Thứ Tư, 13 tháng 12, 2023

Nguyễn Xuân Nghĩa - ĐẤT HIẾM TRONG CHUYẾN THĂM VIẾNG HIẾM HOI

Lãnh đạo Hà Nội có thể tự hào là trong năm 2023 họ đã bắt tay cả hai siêu cường Hoa Kỳ và Trung Quốc. 

Họ đã gặp Tổng thống Joe Biden hồi Tháng Chín để nâng quan hệ Việt-Mỹ lên cấp “đối tác chiến lược toàn diện”, rồi trong hai ngày 12-13 tháng này đón Chủ tịch Tập Cận Bình, lần đầu tiên với tư cách quốc khách kể từ sáu năm trước, năm 2017.

Chuyến thăm viếng của Tập Cận Bình được Ngoại trưởng Vương Nghị tới Hà Nội chuẩn bị từ đầu Tháng 12 và đôi bên thông qua bản tuyên bố chung để cho thấy quan hệ giữa hai nước đã được nâng cấp. Ngoài ra còn một số dự án cụ thể giữa hai nước…

Về bối cảnh thì sinh hoạt ngoại giao giữa hai chính quyền đã dồn dập từ đầu Tháng 11: giới chức cao cấp đôi bên liên tiếp gặp nhau tại Bắc Kinh, Hà Nội và Sàigon (xin dùng tên tương lai của thành phố, như Leningrad lại trở về tên Saint Petersburg) để thảo luận về đường biên giới, quan hệ hải dương, ngoại thương, hoặc đầu tư của Trung Quốc vào khu vực cao kỹ (hi-tech) của Việt Nam.

Có chi tiết đáng lưu ý, theo cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (United States Geological Survey) Việt Nam có trữ lượng “đất hiếm” (rare earth) ở khoảng 22 triệu tấn, đứng hạng nhì sau Trung Quốc. Dự án nâng cấp xe lửa nối liền Hải Phòng với Côn Minh (của tỉnh Vân Nam) vừa được Vương Nghị thỏa thuận sẽ đi qua khu vực Tây Bắc của Việt Nam, là nơi có mỏ đất hiếm lớn nhất… 

Chúng ta tự hỏi vì sao Bắc Kinh giúp Hà Nội khai thác thứ kim loại hiếm đó, với những điều kiện gì? Khi đó, ta nên nhìn rộng ra ngoài…

Bắc Kinh theo dõi động thái của Hà Nội và biết Việt Nam cố kết giao với các cường quốc đối nghịch với Trung Quốc (Mỹ, Nhật, Ấn), để phần nào quân bình lại quan hệ đa phương và tránh bị lệ thuộc vào một nước đàn anh có nhiều tham vọng.

Khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ (như ngang hàng với Trung Quốc và Liên bang Nga), thì Bắc Kinh cần nhắc nhở là đừng quá đong đưa như vậy. 

Đường xe lửa Hải Phòng – Côn Minh được Pháp thiết lập từ 1904-1910, nay được Bắc Kinh hiện đại hóa như một món quà về hạ tầng cơ sở giao dịch giữa hai nước. Lồng bên trong là việc khai thác đất hiếm và thuật lý cao cấp để Hà Nội nhớ ai là bạn hàng số một, mà cũng là một đồng chí đàn anh. Nếu lãnh đạo Hà Nội vẫn muốn đu dây thì sẽ biết thế nào là phũ tay tồi tàn, về cả an ninh lẫn kinh tế.

Khi đó ta mới để ý đến việc Thủ tướng Căm Bốt là Hun Manet (con trai của Hun Sen) cũng thăm Việt Nam trong hai ngày 11-12. Từ đó, ta có thể đoán ra một thượng đỉnh tay ba Tầu-Việt-Miên và Thủ tướng Miên sẽ nhắc nhở đến… sự chung thủy - dù y biết Hun Sen được Hà Nội đưa về Nam Vang mà sau đó thờ Bắc Kinh, có lời hơn theo Hà Nội.

Chữ chung thủy giữa phường đạo tặc phải có sự co giãn chứ!

Nhưng Hà Nội cũng cần đeo một vòng hoa tươi lên cổ cho quần chúng ngắm nghía: Việt Nam đang thành… cường quốc cấp vùng, cho nên đã gặp lãnh đạo của Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc. Nhân dịp, loa phường của đảng sẽ ca tụng sự kiện là trong năm 2023, Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ ra nước ngoài có bốn lần, và lần thứ bốn là đến Việt Nam! Dân ta chắc là sẽ bấn lên vì hãnh diện. (ông Nghĩa hẳn là không vô ý dùng chữ "bốn lần" và "bấn lên") 

Từ đó, cõi Ba Đình cũng cho nhân dân biết là trong tương lai, Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ với các nước như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Ấn Độ và Úc. Và Việt Nam sẽ không lệ thuộc vào nguồn cung cấp võ khí chính yếu là Nga. Quan hệ quá khắng khít của Vladimir Putin với Bắc Kinh làm Hà Nội thấy nhờn nhợn. Nhưng đấy là bước tế nhị, vừa đi vừa ngước nhìn xem đàn anh phương Bắc có cau mày hay không.

Nói tới võ khí thì người ta không quên Việt Nam chưa có khả năng khai thác trữ lượng đất hiếm của mình và đang được Hoa Kỳ và Úc trợ giúp về kỹ thuật. Washington ủng hộ kế hoạch Việt Nam gọi thầu cho giới đầu tư quốc tế tham dự vào khu vực này trong năm 2024. Các doanh nghiệp Mỹ, Nhật, Úc và Âu Châu có thể hiện diện từ cuối năm 2024. Khi đó, ta càng nên tìm hiểu điều kiện của Bắc Kinh trong dự án đất hiếm cho Việt Nam. 

Vì đấy cũng là võ khí.

Trung Quốc cung cấp hơn 90% lượng đất hiếm cho các nước và có thể phong tỏa nguồn cung cấp như đã làm với Nhật năm 2010 vì tranh chấp trên quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh nhận là của mình với tên Điếu Ngư Đài. Vì vậy, các nước công nghiệp như Hoa Kỳ, Nhật, Âu Châu, Úc và Nam Hàn, v.v.. đều muốn có nguồn cung cấp khác. 

Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn cùng nghĩ đến Việt Nam như giải pháp thay thế. 

Nếu Việt Nam hoàn tất được sự cam kết ban đầu thì sẽ có thêm nhiều quốc gia thân hữu khác. Hà Nội phải cho các bạn hàng tiềm thế đó biết rõ về chủ quyền của Việt Nam, chứ không là một chư hầu của Bắc Kinh.

Năm 2017, người ta thấy Hà Nội có vẻ ngần ngại với đề nghị của Bắc Kinh là tham gia vào “Cộng Đồng Chung Vận Mệnh”. Đó là khẩu hiệu của Hồ Cẩm Đào từ thời 1997, về sau được Tập Cận Bình khai triển như một vành đai thịnh vượng cho các nước thành viên - nhưng dưới sự lãnh đạo của Bắc Kinh. Khi đó, hai nước láng giềng của Việt Nam là Lào và Miên đã sốt sắng tham gia, năm 2017 và 2018. 

Lần này, Tập Cận Bình tất nhiên sẽ thúc giục Hà Nội tham gia, để đánh dấu 15 năm quan hệ đôi bên lên tới cấp chiến lược toàn diện. Có khi lãnh đạo Hà Nội cho là hệ thống cộng đồng chung không có điều kiện ràng buộc quá chặt chẽ nên Việt Nam vẫn có thể tham dự mà lại luồn lách để có quan hệ ưu đãi với nhiều xứ khác. 

Tức là vẫn cố bắt cá hai tay mà không gẫy ngón nào.

Sau cùng, chúng ta cũng nên theo dõi xem người dân phản ứng thế nào với chuyến thăm viếng của Tập Cận Bình. Và theo dõi qua ngả khác hơn là qua hệ thống báo chí vẫn chưa có khả năng độc lập.

Không có nhận xét nào: