CỤC DIỆN GIÁP THÌN 2024!
Năm 2024, cả thế giới nói về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ giữa hai nhân vật đều kỳ dị là Joe Biden và Donald Trump. Vì còn 10 tháng nữa nên người viết này yên tâm.
Nền dân chủ Hoa Kỳ có khả năng tự sát cao độ nhưng lại có biệt tài thoát hiểm sau vài chục năm, nếu ta kể từ… 2008! Tại sao vậy?
Xin nhớ lại chuyện xưa, của Mỹ…
Trăm năm trước - nói trăm năm, đa số dân Mỹ cóc biết là từ khi nào - là khoảng 1920-1922, kinh tế Mỹ cũng bị suy trầm, có thể tụt thành suy thoái, từ recession xuống depression, mà rốt cuộc lại bị sụt giá cổ phiếu. Sau vài chục năm, giới kinh tế mới biết nạn cổ phiếu mất giá giữa mối lo suy thoái lại do các liều thuốc đổ bệnh dẫn đến Tổng khủng hoảng 1929-1933. Nôm na là khủng hoảng oan!
Tổng khủng hoảng kết thúc là đại chiến bùng nổ, lần thứ nhì, từ 1939 đến 1945. Hoa Kỳ láu cá nấn ná mãi mới nhập trận vào cuối năm 1941, rồi đại thắng!
Nếu vào năm 1925 mà bảo Hoa Kỳ sẽ đại thắng năm 1945 thì mấy ai tin? Cho nên, vụ hai người thi đua lú lẫn đang tranh cử Tổng thống chỉ là cái ngoặc đơn, cho vui! Thiên hạ sẽ còn bàn tán dài dài.
Trong khi chờ đợi bàn tán hàng ngày, diễn đàn này cố nhìn xa hơn một mẩu mà nói nước đôi: cục diện Giáp Thìn + 2024!
Đầu năm 2024, thế giới ưu lo về cuộc bầu cử đầu tiên của địa cầu là ngày 13 Tháng Giêng tại Đài Loan. Ưu lo vì kết quả liên quan đến Trung Cộng và Hoa Kỳ, đến tương lai kinh tế toàn cầu là khu vực Á Châu. Và tất nhiên đến người sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ sau ngày bầu cử mùng năm Tháng 11 này!
Thay vì bàn về bầu cử Mỹ, hãy nghĩ đến quan hệ Mỹ-Hoa và số phận Đài Loan nằm ở giữa thì ta trắc nghiệm quan điểm của hai chính đảng Hoa Kỳ. Dễ hơn và cụ thể hơn.
ĐÀI LOAN LÀ CỤC KẸO ĐẮNG…
Sống trong một quốc gia quá phức tạp như Hoa Kỳ, đa số dân Mỹ có tâm lý không thô thì mỏng về tình hình thế giới. Mà họ lại có quyền bỏ phiếu để chọn người lãnh đạo quốc gia và thế giới: đó chúng ta chưa ra khỏi vụ bầu cử 2024 tại Mỹ!
Người Mỹ am hiểu nhờ truyền thông sâu xa hơn họ vài phân thì biết Đài Loan có chừng 23 triệu dân, trên một quần đảo có đảo lớn nhất chỉ bằng tiểu bang New Jersey, lại cách Hoa lục đâu đó 150 cây số (báo chí khôn ngoan dịch cho độc giả là chưa tới trăm dậm!)
Thế thì hà cớ chi Hoa Kỳ mất trăm tỷ, hay ngàn tỷ đô la, có khi mất vài vạn người lính, rồi lâm rủi ro Thế chiến, để bảo vệ một đồng minh cỏn con chỉ được một tá quốc gia tí xíu như con muỗi mắt công nhận?
Nhưng Đài Loan lại là cục kẹo: trung tâm chế tạo loại bọ siêu hạng của thuật lý điện toán cao cấp, như doanh nghiệp TSMC. Nếu để Bắc Kinh chiếm Đài Loan thì TSMC sẽ chế tạo võ khí cho Trung Cộng, v.v. và v.v…
Vài kẻ thuộc xu hướng “Hoa Kỳ Trên Hết” sẽ bảo ‘cho ăn kẹo cũng chẳng nên bảo vệ Đài Loan’! Xu hướng đó làm chúng ta nêu câu hỏi: chơi với chó hay sao? Trump hay nói láo nhưng ngay sau khi đắc cử năm 2916 là điện thoại cho Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan. Và viện trợ võ khí cho Ukraine!
Thực tế thì Hoa Kỳ đã lâm vào cảnh đối nghịch với Trung Cộng y như với Liên Xô thời Chiến Tranh Lạnh.
ĐÀI LOAN LÀ TUYẾN ĐẦU?
Nếu Joe Biden có cãi vì toàn gia ăn tiền của Trung Cộng từ lâu thì vẫn khó phủ nhận được lý luận chính thức lẫn hành động thực tế của Bắc Kinh: vượt Mỹ để lập ra một trật tự toàn cầu khác hẳn các giá trị tinh thần của Hoa Kỳ. Trận địa đối đầu mở ra tại Á Châu vì là nơi có đà tăng trưởng kinh tế mạnh nhất: dù không muốn thì quyền lợi chiến lược của Mỹ vẫn khởi đi từ Á Châu.
‘Hỏa tuyến’ đầu tiên là Đài Loan. Kế tiếp là Nhật, rồi các nước quần đảo kiểm soát mọi eo biển trong vùng Đông Nam Á, cho đến xứ Úc xa xôi tại Nam Bán Cầu. Sau mọi ồn ào của tranh cử, lãnh đạo Hoa Kỳ không thoát khỏi bài toán do Trung Cộng đặt ra - và đặt ra gay gắt nhất là từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền.
Trung Cộng muốn là trung tâm tại khu vực chiến lược của Hoa Kỳ, còn thách đố nước Mỹ ở vòng ngoại vi, từ Trung Đông về tới Trung Nam Mỹ, vào tới hệ thống văn hóa giáo dục bên trong xã hội Mỹ. Vì vậy, vấn đề không là Đài Loan!
Như ta thấy trong cuộc bầu cử Quốc Hội, cử tri Đài Loan đã thất vọng với kinh tế và xã hội sau hai nhiệm kỳ của đảng Dân Tiến. Nhưng chính thái độ hung hăng của Bắc Kinh khiến họ bỏ phiếu cho đảng Dân Tiến lãnh đạo Hành Pháp và hai ứng cử viên đối lập đều tỏ vẻ cương quyết hơn với Trung Cộng.
Tưởng nắm vững nội tình Đài Loan, Bắc Kinh lại tính sai. Và Đài Loan đang cải cách bên trong để đối phó với các rủi ro từ bên ngoài…
Còn lại, cuộc tranh luận trên chính trường Mỹ về việc có viện trợ hay không cho Ukraine và Đài Loan phản ảnh trình độ cục bộ của chính khách Mỹ vào mùa bầu cử, khi rủi ro đại chiến với một đối thủ nguy hiểm hơn Liên Xô đang là điều có thật!
Bầu cử hay không vẫn chẳng xóa được thực tế này…
HÂM NÓNG CHIẾN TRANH LẠNH!
Thời Chiến Tranh Lạnh giữa Liên Xô và Hoa Kỳ (1949-1989) yếu tố hòa bình then chốt là võ khí nguyên tử của cả hai!
Để tránh đại chiến và tự sát với võ khí tuyệt đối, đôi bên giải quyết mâu thuẫn qua hình thái quân sự cổ điển ở vòng ngoại vi. Cho đến khi Liên Xô tan rã do nhược điểm nội tại của chế độ cộng sản.
Ngày nay, Trung Cộng đã mạnh hơn Liên Xô thời trước - về kinh tế lẫn quân sự - nhưng thế giới vẫn e ngại Liên Bang Nga, như bóng ma đáng sợ của Liên Xô. Vladimir Putin có thể đi buôn trên sự sợ hãi đó, Trung Cộng thì thâm độc hơn.
Bắc Kinh dùng Putin để gây phân tâm cho lãnh đạo Hoa Kỳ. Lại còn ý thức được mối nguy chưa thấy thời Chiến Tranh Lạnh: nhiều quốc gia khác đã hoặc sắp có võ khí hạch tâm và đụng độ nhỏ lại hâm nóng chiến tranh lạnh mới, có thể tuột tay thành đại chiến.
Sau vụ Ukraine với hăm dọa của Putin tại Đông Âu thì Iran và Israel tại Trung Đông là hai thí dụ nóng bỏng về rủi ro đại chiến.
Mỹ không thể không biết khủng bố Hamas được Trung Cộng trang bị võ khí. Đã bị Barack Obama chi phối từ xưa, nay Biden còn dập dừng tại Trung Đông là do Bắc Kinh tháu cáy: Liên minh Nga, Tầu và Iran là cơn ác mộng nếu thế giới nhìn vào hai sự khan hiếm của Mỹ: 1) võ khí tiêu hao cho chiến trường Ukraine; 2) mức đáng tin mỏng teng qua lời hăm của một chính quyền bạc nhược.
Chỉ vì bao nhiêu hăm dọa ghê sợ nhất thì lỡ tiêu cho màn vu cáo: Trump mà lãnh đạo thì sẽ tống giam đối thủ trong nước và gây đại chiến toàn cầu!
Nếu chưa tin thì xin ngẫm lại: khi chiến sự Ukraine bùng nổ, kẻ mộng du bên đảng Dân Chủ đã lý luận rằng Hoa Kỳ yểm trợ Ukraine là làm Bắc Kinh biết sợ. Tức là nạp đạn cho dân Ukraine đổ máu thì ta khỏi động binh… cứu Đài Loan!
NHƯNG TA PHẢI BIẾT ĐẾM – RỒI BIẾT ĐOÁN!
Trước khi làm Tổng thống, Trump là doanh gia biết đếm, nghị sĩ Biden giỏi đếm tiền sẽ lọt vào túi mình hơn là làm luật….
Ngày nay, trước sự hình thành của trục tội ác Nga-Tầu-Iran, cả hai đều biết đếm, hoặc được giới quốc phòng đếm cho: so với đòi hỏi của tình thế, Mỹ hiện không đủ phương tiện quân sự. Hoa Kỳ cần tiền để tăng chi quốc phòng, và cần vài năm – xưa kia là chục năm - để bày tỏ sức can gián, deterrence gián chỉ, thì khỏi động binh.
Mà suy ngược lại, khi Bắc Kinh bật tín hiệu rằng Tập Cận Bình bỗng dưng thay đổi nhân sự lãnh đạo quân đội thì đấy là thực hay hư?
Ta lại phải biết đoán thế nào là thực là hư…
Thực như nội tình có vấn đề về các tướng tham nhũng trong lực lượng hỏa tiễn? Về Thượng tướng Lý Thường Phúc, Tổng trưởng Quốc Phòng bị cách chức? Hay là cả thực lẫn hư? Nhân dịp, Tập Cận Bình đưa Đô đốc Đổng Quân (Dong Yun) lên cầm đầu Bộ Quốc Phòng - vì nghĩ đến Đài Loan?
Đấy là sự thật mơ hồ đằng sau màn khói.
Chứ ở đằng trước, là ngoài chợ hay trên thị trường, các nhược điểm kinh tế của Trung Cộng đã bung khỏi tấm vải thưa của Ngân hàng Nhân dân. Nạn lão hóa dân số, trào lưu vỡ nợ đang thành phá sản và tình trạng môi sinh đã trôi vào vùng sinh tử, v.v…
Và Đài Loan chưa liếc qua đập Tam Hiệp thì nhiều người đã thất kinh về câu… “bất chiến tự nhiên thành”.
Nếu như Tập Cận Bình còn phân vân giữa hai giải pháp, hoặc bao vậy hoặc đổ bộ giải phóng Đài Loan thì sẽ được nhắc: ‘tức nước vỡ bờ’! Trong khi Ấn Độ chờ ngày xoa tay cảm tạ…
Chính là cục diện trong thế động như vậy mới khiến lãnh đạo Mỹ khôn ngoan hơn một chút so với ngày xưa: Hoa Kỳ cần đồng minh, chứ Bắc Kinh cần tay sai.
Và ưu thế trường cửu của nước Mỹ là nhìn sự thể với phản ứng kinh doanh! Phải chấp nhận rủi ro khi đầu tư, nhưng tránh các liều thuốc đổ bệnh. Mà làm đối thủ phá sản chưa chắc đã có lời. Bài học khủng hoảng tài chánh năm 1929 hay 2008 gần đây là điều cần được nhắc lại. Vì làm Hoa Kỳ điêu đứng cả chục năm.
Bên cạnh, có người cười cười, rất đểu, "và làm Bắc Kinh trôi vào bẫy nợ".
Cục diện 2024 sẽ khiến năm Giáp Thìn làm nhiều người nhức tim. Nhưng không chột dạ nếu nhìn xa hơn quỹ đạo tranh cử của Mỹ….
__
Hình cho vui đầu năm: Đệ nhị siêu cường ưa cương ẩu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét