Cuối mùa Đông, đêm khuya ngẫm mãi về tuổi trẻ và nạn tâm thần phân liệt, tôi nhớ về tuổi trẻ của mình, cho đến thời trung niên, và ngày nay. Tức là sau này...
Khi còn học trong một trường kinh doanh tại Paris, chúng tôi có môn tạm gọi là ‘nghiên cứu hồ sơ’, case study, do HEC tại Paris mua và dùng chung với Harvard bên Mỹ. Hơn 50 năm sau, tôi còn nhớ đến hồ sơ phải đọc, học, suy ngẫm để vô lớp là thảo luận với các bạn học, dưới sự theo dõi và hướng dẫn của ông thầy, cũng là một doanh gia ngoài đời.
“MAXWELL”...
Đó là Maxwell House, doanh nghiệp Mỹ chuyên về cà phê ra đời từ 1892, rồi thay hình đổi dạng nhiều lần. Lần đó, sinh viên phải nghiên cứu về chiến lược mới của Maxwell, là sản xuất cà phê tan liền. Cũng phải “ngon cho đến giọt cuối”.
Maxwell có dự án đó sau khi khảo sát thị trường, cân nhắc lợi hại và chuẩn bị điều kiện thực hiện sao cho có lời và an toàn trong lâu dài. Lũ sinh viên chúng tôi, ở tuổi 20, trong một lớp chừng 25 đứa phải tìm hiểu và thảo luận về chiến lược kinh doanh cho Maxwell. Phải tích cực suy nghĩ từ trước, rồi thảo luận mạch lạc, chứ ngồi im như triết gia là ông thầy thấy ra. Và chấm điểm!
Đấy là bối cảnh, cho giới trẻ thời nay suy nghĩ, vì chính tôi cũng đã suy nghĩ trong sự bàng hoàng khi học được...
Maxwell khảo sát từ phòng thì nghiệm thì thấy loại cà phê Arabica là thích hợp nhất, mà đấy là thổ sản của Nam Mỹ. Vì vậy, đám con nít chúng tôi học được và hiểu ra nhu cầu của Maxwell: bảo đảm nguồn cung cấp bằng cách... đầu tư vào các nông trại trồng cà phê Arabica. Từ đó, phải nghiên cứu tiếp về địa dư, tài nguyên, kinh tế, xã hội và chính trị, nhất là chính trị từng quốc gia trong khu vực để chọn lựa. Có thể là nhiều năm sau thị trường mới thấy động thái của Maxwell. Trong khi công ty có thể đã tiếp xúc để biết thêm quan điểm lập trường của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Trung Nam Mỹ.
Thí dụ trên giúp ta hiểu rõ hơn kinh tế thị trường và lối hành xử của tư bản chủ nghĩa. Tuổi trẻ Tây phương ở tuổi đôi mươi được huấn luyện để suy nghĩ và quyết định theo chiều hướng rộng mở như vậy...
Ta hãy suy ra nhiều lãnh vực khác...
Được huấn luyện như vậy, khi về nước phục vụ - dù từ 1969 tôi đã nghĩ và viết rằng Hoa Kỳ sẽ bỏ cuộc – người viết lại lo giải quyết loại công việc không có trong giáo trình. Chỉ còn kinh nghiệm là tinh thần hay khảo hướng (approach - phương hướng khảo cập) giải quyết bài toán mới.
Cho tới khi lại phải ra đi, và làm tư vấn về kinh tế kinh doanh. Lúc đó mới học được một kinh nghiệm khác.
“NIKKEI 225”...
Tôi đã từng đến Nhật Bản nhiều lần.
Tôi chưa hề là du khách mà là chuyên viên qua đó học hỏi kinh nghiệm canh tân thời Minh Trị, rồi tái thiết sau khi Đế quốc Nhật bại trận, v.v. hoặc đi tìm nguồn trợ giúp...
Năm đó tôi bỗng thấy giật mình.
Chỉ vài năm sau khi làm người Mỹ hốt hoảng vì sợ Nhật vượt mặt đến nỗi phát động chiến dịch chống Nhật Bản quãng 1985-1987 thì siêu cường kinh tế này bị khủng hoảng. Một dấu hiệu dễ nhớ (vì đang là thời sự!) là chỉ số cổ phiếu Nikkei 225: từ 1990 đã mất gần phân nửa giá trị, rơi khỏi đỉnh cao hơn 37.000 chỉ còn có 20.000 điểm.
Khi đó, tôi đã viết nhiều bài về an ninh và kinh tế Nhật Bản, về hối suất đồng Yen so với tiền Mỹ, hoặc khi sản lượng kinh tế chính thức của Nhật bị thua Trung Cộng từ năm 2010. Thời đó, tôi thuộc thành phần thiểu số tuyệt đối vì vẫn cho rằng phép lạ kinh tế Trung Cộng là chuyện ảo, và không bền, vân vân...
Xin vọt tới ngày nay, cuối tuần bắt quý vị suy nghĩ lâu la làm chi!
Năm qua, từ Tháng Giêng 2023 đến Tháng Giêng 2024, Chỉ số Nikkei 225 của Nhật đã tăng 25% lên tới đỉnh cao nhất kể từ 34 năm qua. Nếu tính về dài thì chỉ còn kém đỉnh cao 1990 có 10% thôi. Trong khi đó, Chỉ số Phức hợp Thượng Hải (Shanghai Composite Index) của Trung Cộng mất 14%! Khác biệt là 39% (+25% và -14%).
Mà chưa hết...
Nếu so sánh hai nước ta còn thấy trong hai năm qua, đồng Yuan của Tầu và đồng Yen của Nhật đều sụt 10% so với đồng Mỹ kim. Kết luận gì đây?...
Nhật Bản coi đó là tin vui vì 1) doanh lợi xí nghiệp Nhật tăng, 2) doanh giới củng cố niềm tin là nhờ tiền rẻ so với đô la, xuất cảng của Nhật vào thị trường chính yếu là Hoa Kỳ sẽ tăng! Người Nhật cho rằng 30 năm suy sụp kinh tế, từ 1993 đến 2023, đang thoái lui.
Nay ta liếc vào Trung Cộng: trên lý thuyết, đồng bạc rẻ hơn thì càng dễ xuất cảng hàng hóa vì rẻ hơn. Nhưng việc bán hàng cho Mỹ vẫn bị “hiệu ứng Donald Trump” mà Joe Biden không dám xóa vì gia đình ăn quá nhiều của Bắc Kinh! Không thể trông cậy vào xuất cảng cho Mỹ để kéo kinh tế lên khỏi vực thẳm như trước đây.
Và tuần trước, các ngân hàng của Trung Cộng đang loay hoay với nhau để tìm cách nâng giá đồng Nguyên. Rẻ quá thì hóa đơn nhập cảng lại tăng.
Khi theo dõi loại tin tức phức tạp về tam giác Mỹ-Nhật-Tầu... tôi cứ mong các doanh gia trẻ tại Việt Nam cũng hiểu rõ cục diện như vậy.
Nhưng, nói về giới trẻ, tôi bỗng giật mình khi thị trường sách Hoa Kỳ đang khuyến khích lớp tuổi đôi mươi của họ phải mua và đọc một cuốn sách...
“NO WORRIES”...
Đó là cuốn sách của Jared Dillian, một doanh gia đầu tư khét tiếng.
Nhưng nội dung còn kinh hãi hơn mọi dự đoán: “Đừng Lo – Làm Sao Sống Một Cuộc Đời Tài Chánh Khỏi Lo Âu” ( Xin coi hình: “No Worries – How to Live a Stress-Free Financial Life”).
Đây có thể là hồi ký của một quái chiêu trong lãnh vực kinh doanh tài chánh vì ông kể lại tuổi đôi mươi và những gì đã học, đã làm, trước và sau khi lấy vợ... Dĩ nhiên, phải thành công trên doanh trường mới viết sách về nghề nghiệp và lối sống cho thế hệ trẻ.
Tôi khoái nhất là khi tác giả khuyên... “phải dành 1% thời giờ cho việc mua bán chứng phiếu, 9% cho việc nghiên cứu, và 90% thời giờ là... chờ đợi!” Điều rất lạ vì ông chê nhiều người cứ dán mắt vào màn ảnh 10 tiếng một ngày để tìm hiểu rồi mua ra bán vào và quản lý tiền bạc của họ cho đến mụ người mới thôi.
Jared Dillian cho rằng chúng ta phải tập thói quen thư giãn vì sự tỉnh táo sẽ cho ta nhiều sáng kiến hơn! Dù ưa giễu cợt, tôi cũng tập kỷ luật thư giãn mà coi bộ... chưa tới. Vì vậy mới ngạc nhiên vì những ai đã đọc cuốn NO WORRIES đều góp ý với Amazon là nên khuyên giới trẻ Hoa Kỳ mua về mà đọc.
---
Hôm bữa, khi yết lại bài viết về hiện tượng “tâm thần phân liệt” của dân ta, tôi được phản hồi của nhiều độc giả - nhất là ở trong nước. Kể cả người nhắc đến nạn nghiện ngập bia rượu của giới trẻ...
Đêm khuya tôi mất ngủ vì nhớ đến tuổi trẻ của mình khi đi học và thấy đồng bạn sống và suy nghĩ ra sao, thí dụ như về Hồ sơ Maxwell. Rồi khi đi làm và trực tiếp chứng kiến chuyện thịnh suy của nước nhà và của thiên hạ, tôi thấy thương xót tuổi trẻ, bỗng nghĩ đến liều thuốc lạ của tác giả Jared Dillian. Ông không hề khuyên ta bỏ qua mọi chuyện mà khuyên giới trẻ nên sống ra sao. May ra thì sẽ thành công.
Thiếu khả năng, tôi xin mượn chuyện của thiên hạ để lay động nhau vậy...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét