Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

2006/06/06 Nguyễn Xuân Nghĩa - Da Vinci Giải Mã Hoa Kỳ


 

Da Vinci Giải Mã Hoa Kỳ
Một truyện giải trí của Mỹ lại gây chấn động ra tiền....
Dan Brown là một tác giả thính hơi. Trước đấy là một nghệ sĩ kém tài và một giáo viên bần hàn.
Sinh năm 1964 trong một gia đình sùng đạo, yêu âm nhạc và nghề sư phạm, Dan Brown tốt nghiệp cử nhân văn khoa (về Anh ngữ và tiếng Tây Ban Nha) lại nhảy qua viết nhạc và hát nhạc Pop. Không một tiếng vang, nhưng lấy được một người vợ ngàn vàng. Nàng Blythe tự xưng là sử gia về nghệ thuật nhưng thực ra là một tay tiếp thị có tài. Khổ nỗi, món hàng văn nghệ của Dan lại hơi khó bán.
Quay về nghề cũ mà mới là dạy học, Dan Brown cũng chẳng mấy thành công. Ông xoay ra viết sách, và tìm ra mạch vàng nhờ trí tưởng tượng phong phú và nhất là sự hỗ trợ của bà vợ. Sau ba tác phẩm đầu tay khá mờ nhạt, mỗi đầu sách bán dưới 10 ngàn cuốn, The Da Vinci Code là một hiện tượng toàn cầu. Tới nay đã bán hơn 60 triệu cuốn trên toàn thế giới khiến tờ Times ước lượng ông kiếm ra 250 triệu nhờ cuốn sách. Năm ngoái, tờ Forbes tính ra là Dan Brown kiếm được một năm 76 triệu rưởi.
Người viết này lần đầu làm quen với tác phẩm của Dan Brown là năm 2001 qua cuốn trinh thám Deception Point. Thấy đọc được, từ đấy đọc tiếp Angels and Demon và The Da Vinci Code, rồi thoải mái đi xem phim để so sánh với truyện.
Nhân đây, xin nói là tuần qua, các nhà vật lý địa cầu của Đại học Ohio báo cáo về một tảng vân thạch khổng lồ có thể đã va vào trái đất cách đây 250 triệu năm, để lại một lỗ hổng chừng 500 cây số đường kính họ mới dò ra dưới Nam Băng Dương (Antarctica). Biến cố địa chấn ấy có lẽ đã dẫn tới sự hình thành của Úc Châu...
Chuyện khoa học đó và vụ NSA theo dõi điện thoại lập tức tới gợi nhớ đến truyện giả tưởng Deception Point của Dan Brown. Hãy đọc mà xem, giả mà như thật!
Đấy là về truyện. Về phim thì tháng Năm vừa qua, cả thế giới lên cơn sốt với phim The Da Vinci Code. Tính tới ngày một tháng Sáu thì phim này đã thu được hơn 153 triệu tại Mỹ và hơn 470 triệu trên thế giới, có lẽ chỉ thua Star War tập III: Revenge of the Sith.
Nét chung của Dan Brown trong các truyện trinh thám là khéo lồng những chuyện thực hư có đầy chất thuyết phục về khoa học mà lại thần bí vì liên hệ đến đức tin, mật giáo và các thế lực đen tối về tôn giáo và chính trị. Người đọc bị mê hoặc bởi chuyện hư hư thực thực nên giật mình tự hỏi là có thật hay không. Và Dan Brown rất khéo khai thác tâm lý ngờ vực của nhiều người, rằng nhiều thế lực mờ ám trong chính trường và giáo hội đang âm mưu những chuyện đen tối. Cao điểm của hiện tượng này là Da Vinci Code, với hàm ý không mấy tốt đẹp về Toà thánh Vatican và Opus Dei.
Thực ra, Dan Brown chỉ là tay thợ hàn có biệt tài: ông ráp lại rất nhiều chuyện bí ẩn khó kiểm chứng của tôn giáo. Mà tôn giáo nào chẳng có những chuyện mỗi thời lại chính thức giải thích một cách?
Và nếu Dan Brown là thợ hàn có tài thì bà vợ Blythe Brown là một thợ thêu có nét khi thêu dệt thêm nhiều tình tiết ngoắt ngoéo ly kỳ để giúp chồng đánh lừa độc giả. Vì vậy, thiên hạ nói nhiều về truyện và phim Da Vinci, từ những tình tiết chỉ có trong phim, không có trong truyện đến những chi tiết tác giả sửa lại trong những ấn bản sau của truyện. Không thiếu gì người đã hái ra tiền nhờ khai thác truyện này bên lề cao trào của dư luận về “mật mã của Da Vinci.”
Điều chính yếu mà nhiều người Mỹ không biết là Dan Brown đã xào lại nguyên con một vụ lường gạt lớn tại Pháp, xảy ra cách đây nửa thế kỷ.
Một nhân vật tên là Pierre Plantard (về sau còn thêm một họ quý tộc đi kèm là de Saint Clair) đã dựng đứng một chuyện hư cấu trong cuốn “Hồ sơ mật của Henri Lobineau” và ngụy tạo ra nhiều tài liệu cổ để chứng tỏ là hồ sơ ấy có thật. Plantard còn đi xa hơn vậy, nộp hồ sơ xin lập ra một hội được trình bày trong “hồ sơ mật” như một hội kín đã hoạt động từ cả ngàn năm. Hội kín này tên là Prieuré de Sion (Priory of Zion) có mục tiêu bảo vệ và duy trì huyết thống của chúa Jesus và vợ là bà Mary Madgalena!
Plantard dựng chuyện láo từ những điều ông gọi là khám phá của cha Bérenger Saunière tại nhà thờ Rennes-le-Château vào thế kỷ 19 để nói rằng hội kín Priory hoạt động từ năm 1188, với nhiều hội chủ lừng danh qua các thời đại như Leonardo da Vinci, Isaac Newton, Victor Hugo, Claude Debussy rồi Jean Cocteau. Hội trưởng sau cùng và đương nhiệm chính là Pierre Plantard de St Clair, một hậu duệ của chúa Jesus! Bị điều tra và tố giác, Plantard nhiều lần sửa lại nội dung kỳ bí ấy và sau cùng thì lặn mất.
Hồ sơ mật do Plantard sáng chế ra về sau được nhiều tác giả khai thác và thêm thắt, đến nỗi họ còn đòi kiện Dan Brown để đòi tác quyền vì Dan Brown siêu đẳng hơn họ trong cách khai thác. Câu chuyện chỉ là sự lếu láo của một bộ óc nhiều tưởng tượng tại Pháp.
Nhưng vì sao lại không có một truyện và một phim The Da Vinci Code xuất hiện từ Pháp? Dân Pháp đã có kẻ dựng chuyện tào lao thành truyện giật gân. Vậy mà Da Vinci Code lại xuất hiện tại Mỹ.
Dân chúng Pháp nói chung không ngoan đạo bằng dân Mỹ và từ mấy trăm năm nay đã có sự hoài nghi kinh niên với Giáo hội Công giáo. Cuộc cách mạng 1789 có màu sắc tôn giáo cũng quan trọng như ý thức về chính trị và dân quyền. Nhưng chuyện bịa của Plantard bị trôi vào lãng quên, mà truyện giải trí của Brown lại làm nước Pháp say mê.
Dân Pháp rất khoái phim và truyện này, từ đó đi thăm điện Louvres nườm nượp (nay là viện bảo tàng và hiện trường của vụ án mạng như cái lò xo làm bật câu chuyện) và còn tấp nập tìm tới nhà thờ Rennes-le-Château vì không khí kỳ bí trong chuyện Plantard được Brown thổi thành truyện! Người Pháp có biệt tài phát minh ra nhiều chuyện, nhưng người Mỹ mới gặt hái thành quả, và kiếm ra tiền!
Mỗi người có thể giải thích hiện tượng ấy theo một cách.
Cũng từ bên kia Đại Tây Dương, một học giả, giáo sư phù hiệu học hay biểu hiệu học (như nhân vật Robert Langdon trong truyện Angels and Demons và Da Vinci Code của Dan Brown) là Umberto Eco cũng đã viết những truyện trinh thám đầy chất thần bí như vậy. Đó là The Name of the Rose, bán hơn 40 triệu cuốn, hay Foucault’s Pendulum với nội dung khiêu khích không kém Da Vinci Code. Nhưng, ông có tinh thần rất Âu Châu là châm biếm các nhà thám tử muốn giải mã chuyện thần bí của Thượng đế.
Dan Brown thì không, từ đầu đến cuối ông làm như thật!
Phải chăng vì xã hội Mỹ cởi mở xông xáo hơn và nhất là không chấp nhận loại “chân lý” của cường quyền. Dan Brown là người ngoan đạo và có lẽ cũng chẳng muốn báng bổ gì chúa Jesus hay Thiên chúa giáo. Ông chỉ là người Mỹ láu cá chân chính khi nhìn ra cách kiếm tiền. Ông viết một tác phẩm hư cấu để người đọc tiêu khiển và gặt hái thành công về thương mại.
Nước Mỹ quả là chẳng huý kỵ điều gì, và vì vậy có thể trở thành đáng ghét đối với các bậc đạo cao đức trọng. Nhưng, thử hỏi rằng niềm tin của chúng ta có giá trị gì không khi có thể bị lay chuyển bởi một truyện giải trí? Càng có phản ứng mạnh, người ta càng quảng cáo cho cuốn sách và bộ phim, và càng cho thấy chân lý của mình cuối cùng chẳng có gì là tuyệt đối.
Hãy đợi sang năm, khi chính khách, tài phiệt, CIA, NSA và bao thế hệ lãnh đạo Mỹ từ thời lập quốc đến ngày nay sẽ lại bị Dan Brown lôi vào cuộc với cuốn “The Key of Solomon” về hội Tam Điểm. Free Marsonry một hội kín có những hội viên thế giá như 14 trong 43 tổng thống Mỹ, kể cả George Washington, Theodore và Franklin Roosevelt, Harry Truman và Gerald Ford! Hay Tướng MacArthur, cựu Nghị sĩ Bob Dole, Sam Nunn...
Chúng ta ưa tưởng tượng ra âm mưu hắc ám thì có người khai thác ngay chuyện ấy để cười cười hái ra tiền. Ai dại mà tin thì ráng chịu và đành... ghét Mỹ làm vui.
___
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi viết bài này ngày 060606!



Không có nhận xét nào: