Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2024

Nguyễn Xuân Nghĩa - Cục diện Giáp Thìn 2024 - ĐỈNH ĐIỂM MÂU THUẪN MỸ-HOA

Bài trước Nguyễn-Xuân Nghĩa: CỤC DIỆN GIÁP THÌN 2024 - AN NINH và KINH TẾ TOÀN CẦU…

Nguyễn Xuân Nghĩa - Huyền thoại Trung Quốc (I) Trung Quốc Vĩ Đại và những Vấn Đề Vĩ Đại (20 Tháng Chín 2009)

ĐỈNH ĐIỂM MÂU THUẪN MỸ-HOA

Dù Chính quyền Biden cố tránh, như Chính quyền Obama trước đó, mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng đã lên tới cao điểm và sẽ chi phối quan hệ giữa các nước với hai siêu cường ở đôi bờ Thái Bình Dương…

Trong khi các chiến lược gia Mỹ đang bàn cãi về diễn biến Mỹ-Hoa sau này, chúng ta có thể suy đoán ra tương lai nếu nhìn ngược về dĩ vãng. Điều cần thấy trước hết: lãnh đạo Bắc Kinh đã biết họ muốn gì, trong khi lãnh đạo Hoa Kỳ vẫn còn xớ rớ ngớ ngẩn. 

Ta có thể và rất nên khởi đi từ đó….

HÃY KHỞI ĐI TỪ BỐI CẢNH ĐÃ…

Người viết được quen biết một viên chức Mỹ thuộc cùng thế hệ (ông sinh năm 1943), là nhà ngoại giao am hiểu văn hóa lịch sử Trung Hoa, từng tham dự thượng đỉnh Mỹ-Hoa năm 1972 với tư cách thông dịch viên dưới quyền Henry Kissinger (1923-2023).

Qua nhiều cuộc mãn đàm khi ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị một doanh nghiệp Mỹ chuyên về ‘lobby’, du thuyết, vận động, chúng tôi nhắc đến chuyến đi của ông trong phái đoàn của Tổng thống Richard Nixon vào đầu năm 1972. Có lần tôi còn… chọc quê phái đoàn vì mắc mưu Thủ trướng kiêm Ngoại trưởng Chu Ân Lai của Bắc Kinh khi họ Chu nâng ly mừng Tổng thống Mỹ với câu phát biểu của Khổng tử trong Luận ngữ “Hữu bằng tự viễn phương lai…” Xin miễn kể lại.

Từ những năm 1992-1994, kể cả khi cùng ông thăm viếng Việt Nam, tôi còn tinh nghịch giải thích: “Nước Mỹ mới chỉ có 300 năm lịch sử. Việt Nam chúng tôi có ít ra 3.000 năm, trong đó 2.000 năm đối đầu và đụng độ với Trung Quốc, cho nên phải am hiểu tâm lý của họ, có khi thắng, có khi thua. Ngày nay thì thua… một phần là nhờ quý vị!”

Khi ấy, người viết còn hỏi nếu nhìn vào lịch sử Trung Hoa, liệu Kissinger có thể là kẻ môi giới cho Bắc Kinh trong quan hệ với Hoa Kỳ không? Ta không quên, nhà ngoại giao đó là nhân vật ưu tú trong nghề "lobby" cho quyền lợi của Mỹ, trong khi tôi lại hỏi với giọng miệt thị về Kissinger do kinh nghiệm Việt Nam. 

Ông ta thông cảm và tủm tỉm: trong ý nghĩa ông nói đó, tôi không là đồng nghiệp của Henry!

Có lúc chúng tôi nói về tương lai, là Trung Cộng muốn gì, nhưng căn cứ trên lịch sử Trung Hoa. Mạn đàm với một doanh gia từng là đại sứ, thứ trưởng quốc phòng chuyên về an ninh, chúng tôi tha hồ linh tinh về lịch sử! Ông ta chỉ hỏi lịch sử thời nào. Câu trả lời của tôi là thời… Đặng Tiểu Bình… sau Câu Tiễn. 

Hấp dẫn chưa, khi ông ta là dân trong nghề lại nghe kẻ ngoại cuộc trình bày quan điểm bên ly rượu chát?...

VIỄN KIẾN ĐẶNG TIỂU BÌNH…

Richard Nixon là nhân vật có viễn kiến vì ngay từ 1967 ông đã viết trên Foreign Affairs, rằng Hoa Kỳ phải có đối sách với Trung Quốc, chứ không nên để lãnh đạo Bắc Kinh hậm hực đứng ngoài mà gậm nhấm mặc cảm. Nhưng, khi tiến hành việc đó vào năm 1972, Nixon lại mắc bẫy Mao Trạch Đông!

Họ Mao đang gặp khủng hoảng bên trong (vụ Đại Văn Cách), và bên ngoài vì mâu thuẫn với Liên bang Xô viết, còn được Kissinger qua trước mật báo chi tiết quân sự về mối đe dọa từ Liên Xô - do Nixon cho phép để lấy điểm. Nhưng Mao cũng biết thời điểm 1972 trong lịch trình bầu cử tại Hoa Kỳ. 

Nhà báo Edgar Snow được Mao tin cậy có dịp loan báo cuộc phỏng vấn với Mao Trạch Đông trước khi Snow chết. Trong đó, Mao cho biết Nghị sĩ Edward Kennedy (em Tổng thống John và Tổng trưởng Tư pháp Robert Kennedy) xin qua Bắc Kinh trong năm 1972: thì bên Dân Chủ cũng chuẩn bị tranh cử mà! Mao cần gặp Nixon để cấp bách khai thông chuyện của mình mà lại khiến Nixon đon đả thực hiện việc đó…

Nhưng hơn Mao, Đặng Tiểu Bình mới thật sự có viễn kiến về quyền lợi của đảng và nhà nước Trung Cộng. 

Bị Mao ba lần ‘đẩy xuống chuồng bò’ – bị hạ bệ - mà không chết trong tù như Lưu Thiếu Kỳ, Đặng đã tồn tại và hai năm sau khi Mao chết thì giành lại quyền bính. Cuối năm 1978, Đặng bắt đầu làm cách mạng thật: bỏ trò hoang tưởng của Mao mà thử nghiệm ngả đường khác cho kinh tế và xã hội Trung Quốc từ năm 1979. Ngày nay, lãnh đạo Hà Nội tránh nhắc đến các biến cố éo le đã xảy ra thời đó!

Mười năm sau tiến trình ‘cải cách và cởi mở’, đảng Cộng sản Trung Hoa bị khủng hoảng vì nạn lạm phát và tham nhũng trong đảng. Vốn dĩ nông cạn, truyền thông Tây phương thổi vụ chống đối của giới trẻ thành phong trào đấu tranh cho dân chủ, với tượng Nữ thần Tự Do bằng giấy bồi.  

Khi bài toán đổi khác, Đặng Tiểu Bình quyết định cứu đảng, cho tống giam Tổng bí thư Triệu Tử Dương và ngày bốn Tháng Sáu 1989 cho một số đơn vị quân đội tàn sát giới trẻ tại quảng trường Thiên An Môn. Nhưng, đây là cách nhìn của họ Đặng trong chuyến tuần du miền Nam năm 1992: tiếp tục cải cách kinh tế và phát huy ngoại giao. 

Đã thế, lần đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, một đô đốc (Lưu Hoa Thanh) được đưa lên lãnh đạo quân đội, nhằm hiện đại hóa hải quân. Từ 30 năm trước, Trung Cộng mơ thành cường quốc hải dương, thay vì là cường quốc lục địa như trong lịch sử. Ngay từ đó, lãnh đạo Bắc Kinh đã chuẩn bị đối sách lợi dụng để phá hoại và vượt Hoa Kỳ. 

Đã ngàn chữ rồi, ta nên tóm lược những gì Đặng Tiểu Bình rồi các lãnh tụ kế tiếp (Giang Trạch Dân + Lý Bằng; Hồ Cẩm Đào + Ôn Gia Bảo) đã thực hiện trong quan hệ với Hoa Kỳ.

Thứ nhất, xác định quyền lãnh đạo không thể bàn cãi của đảng Cộng sản theo quy tắc độc tài, gọi là dân chủ tập trung. 

Thứ hai, mở rộng việc giao dịch với thế giới bên ngoài, nhờ sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, cụ thể là được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (công đầu của Bill Clinton). 

Thứ ba, tham gia tiến trình ‘toàn cầu hóa’ qua đó gia tăng buôn bán với Hoa Kỳ để nâng số xuất cảng lẫn ảnh hưởng tài chánh vào thị trường Mỹ. 

Thứ tư, dùng lực lượng gốc Hoa và tiền bạc lũng đoạn xã hội Mỹ qua tham nhũng và mua chuộc viên chức Hoa Kỳ để ly gián nội tình nước Mỹ. 

Thứ năm, can thiệp vào đối sách của Hoa Kỳ về an ninh, kinh tế, và ngoại giao, theo hướng có lợi cho Bắc Kinh kể cả cô lập hóa những ai hoài nghi bản chất của Trung Cộng. 

Trong các chính quyền Hoa Kỳ, Chính quyền Bill Clinton và bà vợ Hillary đã mẫn cán thi hành việc đó mà không biết, cũng chẳng cần biết. Các vụ tai tiếng về tiền bạc, thậm chí cả mỹ nhân kế, đã khởi đi từ 1992 cho tới sau này, mà liên quan nhiều nhất tới đảng Dân Chủ. Sau đó, không ai ngạc nhiên hoặc khó chịu khi hiện tượng khuynh đảo tái diễn dưới thời Obama, với Joe Biden là Phó Tổng thống…

SƠ KẾT: DÃ SỬ MÀ DỄ SỢ

Xin tạm kết luận… cho vui, rồi sẽ lo sau: Trở lại nhà ngoại giao kiêm chuyên gia về Trung Hoa của Hoa Kỳ, tôi nhắc đến Đặng Tiểu Bình và lấy bối cảnh của Việt vương Câu Tiễn khi lập kế hoạch ứng phó với Ngô Phù Sai! 

Ông ta gật gù hiểu liền khi tôi kể truyện Câu Tiễn, Phạm Lãi, Văn Chủng, Tây Thi và cả vụ gian thần triều Ngô được Câu Tiễn vận dụng là tên Thái tể Bá Hi. Hắn khiến Ngô Phù Sai giết mất trung thần Ngũ Tử Tư của mình! Nói về kinh doanh, khi Văn Chủng khuyên Câu Tiễn mua lúa gạo nước Ngô với giá cao, đòn kinh tế làm kho lẫm phe kia bị hao hụt là truyện dã sử. Nhưng chuyện ngoại thương hay đầu tư cũng có hậu quả tương tự về an ninh mà doanh giới và chính giới Mỹ bất cần. Cho tới gần đây… 

Khi đó, chúng tôi lãng mạn nói chuyện dã sử cho vui, chứ đã thấy hạt mầm do Đặng Tiểu Bình gieo trồng từ ba chục năm trước. Kỳ sau, ta sẽ tìm hiểu thêm về đỉnh cao của mâu thuẫn. Sẽ gẫy đổ ra sao, ai biết?

__

[Hình Britannica: Đặng Tiểu Bình và các Tổng thống Mỹ.}

  

Không có nhận xét nào: