Nguồn: RFA Kiếp nạn 82 của ông Táo — Tiếng Việt (rfa.org)
Kiếp nạn 82 của ông Táo
Châm biếm của blogger Nguyễn Nhơn (không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do)
2024.02.18
Hôm 23 tháng Chạp, nhà nhà Việt Nam ai nấy long trọng cúng ông Táo, nịnh nọt bày vô số món ăn ngọt lịm cầu mong ông về chầu Ngọc Hoàng cuối năm bình yên suôn sẻ, nói giùm gia chủ những lời ngọt ngào tốt đẹp để năm sau được nhiều may mắn.
Ai có mà dè, đến ngày 30 Tất niên, khi nhà nhà nô nức cúng rước ông Táo về lại thì mới té ngửa ra một sự động trời.
Ban đầu cũng không ai biết cả. Nhưng khi hương khói vừa thắp, ông bà Táo hiện hình hưởng lộc thì cả nhà ú òa. Trời ơi đi về Thiên đình ăn Tết mà sao ông nào ông nấy, bà nào bà nấy mặt mày hốc hác gầy sọm, tóc tai xơ xác. Đã không có quần thì chớ, còn mỗi cái áo mà nhăn nhíu hôi rình, hai vạt dài cuốn xoăn lên như bắp cải mùa đông, thảm không thể tả.
Vỡ lẽ
Làm sao thế này? Đường lên Thiên đình giờ không còn trạm thu phí nào, cao tốc cũng vừa xong trước tết, cá chép bay véo một cái thì đến. Căn bản không có trở ngại gì. Sao bọn họ cả thảy trông như đói ăn, nhếch nhác như bị đem bỏ chợ mấy ngày.
-Hu hu chủ nhân, lần sau đừng tin báo chí nữa. Thấy đứa báo chí nào đến nhà thì đuổi ngay.
-Không tin công an, công an càng to càng không tin.
Táo ông Táo bà một đoàn tiếp nối vừa khóc vừa căn dặn chủ nhân, làm các chủ nhân mặt cứ dài ra như cái thuổng vì kinh ngạc.
Trên toàn cõi Việt giới này người dám nghi ngờ công an thì chỉ có vợ hay chồng công an thôi, chứ dân thường-kể cả Táo thường đi nữa-ai cho cái gan to tày liếp ấy? Đang buôn bán anh ấy đến chỉ tay một cái bảo đóng cửa, vi phạm hành chính, thì vợ chồng con cái chỉ có nước treo mõm lên chứ nói lý được với công an à?
Các Táo trên đường lên Thiên đình lần này đã gặp phải chuyện gì mà bỗng như được tiêm máu gà thế chứ?
-Chúng tôi có được vào Thiên đình đâu. Cứ chò hõ ở khách sạn xem tổng kết qua live stream. Nhục ơi là nhục. Mạng thì cá mập nó cắn luôn, trông mặt Ngọc Hoàng lúc rõ lúc nhòe khổ ơi là khổ.
Hóa ra là do bởi tại vì cái căn cước.
Không làm phiền
Các Táo cụ trông coi bếp củi, bếp than, bếp trấu, đun lá khô đã mấy trăm năm nay, hồi trước được cấp giấy tờ tùy thân gọi là Chứng minh nhân dân, bằng giấy. Miếng giấy mỏng, chìa ra chìa vào mãi dễ nhàu rách, các cụ cẩn thận đem mấy lượt giấy bóng (nilon) gói lại, dùng bàn ủi than ủi qua tấm vải cho các nếp chết cứng để bảo vệ.
Nghe mãi đâm quen chứ ngẫm ra cái tên này quá vấn đề. Chứng minh nhân dân tức là chứng minh (người đang cầm nó) là nhân dân à? Thế có chứng minh cán bộ không?
Đến đời Táo bếp dầu khoảng 1980 thì vẫn là Chứng minh nhân dân. Nhưng lúc này cùng với bơm mực bút bi, đánh máy chữ, rút lốp-lộn xích xe đạp, ở miền Nam cũng có những người chạy chiếc xe đạp, sau lưng có cái thùng đựng chiếc bàn ủi con gà bằng đồng hay bằng gang đi ép Chứng minh nhân dân. Vẫn ép mẩu giấy lên tấm nilon rồi làm nóng nhưng tay chuyên hơn. Cực sáng tạo là các anh, chú dùng một bên chiếc phẹc mơ tuya đặt dọc từng cạnh của Chứng minh nhân dân, xếp miếng nilon dày lên rồi mới dùng bàn ủi nóng đè xuống. Nhựa nóng chảy theo răng cưa của phẹc mơ tuya tạo thành mép dán rất khít khao, đẹp như làm bằng máy.
Đời các Táo bếp ga thì có dịch vụ ép dẻo. Khắp kẻ chợ vùng quê ai cũng dùng cái dịch vụ này. Lúc này “soang” rồi, đã có điện và bình ắc quy. Anh thợ ép dẻo giấy tờ chở theo cái máy ép nhựa nóng, phương tiện hiện đại ép tuốt tuồn tuột tất cả các loại giấy tờ to nhỏ.
Bao nhiêu năm vẫn cái Chứng minh (mình là) nhân dân ấy.
Sang đời bọn Táo bếp từ, bếp hồng ngoại năm 2016 thì nhà nước bảo phải đổi Chứng minh nhân dân giấy sang thẻ Căn cước công dân, bằng nhựa cứng. Dân mình ngoan, Nhà nước bảo gì nghe nấy, thế là hì hục đi đổi. Mỗi người tốn cỡ vài chục đến 100 ngàn đồng. Đổi xong, thấy cái thẻ khá đẹp, lại nhựa cứng chắc, bền hơn mẩu giấy Chứng minh cũ là cái chắc, ai cũng nghĩ chỉ cần ép dẻo nó phòng nhét túi bị xước, thế là dùng thiên thu rồi, tiện phết.
Ai mà ngờ mới có vài năm sau lại phải đổi. Lần này là gắn chip.
Các cụ Táo củi, Táo than, Táo trấu… ai cũng già cả lọ mọ, đi vài bước cũng nhọc, suốt ngày chỉ thích ngồi trong bếp cho ấm thôi. Nên nghe phải đi đổi giấy tờ thì các cụ oải lắm.
Nhất là khi trên các giấy Chứng minh nhân dân cũ hay Căn cước công dân (không gắn chip) đều ghi rõ thời hạn sử dụng, ít nhất cũng vài năm nữa mới phải đổi.
Thế thì có nhất định phải đổi hết sang Căn cước gắn chip hay không?
-KHÔNGGGGGG!
Bộ Công an nói rõ to.
-Kính thưa các cụ, không phải đổi ạ. Chúng cháu khuyến khích các em Táo, cháu Táo mới được cấp căn cước lần đầu và các Táo nào đến hạn đổi thì đổi sang Căn cước gắn chip, thế thôi. Chứ giấy tờ vẫn còn hạn của các cụ Táo, ông Táo, bác Táo, anh Táo… như Chứng minh nhân dân này, Căn cước không gắn chip này… vẫn được sử dụng bình thường cho đến hết hạn sử dụng quy định trong luật ạ. Chúng cháu dứt khoát là không làm phiền các Táo đâu ạ. Ngành của chúng cháu là ngành phục vụ các Táo, vì Táo quên thân, vì Táo phục vụ ạ.
Trên tivi mới cả trên báo, Bộ Công an lại nói tiếp rõ to.
-Cảm ơn các chú thế chứ!
Các cụ Táo cười nở hết cả các nếp nhăn trên mặt.
Thế mà… ngờ đâu!
Đêm 23 tháng Chạp, các Táo kỵ, Táo cụ, Táo ông, Táo bác, Táo chú… lũ lượt khăn áo lên đường. Giấy tờ tùy thân tất nhiên là mang theo, gói kỹ trong túi.
Cá chép đang bay phơi phới đến cách Thiên đình 80 cây số thì gặp trạm kiểm soát đầu tiên. A cái này lạ, nhưng thôi, dạo này khủng bố linh tinh Ngọc Hoàng cẩn thận hơn trước cũng phải lẽ.
-Trình căn cước!
Một chú tre trẻ mặc áo xanh xanh nói chỏng lỏn, nhưng mà dõng dạc.
Các Táo lục đục móc giấy tờ.
-Gì đấy? Ở đâu đấy? Giờ này giờ nào còn xài cái này? Ai quản lý Táo này đấy?
Chú hất hàm vào Táo cụ đang lập cập đưa cái Chứng minh nhân dân giấy ra.
Táo cụ nghe lơ mơ nhưng linh cảm gặp chuyện rồi.
-Không duyệt, nhá. Ai có căn cước gắn chip thì vào. Ai không có dẹp hết sang hàng bên kia. Về!-Chú tre trẻ lại hất hàm.
Các Táo bắt đầu lao xao:
-Ơ thế là thế nào? Cái Chứng minh của mình không được à?
-Tôi có căn cước chưa gắn chip, có được không anh ơi? Mới làm mà?
Chú tre trẻ lên giọng:
-Tôi đã bảo không là không. Ai có căn cước gắn chip mới được vào Thiên đình, nhé.
-Bộ Công an bảo tất cả các giấy tờ còn hạn đều được dùng đến hết hạn cơ mà anh ơi, chúng tôi đọc báo nói rõ thế mà-một ông Táo nom quắc thước, mắt sáng rực chắc đọc báo nhìn rõ lắm, đứng ra đại diện.
-Tôi chả biết Bộ nào nói thế. Ở đây chúng tôi chỉ duyệt cho Táo nào có căn cước gắn chip thôi. Các cụ chưa làm thì về mà làm đi, không là chúng tôi không cho vào Thiên đình đâu đấy-Anh tre trẻ chém đinh chặt sắt nói.
Cáu quá, các cụ Táo tức lắm. Lại có cái chuyện láo thế à? Các cụ định kéo rốc vào Thiên đình kiện thẳng trước mặt Ngọc Hoàng cho bõ tức. Rõ cái quân láo lường, trẻ ranh dám coi lệnh quan trên không bằng cái cốc nhựa đựng cà phê vỉa hè của nó.
Nhưng mà… nó kéo cái barie lù lù ra ngồi sờ sờ đấy, không có căn cước gắn chip mả tổ của nhà nó thì chép nào bay qua được mà vào Thiên đình?
Ôm một bụng tức đầy căng cả ruột, một đoàn Táo đông như kiến cỏ quay chép tốc biến đến cái trạm thằng tre trẻ nó chỉ, để làm căn cước gắn chip cho kịp giờ chầu Ngọc Hoàng.
Nhưng…
Ai mà dè tập 2
Trong căn cước gắn chip mới được cấp, một Táo được ghi ngày sinh là 30/2 trước Công nguyên.
Một Táo ông được đổi giới tính thành Táo bà.
Một Táo được ghi địa chỉ thường trú: 249 đường Cây Gõ, Vùng Đáy đại dương, biển Baltic.
Một Táo, trong giấy báo số định danh ghi rõ tình trạng hôn nhân “Có gia đình” và ghi rõ tên vợ ông cùng số định danh của bà. Nhưng trong cái giấy báo số định danh của vợ ông thì ghi tình trạng hôn nhân: “Góa”.
Một Táo, nơi sinh bị ghi thành Vành đai Bắc Cực. Táo yêu cầu sửa cho đúng với khai sinh là Làng Ót, xã Ba Nghè, huyện Mụ Dạ tỉnh Thừa Thiên thì ba tháng sau được trả về căn cước mới, ghi: Vành đai Nam Cực.
Một Táo cũng bị ghi sai nơi sinh so với Chứng minh cũ. Lẽ ra cứ căn theo Chứng minh cũ để sửa thì công an đòi Táo phải về quê xin trích lục khai sinh mới sửa được. Nhưng Táo này là Táo Việt kiều hồi hương, từ Xích đạo về Việt Nam sinh sống đã vài chục năm rồi. Mang cả người thân về, giờ bên ấy chẳng còn ai. Mà bảo Táo nghỉ làm vài tuần để sang tận đấy xin trích lục khai sinh thì chủ nhà hàng không chịu. Táo nhà hàng mà bảo tắt bếp vài tuần thì khác nào bảo nhà hàng đóng cửa (mẹ nó) luôn cho rồi!
Đã thế còn tốn kém bao nhiêu.
Một Táo khác…
Lại một Táo khác…
Thôi thì Táo ông Táo bà, Táo cụ Táo kỵ, Táo con Táo cháu vừa khóc vừa kể vừa phẫn nộ, gia chủ ù hết cả hai tai.
Tất tần tật sai sót nhầm lẫn của cơ quan công an đổ hết lên đầu các Táo. Các Táo vừa phải đóng thêm tiền để làm lại căn cước (có khi sai đến ba lần, đóng gấp ba lần tiền), vừa tốn kém quá nhiều thời gian tắt bếp đi làm lại giấy tờ. Vô số gia đình ở hạ giới đang nấu cơm thì hết gaz, đang nấu cháo thì cúp điện. Cứ tưởng sự cố, nhưng không phải nhé. Đấy chính là do ông bà Táo ở nhà bị sai căn cước nên phải tranh thủ đi làm lại.
Trễ giấy tờ nên không được vào diện kiến Ngọc Hoàng, hết tiền nên thuê ở phòng dorm để dành tiền mua thức ăn cho chép, đặng còn có phương tiện về trần. Mạng thì phập phù, nên khi tổng kết Thiên đình online thì Táo nhìn mặt Ngọc Hoàng méo mó biến dạng, là cái chuyện như thế.
Kiếp nạn thứ 82
Trải qua chín chín tám mốt kiếp nạn, cuối cùng các Táo cũng có được cái thẻ căn cước gắn chip mới tinh, ảnh in màu sáng loáng, quốc huy đỏ chót cứng khự giắt túi. Chép toàn ngửi hơi nhang từ hôm 23 Tết đến giờ đói thủng cả bụng rồi, nên khi Ngọc Hoàng réo rắt cất tiếng chào tiễn biệt thì chép nào Táo nấy quay đầu phóng vun vút về hạ giới.
Ôi thôi gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Tiệc tẩy trần, gia chủ quyết đoán bày lên một bàn đầy ắp, toàn các món đông lạnh. Gì thì gì cũng phải để Táo nghỉ ngơi hoàn hồn đã chứ!
Chén đầy chén vơi, cụng ly đôm đốp. Được vài tuần rượu, mặt các Táo đã hồng lên, niềm vui và sinh khí dần trở lại. Dzô đi anh em!
Đúng lúc ấy, cái tivi treo tường đang chạy bản tin thời sự cuối năm bỗng gióng giả du dương:
-Luật căn cước mới có hiệu lực thi hành từ 01/7/2024. Luật mới lược bỏ vân tay và sửa đổi quy định về thông tin số căn cước, theo đó “Căn cước công dân” đổi thành “Căn cước”. Các thông tin khác như quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ" thành "nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú, số định danh cá nhân…". Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân.
Ầm!
Đùng!
Oàng!
Bịch!
Phòng tiệc đang vô cùng hân hoan bỗng liên tiếp vang lên những âm thanh lạ. Gia chủ vừa mở tủ lạnh lấy thêm thức ăn quay lại thì thấy ghế trống trơn, bàn xiêu đổ. Tất tần tật các Táo đã ngã lăn chiêng ra đất, mặt úp xuống, mắt trợn trắng hoặc nhắm nghiền như đã chặt hết duyên nợ nhân sinh mà đi!
________
Tham khảo:
https://plo.vn/dan-gap-kho-vi-cccd-sai-thong-tin-sai-so-dinh-danh-post712262.html
https://tuoitre.vn/luat-can-cuoc-tu-1-7-2024-can-cuoc-cong-dan-cu-su-dung-ra-sao-20231225091847927.htm
* Bài châm biếm không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét