Hôm nay, ngày Thứ Sáu đầu tiên của Tháng 12, Bộ Lao Động Mỹ công bố thống kê về nhân dụng của Tháng 12, với các điều chỉnh về tình hình trước đó. Xin khỏi nói về vụ này vì chuẩn bị bài về Argentina với Tổng thống mới là Javier Milei.
Nhưng trước hết, vẫn phải trở về với kinh tế Trung Cộng có lãnh đạo đang đòi ngồi trên đầu dân Việt Nam. Ta mong chúng chẳng ngồi lâu và lấy khái niệm hình học mà nói về hình tròn bốn góc. Làm cóc gì có hình tròn mà lại bốn góc? Thì đó là trò gian của con cóc đòi làm cậu ông trời - và xin giải thích, rằng trò đó bất khả.
Dù khả ố mà vẫn không khả thi. Mà tại sao? – Xin được trả lời qua từng bước lý luận sau đây…
ĐÀ TĂNG TRƯỞNG
Ai theo dõi kinh tế Trung Cộng đều biết đà tăng trưởng của Tổng sản lượng Kinh tế GDP chỉ ở mức 2%-3% - là nhiều. Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Âu Châu công nghiệp hóa cũng đã qua thời kỳ “bằng phi” là bay ngang sau khi cất cánh với giác độ rất cao… Ai theo dõi tình hình chính trị thì biết thêm lãnh đạo Bắc Kinh – vốn mắc bệnh chủ quan duy ý chí – thì muốn đà tăng trưởng phải ở khoảng 4%-5% một năm suốt thập niên tới.
Muốn như vậy thì họ phải làm những gì?
Giới kinh tế gia của đảng – thị trường Hoa lục có sản phẩm này – đã vò đầu nghiên cứu và rầu rĩ tranh luận thì thấy chỉ có hai cách để vẽ ra một hình tròn bốn góc cho lãnh đạo vui lòng.
Một cách là duy trì chiến lược cũ: lấy đầu tư rất cao làm lực đẩy cho khu vực chế biến tạo ra công việc làm với tốc độ tăng trưởng sẽ ở khoảng bốn-năm phần trăm như chỉ tiêu của đảng và với sức đóng góp của khu vực chế biến.
Cách thứ nhì là hiện đại hóa. Sau khi cất cánh từ quãng 1980 thì mấy chục năm đã đạt mức tăng trưởng rất cao nhưng chu kỳ ấy đã hết. Vì vậy, phải giảm sức đầu tư và thay thế bằng nâng mức tiêu thụ của thị trường nội địa.
Sau khi thế hệ lãnh đạo thứ tư là Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo vẽ ra giấc mơ đó mà không thành, Tập Cận Bình đã viết thành lời khi lên lãnh đạo từ Đại hội Khóa 18, cuối năm 2012. Vậy mà việc cải cách cơ chế kinh tế để gia tăng khả năng tiêu thụ nội địa vẫn không được thi hành trong thực tế. Cho nên 10 năm sau – là ngày nay – vẫn chỉ là giấc mơ.
Xin tóm tắt nhé? Hai xu hướng do các kinh tế gia của đảng đề nghị là 1) lại đầu tư mạnh như cũ, hoặc 2) lấy tiêu thụ làm lực đẩy thay cho đầu tư, cả hai đề nghị vẫn dậm chân tại chỗ. Cái mưu vẽ ra vòng tròn bốn góc là vậy. Mà tại sao?
BỐI CẢNH KINH TẾ SỬ
Nhờ biết (và biết dùng) khoa học, kể cả toán học, vào phương pháp vận trù kinh tế, các chuyên gia kinh tế của đảng thường có ưu điểm là thực tế hơn thành phần chuyên trách về lý luận. Nhưng vì là đảng cộng sản Trung Hoa, họ vẫn bị chữ “trung” làm tối dạ. Tức là nghĩ xứ sở là trung tâm của thiên hạ nên quên hẳn một thực tế: nếu ta co duỗi thì ảnh hưởng đến người mà cũng bị người chi phối!
Nôm na là thời Mao còn đòi bế quan tỏa cảng, chứ ngày nay nền kinh tế đã có sản lượng hạng nhì thế giới nhờ làm ăn buôn bán với thế giới. Thế rồi, điều Bắc Kinh muốn sẽ chi phối thị trường quốc tế ra sao nhưng lại bị ảnh hưởng quốc tế như thế nào?
Hết là kế toán nội địa với hai vế lời lỗ mà là kế toán bốn góc lời-lỗ-trong-ngoài. Mà cố giải quyết sao cho vui vẻ tròn trịa! Thưa: chữ trịa đó của chúng ta chính là chữ trị, như chính trị!
Quý vị đã loáng thoáng thấy ra bốn góc của hình tròn chưa? Cho dễ hiểu thì xin nêu vấn đề nhức óc một cách đơn giản:
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, ngạch số đầu tư trung bình của các nước chiếm 25% của Tổng sản lượng GDP – xê xích giữa 23% và 27%. Các nước công nghiệp hóa thì có tỷ lệ thấp, từ 18 đến 20%, các nước ‘đang phát triển’ (tức là nghèo) thì đầu tư nhiều hơn, trung bình khoảng 30-40% của GDP. Xứ Điền Đô vĩ đại có tỷ lệ đầu tư hiện ở khoảng 42-44% GDP!
Khỏi hành hạ quý vị với khái niệm ICOR (incremental capital output ratio) là phải đầu tư bao nhiêu thì nâng sản lượng được một đơn vị, ta chỉ cần biết hệ số ICOR càng cao là phải đầu tư càng nhiều, điều ấy có nghĩa là năng suất đầu tư thấp!
Bây giờ, xin ngoáy dao vào vết thương của đế quốc Điền Đô: đồ điên có tỷ lệ đầu tư chưa khi nào thấp hơn 40% GDP mà lại lên tới 47% trong hai năm 2010-2011. Ôi, ngẫu nhiên sao, đó là khi sản lượng kinh tế xứ này vượt Nhật Bản để chiếm hạng nhì. Trong cuộc chạy đua điền dã (marathon), Bắc Kinh cho lực sĩ kinh tế uống thuốc bổ… Nay đang hụt hơi.
Bây giờ, làm sao kích thích kinh tế khiến đà gia tốc sản lượng từ 2-3 lên tới 4-5 phần trăm một năm? Bài toán trong nội địa là tìm lực đẩy thay thế đầu tư…
Ra khỏi đường tuyến ‘đầu tư - sản lượng’, ta ngó vào đường tuyến kinh tế có tầm then chốt về xã hội là ‘tiêu thụ - sản lượng’. Thị trường – là người dân – tiêu thụ bao nhiêu phần trăm của sản lượng?
MÀU SẮC TRUNG HOA LÀ MÀU BA HOA
‘Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Nhăn răng’ có mức tiêu thụ rất thấp. So với trung bình của các nền kinh tế lớn trên thế giới thì thuộc loại thấp nhất. Ngày xưa khi còn ăn mắm mút giòi theo kiểu Mao thì thiên hạ hiểu. Chứ hơn 40 năm sau khi cải cách và hơn 10 năm sau khi vượt Nhật về sản lượng mà tỷ trọng tiêu thụ của các hộ gia đình Trung Quốc vẫn quá thấp.
Nói vậy, những kẻ muốn bênh vực Trung Cộng sẽ đòi cãi. Xin cho chúng câm họng: theo Ngân hàng Thế giới, Tổng sản lượng kinh tế Trung Cộng trị giá 18 ngàn tỷ đô la một năm, bằng khoảng 18% của GDP toàn cầu, chỉ sau Hoa Kỳ, có sản lượng bằng 25% của toàn cầu.
Nhưng, cái khốn nạn của chế độ tự xưng ‘xã hội chủ nghĩa’ là tiêu thụ của nền kinh tế chỉ bằng 13% tổng số tiêu thụ toàn cầu, trong khi đầu tư vẫn chiếm 32% tổng số đầu tư thế giới. Khi chúng ba hoa gọi đó là ‘xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa’ ta hiểu ngay màu sắc ba hoa đó chỉ là bất công.
Khi báo chí Tây phương lè lưỡi ca tụng xứ này có nhiều tỷ phú nhất thế giới, ta hiểu rằng lấy tiêu thụ của thị trường nội địa làm lực đẩy thay cho đầu tư là điều bất khả. Xin khỏi làm quý vị nhức đầu nên chưa châm vào đó bài toán nợ nần với chi tiết linh tinh về lãi suất, phân lời và hối suất…. Chút nữa sẽ nói.
Bây giờ, xin nhìn vào cục diện quốc tế.
ĐẤU TRÍ HAY ĐẤU LỰC QUỐC TẾ?
Lãnh đạo Đế quốc Điền Đô có thói độc thoại như kẻ mộng du nói điều mê sảng. Nhưng khi đã mở cửa làm ăn với thế giới thì mọi nghiệp vụ mua hay bán, vay hay trả, v.v. đều có sổ sách phân minh, được thiên hạ bút ghi và lưu trữ. Vì vậy, có thể Bắc Kinh không cho dân biết chứ quốc tế lại biết, và phổ biến cho những ai cần biết.
Nhờ vậy chúng ta mới thấy ra bài toán nan giải của Bắc Kinh:
Giới kinh tế của đảng nêu ra bài toán bốn góc là làm sao đẩy nền kinh tế có đà gia tăng sản lượng từ 2-3 lên 4-5 phần trăm một năm trong vòng mươi năm tới? Nếu đạt kết quả giả định ấy thì GDP của xứ này sẽ từ 18% toàn cầu tăng được ba điểm bách phân lên tới 21% của toàn cầu, trong khi đầu tư tăng hơn năm điểm, từ 32% lên gần 38% mà tiêu thụ chỉ tăng hai điểm, chưa bằng 15% tổng số tiêu thụ toàn cầu.
Diễn giải lại bài toán giả định ấy thì kinh tế xứ này có sức đầu tư bằng 38% của thế giới, để nâng sản lượng từ 18% lên 21% GDP toàn cầu, mà chỉ tiêu thụ 15% tổng số tiêu thụ toàn cầu?
Trên thế giới, suốt trăm năm qua, muốn có một đồng đầu tư thì người ta cần tiêu thụ ba đồng. Vậy mà kinh tế trong giấc mơ Bắc Kinh lại chỉ tiêu đồng rưỡi mà có một đồng đầu tư. Giả thuyết lý tưởng đó có nghĩa tổng số đầu tư tại Hoa lục sẽ từ 32% lên tới 38% và các nước khác phải giảm đầu tư, chỉ còn 19% toàn cầu để đạt kết quả tổng hợp.
Tại sao như vậy? Vì nếu các nước tiếp tục đầu tư như trước thì kinh tế thế giới sẽ khủng hoảng do nạn đầu tư dư thừa.
Các nước khó chiều lòng Bắc Kinh như vậy, và rất ngoại giao, cho giới kinh tế của xứ này biết: tổng số nợ của quý quốc đang là gần 300% của Tổng sản lượng GDP sẽ vọt lên con số hãi hùng cho quý vị là 450-500% GDP! Giải pháp của giới kinh tế Bắc Kinh là đạp xe cho lẹ - đặng lao xuống vực.
Cũng trong phương cách nâng đà tăng trưởng lên 4-5% một năm thì ngoài 1) giấc mơ tiêu thụ nội địa không thể có, và 2) nâng mức đầu tư rất khó cho quốc tế lại còn giải pháp 3) nâng phần đóng góp của khu vực chế biến (manufacturing sector). Giải pháp chế biến này rất đáng yêu vì có thể đáp ứng nhu cầu nhân dụng: tìm ra việc làm khi số thất nghiệp của giới trẻ đã vượt 23%.
Thì ta lại từ cục diện toàn cầu mà xoáy vào Trung Cộng: trong trăm năm qua, khu vực chế biến được ước tính là 16% GDP của thế giới, và xê xích giữa 13 đến 17%. Chỉ riêng nền kinh tế của đấng con trời đỏ lại hiên ngang đứng ở ngoài biên với tỷ lệ 28%! Con số vĩ đại ấy chưa nghĩa lý gì, vì suốt thời kỳ 2010-2020, phần đóng góp trung bình của khu vực chế biến là 32% rồi sụt chút đỉnh vì hiệu ứng đại dịch và nạn bể bóng đầu cơ về gia cư địa ốc, ngày nay sẽ lại tăng.
Khi kinh tế Trung Cộng lệ thuộc quá nhiều vào khu vực chế biến như vậy thì đấy là vấn đề cho các nước đối tác kia. Tại sao?
Chúng ta lại nhìn vào các con số tổng hợp: nền kinh tế có sản lượng hạng nhì toàn cầu đã sản xuất ra 18% GDP của thế giới mà chỉ tiêu thụ có 13% tổng số tiêu thụ của thiên hạ, tức là góp phần tiêu thụ quá thấp cho kinh tế toàn cầu. Nay lại còn muốn có tốc độ tăng trưởng là 4-5% một năm suốt trong 10 năm tới mà vẫn duy trì vai trò quá lớn, tới 31% toàn cầu của khu vực chế biến. Chiến lược kinh tế đó gây thiệt hại cho các nước vì họ phải hạ phần đóng góp của khu vực chế biến cho toàn cầu và còn chịu đựng nạn nhập siêu (nhập nhiều hơn xuất cảng) trong luồng giao dịch với kinh tế Trung Cộng.
Giảm chế biến là có vấn đề sản xuất, nhân dụng và xã hội lẫn xuất nhập cảng trong các nước. Nếu ta chưa hiểu thì xin nhớ tới phản ứng gay gắt của Hoa Kỳ khi Donald Trump là Tổng thống! Chẳng phải vì Trump điên mà vì không giải thích cho truyền thông dốt nát của Mỹ.
***
Bài này đã quá 2.100 chữ nhưng ít ra cũng giúp quý vị thấy ra vài điều như một tạm kết:
Trung Cộng cần tái quân bình những lệch lạc thái quá đã tích lũy từ lâu khi đề ra một đà tăng trưởng chỉ có trong mơ.
Nếu đóng cửa chia bài trong nhà thì các hộ gia đình có sức tiêu thụ quá yếu để kéo Hoàng đế Tập Cận Bình lên Quang Minh Đỉnh.
Nếu lại nhìn ra ngoài, các nền kinh tế khác cũng chẳng thể chiều lòng Thiên Triều Đỏ, khi các chiến hạm và trò ma của Thiên Tử hàng ngày hăm dọa các bạn hàng.
Thành thử lãnh đạo xứ này vẫn chỉ loay hoay vẽ hình tròn bốn góc. Hoặc tự hỏi nhau về bộ óc của họ Tập!
Kính chúc cuối tuần vui vẻ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét