Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

NBLRR 23 Một ông già người Nhật

Chủ đề 23: Một ông già người Nhật
Con tàu mà chúng tôi đang làm việc trên đó thường ghé cảng Onahama, một cảng ở miền đông Nhật Bản. Trong thời gian tàu cập cảng, thường có một ông già người Nhật lên tàu bán hàng. Những thứ mà ông bán chỉ là các đồ điện tử hiện đại. Như là điện thoại đời mới, máy ảnh kỹ thuật số, máy tính xách tay, máy tính bảng, các đồ tiện ích khác như ổ cứng ngoài, thẻ nhớ, bộ trữ điện mở rộng…
Khi lên tàu ông thường mang một số lượng hàng rất hạn chế. Tuy nhiên, nếu thuyền viên nào có yêu cầu gì thì ông lại lật đật chạy về cửa hàng và mang lên đúng cái mà người ta yêu cầu, cho dù có bán được hay không. Và ông thường rất nhiệt tình tìm kiếm ngay cái thứ mà người ta yêu cầu. Cùng với việc mang hàng lên tàu bán ông cũng luôn mang theo một “modem” phát wi-fi để cho anh em thuyền viên xài miễn phí trong khi ông ngồi trông hàng trên tàu.
Nghề bán hàng không phải lúc nào cũng may mắn. Có lần bán được hàng, có lần chẳng bán được gì. Nhưng ông bao giờ cũng hòa nhã và khi tàu chuẩn bị chạy, ông cũng vui vẻ thu dọn đồ đoàn và cảm ơn chào tạm biệt mọi người. Nhiều lần thấy ông không bán được gì, chúng tôi cũng thấy áy náy vì đã xài wi-fi miễn phí của ông ấy mà không ai mua được cái gì cho ông.
Ông già đó lại là một người rất tốt. Các siêu thị ở Nhật không nhận tiền nước ngoài, nên khi chúng tôi muốn mua đồ ăn tươi như rau cỏ, trái cây thì phải đổi được tiền Nhật. Việc đổi ngoại tệ ở Nhật không hề dễ. Nếu không biết chỗ, sẽ không bao giờ đổi được. Nhiều người cứ nghĩ cứ vào Ngân hàng là đổi được nhưng hóa ra không phải vậy. Tất nhiên sẽ có điểm chuyên đổi tiền ở đâu đó. Khi chúng tôi muốn nhờ ông chỉ cho nơi nào có thể đổi tiền, ông liền đưa chúng tôi đi đến tận nơi mà không đòi hỏi gì cả. Trên đường đi ông còn thường xuyên dặn dò chúng tôi là phải cẩn thận đồ đạc và ví tiền kẻo bị có kẻ giật mất. Điều đó khiến chúng tôi ngạc nhiên và cười thầm “ông này hâm, ở Nhật thì làm gì có cướp giật mà ông lại dặn dò như vậy.”
Có lần chúng tôi thấy ông lái xe hơi xuống cầu cảng để lên tàu. Nhưng dạo gần đây chúng tôi thấy ông lóc cóc đi bộ. Thất thểu, trông thật tội, già rồi mà đi từ nhà ông xuống cảng đâu có gần. Hỏi xe ông đâu, ông nói bị cướp, chúng tôi lại cười thầm “ông chỉ bịa!”
Một lần sau khi bán hàng, ông rời tàu, đang lóc cóc đi bộ trên cảng, chúng tôi đang nhìn theo tạm biệt. Bỗng, từ đâu nhảy ra một kẻ lạ mặt. Hắn chộp lấy cái túi ông đang khoác trên vai, chạy thẳng. Ông già đuổi theo, la lên thất thanh. Nhưng rồi ông nhanh chóng dừng lại đứng thở, tuyệt vọng nhìn theo bóng tên cướp khuất dần. Những giọt nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo. Cảnh tượng cướp giật giữa ban ngày trên đất nước Phù tang làm chúng tôi choáng váng. Trong thâm tâm chúng tôi, nước Nhật luôn là nơi có an ninh ổn nhất thế giới.
Lần tiếp theo, khi tàu trở lại Onahama, ông già tốt bụng lại vui vẻ lên tàu, lại cho chúng tôi xài miễn phí wi-fi, và đương nhiên là bầy hàng ra trên bàn cho chúng tôi chọn. Chúng tôi gợi chuyện rằng lần trước ông bị cướp có mất gì nhiều không. Như chạm phải nỗi đau, ông kể: tên cướp chính là con trai của ông. Nó đã cướp của ông rất nhiều lần. Xe ô-tô, đồ đạc, trong nhà có gì bán được là mất hết với nó. Nhìn vẻ mặt kinh ngạc của chúng tôi, ông giải thích “nó nghiện!”.
À, ra thế! Chúng tôi nói với nhau “con nghiện ở Nhật cũng giống con nghiện ở Việt Nam ta quá!”
Chúng tôi chợt nhớ ra, mỗi lúc đi dạo cùng chúng tôi ngoài phố, ông già tốt bụng luôn bảo chúng tôi phải đề phòng cướp giật, hóa ra ấy chính là đề phòng chính con trai của ông.

Không biết vì lý do gì mà ông phải chịu khổ. Tuy nhiên, người hiền lành tốt tính như ông, nhất định sẽ gặp quả báo lành.

Download PDF một trong 2 link dưới đây:

Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

NBLRR 22 Trẻ con do cha mẹ sanh ra nhưng lại mang theo cá tính được quy định bởi nghiệp

Chủ để 22: Trẻ con do cha mẹ sanh ra nhưng lại mang theo cá tính được quy định bởi nghiệp của tiền kiếp?
Có phải trẻ sanh ra mọi thứ sẽ theo di truyền của cha mẹ?
Không ai phủ định điều đó, thế nhưng có ai dám chắc con mình sanh ra sẽ thực sự giống mình từ ngoại hình cho đến nội tâm, cách sống, cách học và cách làm việc?
Trước đây các cụ nói “cha mẹ sanh con, Trời sanh tính”. Các cụ đổ hết cho ông Trời, bất cứ cái gì các cụ không giải thích được. Vậy có phải là tính cách mỗi người là do Trời quy định theo kiểu “định mệnh” của những tôn giáo theo “chủ thuyết định mệnh”?
Lúc người viết bài này còn nhỏ, hồi đó thời bao cấp, mọi người đều đói ăn, mọi nhà đều phải tự trồng cấy để tự kiếm lấy cái ăn. Hồi đó cha của người cứ đi làm ở cơ quan về thì lại ra vườn cày cuốc. Có một lần ông gieo ít hạt đu đủ. Và các cây đu đủ nảy mầm lớn lên rồi trưởng thành. Các cây đu đủ ra hoa nhưng có cây kết trái, có cây thì chỉ ra hoa rồi rụng. Vậy chúng ta thấy điều gì ở đây?
Tất cả các hạt đu đủ đều từ một quả đu đủ vậy chúng giống hệt nhau về nguồn gốc. Chúng cùng được cha của người viết gieo trong mảnh vườn nhà, vậy chúng có môi trường sống có thể gọi là giống hệt nhau. Chúng được cha của người viết vun xới chăm bẵm như nhau, vậy chúng được hỗ trợ cuộc sống giống hệt nhau.
Thế nhưng cây thì cho quả cây thì không, vì sao?
Tương tự như vậy con người không có khác chi. Hai anh em sanh đôi cùng trứng chắc chắn có bộ mã gen giống hệt nhau. Và đương nhiên không có cha mẹ nào lại phân biệt đối xử với hai anh em sanh đôi. Thế nhưng lớn lên họ khác nhau hoàn toàn về tính cách cũng như những thăng trầm trong cuộc đời.
Vậy điều gì làm ra sự khác nhau đó?
Có ba cách để giải thích:
1.      Do một đấng siêu nhiên nào đó qui định số phận cho mỗi người (định mệnh).
2.      Do ngẫu nhiên mà như thế.
3.      Do nghiệp quá khứ dẫn đến quả báo của hiện tại.
Bạn tin theo cách giải thích nào:
A.    Nếu bạn tin vào luận điểm thứ nhất thì bạn sẽ phải chấp nhận số phận vì đã là định mệnh bạn không thể thay đổi.
B.     Nếu bạn tin vào luận điểm thứ nhì thì bạn cũng chẳng cần phải phấn đấu, bạn chỉ cần ngồi đợi đến lúc ngẫu nhiên từ trên trời hạnh phúc hoặc xui xẻo rơi xuống vào đời bạn.

C.   Còn nếu bạn tin nhân quả là công bằng, nếu bạn tin cuộc đời này của bạn, tính cách của bạn, may hay xui, vui hay buồn đều là nghiệp quả của quá khứ do chính bạn tạo gây. Thì bạn sẽ có khả năng thay đổi tương lai của bạn. Nếu bạn gắng làm điều thiện, lánh xa điều ác, cố gắng sống không làm hại đến bất cứ một chúng sanh nào, tiết kiệm từng giọt nước, tránh làm hại môi trường, gắng giảm thiểu khí thải, mọi hành động đều suy nghĩ thật kỹ trước khi thực hiện. Nghiệp lành của bạn càng ngày càng dày thêm. Tương lai bạn ngày càng sáng sủa.

Download PDF một trong 2 link dưới đây:

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

NBLRR 21 Vì sao người Nhật luôn thật thà? Vì sao chúng ta luôn sẵn sàng gian lận?

Chủ đề 21: Vì sao người Nhật luôn thật thà? Vì sao chúng ta luôn sẵn sàng gian lận? Why are Japanese honest? And why we are willing to trick?
Vâng! Có lẽ sẽ rất nhiều người nói rằng người viết loạt bài này bị mắc bệnh “sính ngoại”, mà cụ thể ở đây là “quá tôn sùng Nhật Bản”. Sẽ rất nhiều người mắng người viết là “đồ mất gốc, mới ra ngoài có chút xíu mà quay về chê ỉ eo người nhà”. Thôi thì sao cũng được. Quyền phát biểu là của tất cả mọi người mà.
Người viết làm nghề “đạp xích lô nước” – tức là nghề thủy thủ. Và người Nhật thuê chúng tôi đi làm việc trên những con tàu của họ. Vì sao họ lại thuê chúng tôi. Vì thuyền viên Việt Nam giỏi tay nghề? Vì thuyền viên Việt Nam giỏi ngoại ngữ? Vì thuyền viên Việt Nam có ý thức tốt? Vì thuyền viên Việt Nam có tinh thần dịch vụ cao? Hay chỉ đơn giản là vì thuyền viên Việt Nam sẵn sàng lao động với giá rẻ hơn những nơi khác trên thế giới?
Năm 2011, nước Nhật hứng chịu thảm họa kép: động đất + sóng thần. Rất nhiều người đã chết. Vô vàn người mất nhà cửa. Cả một vùng phía đông Nhật rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất, không có lương thực thực phẩm. Thế nhưng chính phủ của họ vẫn cho Việt Nam vay vốn ODA như đã cam kết. Thiết nghĩ, họ có thể hoàn toàn có quyền “xù” khoản cho vay đó với lý do là để dồn tiền cho ứng cứu khu vực bị thảm họa. Nhưng họ lại vẫn cứ “ngốc nghếch” cầm tiền đi cho vay. Mặc dù cái gã vay tiền đó thuộc vào hàng “lưu manh” có hạng. Rõ ràng là đi vay tiền của người ta, thế nhưng vẫn bắt ép người ta phải hối lộ mình thì mới cho người ta thắng thầu.
Quay lại vụ động đất + sóng thần, khi mà hàng trăm ngàn người lâm vào cảnh phải di chuyển khẩn cấp vì nguy cơ ô nhiễm phóng xạ, họ không có gì để ăn. Người ta phải mang lương thực đến phát chẩn. Những người đang đói khát, gần như kiệt sức, vẫn xếp thành những hàng dài để tuần tự nhận lương thực. Kỳ lạ thật! Tại sao họ không học tập những người thông minh như ở Việt Nam xông vào, chà đạp lên nhau để cướp đồ ăn khuyến mại miến phí nhỉ? Tại sao họ lại ngốc nghếch đứng xếp hàng. Lỡ đến lượt mình hết mất thì sao?
Người viết và rất nhiều đồng nghiệp “xích lô nước” khác làm việc trên tàu thường có một thói quen là tin tưởng người Nhật. Khi nhận vật tư ở Nhật, mọi người thường cứ ký ngay vào biên lai mà không kiểm tra trước hiện vật. Cũng bởi vì thời gian thì gấp mà có quá nhiều việc để làm. Khi đó người đến cấp vật tư ngỡ ngàng hỏi: “ơ thế mày không “check” à?” – “ờ, có, nhưng để sau, với lại Nhật Bản mà, số một trên toàn thế giới, đừng có lo” – “cảm ơn lời khen tặng, nhưng đôi khi chúng tôi cũng có nhầm lẫn” – “kể cả là các ông nhầm lẫn thì các ông vẫn trả đủ cho tàu sau đó mà”. Thế nhưng sự đối đáp lại của thuyền viên Việt Nam với những ông chủ người Nhật ấy như thế nào? Các cụ ngày xưa có câu “ăn cây nào, rào cây ấy”. Người Nhật cho chúng ta việc làm và họ trả lương cho chúng ta xứng đáng. Vậy có phải chúng ta hãy làm những việc gì đó giúp họ kinh doanh cho tốt không? Nếu họ phát triển họ cũng chẳng quên chúng ta. “Gái có công, chồng không phụ”. Bằng chứng là họ đã có những động thái tăng lương cho thuyền viên khi họ kinh doanh phát đạt.
Thế nhưng, những chuyện xấu mà chúng ta làm đối với họ thì không hề ít. Nói một cách thô tục là chúng ta “chơi khăm” họ không hề ít. Những gì mà người viết chuẩn bị viết ra đây chỉ là những chuyện nghe qua tai. Vì vậy người viết không dám khẳng định 100% về sự thật của nó. Có nên tin hay không là tùy sự suy xét của mỗi người.
Chuyện thứ nhất: Cuối năm 2011, khi đang đi công tác trên tàu, người viết nhận được một thư cảnh báo của chủ tàu Nhật Bản với nội dung liên quan đến nhận nhiên liệu. Tàu A đến Vũng Tàu nhận nhiên liệu, sau khi nhận nhiên liệu (bunkering), bắt đầu khởi hành thì phát hiện nhiêu liệu mới nhận không thể dùng được, do có quá nhiều tạp chất bẩn. Người viết lúc đó mới phàn nàn: “Tại sao cái ông máy trưởng của cái tàu A đó không kiểm tra chất lượng dầu trước khi nhận lên tàu nhỉ!”. Mấy người đồng nghiệp xung quanh cười vào mũi người viết và nói: “Anh ngốc thật hay là giả vờ ngốc?” – thấy người viết có vẻ ngơ ngác, đám bạn lại nói tiếp: “Anh đúng là con mọt sách, chẳng hiểu đời gì cả, em đoán cái “story” nó là chuyện bán dầu” – “Bán dầu? bán đâu, nhận dầu đấy chứ!” – “Ơ, anh vẫn chưa hiểu à? Này nhé, mỗi một ngày, cái tàu đó gian lận một chút, ví dụ tiêu hao nhiên liệu là 26 tấn dầu/ ngày, nhưng tàu đó khai là 27 tấn dầu/ngày, thế là cứ mỗi ngày tàu đó sẽ dư ra 1 tấn. Do vậy khi đến Vũng Tàu để cấp dầu thì tàu đó đã dư ra vài chục, thậm chí là đến trăm tấn dầu nhiên liệu” – “Anh thấy vẫn chưa liên quan gì đến chất lượng dầu nhận lên tàu” – “Nghe tiếp đi anh! Khi nhận dầu, tàu đó thỏa thuận với người bán dầu là vẫn ký hóa đơn theo đặt hàng của chủ tàu. Nhưng nhận lên tàu thực tế là ít hơn. Lượng ít hơn đó bằng đúng tổng số dầu mà họ đã gian lận hàng ngày. Số chênh lệch đó thì người cấp dầu phải trả tiền mặt cho tàu” – “Rồi, là bán dầu trên hóa đơn, nhưng vẫn chưa liên quan gì đến chuyện kia” – “Trời! trông anh vậy mà ngu dữ! Khi anh bán dầu của chủ tàu, có nghĩa là anh gian lận. Trò đời, nếu anh tử tế thì không ai hại được anh. Nhưng anh gian lận thì sẽ bị bọn nó nắm đuôi. Nó tranh thủ lúc anh không để ý, nó bơm dầu bẩn cho anh. Khi anh phát hiện ra thì cũng ngậm đắng nuốt cay chứ làm gì nổi nó”
Chuyện thứ hai: Người viết có một ông bạn học cùng đại học. Ông bạn đó cũng làm thuyền trưởng trên một con tàu của chủ tàu Nhật Bản. Khi về nhà nghỉ phép, mấy ông bạn thuyền trưởng ăn chơi rất là xa xỉ. Người viết hỏi: “Lương chúng mày đông lắm hay sao mà tiêu xài vung tay thế?” – “Lương thì ăn thua gì! Bao nhiêu lương mụ vợ giữ hết chứ mình có thấy mặt mũi nó đâu. Tiền tiêu đều là lộc lá hết” – “Tàu mày đi có tiền làm thêm nhiều lắm à? Sướng nhỉ!” – “Ừ, tiền làm thêm do máy trưởng nó bán dầu, nó đưa cho” – “Sao? Đi tàu tây mà cũng bán được dầu cơ à?” – “Thì mỗi lần đi ngang qua Biển Đông, thì tao lại ghé vào Quy Nhơn cho chúng nó bán dầu” – “Chết! Tàu chạy trên biển, nhưng ở công ty chủ tàu nó vẫn “tracking” được đấy!” – “Công nhận mày ngu thật! Chỉ cần tắt nguồn cái Inmarsat-C và cái AIS đi thì còn ai “tracking” nổi mày” (Ghi chú: Inmarsat-C là hệ thống thông tin qua vệ tinh, hệ thống đó có tích hợp chức năng báo vị trí hiện tại của tàu về bờ. AIS là hệ thống tự động nhận dạng, hệ thống này hoạt động tầm ngắn, khi tàu gần bờ, đài “radio” duyên hải sẽ nhận dạng được).
Chuyện thứ ba: Cách đây không lâu, người thuê tàu B phàn nàn với chủ tàu là tiêu hao nhiên liệu của tàu B vượt quá định mức quá nhiều. Họ nói: Tàu B vừa mới hạ thủy, máy tàu là hãng xịn, vậy mà nhiên liệu tiêu hao quá lớn. Chủ tàu gửi điện yêu cầu tàu trả lời. Tất cả lời giải thích của máy trưởng của tàu B đều bất hợp lý. Cuối cùng bí thế, máy trưởng khai nhận là do nhận dầu (bunker) ở Singapore bị “capuchino” – tức là bị bên cấp dầu sục khí nên khi đo két để kiểm tra thì bị nhiều hơn thực tế. Có nghĩa là dầu nhận vào thực tế bị ít hơn số đã ký với bên bán. Vì vậy đành khai tiêu hao tăng lên để bù. Tất nhiên lời khai nhận đó đã khép lại cuộc điều tra. Nhưng có ai tin lời khai nhận đó? Chỉ biết sau đó chủ tàu đã trục xuất máy trưởng tàu đó và không bao giờ thuê lại nữa. Bên thuê tàu cũng đòi chủ tàu phải bồi thường năm mươi ngàn đô-la cho những thiệt hại của họ. Đó! Chúng ta, những người làm thuê cho chủ tàu, đã gây hại cho chủ tàu như vậy đó!

Những câu chuyện “ăn cây nào, đào gốc cây đó” trong giới “xích lô nước” còn có rất nhiều. Muôn hình vạn trạng. Mà những kẻ gian lận lại là những người cao cấp nhất trên tàu: thuyền trưởng, máy trưởng. Họ không hề nghèo thưa quí vị! Vậy mà họ vẫn tham một cách đến lạ! Một ngày nào đó, những ông chủ Nhật Bản sẽ cảm thấy mệt mỏi với thuyền viên Việt Nam. Họ sẽ thôi không muốn “bóc  lột” người Việt Nam nữa, họ sẽ đi “bóc lột” người nước khác. Vậy thì người Việt Nam chúng ta, nếu không muốn phải tự mình “dóc nắm xương tàn” của mình thì ngay lúc này xin hãy thay đổi đi!

Download PDF một trong 2 link dưới đây:

Bài viết bên dưới có liên quan được copy từ link: http://baonga.com/suy-ngam.nd380/nguoi-nhat-noi-gi-ve-nguoi-viet-nam.i44962.html

Người Nhật nói gì về người Việt Nam?
Thứ ba 10/06/2014 11:35 Phản hồi: 7
Anh Phạm Trọng Thức, hiện đang làm việc tại một đại sứ quán nước ngoài ở Hà Nội đã gửi tới chúng tôi câu chuyện người thật việc thật từ một công nhân 40 tuổi (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội), phần nào sẽ cho chúng ta câu trả lời Người Nhật đánh giá thế nào về người Việt Nam.

 
Ảnh minh họa

Muốn biết người Nhật thật sự đánh giá thế nào về Việt Nam thì phải nghe những câu chuyện của những người lao động trực tiếp.
Còn các nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sỹ, chính trị gia, các nhà ngoại giao, doanh nhân Việt Nam thường chỉ nghe được những lời lẽ ngoại giao từ những người đồng nhiệm với họ phía Nhật Bản nên chưa chắc đã biết được người Nhật thực bụng nhìn vào Việt Nam thế nào.
Chẳng hạn như thế này, một công nhân làm cho một công ty Nhật ở Việt Nam kể lại khi một kỹ sư Nhật về nước ông ấy không ngại ngần nói với người công nhân Việt Nam: “Người Việt các anh sẽ muôn đời khổ. Đấy là vì các anh chỉ biết nghĩ đến những cái lợi lộc nhỏ của cá nhân mà không biết nghĩ đến cái lợi lớn của chung”.
Rồi viên kỹ sư minh hoạ: “Một cái vít chúng tôi phải mang từ Nhật sang giá 40.000đ mà rơi xuống đất thì công nhân Việt Nam các anh thản nhiên dẫm lên hoặc đá lăn đi mất vì nó không phải của các anh. Nhưng các anh đánh rơi điếu thuốc lá đang hút dở giá 1.000đ thì các anh sẵn sàng nhặt lên và hút tiếp cho dù nó bị bẩn chỉ vì nó là của các anh. Hay như cuộn cáp điện chúng tôi nhập về giá 5triệu/m, nhưng các anh cắt trộm bán được có vài trăm nghìn/m. Tất cả những việc làm đó mang lại chút lợi lộc cho các anh nhưng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp vì chúng tôi phải nhập bổ sung hoăc nhập thừa so với cần thiết”.
Còn lái xe của viên kỹ sư đó thì được nghe ông ấy tặng quà có giá trị và được nghe ông ấy “tâm sự” như sau: “Tôi rất cảm ơn anh lái xe an toàn cho tôi suốt 5 năm qua. Vì anh là người bảo đảm mạng sống của tôi nên anh làm gì tôi cũng chiều nhưng anh đừng tưởng anh làm gì sai mà tôi không biết. Anh đưa đón tôi ra sân bay quãng đường chỉ hơn 30km anh khai là hơn 100km tôi cũng ký, anh khai tăng việc mua xăng, thay dầu tôi cũng ký là vì tôi cần anh vui vẻ lái xe để tôi được an toàn. Nhưng anh và các công nhân Việt Nam đừng tưởng là các anh vặt được người Nhật. Các anh nên biết rằng lẽ ra chúng tôi có thể trả lương cao hơn hoặc tăng lương nhiều hơn cho các anh. Nhưng đáng phải tăng lương cho các anh 500.000đ thì chúng tôi chỉ tăng 200.000đ. Còn 300.000đ chúng tôi phải giữ lại để chi trả bù đắp cho những trò vụn vặt hay phá hoại của các anh. Cuối cùng là tự các anh hại các anh thôi. Còn chúng tôi cũng chỉ là lấy của người Việt cho người Việt chứ chúng tôi không mất gì cả”.
Phạm Trọng Thức
Nguồn: nguyentandung.org
Trước đây mọi công dân Việt được dạy mọi tài sản là của xã hội, đánh bể một cái bình bông cũng là phá hoại tài sản chung, tài sản của XHCN. Kể từ khi Tư Bản tràn qua, giáo dục bị tiêm nhiễm xu hướng dạy về cách làm giàu, xã hội VN cổ vũ trào lưu đua đòi, văn hóa ăn chơi của nhiều nước. Vô hình chung, mong muốn thúc đẩy tính làm giàu của dân Việt đã gợi lên tính thủ đoạn. Dân nhập đồ bẩn TQ về đầu độc đồng bào, con giết mẹ, chồng giết vợ..., nhiều trường hợp chỉ vì không quá 10.000 đồng. Tất cả cũng chỉ vì cơn sốt làm giàu, cơn mê thượng lưu của giới Tư Bản mới.
Thichdieuthuc 12/06/2014
Đất nước chúng ta nghèo nên rất mong mọi người cố gắng vì những điều chung. Được như vậy đất nước sẽ phát triển người dân không khổ. Xã hội văn minh dân giầu nước mạnh không bị cường quốc ngoại xâm lăng lãnh thổ mà phải nhịn như trường xa và biển đông như bây giờ. Việt nam ơi! Cố lên nha!
Vn mới có mấy chục năm để xây dựng phát triển hả các bạn. Không lâu nữa đâu chung ta sẽ thay đổi
người việt 10/06/2014
đây là một sự thật đáng buồn,nó ảnh hưởng từ một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa cá nhân ích kỷ.moi người cùng nhau lên án để thay đổi thói quen đó thì đất nước mới phát triển văn minh được
Người Việt Nam! 10/06/2014
Quá đúng và nó như một phát tát thẳng vào mặt những kẻ chỉ biết đến món lợi trước mắt mà ko biết đến người ta nghĩ gì , sống , hành động vv... và suy nghĩ thì mang nặng tính bầy đàn, Anh có cái gì thì bằng mọi giá tôi phải có cái ấy, tất cả những thói ti tiện ấy cũng từ nền giáo dục giở ông giở thằng mà ra, nghe người ta nói vào mặt cho như vậy chả hiểu những người này đã thấy nhục mà sửa đổi chưa!!!
Xot xa ! Nhung ho noi thang , noi that , chung ta dung tu ai ma nen tiep thu de thay doi . Dung la dai bo phan nguoi minh vi cai loi truoc mat ma bo qua loi ich lau dai dung nhu cac cac cu xua van noi " tham dia bo mam "
quá đúng

NBLRR 20 Mật ngọt

Chủ đề 20: Mật ngọt
Trong sách Đức Phật và Phật Pháp một trích đoạn:
Một chàng nọ lầm lũi đi giữa một khu rừng mênh mông đầy chông gai và ghềnh đá ngổn ngang. Bỗng nhiên anh thấy sau lưng một thớt tượng to tướng rảo bước đi về phía mình. Sợ hãi anh đâm đầu chạy. Voi chạy theo. Đến trước một cái giếng cạn, anh định nhảy xuống để tránh voi. Nhưng nhìn xuống giếng anh thấy một con rắn độc nằm dưới đáy. Không còn cách nào khác nữa anh đành đeo theo một sợi dây đầy gai, lòng thòng trên miệng giếng. Tạm thoát khỏi nạn, anh ngửa mặt nhìn lên thì thấy hai con chuột, một đen một trắng, đang cặm cụi gặm sợi dây mà anh đang đeo. Lúc anh ngửa mặt lên thì từ một tổ ong phía trên, vài giọt mật nhỏ ngay vào miệng.
Anh chàng lấy làm thỏa thích, lãng quên là mình đang sống trong tình trạng bấp bênh và hết sức nguy ngập, yên trí tận hưởng vị ngọt ngào của mật. Vừa lúc ấy có một người giàu lòng bi mẫn gọi và chỉ đường cho anh thoát nạn.
Nhưng anh lễ độ xin Ngài cảm phiền chờ một chút, để anh thưởng thức hết giọt mật…
Khu rừng mênh mông và đầy chông gai là hình ảnh tượng trưng cho vòng luân hồi, trầm luân bể khổ.
Thớt voi giống như cái chết đang đuổi theo sau mỗi người.
Con rắn độc chính là tuổi già đang chờ đợi mỗi người ở phía trước.
Sợi dây đầy gai tượng trưng cho sự sống monh manh của mỗi người.
Hai con chuột tượng trưng cho ngày và đêm.
Những giọt mật ngọt ngào chính là thú vui của cuộc sống.
Người giàu lòng bi mẫn sẵn sàng chỉ lối thoát chính là Đức Phật.
Quả thật con đường thoát khỏi khu rừng đầy chông gai và cạm bẫy do Đức Phật chỉ dạy thực sự là không hề dễ đi. Một con đường duy nhất dẫn đến trạng thái tự do tuyệt đối (Niết Bàn) mà Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã ngộ ra từ hơn 2500 năm trước. Con đường đó rất khó đi, bởi nếu dễ đi thì hàng bao nhiêu người đã có thể đi và đạt đến đích rồi.

Vì sao lại khó đi đến thế? Chính là bởi tại mật ngọt của cuộc đời đã làm người ta bị chướng duyên trên đường đi tìm giác ngộ. Những sự thỏa mãn Tham, Sân, Si nhất thời chính là những mật ngọt đó. Chỉ khi nào, người ta nhàm chán những ô trược đó và trở nên hồn nhiên như đứa trẻ người ta mới có thể đi theo Phật.

Download PDF một trong 2 link dưới đây:

NBLRR 19 Trên đường đời gió bụi...

Chủ đề 19: Trên đường đời gió bụi...
Ngày 12 tháng Bảy năm Nhâm Thìn, mùa Vu-lan Thắng Hội[1], khắp cả các ngôi chùa đều tấp nập người vào ra, đạo tràng Phật Minh cũng có kế hoạch đến dự lễ cầu siêu[2] ở chùa Cao Linh.
Sáng đưa cu Đức đến trường rồi lóc cóc đạp xe đến chùa. Nghĩ thế nào mình lại đi vòng qua cổng chùa An Đà, mọi người đang ngồi trên xe ô-tô gọi mình lên đi cùng, thế là thôi không đạp xe nữa mà gửi xe vào chùa An Đà để đi ô-tô cùng mọi người.
Có lẽ trên đường đi cũng có nhiều người bán tín bán nghi về lời đồn đại gần đây liên quan đến chùa Cao Linh. Nhưng khi xe lên đến cổng chùa, thấy Phật tử đông như đi hội, rồi khi gặp thày trụ trì thì mọi sự vương vấn trong tâm về những lời đồn độc địa bị tan biến hết.
Một Phật tử nói với thày: “Bạch thày, người ta đồn đại thật là ác độc!”
Thày cười hiền từ và trả lời bằng giọng miền Nam rất nhẹ nhàng nhưng rất rõ nét: “Là đệ tử Phật, nương theo Chánh Pháp để tu tâm thì đừng bị lay động bởi những lời đồn vô căn cứ nha!”
Chương trình lễ cầu siêu[29]:
Sáng: từ 08:30 đến 11:30 nghi lễ cầu siêu tụng kinh A-Di-Đà[3] và đọc lời khấn nguyện.
Trưa: tất cả các Phật tử cùng thọ chay với các tu sĩ trong chùa.
Chiều: tụng kinh Vu-lan[4] báo hiếu, nghi lễ cúng thí thực, nghi lễ cúng chúng sanh[5].
Đang trong lúc tụng kinh A-Di-Đà[30] chợt nhìn thấy bà ngoại của cu Đức, ra hỏi thăm thì được biết bà tự đạp xe một mình tìm lên đến nơi.
Kết thúc khóa tụng kinh buổi sáng, mình lấy xe đạp của bà ngoại đám trẻ chở bà quay về thành phố. Bà ngoại đám trẻ thương con rể cứ thỉnh thoảng lại bảo “hay là để mẹ chở con một đoạn”, rồi lúc sau lại bảo “con cứ đi trước đến đoạn nào rồi chờ mẹ để mẹ đi bộ cho khuây khỏa”. Nghe bà nói, mặc dù chở bà mệt bở hơi tai vì lâu rồi đi xe đạp một mình chứ có chở ai đi xa thế bao giờ, nhưng thấy vui vui.
Nhưng về đến Lê Lợi còn cách chùa An Đà một khúc đường thì có vẻ như chiếc xe non hơi không chịu nổi sức nặng, nên bà ngoại đám trẻ bảo “con cứ đi trước đi”, rồi bà nhảy xuống đi bộ. Bà đi bộ từ đó về đến tận chùa An Đà.
Mình lấy xe đạp ở chùa An Đà rồi bảo với bà: “bà về trước, con lên cơ quan có chút việc” (nói dối đấy). Mình đạp xe thẳng ra quán “chè Huế” trên đường Lê Lợi, kêu một ly chè đậu đỏ để giải khát.
Vừa ăn được mấy miếng, chợt ngửng lên thấy một người đàn ông đang đứng dựa vào một bên cửa quán. Nhìn người đàn ông đó có dáng vẻ của một người nghèo và có vẻ như đang đói. Người đó vẫn đứng đó và đưa mắt nhìn ngắm những khách đang ăn chè. Quần áo người đó chắc lâu ngày không giặt, bản thân chắc cũng lâu ngày không tắm nên từ đầu đến chân có một lớp ghét cáu lại trên da thịt màu đen đen ghê ghê. Thực sự lúc đó mình đoán là người đó muốn xin ăn, mình định gọi hỏi điều gì đó nhưng lại sợ xúc phạm đến lòng tự trọng của người ta.
Mấy người khách ở chiếc bàn phía ngoài cửa đứng dậy ra về hết, người đàn ông đó liền tiến đến chiếc bàn đó và ngồi xuống. Trên bàn đó còn duy nhất một cái ly nhựa dùng để uống nước. Người đàn ông đó cầm cái ly lên tần ngần nhìn vào đáy ly rồi có vẻ như nuối tiếc úp ngược cái ly xuống mặt bàn. Sau hành động đó mình đã dám chắc đến 99% là người đó đang rất đói. Mình nhìn thẳng vào ông ấy và thực sự mình mong người đàn ông đấy sẽ tiến về phía mình để xin. Nhưng người ấy nhìn mình giây lát rồi như là thư thái dựa người vào lưng ghế ngoảnh quay mặt ra nhìn đường. Trong quán chỉ còn có mình và người đàn ông đó.
Mình vẫn tiếp tục quan sát người đàn ông đó, và chỉ một chút sau ông ấy quay lại nhìn mình. Lúc này mình đã cảm thấy cái thời điểm cần phá vỡ bức tường ngăn cách. Mình dơ tay vẫy người đàn ông đó. Thật lạ! Ông ấy không tiến về phía mình, vẫn ngồi ở đó và nở một nụ cười méo mó. Mình cất giọng hỏi nhẹ: “Có đói không?” Lúc ấy vẫn có cái gì đó phân biệt trong mình, bản ngã của mình vẫn quá lớn, không đủ bi mẫn để coi như người ta cũng bằng mình, nên mình đã hỏi trống không. Nhẽ ra mình phải hỏi là “Anh có đói không?”
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật! Người đàn ông đó vẫn méo mó cười và gật đầu. Mình hỏi tiếp: “Có ăn chè không?” (vẫn nói trống không)
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật! Người đàn ông đó vẫn méo mó cười và gật đầu. Mình liền gọi cậu thanh niên trông quán: “Em ơi! Cho anh ly chè cho ông này!”
Mình tắt chiếc quạt tại bàn mình, bật quạt tại bàn của người đó, cầm theo ly chè, bê theo bình nước và ly uống nước ra ngồi cùng bàn với người đàn ông đó.
Cậu thanh niên mang ra cho người đó ly chè. Người đàn ông bắt đầu dùng thìa để trộn lớp đá bên trên xuống dưới. Một số viên đá nhỏ li ti như hạt gạo rơi ra ngoài, người đàn ông đó liền vội vàng lấy tay nhặt bỏ lại vào trong ly. Người đàn ông vẫn từ tốn dùng thìa trộn đều ly chè.
Người đàn ông bắt đầu ăn những miếng đầu tiên nhỏ và nhẹ và không vội vàng. Mình lại hỏi:
-         Có biết bây giờ đang mùa Vu-lan báo hiếu không?
-         Ừ!
-         Vậy thì chịu khó vào chùa lễ Phật nhé!
-         Ừ!
-         Vào chùa, thấy tượng Phật, quỳ xuống, chắp hai tay thành búp hoa sen thế này này rồi niệm “Nam mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, rồi vái một cái mình gieo sát đất nhé!
-         Ừ!
-         Rồi sau khi sư thày cúng xong thì xin đồ mà ăn cho đỡ đói, chứ cứ lang thang ngoài đường thế này thì lấy gì mà ăn.
-         Ừ!
Mình đã ăn xong ly chè của mình và trả xong tiền, mình lấy 10k đưa cho người đàn ông đó và nói:
-         Cứ ăn đi nhé! Tiền trả rồi, cho thêm đồng này mua cái gì mà ăn cho đỡ đói. Rồi vào chùa lễ Phật nhé!
-         Ừ!
Thế rồi mình lên xe đạp thẳng đến văn phòng cơ quan.
Sau khi đi rồi, trong tâm mình áy náy và hối hận rất nhiều. Mình đã không vượt qua được sự chấp ngã của bản thân. Đức Phật dạy: “tất cả chúng sanh đều bình đẳng như nhau” vậy mà mình đã không nhớ được điều đó khi nói chuyện với người đàn ông đó. Những câu nói của mình đều là những câu nói trống không, không có chủ ngữ. Thực ra mình không muốn xem thường người ta, nhưng có lẽ cái bản ngã của mình còn quá lớn nên mình đã không nói được câu nào cho đầy đủ chủ ngữ và vị ngữ. Nam-mô Bổn sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật! con xin sám hối, tội diệt, phước sanh[6].
Mình còn hối hận một điều nữa là không hiểu là mình đã thực sự cố gắng trong việc giúp người đàn ông đó chưa? Đức Phật dạy rằng: “việc giúp người tài vật chỉ là việc nhỏ, nếu chỉ giúp về tài vật mà không gieo duyên cho người ta được gặp Chánh Pháp thì chẳng có mấy ý nghĩa”. Mình cầu mong người đó sẽ đến chùa để lễ Phật! Nam-mô Bổn sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật! con xin sám hối, tội diệt, phước sanh[33].



2014 ghi:
[1] Mùa Vu-lan là mùa lễ báo hiếu. Người ta bảo lễ Vu-lan có nguồn gốc Phật giáo. Vì câu chuyện nguồn gốc được gán cho tôn giả Mục-kiền-liên là một trong 10 đại đệ tử của Phật. Tuy nhiên, câu chuyện nguồn gốc đó là do Đại Thừa đưa thêm vào, chứ không phải là Phật.
[2] Lễ cầu siêu cũng là của Đại Thừa đưa vào gán cho đạo Phật.
[3] Kinh A-Di-Đà cũng là do Đại Thừa gán vào Phật giáo.
[4] Kinh Vu-lan cũng là do Đại Thừa gán cho Phật giáo.
[5] Cũng như lễ cầu siêu, nghi lễ cúng chúng sanh, cúng thí thực không phải là những gì Phật dạy.
2014 ghi:
[6] Đức Phật không ban phước hay giáng họa cho ai, vì vậy những câu niệm Phật là những câu mà Phật tử tự nhắc nhở bản thân mình nghĩ thiện, nói thiện, làm thiện

Download PDF một trong 2 link dưới đây: