Kiến văn tiểu lục
Đây là những ghi chép của Lê Quý Đôn về những tài liệu có liên quan đến lịch sử Việt Nam từ đời Lý – Trần đến thời Lê.
Phủ biên tạp lục
Là tập ký của Lê Quý Đôn viết về Đàng trong, nhất là xứ Thuận và xứ Quảng từ thế kỷ XVIII trở về trước. Đây là tác phẩm duy nhất có những ghi chép kỹ càng về tình hình xã hội Đàng trong hồi thế kỷ XVIII trở về trước. Các sử thần của Quốc sử quán triều Nguyễn khi làm Đại Nam thực lục tiền biên đã sử dụng rất nhiều thông tin trong Phủ Biên tạp lục.
Vân đoài loại ngữ
Cuốn bách khoa toàn thư của Lê Quý Đôn, ông đã đem những hiểu biết của mình về Triết học, về thiên văn học, về địa lý học, về văn học và về nghệ thuật. Cuốn sách được trình bày dưới nhiều đề mục như: Lý khí – nói về quan niệm về thế giới của Lê Quý Đôn; Hình tượng – ghi chép những tri thức của tác giả về thiên văn; Khu vũ – nói về địa lý học; Vựng điển – nói về các lễ văn chế độ; Văn nghệ; Âm tự – nói về ngữ ngôn văn tự…
Quần thư khảo biện
Đây là bộ sách lớn của Lê Quý Đôn, được ông mang đi trong quá trình đi sứ ở nước Thanh. Trong cuốn sách này Lê Quý Đôn đã đưa ra các sự kiện lịch sử trích ra từ các sách Thượng thư, Xuân thu… và các ý kiến của các nhà lý học từ các thời từ Tam đại đến Tống Nguyên để bình luận và phê phán. Ông đã nêu ra 142 chủ đề lấy trong lịch sử Trung Quốc bao gồm những vấn đề như kinh tế, chính trị, triết học… của Trung Quốc, rồi lại dựa vào lịch sử để chứng minh, bình luận và phê phán. Tuy vậy khi nói đến vấn đề quân sự, Lê Quý Đôn không nhắc đến việc nhà Tống phải học phép tổ chức quân đội của triều Lý nước Việt Nam.
Thánh Mô hiền phạm hay Thánh mô hiền phạm lục
Cũng là một bộ sách lớn của Lê Quý Đôn, gồm 12 mục. Đây là bộ sách trích lục nguyên văn từng câu, từng đoạn trong các sách kinh, truyện, sử, bách gia, chư tử, các cách ngôn gia huấn của các tiên nho, mà xếp thành 12 môn loại. Ý của tác giả là mượn lời nói của tiên nho để giáo dục mọi người theo con đường tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ do Nho giáo đã vạch ra.
Đại Việt thông sử
Đây là bộ sử nước Đại Việt do Lê Quý Đôn biên soạn, mở đầu từ cuộc khởi nghĩa Lê Lợi ở Lam Sơn năm 1418 cho đến năm 1433. Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Đại Việt thông sử gồm 30 tập nhưng lưu lại đến ngày nay rất ít.
Bắc sứ thông lục
Một tác phẩm bao gồm tất cả tài liệu về việc Lê Quý Đôn đi sứ sang nước Thanh từ năm 1760 đến năm 1762 từ những bài tấu, khải, truyền báo cho đến những tạp ký về núi sông, đường sá, phong tục ở những miền mà ông đã đi qua. Chính ở Bắc sứ thông lục đã chép những bài văn xuôi bằng chữ Nôm do Lê Quý Đôn viết. Đó là bài văn xuôi bằng tiếng Việt đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam.
Quế Đường thi tập, là tập hợp những bài thơ của Lê Quý Đôn.
Quế Đường văn tập, theo Phan Huy Chú trong Lịch triều Hiến chương loại chí thì đây là tác phẩm của Lê Quý Đôn, nhưng bộ sách này hiện nay không có.
Toàn Việt thi lục, gồm có 897 bài thơ bằng chữ Hán từ đời nhà Lý đến đời vua Tương Dực nhà Lê.
Thư kinh diễn nghĩa, là bài tựa của Lê Quý Đôn đề năm Cảnh Hưng thứ 33 (1772) và một bài bạt của Lý Trần Đán đề năm Cảnh Hưng thứ 39 (1778).
Âm chất văn chú, do Lê Quý Đôn làm chú giải và dẫn chứng bằng các sự kiện của Trung Quốc.
Ngoài ra, theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, thì Lê Quý Đôn còn là tác giả của Dịch kinh phu thuyết, một tác giả vô danh còn nói Lê Quý Đôn là tác giả của cuốn Xuân thu lược luận, Thi Thuyết, Lễ thuyết Liên sơn quy tàng nhị dịch thuyết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét