Thứ Ba, 9 tháng 6, 2020

Đi bộ và dạy trẻ ở Nhật Bản


Chuyện dạy trẻ con ở Nhật.
Túm lại là chuyện giáo dục ở Nhật thì cũng đã có nhiều báo chí viết. Nhưng khi quan sát cuộc sống của người Nhật thấy họ sống lúc nào cũng kiềm chế. Vui không vui quá. Buồn không buồn quá. Và đặc biệt rất hạn chế cáu kỉnh gào thét.
Họ rất chăm chỉ làm việc, nhưng dường như khi biểu hiện cảm xúc cá nhân họ không bao giờ sử dụng hết 100% năng lượng.
Có lẽ cái này do họ được dạy từ lúc không tuổi, thế hệ này qua thế hệ khác.
Những đứa trẻ sanh ra ở Nhật không khác ở VN mấy về những biểu hiện bên ngoài. Chúng nó cũng có những lúc khóc lóc lăn lộn gào thét thậm chí tát ông bà cha mẹ khi không hài lòng.
Nhưng khi lớn lên thì tất cả chúng nó đều mất hết cái bản năng bộc lộ 100% cảm xúc.
Hôm nay nhìn một ông khoảng 70 tuổi cho đứa cháu nội đi chơi. Đến lúc về, ông bảo nó về. Nó không muốn về thế là nó gào khóc ăn vạ đòi đi chơi nữa. Ông già vẫn giữ giọng đều đều bảo cháu "đến giờ về rồi". Thằng bé vẫn không nghe. Khoảng 5 phút hai ông cháu như vậy, người ông đành chạy ra bế đứa cháu bỏ lên xe đẩy. Lúc ông bế nó, nó cáu nó tát vào mặt ông. Ông vẫn giữ giọng đều đều và đặt cháu vào trong xe. Rồi đẩy về.
Cách của người Nhật đối với trẻ nhỏ:
1/ Không gào thét, cáu kỉnh.
2/ Nhưng không nhượng bộ, phải thực hiện đúng quy định.

***

Chuyện ưu tiên người đi bộ và người đi xe đạp ở Nhật
Ở Nhật ô-tô và xe máy được huấn luyện phải ưu tiên người đi bộ và đi xe đạp. Và được chấp hành khá tốt. Tất nhiên vẫn có phần trăm không tuân thủ.
1/ Nơi đường giao nhau có đèn giao thông luân phiên. Người đi bộ và xe đạp đi theo đèn xanh dành riêng cho người đi bộ.
2/ Ở những nơi có ít người đi bộ, nhưng ở khu vực phố, nơi có vạch sơn sang đường cho người đi bộ. Họ trang bị nút gọi đèn. Người muốn qua đường bấm nút đó và đợi đèn xanh thì băng qua đường.
3/ Ở những nơi có ít người đi bộ, không phải ở phố, nơi có vạch sơn cho người đi bộ, do vấn đề gì đó, không có trang bị đèn giao thông. Người đi bộ dừng lại trên hè và tỏ ý muốn qua đường. Các xe máy và ô-tô khi thấy như vậy sẽ dừng hẳn lại. Khi thấy xe dừng hẳn lại, người đi bộ mới sang đường.
4/ Ở những nơi không có vạch sơn cho người qua đường, nhưng nhiều người đi bộ vẫn băng qua đường, qua đường như vậy là sai luật. Khi thấy như vậy xe ô tô và xe máy cũng vẫn dừng hẳn lại nhường cho người đi bộ.


Đây chính là lý do vì sao mà mỗi khi ở Nhật có tai nạn giao thông thì báo chí truyền hình xúm vào đưa tin liên tục mấy ngày liền như kiểu sự kiện gì hoành tráng lắm.

Con gái nó bổ sung là phạt vi phạm giao thông ở Nhật rất nặng. Nếu gây ra tai nạn có thể bị phạt đến 3 triệu yên/vụ tức khoảng 600 triệu VND. Phạt thế thì đúng là khô máu luôn.

Không có nhận xét nào: