Thứ Hai, 28 tháng 9, 2009

Nguyễn Xuân Nghĩa - HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (V) Tự Kỷ Ám Thị: Khi sự sợ hãi được định chế hóa (28 Tháng Chín 2009)

Nguyễn Xuân Nghĩa:

HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (I) Trung Quốc Vĩ Đại và những Vấn Đề Vĩ Đại

HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (II) Cái Nghiệp Hợp Tan 

HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (III) Thống kê như gà gáy: - nội lực ra sao làm sao ta biết?

HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (IV) Xã Hội Hài Hòa - Lãnh đạo mù loà và nguy cơ phân hoá

HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (V) Tự Kỷ Ám Thị: Khi sự sợ hãi được định chế hóa


Nguyễn-Xuân Nghĩa:

HUYỀN THOẠI TRUNG QUỐC (V) 

Tự Kỷ Ám Thị: Khi sự sợ hãi được định chế hóa

Mọi chế độ độc tài đều sống trong sự sợ hãi, nhưng lãnh đạo Trung Quốc lại có mức hãi sợ phi thường vì đặc tính văn hoá đa nghi của họ. 

Khi theo dõi những liên hoan chào mừng 60 năm ra đời của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, người ta nên nhìn ra khía cạnh đó. Chế độ mắc bệnh tự kỷ ám thị và định chế hoá sự sợ hãi nên càng khó xoay trở cho một tương lai tốt đẹp hơn cho Trung Quốc...

Các bạo chúa hay lãnh tụ độc tài đều nghi ngờ trước tiên là tay chân của mình. Với họ thì nhờ quyền lực đang có trong tay nếu dân chúng có mất niềm tin, thậm chí trở thành bất mãn, chuyện ấy chưa phải là một vấn đề ưu tiên. Mối lo ruột gan cấp bách chính là sự thiếu chung thủy của những người xây dựng chế độ vì họ đe dọa quyền lực của lãnh đạo ở trên. 

Mao Trạch Đông có phát động cuộc Đại văn cách kéo dài 10 năm, từ 1966 cho tới khi ông tạ thế, thì cũng để tấn công ngay vào nhân sự đảng từ cấp cao nhất trở xuống. Và cũng sự sợ hãi của các đảng viên cao cấp nhất, thuộc tầng lớp lãnh đạo, mới khiến một sự việc ghê tởm như vậy có thể xảy ra.

Ba chục năm sau, "mây năm xưa bỗng phiêu du trở về..."

***

Vì hệ quả tất yếu của chế độ chính trị chuyên quyền ở trên kinh tế thị trường, người ta chứng kiến một hiện tượng là nhiều người có thêm đặc lợi nhờ đặc quyền trong khi đa số ở dưới vẫn ở trong trạng thái "tiểu khang", chỉ vừa đủ ăn. 

Thành phần ưu tú mới, đảng viên cao cấp có nhiều đặc quyền và đặc lợi hết quan tâm đến đạo đức cách mạng. Họ quan tâm và tranh thủ quyền lợi kinh tế. Hết lý tưởng, họ thành lý tài. Và cũng vì nhu cầu kinh tế ấy, họ muốn mở rộng khả năng can thiệp để có thêm tự do. Đấy là mối lo cho lãnh đạo đảng. Sự nghi ngờ lại tỏa rộng, từ trên xuống. Vì nếu hiện tượng ấy lan rộng trong quần chúng thì lúc đó cái lẽ chính thống của quyền lãnh đạo sẽ thành vấn đề: nếu dân hết tin đảng, đảng sẽ khó tồn tại.

Đảng Cộng sản Trung Quốc vì vậy đang ở giữa cơn khủng hoảng tâm lý: là đảng mất lẽ chính danh để tồn tại và sẽ bị thách đố ở mọi nơi - có khi tan rã.

Thật ra, nỗi lo sợ bị biến chất từ trên đầu xuống, như con cá ươn thì thối trước ở cái đầu - đã manh nha từ lâu. Từ thế hệ lãnh đạo thứ ba, của những Giang Trạch Dân, Lý Bằng và Chu Dung Cơ. Họ muốn hiện đại hoá đảng khi Trung Quốc bước vào thế kỷ 21 vì nhìn ra sự lạc hậu của các đảng viên. 

Năm 1978, trước thời mở cửa, trong số đảng viên là 37 triệu thì đến hơn hai phần ba là nông dân và công nhân. Thành phần "có học" chỉ là thiểu số. Vì vậy, Hiến pháp mới được tu chỉnh năm 2002 để mở rộng cho các thành phần khác được gia nhập đảng, kể cả trí thức và tư doanh. Từ bên ngoài, người ta mừng là đảng Cộng sản Trung Hoa nay đang tự "tiểu tư sản hoá", may ra thì sẽ đưa tới thay đổi tốt đẹp hơn cho xã hội.

Sự thay đổi có xảy ra thật, nhưng không theo hướng đó! 

Năm 2005, khi thế hệ thứ tư, của những Hồ Cẩm Đào, Úy Kiện Hành và Ôn Gia Bảo, đã nắm vững bộ máy đảng và nhà nước, đảng có 70 triệu đảng viên, gần gấp đôi thời bắt đầu mở cửa. Trong số này, thành phần công nông chỉ chiếm 29% và giới chuyên gia - có tay nghề chuyên môn - và người có học đại học chiếm 53%. Cũng trong năm 2005, 75% doanh gia Trung Quốc được thăm dò trong một cuộc khảo sát cho biết là họ đã, hoặc sẽ sẵn sàng gia nhập đảng. 

Qua năm 2008, một công trình nghiên cứu khác cho biết 34% tư doanh Trung Quốc đã thành đảng viên. Đảng quả là đại biểu của khoa học tiên tiến, văn hoá tiên tiến và các thành phần tiên tiến nhất trong xã hội. Đó là cái thuyết "tam biểu". 

Một chỉ dấu tốt đẹp hơn? Thưa rằng không!

***

Thành phần gọi là ưu tú đó trong xã hội đã gia nhập đảng nhiều hơn để tìm cơ hội tiến thân nhờ có bàn tay trong guồng máy đảng. Họ vào đảng để tìm đặc quyền, hầu chiếm đặc lợi. Và họ cấu kết với nhau trong mục tiêu rất phàm tục mà chính đáng ấy. 

Nhìn từ bên ngoài thì người ta có thể nghĩ rằng đảng bành trướng quyền lực trên doanh trường - là điều không đến nỗi sai, như các tổ chức mafia vậy. Nhưng nhìn từ bên trong, từ thành phần lãnh đạo xuống, thì hiện tượng ấy không lành mạnh. Lý tưởng bị hy sinh cho lý tài và hiện tượng tham ô trục lợi từ trong đảng tỏa ra ngoài khiến đảng mất lẽ chính thống: không còn lý do lãnh đạo chính đáng nữa. 

Việc diệt trừ tham nhũng - thanh trừng đảng viên tham ô - để lấy lòng quần chúng trở thành đấu đá chính trị.

Nhưng đấu đá chính trị rơi vào sức hút nguyên thủy, phải nói ngàn năm của Trung Quốc, là tranh chấp giữa trung ương và các địa phương, giữa các tỉnh đói ăn và các tỉnh làm giàu. Tranh chấp đó còn nguy ngập hơn nữa vì nhiều đảng viên biến chất - lý tài - lại nhân danh tiến bộ mà cấu kết với doanh nghiệp nước ngoài, đối tác ưu tiên của họ trong kinh doanh. Nhìn theo lối tự kỷ ám thị và bài ngoại truyền thống của Trung Quốc thì ‘tư bản nước ngoài đang lũng đoạn ngay bộ máy đảng!’ Chỉ vì thành phần ưu tú ấy đề nghị các biện pháp cải cách thông thoáng hơn, theo quan niệm kinh tế tự do của Tây phương.

Bây giờ, mình hiểu ra nỗi lo của lãnh đạo đảng.

***

Một số khuynh hướng cực tả trong đảng đã muốn kéo đảng về lý tưởng cách mạng nguyên thủy thì.. đụng vào ‘thực tế Mao Trạch Đông’ và những sai lầm khó chối cãi của "Đại Dược Tiến" - Bước nhảy vọt vĩ đại - hay "Đại Văn Cách" - Cách mạng Văn hoá Vô sản Vĩ đại. Một số khuynh hướng tiến bộ thì nhấn mạnh tới "khoa học phát triển quan" do Hồ Cẩm Đào tung ra để chứng minh sự ưu việt của đảng, nhưng lại đâm vào bức vách của ‘tinh thần Tây phương’, ‘chủ nghĩa tư bản’. 

Ly kỳ nhất là Hồ Cẩm Đào phải nói hai ngôn ngữ đó một lúc - trong khi lại nghĩ khác ở trong đầu. 

Với đảng viên trong các phiên họp kín, ông nhắc tới các khẩu hiệu cách mạng của Mao Trạch Đông, thậm chí có những lý luận nhuốm mùi Đại Văn Cách: vận dụng sự bất mãn của quần chúng để thanh lọc đảng! Với truyền thông và doanh giới ngoại quốc, ông nói về ‘xã hội hài hòa’, ‘quật khởi hoà bình’ và cải cách cơ chế - khiến thiên hạ cứ tưởng ông là thuộc xu hướng đổi mới. 

Nhưng ông không tin vào điều mình nói mà còn ra lệnh đàn áp nặng tại cả Tây Tạng lẫn Tân Cương. Và kiểm soát rất chặt bộ máy an ninh và thông tin tuyên truyền.

Khi nào đứng trong bộ máy nhà nước, các đảng viên cao cấp nói theo giọng thực tiễn của thị trường và của thế giới nên được truyền thông và cả học giả Tây phương đánh giá là ôn hòa cởi mở. Nhưng khi đứng trong bộ máy đảng, cũng chính đảng viên cao cấp đó lại nói theo giọng đặc sệt của tuyên huấn trung ương. Họ có khả năng phân thân nhị trùng như vậy nhưng không có khả năng cứu đảng vì mâu thuẫn căn bản giữa tự do kinh tế và độc tài chính trị. 

Mà càng không có khả năng thì họ càng nghi ngờ, sợ hãi... 

Nhất là khi quần chúng nông thôn ngày càng bất mãn, với 800 triệu dân đang muốn thay đổi, từ nông dân tới công nhân thất nghiệp hay 'dân công' - là thành phần từ quê ra tỉnh kiếm việc gửi tiền về nhà nay sẽ lại hồi hương với tay trắng. Họ muốn thay đổi vì không thể chấp nhận được những bất công nay đã trở thành mười mươi. 

Vì vậy mà 60 năm sau khi lãnh đạo, đảng Cộng sản Trung Quốc đang nghi ngờ đảng viên cao cấp của mình - như Từ Hy Thái hậu vào lúc cuối trào Mãn Thanh. Và giải pháp dễ dãi cổ điển nhất là phát huy tinh thần dân tộc, chủ nghĩa Đại Hán để chỉ ra kẻ thù ở bên ngoài. Sự sợ hãi đang được định chế hoá thành tinh thần ‘sô vanh dân tộc’ - chữ của cộng sản từ “chauvin” - nhuốm mùi bài ngoại. Và dồn vào sức mạnh bảo vệ của Quân đội Giải phóng, để trở thành giấc mơ bành trướng...

Những ồn ào vọng động của Trung Quốc đối với thế giới bên ngoài chỉ là mặt trái của sự hãi sợ ở bên trong.

___

Bài số năm trong loạt bài về Trung Quốc trên Việt Báo, viết ngày 28 Tháng Chín, 2009 – Hình Reuters: Tiềm thủy đĩnh Trung Cộng giương uy tại Thanh Đảo. Bên trong, trái tim lại phập phồng!

Không có nhận xét nào: