đi đâu?" Cái tôi ngạo nghễ của ta hoàn toàn sụp đổ, pho kiến thức kim cổ của ta cũng sụp đổ theo. Lúc ấy ta nghiệm ra sự dốt nát của bản thân. Và từ đó ta vất đi tất cả những tự hào về kiến thức của mình.
Đúng là có thể nói ta không có một ai là thầy, nhưng điều này không có nghĩa ta không phải là một học trò. Ta xem vạn vật là thầy. Tinh thần học hỏi của ta luôn rộng mở hơn tất cả các người. Ta học hỏi từ tất cả mọi vật, từ cành cây ngọn cỏ đến đám mây trên trời kia. Ta không có một người thầy vì ta có hàng triệu triệu người thầy mà ta đã học được mỗi khi có thể. Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn làm một học trò. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là có khả năng học hỏi, luôn sẵn sàng học để biết chấp nhận ý nghĩa của vạn vật.
Người viết bài này vốn cũng thường cho rằng mình đã học đủ rồi. Thậm chí còn luôn tự cho rằng mình là một trong những người có trình độ hàng đầu trong lãnh vực chuyên môn của mình. Bởi vậy đã nhiều khi luôn nhìn người khác bằng con mắt khinh khi, với suy nghĩ rằng “ngươi chẳng có gì đáng để ta phải học”. Thật là một điều tai hại vô cùng! Cái tâm kiêu mạn tự nó nổi lên, bản ngã nó leo thang mà mình không nhận ra kịp. Chợt khi nhận thấy là mình còn quá dốt nát, thì lại không tự mình xấu hổ mà lại ngụy biện rằng: “Ôi dào! Kiến thức bao la! Mình không biết cái đó đâu phải là lỗi gì to tát!”. Đúng vậy! Kiến thức thì vô vàn! Tuy nhiên, điều quan trọng là tinh thần cầu thị. Người Nhật Bản luôn cúi đầu trước người khác bởi vì họ luôn cầu thị và mong muốn học hỏi. Hasan đã “vất đi tất cả những tự hào về kiến thức của mình”. Phải chăng đó là những bài học đáng nhớ để răn đe cái “bản ngã” của mỗi chúng ta? Và Hasan nói: “Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn làm một học trò"
Đọc thật nhiều: Mỗi một quyển sách là một người thày! Sách là một vốn quí! Tất cả mọi kiến thức từ căn bản đến cao siêu, từ rộng đến hẹp, từ phổ quát đến chuyên sâu, mọi lĩnh vực đều có ở trong sách. Khi ta còn đang tuổi học trò, mười hai năm phổ thông, chúng ta học những gì thày cô dạy. Phải chăng đó là cách học thụ động? Đôi khi ta phải học cả những thứ mà mình không thích. Khi ta đã lớn lên rồi, ta có quyền tự do lựa học những gì mà mình thích. Lúc đó thày của chúng ta là những quyển sách.
Có người nói: “Đọc sách ư? Thời gian đâu mà đọc sách!”. Phải rồi, muốn đọc thì cần phải có thời gian. Thời gian chúng ta dành hết cho việc đến văn phòng để chém gió. Hết giờ văn phòng thì phải đi thể thao. Thể thao xong thì phải đi nhậu. Nhậu về rồi thì buồn ngủ díp mắt. Thế là lại lên giường vùi đầu vào giấc ngủ. Sáng hôm sau tỉnh giấc lại tái diễn một ngày tương tự… Thời gian ư? Tự bạn phải thu xếp thôi. Thời gian liên tục lao băng băng về phía trước chứ không đợi ai bao giờ. Kho tàng kiến thức thì vẫn ở đó. Miễn phí cho tất cả mọi người. Chỉ là bạn có muốn lấy hay không thôi.
Có người nói: “Đọc sách ư? Lấy kiến thức ư? Để làm gì? Mọt sách thì có kiếm được tiền không?” Đúng là những câu hỏi rất xác đáng! Người viết bài này cũng không biết phải trả lời thế nào. Thật khó mà thuyết phục người khác rằng “làm giàu tri thức cho bản thân là một việc rất đáng làm”. Thôi thì đành dùng cách phản biện đi. Chúng ta hãy đặt câu hỏi “trẻ con sáu tuổi có cần phải đến trường không?”. Trẻ con đến trường để làm gì? Để đi học! Vâng đọc sách cũng là để học. Vậy nếu “đọc sách là không cần thiết” thì thiết nghĩ trẻ con sáu tuổi cũng không cần phải đến trường. Trên thế giới có hai nơi mà người dân ở đó ham đọc nhất đó là Israel và Nhật Bản. Trong mỗi gia đình người dân Israel đều có một tủ sách đủ loại. Người Nhật Bản lúc nào trong tay cũng có một quyển sách gì đó, họ đọc sách mọi lúc mọi nơi. Và chúng ta nhận thấy đất nước Nhật Bản và đất nước Israel thật hùng mạnh phải không? Bởi vì mỗi một người dân ở đó đều là một quốc dân tự cường.
Nghĩ thật kỹ: Đa số chúng ta đều rất yếu ở năng lực này. Chúng ta chỉ giỏi ghĩ mẹo mánh lới kiếm tiền mà thôi. Ở thành phố nơi người viết đang sống, các em học sinh và sinh viên đi xe điện rất nhiều. Những chiếc xe điện chạy nhanh vèo vèo mà không hề gây tiếng ồn. Đôi khi những chiếc xe điện còn chạy nhanh hơn cả những chiếc xe máy. Mỗi khi đèn đỏ ở ngã tư đường phố bật lên, tất cả mọi phương tiện dừng lại, chỉ có những chiếc áo đồng phục học sinh ngồi trên những chiếc xe điện tiếp tục băng qua. Vì sao? Họ đã nghĩ chưa kỹ! Họ nghĩ: “cảnh sát ai mà bắt học sinh!”. Thật lạ! Họ không bao giờ nghĩ rằng việc lao đi như vậy là họ đã tự đẩy tính mạng của họ cho “hên xui” quyết định… Những ví dụ như vậy còn đày rãy trong mọi tình huống!
Trên đây là vấn đề “nghĩ” liên quan đến “hành vi” thường nhật. Về vấn đề “nghĩ” liên quan tới việc xử lý thông tin thì sao? Chúng ta đọc sách để học. Nhưng giữa thời buổi bùng nổ thông tin như thời nay thì chắc hẳn không ít những cuốn sách “nhảm nhí”. Bởi thế mỗi người cần phải tự trang bị cho mình khả năng tư duy “logic” và cẩn trọng suy nghĩ trước mỗi một vấn đề được đề cập đến trong sách. Những câu hỏi “tại sao” luôn luôn cần được đặt ra để xem xét vấn đề. Đọc để học, nhưng đừng luôn sẵn sàng chấp nhận ngay tất cả mọi thứ mình đọc được. Mà phải luôn sẵn sàng nghi ngờ tất cả. Chúng ta thường bị mắc bệnh “hiệu ứng bày đàn” thế nên thường hay vội vàng chấp nhận những thứ như là “chân lý thuộc về đám đông” hay là “chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Trong khi “phàm là cái gì do con người nghĩ ra thì đều không phải là chân lý”. Chân lý vô cùng hiếm! Chúng ta gần như không mấy khi thấy được chân lý. Bởi chân lý là cái gì đó không thay đổi, không biến đổi qua không gian và thời gian. Hãy hình dung, đến như Trái Đất còn không phải là chân lý, thì huống hồ những thứ mà do con người nghĩ ra làm sao có thể là chân lý! Bạn sẽ hỏi tôi: Tại sao nói “Trái Đất không phải là chân lý”? Vâng! Câu trả lời rất đơn giản: Trái Đất này sanh ra từ đâu? Và đến lúc nó sẽ đi về đâu?
Viết sao cho trau chuốt: Viết trau chuốt mà người viết muốn nói đến ở đây không phải là cách viết phải dùng từ sao cho thật “đắt”, thật “quí phái”. Người viết chỉ xin dừng lại ở mức độ “tôn trọng người đọc chính là tôn trọng bản thân mình”. Để đạt được mục tiêu “tôn trọng người đọc”, thiết nghĩ, không hề khó. Người viết hãy cố gắng viết sao cho đúng tiếng Việt, rõ ràng là được. Rất nhiều người viết, nhất là những bạn trẻ, không hiểu vì quá vội hay muốn thể hiện điều gì mà trong câu viết lại sử dụng những ký hiệu quá nhiều, rồi cứ viết xong là “post” liền mà không có đọc lại xem liệu mình có mắc lỗi đánh máy hay không? Những người nhiều tuổi cỡ chúng tôi trở lên khi đọc những dòng do các bạn trẻ viết nhiều khi phải rất vất vả để dịch và hiểu cho đúng ý của câu mà các bạn ấy viết. Thế rồi các lỗi trình bày cũng cần quan tâm. Các dấu câu như dấu chấm, dấu phảy, hỏi chấm, chấm than… cũng nên tìm hiểu lại để viết thế nào cho đúng. Ngày xưa các cụ có nghề bói chữ. Xem chữ viết đoán được tính người. Ngày nay chúng ta ít dùng văn bản viết tay. Đa số là đánh máy. Tuy nhiên, nhìn bản đánh máy, người ta cũng đoán được là bạn có phải là người viết “tôn trọng người đọc hay không”. Và vấn đề cuối cùng là không nên văng tục khi viết. Đọc một bài viết mà có quá nhiều từ dùng để chửi nhau thì cảm thấy rất đau cái miệng.
Một câu chuyện vui liên quan đến viết chữ không dấu thế này:
Người viết có một hội rất đông những người bạn học cùng thời cấp 3. Một đứa bạn nữ (kể ra già tuổi rồi mà viết vậy thì tưởng là còn bé, dùng từ “bà” có nhẽ đúng hơn) “post” lên mạng xã hội một tấm hình, với mục đích là nhờ đứa bạn nữ khác cũng cùng lớp may cho chiếc áo mới giống kiểu chiếc áo đang mặc. “Nhất quỉ nhì ma”, là bạn học cùng thì có đến chết vẫn cứ giống như xưa. Cả cái lũ con trai cùng lớp cũ xúm xít vào “bình phẩm” những lời khen nào là “xinh”, nào là “trẻ”, thậm chí chúng nó còn dùng từ “ngon”… Khi ấy một đứa bạn nữ khác ở bên Korea mới nhảy vào viết không dấu thế này: “Cai Hong tu dung lai post tam hinh ngon the, lam cho lu con trai lop C1 cu cuong het ca len doi phai to chuc hop lop nam nay som hon thuong le”
Đừng nói: Ơ hay! Sao lại khuyên người ta đừng nói? Nói nhiều có lẽ là một thói xấu đặc trưng ở con người. Hầu hết mọi người ai cũng thích nói. Các ông già bà cả cũng thích nói, người trung tuổi cũng thích nói, các bạn trẻ cũng thích nói, các bạn học sinh phổ thông cũng thích nói. Dường như nói là phương pháp để khẳng định bản thân. Là phương pháp để chứng minh năng lực của mỗi người. Các nhà ngoại giao có thể nói vô tiền khoáng hậu suốt từ sáng đến tối. Các nhà lãnh đạo đến bất cứ đâu cũng phải “có ý kiến chỉ đạo” mặc dù những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo gần như không ai hiểu gì.
Ai cũng nói và không ai muốn lắng nghe thì phải.
Người viết đã từng chứng kiến những nhà văn nhà thơ nói chuyện với nhau. Họ chỉ nói về đứa con tinh thần của họ mà không lắng nghe người đối thoại kể về đứa con tinh thần của người ta.
Những người làm nghề giáo viên nói chuyện với nhau, họ cũng chỉ nói về khả năng “phá đề” khó của mình, sáng kiến kinh nghiệm của mình. Họ không kịp nghe xem sáng kiến kinh nghiệm của đối phương có gì hay dở.
Cứ buổi chiều muộn hàng ngày, nếu bạn ghé vào những quán bia, quán nhậu ở Hà Nội hay Sài Gòn hay bất cứ nơi nào. Bạn sẽ nghe thấy thứ âm thanh hỗn loạn của hàng trăm, hàng nghìn người đang cố gắng nói thật to, nói át cả người khác đi.
Các bạn sinh viên trẻ cũng không chịu thua kém bậc đàn anh. Họ cũng nói liên tục mà không quan tâm có ai đang nghe mình hay không. Nếu có ai phản bác ý kiến của họ thì họ cũng không kịp nghe vì tư duy của họ đã nhảy sang chuyện khác và cái miệng cũng đã nói chuyện khác mất rồi.
Các bạn học sinh phổ thông còn nói nhanh hơn và nhiều hơn nữa. Trong số các bạn học sinh mà có ai ít nói hoặc không nói thì nguýoif khác sẽ cho là bị “tự kỷ”.
Tất cả chúng ta đều nói nhiều và vội vàng nói. Bởi thế nên chúng ta đã không kịp lắng nghe, do đó ta đã không thể hiểu được những người thân yêu của mình đang buồn hay vui, đang hạnh phúc hay bất hạnh. Một hãng bảo hiểm nhân thọ đánh trúng vào tâm lý con người khi họ dùng một cái khẩu hiệu là “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Thế nhưng với những gì họ làm được ở Việt Nam thì người ta đã tặng cho hãng đó một câu “luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu”. Vâng lắng nghe mãi mà còn lâu mới hiểu, huống hồ chúng ta lại không có thói quen “lắng nghe”.
Và một điều tai hại nữa là khi chúng ta càng ra sức nói, thì những lời nói của chúng ta dần dần thành ra là “nói dại”.


Học liên tục! Đọc thật nhiều! Nghĩ thật kỹ! Viết sao cho trau chuốt! Đừng nói!
Download PDF một trong 2 link dưới đây:

Không có nhận xét nào: