Nguyễn Xuân Nghĩa:
HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (I) Trung Quốc Vĩ Đại và những Vấn Đề Vĩ Đại
HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (II) Cái Nghiệp Hợp Tan
HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (III) Thống kê như gà gáy: - nội lực ra sao làm sao ta biết?
HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (IV) Xã Hội Hài Hòa - Lãnh đạo mù loà và nguy cơ phân hoá
HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (V) Tự Kỷ Ám Thị: Khi sự sợ hãi được định chế hóa
Nguyễn Xuân Nghĩa:
HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (I)
Trung Quốc Vĩ Đại và những Vấn Đề Vĩ Đại
Mùng một tháng 10 2009, lãnh đạo Bắc Kinh rầm rộ tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc. Đây là một biến cố quốc tế vì được truyền thông quốc tế loan tải với nhiều bình luận, so sánh. Đa số trầm trồ ngợi khen những tiến bộ vượt bậc trong ba chục năm sau, kể từ 1979, nếu so sánh với ba chục năm trước, từ 1949 đến 1979.
Cột báo này có loạt bài liên tục về Trung Quốc, nhưng từ một giác độ khác.
Đó là giải phẫu huyền thoại Trung Quốc để phơi ra mặt trái biểu tượng quang hoa và thăng tiến mà Bắc Kinh muốn phóng chiếu ra ngoài với sự cổ võ của truyền thông quốc tế - nhất là truyền thông Mỹ.
Mà vì sao lại truyền thông Mỹ?
Người Mỹ nói chung có đặc tính am hiểu hời hợt về lịch sử, địa dư và văn hóa của xứ khác. Điều này dễ thông cảm vì họ sống trong một quốc gia quá lớn, có quá nhiều sắc thái đa diện, được hai đại dương bảo vệ bên hai láng giềng yếu thế cho nên họ không sợ ngoại xâm. Lại thường gây ảnh hưởng ra ngoài hơn là bị nước ngoài chi phối như nhiều xứ khác. Đã hời hợt trong một quốc gia quá mạnh và quá trẻ, dân Mỹ thường có tâm lý lạc quan thái quá rồi sau khi hồ hởi sảng, họ cũng dễ hốt hoảng bậy và bi quan quá đáng khi gặp loại vấn đề mới. Mới đối với nước Mỹ, chưa chắc là đối với nước khác.
Hai chục năm trước, khi Liên bang Xô viết bị khủng hoảng, một học giả Mỹ đã vội kết luận "sự cáo chung của lịch sử" với hàm ý là sau khi chủ nghĩa phát xít rồi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, thế giới đều thấy ra ưu điểm của kinh tế tự do và chính trị dân chủ. Sự thắng thế của nền dân chủ tự do ("chủ nghĩa tư bản dân chủ" cho dễ hiểu) là quy luật phổ biến sẽ chi phối quan hệ quốc tế sau thời Chiến tranh lạnh. Đấy là một bước ngoặt lịch sử cũng nghiêm trọng như Âu Châu sau giai đoạn "Chiến tranh Napoléon", từ 1806 trở về sau. Bài viết với đề tựa đó của Francis Fukuyama xuất hiện năm 1989, rồi được khai triển thành sách và là dấu mốc của hiện tượng hồ hởi sảng.
Hai chục năm sau, là ngày nay, dân Mỹ đang hốt hoảng bậy.
Kinh tế thị trường gây ra khủng hoảng cho nên cần sự can thiệp anh minh của chính quyền. Chìm sâu bên dưới là sự hoài nghi chủ nghĩa tư bản và thể chế chính trị dân chủ. Niềm tin về giá trị của quy tắc kết hợp kinh tế tự do với chính trị dân chủ - được quảng bá thời Tổng thống Bill Clinton qua tên gọi là "Washington Consensus" (‘Đồng thuận theo Washington’) - đã bị đả phá và lay chuyển từ gốc rễ. - đã bị đả phá và lay chuyển từ gốc rễ.
Nỗi bi quan đó khiến một bỉnh bút khét tiếng của tờ New York Times là Thomas Friedman đã viết hôm mùng chín tháng Chín 2009 một bài kết án nền dân chủ Mỹ trong kế hoạch giải trừ nguy cơ nhiệt hoá địa cầu - chỉ vì khả năng cưỡng chống của đảng Cộng Hoà thiểu số. Tác giả có quyền bình luận như vậy vì tầm nhìn nông cạn của ông ta. Nhưng từ đó lại ngợi ca ưu thế độc đảng của Trung Quốc trong việc kiểm soát khí thải và bảo vệ môi sinh, ông bỗng thành người Mỹ điển hình. Ngây ngô!
Với tâm lý hoảng loạn như vậy, trong khi Bắc Kinh ra sức tuyên truyền thì truyền thông Mỹ tất nhiên càng chú ý đến trường hợp Trung Quốc: cường quốc kinh tế đang lên, sẽ vượt Nhật và bắt kịp Mỹ. Trước mắt thì sẽ ra khỏi nạn suy thoái kinh tế sớm hơn các nước khác sau các biến động kinh tế tài chánh 2007-2008 từ vụ bể bóng đầu cơ Âu rồi Mỹ trên thị trường gia cư địa ốc….
Lãnh đạo Bắc Kinh có nỗ lực tuyên truyền - và mua chuộc - để truyền thông, một số nhà đầu tư hay doanh gia càng củng cố lập luận đó trong dư luận Hoa Kỳ và cả thế giới. Nhiều người Việt ta ở tại Mỹ không khỏi bị ảnh hưởng và tiếp tục suy luận theo chiều hướng đó, đến độ đã có người tưởng rằng có học vội kết luận rằng Trung Quốc quá mạnh cho nên Việt Nam ta chẳng làm gì được.
Chi bằng đầu hàng, như lãnh đạo Hà Nội đang muốn?
Tại Việt Nam, nhiều người cũng quan sát Hoa Kỳ - trong tinh thần vừa ham vừa sợ - và muốn biết dân Mỹ nghĩ gì về Trung Quốc. Nếu lại thấy một số truyền thông Hoa Kỳ ngợi ca Trung Quốc, thậm chí đề cao một "Beijing Consensus" như phản biện của "Washington Consensus", họ có thể tuyệt vọng. Hoặc đành tin rằng Hà Nội có lý khi đi theo chiến lược Trung Quốc, và phục tòng Bắc Kinh.
Vì những yếu tố rất Mỹ đó, người viết phải đi ngược dòng - dù là rất lâu - để tìm hiểu mặt trái của huyền thoại Trung Quốc và kết luận về nguy cơ khủng hoảng tại một quốc gia vĩ đại có những nan đề vĩ đại không kém. Cơ sở phân tách tất nhiên không tập trung vào những luận giải xuất phát từ Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Chúng ta cần nhìn sâu hơn, xa hơn và khách quan lạnh lùng hơn về sự thịnh suy của Trung Quốc.
Vì nó ảnh hưởng đến Việt Nam.
***
TINH THẦN PHỤC TẦU
Cách đây sáu bảy năm, tháng Chín năm 2004, nhật báo The Wall Street Journal - theo xu hướng kinh tế tự do và chính trị bảo thủ - có một bài viết lạc quan của hai tác giả David Wessel và Marcus Walker về tình hình kinh tế toàn cầu. Bài viết này đáng chú ý vì tham khảo ý kiến của hơn một chục kinh tế gia đã đoạt giải Nobel Kinh tế, tham khảo về những quốc gia nào họ cho là có chính sách kinh tế gần như đúng đắn nhất.
Nhiều người không trả lời câu phỏng vấn hóc hiểm ấy - một sự phê phán về kinh tế chính trị học - nhưng Na Uy và Hoa Kỳ mỗi nước được hai phiếu ngợi khen! Chỉ mấy năm sau, là ngày nay, Hoa Kỳ là con bệnh kinh tế của thế giới và chánh sách kinh tế của Mỹ dưới thời Bush là một trọng phạm! Thế nào là đúng hay sai bây giờ?
Câu hỏi ấy khiến ta chú ý đến Trung Quốc.
Kinh tế gia Kenneth Arrow, Khôi nguyên Nobel ở tuổi trẻ nhất, 51 tuổi vào năm 1972, thì phê phán chế độ chính trị Trung Quốc nhưng ngợi khen Trung Quốc, Đài Loan và Nam Hàn trên cơ sở của thành quả vào thời đó. Giáo sư Vernon Smith của Đại học Chapman (tại Quận Cam của California), theo xu hướng kinh tế tự do tuyệt đối - có thể đồng nghĩa với bảo thủ - đoạt Nobel Kinh tế năm 2002, thì khen là Trung Quốc đã tiệm tiến chuyển hóa đúng hướng.
Giáo sư Harry Markowitz, một nhà lý luận tài chánh về kinh toán học và Khôi nguyên Nobel năm 2002, thì khen rằng Trung Quốc đứng sát Hoa Kỳ về chánh sách kinh tế. Một kinh tế gia thuộc xu hướng thiên tả là Joseph Stiglitz, thần tượng của nhiều nhà kinh tế trong nước, giải Nobel năm 2001, từ chối chấm điểm, nhưng nhắc tới Trung Quốc như có thành tích kinh tế cao nhất thế giới.
Tổng cộng là Trung Quốc đoạt bốn giải thuộc loại danh dự từ những người mà chúng ta phải tin là am hiểu về kinh tế hơn thiên hạ.
Trước những phán đoán khách quan như vậy, làm sao thiên hạ không thấy khâm phục? Nếu lại có đôi chút hiểu biết về kinh tế thì chỉ cần vạch tiếp đường tuyến của những thành quả đã qua vào một tương lai sẽ tới, người ta phải thấy vị trí vĩ đại của Trung Quốc trong thế kỷ 21.
Rồi kết luận đầy vẻ khoa học về ưu điểm của "xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Quốc", hoặc chiến lược phát triển "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" - market socialism - mà Hà Nội tự xưng là đang tiến hành. Nếu lại đối chiếu với cuộc tranh luận thời thượng ngày nay về những tệ nạn của kinh tế thị trường và chính trị dân chủ tại Hoa Kỳ, thì chiến lược của Trung Quốc quả là hấp dẫn.
Và sức mạnh Trung Quốc là một khách quan khó cưỡng nổi...
Chúng ta cần đi xa hơn kinh tế học, đi sâu vào địa dư, lịch sử, văn hoá và chính trị của Trung Quốc thì mới nhìn ra những bất toàn của chiến lược phát triển này. Và may ra thấy trước nguy cơ khủng hoảng. Vì vấn đề không chỉ thu gọn vào những mâu thuẫn căn bản giữa quy luật của thị trường tự do ở dưới và ý chí của chính trị độc tài ở trên.
Mâu thuẫn ấy, ta có thể thấy tại nhiều nước Đông Á đã nhân danh "giá trị văn hoá Á châu" mà hạn chế tự do chính trị để dồn sức vào phát triển kinh tế. Các quốc gia đó đều lần lượt chuyển hoá qua chế độ chính trị dân chủ hơn và nhờ đó cải thiện được việc sung dụng tài nguyên một cách tối hảo cho đại đa số dân chúng.
Vấn đề của Trung Quốc nó sâu xa hơn vậy, hơn Singapore hay Đại Hàn, Đài Loan, vì nằm trong nền tảng địa dư văn hoá xứ này và giải thích chuyện "hợp-tan" đã thấy trong lịch sử Trung Quốc. Nó cũng tiên báo khủng hoảng khó tránh trong tiến trình tập trung quyền lực quốc gia và phân quyền từ trung ương xuống địa phương - kể cả việc Đại hội đảng sắp tới sẽ chọn người kế vị thế hệ lãnh đạo hiện nay. Cụ thể thì nó khiến ta nên xét lại các thống kê kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc. Chiến lược hơn, nó soi sáng cách ứng xử của Bắc Kinh với thế giới trong khi vẫn đề cao một chuỗi chủ trương hoa mỹ, nào là "quật khởi hòa bình" (peaceful rise), "xã hội hài hoà" ("hoà hài xã hội" theo ngữ pháp của họ) hoặc "xã hội tiểu khang" mà họ lượm ra từ... Kinh Thi.
Quốc gia vĩ đại này đang gây ra những thách đố sinh tử cho Việt Nam nhưng lại có nhiều vấn đề vĩ đại khiến khủng hoảng lại dễ bùng nổ. Khi bùng nổ thì cũng trực tiếp ảnh hưởng đến Việt Nam. Vì vậy, chúng ta nên kiên nhẫn tìm hiểu, trong khi thiên hạ om xòm đốt pháo bông mừng ngày "Quang Diện Trung Hoa"...
___
(Đây là bài đầu tiên trong một loạt năm bài viết liên tục trên Việt Báo về “Huyền Thoại Trung Quốc”, khởi sự từ ngày 20 Tháng Chín, 2009. Hình minh diễn: ‘Trường thành cũ trong sương mù’.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét