Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

2023.09.25 Nguyễn Xuân Nghĩa : TẬP CẬN BÌNH THÌNH LÌNH ĐÒI BAY!

 TẬP CẬN BÌNH THÌNH LÌNH ĐÒI BAY! (230925)

Này nhé, thế giới đang theo dõi bao khó khăn đa diện của Hoa Kỳ, từ nội tình kinh tế xã hội ra bên ngoài khi các chế độ hung đồ cường bạo lại cấu kết với nhau... 

Các chế độ trải dài từ Moscow tới Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, vòng qua Tehran của Ba Tư đến Havana của Cuba và Caracas của Venezuela, v.v... đều thấy hài lòng. Họ xoa tay trước sự lầm than của nước Mỹ và vòng tay trước vị trí chói lòa của Trung Cộng. Đó là nền kinh tế hạng nhì thế giới, dưới sự lãnh đạo của một Hoàng đế hạng nhất để phát triển kinh tế theo mẫu mực Bắc Kinh, một khắc tinh của mô thức tư bản mà Hoa Kỳ đề cao và nay lại đang lung lay!

Hình như báo chí Mỹ đang nhắc nhở mấy điều này. Nhưng ta hãy nhìn xa hơn một chút, vào nội tình Trung Cộng và Hoàng đế Tập Cận Bình...

***

Khi còn là bí thư Phúc Kiến rồi Chiết Giang, từ những năm 2000 đến 2007, Tập Cận Bình đã nghe thế hệ lãnh đạo thứ tư (sau Mao, Đặng và Giang Trạch Dân) là Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo than vãn về bốn nhược điểm kinh tế: không cân đối, không phối hợp, không công bằng và không bền vững. Đã lên tới vị trí cao cấp, họ Tập có năm năm suy ngẫm và học hỏi về phương thức giải quyết nạn ‘bốn không’ vì thấy kết cục là... ‘không bền vững’!

Khi lên lãnh đạo sau Đại hội 18 vào cuối năm 2012, Tập Cận Bình đã biết phải làm gì, và làm sao thực hiện ước muốn đó.

Vì hai cha con (Tập Trọng Huân và Tập Cận Bình) từng là nạn nhân của Mao trong đấu tranh bè phái, ngụy danh Cách mạng Văn hóa Vô sản Vĩ đại, Tập Cận Bình hiểu là muốn thực hiện giấc mơ cho Trung Quốc thì phải nắm quyền tuyệt đối như Mao. Nhưng phải khá hơn Mao để loại bỏ mọi rủi ro cạnh tranh trên thượng tầng.

Đã chứng kiến sự lớn mạnh bất ngờ của Trung Quốc sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách từ 1979, Tập Cận Bình hiểu ra thế mạnh của kinh tế thị trường. Mà cũng thấy được nhiều bất ổn phát sinh từ quy luật thị trường có thể đe dọa hệ thống chính trị. Phương thức giải quyết của Tập Cận Bình là đảng phải vận trù quy luật thị trường, tức là quản lý tư bản chủ nghĩa để đạt mối lợi mà không gặp bất ổn như chế độ tư bản Tây phương. 

Và theo sát học thuyết của Mao, làm gì cũng phải giáo dục - một định nghĩa của tuyên truyền - là tráng lớp sơn hào nhoáng lên những thực tiễn sẽ thi hành. “Trung Quốc Mộng” là lớp sơn đó, như sáng kiến “Nhất Đới Nhất Lộ”, v.v... sau này...

Thật ra, Tập Cận Bình chẳng phát minh ra điều chi ghê gớm! 

Đấy chỉ là ‘Chủ nghĩa Tư bản Nhà nước, dưới sự Lãnh đạo Tuyệt đối của Đảng’. Đã là tuyệt đối thì phải nâng nguyên tắc dân chủ tập trung của Lenin lên tối đa: tập trung vào một lãnh tụ có ý chí thực hiện cả hai phép lạ là cách mạng như Mao, và khai phóng như Đặng. Và lưỡi gươm diệt trừ tham nhũng còn loại bỏ bất cứ ai có thể nghĩ khác với lãnh tụ.

Quyền lực tập trung như vậy sẽ bảo đảm việc thực hiện cho tới thành công, mà khỏi cần nhắc tới nhiệm kỳ hai lần năm năm! Còn tư bản chủ nghĩa của nước dẫn đầu là Mỹ thì đã có triệu chứng xơ cứng, việc bầu cử tổng thống chỉ dẫn tới gẫy đổ.

Mười năm sau, Tập Cận Bình thấy lớp sơn hào nhoáng của mình đã thành sắt thép vì là người duy nhất cả tin vào thuật tuyên truyền của mình. Quyền bính quá cao và quá lâu làm y mất khả năng luận lý khoa học.

***

Sau ba chục năm hoang tưởng của Mao, Đặng Tiểu Bình đã lấy rủi ro lớn khi tháo gỡ hệ thống gông cùm cho người dân được thở, lại còn khuyên họ làm giàu. Cũng dễ thôi, từ chốn bần cùng mà được đứng dậy cào đất kiếm ăn thì ai cũng cố. 

Mươi năm sau, khi thấy thành phần nông dân thành công về kinh tế, Đặng Tiểu Bình cũng bất ngờ. Nhưng đủ lương thiện để nói Trung ương đảng không nhận đó là công của mình. Đấy là sức bật tự phát của người dân từ dưới bung lên. Chứ thật ra đảng chưa có chủ trương hoàn chỉnh, ngoài việc học lại kinh nghiệm của Đài Loan, Nam Hàn và Singapore. 

Mà nhìn vào địa dư thì khu vực tăng trưởng mạnh nhất là nơi quy luật thị trường tạo ra sức bật và không bị cấm đoán (như Chiết Giang hay Quảng Đông). Tại trung tâm của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với kỹ nghệ nặng và sự chỉ đạo của đảng (ba tỉnh Đông-Bắc) thì tăng trưởng thấp mà nợ nần cao.

Khi từ số không mà đứng dậy, đi tới, thì đà tăng trưởng dễ dàng tăng gấp đôi, gấp ba, gấp mười. Các quốc gia Đông Á chung quanh đã khởi phát như vậy, trước tiên là Nhật Bản. Kinh tế tăng trưởng 10% một năm là sự thường trong vài thập niên đầu, cho đến thời ‘bình phi’ như phi cơ bay ngang sau khi vọt lên với giác độ 30-40 độ. 

Cũng từ Đặng Tiểu Bình, người ta thấy sức bật đầu tiên và dễ nhất là từ thôn dân, sau đó mới là các tiểu doanh thương ở thành thị khi tài sản bị sai áp được nhà nước trả lại. Đà tăng trưởng đi cùng hiện tượng ‘đô thị hóa’ đã giải phóng cả tỷ người khi đảng và nhà nước bớt dần việc kiểm soát giá cả và còn cho tư nhân hóa một số công ty quốc doanh.

Nhưng mâu thuẫn giữa kinh tế và chính trị bùng nổ.

Trung Quốc vẫn là Trung Cộng, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, và chế độ công hữu vẫn chỉ đạo, quyền tư hữu không được công nhận và bảo vệ. Người dân được giải phóng thì sức bật hất họ lên tới trần, rồi rơi xuống! 

Giới quan sát nông cạn cho rằng đảng đã tạo ra phép lạ nhờ chánh sách công nghiệp và hệ thống tài trợ của nhà nước mà không hiểu vì sao lạm phát trong một chế độ độc tài – tức là độc quyền tham ô – lại dẫn đến vụ tàn sát ở Thiên An Môn vào Tháng Sáu 1989!

Đặng Tiểu Bình là người ra lệnh tàn sát, nhưng sau chuyến “Nam tuần” (công du các tỉnh miền Nam) vào năm 1992, vẫn quyết định tiếp tục theo quy luật thị trường. Kết cuộc là một chế độ thuộc loại “phi cầm phi thú”, nửa dơi nửa chuột, khi bay khi bò. Mười năm sau, tình trạng quái dị đó mới dẫn tới nền kinh tế ‘bốn không’ mà thế hệ Hồ Cẩm Đảo và Ôn Gia Bảo đã thấy và than. Tập Cận Bình rút tỉa ngần ấy bài học nên có tham vọng xây dựng chủ nghĩa tư bản nhà nước dưới sự lãnh đạo của đảng, tức là của cá nhân mình. 

Ta đang thấy một con thú đòi bay! Thật ra, Tập Cận Bình chỉ đòi bay chẳng khác gì Mao Trạch Đông.

Những ai chậm hiểu và tối dạ nhất thì cũng thấy ra cái hất tay của họ Tập tại Hong Kong. 

Khu vực này chưa hề có dân chủ nhưng có tự do, đã phát triển theo quy luật thị trường với hạ tầng luật pháp xây dựng từ thời Anh thuộc. Nhờ vậy mà giới đầu tư có hành lang hiện đại để ra hay vào Hoa lục. Doanh nghiệp của đảng và nhà nước Bắc Kinh dùng quy chế tự do của hành lang để tiếp cận với bên ngoài làm thế giới lầm tưởng Hoa lục cũng sẽ thơm mùi Hương cảng!

Nhưng khi cho ban hành Đạo luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong năm 2020, Tập Cận Bình đã cạo lớp sơn hào nhoáng của tuyên truyền để khoe chất thép bên trong! Giới quan sát hiện tình Trung Cộng đều tự hỏi vì sao họ Tập lại nóng vội như vậy khi nhiều khối kinh tế thế giới đang cân nhắc về chiến lược thoát khỏi chuỗi cung ứng tại Hoa lục?

Khái niệm “de-sinization” không chỉ hàm ý kinh tế mà còn có yếu tố an ninh. Trung Quốc không là nơi làm giàu mà là nơi đe dọa an ninh của các lân bang và còn gây hấn ngoại giao với quốc gia nào làm Bắc Kinh bực bội. Đường lối ngoại giao ‘chiến lang’ chính là phát minh của Tập Cận Bình!

Sau khi suy ngẫm và tóm tắt trong 1.500 chữ, bài này xin đi tới vài kết luận chúng ta sẽ phải kiểm chứng trong thời gian tới.

1/ Tập Cận Bình ý thức được sự phá sản của ‘Chủ nghĩa Tư bản Nhà nước, dưới sự Lãnh đạo Tuyệt đối của Đảng’ vì Tư bản Nhà nước là nhà nước quyết định thay cho thị trường nên sẽ ưu tiên phát triển nạn tham nhũng.

2/ Trong khi đó, cũng do Nhà nước mà việc đầu tư gây lãng phí và chất lên một núi nợ còn nhanh hơn đà xây dựng. Hạ tầng cơ sở vật chất chỉ hù dọa báo chí nông cạn của quốc tế chứ kinh tế không tăng trưởng mà chỉ phát triển chủ nghĩa can thiệp đầy tốn kém của nhà nước.

3/ Người dân và các hộ gia đình dần dần thấy ra sự thật về chuyện nợ nần, và trận đại dịch Vũ Hán với quyết định khi đóng khi mở khiến mạng người chỉ là cỏ rác càng làm họ mất niềm tin, từ hệ thống y tế công cộng đến hệ thống tài chánh công quyền.

4/ Bao biến cố dồn dập từ mấy năm, với cao điểm là Đại hội đảng Khóa 20 vào Tháng 10 năm ngoái, khiến các đảng viên cao cấp và lãnh tụ hồi hưu nghĩ lại. Việc trao quyền tối đa cho họ Tập suốt 10 năm qua lại dẫn tới kết quả trái ngược: giải quyết thì ít mà gây khó thì nhiều!

5/ Hậu quả bất ngờ nhất là thế giới ngày nay đã mở mắt, cho nên hết nể và hết sợ Trung Cộng. Họ thấy mô thức Tập Cận Bình... không bền vững!

Không có nhận xét nào: