Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2022

Hà Quang Hùng - Tình cha và chú



TÌNH CHA VÀ CHÚ

Hà Quang Hùng

Năm 1962, lần đầu tiên tôi gặp chú Hà Xuân Sinh. Hôm đó chú đi bộ từ Bình Lục (Phố Phủ) vào Phố Viến thăm cha mẹ tôi.

Từ Phố Phủ (Bình Lục) đến Phố Viến (Gia Viễn) đường đi bộ gần nhất là 37.2km

Tôi được Cha giao nhiệm vụ dẫn chú Sinh đến thôn Bình Khang (xã Liên Sơn) gặp người quen. Trên đường đi, thấy chú đeo huy hiệu đoàn thanh niên lao động Việt Nam, tôi hỏi xin, chú không cho, chú nói "Cháu còn phải ăn nhiều cơm gạo lắm mới được đeo huy hiệu này".

Đến cây đa đầu thôn Bình Khang, tôi thấy một cô gái đang chờ chú, chú bảo tôi "thôi cháu về trước đi", tôi nhìn hai cô chú đi khuất trong thôn rồi mới quay về.

Tết năm 1965, chú Sinh chở cô Tĩnh bằng xe đạp vào thăm Phố Viến, lúc này tôi mới biết cô bạn gái mà chú gặp ở thôn Bình Khang tên là Hoan (học trường Y Sĩ, Nam Định) con cụ Ban cạnh nhà cụ Cộng.

Sau này, lâu lâu mới có dịp gặp chú, chỉ loáng thoáng, rồi chia tay, nhưng tôi được Cha kể nhiều về tình cảm của Cha với chú.

Cha kể "chú đi học cấp 3 ở Phủ Lý, ngoài giờ học, chú đi gánh nước thuê để tự nuôi thân. Trời mùa đông lạnh cắt da thịt, chú mặc mong manh chiếc áo vải và đi gánh nước. Nhà nghèo, tiền đâu mua áo ấm".

Năm 1967, chú Sinh tốt nghiệp đại học Bách Khoa Hà Nội. Chú được điều động công tác tại vùng than Cẩm Phả (Quảng Ninh). Em nghèo, anh đông con cũng nghèo, Cha tặng chú chiếc đồng hồ đeo tay. Hai anh em cầm tay nhau mà nước mắt cứ chảy dài trên má mỗi người.

Năm 1968, từ Cẩm Phả, chú nghỉ phép đi xe đạp về quê.

Từ Cẩm Phả về đến Quê - đường đi xe đạp là 178km

Khi đi phà qua Bến Bính (Hải Phòng), chiếc ba-lô chú buộc sau xe đạp bị kẻ gian lấy mất. Chú mất hết mọi thứ nên không thể tiếp tục vượt qua phần nửa đường còn lại để về Quê. Chú đành phải bán chiếc đồng hồ mà Cha tôi tặng để có tiền quay trơi lại cơ quan ở Cẩm Phả. Chú viết thư thông báo lý do không về được Quê - đọc thư Cha tôi rớm nước mắt thương em.

Năm 1976 chú được giao nhiệm vụ về thành lập trường Trung cấp kỹ thuật Địa Chất ở Sao Đỏ - chức vụ phó hiệu trưởng – Quyền hiệu trưởng.

Có lần chú về Quê mời Cha tôi ra thăm Sao Đỏ, Chí Linh (Hải Dương). Trên xe ô-tô cơ quan, chú nhường Cha tôi ngồi ghế trước còn chú ngồi lom khom trên lốp xe dự phòng. Mấy cán bộ ở trường đi cùng nói với Cha "Thủ trưởng Sinh sống giản dị, rất thương anh em trong cơ quan" - nghe vậy Cha tôi rất vui.

Năm 1982, chú Sinh sang Liên Xô công tác. Từ nơi đất khách xa xôi, chú viết thư về thăm Cha tôi.

Anh chị kính mến!

Hôm nay nhân ngày nghỉ, em tranh thủ biên thư về thăm anh chị cùng các cháu. Hiện nay anh chị vẫn khỏe chứ!

Em bắt đầu đi từ VN hôm 16 Tháng Hai, đến 18 Tháng Hai em đến nơi nghiên cứu. Như thế là trong vòng 2 ngày bọn em vượt 15000km toàn bằng đường bay.

Nơi em ở hiện nay là một vùng than lớn của Liên Xô. Ở đây khá lạnh. Có lúc xuống -25 độ C ~ -30 độ C. Nhiệt độ này là nhiệt độ ngoài trời. Còn ở trong nhà cũng như nơi làm việc nhiệt độ như ở ta vào mùa thu thôi. Nghĩa là ăn mặc bình thường vẫn đủ ấm. Trừ khi đi ra đường mới mặc quần áo ấm.

Em đi sang đây như vậy đã được 2 tháng. Nếu không có gì thay đổi, độ Tháng Tám em sẽ về nước. Sang đây khí hậu thay đổi, cách ăn cũng thay đổi, nên lúc đầu em cũng không quen. Dần dần bay giờ cũng đã quen. Sức khỏe của em vẫn bình thường.

Thôi em xin phép được dừng ở đây.

Chúc anh chị mạnh khỏe!

Chúc các cháu khỏe, công tác tốt!

Kính thư!

Tháng Tư năm 1997, nhận tin chú Sinh đột ngột qua đời tại Pleiku, Cha tôi lặng người rồi bật khóc.

Giữa cánh đồng mênh mông nước ở xã Bình Hưng, Bình Chánh, bóng đêm đen đậm đặc, chỉ có tiếng côn trùng rả rích, Cha tôi nói:

Đời cụ Cộng vất vả, lam lũ vẫn nghèo, như cụ Cộng là Ông Tiên. Chú Sinh thật thà, chất phác, không may mất sớm. Cha thương chú Sinh, anh em máu chảy ruột mềm".









Không có nhận xét nào: