Thứ Hai, 21 tháng 9, 2009

Nguyễn Xuân Nghĩa - HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (II) Cái Nghiệp Hợp Tan (21 Tháng Chín 2009)

Nguyễn Xuân Nghĩa:

HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (I) Trung Quốc Vĩ Đại và những Vấn Đề Vĩ Đại

HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (II) Cái Nghiệp Hợp Tan 

HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (III) Thống kê như gà gáy: - nội lực ra sao làm sao ta biết?

HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (IV) Xã Hội Hài Hòa - Lãnh đạo mù loà và nguy cơ phân hoá

HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (V) Tự Kỷ Ám Thị: Khi sự sợ hãi được định chế hóa


Nguyễn-Xuân Nghĩa: 

HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (II)

Cái Nghiệp Hợp Tan 

Tập trung để ổn định hay Phân quyền để tan rã?

Truyện Tam Quốc Chí Diễn nghĩa mở đầu như sau: "Phàm đại thế trong thiên hạ, cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan: như cuối đời nhà Chu, bảy nước phân tranh xâu xé rồi sau lại hợp về nhà Tần. Đến khi Tần mất, thì Hán Sở tranh hùng rồi sau thiên hạ lại hợp về tay nhà Hán..."

Người Việt chúng ta thường mê truyện Tầu và truyện Tam Quốc thì đọc lầu lầu, mà có khi lại quên mất câu mở đầu của tác phẩm. Đó có thể là một quy luật lịch sử, xuất phát từ một thực tế địa dư. Nói cho thi vị, nó nằm trong lá Tử vi của Trung Quốc!

Quốc gia bát ngát này có địa dư hình thể khá đặc biệt đã ảnh hưởng đến kinh tế, văn hoá và chính trị.

Từ biển Đông đi vào hướng Tây, Trung Quốc có khu vực đầu tiên là cái nôi của nền văn minh gọi là Hoa Hạ, với các sắc dân có thể từ nơi khác về tập trung dần ở tại đây và dựng nên Trung Quốc như ta biết ngày nay. 

Nếu vạch một đường tuyến từ điểm giáp giới với với mỏm cực Bắc của Miến Điện lên tới Bắc Kinh và kéo dài qua phân nửa Đông Nam của Mãn Châu, ta có một đường "đẳng cao tuyến" phân biệt độ mưa (isohyet). Bên phải của đường tuyến ra tới biển là nơi có cùng độ ẩm (36 phân nước mưa) thuận tiện cho việc trồng  trọt. Bên kia là những vùng đất khô cằn. Khu vực này còn có ba con sông lớn là Hoàng hà, Dương tử và Châu giang (tại Quảng Đông) cần thiết cho việc tiêu tưới và vận chuyển. Đây là Trung Nguyên, vùng sinh hoạt tập trung Hán tộc trong khi các sắc tộc thiểu số khác thì sống phân tán trên những vùng còn lại, bị đồng hoá dần. 

Những vùng còn lại đó là 1) khu vực nội địa, nằm ở phía Tây và khó thông thương ra ngoài và 2) khu vực biên trấn tiếp giáp với xứ khác, từ cao nguyên Thanh Tạng qua Tân Cương lên tới Nội Mông và Mãn Châu. Khu vực biên trấn này là vùng trái độn về quân sự để bảo vệ Trung Quốc vì trong lịch sử, các dị tộc hay ngoại bang mà người Hán khinh miệt thường tràn vào tấn công, thậm chí làm chủ Trung Nguyên trong nhiều thế kỷ.

Bài toán hợp tan từ muôn thuở là làm sao thống nhất được Trung Nguyên, kiểm soát được canh nông và phân phối lương thực ở tại đây, khống chế được khu vực nội địa và bảo vệ được khu vực ngoại biên. Ngay tại Trung Nguyên, một bài toán khác cũng từng đặt ra là thống nhất cai trị trên vùng đất trù phú và đông dân nhất: mâu thuẫn Nam-Bắc đã nhiều lần xảy ra và ngày nay, vẫn còn miền Nam nói tiếng Quảng Đông, miền Bắc nói tiếng Quan hoả, ở giữa là nhiều ngôn ngữ địa phương khác.

Vì vậy, mọi triều đại vừa lên cai trị đều phải giữ chặt Trung Nguyên bằng một chế độ tập trung và khống chế được các dị tộc bên ngoài để khỏi bị tấn công. Muốn vậy, phải kiểm soát được các vùng thảo nguyên sa mạc vây quanh và cả những đường chuyển vận huyết mạch xuyên qua khu vực hoang vu đó. Say mê truyện Tầu, chúng ta đã nghe hoặc đọc nhiều về rợ Hung Nô, về mối lo của nhà Hán tại Tây Vực, hoặc sự hình thành của nhiều đợt Vạn lý Trường thành được xây dựng từ thời Chiến Quốc qua nhà Tần, nhà Minh... 

Đấy là biểu hiện của bài toán kết hợp để bảo vệ, nếu không là tan thành nhiều nước... 

Sau các thời Xuân Thu rồi Chiến Quốc, Tần Thủy Hoàng đế đã bãi bỏ chế độ phân phong - chia đất và phong hầu cho tầng lớp quý tộc, về sau họ trở thành nhiều "nước" sâu xé lẫn nhau - để lập ra chế độ quận huyện với một bộ máy quan lại (gọi là hành chánh theo ngôn ngữ ngày nay) do trung ương thống nhất điều khiển... Điều khiển việc gì? Chủ yếu là việc trưng thu và phân phối tài nguyên, kể cả thuế khóa, để nuôi quân và bảo vệ triều đình ở trung ương. 

Trong mấy ngàn năm, mưu thuật chính trị của đa số quan lại là nếu ở trong triều thì phải ảnh hưởng được tới Hoàng đế hầu bảo vệ được quyền lực trong bộ máy công quyền; nếu ở địa phương thì ảnh hưởng được tới các quan tại trung ương hầu được thăng quan tiến chức - hoặc khỏi mất việc, bay đầu... Trong ngần ấy mưu toan, ai ai cũng nhân danh Hoàng đế, một người có "chân mạng đế vương", thừa "thiên mệnh" mà cai trị bàn dân thiên hạ.

Nhưng nội loạn vẫn có thể bùng nổ khi bộ máy công quyền ấy cấu kết với các phần tử ưu tú - giàu có và sáng suốt nhất ở từng địa phương - và đòi làm chủ một khu vực mà không công nhận quyền lực trung ương. Nội loạn bùng nổ nhiều lần trong lịch sử, khi quyền lực trung ương bị suy yếu vì triều đình mục nát, vì quan lại tham ô. Đó là chuyện tan. Khi có kẻ xuất chúng bước lên thống nhất thiên hạ bằng bạo lực thì quyền lực trung ương lại được tập trung rất chặt chẽ, đấy là chuyện hợp... 

Trên một lãnh thổ rộng lớn như vậy, xứ này có đủ tài nguyên để tồn tại trong chế độ tự cung tự cấp. Nếu muốn được trù phú hơn, Trung Quốc phải giao thương với bên ngoài. Trong một giai đoạn mấy ngàn năm, cõi "bên ngoài" ấy chưa là biển Đông vì xứ này không có một nền hàng hải như nhiều quốc gia duyên hải khác của nhân loại. Một thử nghiệm ngắn ngủi là các chuyến hải hành của Đô đốc Trịnh Hoà người Hồi giáo vào đời minh, đầu thế kỷ 15 rồi bị giập tắt. Họ quay vào trong, thành một cường quốc lục địa. Khi cần giao thương, ngả đường chủ yếu là "Con đường Tơ lụa" (Ti trù lộ) trên khu vực biên trấn qua Tân Cương vào Trung Á. Bảo vệ đường giao thương hiểm trở ấy là chiến lược an ninh và kinh tế. Trung ương cung cấp phương tiện phòng vệ cho các địa phương và đổi lại thì được các địa phương cung cấp tài vật trưng thu được trên đường giao thương.

Khi nhân loại bắt đầu bước qua giai đoạn công nghiệp thì cũng là lúc xuất hiện các pháo hạm Âu Châu, rồi Nhật Bản và Hoa Kỳ, ở ngoài biển Đông. Thế quân bình ngàn năm bị đảo lộn. 

Trung ương phải giao thương với bên ngoài theo những điều kiện do các cường quốc bên ngoài đặt ra. Vì lý do địa lý lẫn chính trị, việc giao thương đó lại tập trung ở các tỉnh duyên hải miền Đông Nam, nằm rất xa Bắc Kinh để trung ương khỏi bị nhiễm độc Tây dương. Đâm ra, rất cô đơn ở trên đỉnh, trung ương tại Bắc Kinh thấy là mình phải xử lý một lúc với hai thế lực đôi khi toa rập với nhau, là ngoại bang và các tỉnh duyên hải này. Trung ương viện dẫn "thiên mệnh" hay "Thánh hiền", các tỉnh thì viện dẫn thịnh vượng và tiến bộ. 

Bài toán hợp tan lại đặt ra. Nếu bế quan toả cảng để tập trung quyền lực thì xứ sở nghèo đi trong một thế "đại đồng" mà kiệt quệ. Nếu lại giao thương với bên ngoài để mở mang xứ sở thì trung ương bị suy yếu trong khi các tỉnh lại giàu mạnh hơn. Nhà Đại Thanh bị suy yếu dần trong thế kỷ 19 rồi tan rã dưới hai động lượng song hành là thế lực ngoại bang (chủ nghĩa tư bản!) và thế lực địa phương (chủ nghĩa cát cứ!). Mà chẳng thế lực nào lại có thể kiểm soát được cả lãnh thổ cho nên Trung Quốc đi vào nội loạn và nội chiến kéo dài....

Trong nhiều biến động chính trị của lịch sử xứ này, thành phần dân chúng đói khổ ở các vùng nội địa vẫn thường cung cấp nhân lực cho cách mạng đổi đời tại Trung Nguyên, là nơi có điều kiện sinh sống tương đối thoải mái hơn. Tần Thủy Hoàng đế hay Mao Trạch Đông cũng quy tụ nhân lực từ các khu vực ấy để tiến vào làm chủ Trung Nguyên. Trung Quốc đã tồn tại hơn hai chục thế kỷ với hệ thống chính trị đó. 

Bây giờ, tình hình đã khác...

***

Khi lên nắm quyền vào năm 1949, Mao Trạch Đông lập tức tập trung quyền lực vào trung ương, đưa quân đi xây dựng vùng trái độn ngoài phiên trấn là Tân Cương và Tây Tạng (trước sự câm nín đớn hèn của Tây phương vì quá mệt mỏi với Đệ nhị Thế Chiến), rồi ông phát huy chủ nghĩa đại đồng theo quan niệm và sự diễn giải của ông ta. 

Muốn phát triển xứ sở cho đại đa số dân nghèo - thành phần quần chúng của mình - bớt đói khổ, ông phát động "Bước nhảy vọt vĩ đại". Đó là giải pháp cách mạng kinh tế tại các công xã địa phương mà không đe dọa quyền lực của trung ương. Kết quả là một tai họa lịch sử làm 36 triệu người chết đói! Chìm sâu bên dưới bi kịch đó là một hiện tượng vẫn đang tiếp diễn: trung ương bị mù lòa về thông tin vì thống kê ở bên dưới đưa lên là những dữ kiện ảo. Mỗi cấp lại châm thêm một "hệ số tích cực", là thổi phồng thành quả, và tích lũy thành một báo cáo siêu thực hoàn toàn tách rời khỏi thực tế. 

Khi thấy quyền lực trung ương bị rung chuyển, Mao Trạch Đông thi thố loạt biện pháp thứ nhì: dùng quần chúng thanh niên sinh viên và nông dân đánh ngược vào cơ sở đảng, gọi đó là "Cách mạng Văn hoá Vô sản Vĩ đại". Người có công trong chiến lược quái đản này của Mao là Khang Sinh, trùm an ninh và mật vụ của Mao mà cũng là nhân vật thực tế chỉ đạo "Tứ nhân bang", kể cả nhân tình cũ là nàng Giang Thanh. Mười năm cách mạng hoang tưởng đó chỉ kết thúc với cái chết của Khang Sinh rồi Mao Trạch Đông, khiến Đặng Tiểu Bình có cơ hội trở về tranh thủ lại quyền lực đã mất. 

Xong rồi, Đặng Tiểu Bình tiến hành một cuộc cách mạng thật, là cải cách kinh tế và mở cửa ra bên ngoài, kể từ đầu năm 1979 trở đi (Sau Hội nghị kỳ ba của Ban Chấp hành Trung ương khoá 11 vào tháng 12 năm 1978). 

Sau khẩu hiệu "đại đồng" của Mao là khẩu hiệu "tiểu khang" của Đặng. Lấy chữ trong Kinh Thi, phần Đại Nhã, bài "Dân Lao", Đặng Tiểu Bình muốn cho dân nghèo đều được đủ ăn (khang tí tí thôi) bằng cách lấy tăng trưởng kinh tế làm thước đo cho sự thăng tiến chính trị của các đảng viên. Quả nhiên là khi trung ương hết tập trung kiểm soát kinh tế thì người dân được làm ăn thoải mái hơn, với kết quả là 800 triệu người đã thoát khỏi mối lo chết đói...

Nhưng, địa dư hình thể và chính trị độc đoán vẫn lại vận hành: ba chục năm sau khi cải cách, các tỉnh duyên hải làm giàu nhanh nhất, các đảng viên trong bộ máy quan lại cũng vậy. 

Nông dân khỏi lo chết đói thì lại thấy rằng mình vẫn tụt hậu, bị lọt sổ ở dưới. Và đất đai canh tác bị thu hẹp, bị cưỡng đoạt cho công cuộc kỹ nghệ hoá và đô thị hóa. Giữa các tỉnh với nhau, khu vực duyên hải cũng tăng trưởng mạnh nhất, bỏ xa hai khu vực còn lại. Hố sâu giàu nghèo bị đào sâu giữa các thành phần dân chúng và giữa các tỉnh. Giang Trạch Dân rồi Hồ Cẩm Đào đều đã thấy vấn đề này. 

Và lờ mờ nhìn ra viễn ảnh hợp tan.

Hơn mươi năm trước, Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ phát động phong trào "Tây Tiến" để kêu gọi đầu tư vào các tỉnh lạc hậu bị khoá trong lục địa ở hướng Tây. Nhưng thiên nhiên hiểm trở và thị trường lý tài đều thuộc loại cứng đầu cho nên phong trào không có kết quả. Hàng hóa sản xuất từ mấy nơi đó thì rẻ hơn thật, nhưng vận chuyển ra ngoài, tới vùng duyên hải để xuất cảng qua xứ khác lại tốn kém hơn nhiều!

Khi lên kế vị, thế hệ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo cũng thấy ra mối nguy hợp tan đó. 

Họ lấy lại khẩu hiệu "tiểu khang" để nhắc nhở đến khối dân cùng khốn, họ quảng bá khái niệm "phát triển trên cơ sở khoa học" và xây dựng "xã hội hài hòa", tập trung nỗ lực vào một số ngành chiến lược như thép, than hay dầu, rồi tăng cường quyền hạn và phương tiện cho quân đội nhằm thể hiện ý chí "quật khởi hoà bình". Toàn những khẩu hiệu đẹp - mà sau nhiều năm thi hành vẫn chưa thấy kết quả.

Lãnh đạo Trung Quốc đang gặp lại bài toán muôn thuở là tập trung quyền lực về trung ương để gìn giữ ổn định, hay phân quyền cho các địa phương để phát triển, nhưng là phát triển không đồng đều trên một lãnh thổ có ba vùng tam phân về lợi tức và nhận thức. Chưa nói đến sự cấu kết của các thế lực ngoại bang hay doanh nghiệp ngoại quốc với các đảng bộ phú hào ở địa phương... 

Hấp dẫn lắm!

___

(Bài thứ hai trong loạt bài về Trung Quốc trên Việt Báo, ngày 21 Tháng Chín, 2009. Bản đồ mật độ dân số Trung Quốc năm 2000.)

Không có nhận xét nào: