Nguyễn Xuân Nghĩa:
HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (I) Trung Quốc Vĩ Đại và những Vấn Đề Vĩ Đại
HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (II) Cái Nghiệp Hợp Tan
HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (III) Thống kê như gà gáy: - nội lực ra sao làm sao ta biết?
HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (IV) Xã Hội Hài Hòa - Lãnh đạo mù loà và nguy cơ phân hoá
HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (V) Tự Kỷ Ám Thị: Khi sự sợ hãi được định chế hóa
Nguyễn-Xuân Nghĩa:
HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (III)
Thống kê như gà gáy: - nội lực ra sao làm sao ta biết?
Milton Friedman là kinh tế gia bậc thầy, thuộc trường phái tiền tệ với chủ trương nhiệt liệt đề cao tự do kinh tế. Ông cũng từng được mời qua Bắc Kinh diễn thuyết về kinh tế thị trường và quyền tự do chọn lựa của người dân. Ông mất vào tháng 11 năm 2006, ở tuổi 95. Trước khi tạ thế mấy tháng, ông được nhật báo Wall Street Journal phỏng vấn và bài này được tờ báo phổ biến trong số ra ngày 22 tháng Giêng năm 2007.
Ghi rõ như vậy để những ai tò mò có thể tìm đọc lại, khi Friedman được tờ báo mời ông so sánh Trung Quốc và Ấn Độ. Câu trả lời phải làm chúng ta giật mình:
"Trung Quốc vẫn duy trì chế độ tập thể về chính trị và nhân sự trong khi giải phóng dần nền kinh tế thị trường. Tới nay thì điều đó có thành công, nhưng sẽ dẫn tới xung đột vì không thể dung hợp kinh tế tự do với chính trị tập thể. Ấn Độ thì duy trì chế độ dân chủ chính trị nhưng lại quản lý một nền kinh tế tập thể. Bây giờ họ mới bắt đầu giải phóng kinh tế nên sẽ gia tăng mọi quyền tự do, vì vậy xứ Ấn Độ này có vị trí khả quan hơn Trung Quốc".
Có lẽ các kinh tế gia thường nhìn sự việc khác thiên hạ nên mới có lời phán như Milton Friedman. Thiên hạ đang nói đến Trung Quốc như một đại cường, hoặc một mối lo cho thế giới. Không mấy ai chú ý đến Ấn Độ, một xứ có một tỷ 200 triệu dân và sẽ có dân số vượt Trung Quốc trong ít lâu nữa. Ấn Độ có nhiều dân Hồi giáo nhất thế giới và thường bị khủng bố tấn công, nhưng không ai nghe thấy chuyện đàn áp tôn giáo hoặc chà đạp nhân quyền, như Trung Quốc. Và Ấn Độ cũng không có âm mưu bành trướng hoặc đe dọa các lân bang.
Trong khi ấy, Trung Quốc là người hùng mới nổi!
Milton Friedman không là kinh tế gia bình thường, ông nhìn sự việc khác với thiên hạ cho nên là nhân vật hiếm hoi không tỏ vẻ gì là bị mê hoặc về huyền thoại Trung Quốc mà còn tiên báo điều nghịch lý. Có lẽ vì ông nhìn vào nội lực thật của Trung Quốc. Chúng ta cũng nên thử tìm hiểu về nội lực đó khi cả thế giới cứ nói hoài là khi Trung Quốc tỉnh giấc, thiên hạ sẽ bị chấn động.
Quả nhiên là Trung Quốc đang thành cường quốc kinh tế, có dự trữ ngoại tệ hơn hai ngàn tỷ My kim, làm chủ nợ của Mỹ, đã phóng vệ tinh và đưa người lên không gian, nay đang chế tạo tầu ngầm và sẽ có hàng không mẫu hạm để vươn tới biển xanh dương, v.v...
Nếu còn hồ nghi thì cứ đọc báo với những thống kê hàng ngày về sản lượng kinh tế gia tăng vùn vụt trong khi Hoa Kỳ còn đang suy trầm, suy thoái và mắc nợ tứ tung.
Hôm đầu tháng Chín vừa rồi, Uỷ ban Phát triển và Cải cách Thành phố Bắc Kinh còn loan báo một con số đầy "ấn tượng" - chữ xuẩn động vì dịch sai của người Hà Nội xin trả lại cho Hà Nội - rằng cuối năm nay thì sản lượng GDP trung bình của một người dân Bắc Kinh sẽ lên tới 10.000 Mỹ kim. So với năm ngoái là 9.075 đô la thì coi như tăng 12,5%. Con số một vạn đồng này có giá trị mầu nhiệm về tâm lý vì là tiêu chuẩn của mức sống trung lưu trên thế giới. Thống kê được tung ra như tiếng gáy trước ngày kỷ niệm 60 năm thành lập Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc.
Nhưng người dân tại chỗ thì coi bộ lạnh tanh. Họ đã quen nghe tiếng gáy.
Thế hệ cha anh của họ đã kể lại thành tích long trời lở đất của "Bước nhảy vọt vĩ đại" thời Mao Trạch Đông. Từ nay ta sẽ phú cường yên vui. Sau đó, từ 1959 đến 1961 đã có 36 triệu người chết vì đói ngay trong thời bình (định nghĩa của “cơ hoang”!) Chỉ vì một chuyện rất lạ là chính Mao Trạch Đông cũng không biết gì về thực trạng xã hội, từ các công xã lên tới tỉnh, thành. Không biết gì về thực trạng đó nên dân mới chết đói mà nhà nước vẫn bình chân như vại. Chỉ vì từ cấp thấp nhất lên tới cấp cao nhất của bộ máy hành chánh cách mạng, người người đều thi đua thổi ống đu đủ, với những báo cáo vượt chỉ tiêu trình lên trên. Lên mỗi cấp lại nống thêm một nấc để lập thành tích dâng đảng.
Ở trên cùng, lãnh đạo đảng ngồi uống nước đường trong khi dân đói rã họng, chết như ruồi.
Hai chục năm sau trò đùa man rợ đó, Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách, và ý thức được sự mù lòa của lãnh đạo vì không có thông tin thực tế và thống kê khả tín. Ông muốn hiện đại hoá hệ thống thu thập thống kê và tiêu chuẩn hóa cách đo lường cho khoa học hơn.
Nhưng ngày nay, ba chục năm sau, tình hình vẫn vậy!
Tình hình sở dĩ vẫn như vậy sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2001 nhờ Bill Clinton. Chỉ vì WTO không đòi hỏi xứ này cũng phải có hệ thống thống kê theo cùng tiêu chuẩn, chỉ cần có phương pháp phù hợp với các quốc gia đối tác mà thôi. Nước nào mà khôn ngoan tự cải tiến thì sẽ sáng hơn, nếu không thì ráng chịu!
Vì vậy, ta mới có những tiếng gáy lạc điệu.
Thí dụ mà những người bị Trung Quốc mê hoặc nhất cũng không thể không biết: Tháng Tám vừa rồi, Cục Thống kê Quốc gia loan báo con số vĩ đại về Tổng sản lượng Nội địa GDP với tăng suất cao bất ngờ, trong khi cả thế giới đang lao đao về nạn suy trầm toàn cầu (global recession). Nhưng con số đó chưa thấm vào đâu vì nếu cộng lại Tổng sản lượng GDP của 31 tỉnh và thành phố của toàn quốc thì còn cao hơn 10%! Cùng một nhà nước lãnh đạo mà ta có hai con số khác nhau...
Trước đó, vào tháng Tư, Cục Thống kê cũng nói tới mức tăng trưởng sản xuất đáng kể, làm Cục Năng lượng Quốc tế ngạc nhiên vì số cầu về dầu khí của Trung Quốc đã giảm mạnh. Sản xuất nhiều hơn mà lại tiêu thụ ít dầu hơn? Tháng Sáu thì có chuyện sản lượng kỹ nghệ gia tăng đầy ấn tượng – lại chữ ‘ấn tượng’ do Hà Nội dịch đồng dạng vì vừa ngu vừa dốt, từ ‘impressive’ - là 8,9%. Các chuyên gia hoài nghi dữ kiện đó của Cục Thống kê vì cùng lúc đó số điện tiêu thụ lại sút giảm. Dùng ít điện ít dầu hơn mà vẫn sản xuất nhiều hơn thì chỉ có phép lạ của con trời.
Vì sao lại có chuyện đó?
Vì Trung Quốc có hai hệ thống thu thập thông tin song hành. Một hệ thống là tổ chức thống kê với chức năng hội nhập và đúc kết các con số từ dưới đưa lên. Hệ thống kia là thống kê của các phủ bộ hay cơ quan - cũng của nhà nước. Hệ thống hội nhập là của Cục Thống kê Quốc gia nằm tại Bắc Kinh, có nhân viên ở mọi cấp bên dưới để báo cáo về trung ương. Hệ thống kia là văn phòng thống kê của từng phủ bộ có nhiệm vụ thu thập thống kê trong phạm vi chức năng của họ. Bộ Tài chánh có thống kê về tài chánh, thuế khoá, Bộ Thương mại có con số về đầu tư nước ngoài, v.v... Hai hệ thống ấy gạn ra hai con số không giống nhau vì cùng một nguyên nhân.
Chúng ta trở lại ý kiến của Milton Friedman.
Vì chế độ chính trị ông gọi là "tập thể", nhân sự trong bộ máy công quyền đều được ở trên bổ nhiệm - trừ nhân sự cấp xã ấp là do dân chúng bầu lên. Vì vậy, tuyệt đại đa số "công bộc nhà nước" đều chịu trách nhiệm với thượng cấp ở trên, là nơi quyết định việc thăng thưởng hoặc cơ hội đỉnh chung làm giàu cho họ. Cho nên họ chỉ phải báo cáo để thượng cấp đẹp lòng, chứ không chịu trách nhiệm gì với những người ở dưới – và dưới cùng là người dân.
Trong công vụ, họ cần đưa lên trên những báo cáo có đặc tính tâng công và mỗi cấp lại châm thêm một "hệ số tâng công" như vậy, cho nên ở trên cùng, những người lãnh đạo đều có một phúc trình màu hồng. Và nhiều khi còn hồng hơn phúc trình của cơ quan khác, về cùng một lãnh vực cần khảo sát.
Đã vậy, phương pháp thống kê của Trung Quốc cũng có... "màu sắc Trung Hoa", nghĩa là không hoàn toàn giống phương pháp của các nước kỹ nghệ tiên tiến như Mỹ, Âu, Nhật.
Thí dụ như con số về Tổng sản lượng GDP, Trung Quốc dùng phương pháp quy ra toàn năm, như từ tháng Tám năm này so với tháng Tám năm ngoái. Trong khi các nước kia dùng cả phương pháp đó (xin lỗi, gọi là year-over-year, hay yoy) lẫn phương pháp chi tiết hơn, là từ quý này qua quý sau (mỗi ba tháng).
Các trường hợp khác biệt ấy có rất nhiều, nhưng điểm cần nói ở đây là truyền thông đôi khi lại không phân biệt hay giải thích, nên dễ kết luận sai và tạo ra ấn tượng (cảm tưởng, định nghĩa của từ này) là kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh, thất nghiệp thấp, có lợi tức cao, v.v...
Rồi ngạc nhiên khi có tin là vùng này vùng kia của Trung Quốc có loạn vì dân chúng biểu tình dàn trận với công an!
Những chuyện ngoắt ngoéo ấy dẫn ta về vấn đề chính: đảng viên cán bộ không có trách nhiệm với người dân ở dưới cho nên không còn là tai mắt đáng tin về thực tế xã hội. Khi có vấn đề thì an ninh và công an lại có quyền đàn áp, mà truyền thông bị gạt ra ngoài.
Loạn nhỏ sẽ gây ra loạn lớn làm mọi người đều ngạc nhiên. Ngoại trừ Friedman, nhưng ông đã đi rồi. Chúng ta sẽ còn trở lại những chuyện đáng ngạc nhiên này. Xin chờ số báo tới!
__
Bài thứ ba trong loạt năm bài về Trung Quốc trên Việt Báo, ngày 26 Tháng Chín, 2009. Hình ảnh: thống kê tù mù như KU mới mọc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét