Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

Nguyễn Xuân Nghĩa - Đêm Chính Khí

https://nsvietnam.blogspot.com/2018/04/em-chinh-khi-nguyen-xuan-nghia.html

Dẫn: Sau khi vua Hàm Nghi ban hịch Cần Vương để chống quân Pháp thì tháng Giêng năm Giáp Tuất 1874, tỉnh Nghệ An có hai người Tú Tài là Trần Tấn và Đặng Như Mai hội các văn thân trong hạt, truyền hịch “bình tây sát tả” rồi kéo nhau đi đốt phá các làng theo đạo Thiên Chúa Giáo. Sử viết như vậy. Nhưng thế rồi không hiểu sao, người dân theo đạo lại không thấy họ vào đập phá nữa. Một số người am hiểu kể lại rằng bị giặc đuổi từ Hà Tĩnh về tới Kinh, đêm đó họ có lẻn vào một ngôi chùa. Phải chăng, họ đã nghe thấy chuyện này - từ một người trong cuộc?
****
Bình nhật, khi gia hình, bọn lính thường chúc ngọn côn xuống để đầu côn chấm đất cho tội nhân bớt đau.
Cũng chỉ là những tên nhà nông quanh vùng, đứa đói quá nổi loạn, đứa tòng quân nhập ngũ, lãnh được ít gạo hẩm của triều đình về nuôi vợ nuôi con, hành nhau làm chi quá tay? Nhưng, lần này, riêng với gã, rõ là bọn lính đang ra đòn thù. Năm mươi trượng được nện xuống tận tình, máu văng tung toé cùng mồ hôi và những mảnh vải cáu bẩn của manh áo rách che lưng. Những mảnh vải bay lên tơi tả như cánh bướm ma trong khi bọn lính canh liếc nhìn viên suất đội đứng gật gù trên kia.
Chúng vừa thở vừa đếm vừa chửi thề với sự thô bạo dễ ghét.
Gã thấy đau thấu xương. Bậm răng vào môi đến rướm máu, gã cũng lẩm nhẩm đếm số roi với vị máu mặn chát trong miệng. Gã không khỏi cười gằn trong dạ khi bọn lính thở rốc rồi xốc gã đứng đậy. Cây gông nặng mấy chục cân và chùm xích lòi tói kêu rổn rảng như tiếng cười đắc thắng của gã. Xong.
Nhưng, gã sẽ còn bị hành hạ tàn nhẫn hơn nữa, đúng như dự đoán.

Dám ngoéo chân gạt tên suất đội xuống bùn và nhẩy xuống thụi hắn như vậy thì đúng là chọc giận cai ngục. Bị năm mươi hèo và tống lên chuồng trọng tội là phải. Gã chập choạng bước lên thang trong khi tên lính canh cố tình trì kéo sợi dây xích để cái gông xiết vào cổ gã, như muốn lôi ngược gã xuống. Trò quái ác này, làm sao gã không biết.

Nhưng gã không giận, không hờn. Gã thấy hớn hở như thời trai trẻ được vào hội Xuân vậy.
***
Ngày xưa, ở ngoài đời, không ai dám cư xử với gã như vậy.
Suốt một dọc từ Văn Xá lên Tân Sở, không ai không nghe đến gã. Một tay chọc trời khuấy nước, nửa dân nửa lính, chữ nghĩa lõm bõm mà thủ đoạn giang hồ lại chẳng thua ai. Quỷ thần kinh mà quan binh cũng khiếp. Trong giới lục lâm làm giặc quanh Kinh Đô, gã là tay đáo để chẳng ai bì.
Rồi sự việc trước xảy ra cũng tình cờ thôi.
Năm Nhâm Tuất đó, gã ngụy trang hành khất, đi vào thành tìm hiểu ngõ ngách đột nhập khám đường. Gã có mấy tay em lâm nạn, lại ngang ngược muốn thân chinh giải cứu. Tới đấy, gã được bất ngờ chứng kiến cảnh quân binh hành quyết bọn tả đạo khi trời vừa rạng sáng.
Trên bãi trống ngoài hào thành, lũ người nhấp nhô như quỷ hiện hình dưới ánh đuốc lùng bùng chưa đủ sáng. Hai chiếc lọng nghiêng ngả cho biết có quan lớn tới củ soát việc hành quyết. Mấy tên đao phủ chân đất, quấn xà cạp bẩn, tuốt gươm trần đứng bên các tội nhân, đứa nào cũng có vẻ uể oải chán chường. Nhưng khi chúng múa thanh quất chém xuống thật gọn thì gã mới bật kêu kinh ngạc.
Nhìn đám tội đồ bị trói giật cánh khuỷu cổ vươn lên chịu chém, miệng mở lớn hát mừng Đức Chúa Trời của họ, gã thấy mình há hốc bàng hoàng đếm những cột người lần lượt đổ: gã chẳng biết sợ trời sợ đất, chẳng kiêng kỵ bất kỳ điều gì. Nhưng, những đôi mắt vàng ệnh thất thần vì đói bệnh của đám tội đồ đã làm gã giật mình.
Những tội nhân đó, trước khi chết, có phản ứng thản nhiên lạ kỳ. Mắt họ như sáng hơn, họ hát với vẻ thành kính như những mụ già lễ chùa đầu Xuân vậy. Miệng họ như mỉm cười hài lòng, và mỗi nhát gươm đưa đầu lìa khỏi cổ và một thân hình gục xuống thì tiếng hát lại cất cao hơn một chút. Tiếng hát nổi lên trầm bổng khác thường, vượt ra ngoài, vươn lên trên những lời tuyên đọc dõng dạc của viên quan phụ trách việc gia hình.
Họ như xuất thần và đã sống trong một thế giới khác ngay trước khi thọ hình.
Trời lạnh căm căm. Những bó đuốc nhợt nhạt soi ánh gươm lấp loáng nhịp theo cái đầu bật khỏi cổ, rơi ngược ra sau. Máu tuôn thẳng lên trời thành vọt đen xẫm, đổ xuống các vạt áo nâu rách rưới. Họ tìm đến cái chết như một sự giải thoát, như người ta tìm về nhà.
Tất cả, có hai mươi hai người tả đạo đã bị hành quyết sáng hôm đó. Khi ánh sao cuối cùng bị nhòa trong trời hừng sáng thì tiếng cầu kinh cuối cũng bị cắt ngang bởi thanh quất và thân người tử tội sau cùng rướn lên như muốn theo kịp các đồng đạo đã chết.

***


Gã từng thấy cảnh giết người mà không nháy mắt. Việc đào tường khoét vách hồi trẻ, rồi lớn lên cầm binh khí trổ nóc nhà rượt đánh binh triều là việc cơm bữa của gã. Cái chết của người, hay của chính gã, chưa bao giờ làm gã bận tâm.
Nhưng, đám dân Gia Tô bị hành quyết này lại gan lỳ hơn tất cả những kẻ gan lỳ nhất. Họ tin vào một sức mạnh nào đó còn to tát hơn và đáng sợ hơn những đường vòng của thanh quất chém đứt đầu từng người.
Sức mạnh đó là cái gì?
Gã rời pháp trường lủi thủi ra khỏi cửa An Hoà, trở về sào huyệt mà suy nghĩ mông lung. Con người không biết sợ là gì bắt đầu có những băn khoăn day dứt. Bọn tả đạo này cũng chỉ là dân làng An Ninh, nơi gã từng ghé qua nhiều lần. Họ tin vào một ông Vua Cả nào đó ở trên Trời còn có quyền uy lớn hơn Dực Tông Hoàng đế nữa...
Hai tháng sau, giải cứu xong cho đồng bọn, gã phân chia của cải, nhắn gửi anh em rồi bỏ đi.
Gã đã gặp một đạo trưởng Gia Tô nói tiếng trọ trẹ miền Cửa Thuận, cũng gốc ngư dân cục mịch như gã thôi. Gã hỏi chuyện, rồi tìm hiểu, rồi lặng thinh nghe lời giảng dạy. Gã trở nên một kẻ tả đạo mới đã hơn mười năm rồi.
Gã nhập đạo sau khi hiểu ra cái lẽ huyền bí khiến những tín đồ của Chúa sẵn sàng thọ hình trong sự an nhiên bình thản. Đời sống này quả bất công thiếu tình. Trên cõi Địa Đàng, những người con của Đức Chúa Trời sẽ được đối xử khác. Nhưng, phải có đức tin nơi Đức Chúa Trời... Đức tin đó đã mở ra một cánh cửa mới cho cuộc đời thảo dã đầu trộm đuôi cướp của gã.
Thiên đường của đức Vua Cả trên Trời tràn đầy bác ái đã có sẵn một chỗ cho những con người xấu xa như gã. Miễn là gã biết tuyệt đối tin vào trái tim bác ái và những ân sủng rạng ngời của Người.
***
Cũng vì vậy, giờ đây, gã đang bị giam trong Khám Đường.
Triều Dực Tông, cùng với những đợt thất trận liên tục, từ Lục tỉnh Nam Kỳ ra đến Hà Nội, việc cấm đạo đã bớt khắt khe hơn mấy chục năm thời Thánh tổ Minh Mệnh về trước. Gọi rằng bớt là khi so sánh thôi, chứ mấy cái Dụ Cấm Đạo đó cũng ác độc quá quắt. Từ các đạo trưởng trở xuống, dân tả đạo không còn bị chết chém, nhưng bị thích chữ vào mặt và bị lưu đầy khỏi xứ. Gã không bị chết chém, nhưng vì nóng nẩy xô đẩy mấy tên lính xúc phạm đạo trưởng khiến chúng sặc máu nên bị giam cấm cố trong khám.
Chúng mà biết tên ngư dân tả đạo hung hăng này lại chính là đầu sỏ bọn lục lâm Văn Xá mươi năm trước, chắc đã đem gã ra pháp trường từ năm Ngọ đó rồi. Gã nhà quê vạm vỡ, chuyển nghề ăn trộm, rồi học nghề võ, biến thành ăn cướp và hoàn lương thành con chiên của Đức Chúa Trời này chẳng bao giờ sợ chết cả.
Nhưng chết để vinh danh Chúa ở trên Trời mới là đáng chết. Chứ chết về tội bạn nghịch chống lại quan binh ở Kinh Đô thì thật không đáng. Chúng chẳng tra xét lý lịch cho ra ngọn ngành. Vả, cũng chẳng cần, vì gã đã cúi đầu nhận mình là kẻ theo đạo và hàng ngày vẫn quỳ gối cầu kinh. Chỉ tội đó cũng đã quá đủ...
Hôm nay, ở giữa Khám Đường, sau khi lãnh 50 côn thừa sống thiếu chết, gã lại có vẻ vui hơn mọi ngày mới kỳ chứ!
Chỉ vì những gì gã toan tính nay đã thành. Gã được đưa lên khám trên. Sự việc trước là việc gã vào đạo, rồi nhập khám. Đây là sự việc sau.
***
Từ khi vào khám, hai năm về trước, gã đã để ý đến khu trọng cấm.
Rặt những trọng phạm bị xiềng quanh năm ngày tháng, hay những tên tử tù đợi ngày bị điệu ra pháp trường xử chém. Gã chỉ nghe nói thôi, chứ có bao giờ được nhìn thấy họ đâu? Cũng từ khám trên, gã loáng thoáng nghe bọn tù kể lại cho nhau với vẻ e sợ những sự lạ xảy ra trong khu biệt giam trọng cấm. Gã càng tò mò khi hàng đêm gió hú từ trên đó vọng xuống, nhòa trong tiếng rên rỉ oán hờn của đám tử tù than khóc nguyền rủa bọn lính Hùng Nhuệ canh giữ Cửa Tây và Khám Đường.
Là người có đạo, gã chẳng còn mê tín như dân lương. Gã không tin gì ở chuyện ma quỷ. Nhưng đêm đêm, khi gió lạnh thổi xuống, nghe tiếng người rên khóc trên khu trọng cấm văng vẳng quanh hàng cột, gã cũng thấy lạ lạ trong người. Cho đến ngày được bắt qua đội tu sửa trại trên, gã mới được biết đầu đuôi câu chuyện. Mươi năm về trước, đám thủ hạ của gã từng bị giam trong trại thường phạm thì có biết gì đâu mà kể cho gã.
***
Khám Đường nằm trên một khu đất vuông góc Tây Bắc, giáp các cửa An Hoà và Chánh Tây của Hoàng Thành. Bốn hướng đều có tường cao che bọc kiên cố, chung quanh có hào sâu, ngoài cùng là những bụi tre già đan gai dày đặc, chim chóc qua không lọt chứ đừng nói đến người ta.
Vào Khám, chỉ có một cửa hướng Đông-Bắc đêm ngày được canh giữ nghiêm mật. Qua cửa là phải bước lên một cây cầu con bắc ngang hào có lính canh hai đầu. Ngồi thu lu trong khám, gã đưa tay vuốt gò má sần sẹo mà nhớ lại từng bụi cây lùm cỏ ở bên ngoài. Gã thuộc địa hình địa vật của cái khám này như thuộc đường vào cổng làng khi xưa vậy.
Qua cửa khám, người ta phải vượt chòi canh và vòng qua dãy nhà của bọn lính mới tới khu giam tù. Bọn lính canh là những tên vạm vỡ được tuyển từ một trong năm vệ của binh Hùng Nhuệ triều đình, đứa nào cũng lỳ lợm táo tợn như binh Thanh Nghệ ngoài kia. Viên suất đội hách dịch chính là đứa đã bị gã tự nhiên nổi điên quét một đòn chân ngã lăn xuống rãnh chiều qua đấy. Vừa đủ để thành trọng tội, nhưng cũng không quá nặng làm gã bị thọ hình xử trảm vào mùa trăng tới.
Trọng tội là những tên phản nghịch đầu đảng mà chưa bị chết chém, hoặc nhờ có gia đình bên ngoài lo lót, hay vì quan trên còn tra khảo lấy cung để dò thêm tông tích. Vào đến nơi đó thì chẳng còn ai ra. Thản hoặc có ra thì cũng chỉ ra tới bãi ruộng bên ao hồ ngoài bờ thành mà thôi. Nơi đó là pháp trường xử chém.
Gã đã cân lường thật đúng, nên được đưa vào dãy trọng cấm của những loại tội nhân phi thường này.
Dãy trọng cấm nằm khá cao ở sát tường thành phía Tây, đi vào phải vượt qua ba gian giữa, dành cho những tên nhẹ tội hơn. Nhẹ nhất, ở gian ngoài là dãy chòi giam giữ những tên dân đen thường phạm là loại như hắn, cho đến sáng nay. Nặng hơn một chút là vào dãy trong, dành cho các viên quan cấp nhỏ và những tên tả đạo bị bắt quả tang rao truyền lời Đức Chúa mà trốn để khỏi bị thích chữ lên má. Trong cùng là dãy lều tiếp giáp với khu trọng cấm, dãy "quan viên" như bọn tội nhân thường gọi. Đây là nơi giam giữ những tội phạm thời trước đã từng có chức phận trong triều.
"Hình bất thướng đại phu".
Bọn có chữ thường nói vậy, để bảo là tội hình không lên tới các quan đại phu. Nhưng, thời nay loạn lạc từ trên chí dưới, nhất là sau vụ Hồng Bảo và vụ xây lăng Vạn Niên, thì chí đến các quan cũng có người làm loạn, và bị giam theo kiểu quan. Chặt chẽ hơn, gay gắt trì chiết nhiều hơn là đám thường phạm ở ngoài.
Vả lại, thời nay vật đổi sao dời.. Hôm trước là tướng ngoài biên ải hay quan ở giữa triều, chỉ cần một tờ sớ đàn hặc vu vơ của quan đồng triều hay một lời tâu bầy không đúng ý Thánh Thượng là hôm sau vào khu "quan viên". Dực Tông Tự Đức vốn hà tiện ban khen nhưng rất rộng ra hình phạt nên khu quan viên nay đã đông như một góc chợ.
Nghĩa là tấp nập tù nhân, nhấp nhổm trong từng khoang của họ.
Cũng nhờ cơn giông lớn tuần trước làm đổ hai dãy kèo trong khu "quan viên" mà gã được gọi lên tu sửa, và làm quen với con cụ lớn Thị Lang họ Đỗ thời Hiến tổ Thiệu Trị, tên là Chương.
Quan Thị Lang dày công dẹp giặc ngoài Bắc Hà, sau vì thua một trận nên bị cách chức về cầy ruộng. Thầy Cử Chương cũng đi học, thi đỗ được bổ đi dạy, lên Giáo thụ được vài năm, rồi đến vụ phản nghịch tại Kinh Đô năm Tự Đức 19 cũng bị liên lụy với "Sơn Đông Thi Tửu Hội", gồm một số quan định lật Dực Tông để đưa con trai Hồng Bảo lên, cho nên bị hạ ngục từ đó đến nay. Dù là chức nhỏ, vì phạm vụ đại nghịch và lại là con quan Binh bộ Thị lang, nên Giáo Chương cũng vẫn vào khu "quan viên" trong tù.
Gã gọi người tù này là Giáo Chương vì kính trọng nghề Giáo thụ của ông trước khi bị nạn thì ít, mà có lẽ vì tư cách và sự hiểu biết của ông thì nhiều. Gã không thích những văn nhân có học đã từng quen biết thời xưa. Riêng với Giáo Chương thì gã có cảm tình đặc biệt. Ông ta là người nói chuyện Ông Vò và Chúa Ngụy cho gã, khiến gã lãnh 50 hèo để được leo lên khu trọng cấm kể từ hôm nay.
Ông là một người tù vẫn giữ vẻ bình thản trong số tội nhân sang cả ở trên khu này.

***


Tiếng là sang cả, chứ dãy quan viên cũng được dựng lên như hai dãy dưới.
Cả ba dãy đều là những gian nhà sàn hai tầng. Tầng dưới để trống không vách, được ngăn ô với từng hàng cột, đứng bên ngoài nhìn thấu suốt vào trong. Tầng trên cách mặt đất chưa đầy một sải tay, nhưng có vách, mái lợp ngói và cũng được ngăn ô mà chặt chẽ hơn tầng dưới. Ban ngày, tù nhân mỗi người lom khom ở trong một ô, đứng lên không được vì vai đụng tầng trên, mà nằm xuống cũng không nổi vì mọi người đều phải đeo gông.
Tầng dưới không vách nên nắng mưa gì tù nhân cũng gánh chịu. Ở dãy hai và ba cho các quan nhỏ đến lớn, người ta còn thấy vài manh chiếu rách do gia đình tiếp tế cho tù nhân phòng ngừa mưa lạnh gió lùa, chứ ở dãy cùng đinh, tù nhân toàn là dân đen khèo khốn, họ còng lưng chịu rét mùa Đông và nắng cháy mùa Hè. Cả năm, đạp chân đất đến bị phong thấp như què, lại nửa đứng nửa ngồi cho nên thả ra người nào cũng đi lom khom tựa bầy khỉ.
Riêng ở dãy quan viên, tù nhân còn khó cục cựa hơn vì một sợi dây xích dài luồn qua gông nối người này vào người kia. Làm gì thì cả dãy đều nghe thấy. Quan viên thường quen biết rộng và có uy tín hay vị thế, nên bị canh chừng nghiêm ngặt hơn thường dân, để phòng khi họ liên kết với nhau, rủ bọn lính phá khám làm loạn.
Đêm xuống, lính canh mới rút xích cho từng người leo thang lên khung cửa hẹp chui vào tầng trên, mỗi người cũng có một ô để trú qua đêm. Hàng ngày, tù nhân chỉ chờ kẻng “lên chuồng” như họ thường gọi để được chui lên tầng trên kê đầu vào gông, tựa bên vách và duỗi chân thiếp đi trong giấc ngủ mệt nhọc, mặc cho đám muỗi trời xà xuống đốt cắn đến mưng mủ phát ghẻ.
Tới sáng, lính canh mới bắc lại thang lên từng trên kiểm soát từng khoang tù rồi điểm danh cho mọi người lục tục "giáng trần", như đám tù chai lỳ thường gọi mỉa như vậy.
***
Sau cơn giông, hàng cột trên dãy quan viên bị đổ mất mấy cái và nhiều cột khác xiêu vẹo ngả nghiêng như sẽ đổ cho nên lính canh mới theo lệnh cai ngục gọi một số tù nhân mạnh khoẻ lên dãy quan viên tu sửa. Gã được gọi ra và được cắt việc đào móng nhổ hàng cột gẫy để dựng lại cột mới.
Khoang tù của Giáo Chương nằm ngay góc Tây Bắc, nơi cột cái bị xiêu, nên Giáo Chương được đặc cách rút xiềng mở gông và phụ bọn tù thường phạm dựng lại cột. Gã quen Giáo Chương vào dịp đó.
Giáo Chương ăn nói ôn tồn nhã nhặn và có vẻ thương người khiến gã có cảm tình từ đầu. Hai người vừa làm vừa bêu việc ra để có thời giờ trò chuyện. Câu chuyện xảy ra mấy tuần trước rồi, mà nghĩ lại gã vẫn thấy như mới nghe đêm qua vậy.
- Tôi nghe tụi lính nó bàn là thầy làm Giáo thụ thời xưa, sao lại phải vào khám này vậy?
- Ôi, chuyện xưa rồi. Mình sinh vào thời hôn quân bất túc thì chẳng gặp họa này cũng bị nạn kia. Bây giờ, nước sắp mất rồi, cái họa chung thì ai cũng hứng chịu hết. Nước sắp mất vào tay Lang Sa rồi, phải chi Người còn sống, phải chi...
- Người? Thầy nói ai? Quan Kinh Lược Sứ?
- Không, chuyện lâu rồi, ta mơ ngủ thôi, bác đừng băn khoăn thắc mắc... Thế ở khám dưới, bác có nghe nói đến Chúa Ngụy hay Ông Vò không?.. Mà chắc là không, ở gian dưới đó, bọn lính nó kín như bưng, làm sao dân biết được. Để ta nói cho bác nghe mà buồn cho vận nước, cho lòng người. Dân ta suy đốn khốn khổ từ lâu lắm rồi, chẳng phải đến đời nay đâu.
Gã nghe chuyện lạ trong khu trọng cấm như vậy, từ lời kể của thầy Giáo Chương.
Cuối năm Nhâm Tuất, 82 năm về trước, Nguyễn Phúc Ánh về tới Phú Xuân, lên ngôi là Gia Long và làm lễ Hiến Phù ở Thái Miếu ngoài kia. Ông sai các quan đào mả Quang Trung Nguyễn Huệ và Thái Đức Nguyễn Nhạc cùng Chánh Cung của Quang Trung lên, lấy hài cốt giã nát rồi vứt đi, lại còn chặt xương sọ giam vào Ngoại Đồ Gia. Điều ghê khiếp là Gia Long nhân danh việc trả thù cho nghĩa lớn, cho chín đời các chúa, cho Miếu xã, để vứt các hài cốt này vào rọ, cho binh lính tiểu tiện vào trước mặt bốn con nhỏ của Quang Trung, rồi đem mấy đứa nhỏ này ra cho voi xé xác.
Ông vua nhỏ Quang Toản cùng ba em bị bắt chứng kiến cảnh hài cốt cha mẹ và bác mình bị giã, bị chặt, bị phóng uế cho tuyệt linh khí rồi chính mình cùng các em phải ngồi vào bàn tiệc ăn kỳ no xong mới bị nhét giẻ vào miệng đặng khỏi chửi, và điệu ra pháp trường trói cho bốn voi xé xác.
Đùi Quang Toản bị xé lòi gân mà cậu ta vẫn ngoái nhìn về giỏ mây đựng hài cốt cha mẹ. Bọn lính dùng dao phanh thân còn lại làm bốn phần cho voi kéo đi, với đùi là năm mảnh, cắm trên đầu cọc treo tại năm góc chợ sầm uất nhất trong Kinh Đô cho đến thối rữa để thị oai với dân chúng. Cả thành ai cũng thấy ghê, trong mấy ngày chẳng ai dám ăn thịt nữa. Rồi còn gia đình nữ tướng Bùi Thị Xuân và con gái mười lăm tuổi cũng vậy. Quan trấn thủ Nghệ An thì bị nặng hơn, bị voi xé xác thành nghìn mảnh....
Mỗi mảnh lớn chưa đầy vốc tay..
Ba mươi năm sau, triều đình bắt thêm được hai con trai và một cháu nội của Nguyễn Nhạc và cũng đem ra chém ngang lưng. Thế là nhà Tây Sơn tuyệt tự chẳng còn ai.
Năm Minh Mệnh thứ hai, cách đây hơn sáu mươi năm, xương sọ của Quang Trung, Quang Toản và Nguyễn Nhạc bị Minh Mệnh hạ lệnh đưa từ Ngoại Đồ Gia ở ngoài kia vào đây. Giam ở trên kia kìa. Ngoại Đồ Gia là Võ Khố thời nay, ngoài phường Liêm Năng đó.
Còn vào đây là vào Khám Đường này. Trên kia là trên khu trọng cấm. Nơi gã thường nghe tiếng tử tù rên khóc cùng tiếng gió hú về đêm.
Trên đó, nhà ngục còn được xây kiên cố hơn, và ba cái sọ người bị đặt trong vò giam cấm cố trong ba ngăn riêng, bên ngoài đóng xiềng cẩn thận, tháng tháng lại có quan từ trên triều xuống kiểm soát xem bọn cai ngục có phong bế hẳn hoi không. Họ còn đưa cả thầy pháp thầy cốt vào làm lễ trù ếm để những di cốt này không phát tác quyền uy linh thiêng làm hại các vua nữa.
Quanh đây, ai cũng sợ khu trọng cấm vì chính bọn lính canh thường đồn là vẫn thấy tiếng trẻ khóc và tiếng người dõng dạc phán bảo như trong triều Ngụy Tây thời xưa vậy. Chẳng biết có đúng không, nhưng tên lính nào bị đổi về khu biệt giam này cũng đều nhang đèn lên khấn vái và xin Ông Vò hay Chúa Ngụy như họ gọi hãy tha cho tội xúc phạm di cốt và phù hộ cho họ không gặp tai họa. Bọn tử tù lên đến đấy ai cũng cầu được triều đình tha chết thoát nạn.

***


- Tôi mà lên đó sẽ không xin thoát nạn mà chỉ xin các ngài vật chết bọn Tây Dương!
Gã tròn mắt nghe Giáo Chương bất ngờ kết thúc câu chuyện bằng tiếng nghiến răng thở hắt cơn phẫn hận. Gã định hỏi lại cho rõ thì thấy người tù cử nhân này nhìn lên nóc nhà ngục của khu trọng cấm và nắm chặt tay gã run lên bần bật. Gã nhìn theo, thấy mình nổi da gà tóc tai dựng ngược.
Trời chiều xám đục, mây đen vần vũ như uất kết không tan trong cơn gió giật liên hồi. Gió lốc giận dữ đất trời muốn thổi bay ngói trại giam. Từ trên nóc nhà ngục, cả hai đều lạnh mình thấy một luồng sáng tuôn thẳng lên trời xoáy qua đám mây đen, tròn như cái tán bạc. Tựa có tiếng nổ trên không và có ai gào thét. Hay chính tai gã đang ù lên vì lạnh?
Gã là người bặm trợn gan lỳ mà lại là kẻ theo đạo, nhưng châu thân lạnh toát dần vì cảnh tượng vừa thấy. Rõ là còn ban ngày ban mặt, cũng chẳng có ma quỷ gì hiện hình, mà gã cảm ra được những chuyện dị kỳ từ trên khu biệt giam đó.
Giáo Chương chợt nhắm nghiền mắt lẩm bẩm điều gì không rõ, một chốc sau mới mở choàng mắt, thầm thì nho nhỏ.
- Nội một năm nữa thôi, khu này sẽ thành bình địa, Tây Dương sẽ xâm phạm Kinh thành và gây nạn lớn. Rồi đây dân tình còn khốn khổ hơn trước gấp bội. Quẻ này thật quá độc, quá xấu...
Gã không dám hỏi gì thêm, nhưng bắt đầu nhớ lại từng chi tiết người tù cử nhân này đã nói về những quy tắc giam giữ trọng phạm trên đó. Gã chợt loé trong đầu một quyết định táo bạo. Không phải là Giáo Chương, người sĩ phu nhiều đăm chiêu về thời thế kia, mà chính gã mới là kẻ sẽ lên đó.
Loài người quả đã phạm quá nhiều tội lỗi. Việc giết hại con trẻ, tru diệt cả một dòng họ sau mấy chục năm chiến thắng, tội đó có khác gì chém người theo đạo, vùi đầu các đạo trưởng xuống đất, chôn sống họ hai chân chổng lên trời, hay bắt họ đạp lên thánh giá để chối bỏ đức tin?
Đã tin ở ngôi Chúa Cả, gã biết là mình chẳng tin gì ở những chuyện quỷ thần như người lương. Nhưng, không hiểu vì sao gã vẫn phân vân suy nghĩ suốt mấy đêm về những việc xảy ra trên đó và về quẻ bói của Giáo Chương. Tổ tiên mình, gã nhớ, đời này qua đời khác cũng còn thờ cúng. Ở trên đó, những di cốt oan nghiệt và mộc chủ của Quang Trung Hoàng Đế đã bị đầy ải hơn tám mươi năm nay rồi. Là người nước Nam, làm sao gã có thể yên tâm khi biết sự thể như vậy? Khi khu Khám Đường này thành bình địa, những cái vò bị niêm phong và xiềng kín trên kia sẽ ra sao?
Gã định vào đây chịu cực hình như một góp phần chịu tội cho những người đồng đạo được tai qua nạn khỏi. Nhưng, đêm nay, gã quyết định mình sẽ vượt ngục. Mà không vượt một mình.
Gã sẽ đem ba cái vò này đi đến nơi thật xa, cải táng lại cho chu tất. Sau đó, ra sao thì ra.
Vì vậy mới có chuyện gã hất viên suất đội xuống rãnh và thoi cho hắn mấy quyền như trời giáng. Được đeo gông lên đó, gã sẽ tính tiếp. Việc gì chứ đào tường khoét vách và trổ nóc vượt thành, gã đã quá quen và còn thừa phong độ dẻo dai để trốn ra ngoài.
Gã chuẩn bị đồ nghề rồi mới thi hành mưu kế.

***


Gã không hay biết rằng bên ngoài, quan Phụ Chính Tôn Thất Thuyết cũng đang mưu tính những chuyện động trời khác.
Trong suốt thời gian đó, gã bị xiềng trên khu trọng cấm. Đêm đêm nghe tiếng chân lính canh kéo thang đi xa, gã luồn tay gỡ gông tháo xích nhanh thoăn thoắt mà không gây tiếng động. Gã chuẩn bị công phu từng mảnh giẻ bọc quanh xiềng và đẩy mộng gỗ tháo gông, gã xoay ngược đòn cái, dùng đầu dẹt như một cái xuổng. Gã nín thở hì hục khoét vữa trải đều lên mặt đất. Mỗi ngày, gã làm được vài tấc để thành một đường độc đạo xuyên dưới chân vách luồn qua ba gian ngục kín ở bên. Gã làm việc cần cù và chậm rãi như một con chuột, con kiến. Cứ gần sáng gã lại phủi vữa trên những mảnh ván rút từ vách tường ra che con đường nhỏ ăn thông qua ba gian ngục thất, trổ ra đến bờ tường bên ngoài. Những phần vữa còn lại, gã bụm thành từng nắm nhỏ nhét vào trong quần, túm ống lại chờ đến sáng tụt xuống đất là từ từ cho tuôn ra ngoài. Mỗi lần xong một tấc đất, gã lại lầm thầm đọc một bài kinh, cầu xin Đức Chúa Trời tôn kính phù hộ cho gã đủ sức lực làm được xong việc. Gã gầy róc đi sau những đêm trắng cầy cục đào xới như vậy, nhưng thấy tinh thần linh mẫn vô cùng.
Gã tin là việc mình làm cũng hợp ý đấng Vua Cả ở Trên Kia.
Trong đời, chưa khi nào gã lại làm một việc công phu đến thế, kín đáo và lặng lẽ như vậy. Và trong đời, chưa khi nào thần kinh của gã lại tỉnh táo đến mức đó. Ngày gã quyết định đào ngang ra các gian ngục, gã đã thầm khấn bài kinh tạ ơn và thấy mình phấn chấn vô cùng.
***
Một năm sau, gã đã đến đích.
Tháng Tư năm Ất Dậu, một năm sau khi cạo vữa xuyên vách trong ngục cấm, gã đã thấy ba cái vò đen đủi nằm trơ trọi giữa ba ô vuông, bên trên chằng chịt những xích và các mảnh giấy niêm phong cùng bùa chú dán ngang dọc ở trên. Gã trườn mình như con rắn dưới hàng xích sắt, vừa bò vừa nín thở nghe ngóng. Phải đến một tuần nhang gã mới trườn tới cái vò đầu tiên. Gã lẩm nhẩm khấn vái trong bóng đêm ẩm tối và vừa đưa hai tay ra thì một tiếng nổ đinh tai nhức óc chợt rung chuyển cả đất trời làm gã run bắn mình.
Gã không tin vào quỷ thần, nhưng không thể không bật khóc khi vôi vữa và gạch ngói tuôn đổ lên đầu lên mình đúng lúc gã đi tới đích.
Chẳng lẽ các vị Hoàng Đế kia lại giận dữ vì tội xúc phạm của gã hay sao? Gã thủ sẵn cái ruột tượng vá chằng đụp quấn quanh bụng, sẽ mở ra cuộn cả ba cái vò kéo theo lỗ vách chui ra ngoài. Ra tới ngoài, gã tính không sai được, gã sẽ trổ ra ngang mé trên của tường thành. Hai mảnh ván rút từ bên vách được dùng làm đòn xeo và sẽ búng gã bay lên mé tường. Từ đó, gã sẽ cuộn ba cái vò nơi lưng, tung mình vào giữa bụi tre già, đón ngay thân tre nhẩy bật xuống đất. Gã còn đủ nghề võ để vượt qua chặng đường này, sau đó thì mọi việc đều dễ hơn nhiều...
Con nhà cửa Thuận, gã sẽ bơi qua hào như cá và băng hết bãi ruộng là về đến giang sơn hoang dã của gã...
Nhưng, giờ đây trời đất lại nổi cơn thịnh nộ như vậy làm gã chúi mũi xuống đất, chẳng biết tính sao.
Đột nhiên như có ai đấm mạnh vào vách và ngửng đầu lên nóc vừa bị trốc, gã thấy mảnh trời đen đặc bên ngoài. Có tiếng người la hét vọng từ dưới lên càng làm gã rối trí. Công phu cả năm trường, không lẽ lại chết nơi đây khi gần tới đích như vậy? Một loạt tiếng nổ chợt ầm vang và ánh sáng lấp loé bên ngoài khiến gã chồm bốn chân định lui về, đầu cổ va vào vào xích sắt. Không, gã không thể lui được. Gã rút ruột tượng ra quỳ lạy trước mấy cái vò và nghiến răng bò tới...
Tội gì thì gã cũng xin chịu, tấm lòng thành của gã, trời đất sẽ chứng cho.
***
Đến lúc đó, gã mới biết là những tiếng nổ kia chính là tiếng súng đại bác. Bên dưới, đám lính canh gọi nhau ơi ới xen lẫn tiếng tù nhân hét hò náo loạn như địa ngục đang vỡ tung, bung lên những lửa và thép.
- Súng từ Đại Nội bắn vào Khu Nhượng Địa!
- Không, binh Phấn Nghĩa của quan Phụ Chính đang đánh vào Tòa Khâm đấy!
- Tầu Tây pháo từ Bảo Vinh và Gia Hội vào Thành!
- Anh em đồng đạo hãy bình tĩnh tạ ơn Thiên Chúa, lính Pháp và các ngài thừa sai sẽ vào giải cứu chúng ta!
- Không, ta theo đạo nhưng không theo giặc Tây, hãy ở lại chống giặc!
- Tây phá thành, ai người yêu nước hãy cùng ra giết giặc! Đây là binh Phấn Nghĩa kêu gọi đồng bào vùng lên đánh giặc!
- Lệnh đức Hàm Nghi truyền xuống, ba quân và bá tánh phụng chỉ. Giặc Tây bức phá Kinh thành, toàn dân cùng đổ ra đánh giặc giúp Vua cứu nước!
- Hãy tháo xiềng cho tụi tôi! Hãy cho tôi cây dáo! Anh em, hãy đuổi giặc chuộc tội!
Từ khắp nơi, lửa bắt đầu bùng cháy, sau mỗi tiếng đại bác từ hướng Đông hướng Băc bắn về, soi cảnh lính Cẩm Y và binh Phấn Nghĩa cùng lính Kim Ngô chen chân phá tung các trại giam phóng thích đám tù nhân trong cả ba dãy nhà giam bên dưới.
Mọi người chạy túa khắp nơi, nhiều người phá cả gông làm khí giới. Có tù nhân bị đạn được lính canh kéo ra khỏi khoang tù. Có người ngồi bệt xuống đất làm dấu thánh giá. Trên khu trọng cấm, gã nghe tiếng chửi thề, tiếng cầu cứu thất thanh xen tiếng lửa cháy lốp bốp. Quân Pháp từ khu Nhượng Địa và từ tầu chiến bắn trả gây cảnh khỏi lửa lan rộng đến khám đường. Khu trọng cấm ở trên cao nhất nên bị cháy trước tiên..
Không ai nhớ đến ba gian biệt giam trên này cả. Chỉ có gã nhà quê tả đạo ôm cứng ba cái vò bọc trong ruột tượng, nước mắt thành dòng trên gò má sần sùi. Gã phải làm gì bây giờ? Đường hầm dọc theo vách đã bị sụp trong tiếng nổ long trời lở đất. Gã chỉ có đường chạy là nơi đó thôi, nay bị tắc nghẽn. Làm sao chui qua hàng xích sắt leo lên mái hổng để chạy ra ngoài?
Tại sao, vào lúc này, lại có đột biến như vậy?
***
Đột nhiên, gã thấy như lửa đốt trong lòng, nhìn quanh, gã chưa thấy lửa bén lấy mình mà vẫn nóng ran nơi bụng. Hơi nóng lan ra từ chính những cái vò này khiến gã rùng mình.
Nhắm nghiền đôi mắt, gã tự trấn an là mình bị thần hồn nát thần tính, chứ chẳng có sự lạ nào xảy ra hết. Tiếng đạn réo trên đầu và tiếng người hò bên dưới làm rung chuyển căn ngục, kéo gã trở về thực tại trước mặt. Gã biết là mình đã động đến vật thiêng và đem tấm lòng thành cầu xin trời đất thánh thần gia hộ cho hoàn thành được điều nguyện ước.
Chợt có tiếng nổ ầm trước khi gã cảm thấy trời đất tối xầm và bị một sức ép tức ngực bốc thân mình khỏi mặt đất. Gã văng ra ngoài như con nhái bén, thân thể rã rời, máu tuôn tung toé mà vẫn khư khư lấy thân bảo bọc mấy vò sành dán giấy điều tơi mục.
***
Khi trời tờ mờ sáng, bên chùa La Chữ, Sư Cụ vẫn bình thản tụng xong biến kinh Kim Cương.
Dưới chân bệ, một người nằm co quắp bất động như cái xác khô, áo quần rách nát nhàu bẩn những vôi vữa và bùn đất bết máu. Người đó đã gõ cổng chùa trong khi phía Kinh thành còn ngùn ngụt lửa đỏ rực cả góc trời. Trong tiếng thở hào hển và qua đôi mắt lạc thần vì kiệt sức của người khách lạ, Sư Cụ đoán dần ra cớ sự và kính cẩn nhận mấy cái vò, đặt trước Tam Bảo rồi thắp nhang khấn vái trước khi rót một bát nước trao cho người khách.
- Quanh đây chỉ còn nơi này tôn nghiêm, bạch thầy, xin thầy nhận cho, và dâng một khóa lễ cho những oan hồn thanh quý này...
Sư Cụ vẫn ngồi im, đợi khách hớp một hụm nước thều thào nói tiếp.
- Từ 83 năm nay bị giam trong khám, vua Quang Trung, Thái Đức, Quang Toản... Nhà thờ không có, con chẳng biết chạy về đâu... cửa Phật từ bi, thầy cho một khóa lễ giải oan và chu toàn... cải táng, an định, giữ kín, thầy không nhận, con chạy lên rừng... thiếu sự tôn quý, tủi hổ vong linh vua trước.... Anh hùng, nước loạn, con đã thế cùng sức kiệt... Xin ăn mày cửa Phật chút công đức cho những người xưa... Đầu đuôi là như thế này...
Đôi mắt sáng như điện của Sư Cụ không phải không nhìn ra gò má dị thường của khách lạ. Sự thông tuệ của bậc chân tu không thể không hiểu ra nội tình. Từ thời Gia Long, cực hình tru diệt, giã xương, giam sọ. Giữa cơn quốc biến ngày nay, khách lạ liều chết cứu lấy ba vò niêm phong từ niên hiệu Gia Long nguyên niên, vào chùa cầu xin một khóa lễ. Bên ngoài, giặc phá Kinh thành, chưa biết vua Hàm Nghi mệnh hệ ra sao. Sư Cụ hiểu ra sự chí thành của khách và rửa tay thay áo, người thỉnh một hồi chuông vang động không gian rồi bắt đầu khấn vái trước khi bàn thờ Phật.
Người khách lạ nằm bệt dưới chân bệ mỉm cười hiền hòa như nụ cười của bụt. Rồi thiếp đi trong tiếng mõ an bình thật đều, thật rõ của Sư Cụ...
Gã đã tròn nguyện ước và từ bao năm nay mới có giấc ngủ êm ả. Lời kinh đều đều vang vọng trong cảnh chùa tĩnh mịch, ngọn đèn dầu lạc chỉ đủ sáng để chiếu lên khuôn mặt bình thản của nhà sư...
***
Kể từ năm đó, theo lời truyền của Sư Cụ xuống tới Sư Bác và nhiều thế hệ về sau, cứ đến ngày 23 tháng Tư nhà chùa lại có một khoá cầu siêu... Không ai biết là cầu vong cho ai. Người không giải thích, nhưng cho đến khi viên tịch, năm nào người cũng kính cẩn thỉnh chuông dâng lễ cho nên các đời khác đều cứ theo đó mà làm.
Trong chùa, đằng sau Tam Bảo là bệ thờ vong, Sư Cụ đã đặt lẫn với mộc chủ và tĩnh sành của bá tánh ba cái vò được chính người dán lên nhiều đạo bùa ngoằn ngoèo chữ nghĩa khó hiểu. Dâng khoá lễ xong, người bước vòng ra ngoài, miệng vẫn niệm chú Đại Bi cho tới khi dừng chân bên một ngôi mộ nhỏ có ghi một chữ thập trên bia. Chân mộ có một cây mai do chính Sư Cụ đã trồng, nay đã thành cổ thụ.
Không hiểu là vì thổ ngơi hay lý do gì khác, mai nở rất trễ, đến tháng Tư mới rực rỡ ánh vàng.
Lịch sử thì ghi lại rằng vào năm đó, khi binh Phấn nghĩa của Triều đình tấn công dinh Khâm sứ của Thống tướng De Courcy và bắn vào đồn Mang Cá của quân Pháp khiến Khám Đường bị phá hủy, thì hài cốt còn lại của Quang Trung, Quang Toản và Nguyễn Nhạc bị giam trong khám đã mất tích. Bị tan thành tro bụi trong thành? Bị tiêu hủy cùng cơn quốc nạn? Không ai biết nữa.
Có biết chăng là đoá hoa mai vẫn lung linh nở ven sân chùa....


Nguyễn-Xuân Nghĩa 


Bài Kệ Ngoài Kinh - Nguyễn Từ Hanh: https://vietbao.com/images/file/uqYv1QiD0AgQAJ8h/73-75.pdf

Vũ Linh - TT BIDEN: MỘT CARTER HAY MỘT OBAMA?


Chỉ còn vài ngày nữa là sẽ đến ngày bầu cử dù trên thực tế, cả mấy chục triệu người đã bỏ phiếu từ cả tháng nay rồi. Dù sao, cũng còn cỡ hai phần ba dân Mỹ chưa bầu. Đây sẽ là bài bình luận cuối cùng trước ngày bầu bán. Và bài này sẽ được dành để có vài nhận định cuối cùng về cụ Biden.

    Hai câu hỏi lớn sẽ được bàn luận ở đây: tại sao Biden bây giờ mới ra tranh cử mà không phải năm 2016?  Và nếu đắc cử, TT Biden sẽ là ai?

    Câu chuyện cần phải hiểu rõ trước khi vào phòng phiếu.

    Kẻ này phải nói ngay, đây không phải là một cuộc bầu tổng thống hiểu theo kiểu lựa chọn giữa hai người, nên chọn ai là người tài giỏi hơn để lãnh đạo, mà đây thực sự chỉ là một cuộc trưng cầu dân ý xem dân Mỹ ghét hay thích TT Trump tới mức nào thôi. Chẳng ai cần biết ông Biden là ai, có tài hay không, có ngủ gật gần nửa thế kỷ nay không, có bị đãng trí hay không, có đạo đức hay không, có thật sự lem nhem qua ông quý tử hay không, hay có chính sách gì. Dân Mỹ chỉ sử dụng lá phiếu để nói lên việc thích hay ghét Trump thôi.

    Đây đúng là một trưng cầu dân ý về cá nhân TT Trump. Vâng, về CÁ NHÂN ông này chứ không phải về thành quả hay thất bại của chính sách nào của ông ta. Cái tệ hại của chính trị Mỹ hiện này là đã bị hoàn toàn chi phối bởi cái mà Mỹ gọi là ‘identity politics’, tức là chính trị dựa trên lý lịch cá nhân, da màu gì, giới tính nào, tôn giáo nào, xấu trai hay đẹp gái, mặt mũi trông dễ thương hay đáng ghét, tóc chải kiểu gì, lưỡi cứng ngắc hay dẻo như bún,… Các chuyện như thành quả kinh tế, công ăn việc làm của dân, chính sách đối ngoại, an ninh quốc gia, trật tự xã hội,… đều vô nghĩa, chẳng đáng thắc mắc. 

    Kiểu như một cụ tỵ nạn đã từng ‘thành thật khai báo’ chỉ bầu tổng thống qua tiêu chuẩn da đen và đàn bà, chứ khả năng hay kinh nghiệm là những chuyện tào lao vớ vẩn không đáng để ý. Đảng DC bây giờ có đưa chị phu quét đường da đen ra tranh cử tổng thống, cụ sẽ bỏ phiếu cho chị ta ngay vì trong lịch sử Mỹ, chưa có chị da đen quét đường nào đã được làm tổng thống. Thế mới đúng là trí thức nhìn xa hiểu rộng, hiểu rõ phải đạo chính trị, hiểu rõ thời thế thế thời phải thế. Hình như Mỹ bây giờ mới sực tỉnh, hiểu được tại sao nhiều phu quét đường ở VN trước đây đã VC phong làm dân biểu dù chưa biết đọc. Trình độ người được bầu phải phản ảnh đúng trình độ người đi bầu mà, phải không?

    Kẻ này đã đọc cả trăm bài viết công kích TT Trump. Ôi thôi, lý lẽ nhiều vô cùng tận, từ lớn đến bé, từ thật đến giả, từ nghiêm chỉnh tới bố láo, nhiều hơn lá mùa thu đang rơi rụng khắp nơi, nhiều quá đến độ chẳng ai buồn quét nữa. Nhưng cái lạ là hầu hết chỉ là bôi bác cá tính cá nhân, chẳng mấy bài phân tích chính sách trị quốc an dân, không một bài nào dám hó hé bàn đến chuyện kinh tế, công ăn việc làm, thành quả chặn Bắc Hàn thử bom nguyên tử, cả nửa tá quốc gia Hồi giáo ký hòa ước với Do Thái, hàng giả, hàng nhái, hàng độc của TC sẽ bị cản vào Mỹ,… 

    Thật ra, cũng có bài bàn về chính sách, nhưng chỉ đúng có một đề tài thôi: đó là chuyện đại dịch thế giới COVID. Dĩ nhiên tất cả xúm vào coi như đó là dịch duy nhất chỉ tấn công nước Mỹ, không xứ nào khác, và dĩ nhiên, nếu cụ lẩm cẩm Biden làm tổng thống thì đã chẳng có ai bị nhiễm chứ đừng nói tới có người bị chết. Hai trăm ngàn người chết đã được coi như quà tặng quá tuyệt vời để phe ta có vũ khí khai thác tối đa để đánh ‘ông Thần Ác’. Còn nhớ khi nước Mỹ đạt được ‘thành quả’ nhiều người chết vì COVID nhất, bà Hillary đã không kềm chế được niềm vui bất tận, nhẩy lên tuýt ngay “America First, Yes!”.

    Tối ngày 3/11, nếu cụ Biden thắng, cả nước sẽ có dịp tổ chức lễ cầu hồn, tạ ơn hai trăm ngàn vong linh đã hy sinh để giúp nước Mỹ diệt được ‘ông Thần Ác’? Không có COVID, không có hai trăm ngàn người chết, đố làm sao bứng được ‘ông Thần Ác’ này? Trời giúp!

    Khai thác xác chết tuy có bất nhân, nhưng đã trở thành bình thường trong thời buổi chính trị đấm đá đẫm máu tàn bạo nhất hiện nay, và cũng cần thiết vì không có cách nào khác để hạ ‘ông Thần Ác’.

    Điều lạ đáng nói là bài chửi Trump thì vô kể, nhưng bài trình bày lý do để bầu cho cụ Biden thì hiếm hơn tiệm bán thịt cầy ở Mỹ. Kẻ này hiểu rõ, nói chuyện chính sách về một cụ đã lăn lộn trong chính trường nửa thế kỷ mà tuyệt đối không để lại một dấu vết nào là việc làm không thể. Mà nói về đức tính cá nhân của cụ Biden càng khó hơn nữa trước những câu hỏi chưa có câu trả lời về chuyện cụ cầm nhầm vợ bạn, đam mê hít tóc các bà, nham nhở với bà Tara Reade, ủng hộ cậu ấm ngủ với chị dâu, xì ke ma tuý bị đuổi ra khỏi quân đội, ăn tiền Ukraine, TC,…

    Trong truyền thông Vẹt tỵ nạn, có vài bài vặn trẹo quai hàm để biện giải nghị sĩ Biden không chống dân tỵ nạn. Kẻ này đã từng thách đố không biết bao nhiêu lần, xin các cụ DUT đưa ra bằng chứng cụ thể TNS Biden đã từng MỘT lần -vâng, chỉ một lần thôi- biểu quyết cho quân lực VNCH một xu hay cho dân tỵ nạn một xu để được di tản vào Mỹ năm 1975.  Cho đến nay, chưa một ai đã làm nổi. 

    Dù sao, ta cũng vẫn cần phải hiểu thêm về cụ lẩm cẩm Biden trước khi vào phòng phiếu.

    Trước hết, ta bàn về việc thay thế tổng thống khi ông này hết 2 nhiệm kỳ, không ra tranh cử được nữa. Đây là tình trạng của năm 2016.

    Hầu hết trong những trường hợp này, phó tổng thống ra tranh cử tiếp. Như trong lịch sử cận đại, các PTT Nixon, Humphrey, Mondale, Bush cha, Quayle, Gore đều ra tranh cử. Có người đắc cử, có người rớt đài.

    Gần đây có hai trường hợp đặc miễn, PTT không ra tranh cử.

    Lần đầu là PTT Dick Cheney của ông Bush con. Ngay từ đầu khi chấp nhận ngồi chung với TT Bush con năm 2000, ông đã khẳng định rõ ràng ông không muốn làm tổng thống, chỉ muốn giúp ông Bush con thôi, do đó, sau khi TT Bush con mãn  nhiệm, PTT Cheney không ra tranh cử tổng thống.

    Trường hợp thứ hai đặc biệt hơn, ly kỳ hơn: năm 2016, khi TT Obama mãn nhiệm, PTT Biden không ra tranh cử, để bà Hillary ra. Trên chính thức, PTT Biden viện cớ ông con cả Beau Biden bị ung thư chết, ông buồn lo nên không có hứng thú ra tranh cử. Đây chỉ là cái cớ viện dẫn, không phải lý do thật, khi ông con đã chết từ cả năm trước, tháng 6/2015. Chính trị gia lo khai thác những chuyện buồn thì rất dai, nhưng trên thực tế thì ít khi buồn lâu đến thế. Cụ Biden có bà vợ bị tai nạn xe hơi qua đời, 3 năm sau là đã lấy vợ khác rồi nhưng 40 năm sau vẫn mếu máo rơm rớm nước mắt mỗi lần đứng trước cử tri.

    Lý do PTT Biden không ra tranh cử năm 2016 là vì đã có một ‘thỏa thuận kín’ mà danh từ thời thượng gọi là ‘quid-pro-quo’ trong đảng DC từ hồi 2008 rồi. Khi đó, có cuộc tranh cử rất gay gắt giữa bà Hillary và ông Obama. Cận ngày đại hội đảng, hai bên vẫn đánh nhau thẳng tay không bên nào chịu thua. Bà Hillary có đa số cử tri đoàn nhờ thắng các cuộc bầu sơ bộ trong nội bộ đảng, trong khi ông Obama có một số rất lớn phiếu của các vị gọi là ‘siêu đại biểu’, super delegates (mà bên CH không có), là các đại quan của đảng như các đương kim hay cựu TT, PTT, nghị sĩ, dân biểu, thống đốc, quan chức liên bang, tiểu bang và địa phương,… tổng cộng có tới 850 người đương nhiên được đảng phong làm cử tri đoàn. Ta có thể gọi đó là khối ‘hệ thống cầm quyền’ -establishment- của đảng DC, nhưng lần này, họ phá lệ, ủng hộ một người mới, ngoài hệ thống, là ông Obama, vì quá chán với những bê bối của chính quyền Clinton và quá sợ tham vọng quá lớn của bà Hillary.

    Kết số là hai bên ngang ngửa số phiếu cử tri đoàn gần kề ngày đại hội đảng. Cấp lãnh đạo đảng tối tăm mặt mũi tìm cách giải quyết, tạo thế đoàn kết để hạ đảng CH. Sau không biết bao nhiêu họp mật giữa các tai to mặt lớn của đảng DC, cuối cùng, qua cuộc họp ‘thượng đỉnh’ tại tư gia bà nghị sĩ Diane Feinstein tại San Francisco trước sự hiện diện của cả bà Hillary lẫn ông Obama, đi đến một thỏa hiệp dĩ nhiên không chính thức, không văn bản, nhưng ai cũng biết, là bà Hillary rút lui, ủng hộ ông Obama ra đại diện cho đảng DC. Trong tinh thần ‘có qua có lại cho toại lòng nhau’, bà Hillary đạt được nhiều nhượng bộ từ phiá ông Obama:

1. cá nhân bà sẽ được trọng dụng ở cấp cao nhất trong nội các Obama, đưa đến việc bà được bổ nhiệm làm ngoại trưởng với toàn quyền quyết định;

2. TT Obama sẽ chấp nhận đưa ra luật cải tổ y tế Hillarycare, đổi tên qua là Obamacare; đây là luật cải tổ y tế của bà Hillary tính đưa ra năm 1993 khi ông Clinton làm tổng thống, nhưng thất bại vì không đủ hậu thuẫn trong chính nội bộ đảng DC, bị chê là chưa đủ cấp tiến, mà chính ông Obama trước đó cũng đã chống mạnh;

3. sau khi mãn nhiệm, TT Obama và toàn đảng DC sẽ hậu thuẫn việc bà Hillary ra tranh cử và PTT Biden sẽ không ra tranh cử.

    Đây là lý do chính TT Obama và cấp lãnh đạo đảng DC đã không cho PTT Biden ra tranh cử năm 2016, mà đưa bà Hillary ra.

    Năm nay, bà Hillary thất bại rồi, cụ Biden mới có quyền ra.

    Lý do thứ nhì tại sao PTT Biden không được ra tranh cử mà lại là bà Hillary, quan trọng không kém, nhưng khó nói hơn là TT Obama không tin tưởng ở khả năng PTT Biden có thể tiếp nối sự nghiệp của ông, mà tin tưởng bà Hillary có khả năng hơn nhiều, cũng như có khả năng thắng cử hơn xa cụ lẩm cẩm Biden. Ngay cả năm ngoái, khi cụ Biden ra tranh cử, TT Obama từ chối không ủng hộ cho đến khi cụ Biden loại được tất cả mọi người thì TT Obama mới lên tiếng hậu thuẫn. Nôm na ra, TT Obama hiểu rõ ông phó của mình hơn ai hết, không nghĩ ông phó là người xuất sắc lắm.

    Tóm lại, sau khi tổng thống đương nhiệm Obama mãn nhiệm, ông phó Biden đã không ra thay thế được vì a) đã có thoả thuận với bà Hillary từ trước, và b) PTT Biden không có khả năng cũng như không có hậu thuẫn chính trị. Gần nửa thế kỷ trong chính trường, cụ Biden đã không có một đồng minh hay hậu thuẫn chính trị nào hết.

    Bây giờ ta bàn qua trường hợp tranh cử chống tổng thống đương nhiệm, là chuyện đang xẩy ra.

    Thông thường, trong lịch sử bầu bán tổng thống, dân Mỹ chấp nhận cho mỗi tổng thống được làm hai nhiệm kỳ, tổng cộng 8 năm, vì họ hiểu rõ một nhiệm kỳ 4 năm quá ngắn, vì nói là 4 năm, nhưng thực sự chỉ làm việc có 2 năm thôi. Năm đầu sau khi đắc cử thì mắc lo dọn nhà, đếm coi Tòa Bạch Ốc có bao nhiêu phòng, thay đổi bàn ghế, đi làm quen với các tai to mặt lớn, ôm vai bá cổ khối Nhà Nước Ngầm, tức là guồng máy hành chánh rỉ sét, bắt quàng làm họ với các dân biểu, nghị sĩ, tìm phụ tá, bổ nhiệm quan chức, rồi học nghề. Năm cuối thì đã lo đi vận động tái tranh cử rồi. Nghĩa là chỉ làm việc 2 năm giữa thôi.

    Hiểu cách vận hành của chính trị Mỹ như vậy thì hy vọng tái đắc cử của tổng thống đương nhiệm thường rất cao, trừ phi ông làm chuyện gì quá thất nhân tâm, thất bại quá nặng nề, hay bị tai bay vạ gió nào đó.

    Trong lịch sử cận đại, chỉ có hai ông bị cho về hưu sớm là TT Carter và TT Bush cha.

    TT Carter về hưu non sau một nhiệm kỳ vì quá nhút nhát để Iran kẹp cổ, đại cường Mỹ mất mặt, lại bất tài đẻ ra tình trạng kinh tế bết bát nhất lịch sử từ những ngày khủng hoảng hồi đầu thế kỷ.

    TT Bush cha đã bị cho về vườn sớm vì hai lý do, thứ nhất đã thất hứa lớn khi tăng thuế quá mạnh, và bất ngờ bị ông tỷ phú bảo thủ nặng Ross Perot ngáng chân, giựt mất cả triệu phiếu bảo thủ, giúp TĐ Bill Clinton thắng cử dù với tỷ lệ thấp nhất lịch sử Mỹ, 43% phiếu. Ông Perot lấy mất gần 20% phiếu của ông Bush, khiến ông này chỉ được có hơn 37%. Không có ông Perot, không ai nghĩ TĐ Clinton đã thắng được. Chính TT Clinton sau này nhìn nhận đã hết sức ngỡ ngàng thấy mình thắng.

    Trong cái lý luận đó, thông thường các tên tuổi chính trị lớn tránh không ra tranh cử chống tổng thống đương nhiệm. Do đó, chỉ có hai loại ứng cử viên thò đầu ra: 

- Một là những anh chị chính khách vô danh, muốn ra tranh cử để ra mắt trình làng, cho thiên hạ biết tên tuổi, chuẩn bị cho lần tranh cử tới, khi tổng thống mãn nhiệm, chẳng hạn như TĐ Bill Clinton năm 1992, hay để củng cố cái ghế hiện hữu của mình như nhiều thống đốc hay nghị sĩ, dân biểu đương nhiệm đã làm. Năm qua, ta đã thấy những Kamala Harris, Peter Buttigieg, Amy Klobuchar,… thuộc loại này.

- Hai là các cụ chính khách lão làng, cuối đời muốn được truy phong, nhìn nhận công hãn mã của cả đời mình, như trường hợp cụ PTT Walter Mondale của DC năm 1984 và cụ Bob Dole của CH năm 1996, được đưa ra dù biết hy vọng đắc cử đúng Zero! Năm qua, ta đã thấy … cụ Biden! 

    Vâng, đúng là đảng DC đã muốn ghi nhận công lão làng của cụ Biden trong khi chẳng ai nghĩ một cách nghiêm chỉnh cụ Biden sẽ có thể hạ được đương kim TT Trump, người đã chủ trì một phát triển kinh tế mạnh chưa từng thấy trong lịch sử Mỹ.

    Cái may mắn vĩ đại hoàn toàn bất ngờ cho cụ Biden, cũng là cái đại họa cho nước Mỹ, là bất thình lình từ Vũ Hán đã bay qua Mỹ cả triệu tỷ con vi khuẩn corona. Thay đổi hoàn toàn cuộc diện chính trị Mỹ.

    Bình thường thì cuộc tranh cử lần này phải nhạt hơn nước rau muống luộc, cả nước ngủ gật, may ra có vài trăm người đi bầu tổng thống. Cụ Biden sẽ thảm bại, nhưng thỏa mãn vì được đảng DC tri ân, rồi nhẹ nhàng đi mua cần câu.

    Nhưng COVID đã bất ngờ đổ bộ vào đất Mỹ, đến đúng lúc, phá tan những thành quả kinh tế, tạo công ăn việc làm cho dân của TT Trump, rồi giết cả trăm ngàn người khiến dân hốt hoảng không biết tránh dịch cách nào. Như DĐTC đã viết, dân Mỹ là dân thiếu kiên nhẫn nhất thế giới, cũng dễ rét nhất, cuống cuồng lo tìm thuốc chữa và bác sĩ mới. Bác sĩ Trump không chữa được, vớ đại bác sĩ Biden, biết đâu? Tìm hy vọng trong tuyệt vọng. Đảng DC thấy rõ, khai thác triệt để dù mang tiếng bất nhân. Bất ngờ, cụ Biden thấy được ánh sáng cuối đường hầm.

    Trong tình trạng hiện hữu, tuyệt đối không có một người Mỹ nào tin tưởng một lão ông lẩm cẩm, mà 48% dân Mỹ nghĩ là đã bị bệnh đãng trí, lại có thể có khả năng đối phó hữu hiệu với Covid, hay đi xa hơn nữa, có khả năng phục hồi kinh tế mau chóng, rồi đấu chưởng với Putin, Tập Cận Bình hay ngay cả Cậu Ấm Ủn. Thây kệ, nhiều người Mỹ quá hoảng sợ vẫn bám vào hy vọng ở một thay đổi, bất kể vô lý tới đâu.

    Mới đây, ta thấy nổ ra vụ laptop của cậu ấm Hunter. Đó là một xì-căng-đan tham nhũng khổng lồ. Nếu anh Hunter mà là con của ông Trump thì TT Trump đã bị đàn hặc và truất phế ngay trong vòng 5 phút sau khi câu chuyện nổ đùng ra rồi. Nhưng vì anh ta là cậu ấm của phe ta nên mọi chuyện được tất cả phe ta, nhất là TTDC, cố hết sức nhận chìm hay bào chữa tróc lưỡi luôn. 

    Như đã bàn, cuộc bầu cử năm nay hoàn toàn bị chi phối bởi ‘identity politics’, phản ảnh qua việc một cụ BLM -Biden Lờ Mờ- ngáp được vai trò đại diện đảng DC. Nhưng đằng sau cái bung xung đó, cuộc bầu cử năm nay sẽ có hậu quả cực kỳ lớn, vì nó cho chúng ta một lựa chọn giữa hai người khác nhau một trời một vực, và quan trọng hơn nhiều, giữa hai chính sách, hai hướng đi cũng khác nhau một trời một vực.

    Một bên là khuynh hướng mà kẻ này gọi tạm là cấp tiến thiên tả. Phe này gồm có một mớ cử tri có vẻ loạn xà ngầu như nồi cháo lòng, trong đó có dân da đen, da nâu, dân lao động, dân thành thị, dân có học cao, lớp trẻ, đa số phụ nữ trẻ ham vui, giới truyền thông, giới các mạng xã hội, giới nghệ sĩ, đám đại tài phiệt dửng mỡ,…

    Bên kia là khối gọi là bảo thủ gồm các ông bà già da trắng, dân nông thôn, dân tương đối ít học, dân coi nặng tôn giáo, giá trị gia đình, đại đa số dân trung lưu lo làm ăn,…

    Thuần tuý trên phương diện dân số, thì khối dân cấp tiến càng ngày càng đông đảo hơn, càng lấn át khối bảo thủ, để rồi sẽ thống trị nước Mỹ luôn. Nhưng đó là chuyện tương lai của một hai thế hệ nữa, chứ trong hiện tại, khối cấp tiến vẫn còn là thiểu số. Nhưng cái thiểu số đó mỗi ngày có tiếng nói thực tế mạnh hơn, chỉ vì khối bảo thủ đa số rất lười đi bầu bán. Các cụ cũng như các thương gia ít khi chịu khó đứng xếp hàng cả ngày để đi bầu.

    Kẻ này chưa có may mắn học qua lớp bói toán sơ cấp, nên chẳng có cách nào đoán ai sẽ là tổng thống năm tới. Nhưng vẫn có thể có vài nhận định.

    Nếu TT Trump tái đắc cử, đảng DC sẽ phải đóng cửa, diện bích ít nhất cả năm để xem lại coi mình đã sai chuyện gì, đến nỗi mà một ‘tay vua nói láo, vô đạo đức, vô tài, vô đủ thứ’ lại vẫn có thể hạ một bà ‘siêu thần tượng’ để đắc cử, rồi lại hạ một ‘siêu chính khách lão làng’ để tái đắc cử, bất kể nỗ lực bá thở của phe ta từ đảng DC, tới hầu hết TTDC, tất cả hệ thống mạng xã hội,…

    Nếu cụ Biden đắc cử, kẻ này có thể mường tượng cụ sẽ là một trong những tổng thống tệ dở nhất lịch sử Mỹ, ngang ngửa với ông trồng đậu phộng Carter. 

    Cụ Biden là một chính khách tầm thường, tầm thường đến độ lăn lộn trong chính trường gần nửa thế kỷ mà tuyệt đối không để lại được bất cứ một dấu ấn nào ngoài tiếng đồn là người ‘ôn hòa’ không gây sóng gió, hay nôm na ra, là loại các cụ ta gọi là ba phải, gì cũng cười, chỉ biết gật gù mà không bao giờ có sáng kiến hay tối kiến nào. 

     Bây giờ, nếu cụ Biden đắc cử, ta sẽ thấy một Carter nhiệm kỳ 3, với một nước Mỹ tuột hậu, cả thế giới coi thường, kinh tế lụn bại. Đó là trường hợp lạc quan.

    Nếu nước Mỹ kém may mắn hơn, ta sẽ thấy cụ Biden như Obama nhiệm kỳ 3. Những gì ta thấy trong những năm của Obama sẽ tái xuất giang hồ: kinh tế phục hồi chậm hơn sên, sưu cao thuế nặng, Vú Em bao phủ cuộc sống, công chức và luật lệ tràn lan, công ty xách dép chạy ra ngoài nước, thất nghiệp dây dưa, kỷ lục trợ cấp, kỷ lục phiếu thực phẩm, kỷ lục thâm thủng ngân sách, kỷ lục công nợ, thời vàng son của ‘phải đạo chính trị’ trở lại, với sự hồi sinh của các phong trào phá thai thả dàn, cầu tiêu chung, xì ke hợp pháp, và những người hùng mới như đồng tính, chuyển giới, antifa, bờ lờ mờ, thất nghiệp, welfare queens, homeless,... Dĩ nhiên kèm theo lời đổ thừa lỗi tại Trump hết.

    Có thể dưới trào Biden, chính trị Mỹ sẽ bớt náo loạn hơn, phân hóa chính trị sẽ giảm phần nào. Nhưng không phải vì cụ Biden có khả năng tạo đoàn kết hơn, mà chỉ vì phe đối lập CH, vốn dĩ đa số là các cụ da trắng, luôn có tính ôn hoà hơn đám cuồng khùng antifa, Bờ Lờ Mờ, các bà la sát mê phá thai, nên những chống đối không thể thô bạo như ta đã thấy trong bốn năm qua.

    Lão ông bát tuần Biden thở không ra hơi sẽ kẹt cứng giữa hai gọng kìm cực mạnh mà cũng cực năng động, một gọng là giới TTDC của đám nhà báo trẻ cấp tiến nặng, với ảnh hưởng ngày một thống trị thiên hạ, một gọng là khối thiên tả cực đoan trong chính đảng DC dưới sự lãnh đạo của cô bán bar AOC. Hãy thử tưởng tượng một ông lão hom hem đãng trí đứng ra lãnh đạo những đám trẻ quá khích hung hãn nhất, chuyện gì sẽ xẩy ra?

    Kẻ này có thể tiên đoán cụ Biden sẽ không làm tổng thống hơn một nhiệm kỳ. Nếu không bị alzheimer hành thì cũng bị các xì-căng-đan của ông quý tử hại, hay cũng có thể bị cô ban bar đảo chánh. Cuối cùng chỉ là cục gạch lót đường cho khối cực tả của đảng DC, với bà Kamala Harris là ngôi sao thực thụ của đảng DC thời đại mới.



ĐỌC BÁO MỸ


11.000 Tỷ Lý Do Không Bầu Cho Biden – Reason.com:

https://reason.com/2020/10/27/11-trillion-reasons-to-fear-joe-bidens-presidency/


Trumpism: Hiện Tại và Tương Lai – American Greatness:

https://amgreatness.com/2020/10/25/trumpism-then-now-and-in-the-future/


Trump Có Thể Thắng – The Atlantic:

https://www.theatlantic.com/politics/archive/2020/10/trump-can-win-2020/616905/


Bài Cần Đọc Lại Trước Khi Đi Bầu:


BÀI 143: CHƯƠNG TRÌNH CỦA CỤ BIDEN

https://diendantraichieu.blogspot.com/2020/09/bai-143-chuong-trinh-cua-cu-biden.html


BÀI 139: TÔI KHÔNG ƯA CỤ BIDEN

https://diendantraichieu.blogspot.com/2020/08/bai-139-toi-khong-ua-cu-biden.html


BÀI 124: CỤ BIDEN VÀ CHUYỆN SEX

https://diendantraichieu.blogspot.com/2020/05/bai-124-cu-biden-va-chuyen-sex.html


BÀI 123: CỤ BIDEN VÀ VẤN ĐỀ VIỆT NAM

https://diendantraichieu.blogspot.com/2020/05/bai-123-cu-biden-va-van-e-viet-nam.html


BÀI 77: TỔNG THỐNG BIDEN?

https://diendantraichieu.blogspot.com/2019/06/bai-77-tong-thong-biden.html


BÀI 74: HÀNH TRANG CỦA CỤ BIDEN

https://diendantraichieu.blogspot.com/2019/05/bai-74-hanh-trang-cua-cu-biden.html