HỘI NÁT BÀN
Lòng Vòng Trong Bãi Tha Ma
Thông thường, con người ta phải cật lực lao động để giải quyết nhu cầu sinh sống của mình. Mấy vạn năm nay, ai cũng hiểu thế nào là “tay làm hàm nhai (vì) tay quai miệng trễ!”
Nhưng chuyện lạ xảy ra: con người ta không sản xuất những gì mình cần có hàng ngày mà lại làm ra vật khác. Đó là hậu quả của cuộc cách mạng kỹ nghệ, xuất phát từ nước Anh và lan rộng qua Tây phương. Chuyện lạ hơn nữa, việc sản xuất “bất thường” đó còn huy động nhiều người tham gia: chủ nghĩa tư bản ra đời.
Nhiều bậc thông thái đã tìm hiểu và giải thích hiện tượng đó, tùy khả năng và giác độ của từng người.
Trong đám đông thông thái đầy thiện chí đó, một nhà thơ, nhà báo có tài về bút chiến kiêm nhà luân lý cho nhân loại đã bập bõm giải thích – lại còn khoác áo “khoa học” cho cách giải thích nhiêu khê và đầy mâu thuẫn của mình. Đấy là Karl Marx, một kẻ chưa hề biết rằng khoa học là tìm hiểu và kiểm chứng một hiện tượng với sự khách quan để định ra các quy luật, cả nhân văn lẫn vật lý.
Không sao! Ông tự cho mình là nhà luân lý có nhiệm vụ cứu vớt nhân loại. Bề nào thì Thượng Đế cũng đã chết rồi!
Nhiều người nghe theo, kể cả ở hai xứ đông dân nhất thế giới là Nga và Trung Hoa. Hậu quả là mấy trăm triệu người mất mạng….
Nhưng vì sao Karl Marx sanh tại Đức năm 1818 và lưu vong qua Anh từ năm 1849 cho tới khi mất vào năm 1883 mà dân Đức hay dân Anh lại không nghe lời ông đi làm “cách mạng”, dù nước Anh đã sớm tiến hành cuộc cách mạng kỹ nghệ?
“Cách mạng” của Marx thành công ở những nơi dân trí thấp nhất mà có một tổ chức cướp chính quyền điệu nghệ nhất. Sau khi cướp chính quyền, họ muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa để tiến lên cộng sản chủ nghĩa như Marx tiên đoán và răn dậy.
Nhưng xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa là gì, họ không biết.
Marx cũng vậy.
Chi bằng xóa trước xây sau! Rồi vừa xây vừa học, cho nên “Cách mạng” của Marx chỉ là sự tàn phá xưng danh "cải tạo"….
Một vài quốc gia theo cộng sản đã biết rằng sai nhưng chưa biết thế nào là đúng. Nên bèn… đi tắt: bắt chước tư bản chủ nghĩa! Tại sao phải lòng vòng trong bãi tha ma rồi mới tìm ngõ lách ra?
Câu trả lời: “muôn đời đảng ta vẫn có lý!”
Marx nói đúng về hiện tượng bóc lột, mà lầm nơi: “tay quai miệng trễ” là tay dân làm, hàm đảng nhai, hay “chuyên chính vô sản” là chuyên chính trên đầu giai cấp vô sản….
___________
Nhân đây, xin đọc lại xuất xứ các danh ngôn của Marx (rồi bàn thêm cho vui):
“Chế độ chuyên chính vô sản” (của Auguste Blanqui)
“Làm theo năng suất, hưởng theo nhu cầu” (của Louis Blanc)
“Giai cấp vô sản không có gì để mất, trừ xích xiềng của họ” (của Marat)
“Tôn giáo là nha phiến của nhân dân” (của Heine)
“Công nhân của mọi quốc gia, hãy đoàn kết lại!” (của Karl Schapper)
-------------
Marx không thực hiện một công trình nghiên cứu có hệ thống về tư bản chủ nghĩa. Là nhà báo có biệt tài về bút chiến, mỗi ngày ông viết một bài, sau gom lại thành cuốn Tư Bản Luận (Capital). Ông chết rồi, Engels mới tìm các bài cũ, gom lại thành cuốn 2 và 3. Vì vậy mới tạp nhạp và đầy mâu thuẫn, không có giá trị khoa học!
----------------
Thinh Pham
Tay Marx toàn trích dẫn mấy lời nói của những tay trí thức tháp ngà (theo kiểu học cao, nổi tiếng hay có địa vị trong lĩnh vực hẹp nào đó) ở Pháp và Đức, rồi dùng cái đó để biện minh cho lập luận của mình để bắt "toàn dân" theo như vậy.
Vấn đề của những người này là nghĩ họ luôn đúng, và nguy hiểm hơn là bắt người khác phải sống trong cái trật tự xã hội họ mơ tưởng (dù có thể chưa hẳn ý xấu). Mà quên rằng, mỗi người ai cũng có quyền lựa chọn lẽ sống cho cuộc đời họ, được tự do quyết định cho chính cuộc đời họ. Họ quyết sai thì họ chịu, hà cớ gì phải ép họ vô con đường một thiểu số nghĩ đó là hay cho những người mà đám thiểu số trí thức ấy tin rằng không sáng suốt bằng mình?
Bọn khốn nạn thì dùng những lập luận trên, xoay ngược và kiểm soát từ trên xuống nhằm xây dựng một chế độ khốn nạn độc tài hay toàn trị như nhiều chế độ xã hội loài người từng đó.
Có lẽ, chừng nào mà con người ta còn tự cho mình cái quyền quyết định thay cho người khác chuyện của chính người đó thì chừng đó những chuyện tồi tệ sẽ lặp đi lặp lại. Và chừng nào con người ta không thoát khỏi sự mị hoặc của "phụ thuộc" thay vì cuộc đời mình, mình quyết định, mình sống, bất cần phụ thuộc ai, kể cả chính quyền thì chừng đó người ta còn bị lừa dối.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét