Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

Thái Văn Anh - Tôi sẽ không tậu cả con lợn chỉ vì một mẩu xúc xích

LẦN ĐẺ THỨ 2

(Chuyện này không phải do Thái Văn Anh viết)

Trên đời này chẳng gì có thể là không xảy ra và không thể vượt qua được cả. Lắm lúc ngồi nghĩ về số phận mình như vậy cũng tủi thân bởi vì tất cả những lúc bi đát nhất đều chỉ có một mình. Bố mẹ không phải không thương mình nhưng mình biết có nói ra nữa ông bà cũng chẳng thể giải quyết được cho mình mà lại còn gánh thêm sầu tủi. Tôi cũng không hiểu sao đời mình lại khốn khổ như thế, cho dù bản thân cũng cố gắng rất nhiều. Viết ra không để kể tội lẫn nhau hay than vãn một điều gì nữa, mà chỉ để giải thích vì sao trái tim tôi khó tha thứ cho một số người đến vậy.


Lần mang thai thứ hai của tôi khi tôi 30 tuổi năm 2010, tôi thích có con, điều đấy là chắc chắn, càng nhiều con càng tốt. Và lần mang thai này hơi vất vả, đau bụng, dọa xảy và hở eo. Tôi đã cố gắng giữ nhưng đến tháng thứ 7 tôi bị đẻ non và đã không giữ được. Một mình nằm trong một ngôi nhà cũ nát như bệnh viện thời chiến và có bàn thờ bố chồng mới mất để ngay phòng khách (tôi phải ở tầng 1 vì mới sinh yếu không thể leo lên phòng ngủ tầng 2 được) đã làm tôi không thể ngủ hằng đêm. Nhà không có ai, vậy lúc đó chồng tôi đâu?… Đi học Hà Nội và lúc về cuối tuần thì đi ngồi bài bạc suốt. Bởi thế mà lúc tôi nằm ở bệnh viện phụ sản dưỡng thai không hề có bóng dáng của chồng, tự mua cơm và ăn cơm. Một mình leo lên bàn khâu eo và leo xuống trong khi những người phụ nữ khác mẹ chồng 1 bên mẹ đẻ 1 bên và chồng bế lên bế xuống bàn tiểu phẫu. Khi tôi bị tiêm thuốc mê, đầu óc hoang mang, bác sĩ hỏi em đi với ai tôi trả lời: “em đi một mình” Bác sĩ bảo: “cô giỏi”. Khi bước xuống bàn tiểu phẫu, thuốc mê vẫn còn chưa hết hơi, tôi run run rút trong  túi ra 50k bảo: "em bồi dưỡng cho bác sĩ”. Tôi hoa mắt cũng chả nhìn được khuôn mặt của bác sĩ mà chỉ nghe thấy tiếng nói: em cầm mà bồi dưỡng, em yếu lắm. Khi khâu eo xong, bệnh nhân phải nằm kê chân cao mấy ngày đầu, tôi không thể ngồi dậy ăn được mà phải có người đút ăn. Tuy nhiên, ai đút?... Tôi đã phải nằm trong tư thế quay mồm sang phải và bốc đồ ăn bằng tay cho vào mồm. Anh chăm vợ bên cạnh thương cảm nói với tôi: chẳng lẽ anh chăm vợ anh mà lại sang đút cho em thì không tiện, em hỏi thằng chồng em xem nó có cần con không thì hãy cố, không chỉ khổ em thôi. Tôi cũng chẳng biết nói gì hơn và chỉ im lặng.

Tôi cũng chả buồn tủi gì vì tôi cũng đã quá quen và lúc đó tâm trạng của tôi càng chài lì hơn bao giờ hết. Tôi cũng chợt nghĩ đến hôm đó là ngày cuối tuần, chồng tôi ở nhà và không phải đi làm. Tôi gọi điện về: anh mua hộ em đùi gà tần, em thèm quá. Đầu máy bên kia: giờ này mua gà tần ở đâu?. Tôi buông máy chả thèm đáp lại. Rồi có lúc tôi cũng kêu một vài việc với chồng là: “em mệt quá” Hay “em bị chuột rút nhiều quá”. Nói ra cũng là để cần một câu an ủi từ chồng. Nhưng anh đáp lại là: "cứ làm như mỗi bà chửa đẻ ấy." Thế thì lần sau chỉ biết im lặng… bởi vì nói ra cũng vô ích mà thôi, mà lại có khi rước bực dọc vào người. Lúc này, có thể mọi người thắc mắc là bố mẹ, anh chị em tôi đâu. Mẹ tôi đang trông con lớn cho tôi cháu học lớp 2, lúc đó chỉ đưa đi đón về cũng mệt mà mẹ tôi lại đi làm ca. Em trai tôi làm việc trên Hà Nội. Bởi vậy, mọi người chỉ có thể thăm nom tôi chốc lát. Tôi cũng xác định phải tự mình vượt qua mọi thứ, nhất là sự cô đơn - điều mà tôi sợ nhất. Nhưng, tôi cũng không thể chấp nhận được sự vô tình và vô tâm của chồng tôi, người mà lúc đó cũng lớn tuổi rồi (U50). Nó cứ giết dần cảm xúc trong tôi đi là thế.

Bởi trên tất cả, tôi cũng đã cố gắng tạo ra cơ hội cho chính mình và anh ta. Tôi đã lén tự rời viện vào những giờ không quản lí để đi xe ôm về nhà nấu những bữa cơm để ăn cùng nhau, để gây dựng tình cảm. Tôi bắt xe về và thấy chồng mình ngủ dài trên ghế, chắc đêm qua đánh bài cả đêm. Khi đang ăn dở bữa thì có điện thoại, anh ta buông bát: anh phải đi tí, chút nữa về lai em lên viện. Tôi ăn một mình nốt bữa cơm tối trong căn nhà hiu hắt ánh đèn vì không đủ điện sáng (chồng tôi không bao giờ để ý tới và tôi cũng về đó có gần một năm thôi). Tôi rửa bát xong xuôi và ngồi đợi, đợi mãi đến gần giờ giới nghiêm của viện, tôi vội vã gọi xe ôm chở lên viện. Chồng tôi không về và cũng không biết bao giờ về nữa. Tôi nằm viện tầm 2 tháng thì xin về nhà vì kinh tế cũng không có, tiền lương 4 triệu thì thuê giáo viên dạy thay cho mình trả 2 triệu rồi. Chồng tôi thì đưa thêm 2 triệu thôi và cũng phải đưa làm 2 ~ 3 lần cho dù lương ổng làm VNPT rất cao và nhiều thưởng. Tôi càng ngày càng tự ti số phận, tôi cảm thấy cuộc đời tôi như bỏ đi, như kiểu một tội đồ luôn làm khổ bố mẹ và con cái. Cho dù các đồng nghiệp của tôi thường động viên tôi: "em xinh và giỏi lắm! Chị thấy tiếc cho em! Chị thích nụ cười của em, em cười lên cho rạng rỡ nhé!" Cho dù thế, lúc đó tôi chả nghĩ được gì mà chỉ thấy xung quanh màu xám bao phủ. Kinh tế thì chật vật, cái thai thì mong manh không biết có giữ nổi không? Trong khi đó tinh thần thì cô đơn và đôi khi hoảng loạn. Ngày đón tôi ở bệnh viện về, tôi vừa xuống xe đặt cái chậu và hành lí xuống, chồng tôi nhận được một cuộc điện thoại và anh ta bảo tôi: "tôi phải đi." Tôi khóc và bảo: "em vừa đi viện về, anh ở nhà ăn cùng em bữa cơm." Anh ta bảo tôi: "không được, sếp của tôi gọi đi đánh bài nên tôi không chối được." Lúc đó tôi căm thù sếp của chồng mình thế. Tôi hét lên: "Cái gì mới quan trọng với anh đây?" Chồng tôi cũng hét lên: “Tao đánh bài 20 năm rồi, lấy mày có 2 năm. Tao bỏ mày được chứ không thể bỏ bài được". Tôi im lặng và câu đó hằn trong đầu tôi đến tận lúc ly hôn tôi nói lại, ông ta lại chống chế: "tôi không nhớ!" Vậy hóa ra tôi là người thù dai nhớ lâu, còn người khác cứ tự cho phép mình hành xử  ẩu để rồi bắt tôi phải tha thứ. Và khi trái tim tôi băng đá lại rồi thì lại trách tôi nhẫn tâm.


Có công bằng với tôi không? Người đàn ông lúc đã say mê một thứ gì đó thì thường nhẫn tâm và vô trách nhiệm với chính người vợ của mình. Cũng có thể có rất nhiều người phụ nữ khổ hơn tôi họ vẫn chấp nhận người chồng như vậy. Nhưng mỗi người một khác, sức chịu đựng của một con người cũng phải có giới hạn. Một người phụ nữ biết sống như nào trong sự đơn độc, nghèo khổ, vô tâm và bị chính người chồng của mình vô trách nhiệm từ những hành động nhỏ nhất. Lắm lúc tôi cũng cười nhạt ấy: không tình, không tiền thì kết quả sẽ là gì?

Qua nhiều sóng gió và cũng cho nhiều cơ hội, có những người cũng không hề biết là cơ hội cuối cùng rời đi mà chả cần níu kéo. Lúc đã xảy ra rồi, ngồi oán trách. Có những người đã từng nói với tôi: "khi mày bỏ nó tao thấy nó tội nghiệp, đáng thương lắm. Về làm lại từ đầu đi." Ô, thế mọi người không nhìn thấy những lúc tôi đáng thương à, những lúc tôi tưởng tôi chỉ ước một giấc ngủ sẽ đưa mình đi mãi. Tại sao họ chỉ nhìn thấy bây giờ tôi vui vẻ vững vàng thì lại nghĩ tôi là kẻ vô tình, và nghĩ rằng tôi nên tha thứ. Chăc chắn một điều là tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho kẻ đã làm tôi tổn thương không chỉ một lần, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho kẻ buông tay tôi lúc tôi không còn ai để bấu víu. Đừng trách tôi có trái tim sắt đá và vô tình trong tình cảm, bởi vì tôi cũng đã bị tổn thương quá nhiều.

Không có nhận xét nào: