Khi đặt bút viết những dòng "Tự bạch", văn hào Nga Lép Tôn-xtôi đã có gần trọn vẹn những thành tựu khiến tên tuổi của ông bất tử. Nghĩa là ông không cần phải làm bất cứ điều gì cũng đủ để trở thành một tấm gương về mọi phương diện. Người đời, hậu thế, như lẽ thường tình, sẽ mỗi ngày lại tô điểm cho ông những nét đẹp mới, hoàn hảo hoá chúng để cuối cùng-như vẫn xảy ra-biến tất cả thành huyền thoại về một con người không có tì vết. Lép Tôn-xtôi chắc chắn cũng biết rõ điều đó.
Nhưng đúng ở thời khắc huy hoàng ấy, thay vì rao giảng những điều cao siêu và đón nhận sự ngưỡng mộ, nhà văn của nước Nga và của nhân loại lại âm thầm viết những lời tự bạch, kể ra đủ thứ tội lỗi xấu xa mình mắc phải, những việc nhơ nhuốc mình đã từng làm. Ta hãy thử xem trong tâm hồn của thiên tài chứa những gì.
“Tôi không thể nhớ lại những năm ấy mà không cảm thấy kinh hãi, ghê tởm và đau lòng. Tôi đã từng giết người trên chiến trường, từng thách gọi đấu súng để giết, từng thua bạc, ăn tiêu biết bao công sức của những người nông nô, trừng phạt họ, tà dâm, lừa đảo. Rồi nói dối, ăn cắp, dâm ô theo mọi cách, nát rượu, bạo hành, giết người…Không có tội ác nào mà tôi đã không mắc phải…”.
“ Vào thời kỳ ấy tôi bắt đầu viết vì hám danh, hám lợi, kiêu căng. Trong viết lách tôi cũng xử sự như trong đời sống. Để có được tên tuổi và tiền, mà vì những thứ đó tôi cầm bút, cần phải che giấu đi cái tốt lành và phô trương cái xấu xa. Và tôi đã làm như thế.
“ Và tôi chưa kịp trông trước trông sau, thì cách nhìn đời của giới văn sỹ mà tôi giao du, đã được tôi hấp thụ và đã xoá nhoà hoàn toàn trong tôi những nỗ lực trở nên tốt hơn trước đó”.
Tuyệt nhiên không hề thấy mảy may những yếu tố làm nên “tấm gương” như chúng ta vẫn quen mặc định cho người mình ngưỡng mộ!
Cũng không thấy đả động tí ti gì đến những thứ mà chỉ một thiên tài thực sự mới làm được.
Câu hỏi đặt ra là Lép Tôn-xtôi viết những điều đó ra để làm gì? Ông có biết rằng cuộc sống của ông, mỗi hành vi của ông đều liên quan đến hàng triệu người. Ông có biết rằng những người mến mộ ông sẽ cảm thấy bị tổn thương sâu sắc. Ông đã tự làm nhơ nhuốc hình ảnh của ông trong tâm hồn họ. Là thần tượng của hàng chục hàng trăm triệu người, liệu ông có quyền tuỳ tiện nói ra những điều như vậy về bản thân mình. Vả lại có biết bao kẻ ghen tức với sự nổi tiếng của ông sẽ chẳng mong gì hơn là vồ lấy những điều đó để hạ thấp uy tín của ông, tiện thể làm nhục những người trót coi ông như một tâm hồn Nga điển hình, mộ đạo, yêu cái đẹp và đầy ắp khát vọng lương thiện?
Đương nhiên là Lép Tôn-xtôi không thể không biết cái lẽ thông thường mà ai cũng biết ấy. Thậm chí ông còn biết rõ và sâu sắc hơn, vì ông là thiên tài. Nhưng ông cho thấy, những câu hỏi như thế là hoàn toàn lạc lõng và vô nghĩa. Ông đang thực hiện nghĩa vụ đạo đức của cá nhân ông, một nghĩa vụ tuyệt không được gắn với bất cứ điều kiện gì. Bởi vì không ai có thể thay ông chịu những hình phạt tinh thần mà ông cảm nhận thấy từng giây từng phút. Những gì ông thú nhận cho chúng ta biết rằng ông đã nuôi ý định kết thúc đời mình nhiều lần vì không tin cái cuộc sống mình trải qua lại có ý nghĩa, cái cuộc sống với biết bao lừa lọc, đểu giả, trắng đen lẫn lộn. Có ý nghĩa gì cái cuộc sống ấy, cái cuộc sống đầy rẫy sự dối trá mà chính ông cũng là thủ phạm? Khi người ta đinh ninh đấy là đạo đức thì từ lâu nó đã là sự đồi bại. Tầng lớp trí thức tinh hoa, tự cho mình sứ mệnh dạy bảo loài người, thực chất chỉ là một bọn hám danh, hám lợi và sẵn sàng hạ mình để được vinh thân phì gia. Nhà trường trở thành nơi làm tiêu tan mọi ý muốn tử tế bởi thói vụ lợi và những giáo huấn dối trá, nhàm chán nhân danh đủ thứ cao siêu. Và Lép Tôn-xtôi nhận ra rằng, những che giấu đủ thứ tồi tệ về bản thân của mỗi cá nhân, là nguyên nhân làm cho đạo đức xã hội suy đồi, là vật ngăn cách tuyệt đối giữa con người với Thượng Đế, biến mọi nỗ lực đi tìm cho đời sống một ý nghĩa trở nên tuyệt vọng.
Thái độ tự vấn khốc liệt mang tinh thần đạo đức tuyệt đối này là điều phi thường và đáng trở thành tấm gương lớn về nhân cách cho mọi thế hệ, nhất là cho giới trí thức, những người được trao sứ mệnh dẫn dắt đám đông. Bởi vì mức độ trưởng thành của nhân loại xét cho cùng là khả năng nó có thể sống được với sự thật đến đâu. Không phải sự ý thức này cao siêu đến mức chỉ một số người nhận ra và không phải nhân loại chưa từng làm gì cho mục tiêu lớn lao này. Những tác phẩm văn học cổ xưa nhất, bao gồm cả các huyền thoại mô tả đời sống của thần thánh, đều đặt lên đầu nhiệm vụ tôn vinh sự thật. Những giáo thuyết từ Đông sang Tây, với rất nhiều điểm triết lý khác nhau nhưng có chung một cốt lõi nhân bản là dạy con người ta sự trung thực, ghét nói dối. Đã có tới hàng ngàn bài học, dưới đủ mọi hình thức và vẫn đang ngày ngày có tiếp hàng ngàn bài học mới nhằm đề cao tính thật thà. Thế nhưng điều gì vẫn đang ngự trị thế giới này thì chúng ta đều biết.
Chúng ta vẫn phải ngày ngày nói dối và đối phó với sự dối trá. Sự thiếu trung thực trở thành tệ nạn vô hình, y như loài vi trùng độc hại, không nhìn thấy nhưng chỗ nào cũng nhung nhúc, vẫn đang ngày ngày huỷ hoại đời sống vật chất và tinh thần của con người. Chưa bao giờ thế giới thiếu lòng tin như hiện nay, dẫn đến vô vàn hậu quả thảm khốc, mà nguyên nhân của nó chính là mọi người đều tìm cách che giấu sự thật. Bởi vì chúng ta vẫn tự đề ra điều kiện, vẫn nhân danh sự khôn ngoan, nhân danh quyền lợi, nhân danh đa số, nhân danh đạo đức xã hội…để thoái thác việc nói thật, mà quên rằng sự thật là tiền đề để tạo cho tất cả những thứ đó một giá trị thực. Không từ sự thật, thì mọi hào quang đều vô nghĩa. Hoặc, theo tinh thần của Lép Tôn-xtôi, con người có thể rất cơ cực, đau khổ, nguy hiểm, trả giá đắt khi sống với sự thật nhưng nó không thể làm cách nào khác trừ khi nó chỉ có một mục đích là đi tìm sự huỷ diệt.
Không thể vì bất cứ lý do gì để trì hoãn việc nói và sống với sự thật. Không có giá trị nào lớn hơn sự thật. Một cuộc đời phải che giấu lý lịch thật của mình, dưới bất cứ lý do gì, về cơ bản là một cuộc đời vô nghĩa. Lịch sử bao quanh nó cũng vô nghĩa nốt.
Đó chính là bài học đầu tiên mà tôi học được từ tác phẩm này.
Bài học thứ hai mà tôi rút ra chính là không thể lấy cái đinh ninh của một người, kể cả người đó được coi là thiên tài, thổi phồng lên thành chân lý rồi tuỳ tiện áp đặt cho hàng triệu người.
Bài học thứ ba: Là nhà văn phải dám trả giá cho việc một mình đi một con đường, dám đối diện với toàn bộ hệ thống tư tưởng, hệ thống thẩm mỹ đương thời bằng tâm thế và bản lĩnh của một nhà phản biện.
Ngoài ra, cách rời bỏ cuộc sống trần gian của ông cũng xứng đáng là điều khiến chúng ta sẽ còn phải suy ngẫm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét